Phần I - Chương 1
I: NGƯỜI TRỞ VỀ

 

 

 Cô Chín ngự đồng dệt gấm thêu hoa
Thêu non, thêu nước, cô thêu ra đôi rồng chầu 
( Văn Cô Chín ) 
 
Đẹp lạ đẹp lùng
Rõ ràng cô Chín trong đền Sòng cô giá lâm
( Văn Cô Chín )
 
 Người đàn ông đã đứng tuổi, mặc bộ quần áo nâu bạc phếch, vai đeo cái đẫy cũng bằng vải nâu trên có những miếng vá bằng vải đen, đang rảo bước trên con đường đá gan gà chạy dọc theo chân một dãy đồi. Những quả đồi thấp như bát úp, cây cối rậm rịt tạo thành một khu rừng tạp xanh tốt. Có những cây cao đầu phủ dây tơ hồng như đội mớ tóc giả màu vàng nuột nà; đám tơ hồng được ánh sáng chiều chiếu vàng, chúng như những cái đầu hãnh điện rung rinh để làm duyên cho khu rừng.
Người đàn ông dáng nôn nóng, hối hả, không giấu được vẻ háo hức, sung sướng khi ngắm cánh rừng và nhất là khi ngắm cái hồ lớn xanh ngắt nằm giữa vòng vây của núi đồi. Cái hồ xanh lục, như một tấm gương trời bao la, thu hình những ngọn đồi, những cánh rừng xung quanh, in bóng cả những cánh chim trời thỉnh thoảng lại xáo xác vỗ cánh bay vút lên từ một đám lau sậy ven hồ; chúng lượn vòng, lặng im không vỗ cánh, nương theo gió mà nghiêng nghiêng đầu, chăm chăm nhìn làn nước xanh như thể muốn tự chiêm ngưỡng cái dáng thon thả và bộ lông màu trắng duyên dáng và tinh khiết thêm cái mào đỏ rực rỡ của mình. Người dân ở đây bảo đó là loài hạc quý chẳng biết có đúng hay không.
 
Một cô gái chừng mười ba tuổi, váy đen, áo nâu, vấn khăn còn vụng để tóc lõa xõa trước mặt. Cô đi sau người đàn ông, vai quẩy chiếc đòn gánh ở hai đầu là hai chiếc bị rách. Cô gái kêu lên:
 - Thầy ơi? Nghỉ lát đã, con mỏi chân lắm rồi.
 Người đàn ông tóc hoa râm dừng chân lại, hiền từ nhìn con gái. Hai cha con ngồi bệt xuống vệ cỏ, mắt nhìn ra hồ.
 - Đã về đến quê rồi hả thầy? - Cô con gái hỏi.
 - Đã hai chục năm rồi, nhưng cảnh chẳng khác xưa mấy tí. Hồ này tên là hồ Huyền vì nước sâu màu đen. Tuy thế nhưng nước trong lắm. Ở phía Tây hồ có con sông, hồ thông với sông. Sang bên kia sông, ngọn núi phía đầu dòng là núi Mẫu, trên đó có đền thiêng. Ngọn núi phía dưới dòng là núi Đùng, Ở đó có nhiều chuyện lạ.
 
Người cha như hồi tưởng, cố lục tìm trong trí nhớ để kể cho con gái nghe về vùng quê cha đất tổ.
 - Thế còn làng mình...
 - Nó ở gần cửa sông, đi khỏi cánh rừng này thì đến. Các cụ già có chữ gọi nó là làng Cổ Đình. Còn dân thì vẫn gọi nó là làng Kẻ Đinh.
 - Kẻ Đinh là gì hả thầy?
 - Ông nội bảo làng này, ngày xưa, toàn con cháu họ Đinh. Có người bảo họ Đinh từ Ninh Bình ra. Thấy nơi đây đất lành chim đậu, nên dừng chân lập làng, lập ấp. Lại cũng có người nói rằng họ Đinh từ phía Hòa Bình xuôi xuống, vậy là gốc Mường. Cổ Đình nằm giữa vùng đồi núi và vùng đồng bằng.
 Cô gái ngây thơ mỉm cười:
 - Vậy, gia đình ta gốc ở đất Mường.
 
