Dẫn
Phần tử trí thức dưới nhãn quan chính trị

Thảm kịch của ngày hôm nay là do chính trị
NAPOLÉON
Trước những việc xảy ra trong cuộc vận động tuyển cử ở Mỹ năm 1968, giáo sư Lewis S. Feuer nhận định:
Đây là lần đầu tiên phần tử trí thức đã làm đủ mọi cách để cho trí thức thành một lực lượng ảnh hưởng đến sự quyết định các chính sách của chính phủ.
Thật vậy, dân chúng Hoa kỳ và hết thảy những người theo dõi thời cục trên thế giới đều thấy rằng, người trí thức Mỹ đã nổi dậy, họ không muốn giữ cái vai trò chính trị lỗi thời như là viết những bài diễn văn cho các ông lớn bà lớn, hoặc như là một nhân sỹ để được mời vào "brain trust" hay ủy ban tư vấn. Bây giờ rõ rệt họ đòi hỏi và tự coi họ như một đoàn thể, một tổ chức, và một lực lượng chính trị.
Chính bởi hàng loạt vụ nổi loạn của trí thức trên khắp nước Mỹ mà Tổng thống Johnson đã đành phải rút lui không ra ứng cử thêm một lần nữa. Trong buổi họp của đảng Dân chủ, các bạn thân nhất của ông Lyndon Johnson đã nói với ông:
Anh có thể dễ dàng mở cuộc phản công, tuy nhiên anh chớ nên coi thường bọn trí thức đó. Bọn chúng hiện tại tuy chẳng có quyền lực gì cả, nhưng hình như dư luận số đông đã nghe theo chúng.
Giờ đây không ai không nhận rằng: Chẳng còn phải là một hiện tượng nhất thời nữa, việc phần tử trí thức trở thành một lực lượng chính trị là một sự thực, một khuynh hướng đang tiến rất mau, rất mạnh. Mọi người đã biết tường tận những hành động nhằm ngăn chặn của ông Johnson và của tòan thể chính trị gia bảo thủ Hoa kỳ đối với cuộc dấy lên của giới trí thức, kết quả ông Johnson cùng tập đoàn của ông phải chịu thất bại.
Nếu mở lại trang sử cũ thì đã từ lâu lắm rồi người trí thức Mỹ bực bội vì ảnh hưởng của họ vào chính trị chẳng được bao nhiêu, các điều họ nghĩ, các điều họ nói, xã hội chẳng thèm lưu ý. Sau thế chiến I, trí thức Mỹ là những chàng trẻ tuổi buồn tủi (sad young men), họ xô nhau sang Âu Châu vì ở đây trí thức được tôn trọng. Đứng bên trời Âu, họ quay về nhìn đất Mỹ của hai vị Tổng Thống Harding và Coolidge bằng thái độ chế riễu. Giữa lúc ấy thì nhạc Jazz thịnh hành, nhịp điệu Jazz như sui đẩy họ vào với tư tưởng và hành vi phóng túng cho cái sống cá nhân, nhà văn Scott Fitzgerald nhận xét tâm trạng văn hóa Hoa kỳ trong thời này như sau: "Thời đại của nhạc Jazz, chính trị hết là điều đáng chú ý." Kẻ đi khỏi quê cũng như người còn ở lại, tất cả đi chung vào một lối nổi lọan bằng vui thú cá nhân đặt trên triết lý vứt bỏ trách nhiệm.
Năm 1930, trí thức Hoa kỳ trải qua thời gian sống với cuộc khủng hoảng đen tối nhất lịch sử nên có phong trào trở lại với trách nhiệm. Nhiều nhà văn hội họp nhau tổ chức ủy ban, những buổi thuyết trình, những đám biểu tình và ra tuyên ngôn. Năm 1932-1933 nhiều nhà văn danh tiếng ký vào bản nhận định cuộc khủng hoảng với văn hóa (Culture and the crisis). Bản nhận định này nổi bật với chủ trương thiên tả, mục đích là để hoạt động tranh cử cho hai ứng cử viên cộng sản William Foster và James Ford. Nó đã không đạt được mục đích. Tuy thế trong thời gian mà dân chúng Mỹ hãy còn chưa quên cơn ác mộng 1929, trong thời gian mà chính sách New Deal của Tổng Thống Roosevelt mới bắt đầu chuyển bánh thì ảnh hưởng tả phái vẫn được mến chuộng. Dần dần Hoa kỳ hàn gắn vết thương cũ rồi mạnh bạo phát triển sang con đường tư bản mới, tinh thần New Deal nguội bớt đến chỉ là cái bóng mờ mỗi khi nhắc lại cốt làm cái việc mị dân mà thôi, tả phái Hoa kỳ bị bóp chết.
