Chương 19

Buổi chiều đến muộn, nắng vẫn mãi lẩn khuất trên những ngọn cây như còn luyến tiếc ngày tàn. Phượng mở toang cánh cửa sổ bị gió khép lại ra và nhìn khoảng sân trồng buồn hiu hắt. Cô dự định mua vài chậu kiểng về để cho có màu xanh và cho mát nhưng vẫn chưa ở không. Vả lại, độ nầy Đình bận cô cùng, anh đầu tắt mặt tối bao nhiêu việc ở công ty nên Phượng đâu thể bảo anh đưa cô đi mua những thứ đồ trang trí ấy.
Còn Oanh thì từ lâu rồi cô coi đây là chỗ tạm trú qua đêm, nên Phượng có đưa r ra ý kiến gì, Oanh cũng lặng im không phản đối cũng chẳng ủng hộ.
Nhưng phải nhận ra rằng khoảng thời gian sau nầy Tố Oanh có nhiều thay đổi. Từ lúc biết Đình yêu Phượng hình như Oanh đối với cô khác trước. Buổi tối Oanh ít đi chơi thâu đêm mà thay vào đó cô học tốc ký Anh ngữ. Chị em đầm ấm trở lại, dẫu chuyện về Trường vẫn còn là một vực sâu ngăn cách mà cả hai tránh né không muốn nói tới. Theo lời Đình cho Phượng biết thì Oanh dạo nầy đang vui với Duy, mà Duy thì Phượng đã gặp. Cô vẫn nghĩ Duy có thể điều khiển được trái tim của Tố Oanh, ông ta thừa khả năng để làm anh Hai cô.
Bất chợt, Tố Phượng buông tiếng thở dài. Với đàn ông công việc là công việc, tình cảm là tình cảm, hai thứ ấy rạch ròi đến xa lạ. Hầu như Duy và Đình vẫn bình thường khi gặp nhau. Họ thân thiện tay bắt mặt mừng, chúc tụng và bàn về chuyện làm ăn thật rôm rả. Đố ai biết hai người ấy đang nghĩ gì về nhau, cũng như đố ai hiểu Tố Oanh đang nghĩ gì lúc nầy.
Phuợng vẫn lo lắng khi Oanh dùng dằng chưa muốn tiến tới với Duy. Ông ta muốn tổ chức đám cưới trong năm nay, còn Oanh thì lững lờ bảo đợi. Mà đợi gì nữa cơ chứ? Bao giờ trong thâm tâm Phượng cũng muốn Oanh lấy chồng trước mình, mà ngày cưới của Phượng cũng đã ấn định rồi, đâu còn bao lâu nữa.
Rùng mình, Phượng vội xua đi ấn tượng cũ, cô vẫn không sao quên được về chị mình. Hôm nghe Trường lè nhè trong cơn say rằng Oanh cặp với tay giám đốc giàu sụ và cả hai đang du hí ở nước ngoài, Tố Phượng đã không gượng dậy nổi để ra phi trường đón Lâm Đình. Cô nằm vùi cho tới chiều, tới tối Oanh chẳng thấy về, mà Đình cũng chẳng ghé. “Thế là xong!” Phượng đau đớn tưởng chết được với bao nhiêu tưởng tượng.
Mãi đến chiều tối hôm sau Đình mới ghé, gương mặt anh phờ phạc mệt mỏi như vừa qua một cơn bệnh, chỉ có đôi mắt của Đình là ngời sáng một vẻ hài lòng.
Lúc ấy, tự dưng nhìn anh, Phượng ứa nước mắt, chỉ cần vòng tay Đình mở rộng là cô đã thổn thức trên ngực anh, cô run rẩy nhận đôi môi cuồng nhiệt nhớ nhung của Đình:
– Sao lại khóc? Sao không ra đón anh? Hôm qua chẳng thấy em ở sân bay, anh như mất một nửa phần hồn. Đã vậy, phải lao vào giải quyết ngay công việc ở nhà, tính toán suy nghĩ suốt đêm đâu có ngủ được.
Ngạc nhiên, Phượng hỏi:
– Chuyện gì gấp lắm sao mà anh không kịp nghỉ ngơi...
Mỉm cười khoan khoái, Đình nói:
– Vương Duy đã hoàn tất mọi thủ tục để tách ra khỏi công ty, chỉ còn chờ chữ ký của anh là xong. Ông ta tưởng anh sẽ bị một vố bất ngờ chớ đâu nghĩ rằng ngay chiều hôm qua anh đã ký tên và quyết định kèm theo lời chúc ông ta làm anh phát đạt.
Khoát tay một cái, Đình chép miệng:
– Chỉ tội Tố Oanh!
Nín thở, Phượng hỏi tới với giọng hốt hoảng:
– Oanh làm sao hả anh?
– Chẳng làm sao! Nhưng cô ấy là con cờ của Duy, sớm muộn gì Oanh cũng nhận ra điều nầy vì Oanh rất thông minh. Anh sẽ trả Oanh về công ty của Duy.