Người đàn ông sờ tay lên khuôn mặt, ra chiều suy nghĩ. Lúc này, mới nhìn rõ gương mặt của ông ta. Một nửa gương mặt đẹp, một nửa xấu xí. Phía đẹp là phía trái, với con mắt rất sắc; cái mũi vừa phải, thẳng và thanh tú; gò má xương xương khắc khổ; cuối cùng là một nửa đôi môi mỏng, hơi mím lại, chứng tỏ một trí lực bén nhạy và điềm tĩnh quyết đoán. Còn nửa phía phải? Nửa gương mặt ấy ai mới nhìn đều thấy sợ. Nửa gương mặt ấy là một vết sẹo to và đỏ. Vết sẹo do bị bỏng thì phải. Vết sẹo khi lành đã co kéo làm biến dạng khuôn mặt. Nó kéo khóe môi phải nhếch lên; nó làm cho mi mắt phải không khép lại được, làm cho con mắt ấy luôn luôn mở trừng trừng, thức cũng như ngủ. Hình như người đàn ông cũng ý thức được ý nghĩa của hai nửa mặt của mình nên khi nói chuyện với con, ông luôn ngồi ở chỗ để cho cô bé, khi nhìn ông, luôn chỉ thấy phần bên trái đẹp đẽ của gương mặt mình.
 
Còn cô con gái, sau khi đã đỡ mệt, cô đứng lên, chạy qua bãi cỏ rộng, ra hồ nước. Cô bé như con nai tơ mới lớn. Tuy rách rưới và có vẻ lam lũ, nhưng dáng cô bé chạy thật là yểu điệu. Đôi tay vung vẩy nhẹ nhàng, đôi chân nhún nhảy kín đáo dịu dàng. Tay trái cô đặt trước bụng giữ tấm áo, thân hình cô đung đưa thật duyên dáng.
 
Đến hôm nay, người cha mới chú ý đến cái dáng vẻ của cô con gái. Cô bé đã lớn bồng lên từ lúc nào mà ông chẳng hay. Cô đã thành thiếu nữ từ bao giờ mà ông không biết. ông chợt thấy bàng hoàng trong tâm khảm:
"Trời ơi! Sao con bé, khi chạy, lại giống mẹ nó đến thế".
Cô gái đã chạy tới mép nước. Nước xâm xấp ngọn cỏ. Nước từ gót son của cô gái long lanh bắn tóe lên. Cô gái cười với nước. Tiếng cười lanh canh giòn như pha lê.
"Trời ơi! Cả đến tiếng cười của nó nữa! Y hệt giọng cười của mẹ".
Cứ như thể cô Thắm, người vợ quá cố của ông đang hiện hình về ngay trước mắt ông. Cứ như thể ông nghe thấy tiếng hát trong veo của nàng đang lượn lờ trong không trung. ông bắc tay làm loa gọi với theo:
 - Con chú ý kẻo sa xuống chỗ nước sâu.
 
Người đàn ông đó tên là Phác, Hai Phác, con cụ đồ Tiết. Cụ Tiết có hai người con trai: nhớn là Chất, em là Phác.
 
Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, các cuộc nổi dậy chống Pháp sau thời kỳ Cần Vương vẫn mọc lên như nấm. Ngoài những cuộc khởi nghĩa danh tiếng như Đề Thám, Đốc Ngữ còn có nhiều cuộc khác cũng tự xưng là ông Đốc, ông Đề, ông Đội, v.v... Ở vùng Cổ Đình có người học trò tên là Nghĩa cũng dấy binh phá đồn phủ, nên cũng được dân tôn xưng là ông Đề Nghĩa. Nghe nói lúc còn nhỏ, Nghĩa theo cụ đồ Tiết học chữ thánh hiền. Chất và Phác thuộc lớp em út của Nghĩa. Nghĩa đã ngoài bốn mươi, còn Chất, Phác ở dưới tuổi hai mươi. Là nhà nho lúc nào cũng canh cánh cái nhục mất nước, nên cụ đồ Tiết khi thấy anh học trò lớn dấy binh, liền trao luôn hai đứa con trai của mình đi theo Đề Nghĩa. Quân lính của Đề Nghĩa chưa đến một trăm tay súng, còn lại toàn đao kiếm cả. Họ đánh trận phục kích giặc đi tuần, đột hiện tấn công đồn, dùng chiến thuật thoắt hiện thoắt biến, thường bất ngờ đánh vào những chỗ yếu của địch. Nghĩa quân hoạt động suốt một dải rộng lớn gồm Sơn Tây, Phú Thọ, Hòa Bình, rồi có lúc vào tới cả Thanh Hóa. Cũng có một vài trận thắng giòn giã như trận đánh đồn chợ Sơn, tên quan hai khố xanh tên là Ferray bị nghĩa quân vây bức phải trốn chạy bằng thuyền, rồi phó mặc cho dòng nước sông Đà hung dữ cuốn đi, may mà thoát chết. Đánh nhau suốt ba năm ròng. Lúc đầu, nghĩa quân còn khỏe, còn hăng, lại luôn thắng trận nên phấn khởi lắm. Nhưng về sau, quân Pháp rút kinh nghiệm, không dàn quân nhỏ lẻ nữa, mà co cụm lại thành đồn lớn, sức nghĩa quân không đủ mạnh để phá. Trong khi ấy, Pháp cho ba tiểu đoàn càn quét săn đuổi. Chạy liên miên, đói khát liên miên sau đó bệnh tật sinh ra. Cuối cùng, nghĩa quân phải rút vào Thanh Hóa. Lúc khởi binh, chừng hai trăm quân; lúc bị bao vây không có lương mà ăn, chỉ còn vài chục người. Ông Đề Nghĩa biết mình khó trụ vững, liền tập hợp những nghĩa sĩ cuối cùng của mình lại và nói rằng:
 “Trời đã chẳng giúp chúng ta. Đề Nghĩa này đã hết lòng tận trung với nước, nay đã sức cùng lực kiệt.
 Một lạy này, Nghĩa xin gửi tới non sông.
 Còn một lạy này, Nghĩa xin gửi tới anh em để tỏ lòng biết ơn những người bạn đã chung lưng đấu cật, sống chết có nhau, cùng trải qua những lúc nằm gai nếm mật.
 
Ta thẹn vì nỗi tài hèn nên đã để anh em lâm vào bước đường cùng. Nhưng, ta chẳng muốn để anh em cùng ta đi vào chỗ diệt vong.
 
Hãy nuốt nước mắt. Hãy nuốt mối hận thù vong quốc vào tận đáy lòng. Hãy đi về nơi thôn ổ, hoặc vào chốn thâm sơn cùng cốc, rồi mai danh ẩn tích, mà đợi thời vùng dậy.
 
Nếu bản thân cũng sức tàn lực kiệt, không làm gì nổi nữa, thì hãy dạy con, dạy cháu, chớ bao giờ được quên nỗi quốc sỉ này...".
 
Gần một trăm nghĩa sĩ đã im phăng phắc nghe những lời nói cuối cùng của Đề Nghĩa. Họ đã vâng theo lời chủ tướng, thay hình đổi dạng, chia tay nhau mỗi người mỗi ngả. Họ đã trèo đèo lội suối vào những bản rừng xa xôi chẳng ai đặt chân tới, cũng có người lẩn vào đám dân manh lệ, những kẻ lang thang đói khát mà vào thời đại loạn ấy rất nhiều. Nhờ sự kịp thời của chủ tướng nên phần đông trốn thoát.
 Còn Đề Nghĩa, ông bị sốt rét chết trong rừng sâu. Bọn tay sai cắt đầu ông, nộp cho Tây lấy thưởng.
 
Trong đám tàn quân lưu vong ấy, có mặt hai anh em Chất và Phác.
 
Chất bảo em:
 - Anh là con cả, cần phải quanh quẩn gần quê, để còn có thể biết tin tức cha già và báo hiếu cho cha. Còn em là con thứ, lại là người tài hoa, lại nhân tai nạn mà biến đổi khuôn mặt. Vậy, hãy trốn chạy thật xa, thay họ đổi tên, lấy vợ đẻ con, để mai sau lỡ ra anh gặp điều chẳng may, thì còn có em để tiếp nối huyết thống dòng họ Đinh nhà ta.

