Phần Ba

MẸ TÔI!
VƯƠNG THỊ VÂN ANH
Mẹ tần tảo cho tôi khôn lớn, vai mẹ nặng hơn khi tôi vào đại học. Ba năm đại học xa nhà, tuần nào tôi cũng viết thư cho mẹ, mẹ cầm thư tôi mà rớt nước mắt, vui thật nhiều nhưng mẹ tôi có biết tôi nói gì với mẹ đâu.
Mẹ tôi không biết chữ!
TIẾNG ĐÊM
LÊ THỊ CẨM ÂU
Căn nhà ngày càng trở nên trống lạnh. Nhất là sau lần chúng tôi chính thức chia tay nhau.
Anh thất chí:
- Cuộc đời sao cứ mãi cưu mang bao bận đận!
Rồi anh say. Say...
Hai mẹ con tôi, rốt cùng loanh quanh như hai cái bóng, đâm buồn.
Đêm. Chiếc giường trống đi một chỗ. Mẹ con tôi nằm gần nhau hơn.
Khuya. Trở mình, nó vòi:
- Mẹ thoa lưng cho con!
Rồi so bì:
- Tay ba sần, thoa đã hơn!
- Đã thì theo ổng đi! - Tôi phát cáu.
Nó mủi lòng, trong khi tôi khóc.
LỜI HỨA
HẢI ÂU
Tết, anh chở con đi chơi. Về nhà, thằng bé khoe ầm với lũ bạn cùng xóm. Trong đám trẻ có thằng Linh, nhà nghèo, lặng lẽ nghe với ánh mắt thèm thuồng. Thấy tội, anh nói với nó:
“Nếu con ngoan, tết năm sau chú sẽ chở con đi chơi”. Mắt thằng Linh sáng rỡ.
Ngày lại ngày. Cuộc đời lại lặng lẽ trôi theo dòng thời gian.
Thoắt mà đã hết năm. Lại tết. Đang ngồi cụng ly với đám bạn thì thằng Linh cứ đang thập thò.
Vẫy tay đuổi, nó đi được một chốc rồi lại lượn lờ. Cáu tiết, anh quát nó. Thằng Linh òa khóc nức nở. Tiếng nó nói lẫn trong tiếng nấc: “Chú hứa chở con đi chơi... cả năm qua con ngoan... không hư một lần nào...”.
LÒNG MẸ
HẢI ÂU
Nhà nghèo, chạy vạy mãi mãi được suất hợp tác lao động. Thanh coi đó như cách duy nhất đề giúp đỡ gia đình. Nhưng ảo mộng chóng tan. Xứ người chẳng phải là thiên đường. Thanh chỉ còn biết làm quần quật và dành dụm từng đồng. Để nhà khỏi buồn, trong thư Thanh tô vẽ về một cuộc sống chỉ có ở trong mơ.
Ngày về, mọi người mừng rỡ nhận quà, Thanh lại tiếp tục nói về cuộc sống trong mơ.
Đêm. Chỉ còn mẹ. Hết nắn tay, nắn chân Thanh rồi mẹ lại sụt sùi. Thanh nghẹn ngào khi nghe mẹ nói: “Dối mẹ làm gì! Giơ xương thế kia thì làm sao mà sung sướng được hở con”.
CÁI BÓNG
HẢI ÂU
Ông luôn phàn nàn về cuộc hôn nhân sắp đặt sẵn mà gia đình dành cho mình. Ông chê bà ít học, chẳng tương xứng với sự lịch lãm của ông. Mọi việc ông thường tự quyết, chẳng coi bà vào đâu. Bà tồn tại bên ông như cái bóng lặng lẽ trong cuộc sống chung có nhiều thăng trầm. Một ngày, bà nhẹ bỏ ông sau một cơn bạo bệnh. Ông ra ngẩn vào ngơ như thể đang kiếm tìm. Nhà thiếu bà, ông mới thấy rõ những khoảng trống. Ông nhận ra sự lịch lãm cũng chẳng tạo nên được một gia đình nếu thiếu đi sự hy sinh, chịu đựng âm thầm của bà.
