Con trộm

     on gà tre nhà ai không biết, mới sáng sớm đã bò sang vườn tôi, đứng trên giàn đậu quyên mà te te gáy vài tiếng. Sáng sớm, đi quanh quẩn một tí đã sinh chuyện, tôi va vào cánh cửa sổ đã mục của nhà kho, có vẻ như cái cửa chỉ chờ đợi có chừng ấy để bung ra khỏi bản lề. Sáng sớm tôi không thể gọi Hoàn, Mỹ ra phụ một tay để lắp lại cửa, những chị em họ của tôi hẳn đang mơ ngủ trong đống chăn chiếu đầy mùi dầu bạch đàn của bà ngoại, thế nên loay hoay tôi đành nâng cửa một mình, kết quả “lợn què”: cái cửa bung ra hẳn và tôi lảo đảo, đỡ lấy, dựng vào một bên tường, xòe ra nhìn, hai bàn tay đầy rêu mốc ẩm ướt, và tôi đánh giá: “Hôm nay là một ngày xui!”.

*

Ngoại kết luận: “Gay đấy! Trộm thế này là táo tợn lắm, may mà con Nữ dậy sớm, nó nghe lục đục, nó sợ, chứ không thì...”. Hoàn, Mỹ bảo: “Chắc nó biết bà ở một mình!”. Tôi đứng lên, dọn hết đống lá gói xôi ăn sáng của mọi người, không nói gì, biết rằng mọi chuyện đều đã quá đà và thấy vui vui. Mỹ lại bình luận: “Thằng trộm này chắc cũng khỏe hả ngoại, đỡ cửa rồi còn đặt lại đàng hoàng, chắc làm nhẹ lắm”. Tôi xuống nhà, vứt đống lá vào sọt rác và mỉm cười, thử gồng tay lên, khẳng khiu thật thảm hại, trên nhà, chân dung của thằng trộm cũng đã được mọi người phác họa xong: Cao, có lẽ khỏe, và phải rất nhanh, có thế khi nó tẩu thoát, chó mới không kịp sủa và con Nữ mới không kịp biết gì chứ!

*

Một năm, tôi gặp lại Hoàn, Mỹ khoảng ba lần: Tết nhất, giỗ chạp, và hè. Hè, các dì, chú tôi cũng như mẹ tôi để cho con cái tự do chọn chỗ nghỉ ngơi, thường là bọn con gái lớn đổ về nhà ngoại, tụi con trai thì không dại gì, vườn bà rộng, những dãy nhà phụ chứa chất vô số công việc dọn dẹp chưa làm, bọn nó đánh giá: “Về là lao động cải tạo”. Trẻ con các nhà bé quá cũng không được về, trong vườn có một cái ao, một cái giếng, các bụi cây cũng chứa đầy rắn rết, sâu bọ... Vậy là chỉ còn tụi tôi về đây, không ai ép phải làm gì, tha hồ mà hẹn hò bạn bè đi chơi, chỉ cần trước đó nấu cho ngoại một nồi lá bưởi gội đầu hay nịnh nọt: “Ngoại để con đấm lưng cho đỡ mỏi”.
Đêm, ngoại không dám ngủ chung với đứa nào trong đám chị em tôi vì sợ bị đạp nửa đêm; nửa đêm, một cái chân dài của con Hoàn có thể vắt sang cổ ngoại, một cách tay tôi có thể vắt vẻo đè lên những dẻo sườn làm ngoại nghẹt thở, ngoại nằm một mình, trong mùng xếp vài ba cái bị cói bé tí, sạch sẽ, đựng những thứ vặt vãnh của một bà lão, thứ nào cũng được nai nịt bằng ba, bốn lớp nilông. Cẩn thận như thế, nên qua vụ trộm hụt này, ngoại lo lắng kinh khủng. Đôi lúc tôi muốn bảo: “Ngoại, con dỡ xuống đấy” rồi lại thôi, thấy rằng thời cơ để thốt ra câu ấy đã qua rồi. Tôi định kể Hoàn, Mỹ nghe nhưng cũng không kịp nữa, ngoại ra chỉ thị sửa sang lại hàng rào, hai đứa đó nhăn nhó và thế là tôi sợ phải nghe những lời oán trách, đành câm miệng. Sửa hàng rào bằng tre gai và bông giấy dặm lại, tôi thấy vô lý nhưng vẫn cần mẫn làm, cắm một lô gai dưới chân hàng rào thấp lè tè thì phỏng có ích gì, có chăng chỉ để ngăn gà và chó con từ hàng xóm lâu lâu vớ vẫn sang chơi, còn trộm, một thằng trộm lùn bằng tôi có thể vừa đút tay túi quần vừa phóng qua rào theo một tác phong kiểu cách, phóng qua phóng lại vài lần như thế cũng chưa sợ rách quần... Ba đứa chặt gai, lọ mọ cắm đến chiều thì xong. Tôi không than một tiếng, nghĩ: “Tại mình”.
Sẩm tối, ngoại lui cui xách chậu, xô vào nhà kho, Hoàn ngạc nhiên: “Đem đi đâu vậy ngoại?”. “Cất đi, tối không dùng, khóa kho lại, không đáng gì nhưng trộm mà lấy thì ngoại cũng không có tiền mua lại”. Tôi và Mỹ đứng xem đom đóm bay lập loè ngoài ao, Mỹ cười lẩm bẩm: “Ngoại sợ rồi”, tôi không nói gì, lại nghĩ: “Tại mình cả”.
Tôi đã nghĩ cái câu: “Tại mình” như thế đến cả chục lần, một khi ngoại đưa ra một biện pháp mới để phòng trộm. Khi bà Tư hàng xóm khuyên: “Phải thủ dao đầu giường”, ngoại nhét dưới chiếu một con dao cho ba đứa, Hoàn lủng bủng: “Chém trộm đâu không thấy, coi chừng đứt tay con” và hôm sau dưới gầm giường có thêm cái gậy tre. Mỹ càu nhàu: “Sáng kiến của vị hàng xóm nào đây?”. Lần nào cũng vậy, tôi im lặng mà thực thi mọi việc, trong một cảm giác hối hận vui vui...

*

Gần hết hè, ngoại đã mua sẵn tập viết, giấy bao cho ba chị em đi học. Tôi chợt cảm thấy nhớ trường lớp không thể tả được, chỉ nôn nóng về nhà. Một sáng tỉnh dậy, thấy rằng hôm nay phải về ngay, tôi bảo với ngoại: “Con đi trước, Hoàn, Mỹ về sau!”. Ngoại dúi tiền vào tay tôi: “Để con may áo mới”. Tôi xách một túi to, nặng, vui vẻ đi xiêu vẹo trên con đường đất đầy cỏ dại ra đường cái. Trời âm u, mưa bụi lất phất, đi được nửa đường, tôi quay lại gọi cửa. Ngoại hỏi: “Con lấy áo mưa hả?”. “Không”. Hoàn, Mỹ chạy ra, tôi ngượng, bảo nhỏ: “Ngoại ra đây cho con nói riêng, đừng la con”. Hai bà cháu đứng dưới tàn mận, tôi bảo: “Hôm nọ không phải trộm đâu, con dỡ cửa xuống đó. Con về, nghĩ ngoại còn lại một mình, ngoại sợ, nên con khai thật cho rồi”. Mỹ lại xông ra: “Cái gì vậy?” Ngoại cười: “À, nó dặn ngoại phải cẩn thận, không được tắm đêm nữa”. Tôi chào: “Con đi” và tôi đi, lại bước xiêu vẹo với cái túi to cộ, ra đường cái...