Giữa lúc giới trí thức một lần nữa bị chính trị cho thụt soáy hơi (trou d'air) thì vụ cách mạng và nội chiến Espagne bùng nổ (1936) lôi cuốn trí thức Âu châu cũng như Mỹ quốc làm thành một phong trào dấn thân với Espagne để biểu đạt ý hướng mình. Phong trào này nhà báo Benson mệnh danh là phong trào các nhà văn cầm súng (writers in arms). Bức tranh đẹp nhất của phong trào này đã được văn hào Hemingway viết thành cuốn tiểu thuyết dài rất nổi tiếng là "For whom the Bell Toll!
Sôi nổi chưa được bao lâu thì phong trào bị một biến cố trọng đại hơn nuốt mất: Hitler, Mussolini làm dữ tạo ra nguy cơ chiến tranh thế giới lần nữa. Lý tưởng hy vọng của phần tử trí thức đối với nội chiến Espagne là chống chủ nghĩa Phát xít. Nguy cơ chiến tranh làm cho trí thức bị lôi cuốn về đối phó với họa xâm lược của Đức quốc. Cái lý tưởng chống Phát xít ở một xứ ngoài trở nên mơ hồ không cấp thiết nên nó bị gạt ra khỏi bộ máy tuyên truyền chánh thức của mỗi chánh phủ các nước Âu châu, nhân danh Tổ quốc chống xâm lược. Mặc dầu gót giầy Đức quốc xã không thể nào đặt lên lãnh thổ Hiệp chủng quốc, nhưng một khi trí thức Âu châu đã bị hẫng thì hoạt động riêng lẻ của trí thức Hoa kỳ cũng chẳng còn lý do gì tồn tại trong vụ Espagne. Vả lại nhờ giúp đỡ của Đức quốc xã, Phát xít Espagne đã thắng cách mạng thiên tả rõ rệt. Thêm nữa giáo hội Công giáo quyết định không đứng về phe cách mạng đồng thời thỏa thuận với Hitler trên vụ Espagne thì cuộc cách mạng Espagne kể như hoàn toàn tiêu hủy.
Tham dự thế chiến lần thứ hai, Hoa kỳ nghiễm nhiên là quốc gia quan trọng bậc nhất cho chính trị quốc tế. Để hoạt động hiệu quả, nhu cầu trí thức của quốc gia tăng lên vùn vụt, phần tử trí thức rất cần vào các công việc nghiên cứu, thông tin tuyên truyền, gián điệp vân vân... Chiến tranh nóng chấm dứt, chiến tranh lạnh mở màn thì nhu cầu kia càng lớn lên gấp bội. Từ 1950-1953 trí thức ở vào vị thế ưu việt của xã hội Hoa kỳ. 
Nếu đà này kéo dài thêm, Hoa kỳ chắc chẳng tránh khỏi một cuộc cách mạng, nên phe bảo thủ đi đôi với phe phản động khởi sự phản công, theo họ thì mục đích là làm cho Hoa kỳ không rơi vào tay cộng sản.
Người được đưa lên lãnh đạo cuộc phản công là nghị sĩ Mac Carthy (McCarthy?). Mac Carthy cùng tập đoàn của ông đã dựng hẳn lên ở nước Mỹ một triều đại gọi là triều đại Mac Carthy với chủ trương và chiến lược chống trí thức (anti-intellectualism).
Mac Carthy cùng tập đoàn buộc trí thức phải phục tòng phục vụ hệ thống tư bản, hệ thống áp phe. Dưới danh nghĩa bài cộng, chính phủ đã phải theo Mac Carthy để thanh trừng mọi người mà nghị sĩ Mac Carthy gọi là cần phải trừ khử (les indésirables). Phe Carthy có hai thứ vũ khí đáng sợ:
a) chụp mũ gián điệp.
b) tẩy chay.
Với cái chụp mũ bị cáo làm gián điệp nên biết bao phần tử trí thức bị theo dõi đe doạ, đời sống ngột ngạt không kém thân phận người Do thái trong lưới Gestapo. Carthy lên án tới 1456 người. Với lối tẩy chay này mà một nhà văn tiến bộ viết sách không ai dám xuất bản, dạy học không ai dám thuê, xuất ngoại không được phép, cuối cùng phải tự tử chết.