LỜI TRẺ
HẢI ÂU
Anh là người chu đáo. Noel nào anh cũng dành thời gian để chuẩn bị quà cho con. Cũng như nhiều ông bố khác, anh nói đó là quà của ông già Noel. Và anh cũng thường nói với con là nó càng ngoan thì nó sẽ nhận được phần quà càng to như là một cách dạy con khéo léo.
Một sáng Noel, nhìn thằng bé mắt sáng rỡ khi mở gói quà anh cảm thấy lòng vui vui. Chợt thằng bé ngước nhìn anh và hỏi: “Sao con thấy bố cũng ngoan mà ông già Noel không cho bố quà?”
ĐỨA CON
HẢI ÂU
Vợ chồng gây nhau. Dằn dỗi, vợ bế con về ngoại. Nhà vắng tiếng trẻ, anh thấy trống trải trong lòng. Giá như không gây nhau, giờ này anh đã được nựng vào đôi má bầu bĩnh của thằng bé.
Ở nhà ngoại, con nhớ hơi cha khóc ngằn ngặt.
Chị nhìn con khóc mà nẫu cả ruột gan.
Hôm sau, anh chuẩn bị đi đón con đã thấy chị ở trước cửa nhà. Thằng bé gặp cha cười nói tíu tít. Anh mừng rỡ ôm chầm lấy con nựng nịu.
Nhìn cha con vui vẻ, cơn hờn giận trong lòng chị tan như bong bóng xà phòng.
CHUNG TÌNH
HẢI ÂU
Mặc hồ lung linh. Nhìn xuống. Anh thấy bóng mình chìm trong đáy nước. Khi anh quay đi. Hình anh tan biến.
Mắt em cũng lung linh ánh biếc như mặt nước hồ thu. Nhìn em. Bóng anh cũng chìm trong đáy mắt. Khi anh quay đi. Hình ảnh anh đã bị cầm tù.
Thời gian trôi qua. Mọi sự đổi thay. Nước hồ không còn trong vắt. Mắt em cũng đã sậm màu, nhưng một vóc dáng cao gầy vẫn còn nguyên trong đáy mắt em như những ngày xưa cũ.
QUAY LƯNG, GẬT ĐẦU
HOÀI ÂN
Ngày ấy, Ông bà nội phản đối ba mẹ tôi với lý do của người lớn không ai hiểu được... Ba đã từ bỏ mọi thứ để nhận lấy cái gật đầu của mẹ... Rồi anh chị tôi ra đời...
Chỉ còn một tháng nữa, tôi cất tiếng chào đời. Và cũng với lý do của người lớn, ba quay lưng với mẹ, từ bỏ gia đình. Mẹ cũng gật đầu. Vành nôi tôi chông chênh từ đó...
Hai mươi năm, cuộc sống cứ tiếp diễn... Ba mẹ anh đã phản đối với những lý do của người lớn không ai hiểu được. Hôm qua anh quay lưng và tôi cũng gật đầu. Hạnh phúc?... Khổ đau?...
TẦM CAO
LÊ TÒNG BÁ
Nhờ quen biết và nói năng lưu loát, ba tôi được mời làm hội thẩm nhân dân tòa án huyện.
Cứ một phiên tòa lãnh hai chục ngàn, dự bữa cơm trưa.
Năm đó xét xử anh học trò can tội trộm, án ba năm tù. Người quen trách ba tôi khắc nghiệt, tra vấn bị can quá mức.
Bạn bè xa lánh dần, ông bệnh suốt năm chăng ai ghé thăm.
Mãn hạn tù, anh học trò bị tù năm xưa ghé thăm ba tôi đều đặn. Sau đó hỏi cưới chị tôi.
