Cô Mi ăn mặc lộng lẫy trong bộ quần áo đỏ chói đứng bên một chiếc xe hơi sang trọng đậu trước cửa nhà giam. Mi đã mở sẵn cửa ca bin để tôi vào ngồi cạnh. Chính cô tự lái xe. Mi líu lo như một con chim: - Được tin ông bị bắt, em lo lắng quá. Tôi thầm nghĩ: "Cô bé này giả dối hay sao? Không biết buồn, sao còn biết lo lắng?" À, cũng có thể... vì con người ta còn biết lo lắng, lúc sợ hãi. Có lẽ sự lo lắng gần với cảm giác sợ hãi hơn cảm giác buồn. Và có lẽ ở xứ này người ta cho phép cảm giác sợ hãi và những hệ quả của nó được lưu hành. Ý nghĩ tàn nhẫn ấy vừa thóang hiện hình tôi đã tự thấy xấu hổ, vì cô gái trẻ trung kia vẫn líu lo. Cô ta vui thật sự khi thấy tôi được tha. - Mới một tuần lễ mà ông đã gầy rộc hẳn đi. Mi lái tay phải, còn tay trái đưa cho tôi một túi kẹo thơm phức: - Ông ăn đi cho lại sức. - Kẹo lại sức? - Tôi cười. - Loại kẹo cực bổ cho người mới ốm dậy. - Mi trả lời. Tôi đưa kẹo vào miệng. Vị kẹo này ngọt, nhan nhát ngọt và thơm phức. Ăn xong một chiếc, tôi thấy người tỉnh táo như vừa ăn xong một tiên đan. Tôi ngắm nghía chiếc túi giấy bóng màu hồng, trong đó chỉ còn hai viên màu xanh và hỏi: - Kẹo làm bằng gì mà kỳ lạ vậy? Mi cười: - Đây là thứ kẹo bổ dưỡng, đặc biệt của riêng ngài công dân A1. Ăn ba viên kẹo này thừa chất sống cho ba ngày. Ngày A1 không muốn gặp ai với khuôn mặt hốc hác mệt mỏi; chính vì vậy nên ông mới được biếu kẹo này để hồi phục lại sức khỏe mất đi trong tuần qua. Tôi vẫn đăm chiêu suy nghĩ, vẫn chưa hiểu nổi hết những diễn biến đã và sẽ xảy ra. Cuộc gặp gỡ giữa tôi và A1 mang ý nghĩa gì? Ông ta là người thế nào? Tôi phải đối đãi với ông ta thế nào? Nhưng Mi không cho phép tôi nghĩ lâu. Tôi bị cuốn vào câu chuyện líu lo của cô: - Sau khi sự việc của ông xảy ra. Em vội vã đến lâu đài, xin gặp ngài A1. - Cô cũng có thể gặp ông A1 dễ dàng như vậy sao? - Vâng. Bởi vì em là đứa Con - Khoa - Học của ngài A1. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên vì cái từ lạ lùng ấy, Mi phải giải thích ngay: - Con - Khoa -Học, bởi vì mẹ em được thụ tinh nhân tạo bằng khí huyết của ngài A1. Cho nên, em được ngài cưng lắm. Em phải lạy van ngài và nhận xét thật tốt về ông... quá mức dẫn đến độ ngu ngốc chẳng hạn; sự mê cuồn đến độ điên rồ chẳng hạn; sự phì nộn đến độ ụt ịt chẳng hạn. Đáng tiếc! Tôi chẳng tìm thấy gì. Và chỉ thấy Mi là một cô gái đẹp, nhanh nhẹn, năng động, và yêu đời... Tôi ngơ ngác khi nghĩ về di truyền. À... mà tại sao ta lại giáo điều hóa một lý thuyết khoa học. Tôi lỗi tày trời của con người là đẻ ra các lý thuyết, rồi lại tuyệt đối hóa và giáo điều hóa những lý thuyết ấy. Loài người, từ ngàn xưa, đã tin vào di truyền giòng giống. Mỗi thời đại đều có cách bộc lộ và diễn tả tín điều ấy một cách riêng của nó. Có thể nói, tín điều ấy đã góp phần vào việc chia tách con