Điều gì sẽ xảy ra vào ngày 18 Brumaire, nếu Bonaparte đụng đầu với một người như Bauer? Sự so sánh giữa Bonaparte và vị thủ tướng thực thà của chế độ mở ra nhiều viễn cảnh. Bauer, chắc chắn không hề là một kẻ anh hùng của Plutarque: đó là một người Đức thuộc giai cấp trung lưu mà giáo dục mác-xít đã bóp chết mọi khuynh hướng tình cảm. Sự tầm thường của ông thì vô tận. Số phận thật trớ trêu, một người đức hạnh bình thường như thế đã gặp phải Kapp, một vị anh hùng bình dân và khốn khổ! Bauer mới là đối thủ xứng tay của Bonaparte, một kẻ cần phải có để đương đầu vào ngày 18 Brumaire với anh hùng chiến thắng trận Arcole. Có như vậy, Bonaparte mới gặp một địch thủ xứng đáng với mình. Tuy nhiên, người ta bảo rằng Bauer là một con người hiện đại, một người Đức của Versailles và Weimar, một người Âu của thời hiện đại; còn Bonaparte, một người Âu thế kỷ thứ 18, một người Pháp được 20 tuổi vào năm 1789: làm thế nào quan niệm được hành động của Bauer ngày 18 Brumaire để ngăn chặn cuộc đảo chánh? Bonaparte không phải là Kapp và tình thế Ba lê vào năm 1789 hoàn toàn khác với Bá linh 1920. Bauer không thể sử dụng chiến thuật tổng đình công để chống lại Bonaparte. Xét tổ chức xã hội và kỹ thuật của thời đại, vẫn còn thiếu những điều kiện cần yếu để một cuộc đình công có thể ngăn chặn cuộc đảo chánh. Vấn đề cần phải tìm hiểu là chiến thuật nào Bauer sẽ áp dụng vào ngày 18 Brumaire và những tương quan có thể có giữa Bonaparte và vị thủ tướng của chế độ Reich dù sao cũng đáng chú ý hơn người ta tưởng. Bonaparte không chỉ là một người Pháp thế kỷ 18, trước hết đó là một người hiện đại, hiện đại còn hơn cả Kapp. Tương quan giữa tâm trí của Bonaparte và Bauer chính là tương quan giữa quan niệm về luật pháp của một Primo de Rivera hay là một Pilsudzki, nghĩa là của bất cứ một vị tướng hiện đại nào định chiếm chính quyền, và quan niệm về luật pháp của bất cứ vị bộ trưởng tiểu tư sản nào của thời đại chúng ta sẵn sàng dùng mọi cách để bảo vệ Nhà nước. Muốn cho một tương quan như vậy không có tính cách độc đoán, phải coi sự đối lập giữa quan niệm cổ điển và quan niệm hiện đại về nghệ thuật chiếm đoạt quyền hành đã biểu lộ lần đầu tiên ở Bonaparte và ngày 18 Brumaire là cuộc đảo chánh đầu tiên đã đặt ra các vấn đề chiến thuật cách mạng mới. Những sai lầm, bướng bỉnh, do dự của Bonaparte là của một người thuộc thế kỷ thứ 18, bị bó buộc giải quyết những vấn đề mới mẻ về (và?) tế nhị biểu hiện dưới hình thức như vậy lần đầu tiên và trong một hoàn cảnh khác thường, nghĩa là những vấn đề liên quan đến tính cách phức tạp của quốc gia tân thời. Lầm lẫn trầm trọng nhất của ông, lầm lỗi đã thiết lập kế hoạch ngày 18 Brumaire trên sự trọng pháp và trên cơ chế của thủ tục nghị viện, đã cho thấy ở Bonaparte một tri giác rất tinh tế về một vài vấn đề hiện đại của Nhà nước, một nỗi lo âu rất sáng suốt đối với hiểm nguy của sự phức tạp và tính cách mong manh của những tương quan giữa nhà nước và người công dân, tất cả đã tạo cho Bonaparte thành một con người hết sức tân tiến, một người Âu của thời đại chúng ta. Mặc dầu các sai lầm trong quan niệm và thực hiện, ngày 18 Brumaire vẫn còn là khuôn mẫu của cuộc đảo chánh nghị viện. Tính cách hiện đại của nó đã rõ rệt bao gồm trong điều này: tại Âu châu tân thời, cuộc đảo chánh nghị viện nào cũng có những sai lầm tương tự. Điều này dẫn chúng ta trở lại với Bauer, Primo de Rivera và Pilsudzki. Trong vùng đồng bằng Lombardie, Bonaparte sửa soạn chiếm đoạt quyền hành bằng cách học hỏi các bài học kinh nghiệm cổ điển của Sylla, Catilina, và César. Những