Tôi mồ côi cha tôi sớm lắm. Khi tôi lên mười tuổi. Ba tôi chết trong một chiều đi theo ông Tám Nghệ đánh đồn Tây ở ngã ba Là Ngà. Nhà chỉ còn lại má tôi tần tảo chạy chợ nuôi hai chị em tôi. Em tôi là thằng Riềng, kém tôi hai tuổi nhưng ngay từ hồi đó nó đã cao to hơn tôi. Sở dĩ đặt nó tên Riềng vì ba má tôi sanh ra nó ở vùng đồn điền Phú Riềng. Tính nó nóng dị thường lắm… Nhưng thôi, tôi sẽ kể về nó sau. Má tôi không được khỏe. Những khi trái gió trở trời, bà thường phát cơn ho dễ sợ. Thương má, thương em; hồi đó thằng Riềng ngày ngày phải đi theo đám bạn lớn hơn ra sông kiếm cá, kiếm củi về bán lấy tiền đỡ má; tôi đành thôi học xin vào làm chân rửa bát trong tiệm ăn ngoài phố. Tiệm này khá sang trọng và đông khách. Hầu như người ăn kẻ ở phải làm quần quật từ sáng sớm đến tối mịt, có bận đến tận đêm khuya. Khoảng thời gian ấy, không hiểu một ngày tôi phải rửa mấy ngàn chiếc bát, đĩa nữa, chiếc nào cũng đẹp, cũng là hàng sứ Giang Tây cả. Chẳng may đánh bể một miếng, để sứt một miếng là bị mắng chửi, có khi bị trừ đi cả tháng tiền công. Cho nên nói là rửa bát đĩa nhưng đầu óc lại rất căng thẳng, những ngón tay suốt ngày nhúng vô mỡ, vô nước nóng cứ sưng phù, nứt nẻ ra. Đến tận bây giờ, thỉnh thoảng trở lạnh, những ngón tay tôi vẫn bị nhức sưng trở lại, cầm cây súng cứ dài dại như là bàn tay của người khác. Tuy vậy cái đó còn đỡ. Sợ nhất là cái thứ mùi dầu mỡ. Mùi lúc nào cũng ngửi thấy cái vị tanh tanh lờm lợm của nó, kể cả trong giấc ngủ. Tắm gội kỹ rồi mà vẫn thấy mỡ, thấy dầu dính nhớp nháp ở đâu đây trên thân thể trên từng chân tóc. Do đó, mang tiếng là người làm của một tiệm ăn có tiếng nhất thị xã nhưng tôi cứ gầy dần đi. Cứ ngửi thấy mùi xào nấu là mắc ói rồi còn lấy đâu mà mập. Nhưng đang độ tuổi lớn nên dù ít ăn, ít ngủ, tôi vẫn cứ lớn phổng phao. Lại được cái ông bà chủ đối xử với gia nhân không đến nỗi tồi tệ. Do đó tháng tháng tôi cũng ký cóp mang về cho má được ít tiền thuốc thang, cơm cháo. Thằng Riềng cũng đỡ vất vả hơn. Dạo này nó cao dềnh dàng, chân tay đen đúa và càng lầm lì. Tôi nói nó thử đi học tiếp lấy cái chữ đặng sau này đỡ cực, nó lắc đầu: “Em sẽ đi học nếu chị không phải đi làm cái nghề hầu hạ người ta như thế nữa!”. Tôi chạnh lòng, lén giấu nó ra góc vườn ngồi bần thần một mình. Nhưng tủi thì tủi vậy thôi, tôi còn biết kiếm được việc gì khác khá hơn nữa ở cái thị xã ăn tiêu vung phí và lính tráng dữ dằn từ các tiền đồn về phá phách này. Thực ra, với vốn chữ nghĩa gần hết trung học, tôi có thể kiếm một việc làm gì đó dễ chịu, sạch sẽ hơn, nhưng có một người cha như thế, công sở nào dám nhận? Lúc