Cũng vào những ngày này, tuyết trắng phau bay xuống đầy kinh thành Đại Đô nước Nguyên. Các tướng khiếp tiết, loại thân vệ, đã mặc quần áo chiến may bằng lông thú xứ lạnh. Họ dàn quân túc vệ ngoài cửa hoàng thành mười dặm để đón hoàng tử Thoát Hoan đi hành hương về. Lúc đó trên vọng lâu cửa cấm cung, Hốt Tất Liệt hoàng đế triều nhà Nguyên của “thiên quốc”, đứng nhìn con trai đang dẫn đoàn người ngựa phi đến trong một cơn lốc bụi tuyết mịt mù. Hốt Tất Liệt cảm thấy bằng lòng về mình, vì đã theo đúng lời di huấn của cha là phải gìn giữ sao cho chất máu thảo nguyên vũ dũng vẫn tiếp tục lưu thông trong huyết quản, mặc dù triều Nguyên đã lập nên ở vùng đất trồng trọt phì nhiêu từ bao đời nay đã có một nền văn minh cao. - Ta, con của Tô Lui, cháu của Thành Cát Tư Hãn, vị đại hãn đầu tiên của chín tộc Thát Đát chúa tể thiên hạ, hiện nay đang trị vì đất Trung Quốc rộng bao la, người đông như kiến. Ta vẫn làm tròn lời di huấn của ông cha ta. Một niềm tự hào dân lên nóng tai Hốt Tất Liệt. Nguyên chúa tự hào về đứa con trai của mình. Đúng là một chàng trai anh hùng như con chim ưng trên thảo nguyên. Hốt Tất Liệt nhớ lại một câu nói đầy lo âu của ông nội. Lần ấy trước đây vài chục năm, Thành Cát Tư Hãn thân chinh đánh nước Khôresmơ. Kinh thành Mécvơ của nước này trở thành một bãi hoang tàn. Bảy mươi vạn người Mécvơ bị chặt đầu cùng với quốc vưong Khôresmơ. Nhưng hoàng tử Khôresmơ trốn thoát, lấy dân binh chống lại. Kì lạ thay, cậu bé mười bảy tuổi ấy đã liên tiếp đánh thắng các cánh quân Thát Đát thiện chiến. Có trận quân Thát Đát bị diệt hơn một tu man. Mỗi tu man là một vạn quân. Thành Cát Tư Hãn nổi giận, thề sẽ bắt sống cậu bé cứng cổ, đem dựng nêu treo chết mòn trên thảo nguyên để làm gương cho những kẻ dám chống lại mình. Thành Cát Tư Hãn huy động một lực lượng rất lớn, tiến quân thận trọng, dồn cậu bé về phía biển Ba Tư. Quân Khôresmơ mòn mỏi dần. Cuối cùng, cậu bé chỉ còn hơn một trăm lính hộ thân, cậu bị vây trên một mỏm núi vách dựng đứng trên mặt biển. Thành Cát Tư Hãn ra lệnh cho binh lính bẻ đầu mũi tên rồi mới bắn, mục đích là bắn cho cậu bé đau mà bắt sống cậu ta. Quân Thành Cát Tư Hãn từ từ tiến lên núi. Quân Khôresmơ cũng từ từ rút lên núi. Sau lưng họ là biển sâu xanh thẳm. Chắc chắn là bắt được kẻ thù, Thành Cát Tư Hãn đã nghĩ đến những câu hỏi trước lúc hành tội hoàng tử Khôresmơ. Nhưng đúng lúc đó, cậu bé cứng cổ gọi tên Thành Cát Tư Hãn và mắng lớn: - Hỡi này kẻ bạo ngược! Thượng đế sẽ trừng phạt mày! Còn ta đây, mày đừng hòng làm nhục được ta. Xem đây! Từ mỏm đá cheo leo, cậu bé thúc ngựa nhảy xuống vụng biển xanh. Cậu bé rơi rất lâu mới xuống tới mặt nước, trong khi rơi cậu bé vẫn lớn tiếng chửi mắng bọn cướp nước. Thành Cát Tư Hãn đứng trên mỏm đá cậu bé vừa đứng, sững sờ nhìn xuống biển. Đại Hãn lẩm bẩm: - Con người như vậy xứng đáng có kẻ hầu người hạ. Thành Cát Tư Hãn ra lệnh chọn một trăm lính Thát Đát đi theo hầu hoàng tử Khôresmơ. Một trăm người tình nguyện được chọn và họ đã theo nhau thúc ngựa nhảy xuống biển. Nhưng câu nói nổi tiếng của Đại Hãn không phải là câu khen ngợi đối thủ mà là một lời lo âu về con cháu của mình. Sau khi đã tiễn một trăm người đi theo hoàng tử Khôresmơ, Đại Hãn đã nói với các tướng tòng chinh như thế này: - Con cháu ta sẽ mặc gấm vóc, trị vì các xứ giàu sang. Ta rất lo chúng sẽ không nhớ gì đến ta, đến chúng ta, những người đã cả đời chinh chiến để mở nước, đã phải sống hết sức gian lao và đau khổ. Cũng vì lời nói đó mà Hốt Tất Liệt bắt các con lần lượt phải hành hương về đất tổ mỗi khi đến tuổi trưởng thành. Khí thiêng đất tổ sẽ tôi rèn họ thành những dũng sĩ Thát Đát chúa tể thảo nguyên xưa, những dũng sĩ của Đại Hãn