Các vị kỳ mục nghe thế cười ầm cả lên. Tích lên “tiên” do cánh trai tráng tuần đinh nói ra. Ở cuối làng có quán bà đĩ Ong, dưới gốc cây gạo. Chồng bà đĩ Ong mắc ho lao, nhưng vợ lại đẻ được thằng cu xinh đẹp đáo để. Ông Lý ra quán, bế thằng bé lên, hỏi tên nó là gì. Bà đĩ Ong bảo:
- Ông ấy là Ong, tôi định đặt tên cho nó là Bướm.
- Bướm hả? Con trai sao lại đặt là Bướm. Nghe nó tức cười. Hay thế này, tôi đặt tên hộ cho. Gọi nó là Điệp thì hay hơn. Nguyễn Văn Điệp. Đúng! Chữ nho điệp cũng nghĩa là Bướm. Bà đĩ Ong cảm cái ơn ấy nên để ông hương nhận Điệp là con nuôi. Ông hương không có con trai, chỉ độc mụn con gái, nên cũng khoái. Tiếng là nhận con nuôi, nhưng ông hương có nuôi Điệp ngày nào đâu. Thằng Điệp được cái học hành sáng láng. Bà đĩ Ong nuôi nó đỗ được bằng Sép phi ca. Ông hương đi đến đâu cũng khoe nhắng lên: Thằng Điệp nhà tôi đỗ bằng Sép phi ca, ngang như các cụ ngày xưa đỗ tú tài. Người làng vẫn ngờ cái vụ con nuôi này lắm. Đến mấy năm sau, ông chồng bà Ong ốm nặng, suất ngày đêm trùm cái chăn chiến đỏ nằm trên giương. Rồi một đêm, ông hộc ra một đống máu mà chết. Các bà chép miệng:
- Khổ! Vợ thì cứ phây phây. Chồng lại ho lao thổ huyết. Chết là phải.
Cánh trai tuần đinh cười hì và kể:
- Có phải lão thổ máu vì ham mê vợ đâu. Còn sức đâu mà làm.
- Lão ấy không làm thì đã có ông tiên làm hộ. Một đêm ông tiên mò vào nhà lão Ong, lên giường với mụ Ong. Lão Ong nằm ở giường bên cạnh đã ngủ thiếp rồi.
Lão tiên cùng mụ Ong ôm nhau ở giường sát bên, lấy cái chăn rách trùm lên người. Lão Ong đang ngủ cứ thấy bên giường vợ cục kịch. Lão bỏ chăn trùm đầu ra. Ánh ngọn đèn dầu lạc tuy mù mờ nhưng cũng đủ để lão trông thấy cái chăn rách cứ nhô lên, hụp xuống liên tục. Lão hổn hển, định ngồi dậy bắt quả tang, thì lại nghe tiếng vợ lão rên lên ầm ầm:
- Sao thế này? Tôi lên tiên, ới ông tiên ơi? Lên tiên!
Lão Ong tức quá, hét to, thế là hộc máu ra ồng ộc, ngã vật xuống chết tươi.
Một đứa hỏi:
- Ông tiên là ai trong làng nhỉ? Chẳng lẽ là cụ tiên chỉ?
-Mày ngu ơi là ngu. Mày vu cáo cho cụ tiên chỉ là người đạo cao đức trọng trong làng, mày có muốn chết không?
Hãy nghĩ đi. Thằng Điệp là con của ai? Ông Ong ho lao như thế, một bữa ăn chẳng hết một bát cơm, liệu có thể ham hố được không, liệu có thể có con được không? Mà tại sao thằng Điệp lại được nâng đỡ như thế. Riêng mình nó, được làng cho cấy hai sào ruộng học, thuộc loại nhất đẳng điền. Ở cái làng này, đi học, có ai được như nó không?
- Ừ nhỉ có thế mà em không nghĩ ra.
Mấy năm vừa rồi, quả là ông hương, lúc phân chia học điền, có chút ưu ái cho thằng Điệp thật. Mới đầu, người ta nghĩ Điệp là con nuôi hương Ất, nhưng đến nay thì người ta nghĩ khác hẳn đi rồi.