này tôi đã sắp mười tám tuổi. Tuổi ấy mà tôi đã nghĩ ngợi đủ chuyện như bà già. Tôi cho rằng thế là đời tôi coi như bỏ đi, phận sự còn lại, sợi dây níu kéo tôi lại với cõi đời là giúp má, giúp em. Mỗi tối trở về nhà, chân bước không vững nhưng nhìn thấy má, thấy em có chén cơm gạo trắng đưa lên miệng là tôi thấy đủ lắm rồi. Nhưng có lẽ ông trời không cho tôi được cam phận như thế, ông trời thích làm khổ người nghèo. Ông chủ tiệm có hai cô con gái và một cậu con trai. Hai cô đi học đâu tận Sài Gòn, lâu lâu mới tạt về qua nhà, ăn diện lộng lẫy như hai cô đào chớp bóng. Còn cậu hai tên là Quang thì ở nhà với cha mẹ. Hồi đó cậu Quang khoảng trên 20 tuổi. Học hết tú tài là cậu bỏ luôn. Thỉnh thoảng cậu mới uể oải đạp xe đến thư viện, còn ngoài ra người ta chỉ thấy cậu xoay trần ở sân banh hay đỏ mặt tía tai trong đám đánh nhau. Ỷ vào cha mẹ sẵn của cậu ta ăn chơi thục mạng. Mới từng ấy tuổi cậu đã thường xuyên uống rượu say khướt, lúc nào cũng phì phèo điếu thuốc lá trên môi, loại thuốc Bátstô rất nặng mà lính tráng ưa xài. Cậu ta tướng đẹp nhưng dữ dằn chứ không trắng trẻo, nhã nhặn như ông chủ. Đối với người ăn kẻ làm, cậu không thèm ngó nửa mặt cũng như cậu không bao giờ để ý đến công việc làm ăn buôn bán của cha. Dáng cậu ấy bặm trợn, lừ lừ như lúc nào cũng sắp sửa nện vỡ mặt một ai. Ông chủ ngán cậu, chả thèm nhắc nhở nhưng bà chủ lại rất cưng con. Thành ra cậu muốn gì được nấy. Tối thì mất hút xuống khu xóm cờ bạc, tối thì khoác vai mấy người lính dù ngả ngớn hát nghêu nao cùng đường, gặp ai đánh nấy! Tối thì nằm khoèo ở nhà ngốn truyện trinh thám Mỹ. Chán rồi, cậu xin mẹ một cục tiền cặp kè với bồ đi Cấp cả tuần mới về. Hồi đó, cậu ta có nhiều bồ lắm! Không hiểu các cô ấy ham tiền hay ham cái phong độ người hùng, bất cần đời của cậu? Chắc cả hai. Tôi chỉ nhác trông thấy cậu đôi bận. Nhưng không ngờ ông con trời đánh ấy lại chú ý đến tôi. Có một lần đang đứng lau chồng đĩa, tôi chợt cảm thấy có cái gì nhồn nhột ở sau gáy. Đoán chắc đó là tia nhìn xét nét của bà quản bếp, tôi không quay lại. Nhưng cái cảm giác nhồn nhột ấy vẫn không dứt, bất giác tôi nhìn lại và nhận ra cậu chủ. Cậu đứng ở cửa ra vào, chắn hết một nửa ánh sáng và đang nhìn tôi lom lom. Tôi giật mình, đột nhiên cảm thấy tay chân bối rối, chút xíu nữa thì để tuột mất cái đĩa. Thấy vậy, cậu cười nhẹ một tiếng rồi xây lưng bước đi, cái gáy nở nang có những chùm tóc xoăn thoáng chốc mất hút trong đám đông người. Chắc là vô công rồi nghề, chẳng biết làm gì, cậu ta đi sục sạo nhìn ngó mọi nơi cho vui mắt? Tôi nghĩ thế và cũng chẳng buồn để ý. Lần khác, hết giờ làm việc, tôi vừa ở phòng thay đồ bước ra thì đụng ngay cậu ở cửa. “Cậu ạ!”