Bằng quyền lực của ngôi vị chủ tịch Ủy ban điều tra. Mac Carthy hét ra lửa, làm mưa làm gió trên chính trường vượt quyền Tổng thống. Có lần Mac Carthy cùng cánh cực hữu đòi đuổi cả Oppenheimer nhà vật lý học nguyên tử cột trụ, đòi chống lại việc cử Charles Bohlen nhà ngoại giao tên tuổi vì ông Bohlen có tội làm cố vấn cho Roosevelt ký hiệp ước Yalta mà Carthy cho rằng hiệp ước Yalta làm Mỹ thua thiệt.
Quá lộng hành, Mac Carthy phạm mấy lỗi lầm to lớn đáng kể nhất là vụ ông đòi đốt sách. Trong số sách bị đốt có cả tên tác giả Foster Rhee Dulles bộ trưởng ngoại giao. Đến mức này, Tổng thống Eisenhower không nhịn được nữa, Eisenhower đến Darmouth nói ở truờng đại học:
"Anh em đừng a dua với bọn đốt sách. Chớ tưởng chúng ta có thể dấu các lầm lỗi của chúng ta bằng cách đốt hết mọi chứng cớ. Làm sao chúng ta thắng được cộng sản nếu ta không hiểu ý hướng cộng sản cùng sức quyến rũ của chủ nghĩa đó!"
Qua lời trên, người ta nhận ra ngay Eisenhower chưa dám chửi thẳng Mac Carthy, thế lực Carthy còn mạnh lắm. Nhưng Carthy vẫn tiếp tục đi quá trớn, ông đụng chạm giáo hội, quân đội, luật sư đoàn, Carthy gây thù khắp nơi. Dư luận chán ghét ông lan rộng. Ngón đòn chí mạng đầu tiên đánh thẳng xuống đầu Carthy là vụ án chàng tri thức trẻ tuổi Fisher, bị cáo là hội viên của một tổ chức khả nghi. Luật sư Welch bênh vực cho bị cáo đã chỉ vào nghị sĩ Mac Carthy mà nói:
Chúng ta không nên ám sát người trẻ tuổi này, thưa thượng nghị sĩ ngài đã đi quá trớn rồi, ngài không còn chút lương tâm nào nữa sao?
Khắp nước hài lòng câu nói của luật sư Welch, với cái hăng say rất trí thức, luật sư Welch đã đem dưỡng khí vào trong cơn tức giận của dân chúng bấy lâu dồn nén bùng cháy. Đâu đâu cũng rục rịch biểu lộ sự khó chịu với Carthy. Tháng 12 năm 1954 với 67 phiếu thuận với 22 phiếu chống, Mac Carthy bị Thượng viện cất hết quyền. Như bị gáo nước lạnh dội bất thần Carthy ấp úng trước Thượng viện: Tôi đã làm gì nên nỗi! Mấy năm sau Carthy chết vì rượu.
John F. Kennedy làm Tổng Thống Hoa kỳ, vận động trí thức bước vào trang sử mới. Kennedy là người được giải thưởng Putlizer, ông là một phần tử trí thức. Ngày Kennedy tuyên thệ nhiệm chức cũng là ngày giới trí thức tràn ngập hy vọng. Các nhà văn như John Steinbeck, Arthur Miller, W. H. Auden, v.v... được mời dự buổi tiếp tân đầu tiên của Kennedy tại tòa Bạch ốc và người được dành nhiều danh dự nhất là thi sĩ 80 tuổi Robert Frost. Ngay nhà văn khinh bạc nổi loạn Norman Mailer cũng ngả theo thái độ trí thức quyến dũ của Kennedy, Mailer tuyên bố:
Trí thức Hoa kỳ đang bước tới một biên cương mới, từ lâu chúng tôi bị lịch sử cấm đóan, từ lâu chúng lôi đã bỏ mặc chính trị vào tay bọn người đã không làm lịch sử lại còn kéo lịch sử đi trật đường rầy.
Hướng về Kennedy, trí thức đổ sô tới Hoa Thịnh Đốn. Họ gia nhập đoàn quân Hòa bình, họ làm việc cho bộ quốc phòng cùng những sự vụ ngoại giao.
Ở thời Kennedy phần tử trí thức ra sao? Carey Mc Williams nhận định như sau:
Họ vẫn chưa hoàn toàn thỏa mãn ước nguyện, bây giờ họ thành những chuyên viên chống nổi dậy, chuyên viên nghiên cứu về Kremlin, chuyên viên nghiên cứu các vụ khủng hoảng hoặc quá quắt hơn là kẻ cắp cặp cho mấy ông mi-li-te (military flunkies).