Im lặng một thoáng, Phượng dè dặt:
– Có cần phải làm như vậy không?
Dịu dàng Đình bảo:
– Anh biết Oanh là chị em, nhưng nếu anh không làm vậy Tố Oanh cũng sẽ nghỉ và Duy cũng kéo Oanh về với ông ta.
Nhún vai một cái, Đình ranh mãnh:
– Làm việc với Duy, Oanh sẽ thấy phù hợp và dễ chịu hơn với anh nhiều. Vả lại, như vậy em sẽ yên tâm hơn phải không nào?
Đỏ mặt, Phượng vùi mặt vào vai anh. Giọng Đình êm êm:
– Ở nhà cả tháng, nghĩ gần nghĩ xa, đoán già đoán non hay nghe ai nói gì sao mà em không ra đón anh?
Hôm ấy Phượng đã xấu hổ vô cùng với tính đa nghi của mình, cô chỉ biết bẽn lẽn hôn lên môi Đình như chuộc lỗi, rồi vùng chạy vào nhà rót cho anh một ly nước. Mãi mãi trong tình yêu, cô là đứa trẻ con, cô chỉ yêu trọn vẹn bằng trái tim mình.
Tiếng kèn xe rộn ràng ngoài cổng làm Tố Phượng nghiêng người ra nhìn. Cô với tay lấy chùm chìa khóa để mở cửa. Đình cười rất quyến rũ:
– Hôm nay em kỹ vậy, còn sớm mà đã khóa cổng rồi!] – Ở nhà một mình tự nhiên em sợ.
Đình nhíu mày:
– Trước đây cũng vậy sao em không sợ? Có chuyện gì phải không?
Ngần ngừ một chút, Tố Phượng thú thật:
– Trường uống rượu nhừ nhừ rồi cứ đến đây kiếm chuyện...em sợ....
Giọng Đình lạnh băng:
– Lâu chưa? Sao không cho anh biết? Anh ta đến mấy lần rồi?
Tố Phượng nói một cách khó nhọc:
– Lần đầu anh ta đến đúng lúc em sửa soạn đi đón anh ở sân bay. Trường van xin em tha thứ và trở lại với ảnh, rồi ảnh nói chị Oanh đang cặp với một tay giám đốc, cả hai đang du hí ở Hồng Kông.
– Và em đã tin vào Trường chớ không tin vào anh?
Lắc đầu, Phượng thầm thì:
– Em không tin anh ấy. Nhưng quả thật em bị choáng, em ngồi dậy chẳng nổi, anh hiểu không?
Nhìn gương mặt và đôi mắt rấn rấn nước mắt của Phượng, Đình mềm lòng.
Anh dịu giọng:
– Anh hiểu! Nhưng những lần sau nầy Trường đòi gì ở em?
– Trường vẫn van xin nỉ non trông thật thê thảm, em phải trốn trong nhà.
Ảnh gặp chị Oanh, hai người đôi co về vấn đề tiền bạc. Cách đây chừng bốn năm ngày ảnh lại đến nữa, hai người có hơi to tiếng.
Rùng mình, Phượng nhìn Đình:
– Chị Oanh rủa “mong ảnh chết đường, chết sá cho rồi”. Em ớn cả người khi nghe anh Trường cười lạnh hồn lạnh vía. Ảnh đổi khác quá nhiều chớ không còn như ngày xưa.
Buồn bã, Phượng nghẹn lời:
– Sau đó, Oanh ngồi hút thuốc suốt buổi, chỉ dặn em lúc nào cũng phải khóa cổng nhà, vì lúc nầy Trường uống rượu nhiều và đang rất hận cả hai chị em.
Chống tay tư lự, Tố Phượng bâng khuâng:
– Em không hận ảnh thì thôi, tại sao ảnh lại hận em?
Đình kéo cô vào lòng:
– Đừng nghĩ đến việc đó nữa. Nhưng khóa cổng lại là đúng. Con người uống nhiều rượu vào thì chẳng làm chủ được mình đâu. Có gì xảy ra với em thì cuộc sống nầy với anh không còn ý nghĩa gì nữa. Tiếc cho Trường, có vật quý mà chẳng biết nâng niu, anh ta để lọt vào tay anh rồi sẽ không đời nào lấy lại được.
Phượng phụng phịu:
– Anh làm như em là món đồ gì không bằng.
Đình tán vào:
– Ừ! Em là trái tim của anh. Trước kia anh không có trái tim nên lạnh lùnh, vô tâm, bây giờ khác trước rồi nên lúc nào anh cũng hối hả, gấp rút vì sợ trễ không còn thời gian trống để yêu và được yêu. Mà em phải nhớ đã là trái tim của tổng giám đốc Lâm Đình thì không được mít ướt. Cái khuyết điểm nổi bật ở em là mau nước mắt quá dù em rất bướng và cương quyết.