. Tôi chào và cúi đầu toan lách người qua cậu để đi nhưng cậu ta lấy tay giữ tôi lại, mắt nhìn rất dịu: - Khoan đã cô Hai! - Cậu bảo gì ạ? – Tôi lại định lách người lần nữa. - Bảo gì thì cũng phải đứng lại cái đã chớ. - Giọng cậu gằn gằn – Tôi có phải thằng cùi đâu mà cô cứ mắt trước mắt sau vậy? - Dạ! - Tối nay cô Hai làm gì? - Dạ, đâu có làm gì. Về nhà sắc thuốc cho má thôi. - Tôi sẽ đưa cô Hai về. - Ý! Đâu có được cậu chủ. - Được chớ, sao lại không được? - Dạ, thôi cám ơn cậu, tôi về một mình, nhà gần mà. Cậu ta bước đến sát trước mặt tôi, to cao lừng lững, từ vồng ngực nở nang của cậu toát ra mùi nước hoa lần mùi rượu, mùi mồ hôi, nồng nồng. Mắt cậu gườm gườm: - Đừng có phách. Hay có thằng nào khác đưa đón rồi? - Đâu có có cậu, tôi gầy guộc, xấu xí, làm gì có ai đưa đón. Cậu nói thế tội nghiệp... Cậu lắc lắc cái đầu có mớ tóc xoắn bết: - Ai bảo cô vậy? Cô đẹp lắm. Cô đẹp một cách kỳ cục, đẹp chờn vờn ma quỷ, hiểu chưa? Tôi đã nhìn cô trong những buổi trưa cô ngồi đọc sách, buổi chiều cô tha thẩn đi về nhà; tôi đã nhìn lúc cô cười và cả lúc cô buồn. Cô có một cái gì bí ẩn bên trong mà tôi không thể khám phá ra; dịu dàng, tinh khiết, có vẻ bất cần, rất đáo để, như tập trung tất cả những tính nết đàn bà trong đó. Con mắt cô nhìn mới thật lạ! Đừng! Cô đừng mỉm cười như thế. Không phải tôi nói lại những lời trong tiểu thuyết đâu. Những lần lan man nghĩ về cô, nó đã bật ra đấy. Cả cái thị xã này không có một đứa nào có mái tóc bén gót cô ráo trọi. Nhưng không phải thằng đực nào cũng nhìn ra cái đẹp của cô đâu. Nhưng... mà thôi, cô đẹp hay xấu thì kệ cô, tối nay tôi muốn đưa cô về nhà, chịu không? - Dạ, không... không...- Tôi lắp bắp, thực sự không biết trả lời sao. - Chịu không? - Cậu đanh giọng như ra lệnh. Vừa may lúc đó bà quản bếp vào, chao chát: - Chưa về hả Thanh, bộ trời còn sớm lắm hay sao mà vẫn lựng xựng ở đó? Cậu Hai! Bà gọi cậu kìa! - Gọi gì gọi hoài vậy? Còn bà nữa, đang không vô đây làm gì - Cậu càu nhàu. Thừa dịp, tôi xách túi đi lẹ ra cửa. Sắp tới cái khúc suối chạy qua đồng bưng rồi mà trống ngực tôi vẫn còn đập mạnh. Tôi có cảm giác cậu ta vẫn đi theo mình, to cao lừng lững, bước những bước rất dài, trán gồ lên. Tôi càng bước nhanh. Bóng tối đã buông rủ khắp cánh đồng. Gió mát quá mà tôi không dám dừng chân. Đến bờ suối, ngoái nhìn lại không thấy ai, tôi mới thở ra một hơi và ngồi xuống nghỉ. Khúc suối vắng vẻ, kín đáo có nhiều khóm lá chà là che kín này là nơi hàng chiều tôi thường dừng lại tắm táp thỏa thuê rồi mới thảnh