Ở Mỹ gần 20 năm, tôi biết tiểu bang tôi đang ở chỉ có 2 mùa. Mùa nóng đến chín cả người, sắp tới và mùa lạnh, đủ lạnh đến suýt xoa, sắp qua. Chẳng cần giở lịch coi ngày tháng. Chỉ thấy ong bắt đầu trở về làm tổ, cây lá xanh mởn những nụ mầm mới và đóa hoa đào nở muộn màng, phớt hồng, mỏng manh bên những bông hồng rực rỡ, tôi biết bây giờ mùa đông chỉ còn lại những thoáng lạnh khi màn đem buông xuống. Với một người không bao giờ cần biết đến ngày tháng, giờ giấc như tôi, biết như thế là quá nhiều. Mà sở dĩ tôi biết được là bởi tôi đang chuẩn bị lên đường. Sẽ lênh đênh, không phải trên sông Hương mà là vùng trời Âu Châu quen thuộc. Cảnh vật nơi đó quen thuộc đến độ tôi thích trùm mền nằm nhà đọc truyện kiếm hiệp hay coi cải lương hơn đi ra ngoài. Âu Châu cũng là một vùng thường có những cơn lạnh, cơn mưa bất ngờ nên tôi phải nhắc chừng Ðoan theo dõi tin thời tiết ở báo hàng ngày. Áo để hát là điều không thể thiếu và áo ấm. Vừa đủ ấm cho tháng này. Nếu nói về lạnh, Ðức và Pháp không lạnh bằng một vài tiểu bang của Mỹ và Canada. Nhưng cái gió của Âu Châu dễ làm mình bị cảm nhất là ở những nhà ga xe lửa, một nơi trống trải, thiếu tiện nghi. Bốn bề là gió, không có một chỗ cho mình ngồi nghỉ chân chờ tàu và tránh gió. Nếu Chúa còn thương, cho hát thêm vài ba năm nữa hay mươi, mười lăm năm sau, tôi cũng không bao giờ quên chuyến đi từ Ðức qua Pháp của tôi và Tuyết Nhung hồi tháng 1 vừa qua. Ðó là một đêm mưa. Mưa không lớn lắm nhưng lạnh. Cái lạnh kỳ cục buốt xương cắt thịt như mùa đông ở Huế. Lạnh và gió. Xứ Âu Châu tiếng là văn minh nhưng lại nhiều điều rất phiền nhiễu, nhiêu khê, chậm tiêu. Muốn đi xe lửa, phải mua vé trước tại ga. Thực lòng tôi không muốn đi nhưng đã hứa giao băng nhạc cho Ngọc Hoàng, lại là CD mới. Có bán cái mới, mới có tiền làm cái tiếp theo. Thu tiền CD này đem về lấy CD kia bán. Phần Tuyết Nhung cũng muốn trở qua Pháp để mua một... cái quần mà cô nàng không kịp mua tuần trước. Hai chị em được linh mục sở tại cho ăn cơm tối, rồi hối hả nhờ ông Sỹ và ông Sâm chở ra ga Duisburg. Tụi tôi không biết đích xác giờ nào tàu đến, chỉ đoán chừng khoảng 11:50 tối. Bà bầu Chi cũng xác nhận như vậy. Nhưng vì không chắc ăn nên tụi tôi đến quá sớm. Cả bốn người đi vòng vòng mãi không tìm ra chỗ bán vé. Cái valise nặng như một cái cùm, bốn bánh xe gãy một còn ba. Quặt quẹo đẩy không được. Ði nữa thì đi không nổi, muốn ngồi nghỉ thì không có lấy nửa cái ghế. Gió cứ lồng lộng thổi luồn tứ tung. Chận dân Ðức lại hỏi thăm chỗ bán vé. Mình nói tiếng Ðức được nhưng tụi nó dù có hiểu cũng chơi cái tình lờ lắc đầu không chỉ. Sau cùng, tôi hối hai ông Sỹ, Sâm hỏi thăm hai anh chàng mặc đồ có vẻ là công nhân làm việc ở nhà ga thì được biết vé sẽ bán trên xe lửa chứ giờ này, các quày bán vé đã đóng cửa từ khuya. “Thôi rồi, cái điệu này thế nào cũng bị phạt...” Ông Sỹ nhảy dù nhất định cãi... “Làm gì có chuyện ấy, tôi biết mà. Cứ lên xe lửa mua cũng được vậy. Luật ở đây như vậy mà. Tôi biết rõ...”