Chương 18
TÔI ĐÃ GẶP BỐ VÀ NHẬN ĐƯỢC THƯ CỦA MẸ Ở ĐÂU?

Ngay đêm ấy, uống rượu xong, anh Lềnh bảo:
- Cảm ơn bác sĩ nhé. Tôi đã cử người đưa đồng chí trở về huyện. Ta đi ngay bây giờ hay sáng mai?
Y sĩ Tính đáp:
- Đi ngay thôi. Ở viện tôi còn có mấy ca rất nặng đang theo dõi trên lâm sàng. Tôi đi đêm quen lắm rồi.
Anh Lềnh không nói gì thêm, bước ra cầu thang giơ tay che miệng làm loa, hướng về phía núi Khậu Phai mà hú. Trong đêm tịch mịch, tiếng hú nghe vang động làm sao. Hú ba tiếng rồi, anh quay vào:
- Ta lên đồn ngay bây giờ nhé. Em có sợ không?
Tôi đứng dậy:
- Có gì mà sợ?
Y sĩ Tính cười:
- Trời ơi, đồng hương nhỏ tuổi của mình khá thật.
Tôi trả lại ông cái túi dết lúc đi căng phồng thuốc tiêm, thuốc uống, giờ đã lép xẹp. Chúng tôi chia tay nhau. Y sĩ Tính bảo khi nào tôi về nhớ rẽ qua bệnh viện huyện thăm ông. Rồi ông chào mọi người, xuống cầu thang.
Chúng tôi cùng tiễn ông. Trưởng bản đốt bó đuốc nhựa trám soi đường. Dưới chân cầu thang, cặp ngựa con hồng con đen đang đứng gõ chân cho đỡ rét. Trưởng bản đem thóc cho chúng ăn. Lát sau, từ phía núi có tiếng hú dài. Rồi ánh lửa đuốc chập chờn tiến đến, mỗi lúc một rõ hơn. Trong ánh mắt theo dõi chăm chú theo dõi của mọi người, binh nhất Síu hiện ra, trang phục chỉnh tề, súng liên thanh đeo sau lưng, súng ngắn giắt bụng. Tay anh cầm cây đuốc lớn.
- Báo cáo, tôi có mặt.
Anh đứng nghiêm, giơ tay chào anh Lềnh theo điều lệnh. Anh Lềnh chào đáp lại rồi đáp:
- Thi hành mệnh lệnh.
Binh nhất Síu dập hai gót chân:
- Rõ.
Anh quay sang nhìn chúng tôi:
- Bác sĩ đâu ạ? Tôi có nhiệm vụ hộ tống đồng chí.
- Tôi đây, tôi đây… Ta cùng đi với nhau cho vui.
Y sĩ Tính đáp lại, cuống quýt. Ông ngượng ngùng trước thái độ trịnh trọng của hai chiến sĩ biên phòng đối với mình. Ông đeo túi dết, nhảy lên lưng con ngựa ô, rồi giơ tay chào chúng tôi lần nữa:
- Hôm nào về, nhớ vào chơi, đồng hương trẻ tuổi nhé.
Tôi đáp:
- Cháu nhớ rồi.
Tiếng nói của chúng tôi đập vào vách đá, nghe như có người nhại. Anh Síu nhảy lên lưng con ngựa hồng, thúc mũi giày giục ngựa chạy. Bó đuốc trong tay anh cháy phần phật, khi xa dần trông như một vầng mặt trời giữa lớp mù sương.
Tôi hỏi anh Lềnh:
- Đi giữa đường, cháy hết đuốc thì làm sao?
Anh Lềnh đáp:
- Có đèn pin chứ. Đốt đuốc là để đỡ tốn pin. Được đoạn đường nào hay đoạn đường ấy.
Rồi anh quay lại chào trưởng bản:
- Thôi, ông lên ngủ cho khoẻ. Anh em tôi về đây.
Trưởng bản lên cầu thang.
- Anh em ta lên đường – anh Lềnh nói rồi rút trong túi áo ra chiếc khăn len đưa cho tôi – Em có biết em đánh rơi ở chỗ nào không? Ngay dưới cầu thang nhà lão thầy mo đang cúng. Chưa lên nhà, anh đã nhặt được.
Tôi trùm khăn ấm thật. Có lên vùng núi cao mới thấy rõ giá trị củ một tấm khăn len, một chiếc áo bông, một đôi bít tất hoặc găng tay. Khi ta có chúng, cái lạnh giá ghê rợn của thiên nhiên bị đẩy lùi lại và con người bỗng thấy tự tin hơn ở những của cải mình đã làm ra, ở nền văn mình, phương tiện giúp con người chống đỡ và chiến thắng sự khắc nghiệt của hoàn cảnh sống. Tôi nhớ lại rành rọt những lời thầy giáo dạy sử đã dạy. Và tôi bỗng thương những bầy người thời nguyên thuỷ, khi họ chưa có áo quần, chưa có những kiến thức của con người…
Anh Lềnh đập vào vai tôi, khiến tôi giật bắn lên:
- Sao im lặng thế?… Mọi lần em nói chuyện vui lắm mà.
Tôi đáp:
- Em đang mong về đồn cho thật nhanh.
Nhưng những ý nghĩ miên man vẫn cứ chạy qua óc tôi như những tia chớp trong một đêm đông, rất nhanh, rất ngắn nủi nhưng mạnh mẽ.
Tôi lên tới đồn, chưa kịp bước vào nhà, Loan đã nhảy ùa ra ôm. Rồi vừa ôm nó vừa hỏi huyên thuyên trăm ngàn thứ chuyện. Tôi bước vào, ngạc nhiên vì quanh bếp lửa có tới ba bốn chục chiến sĩ đang ngồi. Ngọn lửa cháy thật cao, y như ngọn lửa trại,hắt sáng lên từng khuôn mặt đen râm, hốc hác và mệt mỏi. Thấy tôi, họ quay ra nhìn:
- Ô, em Bê, con gái thủ trưởng đấy!
- Ôi, con bé xinh quá nhỉ… Thủ trưởng cứ nhắc tới luôn.
Hai người lớn tuổi chạy tới, nắm tay tôi, ân cần nói:
- Vào đây cháu. Ngoài trời lạnh lắm hả?
Tôi nhìn quanh. Một nỗi lo âu mơ hồ như dòng điện run rẩy lan khắp người. Tôi nhìn lại lượt nữa. Vẫn không thấy gương mặt quen thân của bố tôi. Tôi hỏi anh Lềnh:
- Bố em đâu?… Bố em đâu, anh Lềnh?
Người chiến sĩ to lớn như hộ pháp bước tới gần bếp lửa, kéo tôi ngồi:
- Rồi anh sẽ nói. Em cứ ngồi sưởi cho ấm đã.
Tôi rút tay tôi khỏi bàn tay rộng lớn của anh:
- Không. Em không ngồi. Anh nói đi. Bố em đâu rồi?
Anh Lềnh ngước nhìn tôi, khẽ đáp:
- Bố em bị thương chưa về được.
Tôi lạnh toát người. Tôi muốn khóc. Nhưng tôi cố gắng ghìm giữ để hỏi thêm:
- Thế bây giờ bố em nằm ở đâu?
Một trong hai chiến sĩ lớn tuổi vừa ân cần nắm tay tôi lúc nãy trả lời:
- Bố cháu đang ở trạm phẫu thuật của trung đoàn. Cháu đừng lo. Thế nào rồi bố cháu cũng sẽ về đây.
- Không – tôi nói – Cháu không chờ bố cháu về đây. Cháu đến ở với bố…
Nói tới đó, tôi khôngkìm được dòng nước mắt nóng hỏi đang tràn khỏi bờ mi. Những giọt nước mắt lớn, lăn rất nhanh, rơi lã chã.
