ô từng dạy cho những em khiếm thị phải không?
- Dạ phải. Hồi sinh viên tôi tham gia công tác xã hội ở...
- Cô biết chữ nổi?
- Nhưng việc gì ạ?
- Có lá đơn xin cho một người mù dự kỳ thi tốt nghịêp cấp ba năm nay. Đây là trường họp đầu tiên ở tỉnh ta. Tôi giao việc này cho cô.
Hồi đó tôi hay đến Dương Xỉ để kể chuyện cho các em khiếm thị. Chỉ là cơ sở chăm sóc trẻ em khuyết tật nhưng người quản lý Dương Xỉ đã lôi kéo được nhiều cô thầy giáo đến dạy trên tinh thần thiện nguyện, và rồi người ta quen miệng gọi Dương Xỉ là “trường”, cũng phân lớp lang như các trường khác.
Chuẩn bị kể chuyện cổ tích cho các em lớp bốn, tôi bật ngửa vì trước mặt mình có khá nhiều em lớn tuổi.
Có câu chuyện cổ tích nào phù hợp với một khối thính giả từ chín tuổi đến mười tám? Tôi tự giận mình đã không tìm hiểu kỹ hơn trước khi bắt đầu buổi đầu tiên. Các lớp bổ túc thường có nhiều học sinh của những lứa tuổi khác nhau. Điều đơn giản vậy mà tôi đã để cho mình rơi vào bị động.
- Cô tên gì vậy cô ơi?
Câu hỏi được thốt lên bằng giọng ấm ngọt lạ lùng.
- Cô tên Liên. Em tên gì?
- Dạ em tên Minh Dũng.
- Là lớp trưởng đó cô. Hát hay lắm cô ơi.
Tôi chớp lấy cơ hội để kéo dài thêm thời gian nghĩ ra một truyện phù hợp. Không đợi tôi yêu cầu lần thứ hai, ngay lập tức Minh Dũng vừa đàn vừa hát tặng tôi một bài. Sau này tôi biết trong những buổi lễ khai giảng hoặc liên hoan văn nghệ, Minh Dũng luôn được chọn đọc diễn văn dù sức học của em chỉ trung bình yếu.
Sau vài câu kể mà liên tục bị ngắt ngang bởi những câu hỏi rành rẽ ra cái điều “em đã biết rồi đó cô”, tôi nhận ra bọn trẻ trước mặt mình đã được nghe khá nhiều truyện rồi. Mà những câu chuyện cổ tích thì... Tôi đành làm cho truyện khác đi bằng cách cắt đầu này ráp vào đuôi kia. Thấy đứa nào nhấp nhổm muốn vọt miệng ngắt ngang, tôi ngay lập tức làm cho khác nữa bằng cách sáng tác luôn!
Hôm ấy tôi đã kể câu chuyện về chàng Mêlusa như sau:
- Ở vương quốc xa xôi kia có nàng công chúa xinh đẹp tuyệt trần. Các hoàng tử gần xa đều ngấp nghé cầu hôn. Nàng công chúa ra điều kiện người nào muốn cầu hôn thì trước tiên phải trả lời ba câu hỏi, nếu không trả lời được thì sẽ...
- Bị nhốt vào ngục phải không cô?
- Bị quẳng vào chuồng sư tử.
- Bị hóa thành đá.
- Bị chém đầu.
- Ừ, đúng rồi. Bị chém đầu.
- Biết ngay là vậy mà.
- Đức vua và hoàng hậu rất buồn trước yêu cầu quá quắt của công chúa nhưng hai người cũng hy vọng sẽ có một chàng hoàng tử thông minh tài giỏi khiến nàng thay đổi tính tình.
- Thế nào cũng có một hoàng tử như vậy xuất hiện khi đã nhiều người bị chém đầu rồi, phải không cô?
- Các hoàng tử đều rất tự tin vì họ được những người thầy cực kỳ giỏi giang dạy dỗ, và trong số đó, có cả những chàng còn rất trẻ nhưng đã là chiến binh vô cùng dũng cảm, lập nhiều chiến công hiển hách. Chỉ cần nghe kể về những chiến công này thì thách thức của công chúa xem ra thật buồn cười. Nhưng rồi tất cả đều đầu lìa khỏi cổ vì không trả lời được những câu hỏi của công chúa. Hoàng hậu buồn phiền đến nỗi ngã bệnh. Thế rồi...
