8

Đón tôi ngay ở ngưỡng cửa không phải thằng Riềng mà là cô gái mặt lấm chấm mấy nét rỗ hoa tên là Thu.
- Chị… Chị Hai! Em biết sáng nay thể nào chị cũng tới. Cháu đâu chị?
- Tôi... Tôi gửi thím.
Tôi trả lời mà không giấu được mụt chút lúng túng trước cách xưng hô mới mẻ của Thu.
- Thằng nhỏ em tôi có nhà không?
- Anh xuống suối bắt ít cá. Ảnh nói hồi ở nhà, chị Hai ưng cá lóc nướng trui lắm!
“Ảnh...”. Tôi bắt đầu ngờ ngợ, và chú tâm nhìn Thu. Bữa nay trông Thu khác lắm! Tóc cô chái một lần dầu dừa lật về phía sau khiến cho khuôn mặt trẻ hẳn ra với hàm răng cười trắng bóc, đều xin xít. Một cái áo bà ba trắng cắt khéo, ôm lấy bộ ngực nở nang và đôi vai tròn lẳn. Nhìn tấm thân óng ả, tràn trề sức sống ấy tôi chạnh ước: giá mình cũng được cái sức vóc kia để nuôi con?
- Chị Hai vào nhà đi! – Thu mau mắn cầm tay dẫn tôi qua bậc cửa - Chị Hai ngồi chơi, chút xíu là ảnh về liền à. Em xin phép chạy qua bên nhà một chút.
Thu ngoắt người đi ngay, làm như thể phận sự đón tôi đến đó coi như xong. Còn lại một mình trong căn nhà trống vắng, đồ đạc được dọn đi đâu hết, tôi ngồi im lặng để mặc cho cảm xúc bồi hồi quen thuộc mỗi khi trở lại đây từng đợt dâng lên. Chao ôi! Mới hơn một năm trời chứ có nhiều nhặn gì mà sáng nay ngồi giữa nhà của má, tôi tưởng như cuộc đời mình đã trôi qua biết bao tháng năm dằng dặc. Thấy bát hương trên bàn thờ còn phơ phất khói, tôi đứng dậy đốt mấy nén nhang cắm thêm vào đó, rồi lôi trong làn ra nải chuối, trái bưởi đặt sang bên cạnh. Mùi nhang thơm thoảng lan ra trong ngôi nhà u tịch, đánh thức dậy trong tôi bao nhiêu kỷ niệm xa xưa. Tôi thầm thì: “Má ơi! Bữa nay chị em con trở lại với má đây. Chưa đúng ngày, đúng giờ, nhưng xin má đừng trách. Má có biết không? Từ ngày má đi đến này, hai chị em sống chật vật lắm. Con đã sanh cháu, chồng con đang bị tù, hai mẹ con con những ngày trước mắt chưa biết sống ra sao! Thằng Riềng đã thành người lớn rồi, con cũng đang lo cho nó nhiều lắm! Người ta bảo rằng nó đang đi con đường của ba, người ta cũng nói không thể để con đứng tách ra ngoài con đường ấy. Con phải làm sao đay, má? Con phải quyết định thế nào đây, má? Đã từ lâu con không muốn sống mãi cái cảnh này, không muốn nhìn mãi những thói đời đen bạc ngày ngày diễn ra trước mắt nhưng con sợ, con không biét nghe ai, theo ai? Giờ đây, con đã gặp những người bạn của anh ấy, con có thể quay mặt làm ngơ được không má? Má ơi… chồng con đã có con với người khác! Chuyện này con chỉ nói được với má thôi. Con không trách anh ấy, không trách người đàn bà kia. Tất cả vì hoàn cảnh thôi… Má ơi! Má sống khôn, chết thiêng, má phù hộ cho chị em con tìm được đường ngay lối thẳng mà đi. Bữa này cháu không có đây, con xin thay cháu lạy ngoại ba lạy…”.
- Chị Hai.
Tôi quay lại. Thằng Riềng đã đứng ở phía sau từ lúc nào, đang còn ở trần, nước nhỏ ròng ròng trên bộ ngực vồng nở như đô vật của nó. Thấy mắt tôi ướt, mặt nó cũng rầu rầu.
- Chị Hai! Em thương chị quá!
Có lẽ đây là lần đầu tiên nó nói với tôi một câu ngọt ngào như thế! Tôi kéo nó ngồi xuống, lấy tay vuốt vuốt mớ tóc rẽ tre sũng nước của nó. Nó ngoan ngoãn ngồi im, miệng mỉm cười. Lúc này đây, thằng em trai khỏe mạnh cường tráng này đối với tôi vẫn là thằng Riềng bé bỏng, bì xì như ngày xưa.
- Sau lần ấy em đi đâu?
- Em chạy tuốt luốt tới Sài Gòn. Vào nhà ông già anh Tám, trèo lên gác xép nằm mọp cả chục ngày liền. Sau thấy im mới trở về.
- Làm sao em chạy?
- Em bị chúng nó rượt cùng với anh Hai.
- Anh Hai...
- Dạ... chị hỏi, em nói thiệt luôn. Chính anh Hai đưa em vào tổ chức đó. Thoạt đầu anh hỏi: “Riềng có ưng cuộc sống này không?”. Em trả lời: “Chán thấy bà”. “Riềng có nhớ ba không?” “Đã dòm thấy mặt lần nào mà nhớ” “Nhưng Riềng có thích ba, có tự hào vì ba không?” “Thích chớ, tự hào chớ! Có ông già ruột oánh Tây khét tiếng, ai không thích” “Vậy Riềng có muốn làm như ba không?” “Làm như ba là làm sao?” “Oánh bọn ác chạy có cờ” “Làm liền” “Nhưng cực lắm, nguy hiểm nữa, phải rất chịu chơi” “Vậy thì ngon rồi! Anh Hai trao việc tới đi”. Thế là em thành “Việt Cộng”.
- Tệ lắm! Sao em không nói với chị một câu? Không tin chị à?
- Đây có! Anh Hai dặn đó. Anh nói, chị còn đang yếu, lại quá vất vả, đừng cho chị hay vội, sợ chị lo nghĩ mang bệnh. Anh Hai thương chị lắm, lúc nào cũng nhắc hoài tới chị.
- Thương ư?... Ngực tôi lại khẽ nhói lên. Thương… Thương đến nỗi có con với cả người khác! Một chút nữa tôi để bật ra cái giọng chua chát ấy. - Thế làm sao mà hai anh em để đến nỗi bị săn rượt? – Tôi hỏi át đi cái tiếng nói bên trong của mình.
- Rủi quá! Bữa ấy lại đụng chính thằng Quang.
- Quang đồn trưởng?
- Hình như nó biết anh Hai thường có mặt ở sở Cao Su Dầu Tiếng nên cho người theo dõi gắt lắm. Em với anh Hai vừa xuống xe, chưa kịp gặp mấy người cơ sở thì tụi nó ập tới liền. Em lẹ chân phóng qua sông chạy thoát, tưởng anh Hai chạy theo nhưng lúc quay lại đã mất hút bóng anh ấy rồi. Sau hỏi ra thì đáng lẽ anh ấy cũng chẳng làm sao, trong người không có tại liệu, vũ khí, nhưng thằng Quang cứ cho bắt. Nó buộc tội anh là thường xuyên lén lút liên hệ với nhóm phiến loạn ở Dầu Tiếng, đã có người chỉ điểm đàng hoàng. Nhưng có người lại nói, nó kiên quyết bắt anh vì tư thù gì đó chưa ai rõ.
- Tư thù? – Tôi chợt giật mình, chợt nghĩ đến hôm gặp nó lần vừa rồi. Chả lẽ chỉ vì mình mà nó lại có thể làm tàng đến thế.
- Nhưng không có chứng cớ cụ thể nên nó không chém đầu anh ngay được, đành phải lập hồ sơ giả dẫn đi hết nhà lao này sang nhà lao khác.
- Anh Hai đang ở khám Chí Hòa, em biết chưa?
- Biết! Cơ sở bên trong cho hay anh Hai chịu đòn giỏi lắm, đánh thế nào cũng không nói một lời. Chính vì thế mà anh Tám cho em được trở lại đây.