- Bố… bố ơi!…
Tôi bỗng bật tiếng gọi trong cơn nức nở. Hàu như tất cả những oan ức, những đau khổ của riêng mình, những nỗi lo âu, những niềm thương nhớ đã ấp ủ suốt cuộc hành trình cùng lúc tràn đầy trái tim nhỏ bé của tôi. Những gì tôi dự định sẽ nói với bố tôi liền biến thành cơnnức nở kéo dài với nỗi nghẹn ngào dâng lên, không nhấn chìm được xuống. Mọi người để cho tôi khóc rất lâu. Tới khi tôi ngủ gục bên bếp lửa, họ mới bế tôi lên giường, đặt nằm bên cạnh Loan. Họ trùm cho chúng tôi hai tấm chăn bông. Bên ngoài, còn phủ thêm lượt dù để giữ hơi ấm. Vì thế, hai chúng tôi ngủ say tới gần mười giờ sáng hôm sau mới thức dậy.
Tôi bảo Loan:
- Tớ phải đến trạm phẫu thuật của trung đoàn với bố tớ. Đằng ấy cứ ở đây chơi nhé.
Loan giãy nảy lên:
- Không, đằng ấy xấu chơi lắm. Đằng ấy xuống bản Khum đã bắt tớ ở nhà một mình rồi. Bây giờ tớ không chịu đâu.
Tôi bảo:
- Nhưng đường đi khó khăn. Có thể gặp hổ. Cũng có thể gặp cả phỉ nữa.
Loan lắc đầu:
- Chả gặp cái gì hết. Mà gặp cái gì cũng được. Tớ cứ đi. Đằng ấy đi đâu, tớ đi đấy.
Tôi nói:
- Thôi được, chúng mình sẽ cùng đi. Ta đi ngay ngày hôm nay. Ăn cơm xong là lên đường.
Tất cả các tiểu đội đều đã đi làm nhiệm vụ hết. Hai người chiến sĩ đứng tuổi hôm qua chính là hai trung uý phó đồn. Các chú ấy vừa xới cơm cho chúng tôi ăn vừa trò chuyện. Một chú đã hai năm chưa về phép, còn chú kia cũng như bố tôi, đã hơn ba năm chưa về. Cả hai người đều nhớ nhà, nhớ con da diết. Họ ôm chúng tôi, vuốt tóc, vuốt má, vồn vã âu yếm nhưng vụng về. Tôi nói:
- Giờ cháu tiến bộ nhiều rồi, cháu biết thương bố cháu. Trước đây, bố cháu về phép ôm cháu vuốt tóc như các chú bây giờ là cháu chui khỏi vòng tay, chạy ra phố liền. Cháu chê người bố cháu có mùi thuốc lá với mùi rừng...
Hai trung úy cười vang.
Một chú bảo:
- Các chiến sĩ đã chuẩn bị ngựa với thức ăn đường rồi. Chú cử anh Lềnh và một chiến sĩ người Kinh bắn giỏi nhất đại đội đưa các cháu đi. Các cháu bằng lòng chứ?
Tôi gật đầu:
- Cháu cảm ơn chú.
Hai trung úy phó đồn lần lượt bắt tay chúng tôi. Ngoài sân, anh Lềnh cùng một chiến sĩ thấp bé, gương mặt lanh lợi đã chờ sẵn bên ba con ngựa. Anh Lềnh nói:
- Ta lại đi thôi.
Anh cùng người chiến sĩ kia dắt ngựa xuống núi trước. Tôi và Loan quay lại, chào các trung úy phó đồn lần cuối rồi đi theo. Loan xách túi quần áo, tôi đi tay không. Nó muốn thế vì mấy hôm nay tôi mệt.