người, tạo hận thù giữa con người, và phân chia thang bậc, đẳng cấp giữa con người. Bởi vì, mọi thời đại đều không hiểu hết: "Con người là vũ trụ". Mi của tôi cũng là một vũ trụ riêng. Ở đây, có lẽ làm nghề phiên dịch, nghề phải luôn tiếp xúc với người nước ngoài, phải là những con người đáng tin cậy. Môt số nghề khác cũng có yêu cầu như vậy. Và để tạo ra một màng lưới thân tín, người ta sử dụng cách ràng buộc bằng huyết thống. Để làm việc đó, người ta đã thụ tinh nhân tạo cho những người đàn bà đẹp bằng những con tinh trùng siêu đẳng rút ra từ tinh hoàn những ngài lãnh đạo. Cũng nhờ thế, cô công chúa Mi xinh đẹp mới được ra đời. Quĩ đạo của đời cô đã được chương trình hóa, đã được định sẵn. Nhưng, may thay! Cô Mi của tôi vẫn là một cô Mi riêng lẻ, cô Mi vẫn là một vũ trụ, với nhịp điệu con tim khác hẳn mọi người. Cô không biết khóc, nhưng chắc chắc cô có cách rung động riêng khi đối đãi với ngoại giới. Vũ trụ Mi cộng hưởng với vũ trụ xung quanh; nhưng vì nó là một vũ trụ riêng lẻ, nên có thể một lúc nào đó, nó không nằm yên đúng chỗ mà vũ trụ to hơn đã quy định cho nó; thậm chí cái vũ trụ bé bỏng ấy có thể như một con bướm ham chơi, bay la đà, mê mải những màu hoa quyến rũ, để rồi có lúc bay khỏi cáu vũ trụ to vốn thích bao ôm lấy nó. Chính vì vậy, nên cô Mi của tôi mới là cô Mi kiều diễm đến lạ lùng thế kia. Tôi đoán chắc rằng ngài A1 phải là một người phì nộn, nhưng Mi thì lại thon thả. Ông bố khoa học ấy có thể có đôi mắt nhỏ, sắc, và lạnh lùng, nhưng cô công chúa của tôi lại có đôi mắt rất to, thông minh, ngơ ngác. Cái vũ trụ ngơ ngác nai vàng ấy, cái vũ trụ líu lo vành khuyên ấy, được sinh ra theo kiểu sản xuất hàng loạt, theo mô hình: "Hăng hái nhiệt tình + Líu lo vô tư + Không nước mắt". Tôi nghĩ rằng được tiếp xúc với tôi, lần đầu tiên, Mi đã gặp Nước - Mắt. Và Nước - Mắt cũng có tiếng gọi riêng của nó, tiếng gọi thì thầm ấy có thể lay động cái đáy thẳm trong Mi.... Phải nói thêm rằng hành động bảo đảm cho tôi sống có thể sinh ra do những xung động đáy thẳm ấy chăng? Chỉ có những xung động đáy thẳm mới kêu gọi một con người làm một công việc liều hiểm. Mi đã phải liều hiểm để cứu nguy cho một thằng giặc. Đứng ở góc độ thống trị, người ta có thể xếp tôi vào loại giặc. Theo chính trị học, con người có hai chiều độ: thống trị và nổi loạn. Vậy bất kỳ con người nào cũng có chất giặc mà biểu hiện phôi thai của nó là sự phản đối, sự không lòng. Thống trị sáng láng trung hòa chất giặc bằng sự công bằng và dân chủ. Thống trị xảo quyệt ru ngủ chất nổi loạn bằng thuốc phiện tư tưởng. Thống trị tàn bạo bóp nghẹt phản đối bằng tù đày, súng đạn. Thống trị ở xứ Cực - Thiên - Thai đàn áp nổi loạn bằng tiếng đàn, tiếng loa, bằng hóa học (tiêm thuốc cho rụt lưỡi, cho liệt tay chân... ), bằng sinh học (thụ tinh nhân tạo để gây giống