Williams muốn nói là người trí thức ít nhiều đành phải từ bỏ những gì tốt đẹp của sứ mạng trí thức để lột xác thành một thứ quan liêu (bureaucrate) hay giai tầng chuyên viên (technocrate). Nhưng đổi lại trí thức thu hoạch cái lợi không nhỏ là học tập kinh nghiệm chính quyền, thứ kinh nghiệm hết sức mới mẻ rất hữu ích cho cuộc đấu tranh sau này.
Nếu như Kennedy còn nắm giữ quyền điều khiển quốc gia, trí thức tuy chưa mười phần mãn nguyện nhưng vẫn còn gửi nhiều tin tưởng vào tương lai.
Vụ Dallas xẩy đến, vị Tổng thống trí thức nhất Mỹ quốc ngã gục bởi mấy viên đạn bắn ra với kỹ thuật tinh vi với tổ chức bí mật chu đáo, biên cương mới của trí thức bị phe phản động đánh phá.
Trước cơn bão tố, phải chọn giữa Goldwater và Lyndon Johnson, giới trí thức ào ạt ủng hộ Johnson, họ nghĩ: Johnson dù sao cũng còn mang chút di tích chút âm hưởng Kennedy. Do dó Johnson thắng lợi vẻ vang tại khắp nơi vận động tuyển cử.
Tuần trăng mật của Kennedy với trí thức Hoa kỳ không kéo dài được bao lâu đã gặp biến cố gây nên lủng củng. Johnson quyết liệt leo thang chiến tranh V. N. Trí thức nhất loạt phản đối, nhiều người tên tuổi rời bỏ chính quyền Johnson. Thâm tâm Johnson rất hài lòng coi việc trí thức bỏ ông như một sự thoát nợ, ông là tay chính trị nhà nghề ít hợp với tâm tưởng trí thức, ông chọn phe bên kia hẳn nhiên nhiều quyền lực hơn. Hoa-kỳ phân thành hai chiến tuyến, trí thức Hoa-kỳ sau thời gian ở chính quyền đã nhìn thấy nhược điểm chính quyền nên họ dùng kinh nghiệm đó vào cuộc đấu tranh tạo ra nhiều kết quả khiến cho Johnson khó lòng ăn ngủ ngon lành. Trái với ý ông nghĩ Johnson bây giờ mới thấy sức công phá của trí thức cũng chẳng yếu ớt gì.
Giả sử vấn đề V.N. hanh thông không xa lầy chắc Johnson không ngại cho lắm. Đằng này vấn đề V N. lại là nước chiếu bí nên chính quyền Johnson mắc kẹt. Để đối phó với mặt trận trí thức Johnson mời bác sỹ Eric Goldman vào Bạch cung với chức vụ cố vấn đặc trách các vấn đề liên hệ đến phần tử trí thức. Ông Goldman được quyền bổ nhiệm ba phụ tá. Nhưng Goldman hoàn toàn thất bại, trước hết ông thất bại, ngay trong nội bộ, ba phụ tá bất đồng ý kiến với ông nên xin từ chức, từ chức xong họ đứng về bên kia. Đối ngoại chẳng những không làm chống đối giảm bới mà hố sâu chia cách chính quyền Johnson với trí thức bị đào sâu hơn. Thất bại nặng nhất xẩy ra trong đại hội nghệ thuật tại Bạch cung, giữa đại hội trí thức ầm ĩ công kích chính sách ngoại giao của Johnson. Lẽ ra mục tiêu của đại hội này là để làm một cuộc dàn hòa thì lại biến thành cơ hội găng thêm. Bác sĩ Goldman từ chức với lời trách móc cả hai bên đã ngoan cố cứ đi đến thảm trạng xa lánh nhau (a tragic strangement). Bực tức Johnson ra thông cáo cách chức Goldman vì cớ ông này chẳng làm được việc gì đúng lúc cả. Vừa lúc phó Tổng thống Humphrey giới thiệu giáo sư John P. Roche đến thay thế Goldman. Lúc thi hành sứ mạng, thay vì đấu dịu, Roche đổ thêm dầu vào lửa bằng những lời công kích gần như nhục mạ:
"Bọn trí thức riêng rẽ ấy là bọn nào vậy? Phần lớn họ ở Nữu Ước làm cái nghề Nghệ thuật. Họ tụ tập nhau chẳng được bao nhiêu ở Cape Cod để nhẩy múa reo hò trước sự hoan hô của đám quần chúng dốt nát".