bài học sáng chói nhưng vô ích. Mưu mô của Catilina, đối với Bonaparte, không đáng chú ý đặc biệt. Thực ra, Catilina chỉ là một kẻ anh hùng bất đắc chí, một chính trị gia nổi loạn, quá thận trọng và thiếu táo bạo! Nhưng Cicéron, vị quận trưởng Cảnh sát thì thật kỳ diệu biết bao! Và khôn ngoan biết mấy, ông đã khiến cho Catilina và đồng bọn bị sa lưới! Với thái độ độc địa ông đã chống lại những kẻ âm mưu bằng chiến dịch mà ngày nay người ta gọi là chiến dịch báo chí. Ông đã khéo biết lợi dụng biết là chừng nào, cả những sai lầm của địch thủ, tất cả những cản trở của thủ tục tố tụng, những cạm bẫy, hèn nhát, tham vọng, bản năng thấp hèn của hạng quí phái và hạng dân đen! Lúc đó, Bonaparte sẵn lòng khinh thị các phương pháp cảnh sát. Dưới mắt ông, Catilina khốn khổ chỉ là một kẻ nổi loạn đầy cẩu thả, một kẻ bướng bỉnh không ý chí, đầy quyết định tốt và ý định xấu, một nhà cách mạng luôn luôn do dự về giờ khắc, địa điểm và phương tiện, không có khả năng xuống đường vào lúc thích hợp, một đảng viên Công xã phân vân giữa chướng ngại vật xây ngoài đường phố và âm mưu, phí thì giờ quí báu để nghe quousque tandem của Cicéron và để tổ chức cuộc vận động tranh cử chống lại khối quốc gia, một hạng Hamlet bị vu khống, nạn nhân những mưu mô của một luật sư nổi danh và những cạm bẫy cảnh sát. Nhưng con người Cicéron này, thật là kẻ vô dụng và cần thiết biết mấy! Người ta có thể nói về kẻ này bằng lời lẽ mà Voltaire đã nói về những tu sĩ Dòng Tên: "Muốn cho những tu sĩ Dòng Tên thành hữu ích phải cấm họ thành cần thiết". Mặc dù Bonaparte coi thường các phương pháp cảnh sát; mặc dù ý tưởng về một hành động bất thần do cảnh sát công an tổ chức đối với ông cũng ghê tởm như một cuộc cách mạng tàn bạo bằng quân sự, sự khôn ngoan của Cicéron vẫn làm ông ta suy nghĩ. Có lẽ một con người tương tự như thế có thể cũng ích lợi cho ông vào một ngày nào đó, ai mà biết được? Vị thần May Mắn có hai khuôn mặt như Janus: khuôn mặt Cicéron và khuôn mặt của Catilina. Bonaparte, cũng như những kẻ sửa soạn chiếm đoạt quyền hành bằng bạo lực, lo sợ mình xuất hiện như loại Catilina dưới mắt người Pháp, một kẻ chấp nhận tất cả để thành đạt các dự tính nổi loạn, tâm hồn tối tăm với âm mưu đen tối, một kẻ táo bạo đầy tham vọng và quá khích, một tội phạm sẵn sàng phá phách, tàn sát và tiêu hủy, quyết định thắng với mọi giá dù có gục ngã với kẻ thù, dưới những điêu tàn của tổ quốc mình. Ông biết rằng khuôn mặt của Catilina không như câu chuyện hoang đường và vu khống dựng nên, ông biết rằng những lời buộc tội của Cicéron không có căn cứ, rằng những bè lũ bạo động Catilinaires vốn chỉ là một chuyện thêu dệt, rằng trên quan điểm pháp lý, án tòa gắn cho Catilina là một tội ác, rằng trên thực tế, tội nhân này, kẻ có các âm mưu đen tối ấy chỉ là một chính trị gia tầm thường, một người không khéo xoay xở, một kẻ bướng bỉnh không quyết đoán mà Cảnh sát có thể loại trừ không mấy nhọc mệt với vài gián điệp và vài con mồi. Bonaparte biết rõ rằng lỗi lầm lớn nhất của Catilina là đã để mất thế đứng, đã để cho mọi người biết rằng ông ta chuẩn bị tối mật một cuộc đảo chánh và đã không thực hiện đến nơi đến chốn. Ít nhất ông đã có can đảm thử làm! Người ta không thể nói rằng ông ta thiếu cơ hội: tình trạng nội bộ đã đến độ chính phủ chắc bất lực trong việc bẻ gãy một mưu toan cách mạng. Không hoàn toàn là lỗi của Cicéron nếu một vài bài diễn văn và một vài biện pháp Cảnh sát đủ để cứu vãn nền Cộng hòa khỏi một nguy cơ trầm trọng như thế. Thực ra, Catilina cũng đã chấm dứt đời mình một cách tốt đẹp nhất: ông đã chết trên chiến trận với tư cách một nhà quý tộc lừng danh và là một chiến sĩ can trường. Nhưng Bonaparte cũng không lầm khi nghĩ rằng muốn chạy trốn đúng lúc vào vùng núi để tìm một cái chết xứng đáng của một người La Mã thì Catilina cũng không cần phải rầm rộ, phải làm tổn thương danh tiếng và phải kéo theo bao đau khổ đến như thế. Theo ý ông thì Catilina có thể kết thúc khá hơn. Sự nghiệp của Sylla và Jules César đã cung cấp cho Bonaparte nhiều chất liệu nhất để suy tưởng về số phận riêng của mình: các sự nghiệp này gần gũi với thiên tài của ông và gần với tinh thần thời đại của ông hơn cả tư tưởng sẽ hướng dẫn ông trong sự chuẩn bị và thi hành cuộc đảo chánh 18 Brumaire đã chưa chín muồi trong ông. Với ông, nghệ thuật chính phục quyền hành hình như chỉ là một nghệ thuật quân sự: chiến lược và chiến thuật của chiến tranh áp dụng vào cuộc đấu tranh chính trị, nghệ thuật điều động quân đội trên lãnh vực tương tranh dân sự. Trong kế hoạch chiến lược để chinh phục La Mã, không phải thiên tài chính trị của Sylla và Jules César đã biểu lộ mà chính là thiên tài quân sự của họ. Những khó khăn họ phải vượt qua để chiếm La Mã là các khó khăn hoàn toàn quân sự. Họ phải chiến đấu chống quân đội chứ không phải chống nghị viện. Thật sai lầm nếu xem cuộc đổ bộ ở Brindes và cuộc vượt sông Rubicon như là các hành động khởi đầu cuộc đảo chánh: đó là những hành động có tính cách chiến lược, không hề có tính cách chính trị. Dù họ là Sylla hoặc César, Hannibal hoặc Bélisaire, mục tiêu của quân đội của họ là chinh phục một đô thị: đó là một mục tiêu chiến lược. Hành động của họ là hành động của những tướng lãnh mà đối với họ nghệ thuật chiến tranh không có gì bí mật. Đối với Sylla cũng như César, rõ ràng rằng thiên tài quân sự của họ vượt trên thiên tài chính trị. Người ta có thể nhận thấy rằng, trong các chiến dịch của họ, dù bắt đầu bằng cuộc đổ bộ ở Brindes hay vụ vượt sông Rubicon, không phải tuân theo một quan niệm chiến lược: có một hàm ý chính trị trong mỗi cuộc điều động binh đoàn của họ. Nhưng nghệ thuật chiến tranh là một nghệ thuật đầy hiểu ngầm và ý định xa xôi. Mọi vị tướng như Turenne, Charles XII hay Foch đều là khí cụ của chính trị quốc gia. Chiến tranh luôn luôn có những cứu cánh chính trị: chiến tranh chỉ là một phương diện của chính trị quốc gia. Lịch sử không có những trường hợp một vị tướng đã phục vụ nghệ thuật vị nghệ thuật, chiến tranh vị chiến tranh. Không có những kẻ tài tử giữa các vị tướng lãnh anh hùng hoặc tầm thường, ngay cả trong những lính đánh giặc thuê. Lời nói của Giovanni Acuto, kẻ đánh giặc thuê người Anh phục vụ cho nền Cộng hòa ở Florence: "đánh giặc để sống chứ không để chết", không phải là lời nói hóm hỉnh của một tay tài tử, cũng không phải là châm ngôn của một tên lính đánh giặc thuê. Đó là biện minh cao nhất cho chiến tranh và cho luân lý chiến tranh. Đó có thể là châm ngôn của César, Frédéric, Nelson, Bonaparte. Hiển nhiên rằng khi đưa quân chinh phục La mã, Sylla và César đã có một mục đích chính trị. Nhưng phải trả lại cho César cái gì của César và trả lại cho Sylla cái gì của Sylla. Họ không đảo chánh. Một cuộc âm mưu ở Hoàng cung giống với một cuộc đảo chánh nhiều hơn là những trận chiến danh tiếng mà hai vị tướng đã dùng để tiến chiếm nền cộng hòa. Sylla đã mất một năm để dùng quân đội mở đường từ Brindes đến La mã, nghĩa là để kết thúc âm mưu cách mạng khởi đầu từ Brindes. Như thế quá lâu cho một cuộc đảo chánh. Nhưng người ta biết rằng nghệ thuật chiến tranh có những qui lệ và những ngoại lệ. Sylla phải tuân