người ngoan)... Họ biết gốc rễ mầm loạn là bộ óc; họ bới tung chất xám để nhổ từng sợi rễ li ti. Họ định nghĩa Thiên Thai là nơi không có loạn. Tề Thiên Đại Thánh ngày xưa đánh lại Trời; Trời còn có loạn; thế mà ở xứ Vui, hết loạn. Muốn đạt được ý muốn, họ cố tìm tòi trăm phương ngàn kế: nào tiêm, nào cắt, nào đâm, nào chọc, nào nhào, nào nặn, nào bóp, nào giữ, nào khép, nào đậy, nào xoa, nào đánh, nào dọa, nào cho, nào co, nào kéo, nào làm méo xệch, nào làm teo làm tóp... cốt để biến bộ não thành vô dụng, hoặc vô hiệu hóa nó đi. Trên đường xe chạy, tôi cứ miên man nghĩ ngợi như vậy. Tôi sực tỉnh khi xe dừng lại trước một tòa lâu đài cao ngất trời. Ra khỏi xe, tôi ngẩng đầu lên và bị choáng ngợp ngay vì chiều cao của nó. Tôi để ý, ở đây người ta nuôi khá nhiều đại bàng, những con chim chuyên sống ở đỉnh cao. Nhưng đại bàng ở xứ này chỉ đậu nổi trên những đỉnh tháp của những công trình phụ cận, tức là tháp của những lâu đài phụ cao khoảng vài trăm mét. Còn đỉnh của tòa lâu đài chính không trông thấy bóng chim. Hoặc giả, nếu có con nào ở trên ấy, thì bóng nó phải tan loãng vào không gian vì độ cao quá mức. Đặc điểm về xây dựng ở xứ này, người ta dùng toàn vật liệu chất dẻo; những ngôi nhà ny lông đủ màu. Nhưng tòa lâu đài, biểu tượng của xứ Vui lại được xây bằng đá hoa. Dáng hình của nó phảng phất giống một quả tên lửa khổng lồ, nhưng cũng phảng phất giống một nhà thờ. Có thể nói, đó là nhà thờ độc nhất ở xứ Vui. Đó là nơi Ngài công dân A1 ở và làm việc; nhưng đó cũng là nơi mọi công dân đều có thể đến vui chơi, ca hát, hội họp và chiêm ngưỡng. Phải nói Chiêm Ngưỡng, bởi vì mỗi năm Ngài công dân A1 bao giờ cũng xuất hiện trước công chúng ở đại sảnh đường của lầu đài ba lần, ngày đầu năm và hai ngày lễ trọng đại. Người bao giờ cũng ra mắt công chúng vào ban đêm. Đại sảnh đường đủ chỗ ngồi cho năm vạn dân. Người xuất hiện, đứng trong một buồng pha lê màu hồng ở trên vòm cao trước mặt đột nhiên rực sáng. Nó tỏa ánh lung linh. Gương pha lê làm cho người trở nên khổng lồ vĩ đại. Người đứng đấy, và cúi xuống để tiếp xúc và rao giảng cho thế gian, bằng một diễn từ bão tố. Còn tất cả các công dân đều ngẩng đầu lên, ngước nhìn ánh hồng vời vợi mà nuốt, mà hôn, mà thấm, mà ngất ngây chiêm ngưỡng. Những lời bão tố vàng ngọc như có ma thuật được khắc sâu vào tâm hồn họ, nó biến thành một bản pháp luật ngự trị trong trái tim họ... Cũng chính vì lẽ đó nên nghĩ lâu đài đó là nhà thờ của xứ Vui. Mi đứng giữa vườn hoa mênh mông giới thiệu cho tôi về tòa lầu đài bất tử: Toàn dân, tức là một trăm triệu người đều tham gia xây dựng tòa lâu đài ấy trong mười năm. Lầu đài cao, to, nên cần một không gian rộng thóang mới cân xứng, chung quanh lâu đài là một vườn hoa bao la rộng chừng vài trăm héc-ta. Các cụ già trong toàn xứ phải đi tìm hoa