thơi quay tóc đi về nhà. Nhà tôi ở cách bờ suối bên kia không xa nên khúc suối trong vắt, chảy chầm chậm này đối với tôi là khoảnh khắc vui sướng nhất trong ngày. Mọi nhọc nhằn mệt rũ sạch ở đây và bên kia, trong mái nhà lợp lá mờ mờ ấy, một chút nữa tôi sẽ được ngồi với má, với em bên ngọn lửa cháy lom đom... Nhưng bữa nay tự nhiên tôi ngại tắm? Không phải tôi sợ cậu chủ đâu. Không! Hết sợ rồi, vả lại tính tôi cũng không hay sợ vặt như thế, nhưng có một cái gì đó cứ khiến chân tay tôi bứt rứt không yên. Những câu nói hừng hực của cậu còn vang lên cục cằn trong đầu tôi. Cậu nói tôi đẹp, cậu khen mái tóc tôi dài... Cậu muốn đưa tôi về nhà... Tất cả những cái đó đối với tôi mới lạ quá, chưa bao giờ được nghe. Cả ánh mắt dữ dội ấy nữa... Tôi cũng chưa một lần được một người con trai nào nhìn kiểu ấy bao giờ. Thế là thế nào nhỉ? Tại sao lại như vậy? Hay là... Tôi chợt nhớ lại khoảng thời gian gần đây, mỗi buổi sáng đi làm qua chợ, tôi thường hay thoáng nhận tháy có những cặp mắt đàn ông đang chăm chú nhìn mình mà lúc đó tôi cho rằng họ nhìn giễu hay nhìn thương hại dáng đi tất bật, bộ đồ quá tồi tàn của tôi. Hay là... bất giác, tôi ngiêng người soi mặt xuống dòng nước trong chảy lững lờ, một khuôn mặt gày gầy có đôi mắt to, sống mũi thẳng và cái miệng buồn buồn thẫn thờ nhìn ngược lên tôi. Tôi đấy ư?... Từ nhỏ tới giờ, hình như tôi mới có một đôi lần đứng trước gương, cũng là chiếc gương nhỏ xíu trong lòng tay, rồi thôi! Đến nỗi tôi quên cả mặt mình. Cho đến tận hôm nay... Tôi bỗng thấy nóng nực quá thể theo thói quen, tôi vội vàng cởi đồ dìm ngưòi xuống dòng nước mát lạnh và đưa mắt ngắm thân thể mình nửa nổi nửa chìm trong nước. Không! Tôi đâu có đến nỗi gầy guộc như chính tôi tưởng. Da tôi trắng, vai tôi tròn và ngực tôi... Vậy mà tôi vẫn nghĩ nó xẹp lép như ngày nào! Giây phút ấy, tôi bỗng thấy mình đã trở thành một cô gái hoàn toàn, bỗng thấy mình... không đến nỗi xấu xí như mình tưởng. “Đàn bà con gái cả cái thị xã này không đứa nào bén gót cô ráo trọi!”. Thiệt thế ư? Làm gì có chuyện ấy. Tôi thoắt mắc cỡ, vội nhảy lên bờ mặc đồ vào. Không! Cho đến tận bây giờ tôi vẫn biết rằng, con người ăn chơi phá gia chi tử, coi tình nhân như trái banh ngoài bãi, lúc ấy không đọng lại trong tôi cái gì cả, thậm chí còn làm cho tôi ghê sợ và xa lánh nhưng những câu nói của hắn, cái nhìn của hắn đã phá vỡ trong tôi một vỏ bọc mà do quá nhiều đau buồn và vất vả, tôi tự làm cho nó cứ dày thêm, cứng thêm. Hắn đã giúp tôi chợt nhìn nhận lại mình. Bởi vì, dù muốn hay không, câu nói của hắn, cái nhìn của hắn cũng là của một con người khác giới. Hôm sau tôi trở lại tiệm ăn, trong lòng hơi hồi hộp. Tôi ngại gặp con người ấy. Nhưng thật may, mấy người cùng làm đã kháo nhau: cậu chủ sáng nay lại đi cùng với một cô ca sĩ cải lương lớn tuổi, nghe đâu có con gái đã sắp lấy chồng, lên Đà Lạt rồi. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Nhưng dù sao, sau cái buổi chiều hôm ấy, giống như một sự tỉnh giấc, tôi bỗng chú ý đến cách ăn mặc, đi đứng của mình hơn. Tôi lén giấu má sắm một chiếc gương và một chiéc lược sừng mới (vì lâu nay hai má con tôi chỉ chải chung một chiếc lược gỗ gãy gần hết răng). Đến lúc đó tôi mới nhận thấy tóc của mình dài và mượt thật. Mấy ngày sau, tôi ra chợ cũ mua lại được một chiếc áo bà ba không còn mới nhưng nếu về khâu chật lại một chút thì so với cái áo tôi đang mặc cũng cách nhau một trời một vực. Tôi lại mua một đôi dép mới, tức cười cho cái tâm tính con người, mới có vậy thôi mà tôi cảm thấy có cái gì không phải với má, với em, giống như đứa con gái hư hỏng chỉ lo ăn trắng mặc trơn. Độ này má tôi càng yếu. Bà gần như nằm bẹp trên giường, ho cả đêm và lúc nào chân tay cũng xâm xấp ướt. Bà hay nhìn tôi đâu đâu, rồi thở dài. Tiếng thở dài của bà nghe thương lắm buốt cả ruột gan. Tiếng thở dài của người sắp chết. Tôi biết má tôi không còn sống được bao lâu nữa. Ông thấy thuốc nổi tiếng ở thị xã trước đây có quen ba tôi nói riêng với tôi rằng, hai lá phổi của bà đã ruỗng gần hết... Nghe vậy tôi chỉ lén má ra sau nhà, nhét khăn vô miệng mà khóc... Trời! Tôi không dám nghĩ đến lúc má tôi vĩnh viễn không còn nữa, để lại hai chị em tôi chơ vơ trên đời này. Tôi càng ra sức thuốc thang cho má. Nghe ở đâu có ông thầy hay hoặc vị thuốc nào hiệu nghiệm, tôi đều tìm tới, má tôi thèm gì, muốn ăn gì, chị em tôi đều lo kiếm cho bằng đựơc. Mỗi lần như vậy, dường như má tôi có đỡ hơn mặc dù chỉ ngay sau đó, bệnh bình má đâu lại vào đấy. Sau này tôi mới hiểu ra, má tôi mỗi bận như thế lại xiết cứng tay vào thành giường để nén cơn ho, để giả bộ khỏe hẳn ra cho chúng tôi được vui. Đến lúc không giả bộ nổi nữa, bà bật lên cơn ho rũ rượi, ho quặn cả người, đầu tóc ướt đầm mồ hôi. Ho xong, bà mềm người ra, nằm thở dốc, nhìn chúng tôi mà nước mắt ứa dàn dụa... Chao! Suốt đời tôi không quên được con mắt hối lỗi ấy. Mỗi lần nhớ lại là cổ tôi cứ nghẹn lên... Đời má tôi sao khổ quá! Thằng Riềng em tôi lúc này thôi không đi kiếm củi, kiếm rác nữa. Với sức vóc to cao trước tuổi, nó nhập vô làng đạp xế lô. Nó đạp khỏe, lại cần cù, lại không rượu chè, cờ bạc như những người khác, nên hàng ngày cũng mang được về lúc cân thịt, khi xâu bánh ít, lúc chùm