Phượng liếc mắt:
– Em hay khóc thật nhưng ai mà “thừa nước mắt khóc người không quen”.
đâu.
Cười to, Đình kéo cô vào lòng:
– Em muốn nói gì thì nói bé con ạ. Nhưng thật tình mà nghĩ, anh bao giờ cũng biết ơn những giọt nước mắt của em trong đêm đó. Nhờ nó mắt em mới long lanh, em tim mới thổn thức và em mới tựa vào anh.
– Ư! Cứ nhắc hoài chuyện cũ, thấy ghét anh quá!
– Sao lại ghét! Không có xưa làm sao có nay. Đưa bàn tay cho anh nắm rồi hãy nói ghét thật ghét!
Tố Phượng lặng lẽ nhìn Đình lấy trong ngực áo ra chiếc hộp nhỏ. Anh trang trọng mở nắp ra, và lấy đeo vào ngón tay áp út Phượng một chiếc nhẫn tuyệt đẹp.
Phượng sững sờ nhìn bàn tay mình:
– Ôi! Đẹp quá sức!
Giọng Đình tự hào:
– Bằng hồng ngọc đấy! Viên ngọc vừa đủ che vết sẹo ở ngón tay em...Còn vết sẹo ở tâm hồn em sao rồi?
– Nó tự xóa từ lúc em tựa vào lòng anh đêm nào mà suốt đời không bao giờ em quên.
Nâng mặt Phượng lên, anh âu yếm:
– Anh cũng vậy! Còn bây giờ anh muốn đưa em đi ăn mừng vật kỷ niệm nầy.
Tố Phượng bối rối, cô chớp nhẹ đôi mắt có đôi mi dài đa cảm, giọng rụt rè rất dễ yêu:
– Em muốn...
– Muốn gì bé con?
– Muốn được hôn anh và nói là em yêu anh mãi mãi.
Đình mỉm cười sung sướng:
– Em ngoan quá! Điều đó lúc nào anh cũng sẵn sàng, vì anh là của em rồi mà!....
Khi Đình đưa cô về thì hơi khuya, cổng nhà khép hờ và cửa phòng khách cũng khép hờ. Bên trong tiếng nhạc từ cassette vẫn vọng ra êm dịu chứng tỏ Oanh vẫn còn thức. Bỗng dưng một linh cảm mơ hồ làm Phượng lạnh gáy. Tố Oanh rất kỹ, bao giờ cũng khóa cổng khi vào nhà. Mỗi người có chìa khóa riêng, không ai phải chờ cửa ai. Vậy sao tối nay đã hơi khuya, chị cô vẫn bỏ ngõ thế kia?
Quay lại nhìn ra đường, xe Đình đã mất hút, Phượng chột dạ. Cô bước vội vào nhà và thấy Oanh nằm trên salon, thói quen vẫn thường có đối với chị cô.
Phượng thở ra nhẹ nhõm, cô cầm gói giấy đựng cái bánh paté chaud đưa cho Oanh:
– Ăn đi kẻo nguội! Để em ra khóa cổng đã!
Khi trở vào, Phượng mới nhìn kỹ, Oanh vẫn mặc nguyên bộ đồ đi làm, nét mặt tái xanh lạ kỳ, nhìn cô như kẻ lạc hồn mất vía lơ lơ, láo láo.
Phượng kêu lên hốt hoảng:
– Chị làm sao vậy? Bệnh à!
Giọng Oanh run rẩy khàn đục:
– Không!
Phượng ngồi xuống kế bên:
– Chớ chị làm sao?
Nhìn em bằng đôi mắt thất thần, Oanh thì thầm:
– Trường chết rồi!
– Hả! Ai? Cái gì?
Thốt nhiên Phượng la lên, rồi hỏi lại:
– Chị nói là...
– Là Trường chết rồi! Xe anh rớt đèo!
– Trời ơi!
Tố Phượng rêu lên một tiếng rồi ngả người ra ghế. Cô bải hoải, rã rời không tin vào điều mình vừa nghe. Tự dưng giọng Phượng cũng nhỏ lại như hỏi chính mình:
– Tại sao? Tại sao? Em đâu muốn vậy! Chưa bao giờ, dù rất nhiều lúc em hận ảnh vô cùng. Sao Trường lại phải chết hả chị Oanh?
Oanh không trả lời cô. Hai chị em im lặng nằm rũ rượi trên salon. Không ai khóc cả dù vừa lúc nãy tại đây, Đình đã bảo Tố Phượng rất mau nước mắt.
Lâu lắm, Oanh mới lên tiếng, giọng cô vỡ ra rơi vào thinh không vắng lặng:
– Tại chị! Tại chị đã cướp Trường của em. Tại chị đã làm hỏng đời Trường.
Giá mà ảnh vẫn là của em thì đâu đến nỗi say sưa be bét.