quả quí đem về và tự tay trồng. Trẻ nhỏ khắp nước phải thay phiên nhau đến tham quan và chăm sóc hoa. Tòa lâu đài là một công trình trường cửu nên phải xây bằng đá quý. Lâu đài hàng trăm tầng, mỗi loại tầng xây một loại đá. Những tầng thấp xây bằng đá đen, đá xám, những tầng trên là những loại đá có vân đủ màu: xanh, đỏ, vàng, lam, tím, lơ... Loại đá nào trong thiên nhiên không có thì xí nghiệp vật liệu xây dựng phải tự làm ra, sao cho các màu phải đúng như thiết kế. Tầng trên cùng xây bằng đá đỏ. Và chót vót trên đỉnh là một ngọn đèn cực mạnh, ánh sáng của nó, đứng cách nhiều dặm xa cũng nhìn thấy. Chỉ riêng sự đồ sộ, nguy nga và cao vút của nó đã làm cho người mới tới phải phát ngợp, phải cảm thấy mình nhỏ bé và phải tự khép nép khuôn mình vào thái độ nghiêm trang kính nể. Kiến trúc ở đây cũng tham gia thống trị. Cám ơn cái bộ óc nghĩ ngợi viển vông, liên tưởng xa gần, lông bông và hão huyền của tôi, cũng nhờ nó nên tôi đã không bị choáng ngợp, không bị đánh bẹp trước khi vài gặp ngài công dân A1. Con người khổng lồ đầy cơ bắp đang ngồi trong chiếc ghế bành giản dị ấy chính là A1. Không hiểu sao một cảm giác rất lạ lùng bỗng đột dậy trong tôi mà không phân tích nổi. Tại sao có cảm giác lạ đến mức sửng sốt ấy nhỉ. Phải chăng tại mớ tóc màu hung? Phải chăng tại cách ăn mặc khiêm nhường? Chỉ giản đơn một chiếc quần dài màu xanh thẫm và chiếc áo sơ mi trắng cắt bằng thứ vải thường. quá ư đồ sộ, quá ư xa hoa và phức tạp, sự bày biện bên trong gian phòng của A1 lại quá ư đơn giản. Ở đây, vắng mặt gấm vóc ngọc ngà, cũng vắng mặt cả vàng bạc, pha lê... Nhưng tôi bị thu hút bởi con người khổng lồ ấy. Mắt tôi rời những đồ đạc và lại tập trung nhìn A1. Bây giờ thì tôi hiểu cái cảm giác lạ lùng ấy rồi, đó là cảm giác về thân quen. Đúng, tôi cảm thấy như đó là một con người đã quen với tôi từ lâu lắm rồi. Đôi mắt nhỏ và sắc lạnh... Gương mặt vuông chữ điền cứng rắn đến độ lì lợm... Thân hình cao khoảng một mét tám mươi, to lớn... Cái bụng phệ đẫy đà... Sự tưởng tượng của tôi về A1 lúc chưa gặp mặt so với con người thật lúc này không xa nhau mấy tí. Tôi đã gặp con người này ở đâu rồi nhỉ? Khi ta còn lang thang ở Việt Bắc, Tây Bắc... hay giữa vòng bom đạn khu Tư.. hay ở ngay trong lòng Hà Nội? Không! Ta nhầm rồi. Con người này hoàn toàn xa lạ. Những con người ta đã gặp có đường bệ như thế này đâu. Kìa cái vung tay đầy quyền uy đối với ta hoàn toàn mới mẻ. Lúc nảy, Mi đã nói với tôi rằng, được gặp A1 là một đặc ân hiếm có. Cô ta chỉ bảo cho tôi cung cách đi, đứng, ăn, nói, nhưng lúc này tôi chẳng nhớ gì nữa cả. Thấy tôi ngây người nhìn, Mi tỏ ra lo lắng, cô ta huých khẽ khuỷu tay, nhắc nhở tôi chào hỏi, nhưng tôi vẫn đứng lặng. A1 phải tự thân phá tan không khí lúng túng: - Ông Hoàng! Ông Hoàng! Đừng nên nghĩ ngợi về sự hiểu lầm