trái cây cho má ăn lấy sức. Nhưng mấy hôm nay nó bỏ việc ngồi không ở nhà. Tôi hỏi, nó trả lời cấm cẳn: - Mẹ nó! (Nó cũng mới bắt đầu biết chửi tục từ khi đi đạp xe). Thằng chủ xe chơi chó má. Cả ngày đạp ựa cơm, kiếm được ba trăm, nó đòi hai. Không chịu, nó cúp luôn. Điên quá, em xáng cho nó cái bạt tai rồi quẳng cả tiền lại, không thèm. - Rồi tính sao Riềng? Má đang... - Chính vì sợ má buồn nên đâu dám ho he. Ngày ngày phải giả đò đi làm rồi ra sân banh lang thang, tối mới dám về. Nói thiệt vvới chị Hai, nếu không vì má, thì em bỏ đi Sài Gòn làm ăn rồi. Sống ở đây sao muốn đánh lộn quá hà! Không biết nói với thằng Riềng thế nào, tôi chỉ khuyên nhủ: “cuộc đời này khó lắm? Tình nết nóng nảy, bộp chộp như vậy càng khổ hơn. Ráng mềm tính lại đi em, vì má...” Nó im lặng. Tôi biết, không ai thương má như nó, nhưng thương cái kiểu lì xì đến ghét, chả mấy khi nó nói với má được một câu ngọt ngào. Nhưng có ai đụng đến má, dù chỉ là một lời nói, nó dám lấy mạng ra ăn thua đủ liền. Má tôi có lẽ cũng thương nó nhất, nó càng lớn, càng lì xì, mà tôi lại càng thương. Nhưng bà sợ nó, chẳng bao giờ nỡ nặng lời. Nói nó không nghe, bà chỉ khóc hay than vãn với tôi. Tôi trở lại tiệm ăn làm việc bình thường. Vẫn không khí đặc sệt mùi mỡ rán, vẫn những chồng bát đĩa cao lút đầu người không bao giờ thấy vơi xuống và vẫn những tiếng nói cười phè phỡn, tiếng ly cốc va nhau như đạn bắn ở nhà ngoài. Vẫn công việc nhàm chán và thân thể đau như dần ấy nhưng tôi thấy vui vui hơn. Trong tôi đang tồn tại một sự chuyển động ngầm, lúc ồ ạt, lúc êm nhẹ. Dường như tôi đang chờ đợi một cái gì xa xôi lắm, mơ hồ lắm. Tôi thích chờ. Nếu không có cái gì để chờ ở phía trướcc thì sống làm sao nổi những ngày này. Nửa tháng sau, cậu Quang trở về, bơ phờ mệt mỏi, nhưng con mắt, vẫn không dịu đi chút nào. Ngay từ phút đầu, con mắt đã xục xạo tìm tôi và khi tìm được rồi, ánh mắt lúc ấy mới tạm dịu xuống, hiền lành. Tôi cố tình tránh cậu và cậu cũng không có ý chặn tôi ở chỗ này hay chỗ khác. Đôi lúc đi đâu về, mặt xanh mét đi vì rượu, cậu kéo ghế ngồi và lừ lừ nhìn tôi. Tôi thấy cậu nhếch mép cười khó hiểu. Tôi đoán tại cái áo mới cũng như đôi dép mềm quai xanh của mình khiến cậu lấy làm lạ và tỏ ý nhạo báng. Nghĩ vậy tôi khó chịu hứa thầm: “Kệ tôi, việc gì đến cậu mà xét nét”. Không chịu nổi cái cung cách dửng dưng ấy, cậu xán đến, xỉa ra trước mặt tôi một xấp giấy bạc, nói trống lỏng: - Đã sắm thì sắm hẳn thứ mới, mua thứ cũ xài coi kỳ lắm! Tôi có tiền đây, dù tôi biết cô không phải loại ham tiền nhưng cô cứ cầm lấy muốn mua thứ gì thì mua, mua thỏa thích, hết, tôi