Tủi cực biết là bao, Phượng cắn môi và rồi chẳng ngăn được mình, cô nấc lên. Mãi đến hôm nay Oanh mới nói được với cô điều đó. Oanh nói khi Trường đã chết. Cô vừa lau nước mắt vừa nghe Oanh đều đều giọng như đang cầu kinh sám hối.
– Tại chị! Chị độc ác lắm khi rủa ảnh chết đường chết sá chỉ vì Trường cứ rà rề van xin rồi hăm dọa chị. Chị còn nợ anh Trường món nợ rất lớn Phượng à.
Làm sao chị trả được cho ảnh.
Tố Phượng gượng ngồi dậy. Cô tỉnh táo hơn:
– Ai báo cho chị tin nầy? Có chắc không?
– Xí nghiệp của ảnh. Xe cháy và xác Trường cũng cháy đen. Người ta chôn tại chỗ. Tất cả là ba người. Ba cái xác.
Oanh nhắm mắt khi nói dứt câu cuối. Cô nhớ lại gương mặt, giọng nói và tất cả những gì thuộc về Trường khi anh gần bên cô. Hết rồi! Vĩnh viễn cô không nhìn thấy anh. Mãi mãi Trường sẽ không tha thứ những gì cô đối với anh, dù anh chẳng còn tồn tại trên cõi đời nầy, dù ngoài Trường ra chẳng còn ai biết cô đã làm gì, đối xử với anh ra sao. Thế nhưng còn lương tâm? Oanh chợt đanh mặt lại. Cô không muốn động tới lương tâm, thứ sản phẩm của tâm linh, mà cô đã cho rằng người như cô chưa hề làm điều gì phải cần sự hiện diện của lương tâm để suy xét, phán đoán.
Trong mối quan hệ của cô và Trường thì rõ là Trường yêu cô, mà Oanh lại không yêu anh. Trường phải cung cúc tận tụy để mong làm cô xiêu lòng đoái tưởng bằng tất cả khả năng, sức lực anh có được. Đáp lại lòng si mê cuồng loạn của Trường, Oanh đã không tiếc thân mình. Thế là sòng phẳng! Có gì đâu phải nghĩ ngợi. Những lời Oanh vừa nói với Phượng chẳng qua trong một phút xao lòng vì quá bất ngờ, quá buồn cô đã thốt ra để...em mình đừng hốt hoảng và tự trách thân. Vì Tố Phượng lúc nào cũng dễ khổ với những bi kịch như vậy.
Giọng Oanh chợt khô khan:
– Đừng khóc nữa Phượng! Tại cái số của ảnh như vậy. Suy ra cho cùng, chị em mình không ai có lỗi gì cả.
Tố Phượng nhìn Oanh, cô biết chị mình sẽ nói như vậy sau khi đã đột phát nói những câu như sám hối. Tất cả những lời vòng vo còn nghĩa lý gì khi Trường đã chết.
Khi Tố Oanh dằn mạnh gót giày để bước vào thì trong phòng trật tự chớp nhoáng được vãn hồi. Tiếng máy đánh chữ lóc cóc vang lên thay cho những tiếng cười giỡn ồn ào nhữ vỡ chợ mà ở chân cần thang Oanh đã nghe mồn một.
Những đôi mắt được tô vẽ đủ màu đã cụp xuống trên các chồng giấy đầy con số.
Từ khi trở về làm tại công ty của Duy, Oanh đương nhiên có một chỗ đứng đặc biệt. Mọi người đều e dè trước vị trí đường bệ của cô. Và chẳng hiểu từ đâu những lời thơm thảo tốt lành bắt đầu chảy về phía chân Oanh như con suối mùa nước dâng.
Tố Oanh không phải ngốc nghếch gì để chẳng nhận ra điều đó. Cô thản nhiên đón hết mọi tình cảm dành cho cô. Nấc thang danh vọng bắt đầu từ đâu nhỉ? Phải chăng nó bắt đầu từ những cái cô đang nắm trong tay:
một người đàn ông lớn tuổi.
Đóng cửa phòng Duy lại, Oanh khoan khóai với không khí mát lạnh thoang thoảng hương thơm mà Duy bảo người phục vụ phải phun đầy hai buổi sáng chiều. Ông muốn tạo một cảm giác khó quên lẫn sự ngưỡng mộ cho bất cứ ai bước vào phòng làm việc của ông.
Duy đứng dậy khi nhìn thấy Oanh, đôi mắt ông toát ra vẻ hài lòng vì cô quá đẹp. Oanh biết Duy không thích cẩu thả khi ăn mặc, cũng như ông không ưa mọi cái lòe loẹt khiêu gợi một cách dung tục, nên cô đã khéo léo và cẩn thận từng chút trong việc chọn trang phục sao cho vừa ý Duy.
Sáng nay Tố Oanh thật dễ thương trong chiếc jupe kẻ ô màu đỏ và chiếc áo mỏng màu trắng may kiểu chemise tay rộng, nách rộng. Mái tóc dài của Oanh được Tố Phượng tẩn mẩn tỉ mỉ tết thành chiếc đuôi sam kiểu thêm tóc phồng lên thật dễ thương.