vừa qua nhé. Mi rót cho chúng tôi hai cốc bia, rồi bước ra khỏi phòng. Tôi vừa uống, vừa cố nhớ lại quá khứ, để soi tìm nhân dạng con người đang ngồi trước mặt tôi. Trong khi ấy A1 vẫn nói thao thao. Có lẽ ông ta đã khoe khoang với tôi về những dự định to tát sẽ được thực hiện ở Cực - Thiên - Thai. Nhưng tôi có nghe thấy gì đâu. Phải chờ đến lúc bàn tay hộ pháp của A1 đập vào vai, tôi mới sực tỉnh. Giọng ồ ồ của ông ta vang lên như một chiếc chuông rè: - Ông Hoàng thấy thế nào? - Ngài muốn hỏi ý kiến tôi về điểm gì? - Về những điều kỳ diệu mà ông đã tận mắt, tai nghe. - Choáng ngợp! - Hay! Hay! - Ngài A1 vui hẳn lên - Một tính từ có tính chất tâm lý, diễn tả sự ngây ngất của con người trước những thành tựu ngoài trí tưởng tượng. Nhiều người trên khắp thế gian đã đến đây: những nhà bác học, những nhà văn, những danh nhân cỡ lớn. Tất cả đều ca ngợi: nào là vĩ đại, nào là tuyệt diệu, nào là không thể tưởng tượng, nào là cực kỳ hiện đại... Nhưng, xin lỗi ông, tôi nghe những từ ấy đã quá nhàm tai, toàn những lời mòn cũ, sáo rỗng... Bây giờ, ông lại khen chúng tôi bằng một từ hoàn toàn mới mẻ: Choáng ngợp. Hay! Để cho gọi ông tiến sĩ ngôn ngữ C2 lại đây, ghi từ ấy vào cuốn sổ vàng. Tôi mỉm cười: - Xin lỗi ngài A1. Từ Choáng ngợp của tôi mang hai hàm nghĩa; nó vừa khen, lại vừa chê. - Chê ư? - A1 chăm chăm nhìn tôi, dò xét, rồi cười. Ông táo bạo thật. Tôi chưa thấy ai đặt chân lên đất này lại dám chê bai... Nhưng không sao! Không sao!... À, có thể vì ông chưa hiểu hết những nguyên lý cơ bản... của đất nước chúng tôi. Tôi ngồi im, lặng lẽ, không ngắt lời con người mà suốt một đời chỉ biết dạy dỗ mọi người. Tôi hiểu tư tưởng của ông nằm trong một lô cốt, bao ngoài bằng một lớp tường cực dày toàn xi măng cốt thép. Hãy để cho lô cốt ấy khạc đạn, lộ hỏa điểm, lúc đó tôi mới tấn công. - Để tôi giảng giải cho ông nghe thử lý thuyết, thứ chủ nghĩa nó chi phối, bao trùm lên mọi hoạt động của đất nước này. Ông nên biết, điều độc đáo nhất trong lý thuyết của tôi, đó là sự tổng hợp. Tổng hợp giữa cổ và kim, tổng hợp giữa Đông và Tây. Gió này muốn đánh bạt gió kia. Nước này muốn chứng minh ưu việt hơn nước kia. Nhưng, sự thực về lõi cốt Đông với Tây là anh em sinh đôi. - Đông với Tây đúng là anh em sinh đôi. Tôi gật đầu nhắc lại lời A1. Điều đó làm ông ta vui hẳn lên. Nhưng tôi lại tiếp: - Tuy nhiên, điều ông nói vừa rồi có chỗ sai. - Sai thế nào? - A1 chằm chằm nhìn tôi. - Những công việc ông đã làm và đang làm không phải là sự tổng hợp. Đó chỉ là sự thỏa hiệp giữa cổ và kim. Đó chỉ là sự nhặt nhạnh những cung cách Đông, Tây rồi gom lại. Đó chỉ là phép cộng của những điều ma quái. Con người khổng lồ đó bật đứng ngay dậy, nhưng bình tỉnh: - Không được hồ đồ! Ông cần phải chứng minh ngay những lời ông vừa nói ra. - Ông nên xem xét lại chữ tổng hợp. Trong thời buổi này, khi nền văn minh đang Toàn - Cầu - Hóa, ai lại chẳng muốn nói mình Tổng - Hợp. Bởi vì Tổng hợp là Tình yêu, là sinh đẻ. Tổng hợp là tình yêu của muôn vạn khối óc cổ kim để đẻ ra một đứa con. Đứa con Tổng hợp Tình yêu ấy ắt phải hiền hòa. Ông hãy tự vấn xem những việc làm của ông đã hiền hòa chưa? Ông hãy tự vấn xem đã liệt những ai vào danh sách những con người cần tổng hợp. Chắc là có Khổng Tử, Hàn Phi Tử; nhưng sao không có Thích Ca và Jesus? Chắc là có Hêghen nhưng sao lại quên được Kiếc- kê-gác? Chắc là có Descartes, nhưng có lẽ vị trí của Rút Xô và Đốt thì bị coi nhẹ? Còn Hít Le? Tôi đoan chắc rằng ông gạt bỏ tên người này khỏi danh sách. Ông sẽ gạch tên bằn bút chì đậm, thậm chí ông xóa đi, xóa lại cho tên đó chỉ là một vạch đen xì. Nhưng ông cần kiểm lại xem ở đất nước ông có mùi khét của những lò thiêu người không? Hoặc ở nước ông còn bóng dáng những trại tập trung không? Sự man rợ kiểu Hit Le là tội ác tởm lợm; nhưng sự man rợ được trá hình còn độc ác và tởm lợm hơn. A1 nắm tay quắc mắt: - Ông đang vu oan cho ta. Ta chưa bao giờ độc ác. Ta chỉ muốn sự vui cho con người. - Đúng! Ông cưỡng bức người ta phải vui, bằng cách làm teo tuyến nước mắt của toàn dân. Ông nên nhớ, cái vui phải xuất phát tự đáy lòng. Cưỡng bức vui, con người sẽ hóa tâm thần. Thậm chí, ông còn tiêu diệt nước mắt. Nên nhớ: nước mắt là anh em sinh đôi của tình yêu. Hết nước mắt, tình yêu con người sẽ héo hon. Thử hỏi hành động ấy là văn minh, hay man rợ? A1 thét to: - Không đúng, đó là một kỳ công khoa học. - Thứ khoa học phản bội con người. - Anh là kẻ thiên về tình cảm. Hãy dẹp tình cảm lại. Tình cả dẫn đến nhận thức sai lạc. Hãy dùng lý trí. Chỉ có lý trí con người mới sáng suốt. - Lý trí của ông là thứ tôn giáo lý trí. Không ai phủ định lý trí; nhưng lý trí phải được cân bằng với cảm tính. Cái duy lý phải biết tôn trọng sự hiện diện của cái duy phi lý. Tuyệt đối hóa lý trí sẽ dẫn con người chui vài hố thẳm. - Ôi chao! Anh khắc nghiệt quá. Hãy nhìn vào sự việc ta làm. Anh thấy người dân ở đây sung túc biết bao. Của cải dư thừa. Kho tàng đầy ắp. - Tôi hiểu thứ lý thuyết kinh tế của các người rồi. Ngài muốn biến con người thành nô lệ cho những miếng cơm. Ngài ơi! Tỉnh lại đi. Các ngài đang dần dần rơi vào chủ nghĩa sinh vật. Những lời của tôi làm A1 trở nên điên dại. Hắn chắp tay sau lưng, đi đi lại lại, mắt long lên sòng sọc: - Thế ra anh phủ định ta, phủ định lý thuyết của ta. Thực ra, anh là cái gì nhỉ? Phần tử trí thức ngông cuồng. Các anh là những kẻ viển vông, là những kẻ thọc gậy bánh xe, bọn nói hão, bọn phá rối. Mao trạch Đông chê các anh không bằng đống phân. Tần thủy Hoàng đem các anh chôn sống. Hit Le nhét lũ các anh vào lò thiêu người. Stalin nhốt các anh vào trại tập trung. Còn ta, ta sẽ đối đãi