ột giờ trưa, giờ vắng nhất trong ngày. Vài người xoay lưng vào nhà trước những cái máy loang loáng nhấp nháy, tiếng gõ lóc cóc như bầy chim tập nói.Thư ông bác gửi ra hỏi có muốn vào Nam làm với bác không, Dụng nhận lời ngay. Hai năm lang thang ở các điểm dịch vụ Internet Hà Nội sau hai lần thi trượt đại học cho Dụng một số vốn kha khá về môn này. Bác nói cứ vừa làm vừa học thêm, không đại học nhưng nếu muốn thì vẫn có vô khối cái để học mà chẳng cần đi đâu xa, chỉ nhấp chuột... Vậy là Dụng khăn gói, một lần nữa, đi. Mẹ ứa nước mắt nhưng không nói gì, bà sợ những lời thương yêu của mình cản trở thằng con nhiều mơ mộng. Và một nỗi sợ khác... Miền Nam, nơi chồng bà đã từ lâu không thư về. Ông cậu húng hắng ho. Dụng rất hiểu tiếng ho húng hắng này. Ngày Dụng xách túi áo quần từ Hà Nội về với bộ dạng của kẻ chiến bại, cậu nói bằng giọng rất vui vẻ rằng quê mình từ nay khác gì thành phố, ủy ban huyện sắp được trang bị một dàn máy vi tính và tất nhiên phải tuyển mộ nhân viên tin học. Gì thì còn gọi là chứ nhân viên dính dáng đến tin học đương nhiên không phải dạng điếu đóm! Tên Dụng đã được ông chủ tịch huyện ghi vào quyển lịch treo tường văn phòng ủy ban.Miền Nam, trong hình dung của Dụng là một thành phố khổng lồ không có tận cùng. Nơi mà tiền bạc như một cái hạt gieo xuống. Đứa em họ của Dụng vào Nam để bế em mà hai năm sau về đủ tiền mua một cái máy xay xát cho bố làm nghề những ngày nông nhàn, mua cái cối có gắn môtơ cho mẹ làm đậu phụ và cũng khỏi tốn tiền mua cái ăn cho lợn, phần em gái là một cái máy khâu đổi đời lầm lũi ruộng ao. Đó là chỉ bế em thôi đấy.Vào miền Nam... Mẹ nói có khó khăn gì thì tìm bố. Dụng lắc đầu, nếu có gặp thì chỉ vì bố là bố, không phải để than van nhờ cậy. Mẹ cười buồn. Dụng đau lòng tự nhủ mình sẽ làm được cái gì đấy cho mẹ vui.Chiếc xe màu mận chín leo lên mép vỉa hè. Người ngồi trên xe che khẩu trang kín mặt nhưng Dụng biết đó là cô. Lần thứ hai cô đến Dụng đã nhận ra ngay bởi mùi hương. Loài cỏ lúp xúp ven bờ làng, mùa đông nở hoa trắng như gạo tấm và thơm như gạo tám.Mùi hương khiến Dụng chú ý đến cô một cách đặc biệt ngay lần đầu tiên cô đến. Nghiêng người sau vai cô để điều chỉnh một vài lệnh, bàn tay Dụng khựng lại, mái tóc cô làm Dụng xao xuyến đến mềm lòng. Không ngờ nhớ nhà đến thế!Cô trở nên đặc biệt rất bỗng nhiên. Quá đặc biệt giữa những người khách thường xuyên đến đây. Màu áo cô mặc gợi nhớ mùa xuân phương Bắc, cô đến vào ngày mưa thì màn hình đối diện cô như có mặt trời chiếu sáng, màu áo khiến không gian quanh cô rạng rỡ và tràn đầy sức sống. Và màu áo gợi nhớ quá đi thôi khoảng thời gian ngắn ngủi ở Hà Nội. Lạ lùng là nỗi nhớ Hà Nội. Hay vì thị xã này nhỏ bé quá so với hình dung khiến Dụng không nguôi khát khao bay xa?Dựng xe xong, cô gỡ khẩu trang và mỉm cười. Khi còn cái khẩu trang Dụng đã nhìn thấy ánh cười trong mắt cô rồi nhưng thích nhất vẫn là nụ cười tỏa khắp khuôn mặt. Cô thong thả bước vào, ngồi lên ghế rồi mới từ tốn nhấn cái nút ở góc màn hình. Trong khi chờ đợi, cô nhìn quanh bốn bức tường sơn màu vàng chanh có gắn tám cái quạt, khoảng cách giữa hai cái quạt là tờ giấy trắng in đậm dòng chữ “Xin quý khách tuyệt đối không được truy cập những trang web độc hại. Xin quí khách đừng tự ý xóa chương trình hoặc cài đặt...”