- Anh Tám là thế nào với anh Hai?
- Thượng cấp đó. Anh Tám giỏi lắm chị ơi! Lúc đóng vai người này, lúc đóng vai người khác, biến hóa thần thông, võ nghệ siêu quần, tiếng Anh, tiếng Pháp biết hết. Chúng nó treo giải anh một trăm ngàn đồng mà chịu đó.
Tôi suýt phì cười vì cái cách ca ngợi anh Tám của nó. Rút cục, thằng Riềng em tôi vẫn chỉ là một chú bé to xác. Có lẽ do từ thần phục anh Tám mà nó đi theo cách mạng.
- Suối bữa nay không có cá à?
- Có chớ! Nhiều nữa là khác.
- Đâu? Chị thấy em về tay không.
- Mang cho Thu làm rồi. Hôm nay cô ấy giúp em làm mâm cơm giỗ má.
Vậy là tôi đoán trúng. Dứt khoát giữa hai người đã có gì với nhau.
- Thương rồi phải không? – Tôi hỏi.
- Thương ai… Ai thương? – Nó làm ra bộ ngớ ra.
- Chỉ còn hai chị em mà cũng giấu.
- Giấu gì đâu – Nó thoắt sượng sùng. Dòm cái mặt đen cháy của nó ngượng, tức cười lắm - Bữa nay mời chị đến đây, vừa để giỗ má vừa để vợ chồng em ra mắt chị.
- Hả, cái gì? Vợ chồng? – Tôi sửng sốt đứng dậy.
- Dạ! Bọn em đã về ở với nhau được mười ngày nay rồi.
- Trời đất! Cứ về ở đại như vậy, không cưới xin, không ăn hỏi gì cả?
- Cuộc đời nay sống mai chết, rùm beng làm gì chị. Cốt là thương nhau thật lòng, còn mọi chuyện khác, vặt vãnh hết. Không gặp được chị, chúng em chỉ soạn mâm cơm, cùng nhau quỳ xuống xin phép má, thế là xong.
Nghe em nói trơn chạy, tôi thoáng tủi. Má mất, chị thay má, vậy mà em lấy vợ, chị cũng không hay biết.
- Nhưng người ta lớn tuổi hơn em, lại có một đời chồng rồi.
- Chẳng hề gì. Hai đời chồng mà thương thì vẫn xong.
Thấy tôi im, Riềng xà xuống ngồi cạnh tôi, giọng nhõng nhẽo:
- Tha lỗi cho em, chị Hai! Chị vừa sanh xong, anh Hai lại đang ở tù, em biết chị mệt lắm nên việc gì có thể tự làm được thì em làm, không muốn chị phải bận bịu thêm.
- Hai người biết nhau hồi nào mà thương lẹ vậy? Tôi nói dỗi.
- Lâu rồi! Từ hồi em theo anh Hai lên Dầu Tiếng lận. Ba của Thu là cơ sở của anh Hai mà.
- Thế đó! Hai anh em nhà cậu rủ nhau đi hoạt động giấu tôi, bây giờ cũng dựng vợ gả chồng cho nhau qua mặt tôi luôn nữa.
- Để em kể tiếp, chị Hai! – Nó say sưa nói lướt đi không thèm để ý đến vẻ mặt hờn trách của tôi – Thu tốt lắm. Thương em lắm! Thỉnh thoảng gặp nhau, thoạt đầu em đâu có để ý. Miết rồi, em thấy đôi mắt cô ấy nhìn em lạ quá! Cứ hoăm hoẳm thế nào ấy. Vừa giống mắt má, vừa giống mắt chị, lại vừa chẳng giống ai hết. Kỳ không? Rồi có dịp là Thu không bỏ lỡ việc chăm sóc em, lo cho em từng bữa cơm, giặt cho em từng bộ quần áo. Nghe em kể chuyện má, chuyện chị. Thu thở dài, có lần Thu còn khóc nữa. Thu bảo đời Thu cũng khổ hơn đời em, rồi Thu khen em thật thà, sống có khí phách, đi ra đường có lắm cô để ý nhưng không bẻm mép như những kẻ khác. (Cái này thì nói quá, làm gì có cô nào để ý tới em). Trước tất cả những cái đó, em vẫn vô tâm, cho rằng cũng cảnh nghèo thương nhau là điều thường. Vả lại, chị ạ, từ ngày theo anh Tám, đời em chắc sẽ toàn gian truân, nguy hiểm, sống chết xảy ra trong một ngày, vướng bận trai gái làm gì cho yếu người đi. Nhưng tối hôm em chạy dạt xuống Sài Gòn, mãi sau này Thu nói lại em mới biết, đêm nào Thu cũng chong đến chờ em đến sáng. (Thu có kể dịp ấy chị có đến đây Thu muốn ôm lấy chị mà không dám). Thu bảo chờ thêm ít ngày nữa, nếu không thấy em về, Thu sẽ khăn gói đi tìm em. Nếu em chẳng may bị tù tội, Thu sẽ bỏ tất cả, bán tất cả để ngày ngày đi thăm nuôi em. Và nếu trường hợp xấu nữa là em chết, Thu sẽ thắp nhang khấn vái cúng em như nghĩa vợ chồng. Vậy mà em không bị bắt, cũng chẳng chết, em lại lù lù hiện về. Lúc đó đã quá nửa đêm rồi. Đang nẫu ruột vì lại phải bước vào gian nhà trống trải đầy hơi hướng của má thì Thu như đã chờ sẵn từ đầu đêm, đột ngột bước vào. Chị biết cô ấy nói cái gì không? Cô ấy mắng em là độc ác, là ích kỷ, là chỉ biết có độc một mình trên đời, là đủ thứ... Em ngớ ra, tưởng mình có lỗi gì hay mang vạ lụy gì cho nhà cô ấy. Đang chưa biết nói năng sao thì Thu chạy về nhà lấy cục xà bông thơm cùng bộ quần áo còn y lần hồ bắt em ra suối tắm. Tắm rửa sạch sẽ về, đã thấy một tô cơm nếp đầy tú ụ, trên đắp mấy miếng thịt heo nhẫy mỡ. Em hỏi: “Hôm nay nhà có giỗ à?” “Giỗ gì mà giỗ. Mười đêm nay, đêm nào cũng nấu sẵn đó” “Thế à?” Em nói và bê ngay lấy tô cơm ăn một lèo hết sạch, bụng vẫn còn thòm thèm. “Còn đói không?” “No rồi”. Em nói dối. “Thế thì đi ngủ đi”. “Chẵn mười đêm”... “Tôi cũng vậy” “Đau bệnh à?” “Ừa, đau đó. Đau đến tận bây giờ đó”. Nói được vậy, tiếng Thu chợt méo đi, bẳn gắt: “Và sẽ đau bệnh đến chết nếu Riềng không về. Được chưa?”. Nói xong, Thu bỏ mặc em đứng đó chạy ù về nhà... Đêm ấy tưởng nằm xuống là ngủ như chết, ngủ bù ba ngày ba đêm liền cho đã nhưng hai mắt em cứ mở thao láo. Em nghĩ đến Thu và dần dần hiểu cả. Sáng sau, mắt còn cay xè, em chạy đến nhà Thu hỏi như cháy nhà: “Ông bà già có nhà không?” “Không! Sao vậy?” Thu nhướng cao lông mày, ngơ ngác nhìn em với hai hốc mắt thâm quầng chắc vì đêm qua cũng không ngủ. “Để tôi xin ba má Thu” “Xin gì?” “Xin cho Thu về làm vợ tôi”. Thu tái mặt đi. “Nè! Tôi không có giỡn đâu nghe!” “Thằng Riềng này mà lại thèm đi giỡn với đàn bà con gái à!”. Thu bậm môi lắc lắc đầu vẻ không tin. Cáu quá, không biết nói sao, em lừ lừ đi tới bế bổng Thu lên tay... Thế là buổi sáng đó chúng em thàh vợ thành chồng. Chị bảo vậy có ngon không?