với các anh ra sao? Trong dáng điệu điên rồ của A1 lúc này, tôi lại càng cảm thấy hắn ta quen thuộc. Hắn đi lại... cái đầu nhô ra đằng trước... đôi vai nổi bắp cuồn cuộn... chân dẫm thình thịch... cái mũi thở phì phò... và đôi mắt nhỏ sắc như hai lưỡi dao sếch lên... Đột nhiên, óc tôi chợt lóe sáng. Hay là... hay là.. Tôi bỗng nhớ đến chiếc kính thần, mà tuần lễ trước Tám đã tặng tôi. Tôi vội cố gắng đi tìm chân tướng của A1 bằng cách khác. Phải để cho hắn bộc lộ hết. Tôi dùng những lời mãnh liệt để tranh cãi: - Các ngài đã và đang tấn công vào bộ não, trung tâm của con người. Các ngài đang tước bỏ trí tưởng tượng của con người mà sự thần kỳ của nó là những hoang tưởng. Con người ngoài đời sống trần tục còn một đời sống hoang đường. Các ngài tưởng đã bốc trần được mọi bí ẩn, nhưng không biết rằng hết bí ẩn con người sẽ bơ vơ. Những mưu toan của ngài sẽ thất bại thôi. Tôi có thể đoan chắc rằng mãi mãi con người sẽ là một bí ẩn. Bởi vì nó là một vũ trụ; mỗi cá nhân là một vũ trụ. Vũ trụ ấy là một nhành hoa, là hương lúa, là ánh sao, là tia mặt trời, là mây, là nước, là con sâu cái kiến, là cả những câu tra hỏi và những khát vọng nóng bỏng... Ngài chỉ cho nó tiếng hát thôi ư? Không đủ, nó còn thèm đôi vú và cái hôn nóng bỏng đàn bà. Ngài tưởng rằng chỉ bằng nụ cười con người có thể lấp biển dời non. Nhưng ngài quên mất rằng, thiếu tiếng khóc, vũ trụ cao to cũng sụp đổ tan tành; và đến lúc đó, ngai vàng của ngài cũng hóa tro bụi. Vũ trụ con người phức tạp đến thế; nhu cầu con người đa dạng đến thế, mà ngài chỉ thỏa mãn nó bằng miếng cơm manh áo thôi ư? Còn thiếu quá. Còn nghèo quá. Còn giản đơn quá. Tôi xin nhắc lại: Ngài đang sa vào chủ nghĩa sinh vật. Trong lúc tôi nói, A1 vẫn lồng lộn đi lại, tay chắp sau lưng, đầu vươn phía trước. Hắn nghiến răng nhắc lại câu nói của tôi: - Chủ nghĩa sinh vật. Tôi vẫn cố gắng thuyết phục: - Ngài nên nghĩ lại cho kỹ... Bởi vì con người vốn cực kỳ nhạy cảm. Rồi một ngày nào đó, sự thô thiển, chủ quan của ngài sẽ biến con người thành một đám đông bơ vơ. Đến một thời điểm nhất định, màng nhạy cảm của tâm hồn bơ vơ rung mạnh, sẽ biến họ thành kẻ điên khùng. Bấy giờ, dù nghĩ lại cũng quá muộn; vì tất cả sẽ tan tành, và tất cả chúng ta sẽ kéo nhau lăn vào vực thẳm. Tôi đã đánh giá sai sự im lặng của A1. Hắn là người không bao giờ chịu thay đổi. Hắn bỗng đứng khựng lại, giơ nắm tay, và quát to: - Không đúng. Không bao giờ như thế. Hỡi tên trí thức tiểu tốt kia! Ngươi đừng giở trò múa mép. Hắn đang hùng hổ như vậy, tôi liền nắn gân hắn bằng một câu tưởng chừng như lạc đề: - Ông đã đọc Trư Luận chưa? - Cái gì? - Hắn đột nhiên tỏ ra sửng sốt. À!.... Một quyển sách Bách khoa nghiên cứu về lợn. Trong đó, có một luận điểm nói rằng, một chiều kích của bản chất người là lợn. Hắn gật gù: - Có thể