theo và chỉ tuân theo có vậy thôi. Đối với những qui lệ và ngoại lệ chính trị, Sylla và César chỉ bắt đầu nghe theo chúng sau khi đến La mã và áp dụng ngoại lệ nhiều hơn qui lệ như bản chất và thói tục của các vị tướng khi họ muốn tạo nên những luật lệ mới và một trật tự mới cho các đô thị đã chinh phục. Trong những cánh đồng xứ Lombardie, vào năm 1797 này, năm rất giàu lợi thế cho vị tướng nào không ngần ngại, táo bạo hơn là tham vọng, Bonaparte phải bắt đầu suy nghĩ rằng bài học của Sylla và César đối với ông có thể là tàn hại. Thực ra, giữa sự sai lầm của Hoche đã cẩu thả nhận đặt thuộc quyền Chấp chánh viện để âm mưu làm đảo chánh cộng với bài học của Sylla và César, thì đối với ông chính là lỗi lầm của Hoche có vẻ ít nguy hiểm hơn. Trong tuyên ngôn ngày 14-7 với đạo quân Ý, Bonaparte đã cáo tri cho hội Clichy rằng quân đội đang sẵn sàng vượt qua núi Alpes và tiến về Ba lê để bảo vệ Hiến pháp, bảo vệ tự do, chính phủ và các nhân vật của nền cộng hòa. Trong lời lẽ của ông, ta cảm thấy mối ưu tư đừng để mình bị ảnh hưởng bởi thái độ không kiên nhẫn của Hoche hơn là lòng đam mê thầm kín được ngang hàng với César. Giữ tình thân hữu với Chấp chính viện mà không quá công khai về cùng phe, đó là vấn đề của năm 1797. Hai năm sau trước ngày 18 Brumaire, vấn đề là sẽ giữ tình thân hữu với Chấp chánh viện và không quá công khai đứng vào hàng ngũ những địch thủ của viện này. Từ năm 1797, tư tưởng bắt đầu phát hiện trong trí ông rằng phương tiện đảo chánh phải là quân đội, nhưng quân đội này phải có vẻ tuân theo luật lệ và hành động phải giữ cái vẻ hợp pháp. Chính mối ưu tư về tính cách hợp pháp này đã xuất hiện ở Bonaparte một quan niệm đảo chánh khác biệt các kinh nghiệm cổ điển, sáng chói và nguy hiểm. Trong số nhiều nhân vật ngày 18 Brumaire, kẻ có địa vị mơ hồ là Bonaparte. Từ khi ở Ai Cập trở về, ông chỉ tỏ vẻ bồn chồn, làm đối tượng cho sự ca tụng, căm hờn, lố bịch và nghi ngờ: ông chỉ tự làm hại mình một cách vô ích. Cái vụng về của ông bắt đầu làm cho Siéyès và Talleyrand lo lắng. Bonaparte muốn gì? Phải để cho kẻ khác hành động! Siéyès và Lucien Bonaparte lo liệu mọi điều, cung cấp mọi thứ, công việc được điều chỉnh đến tận những chi tiết tỉ mỉ nhất. Siéyès, thắc mắc và câu nệ, nghĩ rằng một cuộc đảo chánh không thực hiện trong một ngày: mối nguy hiểm phải tránh, chính là sự thiếu kiên nhẫn của Bonaparte (và tính thích khoa tu từ học của ông ta, Talleyrand nói thêm vào). Đây (không?) còn phải là vấn đề của César hay Cromwell mà là của Bonaparte. Nếu người ta muốn cứu vãn những vẻ bề ngoài hợp pháp; nếu muốn cuộc đảo chánh không có vẻ một cuộc đảo chánh của trại lính, hoặc một âm mưu của cảnh sát công an mà là một cuộc đảo chánh nghị viện với sự đồng lõa của hai viện Nguyên lão và Thứ dân, thực hiện theo một thủ tục tố tụng tinh xảo và quanh co thì điều cần thiết là, Bonaparte không cố chấp giữ trong một vài thái độ. Một vị tướng bách thắng sửa soạn chiếm đoạt quyền hành không nên mong được hoan hô và không nên mất thì giờ trong các mưu mô. Siéyès đã lo liệu đủ và tổ chức chu đáo: ông học cả cách cưỡi ngựa, để diễu hành nếu chiến thắng hay để trốn chạy. Trong lúc chờ đợi, Lucien Bonaparte đã đắc cử Chủ tịch viện Thứ dân, dự dịnh bổ nhiệm 4 kiểm soát viên chắc chắn về cùng phe với mình vào văn phòng Viện. Khi có đảo chánh nghị viện, thì cả đến các nhân viên phục vụ tại phòng hội đồng cũng rất quan trọng. Những kiểm soát viên của văn phòng Nguyên lão nghị viện đều ở trong tay Siéyès. Để biện minh cho sự triệu tập các Viện tại Saint-Cloud, ở ngoài Ba