SĨ DIỆN
NGUYỄN HỮU BÉ
Ba mất. Mẹ vất vả nuôi mấy đưa con bằng nghề giữ xe hai bánh ở một đoạn vỉa hè bên hông nhà người ta. Các con thành đạt, người làm chỗ này, người làm chỗ nọ; mẹ một mình với cái lề đường quen thuộc.
Tết các con về đông đủ, có người còn mời thêm bè bạn. Ngày Tết xe đông, chỉ mình út phụ mẹ dẫn, dắt xe. Mấy anh ai cũng áo quần tươm tất; giày bóng, xe mới nên mắc cỡ.
XỨ LẠ QUÊ NGƯỜI
TRẦN NINH BÌNH
Qua xứ người được vài năm thì ông anh họ của tôi bắt đầu gửi tiền về, giục các con lo học tiếng Anh và vi tính đề mai mốt qua đó có thể dễ dàng kiếm việc làm. Hôm vừa rồi, anh gọi điện về thăm gia dình chúng tôi, tôi hỏi anh có địa chỉ email chưa để tiện liên lạc, giọng anh chùng hẳn xuống: “Suốt ngày hết rửa bát lại dọn bàn trong quán, anh có thì giờ đâu mà biết đến những thứ hiện đại đó hả em?”
CHIỀU XƯA
TRẦN NINH BÌNH
Hôm đó, ngồi cùng nhau bên bờ suối, cầm lấy bàn tay nàng trong tay, anh vẫn không sao thốt ra được lời anh muốn nói. Hai bàn tay đều run nhẹ. Xúc cảm dâng đầy trái tim... Nàng khẽ thở dài khi bóng tối dần lấn chiếm ánh hoàng hôn.
Chiều nay, trở về chốn xưa, đến phiên anh thở dài. Chỉ có mỗi mình anh trong bóng chiều bảng lảng. Hôm trước hỏi thăm một người quen, nghe nói nàng đã đi lấy chồng, một người ở rất xa...
BỐ VÀ CON
TRẦN NINH BÌNH
Anh phụ trách công việc giao tế ở một công ty, lúc nào cũng tươi tắn, lịch sự và hòa nhã. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, buổi tối tắm rửa xong, đang nằm đọc báo trên giường trải drap trắng toát thì con bé bốn tuổi, mồ hôi mồ kê, chân tay lấm láp trèo lên. Anh cau mặt gắt con sao không chịu đi rữa chân tay trước. Con bé mếu máo: “Bố ơi, từ sáng tới giờ bố chưa mi con cái nào!”
TÂM BÌNH
Ba mất. Mẹ nó sợ tuổi xuân trôi qua uổng phí, đi bước nữa. Nó về ở với Nội. Nội già. Nó làm tất cả. Nó giống người châu Phi - đen trùi trũi! Có người hỏi: “Mày có buồn không?”. Nó yên lặng nhìn xa xăm!
Một chiều, nó dẫn về một con bé, nhỏ hơn. Nội nhìn nó ngạc nhiên. Nó ngậm ngùi: “Con còn có Nội - nó chẳng còn ai!”
ĂN CƠM
NGUYỄN THANH BÌNH
Thằng Tèo ngồi tiu nghỉu. Tựa lưng vào cây trứng cá bên hông nhà, thỉnh thoảng nó giơ tay gạt nước mắt.
Không biết chuyện gì? Cả buổi sáng nay ba má nó liên hồi ẩu đả. Bỏ ông táo lạnh tanh. Giờ mỗi người mỗi góc.
Rồi cuộc chiến lại tiếp tục. Từ võ ba càng chuyển sang võ miệng. Bỗng má nó lớn giọng:
- Ông ăn chả, tôi ăn nem. Mặc xác ông!
Đến đây, cái bao tử thúc giục, Tèo tham chiến:
- Con không thèm ăn thứ đó, con chỉ muốn ăn cơm thôi!