đúng đấy. Thái độ của hắn vẫn tỏ ra ngập ngừng cảnh giác, song đã hết hung hăng. Tôi bồi tiếp luôn: - Thực ra, con người không chỉ mang chất lợn, chất hổ, chất sói, chất rắn... mà có thể còn là, còn là bồ câu, con thỏ, con bê non... Chính ngài là kẻ đã nhìn lệch lạc. Ngài chỉ thấy mỗi một chất lợn, và chỉ khuyến khích riêng chất lợn trong con người thức dậy. - Ta chưa hề làm điều đó. Người lại vu oan sằng bậy cho ta rồi. Ở đây, ta chỉ rao giảng những điều đẹp đẽ, như khoa học, lý trí và ấm no hạnh phúc. Cái lưỡi của ngươi quá lắt léo. Hãy coi chừng cái lưỡi. - Đúng là ông chưa bao giờ nói ra điều ấy, nhưng thực chất việc làm của ông lại bộc lộ rõ điều ấy. Tôi còn biết các ông đang làm một công việc còn thâm độc hơn. Các ông đã tìm ra một loại vi-ruýt Poócxinômani... - Cái gì? - Vi-ruýt Poócxinômani. Thứ vi-ruýt gây ra bệng Trư Cuồng. Kẻ nào mắc bệnh ấy, nếu còn lương tri, thì cũng nặng và điên loạn. Kẻ nào mắc bệnh ấy, nếu yếu đuối, thì suốt đời mê man chạy thei hình bóng loài lợn, tôn thờ lợn. A1 đột nhiên đùng đùng nổi giận. Hắn quát to như sấm, gọi lính cảnh vệ; miệng hắn sùi bọt; tay hắn run rẩy. - Hỡi anh em! Bắt lấy nó. Tên phiến loạn. Tôi kịp thời rút ngay chiếc kính của Tám, đeo lên mắt. Kỳ lạ thay! Trước mắt tôi là chú lợn khổng lồ, lông hung vàng; mắt ti hí long lanh căm giận; răng nó nhe ra như muốn ăn thịt tôi. Tôi vội vã kêu to: - Lợn Bò! Lợn Bò! Con quái Trư! Con Trư Ma Vương! Chính mày là hắn, cũng là con quái trắng. - Những người lính đã ập tới. Họ lập tức còng tay tôi lại. Nhưng tôi vẫn cố sức hét to: - Đừng tin lời A1. Trư ma Vương! Trư ma Vương! Lợn Bò! Lợn Bò! Lợn Bò! Suốt đường hành lang tòa lâu đài, tôi rẫy rụa và hét to như điên như cuồng: - Trư ma Vương! Trư ma Vương! Tôi muốn báo cho mọi người biết nhân dạng đích thực của hắn. Hắn đã sổng chuồng đến đây tác quái. - Trư ma Vương! Trư ma Vương! Chợt có tiếng ai gọi, gấp gáp thất thanh: - Ông Hoàng! Ông Hoàng ơi! Tiếng gọi ấy làm tất cả mọi người đều dừng chân lại. Tôi quay đầu về phía một người đàn bà đang tất tưởi chạy tới. Người đàn bà ấy vừa chạy vừa khóc. Khuôn mặt trái soan ướt đẫm nước mắt. Người đàn bà đó là cô Mi. Có người ra cản, giữ Mi lại. Mi giơ tay lên trời như muốn vẫy gọi tôi. Cái vẫy tay quen thuộc. Và trong chớp nhoáng, tôi bỗng thấy cô Mi biến thành cô Hồ Ly thân thuộc của tôi. Chúng tôi vẫy nhau: - Hồ Ly! Hồ Ly! - Ông Hoàng! Ông Hoàng! Đột nhiên cổ họng khô rát vì gào thét của tôi bỗng dịu lại. Lòng tôi bỗng mát rượi, nhẹ nhàng. Tôi thầm thì sung sướng: "Đâu có phải là sa mạc... Vẫn có người đáp lại lời ta... ít nhất, cũng còn có một người. Ít nhất, cũng còn giúp được cho một con người tìm lại được nước mắt đã bị đánh cắp từ lâu." Cô Mi của tôi đã biến thành cô Hồ Ly. Tôi vẫn gọi: - Mi ơi! Mi ơi! - Hồ Ly ơi! Hồ Ly ơi! .........