Tố Oanh nghiêng đầu cho chiếc đuôi sam rơi xéo qua một bên vai:
– Mặc thế nầy chắc không đến nỗi tệ hả anh?
Duy lững lờ trả lời trong lúc ngắm cô:
– Mọi câu trả lời đều vô nghĩa cô em ạ! Em giống con gái mười tám thế nầy báo hại anh một tháng nhuộm tóc hai lần, ăn chay bảy ngày cho tiêu bớt mỡ và chẳng bao lâu thành vận động viên cấp quốc tế về bộ môn tennis mà vẫn sợ em chê già, bụng phệ.
Liếc thật ngọt về phía Duy, Oanh nói:
– Anh thừa biết em yêu cái già của anh, nên anh cứ nhắc đến cái già mãi. Bộ định tăng giá chắc?
Kéo Oanh vào lòng, hôn phớt lên môi cô, Duy hỏi:
– Em làm xong chưa?
– Thưa giám đốc, đã xong ạ! Chỉ còn chờ xin chữ ký của ngài thôi.
Oanh chợt ngập ngừng:
– Em được biết Đình nhận linh kiện từ các công ty khác nhiều hơn ở công ty chúng ta...
Mặt Duy chợt sa sầm lại:
– Việc ấy có gì đâu em phải lo. Duy không nói với cô nhưng qua tay phó giám đốc, Oanh biết ông ta đã tìm được thị trường nước ngoài tiêu thụ rất mạnh các linh kiện điện tử của công ty ông. Lúc đầu Oanh không tin, nhưng tay phó giám đốc “xì” thêm cho cô hiểu là Duy được người thân ở nước nầy giúp đỡ, chính người đó đã đứng ra làm môi giới, giới thiệu Duy với chỗ tiêu thụ sản phẩm nầy. Còn người thân quý báu ấy là ai, Tố Oanh vẫn chưa cạy răng tay nầy để hiểu thêm được gì cả.
Có lẽ nguồn tin ấy chính xác nên Duy mới hơi xấc khi nói với Oanh như vừa rồi. Từ khi dứt bỏ quan hệ với Hùng đến giờ, Tố Oanh đã chọn cho mình hướng đi khác. Nhờ dốc lòng học thêm sinh ngữ và tốc ký, Oanh đã theo Đình đi nước ngoài, với đầu óc nắm bắt thực tế rất nhanh và rất thông minh cô làm việc giúp Đình rất tốt, và Oanh cũng manh ma hiểu ra Vương Duy xem cô như một con cờ, dù ông ta có yêu cô ít nhiều theo như cách ông đối xử với cô. Điều đó làm Oanh buồn. Chưa bao giờ Tố Oanh thấy buồn lòng như vậy. Suốt thời gian ở Hồng Kông, Oanh lại nghĩ nhiều đến Duy, mặc kệ bên cô là Đình một kẻ có lần cô đã muốn chinh phục dù cô không yêu và dù cô biết anh ta đang là của riêng của Tố Phượng. Thế nhưng cái thời muốn chứng tỏ quyền lực của mình đối với đàn ông hình như đã qua rồi, để Tố Oanh hiện tại đang quay về với sự cô đơn.
Chưa bao giờ như lúc nầy, Oanh muốn có một tình yêu dẫu muộn màng.
Cô muốn có một mối tình như Đình với Phượng như Mai Nhi với Triết. Thế nhưng những người đàn ông đi qua đời cô còh lại được ai?
Đầu tiên khi đến với Vương Duy, Oanh hòan toàn bị thúc đẩy bởi những ham muốn từ thời còn con gái, cô không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ bị chinh phục bởi Duy. Nhưng qua cách đối xử, cách sống, dần dà Tố Oanh đã nhận ra Vương Duy là người đàn ông hiểu rõ cô hơn ai hết. Oanh tha hồ dùng tuổi trẻ và tài sắc của mình để mình để làm tình làm tội, trói buộc lấy Duy. Ấy thế, ngược lại, hiện giờ cô cũng rất say ông, vắng ông chừng đôi ba ngày là Oanh nhớ quay quắt. Cô có cảm giác trái tim mình không còn nơi nương náu, nó đơn côi, lạc lõng đến khốn khổ. Để khi gần bên Duy, trái tim ấy lại trơ lại bản chất quỷ quái, nó đòi hỏi, tính toán đủ thứ như nó chưa từng bao giờ phải khổ vì ông.