đưa nữa. Coi như tiền công trả thêm. Nè! Tôi rụt tay lại, mặt đỏ bừng, vội đưa mắt nhìn ra xung quanh. May mà mọi người đều túi bụi vô công chuyện của mình, không có ai nhìn thấy cảnh tượng này. Tôi nói gần như gắt nhưng vẫn cố dịu giọng: - Kìa, cậu Hai! Cậu làm gì vậy? Tôi có cần sắm sửa gì đâu, cậu cất tiền đi lỡ người ta nhìn thấy lại... - Kệ cha thên hạ. Chúng nó là cái gì mà cô sợ vậy. Tôi biết cô nghèo, cô không bao giờ đủ tiền mua một bộ cánh, tôi muốn giúp cô.Cầm lấy! - Thôi mà, tôi xin cậu Hai, cậu đừng làm thế, cậu đi đi cho, tôi còn mắc việc – Tôi nói quầy quả và nhích người sang phía khác. Xoạt! Cậu ta xé tan tập giấy bạc, vất mạnh xuống lòng cống rồi lặng lẽ bỏ đi. Tôi choáng váng vì cái tát gián tiếp ấy. Không ngờ con người đó lại thô bạo và nóng nảy đến thế. Cả một tập giấy bạc... công tôi làm cả năm cũng không được một phần. Vừa tức, vừa nhục lại vừa có cái gì như xót của, như chạnh lòng trước cảnh nghèo khổ bị lăng mạ, tôi để mặc cho nước mắt lăn dài hai má. Chiều hôm đó, viện cớ nhức đầu tôi xin về sớm. Ông chủ tười cười đưa tôi ba giấy bạc 10 đồng là tiền công trong ngày và dặn mai là chủ nhật, tôi ráng đến sớm vì chắc có nhiều khách vãng lai. Tôi “dạ” nhỏ, nhét tiền vôi túi và đi ngay. Tôi để ý không thấy mặt cậu chủ đâu. Càng may! Chắc lại đi nhậu nhẹt hay cờ bạc gì rồi. Tôi bắt đầu cảm thấy lo. Nếu cậu ấy còn tiếp tục đem những câu nói, những hành động kỳ quặc ấy ra với tôi nữa thì thật phiền, tôi không biết xử sự thế nào cho phải. Tính cậu ấy dữ thế, để cậu ấy mếch lòng hoài có khi không ổn. Hay là... Tôi đã nghĩ làm mặt lì hoặc tìm cách nói cho cậu ấy hiểu mà buông tha cho, nhưng... cách nào cũng khó quá! Cậu ấy thích tôi ở điểm nào? Không lẽ chỉ vì bộ tóc dài, vì dáng người ốm yếu của tôi mà sinh lòng thương?... Nhưng dù thế nào chăng nữa, tôi cũng không thể để cậu đi quá trớn. Bồ bịch cậu thiếu gì, nếu có chú ý đến tôi chẳng qua cũng vì tò mò. Tôi không thích để ai biến mình thành cái thứ nhằm thỏa mãn sự tò mò hay thương hại cả. Chưa nói đến chuyện, cậu ấy có tỏ ra hào hiệp thế chứ hào hiệp nữa, tôi cũng không thể chấp nhận được. Người con trai trong sự chừo đợi mơ hồ của tôi phải hoàn toàn khác kia. Khác hẳn. Mải nghĩ ngợi, tôi bước đến bờ suối lúc nào không hay. Dòng nước trong trẻo kia bao giờ cũng có một sức quyến rũ, một khả năng làm vơi nhẹ những nặng nề trong đầu tôi. Tôi thích nước. Đến bây giờ, đi dâu, bận như thế nào, thậm chí đang chạy giặc, thấy suối là tôi không thể không nhảy ùm xuống. Sớm nay trời vừa đổ cơn mưa lớn, con suối phình to, nước ăm ắp bờ, những chòm cây mọc