Tôi im lặng. Còn biết trả lời với nó thế nào. Tôi hiểu tính em tôi. Một khi nó đã quyết làm việc gì, thấy việc gì đúng là chết nó cũng lăn vào. Tính nó cực đoan. Đã ghét ai thì ghét suốt đời, đã yêu ai thì dập vùi thế nào nó vẫn yêu. Vậy là thời gian tôi đi lấy chồng nó đã yêu một người và phục một người. Yêu người này để cuộc sống tình cảm của nó chuyển qua một bước ngoặt mới; Phục người kia để chính nó đã trở thành một chiến sĩ cách mạng. Tôi hiểu đời nó sẽ có biết bao sóng gió đang chờ phía trước nhưng chuyện riêng tư thế cũng ổn. Tôi đâu đã biết gì nhiều về Thu nhưng chỉ nội chuyện nó kể bỗ bã và bằng cảm nhận của giới đàn bà với nhau, tôi hiểu nó đã chọn đúng, cô gái mà thân phận có nhiều ngang trái đó sẽ là người vợ yêu chông yêu con đến hết lòng. Là người chị, sau khi cha mẹ không còn, khônggiúp gì được cho em, tôi còn biết làm gì hơn nữa là thầm chấp nhận, thầm thán phục cái tính cách tự lập của nó.
Tôi hỏi:
- Bọn em tính ở luôn đây?
- Thu muốn vậy lắm vì đây là nhà của má, chúng em sẽ có điều kiện để nhang khói cho má được đều đặn hơn, nhưng em quyết định chuyển ra sát mé sông, dựng chòi ở tạm. Chị đừng hỏi em tại sao? Ý của các anh ấy đó, nhà nằm bên sông sẽ thuận lợi cho công việc tụi em hơn. Chị đừng cản nghe!
Thằng Riềng nói năng với chị nó như nói năng với một người cùng hội cùng thuyền. Có lẽ bằng dòng máu ruột thịt, mặc nhiên nó đã coi tôi như một đồng chí của nó. Quả thật, điều này đã làm cho tôi ấm lòng hơn. Còn gì cô quạnh bằng những ngày này, tôi lại đứng ngoài tất cả, đứng ngoài cuộc sống của chồng, của em tôi. Tôi sẽ là cái gì, sẽ vất vưởng ra sao nếu chỉ tối ngày loay hoay với những bận rộn, với những ẩn ức riêng tư. Thằng Riềng và những đồng chí của nó đã ở ngay cạnh tôi, chỉ cách nhau một dòng suối. Họ đã bắc cho tôi một cây cầu, liệu tôi có dám bước qua không?
Hai chị em ngồi với nhau cho đến khi nắng tràn vào giữa nhà thì Thu xuất hiện với một mâm cơm có chụp lồng bàn trên tay. Tôi nhìn Thu cười. Em dâu tôi cũng cười lại với một chút rụt rè, dò xét. Đã lâu lắm rồi tôi mới lại thấy mình cười được như thế.
°

*

Chồng tôi đang đứng trước mặt tôi, sau hàng song sắt sơn đen bóng nhẫy những vết tay cầm. Đó là một buổi sáng vẫn u ám, sau một tuần tôi trở về làm giỗ má.
Chúng tôi im lặng nhìn nhau rất lâu. Thầm nói với nhau rất lâu. Nếu bây giờ một trong hai người cất lên một tiếng thì tiếng nói ấy sẽ vô cụng nhợt nhạt, lạc lõng rơi tõm đi đâu. Anh không đến nỗi ốm lắm và cũng không đến nỗi mặt mày thâm tím, áo quần bết máu như tôi tưởng. Chỉ phải nước da anh mét quá, tròng mắt trũng sâu quá! Trong cái hốc mắt sâu tối đó, có hai đốm lửa đang dọi chiếu vào tôi, tỏa sáng. Tôi bị ngợp trong cái nhìn đau đáu yêu thương ấy. Chao ơi! Giá giờ đây tôi được ôm xiết khuôn mặt hốc hác kia vào ngực, được hôn lên hai đốm sáng quen thuộc đó! Tôi sẽ thì thầm nói hết với anh mọi điều sâu kín nhất, cả trách móc, cả giận hờn và cả tha thứ nữa... Nhưng khuôn mặt kia vẫ cách tôi một hàng song sắt lạnh tanh. Cuối cùng rồi hai đốm sáng trong mắt anh cũng nguội đi, cặp môi khô nẻ của mấp máy:
- Con có khỏe không em?
Tôi gật đầu.
- Sao em không mang con đến đây?
Tôi im lặng.
- Em đủ sữa cho con bú không?
Tôi bặm môi lắc lắc đầu. Chả lẽ cách đây ít ngày anh cũng thờ thẫn thế kia, cũng hỏi bằng cái giọng khàn khàn ấy đối với Sang? “Anh có con rồi còn mong con gì nữa?” Tôi chỉ lắc đầu vì tôi sợ bật ra câu nói độc địa ấy. Từ trong mớ hỗn độn của yêu thương xót xa, của ghen tuông giận dữ, của những tình cảm đan chéo nhau, trào lên vô cớ, tôi thực lòng không muốn làm khổ anh thêm, mặc dù qua song sắt nhà lao, với tất cả nỗi lòng của người vợ trẻ, tôi muốn giáng cho anh những đòn phũ phàng về sự thật để trong phút giây ngắn ngủi tôi có thể thỏa mãn được cái tức tối ngấm ngầm không làm sao dập tắt nổi hoàn toàn. Nhưng không! Tôi vẫn bậm môi im lặng. Con người đang đứng trước mặt tôi kia chắc chỉ cần một lời như thế là đủ để gục ngã, không bao giờ gượng dậy được nữa.
- Em ốm đi nhiều. Chắc mẹ con em sống vất vả lắm phải không?
- Em không còn ở với chú nữa – Tôi buộc phải nói sự thật này và cũng để có chuyện mà nói.
- Anh biết! Nghĩa đã nói với anh rồi... Thương em, thương con không đêm nào anh ngủ được! Anh đi tù không đúng lúc chút nào, không đỡ đần gì được cho em, lại còn bắt em đi thăm cực nhọc. Thanh ơi! Em đi lần này thôi, lần sau đừng đi nữa, có gì anh sẽ nhắn về. Không có tang chứng gì, chắc người ta không thể giam giữ anh lâu nữa đâu.
Anh ấy thật lòng thương vợ con hay không muốn mình đến đây nữa vì sợ đụng người ta? Hay giành cho con người bất hạnh kia được độc quyền thăm hỏi? Tôi sầm mặt xuống thấy lòng dạ lạnh lùng, trống rỗng hẳn đi. Tiếng giày người cai ngục gõ đều đều như tiếng động bồn chồn của kim đồng hồ? Tiếng chuyện trò, khóc lóc ồn ã của những gia đình đi thăm tù ở xung quanh chẳng còn làm tôi nao lòng sốt ruột nữa. Thế thôi, còn gì để nói với anh nữa. Trước khi đến đây tôi đã cố nâng mình lên để cao thượng, để vị tha, để chỉ có yêu thương, nhưng cái ý thức kia cứ từng lúc lại kéo chìm tôi xuống, dính nhằng đến tê dại, nó gàn dở nằm ngoài ý muốn của tôi.
- Thanh... sao em không nhìn anh? - Giọng chồng tôi khổ não - Cực thế nào anh chịu được, chết anh cũng coi thường, nhưng phải nhìn thấy nét mặt của em như thế này, anh đau lắm! Anh có tội gì với em? Anh để ý từ lúc đầu đến giờ em có gì không vui? Em tránh nhìn vào mắt anh?
Tôi nhìn thẳng vào mắt anh. Đôi mắt ấy chân thực quá! Không nỡ... Tôi lắc đầu nói lảng đi:
- Anh Tám và cậu Riềng hỏi thăm anh. Cả hai vẫn mạnh giỏi.
- Em gặp anh Tám? – Khuôn mặt anh sáng lên.
- Anh ấy... – Tôi nhỏ giọng – nói anh cứ giữ vững tinh thần. Anh em ở ngoài rất phục anh. Anh Tám có đưa cho má con em một ít tiền nói là của bạn bè anh gửi giúp.