Trạm phẫu thuật của trung đoàn nằm giữa rừng già. Những dãy lều bạt nối tiếp nhau. Giường nằm của bệnh nhân bên trong cũng là thứ giường bạt, khung nhôm có thể gập gọn và di chuyển nhẹ nhàng. Bóng bác sĩ, y sĩ, y tá quâny mặc áo trắng đi lại giữa khu nhà bạt, dưới vòm cây xanh màu diệp lục khiến tôi có cảm giác như chiến tranh đang xảy ra gần đây. Đúng là một cuộc chiến tranh thật. Nhưng cuộc chiến tranh âm thầm không tiếng đại bác nã, không có bộc phá nổ, không có tiếng thét xung phong và ngàn ngàn quân lính tiến lên trong hồi kèn xung trận. Cuộc chiến tranh tiêu diệt phỉ diễn ra trong những dãy núi cao chót vót, những khu rừng thăm thẳm bịt bùng. Người chiến sĩ phải chiến đấu khó khăn hơn, đơn độc hơn, dai dẳng hơn...
Ý nghĩ đó khiến tôi thương bố và tự hào vì bố.
Người lính thường trực trạm phẩu thuật đưa chúng tôi tới tận nơi bố tôi đang nằm. Ở đây, bệnh nhân ít nên các nhân viên phục vụ bệnh viện thuộc từng người.
- Đại úy Vũ Đình Tùng, có người tới thăm.
Bố tôi đang nằm quay mặt vào trong. Hình như bố đang lơ mơ ngủ. Nghe người thường trực trạm phẫu thuật goi, bố quay ra.
- Bố ơi...
Tôi khẽ gọi. Rồi tôi bước tới một bước quỳ xuống, ôm đầu bố.
- Ô, con Bê, con Bê của bố...
Bố nhắm mắt lại. Từ hai đuôi mắt, nơi những nếp nhăn hình rẻ quạt hằn lên, những giọt nước mắt lặng lẽ chảy. Tôi kinh ngạc nhìn những giọt nước mắt lớn và đục lăn qua thái dương. Tôi chưa nhìn thấy bố tôi khóc bao giờ.
- Bố ơi, bố có đau không bố?
Tôi cất tiếng hỏi. Không hiểu sao, giọng tôi sai lạc hẳn đi, nghe như tiếng nói của một người nào đó. Nước mắt tôi, tưởng chừng như đã khô cằn vì những cơn nức nở ngày hôm qua, lại trào lên, cay xè giữa hai mí mắt còn sưng húp. Nước mắt tôi rơi vào đám tóc bố. Tóc bố cứng, mùi mồ hôi và mùi bụi bốc lên. Hẳn là suốt chiến dịch tiễu phỉ vừa qua, bố không được tắm gội. Đám râu quai nón bao quanh khuôn mặt bố cũng chưa được cào, cọ nham nháp vào mặt tôi. Tôi ngửi thấy mùi thuốc súng khét lẹt trên áo quần bố, mùi thuốc sát trùng hăng hắc và mùi các vết thương vừa được băng bó xông lên... Nhưng bây giờ, tất cả những điều đó đối với tôi không còn ý nghĩa. Tôi cảm thấy bố không còn xa lạ với tôi như trước. Bố không còn là anh bộ đội về phép, đeo ba lô bước vào nhà, người bốc lên mùi rừng và mùi thuốc lá – cái anh bộ đội mà tôi phải gọi bằng bố theo lệnh của mẹ tôi. Nhưng dì mẹ tôi có dỗ dành, đe nẹt thế nào, tôi cũng không ngồi chơi với anh ấy được quá nửa tiếng đồng hồ... Không, bây giờ bố tôilà bố tôi, một phần cơ thể tôi, tình thương yêu trìu mến, niềm kính phục và lòng tự hào của tôi. Tôi ôm đầu bố trong tay, cho bố tha hồ hôn lên đôi má và mái tóc tôi. Bây giờ, bố không thể vuốt ve tôi bằng đôi tay cứng rắn nữa. Tay bố bị thương, băng trắng toát đặt lên trước ngực...