lê, cần phải kiếm một cớ: một mưu loạn, một âm mưu của phe quá khích, một mối đe dọa chung. Chủ tịch Siéyès sử dụng guồng máy cảnh sát và lý do đã được tạo ra: cảnh sát đàn áp âm mưu khủng khiếp của phe quá khích đang công khai đặt nền Cộng hòa vào mối nguy hiểm sống còn. Các viện sẽ lặng lẽ họp nhau ở Saint-Cloud. Mọi sự đều phù hợp theo đúng chương trình vạch sẵn. Bonaparte ép mình theo các kẻ khác: các thái độ dè dặt hơn, ngoại giao ít ngây thơ hơn, lạc quan cẩn trọng hơn. Dần dần ông tin rằng mình trở thành deus ex machina của toàn thể âm mưu, và tin tưởng này đủ mang lại cho ông sự chắc chắn tuyệt đối rằng mọi điều sẽ xảy ra theo ý muốn. Tuy nhiên chính là những kẻ khác đã hướng dẫn ông trong các âm mưu: chính Siéyès dắt tay ông vào mê lộ. Bonaparte khi ấy vẫn là một quân nhân không hơn không kém, thiên tài chính trị của ông chỉ xuất hiện sau ngày 18 Brumaire. Các vị tướng, dầu là Sylla, César hay Bonaparte trong thời kỳ chuẩn bị và thực hiện cuộc đảo chánh, cũng chỉ thuần tuý là những kẻ quân sự: họ càng cố gắng giữ tính cách hợp pháp, biểu lộ trung thành với “res publica” chừng nào thì hành vi của họ lại càng phi pháp, lòng miệt thị “res publica” càng biểu lộ rõ rệt. Mỗi lần xuống ngựa để dự vào lãnh vực chính trị, họ quên gỡ cái đinh thúc ngựa. Lucien Bonaparte quan sát người anh mình, chú ý đến cử chỉ, cố đọc những ý tưởng bí mật nhất của anh với một nụ cười như cảm thấy trước mùi vị oán hờn, tự cảm thấy rằng từ nay mình vững tin vào anh hơn chính mình. Mọi sự đã sẵn sàng. Ai có thể làm đổi hướng dòng biến chuyển, sức mạnh nào đương đầu được với đảo chánh. Kế hoạch của Bonaparte xây dựng trên một sai lầm căn bản: tôn trọng tính cách hợp pháp. Ngay từ lúc đầu, Siéyès đã tỏ ra chống đối sự giữ gìn hành động trong giới hạn luật pháp: phải chừa lề cho những trường hợp bất ngờ, trong đó bạo động cách mạng giữ phần ưu thắng. Con đường gò bó luôn luôn nguy hiểm. Một cuộc đảo chánh hợp pháp dường như là một điều phi lý đối với lý thuyết gia về luật pháp này. Nhưng Bonaparte không thể lay chuyển được: ông sẵn lòng hy sinh cả thận trọng để tôn trọng pháp luật. Trong đêm 17 rạng 18 Brumaire, khi Siéyès báo cho ông hay rằng các khu ngoại ô đang rục rịch, và tốt hơn nên đề phòng trước bằng cách bắt giữ chừng 20 nghị sĩ, Bonaparte từ chối phạm một hành vi phi pháp. Ông muốn một cuộc khởi loạn nghị viện thôi: ông mong chiếm đoạt quyền hành dân sự mà không phi pháp và không bạo động. Fouché đề nghị xin được cộng sự, ông trả lời ông không cần tới Cảnh sát. Sansta simplicitas! Uy tín và vinh quang của tên tuổi ông đủ rồi. Nhưng, tình trạng hợp pháp bằng mọi giá ấy, vị tướng hùng hổ này, người chiến sĩ say mê khoa tu từ học này không biết tiến thoái thích nghi. Buổi sáng ngày 18 Brumaire, vừa tới đứng trước Nguyên lão nghị viện, ông đã quên vai trò của mình, vai trò của một vị tướng bách thắng đến đem lưỡi gươm mình phục vụ cho những kẻ đại diện quốc gia. Ông quên rằng dưới mắt của viện Nguyên lão, ông không nên xuất hiện như một César mới, mà nên như một kẻ bảo vệ hiến pháp chống lại âm mưu của phe quá khích. Ông ta không nên làm gì khác hơn là một vị tướng được nguyên lão viện giao phó nhiệm vụ bảo đảm sự di chuyển yên lành Cơ quan Lập pháp đến Saint-Cloud. Ông phải cẩn thận ra vẻ giữ một vai trò thứ yếu trong vở hài kịch nghị viện mà nhân vật chính là Cơ quan Lập pháp. Những lời ông tuyên bố, ở giữa một đám sĩ quan hộ tống trang phục đồ thêu vàng và bạc, trước cử toạ gồm những kẻ tiểu tư sản đeo mắt kính đầy run sợ, hình như là những lời bị xúi dục bởi một