- Trời! Anh ấy bao giờ cũng chu đáo như vậy! Em về nói dùm với anh Tám là trước sau anh thế nào vẫn như thế. Thà chết chứ không bán đứng anh em bè bạn đâu.
Anh đột ngột im lặng. Viên cai ngục lặng lẽ đi qua. Đến giữa phòng, hắn che một cái ngáp, thông báo:
- Hết giờ! Sắp hết giờ!
Tôi bỗng nhiên bối rối hẳn lên. Đến lúc này mới thấy tiếc đã bỏ uổng mấy phút ngắn ngủi ở bên anh. Tôi nói vội:
- Anh Nhân... Đừng nghĩ gì cả. Em vẫn là vợ anh, em yêu anh. Dù thế nào em cũng chờ anh... Em sẽ mang con đến thăm anh?
Anh nhìn tôi, mắt nhòa đi... Không ngờ ở thời khắc cuối cùng ấy, tôi đã được nghe chính anh nói cái sự thật ấy.
- Cám ơn em... chỉ cần một câu của em như vậy, anh đủ sức để chịu đựng, để vượt lên hết thảy. Anh muốn nói một điều mà không bao giờ anh định nói, nhưng trước em, trước tình yêu tận tụy của em, anh không muốn che giấu điều gì cả, dù là nhỏ nhất. Nói xong, em có thể khinh ghét anh, có thể ruồng bỏ anh, tùy em nhưng anh phải nó. Thanh... trước ngày cưới em, anh... anh đã có con với người khác.
Nói xong câu đó, người anh oải ra, như vừa bơi qua một khúc sông rộng đầy sóng gió, mắt thấp thỏm đợi chờ như mắt con nít vừa làm nên tội. Bỗng dưng tôi thương anh kỳ lạ, lúc này đây sao anh mềm yếu đến thế. Người tôi nhẹ bỗng. Câu thú nhận từ nơi anh đã cất đi khỏi đầu tôi tất cả những tấm tức nặng nề. Thế là anh đã thực lòng với tôi, miễn là anh thực lòng còn mọi cái khác là vô nghĩa hết. Ở đời tôi sợ nhất là sự giả dối, cao ngạo. Và anh, bằng bản chất của mình đã tránh được điều đó. Tôi muốn nói với anh tất cả những nghĩ ngợi ấy, nhưng rút cục tôi chỉ bật lên hai tiếng:
- Em biết!...
- Ê! Hết giờ! Hết giờ!
Vừa lúc viên cai ngục rung chuông om xòm, quát đuổi người nhà tù nhân ra cửa. Anh níu lấy song sắt, giọnglạc đi:
- Em tha thứ cho anh không?
- Em đến với anh như vậy chưa đủ sao?
Tôi chỉ kịp nói vớt lại một câu như thế nhưng cũng đủ thời gian để thấy vầng trán anh dãn ra, thanh thản.
Song, điều tôi cần nói nhất với anh hôm nay mà chưa nói được. Tôi đã quyết định đi theo con đường của anh! Anh có thể vui lên hoặc có thể phản đối nhưng với tôi, cái đó không quan trọng.
Bây giờ thỉnh thoảng có dịp ngồi ngẫm lại, tôi lại chợt vỡ ra một điều: nhiều khi con người ta quyết định xoay chuyển hướng đời của mình chưa hẳn đã do sự tác động của một nguyên cớ cao siêu, một nhận thức đầy đủ và chín muồi, có khi nó chỉ xuất hiện trên một cảm nhận rất nhỏ, rất vụn vặt, thuần túy mang ý nghĩa cảm tính mà thôi. Tôi quyết định dấn thân bởi lẽ tôi muốn có đôi với anh trên mọi nẻo đường, muốn vượt lên mình để duổi kịp anh, để gữ được anh; để một ngày nắng đẹp nào đó, có tôi, có anh, có cả thằng bé được ngồi chung đón gió giữa dòng sông Sài Gòn. Bởi lẽ tôi yêu anh, yêu thằng Riềng, yêu những người bạn chí tình chí nghĩa của anh. Và vừa mới rồi đây, bằng sự thành thực đến khổ sở của anh, anh đã giúp tôi nâng mình lên khỏi bản năng làm vợ, làm mẹ để đứng vào cuộc. Thử hỏi nếu lúc ấy anh không đúng là anh, anh mập mờ trí trá, biết đâu cuộc đời tôi sẽ vì thế mà xoay sang ngả khác, tôi không còn là tôi như bây giờ. Biết đâu... Đó là vẫn vào những ngày cực kỳ đen tối cuối năm 1959 ở vùng quê ảm đạm và kinh hoàng của tôi.
°

*

Tôi trở về nhà người thím trong tâm trạng khá thanh thản. Con tôi đang được thím cho bú sữa trong bình. Nó chóp chép cái miệng nhỏ xíu vào núm nhựa một cách ngon lành. Quả thật, những ngày gần đây, đi đâu, làm gì, đầu óc dù bận rộn u uất đến mấy, nhưng khi trở về nhìn thấy con là mọi thứ tiêu tan hết, lòng dạ lại mát rượi. Tôi quyết định đặt tên con là Đức. Ba tên Nhân, con tên Đức là hạp rồi. Nhân - Đức. Sớm nay bụng dạ ngổn ngang quá, không kịp hỏi anh về tên con, cứ đặt tên thế này chắc anh không phản đối. Trần Văn Đức hay Trần Hoàng Đức gì đó đều được, miễn là có cái họ của cha để làm khai sanh cho cháu. Lần đầu tiên cầm tờ giấy khai sanh của con, lần đầu tiên cất tiếng gọi: “Đức ơi! Ngủ ngoan đi con!” Đặt tên con xong, nửa đêm tôi ra sân thắp nhang cầu nguyện cho nó mạnh giỏi, chóng lớn, đừng bệnh tật gì mà sau này gặp được nhiều điều may mắn hơn cuộc đời ba má nó. Bầu trời đêm ấy vần vũ, tối đen như mực, tôi thoáng lo cho lời cầu nguyện của mình không lên được tới cao xanh. Tôi trở vào giường ôm con nằm thức luôn đến sáng.
Tôi vẫn không có sữa mặc dù bà thím đã tự tay đi chợ mua chân giò, hạt sen về ninh dừ bắt ăn. Nhà thím nghèo, hai vợ chồng không con nhưng đều đi làm thuê làm mướn nên bữa ăn cũng thanh đạm lắm. Hầu như chỉ có mấy trái dưa leo thái mỏng chấm với mắm nêm hay mắm cà mặn chát. Có tôi, bữa nào thím cũng phải mua thêm chút thịt, chút trứng bày ra một cái đĩa riêng. Thường như thế, tôi đắng miệng không nuốt được, cuối cùng đĩa đồ ăn đó vẫn còn nguyên. Mỗi lần như vậy, thím lại mắng: “Gái đẻ, phải mà ăn đi chớ, làm biếng vậy lăn ra ốm, ai nuôi con cho”. Nghe thím, tôi ráng gắp vài đũa nhưng rồi vẫn không nuốt nổi, miếng ăn cứ nghẹn tắc trong cổ. Tôi khó nuốt không phải vì không thèm. Thèm lắm chứ! Thèm đủ thứ. Đêm nằm nhét bầu vú tong teo vào miệng con, tôi nghĩ đến một tô hủ tiếu có đập trứng húp vào nóng ran đầu lưỡi, nghĩ đến một lát chả lụa cặp bánh mì vàng ươm hay đắp lên một chén xôi dẻo quánh, nghĩ đến cả đĩa bánh sôi nước với những viên bột trắng mọng, mới cắn nhẹ, chất ngọt đã tứa ra tan biến trong miệng... Nhưng tôi không thể quấy rầy chú thím mãi. Đã có lần tôi vô tình nghe được hai người thầm thì bàn bạc về tiêu pha dè xẻn thế nào chứ khéo không cuối tháng đến gạo cũng chẳng có tiền mà đong. Tiền! Tôi se ruột lại! Mấy ngàn bạc cô Nghĩa dúi cho, vài bận đi thăm anh đã hết. Sợi dây chuyền má tôi cho ngày trước, mang đi cầm cũng chỉ đủ mua được chục hộp sữa, ít vải thô khâu tã lót cho cháu. Được cái ông chồng thím tôi rất quý cháu, đi đâu về là xộc vào buồng bế cháu lên tay, nựng chạy khắp xóm. Biết hoàn cảnh tôi, thỉnh thoảng làm được cái gì kiếm ra tiền, ông lại giấu vợ đưa cho tôi. Tôi không nhận, ông lén để dưới chiếu. Phát hiện thấy, tôi trả lại, ông có vẻ buồn. Thằng Riềng bận dựng chòi nên không qua lại được, chỉ có Thu đôi khi tạt vào mang cho tôi lúc thì chục trứng, lúc cặp bánh giò. Nghĩa lâu lắm không thấy lại. Nghe đâu ông chú gửi cô đi Biên Hòa học thêm nghề và đang vướng vào vòng yêu đương mê mệt một anh chàng nhạc sĩ thời danh nào đó. Như vậy tôi chỉ có thể trông vào mình tôi. Lắm lúc túng quá, nói thật, tôi đã có chút hối tiếc khi gửi hết số tiền của anh Tám cho mẹ con Sang mà không giữ lại phần nào cho mình. Nhưng điều đó đọng lại ở tôi không lâu. Tôi tin tôi có thể xoay xỏa được và không rõ tại sao cũng cùng cảnh một mẹ một con cả, nhưng tôi nghĩ rằng mình sẽ can đảm hơn, giàu nghị lực hơn cô gái yếu đuối kia.