Hai chiến sĩ từ biệt bố tôi ra về. Tôi và Loan ở lại trạm phẫu thuật. Chúng tôi giúp các cô y tá nấu nước, thay bông băng, tắm gội, đơm khuy áo đứt và vá những chỗ rách cho các chiến sĩ. Có lẽ đó là những công việc có ích nhất trong tuổi thơ mà chúng tôi đã làm được. Nó day chúng tôi lòng nhẫn nại và đức tính chịu đựng. Lòng hy sinh và sự cần mẫn của nhiều cô y tá khiến tôi kinh ngạc. Cácc cô đã phục vụ quân đội mười hai năm liền. Trừ những đợt phép ngắn ngủi, quanh năm các cô sống dưới vòm lá rừng, chăm sóc các thương bệnh binh. Những người phụ nữ như thế phải có tấm lòng dịu dàng và khoan dung của một bà tiên trên thượng giới hay của một người mẹ hiền trên thế gian.
Ngoài những lúc quanh quẩn bên giường bệnh của bố hoặc giúp các cô y sĩ, y tá làm việc, tôi và Loan cũng còn đủ thời gian vào rừng chặt măng hoặc hái nấm. Gần trạm phẫu thuật có một con suối lớn, nước sâu. Suối có nhiều cá. Anh cấp dưỡng của trạm dạy chúng tôi câu cá một lần. Từ lần sau, chúng tôi tự đi câu lấy. Ngày nào cũng câu được cá, ít nhất cũng ba bốn con bằng ngón chân cái. Đem rán lên vừa một đĩa con. Có lần chúng tôi lôi được con cá quả nặng tám lạng, khắp lườn nó hoa vàng đen trông rất dữ tợn.
Đoạn suối nông tít dướihạ nguồn có ốc. Thỉnh thoảng tôi và Loan lại dậy sớm, đi xuống dưới đó bắt ốc về nấu canh lá lốt. Món canh ốc được nhiều người thích. Người thích nhất cố nhiên là bố tôi. Dạo đó đang là mùa xuân. Sau mỗi cơn mưa, hằng hà sa số nấm mọc lên trên các thân gỗ mục, trong các trảng cỏ khuất bóng cây. Từ nấm mỡ, nấm hương cho tới nấm mối, nấm cỏ...
Được nấm hương thì tuyệt diệu. Nếu không, các thứ nấm khác hái về còn tươi cũng thơm, đem nấu với mắm tôm và thịt hộp ngon lắm. Món canh nấm khiến mọi người trong trạm, từ bác sĩ trạm trưởng tới anh binh nhì thường trực, từ chú thiếu tá bị bệnh kiết kinh nên đến anh binh nhất Mã Anh Tòng mất một bàn chân trong đợt tiêu phỉ vừa rồi... đều nghiện. Cứ vắng món canh đó hai ba hôm là mọi người lại bảo chúng tôi:
- Này hai co nàng Bạch Tuyết, vào rừng hái nấm đi chứ!
Hoặc là:
- Thiếu món canh nấm của hai cô bé, cơm nhạt hẳn đi. Liệu có cách nào cho nó mặn mà thêm không nhỉ?
Tất nhiên, không phải vì những chuyện vặt như vậy mà họ quý hai đứa tôi. Nhưng đó là những kỷ niệm gắn bó chúng tôi với họ. Bố tôi không nói. Nhưng ánh mắt của bố cho tôi biết rằng bố hài lòng. Sức khỏe của bố đã khá hơn nhiều. Hai bàn tay bị thương đã gần lành. Những ngày đầu mới đến, tôi phải rửa mặt, cạo râu, chải đầu cho bố. Còn những việc nặng nhọc hơn đã có các cô y tá làm. Bố tôi sung sướng nhất là những lúc tôi rảnh việc, tới ngồi bên bố, tỉ mỉ nhổ những sợi tóc sâu hoặc những sợi tóc bạc sớm. Tôi phơi những chiếc áo quần của bố lên các tảng đá lớn ven suối, chờ tới khi khô đem về, dò từng mũi chỉ thêu chữ Tùng với hai cành lá xanh. Bố tôi bảo:
- Mẹ dạy con thêu à?
- Không. Nhà trường có giờ dạy nữ công. Nhưng hồi ở trường con lười khâu vá, thêu thùa lắm. Dạo ở bản Muốn, con mới chăm.