. “Nhưng anh đã đi xe lửa lần nào chưa? ” Cả hai ông nhìn nhau rồi nhìn tôi và lắc đầu. 11 giờ 45 tầu sẽ ghé và chỉ ghé 2 phút. Thấy trời lạnh quá, tụi tôi cũng ái ngại cho lòng tốt của hai ông cựu sĩ quan của mình. “Thôi, cám ơn hai anh, cứ để tụi tôi chờ một mình cũng được, chứ trời lạnh thế này, hai anh mặc phong phanh quá, thế nào cũng ốm mà thôi...”. Ông Sỹ và ông Sâm cùng cười rất hăng hái... “Ôi, có gì đâu, tụi này ở đây quen rồi. Vả lại ở trong có mặc đồ người nhái, hai cô đừng lo...” Tuy miệng dục các ông ấy về, lòng lại cầu mong các ông ấy đừng về vội. Của đáng tội, thấy và biết mấy ổng lạnh lắm rồi nhưng cái valise của tôi dù nó không lạnh nhưng có nặng quá sức. Nếu không có hai ông thần này, Tuyết Nhung và tôi làm sao xách nổi lên mấy bậc cầu thang kia. Nhất là trưa hôm đó, tôi đã nhắc chừng ông Sỹ rằng nhớ ghé ga mua giùm vé xe lửa nhưng ông cứ nhất định bảo rằng không cần thiết. Có lẽ vì thế, mấy ông ấy không nở bỏ hai chị em tôi một mình trơ trọi ngoài ga giữa nửa đêm. Vần được cái valise lên trên chỗ đợi tầu. Lạy Chúa, Ðức Mẹ, gió ở đâu mà hung dữ đến thế. Lạnh đến nỗi tôi chảy cả nước mắt mà phải đứng chịu trên 15 phút chờ tàu. Ôi, 15 phút chờ dài như bao nhiêu thế kỷ và nếu không có ông Sỹ, ông Sâm, hai đứa tôi cũng không biết làm cách nào để mang cho được cái valise lên tàu vì tay chân cóng cả lại rồi... Ðược cái tàu hôm nay vắng quá. Có lẽ vì lạnh và vì kinh tế Âu Châu cũng... thất thu như Mỹ nên ít người nghĩ đến chuyện đi chơi. Mà ngay cả tụi tôi đây, nếu chẳng vì miếng cơm manh áo, ai dại gì nửa đêm, nửa hôm đội mưa gió ra đi, dù là đi Paris. Chẳng mất công tìm couchette, hai đứa tấp vào một toa trống cho hút thuốc. Kéo tay ghế lên là có thể ngả lưng làm một giấc thẳng cò tới Paris. Tuyết Nhung thì ngủ ngay. Tôi hoàn toàn không. Không ngủ được và không dám uống thuốc ngủ. Không dám ngủ. Ngồi hút thuốc lá vặt chờ anh chàng bán vé. Y chang những gì tôi nói... “Tao bán cho tụi bay vé này chỉ tới biên giới thôi nhé (biên giới giữa Ðức và Bỉ là thành phố Aachen, đọc là A khần) và vì tụi mày không giữ chỗ trước nên tụi mày phải trả thêm tiền...” Thôi, dại rồi mới biết khôn làm sao đây. Tàu chạy qua Essen, qua Kohln rồi tới Aachen... “Tụi mày phải mua vé từ đây tới Paris...” Tôi trả tiền, cất vé kỹ càng rồi ngả lưng, nhắm mắt... để đấy chứ nào dám ngủ. mà quả đúng như vậy, chỉ lát sau là có mấy ông Tây nhào vào hỏi giấy tờ. Rồi xe lại chạy. Rồi lại ngừng, lại có vài người lên, lại có vài thằng khùng kéo cửa thò mặt vào ngó một cái rồi rầm rập kéo đi. Chả có một tiếng... sorry êm ái như ở... xứ mình. 6 giờ 30 sáng, tầu đến gare du Nord. Tôi kéo, Tuyết Nhung đẩy mãi, cái valise mới xuống tới đất. Lạy Chúa tôi, ở đây còn lạnh hơn đêm qua nữa. Toa của tụi tôi là toa cuối cùng, đẩy được cái của nợ này vào tới nơi, chắc tôi... hộc máu ra mấy đống máu chứ không phải chơi. Trong cái không khí buổi sáng lạnh căm, đứng trước cái valise CD giữa gare du Nord, nước mắt tôi ứa ra không phải vì gió. Tôi muốn hét lên cho thấu tới trời... “Chúa ơi, con ăn uống được bao nhiêu, con hưởng được bao nhiêu mà sao con khổ thế này...”