Những ngày đi chợ thay má dạo nào đã giúp tôi tìm ra cách kiếm sống. Tất nhiên với hoàn cảnh tôi lúc này, tôi không thể bỏ con, gửi con cho ai để đi chợ ngồi bán bánh trôi nước suốt ngày được. Tôi chỉ có thể nhận bao cám vá víu cho lành lặn tươm tất, nhà chủ trả cho được 10 đồng. Một ngày vá cật lực cũng được 10 cái. Như vậy có 100 đồng trong tay, đủ mua nửa hộp sữa cho con và lít gạo lức cho mẹ. Nhưng rồi cái thứ bao cám đó cũng cạn dần, tôi phải đi khắp làng trên xóm dưới lùng mua những bao cám cũ người ta không dùng đến nữa, mang về tu sửa, đắp cái nọ vào cái kia rồi đem xuống chợ bán đắt lên một chút. Làm như vậy miết thấy chẳng ăn thua tôi bỏ khâu bao, đi tìm mua luôn cám gánh xuống chợ tiêu thụ cho những chủ lò heo. Công việc nặng nhọc nhưng xem ra có vẻ khấm khá hơn, mỗi ngày được một trăm, hai trăm đồng. Một tháng đã có thể để dành ra được chút ít làm vốn. Đến tháng thứ hai, thấy vốn đã tạm đủ, tôi trích ra một ngàn rưởi gửi cho má con Sang. Hai hôm sau, chị bạn mà tôi nhờ gửi mang tiền trả lại, kèm theo một bức thư chữ viết ngoằn ngoèo, hầu hết câu nào cũng sai chính tả:
“Chị ơi!
Chị đừng gửi tiền cho em nữa! Trồng ít luống rau ở trươc cửa, nuôi thêm vài con heo, má con em cũng đủ tiền rau cháo nuôi nhau rồi. Gói tiền lần trước chị gởi đã giúp mẹ con em được rất nhiều. Lần ấy em không biết tiền của ai gửi cả nên để trogn tủ cả tháng không dám tiêu. Hỏi dò mãi mới biết là tiền của chị, em cứ ôm con khóc mãi. Sao ở đời có người lại tốt với em đến thế? Chị ơi!
Em biết chị là ai rồi! Nếu không có người mang tiền của chị đến cho em hôm qua và nếu em không nằng nặc đòi người đó phải nói đôi lời về chị thì biết khinào em mới hiểu chị là ai! Trời ơi! Đáng lẽ chị phải mắng chửi, phải nguyền rủa em thì chị lại cho tiền. Buổi chiều hôm thăm tù ấy, nhìn quanh quất mãi không thấy chị, em đã ngờ ngợ, nhưng bụng không dám tin. Nếu đúng vậy thì sợ quá! Em đã dại dột kể hết mọi chuyện cho chị nghe. Khi biết em với anh ấy là thế nào, chị đã bỏ về phải không? Lần sau đến thăm, chị cũng không hỏi anh ấy lấy một lời về em phải không? Chị tốt với em, chị cao thượng quá! Em chả đáng để chị phải quan tâm đâu. Em mắc cỡ lắm! Mới đây em hay tin chị đang sống rất chật vật, phải đi vá từng cái bao cám để nuôi con, khổ quá! Đáng lý ra em là người phải giúp chị mà chị lại... Em thương chị lắm!
Má em đau mấy tháng nay nên em không thể rời ra một ngày để đi thăm chị. Nhưng nhất định em sẽ đến. Em muốn gặp chị. Gặp để em được quỳ xuống lạy chị, cảm ơn chị và nói với chị một câu thôi. Em sẽ nói là: anh Nhân có phúc lắm mới lấy được người như chị. Chị hoàn toàn xứng đáng với anh ấy. Anh Nhân là của chị, chỉ của một mình chị thôi. Anh ấy yêu chị lắm! Còn em... Em sẽ cố quên, và sau trước gì rồi cũng quên được. Em nói điều này chị có tin hay không thì tùy; em sẽ không bao giờ tìm gặp anh ấy nữa. Chị nói giùm em với anh như vậy. Còn con em... Chị ơi! Em sẽ nuôi dạy nó sau này được như người sanh ra nó, em sẽ nói ông già nó là ai. Và em mong chị cũng coi nó như con. Tội nghiệp nó!
Đầu mùa mưa, nếu má em khỏi, em sẽ mang cháu xuống miệt Năm Căn. Em có người bà con ở đó. Có thể xa xôi, như vậy, em sẽ quên được anh ấy, sẽ khỏi phụ tấm lòng bao dung trời bể của chị...”.
Thư còn viết nhiều nữa, toàn những lời chân thật, đọc buồn đến phát khóc lên, nhưng tôi lại không khóc nổi. Cũng không biết nói lại, biết an ủi người đàn bà không gặp may ấy thế nào. Nước đời khó quá! Ý định lên Bến Cát thăm Sang không thực hiện được, thằng Đức lên cơn sốt phát ban.
Suốt nửa tháng chạy chữa thuốc thang cho con, tôi đã tiêu đến đồng tiền cuối cùng. Khi con khỏi, mẹ lại lăn ra ốm. Mười lăm đêm thức trắng đã hút kiệt sức lực của tôi. Lại mất thêm mười ngày nữa tôi mới gượng dậy được. Suốt mười ngày ấy, thím tôi và bà con lối xóm đã thay nhau bế ẵm, nuôi nấng con tôi. Khi tôi đã có thể bồng con đi lại được từ trong nhà ra ngoài sân, cảm thấy nó nặng hơn, đỏ đắn hơn, tôi chỉ còn biết ứa nước mắt biết ơn cái tình nghĩa làng xóm giành cho tôi. Có lẽ sự cảm nhận sâu xa đó đã giúp tôi sau này vượt lên được mọi hoàn cảnh tưởng như không vượt được giữa trọn lòng thủy chung với cách mạng, với xóm ấp thân yêu.