Bố tôi lại hỏi:
- Bản đó đẹp hơn bản Khum chứ?
Tôi đáp:
- Đẹp hơn nhiều bố ạ.
Rồi tôi dần dần kể cho bố nghe những chuyện xảy ra trong cuộc phiêu lưu của tôi. Mỗi ngày một chuyện. Các cô y tá bảo:
- Nói chuyện vừa phải thôi. Cho bố khỏe lên đã.
Tuy thế, bố luôn luôn đòi tôi kể chuyện cho bố nghe, kể cả những chuyện xảy ra ở trường mà mẹ tôi đã viết thư kể tỉ mỉ cho bố biết.
Tôi có cảm giác hình như tôi nói bao nhiêu chuyện cũng không đủ. Vì những tháng ngày đằng đẵng nhờ mẹ con tôi trên vùng biên cương heo hút này dài quá.
- Chuyện thằng Ly với thằng Dũng còm thì có gì liên quan tới bố mà bố bắt con kể? – tôi hỏi.
- Ồ không. Chuyện nào ở dưới phố mình cũng hay cả. Con cứ kể đi.
Bố tôi đáp lời. Rồi bố lại chăm chú lắng nghe, đôi mắt đen và sáng như dán vào miệng tôi với xiết bào trìu mến.
Ngày tháng cứ thế trôi. Tới lúc cô y sĩ phụ trách điều trị báo tin tuần sau bố tôi được tháo băng hoàn toàn thì chúng tôi nhận được thư. Thư gửi lên đồn Khậu Phai, anh Lềnh đem xuống.
- Anh em nhớ thủ trưởng, mong thủ trưởng về - Anh nói vậy rồi rút trong túi ra mấy cặp bánh mật với một gói bỏng nếp – Quà của đồn gửi cho hai em đây.
Anh bảo tôi và Loan như vậy. Nói xong, anh đứng chờ xem bố tôi có nhắn gì không. Nhưng bố tôi chỉ cười:
- Mình cảm ơn các cậu. Toàn thể anh em trong đồn phải đề cao cảnh giác nhé. Chiến dịch vừa rồi tuy thắng lợi nhưng bọn phỉ ở bên kia biên giới lại vừa tràn sang. Trên đó nghe tình hình chưa?
- Báo cáo thủ trưởng, anh em đã được học tập nhiệm vụ mới rồi – Anh chiến sĩ nghiêm trang đáp.
Bố tôi nói:
- Nhắc với các Trung úy phó đồn là giải quyết phép cho mấy cậu người Mèo và người Lô Lô ngay, trước khi ta bước vào trận chiến đấu mới.
Anh Lềnh đứng thẳng, dập gót chân vào nhau:
- Báo cáo, rõ!
Bố tôi gật đầu:
- Thế thôi, cậu về cho sớm sủa nhé. Đàn ngựa của đồn ta vẫn khá nhất tuyến hay lại tụt xuống rồi.
- Báo cáo thủ trưởng, ngựa đồn Khậu Phai vẫn đứng đầu bảng ạ.
Anh Lềnh đáp một cách rành rọt, đầy tự hào, rồi giơ tay chào, quay ra. Tôi với Loan tiến anh tới bờ suối lớn rồi mới quay vào. Trong khoảng thời gian ấy, bố đã đọc xong thư. Bố đưa cho tôi:
- Con đọc xem.
Thấy giọng bố xúc động, tôi lo lắng hỏi:
- Có chuyện gì đấy bố?
Bố không trả lời, nhắc lại:
- Con đọc đi.
