Có nhà văn nổi tiếng xứ ta viết thiên truyện “Bão biển” kể ra cũng tài rồi nhưng phải nhận là nhiều cái chưa ổn. Bão biển mà cứ tả xuôi như mưa nắng cuộc đời, sức tàn phá của nó, rồi thêm dăm nét sức mạnh của xã hội mới thì sao gọi là bão biển được. Phải nói ở sự kỳ quái của nó, muôn đời nay chưa ai hiểu nổi. Ngay cả ma quái thủy thần cũng chịu bó tay. Bởi nó là biển, là bão biển, chiếm ba phần tư bề mặt địa cầu. Gặp bão biển mà vào trú ở lều, ở nhà thì chỉ là trò đùa cho hay. Các khách sạn cao tầng cũng chưa ổn. Người ta chỉ còn cách nương vào nhà chùa, nhà thờ là như vậy. Nó thuộc về sự che chở của trời đất. Biển buổi sáng đang yên lành, mặt biển phẳng lặng gương xanh, những chiếc cọc gỗ mảnh như nét tranh thủy mạc chỉ chốn này mới có. Nhất là bãi dâu viền một dải xanh, mầu xanh của dâu biển cũng chỉ xứ này mới có. Trẻ con chạy thi cùng những chú còng gió. Bỗng thủy thần nổi lên. Trước hết là những lưỡi cát khổng lồ cứ liếm dần từ mép biển vào. Lưỡi cát cứ cuốn theo chân người chạy như muốn nuốt đi tất cả. Khổ nhất là những người già, mũ áo mỏng manh như ở một xứ đạo Hồi nào, cúi khom người, tay làm dấu Thánh ở ngực, tay ôm khư khư một bọc gì trước bụng. Chỉ các lão ngư mới hiểu những gì sắp xảy ra. Miệng lầm rầm kinh Thánh. Họ như bị cơn bão biển bất ngờ bế xốc ném vào đất liền. Ném về phía nhà thờ, nơi họ cầu nguyện muốn đến. Nhà thờ xây rất cổ, theo hình con thuyền đại dương cổ xưa, có cột buồm cao vút, những ô cửa gương tròn chung quanh để ngăn nước ập vào. Họ nép vào gác chuông, hoàn hồn, sau những giây phút như ở ngoài khơi xa. Tiếng “Amen” lẫn tiếng thở dốc, tiếng hỏi han nhau: - Cố Ghi mang được bọc chi đấy? - Tấm lưới mà! - Cố Thép mang được cái chi? - Tui chỉ vơ được thằng cháu đích tôn, thế là chạy! - Cố Chép mang được cái chi? - Thỉ chỉ kịp cầm lấy cuốn sổ, đúng lúc Ngài nổi gió bão lên... Hỏi ra mới biết khi có những cơn bão thần kỳ lạ, thì các lão ngư thường mang theo những thứ gì là báu vật của đời mình. Như tấm lưới của cố Ghi cũng là tấm lưới thần, cố cất từ thuở trai tráng, dịp dựng nhà thờ này. Còn cố Thép thì khỏi phải nói, bao giờ có nạn, cố cũng bế theo thằng cháu đích tôn giữ nòi giống. Còn cố Chép thì lạ hơn, tên cố là Chép, dân làng gọi thế từ khi cố có cuốn sổ ghi lại những tiền bạc của cải mà bọn tham nhũng vơ vét của người dân... Khi biển đang lên cơn cuồng nộ, tiếng gió thét như chõ cả vào nóc nhà thờ, các lão ngư sau khi đưa tay làm dấu Thánh trước ngực cầu sự bằng an, liền thì thầm với nhau như những bí truyền: - Tui đã biểu mà. Gió giật từ đêm không đáng sợ. Sợ nhất là Ngài nổi lôi đình khi biển sớm rất đẹp, chẳng ai ngờ được. Rồi Ngài