Tại sao vậy? Chẳng lẽ từ thâm tâm Oanh nghĩ rằng mình đã nắm được linh hồn Duy, cô đã chủ quan với bao nhiêu yêu sách của người tự cho mình quyền hành của một người vợ. Nhưng thực tế Vương Duy là con cáo già. Liệu Oanh có hạnh phúc khi làm vợ Duy không? Tim cô dội lên một nhịp đập mạnh. Hình như từ trước đến giờ khi nghĩ đến lúc sẽ là vợ Duy, Oanh luôn sợ mình sẽ bị ràng buộc, bị lộ tẩy khi mất tự do hay sợ những thứ khác không như ý mình,chớ chưa bao giờ cô nghĩ đến chuyện xem cô và Duy có hạnh phúc không? Hai người luôn nói về một sự trao đổi chớ chưa khi nào nói về tình yêu một cách thiêng liêng nghiêm túc dầu cô biết mình đã yêu ông ta. Thế nhưng Tố Oanh luôn nghĩ nếu là vợ Duy nhất định cô sẽ sánh vai cùng ông đưa sự nghiệp đi lên vì hai người có chung tham vọng (?) Nói là một việc, làm lại việc khác. Duy chưa tin tưởng để nói những dự định phát triển công ty với cô. Ông không muốn cô chen vào việc của đàn ông? Điều đó làm Tố Oanh tức tối! Như vậy cô sẽ được gì khi đã là vợ của Vương Duy? Khi đã thật sự yêu bằng máu thịt mình.
Tố Oanh lạnh lùng:
– Việc Lâm Đình nhận hàng của ta ít hơn hàng của chỗ khác là điều em phải lo chớ! Vì em biết công ty của Đình là công ty độc quyền, linh kiện của ta chỉ phục vụ hàng của công ty Đình. Chỉ cần hắn chơi đểu, hạ chỉ tiêu nhận hàng xuống còn phân nửa là đủ cho ta chết.
Rồi như không dằn được, Oanh nói tiếp:
– Chỉ có anh không lo vì anh là giám đốc, anh có kế hoạch riêng mà anh không muốn cho em biết. Anh xem thường em hơn mọi người ở đây, trong khi lúc nào anh cũng dỗ ngọt dỗ ngon “em sẽ là vợ anh, là bà giám đốc. Quyền lợi của anh, địa vị của anh sẽ là của em”. Bà giám đốc tương lai mà chẳng hay biết gì về chuyện ông chồng tương lai của mình sắp làm gì cả!
Duy thở dài. Ông kéo cô ra ngồi bộ salon gần đó:
– Lại giận dỗi! Trẻ con vậy sao Oanh? Đúng là anh có kế hoạch mới về hướng phát triển, về thị trường nhưng chưa chắc chắn, anh chẳng muốn nói với em. Tuần sau, sẽ có người thân của anh ở Mã Lai về, chúng ta mới biết chắc có thị trường hay không?
Giọng Oanh ấm ức:
– Người thân của anh là ai vậy?
– Người...em. Anh nói Oanh cũng có biết đâu, vì cô ta đi lâu rồi!
– Em sẽ được gặp cô ấy chứ?
Duy ngần ngừ:
– Nếu thấy tiện! Chuyện ấy ta sẽ tính sau, đâu phải đó là vấn đề quan trọng đâu Oanh?
Nhìn Duy, Oanh cố tìm xem trong đôi mắt xếch ấy còn cất điều gì hay không.
Nuốt cơn tức trong lòng, Oanh suy nghĩ xem cô sẽ hỏi gì thêm ở Duy để biết rõ hơn về người em gái của ông. Rõ ràng Duy đã nói dối vì ông đã từng nói gia đình ông chỉ độc nhất có ông là con và dòng họ Duy có đặc điểm đặc biệt là không ai có con gái. Hay cô ta là là...Tự dưng Tố Oanh nghẹn người vì một nỗi ghen tuông choáng ngợp. Tố Oanh biết Duy vẫn còn rất yêu người vợ cũ.
Cô đứng thẳng người tung đòn quyết tử:
– Nếu cô em gái ấy là vợ cũ của anh thì em không gặp làm gì. Vì điều đó đâu phải là việc quan trọng. Và em, dầu gì đi nữa cũng có sĩ diện, em đâu muốn làm kỳ đà.
Quắc mắt nhìn Oanh, Duy thảng thốt:
– Ai nói với em? Ai?
Tố Oanh trầm giọng:
– Chính đôi mắt anh nói. Anh còn yêu cô ta ghê lắm. Yêu ghê lắm kìa!
Duy buột miệng:
– Điều đó không ảnh hưởng gì đến quyền lợi và địa vị anh đã hứa với em.
– Nhưng ảnh hưởng đến tình yêu của em!
Nheo đôi mắt với vẻ ngạc nhiên cố ý, Duy cười to:
– Ha...ha...Em vừa hát câu gì vậy Tố Oanh? Có bao giờ em cảm thấy yêu anh ti nào đâu mà lại sợ bị tranh giành ảnh hưởng.
Tố Oanh gằn giọng giận dỗi:
– Anh thật sự nghĩ về em như vậy sao?
Nhìn Duy trầm ngâm không nói rằng. Oanh thấy não nề và đau đớn như vừa bị ai đấm vào ngực. Cô có thật sự khổ sở vì ghen tuông thì Duy cũng cho rằng cô đang diễn trò như từ trước đến giờ cô vẫn điên, chớ ông không ngờ tim cô đang buốt nhức vì lo sợ....Oanh chớp mắt. Cô mà cũng ghen à!