thấp ngả rạp về một phía trước sức con nước chảy xiết, sủi bọt. Trời đã xâm xẩm tối. Sợ lạnh, tôi cởi vội quần áo định tắm nhanh rồi lên, nhưng làn nước đùng đục vừa ngập đến ngực, tôi thoáng nghe một tiếng động khác lạ ở phía sau. Cái gì vậy? Khỏi cần nhìn lại, tôi đã biết cái gì ở đó rồi. Tôi thụp nhanh người xuống cho nước ngập đến cổ, toàn thân bỗng run bắn lên. Hắn ra đây làm gì? Hắn định giở trò gì đây? Trời tối rồi mà xung quanh vắng vẻ quá! Tôi định hét to lên một tiếng, song nỗi sợ hãi cũng với sự tức giận khiến tôi không há nổi miệng. Thế là hắn đã nhìn thấy... tất cả, lúc tôi cởi đồ! Và bây giờ hắn đang đứng ngay trên đống quần áo đó. Đồ... Vẫn không quay lại, tôi đanh mặt: - Cậu làm vây không hổ thẹn sao? Cậu về đi cho tôi tắm. Tôi... Tôi... Cái bóng đen vẫn không xuy xuyển. Làn nước khua động làm cho bộ mặt hốc hõm như mặt quỷ của hắn co vào giãn ra chèng bèng dễ sợ: - Cậu mà còn đứng đó tôi kêu lên đây nè! Một tiếng cười nhạt. Sau đó là một tiếng nói lập cập: - Đừng sợ! Tôi không muốn... Tôi tính đưa cô về nhà, vậy thôi. - Tôi không cần! Cậu đi đi! - Vậy thì cô cứ việc kêu đi, kêu to lên! Đến nước này thì không chịu được nữa, tôi quay phắt lại, người vẫn dìm sâu trong nước, tôi quắc mắt: - Cậu cút đi, đàn ông gì mà không biết nhục! - Nhục... Nhục chứ! Nhục từ lâu rồi, nhục từ cái lần cô không thèm nhận tiền của tôi kia. Lúc này tôi không còn biết nhục nữa. Hắn nói hổn hển và để nguyên cả quần áo như thế bước xuống nước, đôi tay kềnh càng quơ quơ về phía tôi. Tôi lui ra giữa dòng Nước xô người tôi lạng đi, tôi phải bấu chặt ngón chân xuống cát sỏi dưới đáy để giữ cho thẳng người. Hắn vẫn tiến đến, lầm lì và choán ngợp. Cặp môi của hắn tái nhợt, run run, mắt hắn nhìn tôi dại đi, dò dẫm. Tôi không thể lùi thêm được nữa và cũng không còn dịp để kêu to lên một tiếng. Bộ mặt hốc hõm của hắn đã ở ngay sát cạnh tôi rồi, cao vượt hẳn lên và hình như một bàn tay của hắn đã lướt trúng ngực tôi, lạnh buốt, trơn truội như rắn. Không kịp nghĩ thêm gì nữa, hoàn toàn là bản năng tự vệ, sau này ngẫm lại mới hay hóa ra mình đã có cái máu đáo để từ nhỏ mà không biết, tôi hụp xuống. Tưởng tôi lặn trốn, hắn chồm lên và đổ ập toàn thân xuống chỗ hút nước ấy. Nhưng tôi đã lại trồi lên, cách hắn một sải. Chờ hắn ngóc đầu lên, mắt đang chấp chới, tôi liền tung cả nắm cát vào khuôn mặt ghê sợ như hà bá ấy. Hắn rú khẽ một tiếng, lập tức đưa hai tay lên bưng kín lấy mất. Chỉ chờ có thế, tôi truồi lẹ người lên bờ, vơ đống đồ chạy ù đi. Chạy được một quãng, tôi vẫn còn nghe thấy tiếng hắn rên rỉ và tiếng nước bị đập bùm bùm ở phía sau