. Dụng chẳng biết cô thấy gì thú vị đáng nhìn ngắm nhưng Dụng thích cách cô nhìn quanh như vậy với nụ cười đượm trên môi, như là cô đang nghĩ đến điều gì đó rất đỗi thanh tao. Đôi lúc Dụng thầm nghĩ nếu có quyền, mình sẽ treo trên tường vài bức tranh và cả hoa nữa.Nếu mình có quyền... Cụm từ này thôi thúc Dụng ngồi vào máy bất cứ lúc nào có thể. Thế giới hiện ra mênh mông kỳ ảo. Cái thị xã Dụng đang dừng chân nhỏ bé làm sao.Không ngờ miền Nam mà có cái thị xã bé xíu thế này, chục con đường chạy dọc và hơn chục con đường chạy ngang như ô bàn cờ, thế thôi. Cái phần miền Nam này chẳng giống lời đồn tiền bạc như một cái hạt gieo xuống. Giá mười hai nghìn đồng cho một giờ truy cập, các điểm dịch vụ mọc lên như nấm kéo giá xuống sáu nghìn đồng, rồi tụt xuống còn ba nghìn, nghĩa là năm mươi đồng cho một phút mà có nơi còn phải thêm dòng mời gọi thật to: “ba tặng một”.Bây giờ nhiều người nghiêm túc thuê máy hơn. Mà cả nhí nhố thì cũng sành rồi, chẳng mấy khi gọi nhờ hướng dẫn nữa. Khách im lặng chat, im lặng đọc báo, im lặng tìm kiếm thông tin, thảng hoặc họ mới nhờ Dụng giúp cho một vài thao tác cần thiết, ví dụ như điều chỉnh phông chữ để đọc thông tin vừa download về... có nhiều thời gian hơn cho Dụng mày mò.- Ừ rảnh rỗi thì tranh thủ mà nghiên cứu. Hay đấy - Rồi có khi vui vui, ông bác thêm - Mày mua vé số đi, trúng đủ tiền sang lại phòng máy này rồi tha hồ làm gì thì làm.Dụng không mua vé số. Dụng mua bưu ảnh và cả cắt ảnh từ báo ra. Chuyện kể có cậu sinh viên lập trang web mua bán đồ cũ mà thành triệu phú. Dụng âm thầm lên kế hoạch làm một trang của mình - Quê Nhà - cho bao nhiêu người đang tha phương...Thư ông cậu hỏi: “Con thấy thế nào? Liệu có lâu dài không? Ông chủ tịch huyện hỏi thăm con đấy, dàn máy đã mua về rồi... ”. Chưa có gì để trả lời với cậu là lâu dài nhưng Dụng bắt đầu tin ở mình hơn. Và tin cuộc đời nữa, cái cuộc đời sau khi tin đồn bố lấy vợ và hai lần thi trượt đã khiến Dụng lẩn tránh khổ sở.Cuộc đời Dụng tin là những người khách đến đây, có người rành rẽ ngồi ngay vào máy và gõ phím giao tiếp với thế giới bao la một cách tự tin, có người bối rối chìa cho Dụng mẩu giấy ghi địa chỉ của con gái đang học tập bên kia bờ đại dương, giọng nói run như yêu cầu Dụng một điều quá quắt: “Cháu bấm hộ xem thế nào, nó thư cho bác là cứ đến dịch vụ in in gì đấy để nó nhìn thấy mặt bác một chút cho đỡ nhớ, mà bác cũng được nom thấy nó một tẹo. Tội nghiệp lắm cơ, em nó mùa hè tranh thủ ở lại làm việc kiếm tiền trang trải cho sang năm nên không về thăm nhà được”. Dụng hỏi một câu không liên quan đến máy tính: “Bác vào đây lâu chưa ạ?”. “Mới. Chị cả sinh em bé nên bác vào hộ việc nhà”. Dụng gần như phải ấn người đàn bà xuống ghế thì bà mới chịu ngồi, hai tay lóng ngóng không biết để đâu, còn hai chân thì ghì cái ghế cứ xoay xoay theo từng cử động. Và khi khuôn mặt đứa con gái hiện ra trên màn hình với nụ cười toét miệng chứng minh mình đang khỏe mạnh sống vui không có gì đáng lo thì bà hớn hở lay tay Dụng: “Thế nó có nom thấy bác không? Có à? Thế thì cháu làm sao cho nó cũng nom thấy bác cười tươi như thế nhá” - Bà quệt ống tay áo lau giọt nước trong veo ứa đuôi mắt - “Hôm nọ ông thợ ảnh bảo mặt bác nhìn nghiêng trông được hơn nhìn thẳng đấy”.Bà không biết là chính bà, vâng, chính bà đã mở đường cho điều Dụng ấp ủ bấy lâu mà chưa biết bắt đầu từ đâu.Trang web của Dụng có khuôn mặt người đàn bà tuổi năm mươi nhìn nghiêng với nụ cười