day, Ngài giật, Ngài xoa... Vậy là đổ nát hết trơn hết trọi... Cố Chép đưa cuốn sổ vào ngực, nói xót xa: - Đúng bão biển dạo này cũng như lòng dạ người ta, chẳng biết đâu mà lường!... Các cố nghe chuyện cố Chép biết là những chuyện dương gian bận lòng, bèn lờ đi, miệng đọc kinh rì rầm... Bão phục kích chiếc xe đò chở anh Ất. Xe chạy không thoát được bão. Cát ném rào rào từng đợt như đạn vãi khắp thành xe. Có quãng như bão bế thốc chiếc xe ném đi. Yên lặng được dăm mét lại bị phục kích. Chiếc xe lại bị nhấc bổng lên. đi xe đò mà cứ như đi máy bay phản lực lúc lên độ cao gặp bão, đầy những tiếng cầu Chúa. Ất về đến nhà vẫn còn cảm thấy như cơn bão biển đuổi theo mình. Bố vợ Ất lên chữa bệnh, cụ bị đau cái khớp vai trái vài tháng nay. Gặp ất ở cửa, như người chạy loạn về, cụ đưa cặp mắt hiền lành của mình nhìn vẻ ngơ ngác: “ồ anh, đi công tác về rồi đấy à?”. Ất định nói ngay việc gặp cơn bão biển kỳ lạ nhưng vội kìm lại. Việc trước mắt là hỏi han cái khớp vai của cụ. Vợ Ất từ bếp bước ra: - Anh Ất năm trước cũng bị đau khớp vai đấy bố ạ. Để anh ấy chữa cho bố! Cụ thành thật: - Đúng đấy. Các cháu dưới nhà cứ thay nhau xoa cho tôi. Nhưng lên Viện Đông y người ta bảo phải day, phải giật cơ... Ất giật mình trước những từ ấy, từ căn bệnh và cái miệng vốn hiền lành của ông bố vợ đồng quê của anh. Nhưng nghĩ đến cơn bão, cụm từ có ba động từ “day - giật - xoa” mà các cố vùng biền vừa nói về cơn bão, ất ta giấu một nụ cười. Ông bố vợ hiền lành nhưng tinh ý, nhìn thấy anh con rể với nét cười lạ hoặc bèn đổi sắc: “Có chuyện gì không anh?”. ất ta đáp lại bố vợ cũng chân thành: “Không ạ! đó là con nhớ lại trận bão biển vừa gặp”. Cụ ông cảm động trước vẻ ngây thơ của anh con rể, bèn tâm sự: - Tháng trước, vợ chồng thẳng Bảy đón bố ra Quảng Ninh, cũng gặp bão biển. Sợ quá! Ất chưa kịp nghĩ đến những cơn bão biển khác nhau trong cuộc đời và lòng người vội cầm lấy bả vai của bố vợ. Và anh giải thích: - Bố chịu khó nhé. ở cái khớp vai này là một bó dây cơ, dây thần kinh. Mà tiêu biểu có ba dây dễ đau nhất, gọi là dây Tam Tiêu. Khi đau thường bị sưng rồi bị dính, phải day cho nó rời nhau ra. Này con day đây. Bố chịu đau chút nhé! Gương mặt phúc hậu của lão nông vùng đồng bằng khi đau, có nét mờ đi rất đáng thương. Đấy là day. Còn để cái khớp đỡ co, thì phải giật. Ất ta đưa tay giật mạnh, thì cụ run người lạnh toát, không một tiếng kêu. Anh phục nghị lực của ông bố vợ. Bố vợ anh một đời phúc hậu hiền lành, nay cũng ngoại tám mươi. Bao nhiêu trận bão đã đi qua đời cụ. Nhưng bão mỗi nơi một khác, mỗi thời một khác, trong đất liền khác với biển. Ngay như cụ bố vợ anh và các cố lão ngư ở vùng biển mà anh