(Lưu ý Cape Cod là nơi giới thượng lưu nghỉ ngơi. Văn gia John O'hara có viết một tập truyện ngắn về những thảm kịch đã xẩy ra ở đây. Truyện mang tên là: The Cape Cod lighter).
Tại hội nghị báo chí Liên Hiệp Quốc nói về đề tài Trí thức và vấn đề Việt Nam, Roche miêu tả người Trí thức Hoa-kỳ như hình ảnh trí thức Nga thuộc thế kỷ 19 nghĩa là bọn người tự thị, tự cao, tự tô vẽ cho mình nâng lên địa vị ưu tú về văn hóa và có bổn phận bảo vệ xã hội giải quyết mọi vấn đề gay cấn. Chính bọn trí thức đó đã rùm beng chống chiến tranh, họ quan trọng hóa quá cỡ cuộc chiến, thực ra cuộc chiến đó không hơn không kém chỉ là cuộc đụng độ biên cương như nước Anh từng gặp phải ở Ấn-độ hay Nhật ở Mãn-châu".
Roche làm thế do tự ý hay Johnson muốn rửa hận? Dù thế nào chăng nữa, những lời tuyên bố của Roche được dư luận coi như lời thách thức khai chiến của chính quyền Johnson với trí thức.
Mặc dầu trên một mặt khác ông Johnson vẫn tiếp tục thi hành chính sách ve vãn bằng những mời mọc ân cần phần tử trí thức vào Bạch Cung đàm đạo. Nhưng bất cứ gặp gỡ nói chuyện nào cũng thế, chỉ thấy một mình ông Johnson độc thoại, cuối cùng khi ông đặt câu hỏi: Tại sao trí thức chống ông? Ông đã làm rất nhiều cho trí thức mà? Các thực khách không trả lời thẳng câu hỏi ấy, họ cười, hoan hô bữa ăn ngon rồi im lặng Cứ vậy kéo dài, đến ngày Tổng thống Johnson đọc diễn văn cho toàn quốc biết ông không định tái ứng cử tổng thống lần nữa.
Bây giờ chính quyền Mỹ đã đổi tay, cuộc chiến giữa lực lượng trí thức và lực lượng chính quyền vẫn tiếp tục mà chiến trường chủ yếu vẫn còn là vấn đề Việt Nam, vì vấn đề này là nhược điểm của chính quyền Hoa-kỳ.
 oOo
Không phải chỉ ở Hoa kỳ mà thôi, vận động trí thức còn bùng nổ tại nhiều nơi khác trên thế giới như Prague, Warsaw, Rome, Mexico City, Belgrade, Tây Berlin. Với nhiều hiện tượng khác lạ khiến cho các nhà xã hội học nghiên cứu vấn đề phải đem xét lại nhiều định luật cũ họ đã đưa ra. Truớc đây bác sĩ Keller khoa trưởng đại học đường Columbia viết:
"Marx và Lénine sẽ cười vào mũi kẻ nào nghĩ rằng cách mạng xã hội có thể khởi sự bằng lực lượng trường ốc, một nơi ẩn dật bọc ngà không súng đạn, không quyền lực, không tiền bạc."
"Nay thì cái ý nghĩ đó không đáng ngạc nhiên chút nào hết. Bộ trưởng Edgard Pisani trong chính phủ Pompidou đã nói với quốc hội như thế." Lịch sử dạy chúng ta các cuộc nổi dậy lớn lao luôn luôn dấy lên từ các giai cấp rõ rệt, đủ lực lượng quyết định như ngày xưa là nông dân, 1789 là giai cấp tư sản, thế kỷ 19 là thợ thuyền nhưng bây giờ là ở các tổ trí thức, cán bộ và sinh viên.