Tựa lưng vào ghế, Oanh cố nén nỗi xúc động bất ngờ và nỗi lo từ sâu thẳm của sự toan tính được hay mất. Phải thật thà mà nói, chưa bao giờ Tố Oanh nghĩ đến lúc người đàn bà một thời đắm say của Duy sẽ trở về. Dù biết đó là vết thương không lành mà ông luôn né tránh mỗi lần cô châm chọc. Nhưng Oanh cũng kiêu hãnh cho rằng hiện tại cô đang có ông trong tay, còn dĩ vãng đời ông chỉ là một kỷ niệm đẹp đã chết từ lâu rồi. Người đàn ông nào khi đắm mình trong hiện tại với một cô gái có lắm thứ hơn người về khôn ngoan, tài sắc như Oanh thì cũng kiếm dư thời gian để nhớ về thời xưa ấy.
Xem chừng không phải mọi việc diễn ra như cô đã chủ quan nghĩ. Oanh mới vừa chạm nhẹ vào bóng dáng vẫn còn lẩn khuất chớ chưa rõ mặt của cô ấy thôi, là Duy đã muốn hậm hực rồi!
Tố Oanh bàng hoàng. Đó là tình yêu chớ gì nữa. Với cô, Duy chẳng bao giờ như vậy cả. Ông thừa biết cô dan díu với Trường, rồi sau nầy hò hẹn với Hùng.
Đỏ mặt, cô khổ sở nghĩ tiếp, thậm chí Duy còn đọc cả ham muốn thầm kín của cô để...xỏ lá tung tin Đình bất lực...Nhưng tất cả những việc làm, cuộc sống của Oanh, Duy vẫn dửng dưng vì đó chẳng liên quan gì tới tình yêu của ông cả, và cũng chẳng liên quan tới sự trao đổi của cả hai người.
Đến bây giờ Tố Oanh mới lặng người khi nghĩ ra những điều đó. Cô thấy mình bị xúc phạm vì việc đã rồi. Cười hiu hắt, cô nói lảng sang nhiệm vụ:
– À! Anh ký tên đi, để em đưa cho ông An hồ sơ nầy.
Xoay người Oanh lại, Vương Duy nghiêm nghị:
– Em nghĩ gì, nói anh nghe coi?
– Sao anh không trả lời câu hỏi của em, mà lại bắt em phải nói suy nghĩ của em cho anh nghe? Em chẳng nghĩ gì cả, vì em đâu có trái tim, vì quyền lợi và cả địa vị của em nữa đâu bị ảnh hưởng gì. Em nghĩ lẩn thẩn làm chi cho mệt cơ chứ?
Duy lại im lặng, ông buông Oanh ra, cô biết mình đã thua. Trước đây bao giờ nghe Oanh dỗi hờn, phiền trách Duy cũng xoắn xuýt tìm cách đáp, dối lại, trêu chọc cho cô vui. Hôm nay thì không, một là do tâm trí ông bất ổn, hai là việc ấy chẳng còn cần thiết nữa. Trái tim lạnh lùng của Oanh siết lại, lo sợ. Trời ơi! Lẽ nào cô để vuột ông? Không! Không thể nào để vuột mục đích lẫn tình yêu cô đang đeo đuổi. Phải mềm dịu và chịu lép một chút.
Tố Oanh buồn rầu mân mê chiếc bím tóc rất dầy. Chỉ đôi ba cái chớp mi thôi, nước mắt Oanh đã ứa ra hoen mi:
– Quyền lợi, địa vị, những thứ ấy có nghĩa lý gì khi đã không có tình yêu thật sự giữa đôi bên.
Vương Duy trầm giọng:
– Lại than thân trách phận nữa rồi! Anh ngạc nhiên thật đó khi nghe em đề cập đến tình yêu. Cái thứ mà có lần em bảo là xa xí phẩm của trái tim. Té ra em cũng có thay đổi đó chớ! Trái tim anh lại không thích những thứ ấy. Tình yêu của anh luôn được bảo kê bằng hiện vật giá trị thực tế, chớ không phải như xa xí phẩm dùng một lần rồi vứt.
Cầm bàn tay thon thả của Oanh lên, Duy bóp nhẹ và để lên đùi. Ông tháo chiếc nhẫn mặt ngọc bích ở ngón út ra lồng vào ngón tay đeo nhẫn của Oanh:
– Nhìn thấy nhẫn là sẽ nghĩ đến anh. Còn tình yêu hả, khó nói quá khi chúng ta hiểu về nhau nhiều hơn chúng ta tưởng. Lẽ ra em không nên dùng dằng khi anh muốn chúng ta làm đám cưới ngay. Vì em biết đó, có những thứ rượu càng để lâu men càng nồng uống càng say, cũng có những thứ rượu để lâu lại biến chất, thành vô vị nhạt nhẽo.