vị thần ghen ghét với thời vận của ông. Tất cả những căn bản tu từ học mà ông học không kỹ từ những sự nghiệp của Alexandre và César đã trào lên trên môi và làm ông líu lưỡi: “Chúng ta mong muốn nền Cộng hoà, thiết lập trên tự do thật sự, trên sự đại diện quốc gia: chúng ta sẽ đạt được, tôi thề như vậy!” – Các sĩ quan chung quanh đồng thanh lập lại lời thề. Các nguyên lão nghị viên tham dự đều câm lặng và sững sờ. Từ nơi nghị viện đã bị thuần hoá này, một người nào đó, một kẻ thấp hèn nào đó sắp sửa có thể đứng lên chống lại Bonaparte nhân danh tự do, Cộng hoà, Hiến pháp, những công thức tu từ học, những danh từ to lớn đã trở nên rỗng tuếch nhưng mà còn nguy hiểm. Siéyès đã tiên đoán mối hiểm nguy này và suốt đêm, những kiểm soát viên của văn phòng đã làm tiêu tán những yết thị triệu tập những nghị sĩ đáng ngờ. Nhưng Bonaparte phải đặc biệt phòng ngừa đối với những kẻ thấp hèn vô nghĩa mà ngay Siéyès cũng không ngờ vực. Một nghị sĩ tên là Garat đã đứng dậy phát biểu: "Không một quân nhân nào ở đây được xen vào vấn đề hiến pháp". Bonaparte xanh mặt, quay lại sửng sốt. Nhưng vị chủ tịch can thiệp đúng lúc, ngắt lời Garat và hội trường đứng dậy hô to: “Cộng hoà muôn năm”. Trong lúc duyệt qua đoàn quân xếp hàng trong công viên Tuilleries, Bonaparte tự để rơi mặt nạ. Sau những lời nói lẫy lừng gởi cho Botte bằng giọng sang sảng khi rời phòng hội Viện Nguyên lão, bài diễn văn của ông dành cho quân sĩ rền vang như một lời thách đố và doạ dẫm. Giờ đây ông ta tự tin lắm rồi. Nhưng Fouché cố nhấn mạnh về sự cần thiết phải bắt giữ những nghị sĩ hay gây loạn nhất. Bonaparte từ chối, cho lệnh đó làm vậy là một lầm lẫn vô ích, bây giờ mọi sự đều thuận buồm xuôi gió rồi. Chỉ còn một vài thủ tục nữa là xong cuộc đảo chánh. Sự lạc quan của ông cho thấy ông không hiểu rõ vị trí của ông trong trò chơi đầy nguy hiểm này. Hôm sau, ngày 19 Brumaire, ở Saint-Cloud, khi chính Siéyès nhận thấy những sai lầm đã phạm và bắt đầu lo sợ, Bonaparte vẫn tiếp tục tỏ ra một (sự?) lạc quan, một tin tưởng vào uy danh của mình, một khinh thường bọn “trạng sư” của cơ quan Lập pháp đến nỗi mà Talleyrand không biết phải cho ông là ngây thơ hay vô ý thức. Khi quan niệm kế hoạch của mình, thiết lập trên những hình thức hợp pháp và trên kỹ thuật tố tụng nghị viện, Siéyès không để ý đến những việc nhỏ. Bởi lý do nào mà các viện đã không được triệu tập ở Saint-Cloud vào ngày 18 thay vì ngày 19 ở Brumaire? Thật là một sự lầm lẫn khi để cho kẻ thù 24 giờ để nghiên cứu tình thế và tổ chức kháng cự. Ngày 19 ở Saint-Cloud, vì lý do nào Nguyên lão viện và Thứ dân viện đã không họp ngay vào buổi trưa mà lại là vào hai giờ lúc xế trưa? Trong hai giờ này, các nghị sĩ đã có thể trao đổi những cảm tưởng, những ý nghĩ, những dự tính để thoả thuận về những hành động chung để chống lại mọi âm mưu lường đảo hay bạo lực. Viện Thứ dân tuyên bố sẵn sàng đối với tất cả: sự xuất hiện của quân lính bao vây mọi phía khiến họ nổi giận. Họ bồn chồn giận dữ trong các lối đi và trong sân, họ to tiếng chất vấn nhau: tại sao chúng ta không họp ở Ba lê? Ai đã bịa ra chuyện có âm mưu này? Người nào? Nói thật đi! Siéyès đã quên dựng ra những bằng chứng về âm mưu của phe quá khích: ông ta nhìn quanh, nhận thấy nhiều kẻ mỉm cười, nhiều kẻ xanh mặt và bắt đầu hiểu rằng tình thế đã không mấy sáng sủa, mọi chuyện có thể tuỳ ở một lời nói, một cử chỉ. Giá như ông nghe theo lời Fouché! Nhưng bây giờ đã quá muộn, phải phó mặc cho rủi may, không có cách gì khác nữa. Xét về chiến thuật cách mạng, thì đó quả là một chiến thuật độc