Lý Cỏn nói “lên tiên” với hương ất chẳng qua chỉ là nói đùa. Ai ngờ hương Ất nổi đóa lên. Lão nghĩ về lý Cỏn:
"Cái thằng này, chính tay mình bày mưu tính kế cho, nâng đỡ vận động cho, mới được cái chức lý trưởng. Thế mà nay nó ăn cháo đá bát. Nó về hùa với bọn đầu trâu mặt ngựa nói xỏ mình".
Ông hương, ông lý lời qua tiếng lại, đi đến chỗ to tiếng ngay chốn đình trung. Cụ tiên chỉ Nhậm đến sau, thấy thế, quát to:
- Láo xược! Các anh không coi quốc pháp, gia pháp ra gì nữa sao. Anh lý, anh hương im ngay, lại đây tôi bảo... Thôi, tôi biết cả rồi, không phải kể dài dòng cho thêm xấu ra... Đến ngay, đứng trước mặt tôi...
Ông tiên chỉ, tay trái chống nạnh, tay phải cầm ba toong giơ lên. Ông ta thật oai vệ, thật hách. Lý Cỏn, hương Ất im re. Cả đám hào lý cũng im re. Ông lấy ba toong quật cho hai người, mỗi người ba gậy thật đau rồi quát:
- Các anh về nhà ngay. Không được nói một lời nào nữa. Tí nữa về, tôi sẽ bảo.
Rồi cụ tiên chỉ quay ra, nói với mọi người:
Còn các cụ, các ông, tôi cũng xin đấy. Làng mình có lịch, có lề. Những chuyện đồn đạo nhảm nhí như thế từ nay phải dẹp. Phải giữ lấy lễ nghĩa, trên dưới, phép tắc, nếu không thì làng ta loạn mất. Nhà nào nhà nấy phải bảo con bảo cháu, cấm tiệt chuyện ngồi lê mách lẻo, đồn đại nhảm nhí...
Sau bận ấy, làng im hẳn chuyện "lên tiên", song cấm là cấm nói chứ ai cấm được nghĩ trong bụng.
Cậu Điệp số son thật. Không hiểu bà đĩ Ong chạy chọt ra sao, cậu được lên huyện làm thư ký. Cậu con nuôi này vẫn được ông hương khen là người biết lễ nghĩa. Hàng tháng đều đặn, cậu vẫn quà cáp biếu ông hương bố nuôi một hộp đồng thuốc phiện. Và có chuyện gì trong huyện cậu cũng đều báo cho ông hương biết.
Hôm nay, khi lý Cỏn nói câu "Lại anh ký Điệp", hương Ất đã nóng tai định vặc lại, nhưng cụ tiên chỉ lườm lườm rồi nói:
Chuyện anh Mường năm xưa bên nhà cụ đồ Tiết, nói thực, ta giải quyết không ổn. Cụ đồ Tiết với tôi ngày xưa vốn là đồng môn. Gia đình họ Đinh bên ấy cũng là nhà đáng nể. Tuy nhiên, tình là một nhẽ, lý lại là nhẽ khác. Ai cũng biết, trên tỉnh, trên huyện, người ta vẫn để ý tới nhà ấy. Mà không để ý đến sao được. Ông bạn đồng môn của tôi đi tù ở đảo Côn Lôn về cơ mà... Chuyện hai đứa trẻ đánh nhau tôi nghĩ không quan trọng. Cái quan trọng là ở chỗ khác. Ông lý nhỉ. Thế cái người cháu họ ngoại của ông đồ Tiết tên là gì nhỉ?
- Dạ, hắn ta tên là Huyền.
- Họ đã đến gặp ông lý chưa?
- Dạ, cụ đồ đã dẫn đến, nhưng con đi vắng nên chưa gặp mặt.
- Đấy, tôi nhắc anh lý, chuyện ấy mới quan trọng.
Nghe đâu anh ta từ dưới Nam lên, định xin ngụ cư. Anh lý xem xét kỹ. Người ngụ cư cần phải xét kỹ, nhất là đến nhà ông đồ. Anh là người nhất lý chi trưởng. Việc xét không kỹ, phần trách nhiệm sẽ đổ xuống đầu anh. Là người cai trị dân, cần phải tinh vi ở những chỗ ấy. Tuy nhiên, cũng phải trấn tĩnh nhá.