Tố Oanh bặm môi, cô đã tính sai một nước cờ khi muốn lượn lờ kéo dài thời gian chờ đợi để treo giá với Duy. Thì ra cô không cao giá như cô vẫn tưởng.
Ông ta vừa ló mòi cho cô thấy rồi đó.
Duy mềm mỏng phán quyết tiếp theo ngay:
– Anh muốn em trả lời dứt khoát. Bao giờ sẽ cưới? Anh không chờ đến qua năm được. Với anh, khi đeo cho em chiếc nhẫn nầy có nghĩa em đã là vợ anh.
Em hiểu điều đó chứ!
Tự dưng, Oanh buột miệng:
– Nhưng vợ anh...sắp trở về.
Duy lắc đầu:
– Không có vợ nào hết. Người đàn bà đó đã ra khỏi nhà anh, cô ta trở về làm điều tốt cho anh nhưng đâu còn là vợ anh nữa.
Oanh nghẹn lời:
– Anh vẫn còn đau khổ vì yêu cô ta.
Duy lạnh lùng một cách bất ngờ:
– Việc ấy anh đã bảo hòan toàn không ảnh hưởng đến em kia mà!
Tố Oanh não nề kêu lên:
– Anh chỉ cần một người vợ chớ không cần tình yêu!
Mỉm cười, Duy nhỏ nhẹ vỗ về cô:
– Em cũng muốn vậy, bộ em quên rồi sao? Trái tim em đâu cần ba thứ xa xí phẩm ấy. Anh định chúng mình sẽ cưới trước Đình và Phượng. Được chứ Oanh!
Sao lại không được! Tố Oanh tự trả lời mình, vừa hoang mang tột cùng.
Vương Duy bao giờ cũng thẳng thừng như ngã giá với cô. Trước kia Oanh cho là ông ngông không muốn hạ mình tỏ tình với cô, nên cô rất thích thú lối nói kiểu trao đổi bán buôn. Nay cô hiểu, ông nói vậy vì ông không yêu cô thật sự như cô nghĩ. Duy chỉ muốn một người vợ trẻ, khỏe, đẹp, thông minh sanh cho ông những đứa con và phụ ông trong công việc. Ngòai nhiệm vụ ấy ra, hết rồi, chẳng còn chút lãng mạn nào nữa đâu.
Bây giờ Duy lại muốn đám cưới ngay. Phải ông muốn dùng Oanh làm tấm bình phong che nỗi buồn khổ khi gặp lại vợ cũ của mình không? Phải Duy còn nhớ thương bà ta nên vẫn ở một mình, vì vậy ông vội vàng tiến tới với Oanh không? Cô gạt phăng suy nghĩ ấy ngay. Chắc không phải đâu? Vương Duy luôn yêu Oanh nhưng ông không muốn thú nhận như vậy. Mà ngược lại, Duy muốn cô phải quỳ lụy vì ông kìa.
Tại sao Duy không thấy những đổi thay từ cô? Oanh đã từ bỏ quan hệ với Trường cũng vì lòng cô thật sự hướng về ông, để Trường say sưa vô độ dẫn đến cái chết. Cô cũng dứt hẳn liên lạc với Hùng vì anh ta từ xưa đến nay chỉ là tên khóac lác rỗng ruột chẳng xứng với đầu óc của Oanh. Thế Duy còn muốn gì nữa mà cứ đem tiền tài, danh vọng ra gán ghép cho cô.
Rân rấn nước mắt, Tố Oanh ấp úng nói rất thật lòng mình:
– Với em chuyện đám cưới không quan trọng bằng cuộc sống thật sự. Trái tim em cần tình yêu của anh, chớ em không cần thứ khác. Nếu anh cần một người vợ chớ không cần tình yêu, thì rất tiếc em không là vợ anh được.
Qua màn lệ nhòa, Oanh lại thấy Duy cười nụ cười mới lạ làm sao với giọng giễu cợt như thật của ông:
– Tố Oanh ạ! Bao giờ em cũng biết nâng giá hàng đúng lúc. Anh yêu em ở điểm đó. Ai bảo với Oanh rằng anh lấy vợ không cần tình yêu vậy? Anh yêu em chớ sao không. Mà nầy, nếu vì nghi ngờ lòng anh rồi từ chối đám cưới thì tiếc thật!
Môi Duy lại nhếch lên quái quỷ:
– Lúc nào anh cũng yêu em ngang với tình em yêu anh. Vừa lòng chứ! Chúng ta cưới nhé!
Tố Oanh ráo hoảnh cả nước mắt.
Cô muốn rêu lên một tiếng cho đỡ khổ vì Duy vẫn cố tình đùa cợt với lòng thành thật của cô.
Trời ơi! Lúc cô nói rất chân thành cũng là lúc Duy đáp lại rất chân thành. Với ông, cô vẫn là một diễn viên chuyên nghiệp.