Tôi nhìn Loan. Loan cũng nhìn tôi. Rồi tôi mở tờ giấy khổ rộng gấp làm tám. Hai chúng tôi chụm đầu cùng xem:
Thân yêu gửi hai bố con,
Mẹ đã nhận được thư của Bê viết khi chờ xe lên Cao Bằng. Từ đó tới nay không có tin tức gì thêm nữa. Mẹ tin chuyến đi của con và bạn Loan sẽ tốt đẹp vì đã có anh chiến sĩ Khiết đi cùng. Mẹ nghe con kể qua về ông già Mộc về anh Khiết, cảm động lắm. Những người đã giúp mình trong cuộc đời, cho tới lúc chết cũng không được quên ơn, nhạt nghĩa. Về phần mẹ, mẹ vẫn khỏe. Cô Lưu hiện ở cùng mẹ, mở cửa hàng bán bánh rán và bánh cuốn. Cửa hàng đông khách và cô Lưu đã trở lại vui vẻ, khỏe khoắn. Con nói cho Loan yên tâm. Điều mừng vui nhất đối với mẹ con ta rất bất ngờ. Sau khi con đi một tháng, có người ở bộ giáo dục về tìm mẹ. Mẹ đang dạy, Ty giáo dục mời lên ngay. Ở đó, mẹ gặp ông thứ trưởng. Mẹ rất ngạc nhiên. Gia đình ta không hề quen biết một ai trên Bộ, dù chỉ là văn thư hoặc người làm hành chính, kể chi tới ông thứ trưởng này. Sau khi nghe mẹ kể xong, ông gật đầu:
- Cảm ơn chị.
Rồi ông lặng lẽ cắp cặp ra xe, trở về Hà Nội. Buổi tối thầy Thế và thầy Bách tới chơi cũng nói chuyện là ông thứ trưởng gặp các thầy, hỏi chuyện nội bộ trường, chuyện bà Vinh và vụ kỷ luật của con. Các thầy bàn tán nhiều về việc này lắm. Tuy nhiên, mẹ cũng không ngờ được rằng ngay tuần sau, Ty giáo dục về trường, lật hồ sơ kỷ luật của con cùng vài vụ khác, họp hội đồng giáo viên xét lại. Mẹ nghe nói trong mấy cuộc họp này, bà hiệu trưởng bị anh em trong trường, nhất là thầy chủ nhiệm con, đấu tranh mạnh mẽ lắm. Biên bản họp mang lên Ty và gửi lên văn phòng Bộ cho ông thứ trưởng xem. Đúng ba tuần sau, quyết định kỷ luật cũ của con đã được xóa. Điểm hạnh kiểm của con đã được toàn bộ hội đồng kỷ luật nhất trí phục hồi. Bê yêu quí, mẹ mừng đến rơi nước mắt. Bản quyết định mẹ nắm trong tay rồi. Con trở về ngay bây giờ sẽ được tới lớp học ngay... Mẹ mong như thế, nhưng mẹ cũng biết hiện nay con đang ở với bố. Và hai bố con có những giờ phút gần gũi nhau. Thôi, con cứ ở chơi với bố cho thỏa những ngày xa cách. Trước vụ hè, con trở về nhà, ôn lại bài vở để vào năm học mới. Từ nay trở đi, mẹ có thể ngẩng cao mặt nhìn mọi người, không còn buồn tủi nữa. Bố của con chắc vẫn khỏe. Đã lâu quá bố con chưa về phép. Nếu dịp này, bố con thu xếp đưa con về nhà chơi thì thật may. Mẹ ngừng bút. Cho mẹ gửi lời thăm Loan và các chú chiến sĩ trong đồn của bố.
Mẹ thương yêu hai bố con rất nhiều!
Hạnh.
Tôi nhìn bố, rồi nhìn Loan. Cả hai người cùng nhìn tôi với cặp mắt long lanh vui sướng và trìu mến. Tôi ôm chặt cô bạn trong tay. Chúng tôi không nói được lời nào. Niềm hạnh phúc như men rượu đang thấm đượm trong tâm hồn tôi. Tôi có cảm giác bồng bềnh, say sưa như đêm giao thừa ở bản Muốn, uống quá nhiều rượu.
- Ta sẽ trở về!... Ta sẽ chiến thắng!...
Tôi muốn hét lên như vậy. Tôi muốn gào thật to cho cả cánh rừng già rung chuyển lên, và những vách đá xa xôi ngoài thung lũng cũng vang lên tiếng kêu của niềm vui và hy vọng.