Khoảng thời gian này cám cũng không còn nữa mà mua. Bao thì bói không ra một cái. Các chủ lò heo đã tung người về sâu từng nhà vơ vét hết. Thế là tôi mất nguồn sinh sống. Theo giới thiệu của ông chú, tôi chỉ còn cách xoay ra làm thiê cho một chủ trại nuôi heo. Thoạt đầu cũng tưởng dễ ăn. Công việc nặng nhọc thật nhưng một ngày cũng kiếm được hơn mười đồng. Ngoài tiền gửi cháu ra, mẹ con ăn tiêu dè xẻn có thể mỗi mỗi tháng bớt ra được chừng 400 đồng để mua đồ đi thăm nuôi chồng. Không có mấy trăm đồng ấy, cả tháng chồng tôi sẽ chỉ có gạo mục với cá thối nhét bụng, tội lắm! Nhưng làm được đúng hai ngày thì tôi bỏ luôn. Người chú hỏi: “Công việc nặng nhọc quá sức phải không”. Tôi đành phải trả lời thật: “Ông chủ trại bắt cháu phải nghỉ đêm ở đó”. Mấy bữa sau, người chú đem ở đâu về được chục ngàn đưa kín cho tôi. “Nghe nói cô định làm bánh ú mang ra chợ bán nhưng không có vốn? Vốn đây! Sau này làm ăn có lãi thì trả, không thì thôi”. Tôi hỏi tiền này chú kiếm đâu ra? Người chú chỉ cười không nói. Tôi đoán tối qua ổng vừa được bạc. Tối nào ông cũng lén vợ đi đánh bạc, tiền được thì ít, tiền thua thì nhiều. Được cái thím tôi chỉ khuyên nhủ nhẹ nhàng, không đập nồi, quăng rế như những bà vợ khác. Cung cách đối xử đó đôi lúc làm chú tôi tỉnh ngộ, nằm lì ngáp vặt ở nhà được vài tối để rồi sau đó lại chứng nào tật ấy. Tôi đem chuyện đó nó với thím. Thím ngớ ra một chút rồi làm bộ chợt nhớ: “Tiền công của ông ấy mấy tháng nay nhà chủ còn mắc nợ, nay trả góp đó mà. Cháu cứ dùng làm vốn mà buôn bán”. Tôi biết ngay là thím nói khác đi để bảo vệ chồng chứ trong thím chắc đã điên lắm! Nhưng tôi không có cớ nào để trả lại món tiền ấy nữa, dù mình là phận con cháu.
Có chục ngàn trong tay, tôi lao luôn xuống chợ mua bột, đường, chén bát, thìa dĩa và, một đôi quang gánh thật dẻo. Nghề làm bánh ú cũng do má tôi truyền cho, phần nào có dễ hơn làm bánh sôi nước nên chỉ nội trong hai ngày, tôi đã có gánh bánh ú chừng vài trăm chiếc thong dong quảy xuống chợ.
Tôi không cần phải có lãi to, thâm tâm tôi chỉ mong mẹ con kiếm đủ tiền sinh sống và một tháng hai bận mua đồ ăn đi thăm chồng. Tạm thời ổn định miếng ăn, tôi sẽ móc ráp với thằng Riềng hoặc tìm gặp các anh để xem tình hình thế nào. Ngày ngày ngồi giữa chợ đông người, vô tình tôi được nghe bao nhiêu chuyện về thời cuộc. Nào là ông Thi đảo chính ông Diệm nhưng không thành, nào là chính quyền ngày càng thẳng tay bắt bớ, chém giết, dòng sông Sài Gòn không ngày nào không có xác người bị chặt đầu, nào là ở vài nơi trong tỉnh đã rục rịch dồn dân vào ấp chiến lược hay những khu trù mật thí điểm có hàng rào gai và trạm gác giáp vòng nay mai sẽ đến vùng này: nào là quốc gia đang tiến hành một chiến dịch quy mô càn rừng, đốt rừng nhằm triệt tận gốc nơi trú ngụ của những người phía bên kia; rồi thiên hạ còn rỉ tai nhau: lòng người hờn uất lắm rồi, sẽ đến lúc không chịu nổi nữa phải tức nước vỡ bờ thôi, ở mấy nơi trên Bến Cát, nửa đêm du kích mò về giết chết những tên ác ôn có nợ máu, v.v... Tôi được nghe nhiều lắm. Xung quanh tôi như có một cái chảo dầu khổng lồ đang sôi sùng sục, nhìn trong mắt người nào cũng thấy những hòn than đang ngún khói trong đó. Tôi sốt ruột quá, muốn bỏ việc vài ngày đến chỗ thằng Riềng hỏi han xem sao, nhưng hiềm một nỗi là không bỏ con mà đi được. Hơn nữa, là vợ Việt cộng nên quanh tôi lúc nào cũng có những con mắt dò la, theo dõi, đi một bước là có người bám theo. Vào thăm chồng, tôi lựa lúc thuận tiện nói ý này với anh, anh cũng chỉ lắc đầu không biết gì hơn. Anh dặn tôi nếu có làm gì phải hết sức thận trọng, phải cân nhắc mọi chuyện thật kỹ càng kẻo chồng bị tù, vợ lại sa bẫy, con để đó không ai nuôi. Tôi biết anh thương con lắm. Hiếm có người cha nào thương con như anh. Chỉ cần tôi nói con vừa đi tướt, vừa ốm dậy, con biếng ăn là mặt anh đã nhăn quắt lại rồi. Có lần thằng bé chấp chới thò tay qua song sắt bập bẹ gọi pa... pa, anh vội chộp lấy bàn tay nhỏ xíu ấy, toàn thân run lên. Thằng bé rụt tay lại, anh như người rơi xuống hố, nước mắt lặng lẽ lăn dài trên gò má. Hình anh ấy xoáy buốt vào đầu tôi mọi lúc mọi nơi, tới nỗi ngồi bán hàng ở giữa chợ mà tôi cứ thấy anh chập chờn hiện ra trước mặt, những giọt nước mắt lăn dài... Giây phút ấy, tôi ao ước vô cùng lại một lần được thấy anh tươi tắn, trẻ trung, ngồi ở hàng tôi, ngồi giữa mọi người chuyện trò sôi nổi như ngày chưa quen nhau. Làm cách nào để sống lại những ngày ấy? Làm cách nào... câu hỏi này càng hối thúc tôi mau mau tìm gặp em tôi, tìm gặp anh Tám.
Ý định này chưa đâu vào đâu thì tôi lại đụng phải những chuyên bực mình. Đến ăn hàng tôi không phải không có những gã đàn ông cà trớn. Số này sáng nào cũng có mặt, ăn thì ít, tào lao tán láo thì nhiều. Họ nhấm nháy nhìn tôi rồi quay ra cười phá lên với nhau. Tôi biết họ đang nói những câu chẳng hay ho gì nên chỉ khép đùi ngồi kín đáo hơn, chẳng buồn để ý. Đại loại là những câu: “Gái một con thuốc ngon nửa điếu... Con nhỏ dòm mái tóc ngon lành quá... Con nhỏ càng nhìn càng đẹp mới thấy mẹ chớ... Như khúc giò vậy mà để ngồi dang nắng, uổng quá! Phải tay tao, tao cho ăn diện, rồi dẫn lên Đà Lạt hả? Tóc buông cho dài ra. Thiếu gì cha tự tử vì em...” Phải lúc khác tôi đã tỏ ra khó chịu hay đỏ mặt, nhưng lúc này, nghe vậy tôi cứ tỉnh khô. Tôi có nhiều việc đau đầu khác phải nghĩ đến. Nhưng trong số đó có một tay khá bặm trợ, dáng người có vẻ dân ăn trắng mặc trơn khiến tôi hơi ngài ngại. Ba buổi sáng liền, hắn gọi liền cả chục cái bánh, chỉ bóc ra để đó không ăn. Xót ruột, tôi hỏi:
- Vậy là làm sao chú Hai?
- Có sao đâu. Bóc chơi cho đã.
- Lần sau tôi không bán cho chú nữa.
- Ủa! Mua bán trả tiền đàng hoàng, tôi bóc bánh chớ có bóc yếm đâu mà cô cự?
Tôi làm thinh, không thèm trả lời. Đêm ấy về tôi mượn bà thím cái kéo tự tay cắt trụi tóc như con trai. Bà thìm vào nhìn thấy mớ tóc của tôi nằm dài dưới đất, giãy lên đành đạch:
- Trời đất quỷ thần ơi! Bộ mày điên rồi sao chớ! Mái tóc đang dài, đang đẹp thế này mà nỡ cắt đi! Thử hỏi cả cái thị xã, cả cái quận Châu Thành này đã có ai có được mớ tóc đẹp như thế chưa?