chứa chan thương nhớ tỏa sáng từng nếp nhăn mong ngóng, tỏa sáng món tóc bên thái dương lất phất màu muối. Có không gian màu xanh ngắt của đại dương ngăn cách mà như bầu trời chờ đợi những cánh diều, sóng nhấp nhô như gió. Diều cá chép, diều rồng, diều xòe cánh phượng như miếng trầu têm... bọn trẻ chạy dọc trên cánh đồng hướng người ngược theo cơn gió như những con diều hình máy bay.Và cô, tất nhiên.Cô hiện diện bằng những gam màu lộng lẫy cùng hoa dã thảo lấm chấm khắp các trang như những vì sao xa.Ông bác thắc mắc Dụng mua bưu ảnh làm gì nhiều thế, thêm rác báo vụn xả đầy nhà. Ông cầm một tấm lên, đeo kính vào rồi ồ: “Vườn đào Nhật Tân đây phải không?”, mắt ông chợt xa xăm: “Ngoài ấy mùa này vẫn còn nóng lắm nhỉ”.Dụng nhìn ra đường, mùa khai giảng, những tà áo dài trắng. Quê Dụng nữ sinh đi học chưa được mặc áo dài. Nhưng Dụng tin có nhiều người, rất nhiều người phiêu bạt đó đây lưu giữ trong ký ức một dáng áo thướt tha bay.Công trình của Dụng hoàn thành vào một ngày cuối năm, trời rét khiến ngón tay trỏ co cứng đờ. Hôm nay khách đông bất ngờ, hình như thời tiết khiến người ta nghĩ đến nhau nhiều hơn? Hay không khí giao mùa thôi thúc một sự chia sẻ.Chiếc xe quen thuộc nghiêng bánh leo lên thềm, cô gỡ khẩu trang ra, nụ cười khiến màu hồng trên má cô càng thêm thắm hay vì màu đỏ của cái áo rất đẹp ửng rạng khuôn mặt?Không còn máy trống, Dụng thoát chương trình mình đang làm rồi đứng lên nhường máy cho cô. Lẽ ra Dụng đã đi nơi khác ngay nhưng vì mùi hương... Dụng hít nhè nhẹ, hít thật sâu...Mắt Dụng chạm phải sáu ký tự. Thay vì gõ password vào ô bên dưới thì cô đã gõ nhầm vào ô bên trên. Sáu ký tự hiện ra thật rõ ràng.Cô vội xóa đi và hạ con trỏ xuống bên dưới rồi gõ lại.Dụng chưa bao giờ có ý nghĩ này. Chưa bao giờ, thật vậy. Nhưng sáu ký tự cứ hiện ra trong trí nhớ khiến Dụng không cưỡng được nỗi tò mò muốn biết về cô. Chỉ một chút thôi. Lỗi tại cơn gió cuối năm cứ thổi tràn qua nỗi nhớ nhà...Lá thư thứ nhất là thư của một đứa em trai đang học ở thành phố, Dụng chắc vậy vì lời lẽ trong thư kể lể cuộc sống sinh viên thành phố đắt đỏ quá và quyết tâm tiết kiệm bằng cách tết này không về quê. Và một lá thư khác cũng của một đứa em, hình như là con gái, đang học may cấp tốc để kịp xin việc trong xí nghiệp may hàng xuất khẩu. Thư kể tháng hai có đợt thi tuyển thợ tay nghề cao cho nên tết này không phụ may áo quần bình thường cho chủ được mà phải lo học may áo gió. Dòng rụt rè cuối thư “học cấp tốc giá đắt lắm chị ạ...”.Dụng tưởng tượng thằng sinh viên xa nhà một mình nằm lại ký túc xá rộng thênh. Rồi hình dung đứa con gái cắm cúi bên bàn máy may. Hồi ở Hà Nội, Dụng ở trọ cùng xóm với công nhân may hàng bảo hộ. Ai cũng tranh thủ nhận hàng về làm thêm. Tối nào cũng thấy họ cặm cụi lộn nắp túi áo và măngsét tay. Dụng hỏi họ sao cứ mãi một kiểu như thế, câu trả lời thở dài “muốn may khác kiểu thì phải có tiền học nghề”.Hai lá thư đầu khiến Dụng thấy cô đúng như mình hằng hình dung, giống hệt những người chị ở quê Dụng vào Nam tìm đường làm ăn kiếm tiền thay cha mẹ nuôi em ăn học, ít ra là một cái nghề. Nhưng lá thư thứ ba làm Dụng sững sờ. Của một người đàn ông. Thư trách móc số phận sao cho gặp nhau quá muộn màng, nồng nàn tỏ ý, nhắc lại những lần gặp gỡ và rồi... “neu em dong y, toi se ly di... chi can em noi dong y, em se co tat ca nhung gi em muon...”.