. Tôi bậm môi chận đại một ông Tây già xin đổi tiền lẻ để lấy chiếc xe kéo. Ông ta cũng không có nhưng ông ta lấy một đồng xu gì đó bỏ vào lỗ, ngoáy một cái kéo được một chiếc xe ra. Quãng đường bình thường tôi đi chỉ có 5 phút, giờ phải 30 phút mới vào được tới trong. Tuyết Nhung phone cho Phương và vợ tới đón chúng tôi nhưng trước khi ra khỏi ga, tôi mượn tiền Tây của Phương mua hai vé trở về chiều hôm đó, chuyến 6 giờ 30 vì công việc giao hàng của tôi chỉ mất nhiều lắm là một tiếng đồng hồ, ghé chợ mua ít hũ càfé về chia cho bạn bè. Cầm vé xe lửa trong tay, tụi tôi đề nghị Phương đi ra quán làm cái càfé cho ấm bụng, ăn điếu thuốc cho hồn vía trở về, cho cái vong linh hồn lai tỉnh trở lại. Dễ mà, gì chứ càfé ở Paris... chạy đầy đường. Chỗ nào cũng là quán hàng đẹp đẽ lịch sự với những ông bồi Tây sạch sẽ, khăn trắng luôn luôn vắt trên tay và cái thói quen quái đản là kẹp chai nước giữa đùi để mở nút. Ấy, Tây u mấy ngàn, mấy trăm năm văn hiến, tôi không cần biết nhưng cái vụ kẹp chai vào háng và phạt tiền vì không mua vé xe lửa trước thì tôi không thể ngửi nổi. Có thể vì thế mà Tây đói cứ dài người ra. Ðói mà lại hay làm... bảnh mới là phiền quốc dân đồng bào. Nói cứ như... Bố nằm với Mẹ mà toàn là... của người phúc ta không hà. Mọi việc xong xuôi, tôi chán Tây quá rồi bèn nhờ vợ chồng Phương chở ra ga sớm vì đường đất Paris từ 4 giờ là kẹt xe khủng khiếp. Ai vô phúc bị bệnh, bị tai nạn thì cứ gọi là cầm chắc cái chết trên xe cứu thương vì có hú còi đến vỡ tung cái thành phố đẹp nhất Âu Châu là Paris này cũng chẳng có cái xe nào tránh chỗ cho đi. Tôi chưa tìm ra, chưa biết đánh vần chữ “lịch sự” ở Tây. Hoài của. Khánh Ly (Trích Thời Báo số 141. 15-4-1994) Bên Đời Hiu Quạnh (94- 6/5) Mỗi con người, khi đến cái tuổi mắt không còn xanh, tóc không còn đen, môi không còn hồng, dấu vết để lại của thời gian là những nỗi héo hắt tiêu điều trên nét mặt, trong dáng ngồi chịu đựng, trong dáng đi rã rời mệt mỏi, cố giữ cái thân mình trên đôi chân lê từng bước một. Người đã già. Người đã quá chán chường, ngán ngẩm cái cuộc sống đầy ưu phiền. Người buông tay. Người sắp buông xuôi. Đây là lúc người ta tìm lại cho mình tuổi thơ. Người trở lại, một mình, tìm về căn nhà quá khứ. Thắp lên ngọn nến nhỏ. Rất nhỏ. Đủ soi thấy một chút đời đã qua. Người sẽ buồn hơn. Người sẽ thấy lòng ấm áp hơn. Người sẽ thấy cơn đau dịu lại. Cuộc đời. Đời sống. Vẫn còn đáng sống. Trái tim vẫn đập, tuy rất nhẹ, những nhịp yêu thương. Người còn có nơi chốn để nghĩ về. Còn cả một khoảng trời cao xanh bao la để ngóng vời. Còn thấp thoáng đó đây, xa gần, khuôn mặt bằng hữu còn hiếm hoi nơi này, nơi đó, để nhắc nhở cánh cửa mở ra. Cái ta nhìn thấy đầu tiên và rõ ràng nhất …là ta. Nhưng cứ nhốt mình trong căn phòng kỷ niệm cứ trói buộc mình với cái quá khứ đã tan tành như khói thuốc. Ngẫm cũng không ích gì. Đồng ý quá khứ cho