- Cắt đi cho nó mát, thím! – Tôi nói vui, để mặc người thím cứ đứng đó xuýt xoa, chép miệng hoài.
Nói thì nói vậy nhưng sáng ra, soi mặt xuống giếng, thấy đầu tóc trống lổng, tôi tiếc ngẩn cả người. Tôi chạnh nghĩ đến anh. Lần thăm tới, không thấy mái tóc mà anh hằng nâng niu, chắc anh rầu lắm! Biết sao được. Nếu anh hiểu vì anh, vì con, mà tôi phải hy sinh sắc đẹp, chắc anh cũng không nỡ trách. Sau này, nếu vợ chồng được đoàn tụ, tôi sẽ để cho anh một mái tóc thật dài, thật óng, đẹp hơn cả bây giờ. Còn lúc này... Bên thành giếng, tôi thầm nói với anh như thế. Đã xấu cho xấu luôn! Tôi lục hòm lấy bộ quần áo cũ kỹ nhất, vận vào người. Tôi cũng bỏ luôn đôi dép mềm vào gậm giường, đây xuống chợ bốn, năm cây số, đi đất càng mát chân. Tiện tay, tôi để lại chiếc nón lá lên nóc tủ. Thời buổi này, giữ gìn nước ga trắng chỉ chuốc phiền, cứ đen nhẻm đi lại hay. Sáng hôm sau, với hình dạng tự đổi khác đi như thế, tôi xuống chợ với một vẻ đầy tự tin. Nhưng tôi đã lầm. Thoạt đầu, mấy người đàn ông loại cà trớn sững ra đôi chút, sau đó họ lại tiếp tục tán láo, thậm chí còn tệ hại hơn. Trước những cái hìn chòng chọc của họ, tôi bỗng thấy người cứng ra, không dám cử động nữa. Gần trưa thì cái tay có dáng trơn truội ấy đến. Hắn vẫn thản nhiên gọi cả đĩa bánh, bóc tung ra để đấy không ăn. Rồi hắn cười, bên khóe miệng hở ra một chiếc răng bịt bạc lóa trắng.
- Cô Ba mặc thế này càng đẹp, càng hấp dẫn. Tối nay nếu rảnh cho tôi gặp một chút nghen cô Ba!
Tôi xuống giọng nằn nì, cốt để được yên thân.
- Chú Hai nói gì tội nghiệp tôi chú Hai? Chồng tôi đi tù, mình tôi ở nhà lam lũ nuôi con, chú Hai không thương tình lại còn chọc tôi hoài.
Hắn cười nữa, càng nham nhở hơn:
- Ôi cha! Xấu mặt thì lâu, xấu đầu mấy lát.
Tôi không nhẫn nhục thêm được nữa:
- Thôi, đủ rồi đó! Đã nói vậy mà vẫn không nghe ra. Chú đi đi để tôi còn mần ăn. Tiền bánh của chú từ trước đến nay tôi trả lại hết trọi đây nè.
Tôi xỉa trên đĩa bánh của hắn một nắm tiền àm không cần biết là bao nhiêu nữa. Thằng cha bị bất ngờ kêu á một tiếng rồi có vẻ ngượng với người xung quanh hắn xấn lại trước mặt tôi, mùi nước hoa hay xà bông thơm gì đó phả vào mũi tôi hắc xì. Hắn cười nhạt:
- Cô Ba chơi ngon heng! Được rồi, có giỏi thì đưa hết tiền đây. Đ. mẹ! Vợ một thằng Việt cộng đang tù mọt gông mà còn làm phách! Ông cho cứ là chết già, cũng chẳng thằng nào xớ rớ tới.
Toi hơi chưng hửng vì kiểu phản ứng thô bỉ của gã đàn ông trông có vẻ chữ nghĩa này. Thực ra tôi đã xúc phạm gì hắn lắm đâu. Tôi chỉ... vậy mà hắn rủa tôi, rủa cả chồng tôi. Sự bực dọc từ hồi hôm khi phải cắn răng cắt đi mái tóc, cộng với bao nỗi nhọc nhằn tôi phải gánh chịu bấy lâu nay, lại thêm cái nóng hầm hập phả vào sau gáy, vừa nghe tới chữ “Việt cộng tù mọt gông” là tôi phừng máu, vớ ngay lấy cây đòn gánh nâng ngang người, hét lên:
- Thằng khốn nạn! Có cút xéo đi không!
Chắc bộ dạng tôi lúc ấy dòm dữ dội lắm nên hắn hơi lùi lại, chân vấp phải người bên cạnh chút xíu nữa bổ nhào. Hắn gượng được, chỉ mặt tôi, rít giọng:
- Con đĩ! Rồi mày sẽ có dịp được cầm đòn gánh kiểu ấy nữa. Đ. mẹ!
“Bốp”. Tôi chưa kịp phang cây đòn vào giữa bộ ngực núng nính của hắn thì đột nhiên hắn hộc lên một tiếng, ôm mặt ngã vật ra. Người vừa giáng cho hắn cái tát cực mạnh ấy chưa buông tha, một tay anh ta cầm ngực áo hắn nhấc lên, tay kia giáng tiếp, một cú tát trái nữa làm hắn văng đi vài thước rồi nằm im bất động. Tôi nhận ra đó là thằng Riềng. Nó quay lại, nhìn khắp lượt, mặt lạnh tanh:
- Nào! Còn thằng chó nào dám hỗn hào nữa thì nhào vô! Tao cho nằm húp cát luôn.
Xung quanh im phăng phắc. Đây đó có tiếng xì xào:
- Phải vậy mới được! Ỷ thế quen ông này ông nọ làm tàng.
- Phen này thằng Ba tiệm vàng phải cạch đến già.
- Vàng bạc gì nó. Lấy nê buôn bán để dò la hại người thôi. Phải đánh cho nó bật cái máu chó săn ấy ra.
- Cha! Dòm thằng chả té mới đã chớ. Phim chưởng cũng chỉ đến thế là cùng. Tay nào kia mà mạnh quá ta. Chắc một cao thủ quyền cước đi lang thang?
Gã đàn ông vẫn nằm mọp, chắc vì ngón đòn thì ít mà những lời của thiên hạ đổ lên đầu thì nhiều. Thằng Riềng đến cạnh tôi:
- Về đi chị! Không thèm làm cái nghề bán bánh này nữa. Đưa em gánh cho!
Tôi ngoan ngoãn nghe nó, quẩy gánh bánh lên vai. Đám đông dãn ra nhường lối cho chị em tôi, nhiều cặp mắt thán phục cứ dán dính vào thằng Riềng. Hai chị em đi được một đoạn rồi mà vẫn có tiếng trầm trồ khen ngợi đuổi đằng sau. Tâm trạng tôi vui buồn lẫn lộn. Tôi vừa tự hào có thằng em sức vóc hơn người nhưng lại vừa lo lo. Nếu đúng gã trai lơ kia ăn lương của cảnh sát thì tới đây liệu nó có để cho chị em tôi đượcyên không? Còn thằng Riềng nữa, nó là người của phía bên kia, vì thương chị, nó lộ mặt thế này thật không tiện chút nào. Tôi đã ra một lẽ, tôi hoàn toàn có quyền chống trả tự vệ mà không sợ nghi ngờ, thù oán gì. Một lần nữa, tôi lại thấy cuộc sống này ngột ngạt không thể chịu nổi. Phải làm một cái gì đó, phải đổi thay một cái gì đó may ra mới hòng yên tâm làm lụng nuôi con. Một cái tát, một chiếc đòn gánh văng ra chỉ bõ tức chứ biết rằng chẳng làm nên trò trống gì. Mà tôi cũng thấy lạ cho sự đáo để của mình hồi nãy. Nếu không có thằng Riềng, tôi dám cho thằng cha kia bể ngực lắm. Sau này nhắc lại chuyện đó, có người cho tôi là: “Ngay từ hồi đó, chị đã biểu lộ một bản năng quân sự quyết đoán thật rõ ràng”. Tôi không nghĩ vậy. Hoàn cảnh ấy, bất cứ ai có tự trọng đều sẽ hành động như tôi.