đáo. Đúng 2 giờ, hội nghị Nguyên lão khai mạc. Kế hoạch của Siéyès bị hỏng ngay khi bắt đầu. Những kẻ tiểu tư sản vốn trầm lặng ấy dường như đang giận dữ ghê gớm, may mắn thay không có kẻ nào biết mở lời nổi giữa cảnh náo loạn ồn ào như vậy. Nhưng ở Orangerie, nơi viện Thứ-dân hội họp, một cơn thoá mạ, buộc tội và đe doạ đã đón chào chủ tịch Lucien Bonaparte. Mất tất cả rồi, Siéyès nghĩ thế, ông ta xanh mặt và tiến gần cửa khi nghe thấy tiếng huyên náo bất ngờ đó. Để đề phòng khi trốn chạy, một chiếc xe chực sẵn ở bên lề công viên. Xe tiện lợi và đảm bảo hơn ngựa. Khi chuẩn bị đảo chánh, một kẻ biết tiên liệu như ông không thể bỏ sót chi tiết này. Ít ra Siéyès cũng không phải là kẻ duy nhất cảm thấy khó chịu; trong các phòng khách ở tầng trên, Bonaparte và tuỳ tùng nôn nao đợi giờ đầu phiếu. Nếu Nguyên lão viện không tán thành sắc lệnh giải tán các viện, nếu họ chỉ định ba tổng tài lâm thời và quyết định tu chỉnh Hiến pháp, thì Bonaparte sẽ làm gì? Trong trường hợp này, kế hoạch cách mạng do Siéyès thiết lập đến tận những chi tiết tỉ mỉ nhất ấy sẽ tiên liệu được gì? Siéyès chỉ tiên liệu sự bôn tẩu bằng xe. Cho tới lúc đó, hành động của Bonaparte, vốn bận tâm trên hết là cứu vãn vẻ hợp pháp để vẫn ở trong khuôn khổ thủ tục nghị viện, nếu dùng từ mới, ta có thể nói là hành động của một nhà tự do. Xét theo quan điểm này, Bonaparte là một vị trưởng giáo. Sau ông ta, tất cả các nhà quân sự thử chiếm đoạt quyền hành dân sự đã đều trung thành với nguyên tắc của chủ nghĩa tự do cho đến phút chót, có nghĩa là cho đến lúc phải sử dụng bạo lực. Phải luôn luôn, và đặc biệt là ngày nay, coi chừng chủ nghĩa tự do của các nhà quân sự. Ngay khi nhận thấy rằng sự chống đối của Nguyên-lão-viện và Thứ-dân-viện hiển nhiên là làm hỏng kế hoạch của Siéyès, Bonaparte quyết định ra mặt đàn áp sự chống đối của nghị viện. Đấy vẫn là một hình thức của chủ nghĩa tự do (một thứ chủ nghĩa tự do quân sự, hiển nhiên là vậy), một phương cách bạo động tự do. Vừa thấy Bonaparte, sự huyên náo dịu bớt trong phòng Viện Nguyên lão. Nhưng nơi con người César này, con người Cromwell này, khoa tu từ học còn bội phản một lần nữa. Bài diễn văn của ông, ban đầu được sự im lặng kính trọng, dần dần nổi lên tiếng thì thào phản đối. “Nếu tôi là một kẻ bội ước thì tất cả các ngài hãy là Brutus”, khi nghe những lời này, một vài tiếng cười lớn vang dội từ cuối phòng. Diễn giả bối rối, ngừng lại, ấp úng, rồi tiếp tục với một giọng chói tai: “Các ngài hãy nhớ rằng tôi bước đi có vị Thần chiến tranh và vị Thần may mắn đi theo”. Các nghị sĩ nhỏm dậy, vây quanh diễn đàn. Tất cả đều cười. “Đại tướng, ngài không biết những điều ngài nói nữa”, kẻ trung thành Bourienne thì thầm vào tai Bonaparte và nắm chặt tay ông. Bonaparte đi theo, ông rời phòng hội. Lúc sau, khi bước qua ngưỡng cửa Orangerie, có 4 vệ binh hộ tống và vài sĩ quan, Thứ dân Viện đã tiếp đón bằng sự ầm ĩ cuồng động tung ra, nặng lời lăng mạ và xúc phạm: “Đồ phi pháp! Đả đảo độc tài!” Bốn vệ binh xiết chặt quanh ông để che cho ông khỏi bị đấm đá, các sĩ quan cố đưa ông ra khỏi cảnh huyên náo; cuối cùng, Gardanne nắm được tay ông và mang ông ra ngoài. Không còn gì hơn là đào tẩu, Siéyès nghĩ thế, hoặc là bạo lực như Bonaparte nói với những người của ông. Trong phòng hội của Thứ dân viện, sắc lệnh phế trừ được biểu quyết. Trong vài phút nữa, con người César này, Cromwell này sẽ bị “đặt ngoài vòng pháp luật”. Thế là hết. Bonaparte nhảy lên mình ngựa và ra duyệt hàng quân: “Sẵn sàng chiến đấu!” ông ta hô lên. Quân sĩ hoan hô nhưng bất động. Đây là