RÁC
TRẦM VŨ XUÂN BÌNH
Sửa nhà bếp. Dư xà bần. Mẹ “liên hệ” gia đình người hốt rác. Cậu bé con nhỏ choắt, khoảng bảy tuổi, được “cử” đến... Đôi tay bé xíu, đen nhẻm cào trên đống lởm chởm cát đá “vĩ đại”… Xót xa! Chiều, gió mát, lũ trẻ kháu khỉnh, tròn lụi, ăn no, chạy giỡn với nhau.... Chắc trạc tuổi em...
- Em mấy tuổi
- Mười lăm.
Trời....
- Ê!... Hốt rác! Nè, hốt rác đi!
Mấy tờ giấy gói chewing-gum bay lả tả... Vài tiếng cười trẻ con vứt lại cho em, lơ lửng...
Đời?... Một giọt mặn chát rụng vào trái tim già nua... Còn em, cúi xuống... Hình như quen rồi.
Em kéo thùng đi, dáng gãy vẹo một bên vì quá nặng... Bỗng, cái thùng không đi được. Loay hoay... tìm... kiếm... em kéo ra một miếng chewing-gum còn mới, chưa kịp khô...
CÙNG NGHỀ
ỦNG SON CA
Thằng bé mới bảy tuổi ngây thơ hỏi bố:
- Sao hôm nay nhà cô Lan đông học sinh vậy bố?
- Ngày 20/11 con ạ, các anh chị đến thăm và chúc mừng cô giáo của mình đấy.
- Vậy thầy giáo thì có được học trò thăm không hả bố?
- Có chứ con vì đây là ngày của thầy, cô luôn mà.
- Sao mấy anh, chị không thăm bố?
- À, thì tại vì mấy anh, chị gặp bố ở trường rồi.
Thằng bé không biết bố nó đã nói dối. Chỉ vì cô Lan là giáo viên dạy toán còn bố nó là giáo viên thể dục.
NỢ TÌNH
PHẠM VINH CA
Ngoài hai bữa cơm ngày, vợ chồng anh chưa sao lo nổi một căn nhà đúng nghĩa. Đám bạn cứ đứng ra vận động, đứa góp công, thằng góp của, dựng cho anh một “mái ấm tình thương”.
Tạm an cư. Anh nỗ lực làm đáp nghĩa. Có dư luận cho là anh “hết xôi rồi việc”...
Anh đột ngột qua đời. Trước lúc di quan, bạn bè đủ mặt, ai nấy đều bùi ngùi khi nghe những dòng di bút.
Cảm tạ bạn bè anh, chị khóc:
- Nợ tiền đã trả. Nhưng nợ tình vĩnh viễn ảnh mang theo!
TRẦU CHO NỘI
NGUYỄN PHÚ CÁT
Mỗi khi đi chợ, mẹ thường hay nấn ná thật lâu bên hang trầu, cố chọn cho được nhũng lá trầu thật ngon mang về làm quà cho bà nội.
Nhưng lần nào ăn trầu, bà cũng chép miệng chê trầu không được ngon bằng trầu do chính tay ông nội ngày còn sống trồng dưới gốc mít nơi góc vườn. Từ ngày hồ tiêu lên giá, cha đã nhổ bỏ trầu đi trồng thay vào đó mấy gốc hồ tiêu.
BA NUÔI
LÊ NGỌC DƯƠNG CẦM
Ba tôi có tật, hễ được ai lớn tuổi giúp đỡ, ba tôi đều nhận làm ba nuôi. Má tôi cằn nhằn:
“Ai ông cũng gọi là ba, kỳ quá!”. Ba cười xòa:
“Ngày anh sinh ra, ba đã mất, nên thèm gọi tiếng ba lắm?”.
Má ngậm ngùi buồn hiu.
Thế mà nhiều khi ba rầy, tôi giận, suốt tuần không thèm gọi một tiếng “ba”.