Đến chỗ khuất, tôi đi chậm lại, hỏi:
- Em đi đâu qua đó vậy?
- Em đi tìm chị.
- Có việc gì không? Chị cũng đang mong em.
- Anh Tám muốn gặp chị.
- Anh Tám…! Anh Tám ở đâu?
- Đang ở chỗ em.
- Gặp có việc gì vậy? – Tôi hồi hộp hỏi nhỏ.
- Không rõ, nhưng chắc có việc cần.
- Gặp ở đâu?
- Bắt đầu tính gặp ở chỗ em, kín đáo lắm, nhưng sau anh Tám thấy chị con mọn đi không được nên anh dặn: chiều mai khi ở chợ về, anh sẽ giả bộ người bắt cá chờ chị ở suối. Chị sẽ dừng lại, rửa chén đĩa, nói chuyện luôn.
Tôi gật đầu, thầm cảm ơn sự chu đáo tinh tế của anh Tám về địa điểm gặp. Riềng chia tay tôi ở cổng ngõ rẽ vào nhà chú thím.
°

*

Nửa đêm hôm đó, tôi lại nhận thêm một chuyện bực mình nữa vào người.
Buổi chiều, thím tôi ăn mặc khá chỉnh tề nói sẽ đi ăn giỗ một người bà con xã bên, nếu xong sớm thì về, đụng giờ giới nghiêm sẽ ở lại qua đêm. Thím bảo tôi, đưa thằng Đức thím bế đi cho vui nhưng tôi giữ lại với lý do mấy bữa nay cháu thường húng hắng ho. Chờ mãi không thấy chồng về để cùng đi, thím dặn lại: “Tao đi trước đây. Nếu ổng về, mày nói sang ngay! Ngày việc của người ta đâu chỉ có mang mồm đến ăn không làm được. Tao rầu cái ông chú của mày lắm!”.
Nhưng tối hôm ấy, chồng thím không về. Chắc ông lại sa vào đám cờ bạc nào rồi? Nghĩ tội nghiệp cho thím! Nhà đã nghèo, ông chồng lại máu mê đỏ đen, làm lụng đến bao giờ mới mở mày, mở mặt ra được. Có lần vui chuyện, thím thủ thỉ, vẫn là cái giọng bênh che cho chồng: “Ông ấy thực ra cũng đâu có đến nỗi. Tính tình hiền lành, làm ăn chăm chỉ, cả đời không nói nặng với vợ, với bà con lối xóm một câu, ai cũng mến, cũng thương, nhưng chỉ phải cái tật trời gầm ấy. Ông ấy đam mê thứ này cũng là vì tao. Tao không sanh nổi cho ông một đứa con nên ông buồn, lao vào vận rủi may cho khuây. Ông ấy yêu con nít lắm. Nhiều khi nhìn ông lang thang đi bế con hàng xóm, tao buồn nẫu ruột. Đó! Từ ngày có má con mày về đây, thằng nhỏ đã níu giữ chân ông lại khá nhiều…”.
Chờ ông chú đến khuya không thấy, tôi khép hờ cánh cửa ôm con vào mùng. Trằn trọc vì buổi gặp chiều mai với anh Tám, mãi tôi không ngủ được. Đến khi chợp mắt thì ngoài xóm gà đã gáy canh hai. Đêm đó sáng trăng. Trăng lùa qua cửa sổ vào tận giường. Trời lại bức bối. Đi nằm, tôi phải tháo bớt khuy áo cho thoáng mát. Đang thiếp đi, tôi mơ màng cảm thấy có cái gì bò nhột nhạt trên người. Sự nhột nhạt đó tăng lên thành một sức đè nặng. Thường mọi đêm do tâm trí bất thường nên tôi hay bị bóng đè, ú ớ mọt lúc rồi cũng thoát ra được. Lần này cũng vậy, tôi cố đạp chân đạp tay đẩy mình ra khỏi giấc ngủ. Nhưng quái lạ, rõ ràng tôi tỉnh dậy rồi mà cái sức đè kia vẫn ấn xuống. Tôi mở choàng mắt, cố sức bật dậy và kinh ngạc nhận ra cái bóng ấy là ông chú, vừa bị tôi đạp xuống chân giường. Thấy ngực bụng mình lõa lồ dưới trăng, tôi giận sôi người lên, không nói được một câu chỉ trừng trừng nhìn ông chú. Trước cái nhìn đó, ông lồm cồm bò dậy rồi đi giật lùi, miệng lắp bắp: “Tha… tha lỗi cho chú! Chú tỉnh lại rồi… Quả thực chú không định nhưng trăng… Trăng sáng quá… Da thịt trắng quá, chú bị mê đi… cửa lại không đóng… Bỏ qua cho chú…”
Ông chú thui thủi bỏ ra sân ngồi, đầu cúi gục xuống bất động. Tôi trở dậy gài chắc then cửa rồi vật mình nằm xuống, thức luôn đến sáng.
Trời! Cảnh một mẹ một con đi ăn nhờ ở đậu nó khổ thế đó. Đi đâu, làm gì cũng bị khinh rẻ, cũng bị sàm sỡ. Người dưng khả dĩ còn cắn răng mà chịu được, đằng này lại là chỗ ruột thịt thân quen, nhục lắm!
Trời vừa bàng bạc trắng, tôi trở dậy vét hết cả vốn lẫn lãi được gần năm ngàn mang ra sân đưa cho ông:
- Tiền chú cho mượn, tôi xin trả đủ. Tôi cám ơn chú nhưng cũng đừng vì mấy ngàn bạc này mà chú coi thường tôi. Thà bồng côn đi ăn mày còn hơn lụy ơn người khác theo kiểu như vậy.
Người chú nhìn tôi ngơ ngác, cặp mắt đỏ ké chứng tỏ cả đêm qua ông vẫn ngồi nguyên đây và không ngủ. Ông nhăn mặt lại với tất cả vẻ thiểu não mà một người đàn ông có thể có được. Đôi mắt đùng đục ấy nhìn tránh đi:
- Thôi thì cái thằng chú nó khốn nạn thế, cô muốn nói gì thì nói, muốn chửi, muốn xé tan tôi ra từng mảnh cũng được, nhưng cô đừng làm thế, tội lắm.
- Tôi không thể ở đây một giờ nữa, chờ thím về tôi sẽ bồng con đi.
- Đừng… đừng - Mặt ông xa xầm - Đừng bế thằng bé đi. Dù thế nào cũng để nó lại đây. Hai vợ chồng già chán ngắt, không có nó buồn lắm… Thực ra hồi đêm về, tôi cũng tính ghé vào nhìn mặt nó một cái rồi… ai dè! Bà cháu nó đã quen hơi nhau, đừng để bà ấy bơ vơ.
Tôi dịu lại. Những lời chân thật, khổ sở ấy đã khía trúng vào trái tim người mẹ, thuyết phục được tôi. Tôi bế con trở vào phòng, chưa biết tính chuyện đi hay ở ra sao. Vả lại, chiều nay tôi còn cuộc gặp gỡ với anh Tám, chưa thể đi đâu được cả. Tôi kìm mình xuống với ý nghĩ, mọi chuyện dẹp đi đã, mai rồi tính. Nhưng tôi không phải đợi đến sáng mai. Ngay chiều hôm đó đi chợ về, tôi đã được bà thím thông báo: “Chú mày chuyến này đi làm ăn xa rồi. Tận Đất Đỏ lận. Ở đó đất tốt, ruộng nhiều, có thể mần ăn được vài tháng mới hết việc. Ông gửi lời chào má con mày. Thôi, thế cũng xong một việc. Dù sao con người này cũng còn giữ được liêm sỉ. Ông bỏ đi xa để tránh mặt tôi, để tôi ở lại. Tự dưng tôi thấy tội nghiệp ông, thấy mình đối xử với ông có cái gì hơi quá. Cái chuyện dớ dẩn này tôi không bao giờ nói lại với bà thím