- Có một chàng trai...
- Đúng vậy. Có một chàng trai. Một buổi sáng kia, thềm cung điện xuất hiện một chàng trai không quân hầu, không ngựa, không vòng vàng lộng lẫy. Chàng trai mặc bộ áo quần giản dị màu trắng, một cái thắt lưng màu xanh lá cây, đôi giày bện bằng cỏ. Vua thương hại ra lệnh cho chàng trai hãy về đi. Nhưng chàng trai cương quyết xin được trả lời ba câu hỏi của công chúa. “Ngươi muốn chết thật sao?”. “Thưa bệ hạ, thần muốn được thử trí cùng công chúa”. Câu trả lời thật là đặc biệt. Không phải là “muốn được cầu hôn công chúa” mà là “thử trí cùng công chúa”...
- Chàng trai này sẽ cưới được công chúa cho mà xem.
- Nàng công chúa tức giận trước vẻ kiêu hãnh táo tợn kia, ngay lập tức nàng quẳng xuống giữa sân mẩu giấy đã vo tròn lại, bên trong chứa câu trả lời cho ba câu hỏi của nàng. Tất cả những đôi mắt đều nhìn chăm chăm mẩu giấy quyết định số phận của chàng trai, và cả số phận của công chúa nữa. Đúng, cả số phận của công chúa nữa. Chẳng phải vậy sao? Nếu chàng trai chiến thắng thì công chúa phải làm vợ một người không dòng dõi cao sang. Tất cả nín thở chờ đợi. Câu hỏi thứ nhất... Giữa im lặng rợn người, giọng công chúa lạnh lùng “Hãy trả lời cho ta nghe cái gì nhanh hơn gió?”. “Cái nhìn, thưa công chúa”...
Tôi giả vờ ho để ngừng lại đợi tràng vỗ tay cho câu trả lời tuyệt vời này. Im lặng. Tôi nhận ra sự vô ý của mình, các em không thể biết thế nào là cái nhìn. Tôi vội tiếp tục thật nhanh:
- Công chúa tái mặt. Câu hỏi thứ hai vang lên như biển động: “Hãy trả lời cho ta nghe cái gì dài hơn gió?”. Các em biết câu trả lời là gì không?
- Cô nói đi cô.
- “Vòng tay người mẹ, thưa công chúa”. Câu trả lời này khiến hoàng hậu đang đau ốm vì buồn phiền phải nở nụ cười. Còn gì chính xác hơn nữa. Những đứa con đi mãi, những bước chân qua nghìn núi nghìn sông cộng lại dài hơn gió nhưng dù có đi đến đâu thì vòng tay của mẹ vẫn ôm gọn con vào lòng. Người ta kể lại là hoàng hậu đã lệnh cho tì nữ lấy khăn cho bà lau nước mắt.
Tôi dừng lại. Cả lớp im phăng phắc.
- Câu cuối cùng. Giọng công chúa vang lên như bão tố: “Hãy trả lời cho ta nghe cái gì âm vang hơn sấm sét và đồng thời dịu dàng như một nụ hôn?”. “Thưa công chúa, có phải là tiếng đập của trái tim không?”. Nàng công chúa bật cười khanh khách. Tiếng cười khiến ai nấy rợn người - “Lẽ ra nhà ngươi phải bị chém đầu ngay lập tức. Nhưng vì ngươi đã trả lời được hai câu. Vậy ta cho phép ngươi có một ước nguyện trước khi chết”. Tiếng nấc nghẹn ngào khắp cung điện. Ai ai cũng tiếc cho chàng trai hiên ngang thế kia, thông minh sâu sắc thế kia. Nàng công chúa không có trái tim để biết nhịp đập kỳ diệu của yêu thương cũng như tiếng đập phẫn nộ trước sự độc ác. “Hãy nói, ngươi muốn gì trước khi chết?”, công chúa đắc thắng hỏi. “Thưa công chúa - chàng trai buồn rầu - Khi tôi đi, mẹ tôi nói: ‘Trái tim người mẹ muốn con trai của mẹ hãy ở lại nhà, nhưng cũng trái tim người mẹ bằng lòng cho con ra đi để những bà mẹ khác không phải khóc những cái chết oan uổng vì sự mê hoặc của nhan sắc’. Tôi tài hèn, không làm được điều mẹ mong muốn. Xin công chúa cho tôi được về tạ lỗi cùng mẹ rồi sẽ quay lại đây chịu chém đầu”.