ta một chút hãnh diện. Nếu có. Kỷ niệm cho ta chút ấm áp dịu dàng. Nếu có. Tuy vậy…để sống còn thì hãy thả trôi đi tất cả. Quá khứ, kỷ niệm tô điểm cho đời sống ta, thì được. Nô lệ vào nó thì ….không xong. Ngày xưa…Ngày xưa là …ngày xưa. Dường như là điều …không có thật nữa. Bất cứ điều gì bắt đầu bằng hai chữ …ngày xưa. Đã là thần thoại. Đã là huyền thoại. Cười. Huyền thoại là điều …không có thật. Trãi qua thời gian dài lêu bêu, trôi nổi xứ lạ. Nhiều người đã quá khổ sở với cái quá khứ của mình. Không thoát ra được. Làm như nếu tách ra, mình sẽ không còn …là mình nữa. “Đời tôi ngốc dại. Tự làm khô héo tôi thôi” (TCS). Lại cười. Phải nhìn tới, đi tới dù đôi chân đã mệt, dù cái thân này đã mỏi. Nhưng đường trường xa, còn xa. Còn phải đi. Tôi không muốn …vấp ngã nữa. “ Thôi xếp lại, mơ non cùng ước bể. Bờ bến xa xin hẹn lại một ngày” (P.N) và dù không sát nhập cuộc chơi. Tôi đứng bên lề, vui cái vui của người khác. Một trong những cái vui là …lập hội. Ai có hội nấy. 2 người cũng hội. 3 người cũng hội. 100 người cũng hội. Vui chứ. Đây là hội LaSan, hội Gia Long, hội Trưng Vương, hội Cu-văng, hội Chu văn An, hội những người yêu …mạt chược, hội những người yêu …súc vật, hội …tứ sắc, hội những người …mất đồ chơi, hội những …mẹ goá con côi, hội những người yêu âm thầm. Thôi thì đủ mọi thứ. Mỗi hội một vẻ. Ăn uống chí chạp, Cười đùa bốn mùa, nhảy nhót tưng bừng hoa lá cho bõ những lúc giới nghiêm, thiết quân lực. Thú thật với bà con cô bác, thấy người ta lập hội, vào hội, họp hội, chơi hội. Tôi cũng thèm lắm. Nhưng hồi nào tới giờ, từ thuở biết cắp sách đến trường, tôi chỉ thích …hát và thơ. Thế cho nên cái bằng tiểu học cũng không có. Năm đó tôi đi thi tiểu học. Đề bài luận văn là các em cho biết về mùa hè năm nay. Chả là mùa hè năm đó, trời nắng quá, Sài Gòn bệnh tật tùm lum, mọi người thở ra khói, song với tôi, dù Sài Gòn có trôi ra khỏi đất liền tôi cũng không để ý. Trong đầu óc một con nhỏ 12 tuổi sớm thích ca hát, văn thơ. Tôi tả cái nắng Sài Gòn đầy những mộng mơ. Nào là trời xanh, mây trắng. Nào là những cuốn lưu bút xanh trao tay nhau dưới hàng phượng vĩ. Ôi toàn những chuyện trên trời dưới nước không hà. Chỉ nội nhiêu đó cũng đủ …trượt vỏ chuối rồi. Đừng có nói là mấy bài toán trật lất. Suốt mười mấy năm đi học. Tôi giỏi nhất môn …học thuộc lòng. Cũng còn may là để sau này thuộc bài hát mà làm ca sĩ. Tôi cứ học trong cái tình trạng …lơ vơ, lờ vờ đó cho tới khi …giả từ thơ ngây. Chả có một mảnh bằng giắt lưng quần. Ngoài hát ra, tôi không được học một cái gì khác. Kể cả …lái xe. Chỉ có một cái hoa tay trong 10 ngón tay. May mà có được một. Tôi ngu dại. Tôi đui mù. Và Chúa thương những kẻ như tôi. Cho tôi một niềm vui nhỏ nhoi, để sống. Đọc báo thấy quảng cáo hội họp, ăn uống, nhảy đầm ở Ritz, ở Diamond, ở Majestic, ở tùm lum nơi. Nghe bà con gọi nhau ơi ới như …hò sông Cái. Hẹn nhau đi sắm đồ. Hẹn nhau đi làm tóc, làm móng tay, móng chân. Mà sốt cả ruột. Cali bốn mùa hội họp. Cái này vừa qua, đến