chạy bão về, một đời thuần hậu làm lụng giống nhau, nhưng gương mặt và tính cách lại rất khác nhau. Bố vợ anh hiền, khắc khổ mịn màng như đất đai đồng bằng. Còn cái cố lão ngư thì khắc khổ sóng gió, râu tóc như ngô vàng, mặt dài như dây chằng, đầy những cơn bão biển trong lòng. Bố vợ anh cả thời gian dài làm chủ nhiệm Hợp tác xã. Cụ liêm khiết đến từng chân tơ kẽ tóc. Bây giờ khác xa rồi!... Và ất nhớ ngay lúc ngồi giữa cơn bão biển gầm rú, dưới nóc nhà thờ lúc ấy, cùng các cố dân biển. - Quê anh ở mô ta? - Dạ, ở đồng bằng ạ! Lão ngư gầy gò nhất, má tóp, cái thập ác đeo trước ngực như quàng lên bộ xương, tên là cố Ghi, làm dấu Thánh ở ngực, rồi nói: - Chẳng giấu anh. Bãobiển xứ này phức tạp lắm. Nhất là trong lòng người. Ất cảm thấy đã chạm vào vùng “mắt bão” trong lòng mình, bèn xịch đến gần, nắm chặt lấy bàn tay cứng khô như que sắt của cụ. Cố Ghi kể: - Nhà thờ Xứ tôi đây vào loại cổ nhất đấy, nó có hình con thuyền ngoài biển. Người Pháp đến xây rồi họ đi, việc gì trước đó tôi không biết. Chứ ba lần chữa nhà thờ là ba lần dân Xứ Đạo chúng tôi tự nguyện đóng góp, công bằng trước Chúa. Người có chức sắc cũng như dân đen, đều dốc sức đóng góp tiền của, chẳng ai cậy chức sắc xà xẻo dù một hòn gạch. Còn quanh đây, những trụ sở, trường học, nhà bưu điện... điện - đường - trường - trạm kia người ta đặt ra, sách nhiễu tham nhũng hết lớp này đến lớp khác. Cố Chép như đến lượt mình, lấy cuốn sổ từ nãy áp trước ngực, tay làm dấu Thánh, rồi mở cuốn sổ ra trước tượng Chúa. - Tôi có cuốn sổ này, chép hết việc này việc nọ, nên dân làng gọi tôi là cố Chép. Sáng danh Chúa trên trời. Tôi ghi lại cái trụ sở kia, cái trường, cái trạm kia... người ta xây lên mấy lần và cứ một trận bão là đổ mấy lần. Tốn bao tiền của của người dân. Do cái tệ tham nhũng xà xẻo mà. Cứ một ông lên lại xây, bão về lại đổ. Lại xây lại đổ. Dân kêu không thấu. Người ta bảo: “Các ông ấy có phép day - giật - xoa, cứ như bão biển ấy. Sinh ra cái gì là bè phái vơ vét, bóp chẹt cái ấy. Trong khi nhà thờ xứ cổ của chúng tôi, hàng trăm năm tuổi, sửa ba lần là vững ba lần... đấy, tôi chép hết vào sổ này. Lạy Chúa, sống để dạ, chết mang đi!... ất trở về nhà và cảm thấy những cơn bão biển vẫn quần đảo trong lòng mình. Nó cứ “day - giật - xoa” như muôn thuở. Như cuộc đời thanh sạch và cơn đau khớp vai của bố vợ anh kia. Như cơn bão biển và gương mặt của những lão ngư chân thật với lũ tham nhũng cướp bóc ở cái xứ Đạo ấy. Rõ mỗi người già mỗi cảnh, mỗi thời mỗi khác. Từ bố vợ anh đến những cố Ghi, cố Chép mà anh đã được gặp. Rõ là những cơn bão lòng khác nhau! Quất Lâm về, 15/8/2001 (Tặng Hảo 49, Hợp 51 và những số phận xứ biển)