“Lấy gì bảo đảm rằng ngươi sẽ không hèn nhát trốn chạy?”
“Danh dự của Mêlusa, thưa công chúa”.
“Mêlusa là...”
“Là tên của mẹ đặt cho tôi, thưa công chúa”.
Công chúa bật cười:
“Ngươi có định nói rằng tên của ngươi có nghĩa là cơn gió không?”
“Là niềm tin, thưa công chúa”.
Tiếng cười của công chúa vang xa:
“Vậy à? Vậy thì nhà người hãy hỏi xem trong những người quanh đây, ai là người dám tin nhà ngươi sẽ giữ lời hứa? Nếu có một người tin vào điều ấy thì ta cho phép ngươi có ba ngày về thăm mẹ. Nếu sau ba ngày mà ngươi không có mặt tại nơi này thì người ấy sẽ thay ngươi chịu tội chém đầu”.
“Có ai không?” - Công chúa thét vang đắc thắng.
“Có tôi, thưa công chúa” - Nàng tì nữ đang cầm quạt đứng hầu sau lưng công chúa vụt buông quạt xuống và quỳ trước mặt công chúa: “Tôi xin chịu tội thay chàng”.
Đất trời đảo lộn. Công chúa tím mặt:
“Mêlusa, mạng sống của đứa con gái này đã thuộc về ngươi. Hãy đi đi”.
Mêlusa nhìn cô gái, chàng muốn nói lời cảm ơn nhưng cô gái đã run rẩy xua tay ra hiệu. Chàng quay lưng, chạy. Chàng biết mình không có quyền chậm trễ một giây nào.
Một ngày trôi qua. Hai ngày trôi qua. Hai ngày rưỡi... và ngày thứ ba sắp tàn. Khắp nơi cầu nguyện cho nàng tì nữ, cho Mêlusa. Khi cái khoảnh khắc cuối cùng của ngày thứ ba trôi qua, tất cả mọi người đều khóc, khóc cho nàng tì nữ, cho Mêlusa đã vì lý do gì đó chứ nhất quyết không vì hèn nhát.
Thanh kiếm đã giơ cao, ánh thép loang loáng.
Lưỡi kiếm đang hạ xuống thì Mêlusa xuất hiện. Không thể nhận ra chàng trai tuấn tú trong bộ áo quần màu trắng thắt đai lưng xanh lá cây hôm nào. Mọi thứ trên người chàng tả tơi đỏ quạch bùn đất, dấu vết của đôi giày cỏ chỉ là cọng rơm giữa những ngón chân tóe máu. Rạp người phóng đến hứng chịu lưỡi kiếm đang đà chém xuống cổ người tì nữ, người ta nghe giọng chàng tự ra lệnh cho mình: “Chạy nhanh lên, Mêlusa”. Kiệt quệ vì quá cố gắng trên đoạn đường dài thẳm nhưng ra lệnh cho mình thì giọng chàng âm vang như một vị tướng trước giờ ra trận.
Tự tay hoàng hậu dìu chàng trai đứng lên:
“Bệ hạ có vui lòng ra lệnh hủy cái án chém đầu chàng trai này không?”
“Ta đã muốn nói như vậy trước khi hậu nói rồi” - Vua vuốt chòm râu, mỉm cười nhìn Mêlusa - “Người đến đây để cầu hôn con gái ta phải không?”
Tôi dừng lại, khoan khoái vì những khuôn mặt vô cùng chăm chú.
- Hôm nay chúng ta ngừng ở đây. Các em chú ý bài tập về nhà.
- Trời, kể tiếp đi cô.
- Kể liền ngay đi cô ơi. Mêlusa lấy công chúa hay lấy nàng tì nữ hả cô?
- Kể chuyện mà cũng có bài tập hả cô?
- Có chứ. Mỗi em tự sáng tác đoạn kết của câu chuyện này sao cho phù hợp. Tiết sau cô sẽ gọi từng em lên kể, đoạn kết của ai hay nhất sẽ...
- Cô ơi cô - Chất giọng ấm ngọt đặc biệt của Minh Dũng vang lên - Câu trả lời cho câu hỏi thứ ba của công chúa là sao hả cô?