Pisani không nói quá đáng, cuộc nổi dậy tháng 5 bên Pháp làm cho chế độ De Gaulle lung lay rồi De Gaulle thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý, khởi lên từ các trường đại học Nanterre, Sorbonne. Tả phái chỉ dựa vào đấy để đình công để ăn theo lợi thế sẵn có. Vận động trí thức ồ ạt lan tràn đưa vào sinh hoạt chính trị thời đại một lực lượng chính trị rõ ràng hội đủ điều kiện một giai cấp hẳn hòi. Không thành lực lượng sao được khi mà một quốc gia có tới 2000 học viện, 6 triệu sinh viên và 4 trăm ngàn giáo sư? Không thành lực lượng sao được khi con số trí thức phụ vụ mọi cơ sở quốc gia nay đông gấp hơn trăm lần thế kỷ trước. Không thành lực lượng sao được khi ngân sách quốc gia tăng đến 17 tỷ Mỹ kim năm 1969 riêng cho công cuộc tìm kiếm khoa học so với gần 100 triệu mỹ kim năm 1940.
oOo
Vấn đề trí thức là vấn đề vẫn có từ ngàn xưa, nhưng nó luôn luôn đổi mới và gắn liền với lịch sử. Có thể nói lịch sử là một đại cơ kim của trí thức và trí tuệ chúng ta. Trước đây vẫn lưu hành quan niệm diễn biến lịch sử phải theo một mô thức cố định tỉ dụ người Ấn, Ba Tư, Hy Lạp cổ cho biến hóa lịch sử là luân hồi. thiên chúa giáo cho lịch sử xoay chuyển theo ý muốn của Thượng đế.
Quan niệm mô thức cố định bị thực tế lịch sử đánh bạt dần cho đến lúc những tư tưởng lịch sử của Spengler và Toynbee ra đời người ta hẳn nhiên chấp nhận quy luật biến hình sinh-trưởng-suy-vong của lịch
sử. Cộng thêm vào đó là những tư tưởng Hégel, Marx cho rằng chính con người có thể cải tạo lịch sử, chỉ có bọn nô lệ mới chịu làm bù nhìn trước lịch sử.
Biến động lịch sử tuân theo hoàn cảnh hay ý chí con người? Hỏi như thế cũng là hỏi:
Tồn tại quyết định ý thức hay ý thức quyết định tồn tại? Tư tưởng quyết định sinh hoạt hay sinh hoạt quyết định tư tưởng. Nhiều thế kỷ qua, triết học đã đáp câu hỏi này một cách ngược hẳn nhau mỗi bên
đứng về một điểm cực.
Hiện tại thực tiễn đã chứng minh lịch sử biến động do tác dụng tương hằng (interaction) giữa người với hoàn cảnh. Do tác dụng tương hằng ấy sản sinh ra văn hóa. Phương hướng và tốc độ văn hóa là kết quả của các loại nhân duyên nội ngoại của tác dụng tương hằng kia. Tổ tiên chúng ta càng về xa xưa càng chịu sự chi phối của hoàn cảnh, nhưng càng về sau con người đối với hoàn cảnh một mặt tìm cách(?) một mặt càng ra công chống lại, tiến xa hơn còn tìm cách cải tạo và lợi dụng hoàn cảnh nữa. Văn hóa là gì? Là sự tích lũy, gọt dũa từ đời này qua đời khác những hiểu biết để hoàn thành công việc chống đối, cải tạo và lợi dụng hoàn cảnh vậy.
Ai trực tiếp đảm nhiệm công việc sáng tạo, tìm tòi, xây đắp văn hóa?
Phần tử trí thức!
oOo
Vận hành lịch sử không đi theo con đường bằng phẳng và thẳng tuột, cũng như không có những giai đoạn nhất định (như kiểu Marx chủ trương). Các nhân tố hữu lợi, bất lợi luôn luôn can thiệp làm cho cuộc vận hành tăng, giảm, thừa, trừ.
Nói riêng mặt chủ quan, khi nào văn hóa tích súc, nội bộ hòa hài thì mới sản sinh ra quốc lực hùng mạnh tấn bộ tốt đẹp. Khi nào tự mãn, cô lập, lười biếng, đồi trụy tất nhiên lịch sử đi vào suy vong. Theo với tăng giảm thừa trừ của vận hành lịch sử là những vận động của phần tử trí thức.
 Như thế nói lịch sử mà không nói đến vận động trí thức, nói chính trị mà không đề cập đến cuộc đấu tranh của phần tử trí thức thì thật là một thiếu xót lớn.
Hoặc tìm xét quan hệ giữa phần tử trí thức với lịch sử với chính trị chỉ bằng ánh sáng của lý luận thời thế với anh hùng hay bằng thành kiến tú tài tạo phản tam niên bất thành thì vẫn chưa thật đầy đủ.
 Ta có thể khẳng định, một cuộc cách mạng xã hội có nghĩa là một thay đổi tương đối nhanh chóng trong sự kết hợp thành phần và cơ cấu phần tử trí thức cùng mối quan hệ của phần tử này với quảng đại quần chúng vậy.