quang cảnh đặc biệt nhất của hai ngày lịch sử đó. Khuôn mặt thất vọng, run lên vì giận, Bonaparte nhìn chung quanh. Vị anh hùng Arcole đã không thể làm di chuyển nổi lấy một tiểu đoàn. Nếu Lucien không đến vào lúc này thì tất cả mất hết. Chính Lucien đã kích động binh sĩ, cứu vãn tình thế. Chính Murat đã tuốt gươm ra, đảm đương trách nhiệm chiến đấu, lôi kéo vệ binh chống Viện Thứ dân. “Gọi là Tướng Bonaparte, điều đó không đúng”, Montron sau này đã nói thế khi nhắc lại vẻ xanh xao của con người César này, con người Cromwell này. Montron, kẻ mà Roederer gọi là một Talleyrand cưỡi ngựa, suốt đời đã giữ niềm tin rằng vị anh hùng Plutarque này ở Saint-Cloud đã cảm thấy một phút sợ hãi; và một con người lu mờ nhất nước Pháp, một trong những “trạng sư” của Cơ quan Lập pháp, một kẻ thấp kém nào đó có thể trong hai ngày lịch sử này, bằng một cử chỉ, một lời nói, bôi xoá định mệnh Bonaparte và cứu vãn nền Cộng hoà mà không gặp nguy hiểm. Một sử gia đã nói: “ chưa bao giờ có cuộc đảo chánh nào quan niệm sai đến thế và bị lãnh đạo sai đến vậy”. Xây dựng trên sự trọng pháp và trên cơ chế của thủ tục nghị viện, kế hoạch ngày 18 Brumaire chắc chắn sẽ thất bại, nếu Nguyên lão viện và Thứ dân viện biết lợi dụng lỗi lầm của Siéyès. Một chiến thuật tấn công dựa trên sự trì chậm của thủ tục nghị viện chỉ có thể đưa đến thất bại. Nếu (không phải vì?) các viện, với sự đe dọa ban hành sắc lệnh phế trừ, đã ép Bonaparte phải cắt ngang, rời bỏ khuôn khổ pháp luật và dùng đến bạo lực thì cuộc đảo chính đã bị sa lầy trong thủ tục nghị viện. Chiến thuật tấn công của nghị viện là phải tranh thủ thời gian, kéo dài mọi sự. Xế trưa ngày 19 Brumaire ở Saint-Cloud, cuối cùng Siéyès đã hiểu sự lầm lạc của mình. Thời gian chỉ có lợi cho Cơ quan Lập pháp. Bonaparte đã vận động trên lãnh vực nào? Trên lãnh vực thủ tục. Sứ mạng của thủ tục nghị viện là gì? Sự trì trệ. Hai giờ nữa thôi và các phiên họp của các Viện phải hoãn lại ngày sau. Cuộc đảo chánh mới vừa để mất 24 giờ, lại phải chậm trễ nữa. Ngày hôm sau, ngày 20 Brumaire, ngày mở lại các phiên họp của Cơ quan Lập pháp, thì địa vị của Bonaparte chắc sẽ khác hẳn. Siéyès đã hiểu thế. Trong kế hoạch cách mạng của ông, Nghị viện là những phương tiện của cuộc đảo chánh. Bonaparte không thể bỏ qua được các viện: họ thật cần thiết đối với ông. Phải hành động nhanh chóng, ngăn chặn sự hoãn các phiên họp, tránh mối nguy hiểm của một cuộc tranh đấu mở ra giữa Cơ quan Lập pháp và Bonaparte, giữa Hiến pháp và đảo chánh: nhưng với phương tiện gì? Kế hoạch của Siéyès và luận lý của Bonaparte đã là từ khước xử dụng bạo lực. Tuy nhiên phải ngắt ngang. Như vậy cần phải thuyết phục đi vào phòng hội, nói với các nghị sĩ, và bằng cách tốt lành tử tế, thử vượt khỏi thủ tục nghị viện. Căn nguyên hành động kỳ lạ ấy của Bonaparte là ở cái mà người ta gọi là chủ nghĩa tự do của ông. May mắn thay cho ông, thái độ của ông đã gây nên cho Nghị viện sự lầm lẫn không phương cứu vãn, những bạo động chống lại cá nhân ông ta và sắc lệnh phế trừ. Nguyên-lão-viện và Thứ-dân-viện không hiểu rằng bí mật sức mạnh của họ đối với Bonaparte chính là kéo dài sự kiện, đừng gây khiêu khích, trông cậy vào sự trì trệ của thủ tục. Trong mọi cuộc đảo chánh, kỹ thuật của những phần tử Cách mạng bạo động là phải hành động thật nhanh, kỹ thuật của kẻ bảo vệ Quốc gia là kéo dài thời gian. Lỗi lầm của Nghị viện là đã đẩy Bonaparte đến chân tường: trốn chạy hay xử dụng bạo lực. Các “trạng sư” của Cơ quan Lập pháp dù không muốn, cũng đã cho Bonaparte một bài học về chiến thuật cách mạng.