Tôi không đợi câu hỏi này. Để giấu sự chưa kịp nghĩ ra của mình, tôi nói to:
- Đây cũng là bài tập về nhà. Tiết sau, em nào có câu trả lời hay nhất sẽ được..
- Cưới công chúa! A ha... - Minh Dũng nhoẻn cười. Nụ cười nghịch ngợm và tươi tỉnh đến nỗi hai hốc mắt vô hồn cũng sáng lên.
- Nếu là hoàng tử, em có dám dự thi không?
- Dạ dám!
Cái gật đầu quả quyết và hùng hồn làm sao. Tôi phì cười:
- Ghê chưa.
- Không phải em không sợ chém đầu mà vì chắc chắn em sẽ trả lời được tất cả những câu hỏi của công chúa.
Tôi chợt nhận ra sơ suất nữa của mình. Trong câu chuyện tôi đã miêu tả nhiều màu sắc quá. Nhưng có vẻ như các em không chú ý tới tiểu tiết này. Tiếng chuông ra chơi vang lên. Các em chạy túa ra khỏi lớp và hô vang “Chạy nhanh lên Mêlusa!”.
Tám năm. Dương Xỉ thay đổi khá nhiều. Lối đi được láng xi-măng sạch sẽ không còn những lùm dương xỉ mọc lô nhô nữa. Thay đổi đập vào mắt là phòng vi tính. Các em ngồi trước máy để gõ, cái máy in làm nốt phần còn lại. Tôi nhớ trước kia, cả trường chỉ có mình thầy Hòa biết chữ nổi. Bài kiểm tra nào cũng phải đợi thầy dịch sang chữ thông thường thì các cô thầy khác mới đọc và chấm bài được. Có lần ngay giữa kỳ thi mà thầy Hòa bị đau phải nằm viện một tuần, cả trường tê lịêt. Máu nóng sinh viên khiến tôi lao vào học với quyết tâm trở thành người thứ hai trong trường biết chữ Braille.
Bà quản lý mừng rỡ khi biết tôi về đây tìm hiểu trường hợp của Minh Dũng:
- Là cô à? Vậy thì hay quá. Lứa tụi nó hồi đó, đứa học được mấy chữ rồi về nhà không biết ra sao, đứa vót tăm tre, đứa xoa bóp dạo, nghe nói có đứa ăn xin. Một mình thằng Minh Dũng được trời cho cái giọng, nó theo đuổi việc học cũng là mong được vô trường trung cấp văn hóa nghệ thuật đó cô. Để tôi lấy cái giấy chứng nhận cho cô coi.
Minh Dũng đoạt giải nhất giọng hát hay thì không cần giấy chứng nhận nào tôi cũng tin.
- Chuyện thi cử của Minh Dũng vạn sự nhờ cô nghe. Những môn học thuộc thì còn được được nhưng mấy môn tính toán thì nó không bằng người ta.
Bà quản lý vừa nói vừa dúi tấm giấy chứng nhận vào tay tôi vừa thúc vai đầy ngụ ý “Nghe cô?”.
Trước kia tôi và Minh Dũng hay trò chuyện, nói đúng hơn là tôi hay hỏi bâng quơ để được nghe Minh Dũng trả lời bằng giọng du dương như hát. Lý do là vậy nhưng rồi cũng đôi khi thành cuộc nghiêm túc “Tại sao em không đi học sớm hơn hả Minh Dũng?”. “Tại ba má em hồi đó không biết, với lại nhà em nghèo lắm”. “Nhà em ở đâu?”. “Dạ xa lắm cô. Tận ở...” “Sau này em thành ca sĩ nổi tiếng, mua biệt thự ở trung tâm rồi đón ba má về tha hồ mà gần...”.
- Em thành ca sĩ được không cô?
- Được chứ.
- Sao em nghe người ta nói ca sĩ không chỉ hát hay mà còn cần phải biết này nọ kia?
- Biết này nọ kia là cái gì?
- Dạ... thì...
- Chỉ nghe nói nhảm. Biết là biết tìm cho mình những người có chuyên môn để được tập luyện bài bản chứ không thể đàn hát bằng bản năng mãi được.
- Tìm ở đâu hả cô?
- Nhạc viện.
- Nhạc viện ở đâu hả cô?