Tiên chỉ Nhậm ăn nói thật chặt chẽ, thế mà lúc về ông còn nói riêng với lý Cỏn:
- Anh phải dạy em chị Ba nhà anh. Hai đứa đánh nhau. Ừ thì mình là người lớn, đứng giữa can chúng ra, chuyện ấy không sao. Đằng này, cô vợ anh đã không bênh con, lại còn đấm vào vai thằng Có mà than: "Con ơi là con, sao mày đánh nó, không được đánh nó!". Hóa ra chị ta bênh người họ Đinh mà không bênh con anh. Lạ thật? Lạ thật?
- Thưa ông làm gì có chuyện ấy?
- Thì người ta mục kích tận mắt, về kể cho tôi.
- Thế hả ông?
Lý Cỏn không về nhà vợ cả mà đến nhà vợ ba ngay. Ông kéo bà Ba vào trong buồng. Bà Ba nghĩ: "Quái! Mọi khi bao giờ cũng ban chiều. Hôm nay dở chứng hay sao mà lại đòi vào lúc sáng". Bà Ba vào buồng, vội nằm lên giương, tốc váy lên. Lý Cỏn xua tay lia lịa:
- Hạ xuống! Hạ xuống? Không phải chuyện ấy.
- Thế thì chuyện gì? Sao mặt ông hầm hầm thế kia?
- Không biết tội à?
- Tội gì?
- Tội mày to lắm.
- Chuyện gì thế không biết được?
- Thằng Điều... Thằng Cò...
- Tưởng gì. Tôi đã can chúng nó ra.
- Bà can, nhưng thực ra là bênh người họ Đinh.
- Dở hơi? Can mà lại bảo là bênh. Điên rồi hay sao?
- Đúng! Tao điên đấy. Mày không được phép nghĩ đến người họ Đinh. Ông thì giết! Ông thì giết!
Lý Cỏn run đôi tay. Bà Ba lùi bước cho đến sát tường.
Đã có mấy lần hắn như vậy. Nhìn thấy dáng điệu của lý Cỏn, bà Ba vừa thấy thương, thấy tức, lại thấy sợ. Sợ là phải, vì hắn xông tới, túm lấy tóc vợ. Hắn thầm thì "Đứng yên". Rồi hắn lấy hai ngón tay cấu vào vú bà Ba. Ai dạy hắn cách hành hạ vợ như thế? Không biết được! Chỉ biết rằng, lúc ấy, hắn chỉ muốn xé cho nát hai cái bầu sữa của vợ, đôi vú mà cả làng Đình này đều cho là đẹp. Bà Ba kêu:
- Ối ối! bỏ ra! Bỏ ra!
- Cấm được kêu! Câm họng lại
Mắt lý Cỏn đỏ ngầu, long sòng sọc. Đôi mắt làm người vợ sợ chết khiếp. Bà không kêu nữa. Nước mắt ràn rụa.
Bà rên. Bà Ba nghiến răng chịu đựng. Lần này là lần thứ hai, lý Cỏn đã hành hạ bà theo kiểu như thế.
Thường thì lý Cỏn rất lành, lại còn biết âu yếm nữa.
Nhưng lúc này, hắn như có ma nhập vào. Hắn ghen đấy.
Nhắc đến người họ Đinh là hắn lên cơn như thế. Lần trước cũng vậy, hắn đã hành làm đôi vú của bà bị thâm tím. Đau gần một tháng trời mới hết. Lần này, hành hạ vợ xong, lý Cỏn ngồi trên chiếc ghế dựa, thừ người ra, hai tay thõng thượt. Còn bà Ba, bà nằm nghiêng trên giương, tóc xổ tung. Hai tay ôm mặt, bà khóc thút thít.
--!!tach_noi_dung!!--

Đánh máy: Bobo, binhnx2000, dqskiu, quocdung, inside, Tovanhung, Ct.Ly
Nguồn: Nhà xuất bản phụ nữ Hà Nội - Thư viện Ebook.com
Được bạn: Ct.Ly đưa lên
vào ngày: 9 tháng 2 năm 2007

--!!tach_noi_dung!!--
--!!tach_noi_dung!!-- --!!tach_noi_dung!!--
Truyện Cùng Tác Giả Hồ Quý Ly Mẫu Thượng Ngàn Trư Cuồng