mục khác. Nghĩ lại mình, thấy …tủi. Xuất thân trường…tiểu học..Cầu Kho. Tìm cả …10 năm mới ra được …một người. Ở Oakland. Ồ chị, thấy chị viết ngày xưa chị học Cầu Kho, tôi cũng học ở đó. Mừng như được tàu Mỹ vớt ngoài khơi Vũng Tàu, song chưa kịp mở miệng rủ rê lập hội, lập hè, người Cầu Kho đã biến mất. Song ít ra cũng biết được là ở Mỹ có một người biết hồi nhỏ tôi có …đi học. Có một hội vui lắm là hội các …bô lão. Số là thỉnh thoảng tôi cũng có hát giúp vui cho các cụ trong những buổi họp mặt. Bố mẹ tôi ở San José cũng vào hội …người già. Đến đó tôi thấy các cụ đủ hết nào Mỹ trắng, Mỹ đen, Phi, Lào, Miên, Mễ, Mít. Có cụ vẫn hùng dũng nhảy be bop, quay Valse, lả lướt bước Tango. Có cụ run rẩy dìu người bạn đường của mình, cũng run rẩy không kém, theo điệu slow, Boston…buồn. Các cụ bà quần áo phấn son rực rỡ, vòng vàng chuỗi ngọc giả sáng ngời. Các cụ ông cà vạt, com-lê, giày láng coóng, cùng rượu. Một hôm Đoan đưa tôi đi ăn trưa ở tiệm Viễn Đông của ngài Lâm Quang. Không biết hôm đó là ngày gì mà trong tiệm chỉ có 2 vợ chồng chúng tôi là trẻ nhất. Toàn là các cụ ở tuổi bố mẹ tôi hoặc hơn. Các cụ …nói cười rân trời đất. Nào là con thằng này …hỏng rồi. Nào là con bà kia bỏ chồng lấy con ông nọ. Nào là bà đó mới hốt hụi rồi …dông luôn. Bà kia mới vừa mua một chiếc cẩm thạch cả …chục ngàn. Ông bà nọ vừa đi Tây chơi. Ông bà kia sướng thật, con cái người bác sĩ, người kỷ sư, cứ là ngồi mát ăn bát vàng, nhà nọ có …mả học. Ôi chuyện trò của các cụ nổ ra đôm đốp, văng qua chéo lại chiu chíu. Vui không chịu được. Tôi và Đoan ngồi nghe và cảm thấy thức ăn hôm ấy…ngon hơn. Có một hội đáng lẽ phải được tổ chức sớm nhất, xôm tụ nhất là hội nghệ sĩ thì lại chìm lỉm nhất. Lạnh lẽo hương khói nhất. Ngày xưa, các cụ rủa xả là cái đồ xướng ca vô loài. Nhưng thử hỏi từ ngày xưa cho đến ngày nay. Hội nào lại không có cái thứ …xướng ca vô loài. Cũng phải có gì khác chứ. Từ chính trị, đến tôn giáo…v.v và v.v…ở đâu cũng lai rai dăm ba ca sĩ. Từ Mỹ đến Âu châu sang Úc châu. Đã hát thì mọi người gọi là ca sĩ cho tiện việc sổ sách. Không thể nói là tôi hát nhạc tranh đấu nên tôi không phải là…ca sĩ. Không thể nói là tôi chỉ hát nhạc Thánh ca, hát Phật ca nên không được …ghép tôi vào loại …ca sĩ. Ấy nói thế là sai, là …thiệt cho mình mà thôi. Bởi ca hát là một nghiệp dĩ không phải ai muốn cũng được. Và dù ở bất cứ thời đại nào, dưới bất cứ cái nhìn nào. Người ca sĩ với nghiệp dĩ của mình vẫn có được một chỗ ngồi. Trong huy hoàng hay tăm tối là do mình không do ai đặt để. Thế thì ca sĩ ở đây nhiều lắm. Có khi không bao giờ gặp lại nhau. Chỉ nghe tiếng mà thôi. Đông thế sao không lập hội hè gì cho vui. Để cái câu 2 cô ca sĩ có ưa nhau bao giờ …chưa bao giờ đúng. Lập hội theo thiển ý của một người ngu dốt như tôi không có nghĩa là để ăn uống, nhảy nhót, vui chơi. Bởi không hội thì tụi tôi vẫn phải ăn, vẫn có những niềm vui dù nhỏ. Nhưng nghĩ đến câu “Một cây làm chẳng được gì”…và lại thấy ca sĩ Mỹ, Tây luôn luôn có mặt bên nhau trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong hoạn nạn lúc nào cũng có người đưa cho bạn mình bám vào để đứng lên. Bèn lấy làm suy nghĩ. Suy nghĩ thôi chứ nhận thấy mình nhỏ bé, nghèo hèn, chẳng dám lên tiếng. Từ bấy lâu nay, mạnh ai nấy sống. Đường ai nấy đi. Khổ ai nấy chịu. Chẳng ai chia với ai. Chẳng ai đưa … tay với ai. Sợ bị chém sao. Sợ bị kéo cho …ngã theo sao. Trong giới ca sĩ, có người may mắn, có người bất hạnh. Có người giàu, có người nghèo. Chẳng ai để ý đến ai. Nếu có thì toàn là những chuyện riêng tư để bàn ra, tán vào, thêm thắt cho tăng phần ly kỳ rùng rợn. Giới ca sĩ đông nhất, được yêu thương nhiều nhất (tổng thống VNCH cũng không bằng). Lại chẳng bao giờ ngồi lại nói chuyện với nhau. Chỉ tay bắt mặt mừng lúc đó thôi. Quay lưng đi. Mọi chuyện lại khác. Dù ở đâu, ca sĩ cũng được kêu gọi góp mặt, nhưng tai tôi đã nghe rất nhiều, rất nhiều người, kể cả bầu show gọi ca sĩ là thằng này, con kia. Ấy là vì vẫn có người cho ca sĩ là hạng vô loài. Vậy thì khi mình ngã, ai nâng. Khi mình về già, liệu mình có thể vào hội những người già như một người bình thường không. Nhạc sĩ to nhất nước, lớn nhất nước Phạm Duy ở đâu, sao không thấy làm gì để dìu dắt anh em, con cháu vượt …Trường Sơn. Ông Hoàng Thi Thơ, ông Lam Phương, ông Văn Phụng ở đâu sao không ai diện kiến. Sao các ông không đưa ra những khuôn vàng, thước ngọc cho đám hậu sinh này …khả úy hơn. Có lúc tôi trộm nghĩ rằng chắc các ông này không muốn …chia chát chút …mặt trời cho ai chăng. Tôi mong các ông trở thành …Đinh Bộ Lĩnh phất cờ lau. Lê Lợi áo vải đất Lam Sơn vùng lên …dẫn dắt đám …lâu la này, sát cánh nhau dưới …trướng của mấy ông. Giúp đỡ nhau ở đây và nghĩ đến những bằng hữu không có ỏ đây. Một mình ông Trầm Tử Thiêng mình hạc, xương mai è cổ ra gánh cả …100 ông nhạc sĩ bên nhà. Coi bộ vất vả lắm chứ chẳng chơi. Biết dành ăn, dành mặc, dành đẹp, dành sang. Sao cái này không ai …dành. Các chị Trưng Vương, Gia Long – Convent vừa đẹp vừa giàu, vừa có học lại hát hay đang dành sân lấn đất ca sĩ chuyên nghiệp đó. Liệu mà lo kẻo lại mất hết cả show. Lại còn hội nhớ Huế nữa. Các o, các mệ đất thần kinh véo von như chim, cũng đáng ngại lắm. Bà con ta chớ có ngủ quên trên chiến thắng cá nhân để lúc thức dậy thấy người về tới mức ăn thua không phải là …phe ta thì …vỡ nợ. Không nghĩ tới chuyện hội hè thì thôi. Nghĩ đến lại …ứa gan. Bà con …Cầu Kho đâu hết rồi. Đứng lên lập hội đi chứ…. Đó là điều tôi mong muốn. Còn lại cả nước Việt Nam, ai muốn chia …khúc nào cũng được. Cứ để những cái …hèn mọn cho chúng tôi. Một ngôi trường tiểu học nhỏ bé. Một mảnh vườn xinh xắn. Một góc phố của Huế xưa. Một khoảng đất nhỏ của đồi thông ngút ngàn Dalat. Chúng tôi sẽ trở lại đó. Bao nhiêu lá me trên đường Duy Tân gom lại hết, thả đều trên những con đường tôi sẽ đi qua. Lá sẽ reo mừng đón bước chân tôi. Ngày đó tôi sẽ mở hội. Mở hội trên cả 3 miền. Tôi sẽ….tôi sẽ…khóc rất nhiều. Nhưng ngày ấy…bao giờ. Trích “Thời báo số 144 ngày 06-5-1994”