Phòng văn thư được sử dụng làm phòng thi cho thí sinh duy nhất. Minh Dũng ngồi trước máy tính, hai tay đặt trên bàn phím. Vậy là bắt đầu được rồi. Xem ra công việc làm giám thị của tôi chỉ là hình thức vì không cần người dịch đề thi sang chữ Braille như trưởng phòng bổ túc nghĩ. Phần mềm dành cho người khiếm thị đã giúp cho mọi việc trở nên đơn giản. Tôi chỉ phải làm một việc là đọc đề bài cho Minh Dũng nghe mà thôi. Và...
- Em chuẩn bị xong chưa? - Tôi hỏi.
- Dạ rồi.
Minh Dũng trả lời. Khuôn mặt bồn chồn tội nghịêp làm tôi nhớ cái gật đầu tinh nghịch quả quyết
“Dạ dám. Không phải em không sợ chém đầu mà vì chắc chắn em sẽ trả lời được tất cả những câu hỏi của công chúa”.
Chuông reo báo hiệu bắt đầu. Tôi đọc đề bài thật chậm:
- Hãy giải các phương trình sau. Bài thứ nhất: cotg bình phương bốn x cộng cotg bình phương bốn x bằng 0.
Minh Dũng gõ bàn phím lách cách. Cái loa phát ra từng tiếng: Tờ, a, dấu cách, cờ, o, dấu sắc, dấu cách...
Giám thị hành lang, ông thầy giáo già người Huế sắp về hưu luôn cực lực phản đối những thành tích giả hiệu ngang qua cửa nhìn vào. Tôi đọc tiếp bài thứ hai. Tiếng gõ lách cách liên tục. Ông đi qua. Tiếng gõ tiếp tục vang lên. Rồi khựng lại. Cái loa liên tiếp lên tiếng “xóa... xóa... xóa...”...
Tôi nhìn lên màn hình. Minh Dũng đã hoàn thành phần đầu và đang lúng túng phần tiếp theo, x, a, sin, cotg... những ký hiệu hiện lên rồi lại xóa đi.
Còn hai mươi phút nữa hết giờ. Mười ngón tay của Minh Dũng mò mẫm gõ rồi lại xóa.
- Cô ơi, có cô đó không? - Minh Dũng thì thào.
- Cô đây. Sao?
- Cô kiểm tra dùm phần em làm rồi được mấy điểm hả cô?
Tôi đi ra hành lang. Ông thầy giáo già đang chầm chậm bước, ánh mắt như mũi dao phóng qua khe cửa. Sáng nay nhìn thấy tên ông làm giám thị hành lang thì tôi biết vậy là hết.
Ông đi đến chỗ tôi và dừng lại. Trong phòng im phăng phắc. Ông cũng im lặng nhìn tay Minh Dũng rờ rẫm mà không biết nên nhấn xuống phím nào. Những ngón tay dài trên phím đàn bao lần tôi đã nghe và ước mơ cùng Minh Dũng. Chính tôi đã gieo vào đầu em những bay bổng.
- Thằng nớ kiếm cái bằng để làm chi rứa? - Ông thầy giáo già nhíu mày.
- Để có được nghề nghiệp đúng khả năng đó thầy ạ - tôi đáp, mong ông nhận ra giọng thỉnh cầu của mình.
- Cô ơi cô đâu rồi?
Tôi cảm thấy hai tai Minh Dũng đang vểnh nhọn lên.
- Cô kiểm tra giùm phần em làm rồi có được đủ năm điểm không cô?
Câu hỏi lặp lại bằng giọng tuyệt vọng. Điểm 5 cho một ước mơ. Tôi nhìn ông thầy giáo già. Rồi chẳng biết làm gì nữa, tôi cúi mặt.
Tại câu trả lời của tôi? Tại ánh mắt cầu cứu của tôi? Tại giọng nói của Minh Dũng? Tại nỗi tuỵêt vọng lơ lửng? Hay đơn giản là lòng trắc ẩn?... Ông bước đi nhanh. Và không quay lại cho đến khi chuông reo báo hết giờ.
Giải nhất giọng hát hay thành phố và tấm bằng tốt nghiệp không làm nên điều kỳ diệu. Quy chế của trường Văn Hóa Nghệ Thuật không nhận học sinh khuyết tật.
Câu hỏi thứ ba của nàng công chúa chỉ là cái lắc đầu dửng dưng.
Nhưng may mà cuộc sống tuyệt vời này vẫn còn có những nàng nữ tì. Tôi sẽ kể về nàng trong một câu chuyện khác.