anh hùng. Bây giờ thì một dũng sĩ Thát Đát đang phi ngựa về kia, Thoát Hoan, đứa con trai của ta, thông minh, anh hùng và đẹp như thần tướng đang phi ngựa về kia. Không phải Hốt Tất Liệt lo sợ vô căn cứ. Ngay như y, bố mẹ đều Thát Đát cả, y lại sinh ra trong một cuộc viễn chinh, lớn lên theo anh đánh đông đánh tây, rồi tự mình lập ra một triều đại thật giàu sang trên đất nước Trung Quốc mênh mông này. Có phải chính cái giàu sang này đã làm cho Hốt Tất Liệt nhớ đến câu nói nổi tiếng của ông nội chăng? Hay là vì cái xa hoa của cấm cung Trung Quốc làm cho y sa đoạ rồi và làm cho y lo lắng đến đàn con? Có thể cả hai nhưng chắc chắn rằng quyền uy trên đất nước mênh mông này làm cho y khát khao một quyền uy trên một đất nước mênh mông hơn nữa. Quyền uy làm cho con người thành lang sói, ăn không đã thèm, lúc nào cũng như một con thú đói. Bây giờ thì y đã già rồi, mộng chinh chiến chiếm đoạt làm cỏ những nước láng giềng đã khó tự thực hiện thì y sai các con y làm. Một đứa con của y đang về kia. Thoát Hoan là hoàng tử thứ chín của Hốt Tất Liệt. Đó là một chàng trai có vẻ đẹp mà nhiều tiểu tiết trái ngược nhau. Gã có một tấm thân cường tráng của giống người du mục quanh năm cưỡi ngựa trên thảo nguyên, nhưng bộ mặt của gã lại là một bộ mặt thanh tú pha máu nòi Nam Tống, tóc đen, mắt đen. Dáng gã ngồi ngựa lịch sự nhưng ánh mắt lại là mắt của giống chim đại bàng ăn thịt sống của vùng hoang mạc xa xôi. Thoát Hoan đã đến cửa thành. Giàn kèn vòi tu tu thổi một điệu mừng trầm trầm buồn buồn. Giữ tục thượng võ của dũng sĩ du mục thảo nguyên, Hốt Tất Liệt không ngồi trên ngai vàng đón con vào chầu mà Thoát Hoan cũng để nguyên quần áo phủ bụi đường đến gặp vua cha. Hốt Tất Liệt xuống cổng thành. Thoát Hoan đi rất nhanh qua cửa lớn vòng thành thứ nhất vào khu điện các, nơi làm việc của các quan văn võ trong triều. Thoát Hoan đi rất nhanh qua cổng vòng thành thứ hai sang khu sẽ diễn ra xuôi sẻ như vậy. Chi thứ trả quyền cho chi trưởng, đức ông hoàng Ba nhượng chức Thượng tướng cho một đức ông chi Vạn Kiếp, rồi chức Tiết chế chư quân cũng về tay một người chi trưởng hoặc chi út. Việc nước đang lúc ngổn ngang, quân quyền nắm trong tay hà tất phải đòi ngôi báu mà ngôi báu rớt vào tay cứ như lá thu rụng xuống gốc. Từ một ngách sâu nào đó trong lòng Trần Ích Tắc, một thèm muốn bùng lên rất nhanh thành một khát vọng. Là một trong hai người cột trụ của chi thứ, Trần Ích Tắc phải được trao một trong hai chức Thượng tướng quân và Tiết chế. Trần Ích Tắc khẽ rùng mình. Chinh chiến... chinh chiến... trong lúc đất nước nghiêng ngửa ấy, mũi tên ngọn giáo chưa biết sống chết thế nào, nhưng có khi chỉ một mẹo nhỏ mà ngôi báu cũng rơi vào tay hà huống chức Thượng tướng hoặc chức Tiết chế. Trần Ích Tắc chợt thấy mồ hôi chảy buồn buồn dọc lưng. Y vội xua đuổi những ý nghĩ đó đi. Bản tính vốn kiêu sa, tự phụ, Trần Ích Tắc như một vì sao đã sáng nhưng vẫn khát vọng cả cái sáng của những vì sao khác. Và cái nhầm lẫn của y là y có cái sáng của một vì sao nhưng y cứ ngỡ đó là cái sáng và cái đức của vầng mặt trời. - Như vậy, không cần và cũng chẳng nên đặt việc nhượng ngôi ra nữa nhé? Thánh Tông gặng hỏi hai em. Trần Ích Tắc lạnh lùng: - Đấy là nói về chi thứ chúng ta. Nếu đức ông Hưng Đạo, đức ông Tĩnh Quốc cáo ốm không đến Bình Than triều hội thì chính lại do người Vạn Kiếp muốn có việc ấy. Chiêu Minh vương chau mày: - Nếu họ đặt ra, hoặc ta đặt ra cũng đều là cái không hay cho đất nước. Họ Đông A chưa hết phúc, đâu đã đến nỗi ấy. Chiêu Quốc vương biết mình đã quá lời bèn nói lấp liếm cho qua chuyện: - Đó là nói phòng xa thế thôi. Vậy chứ anh hoàng Ba đã nghĩ xong kế đánh giữ rồi chứ? - Không, đó là việc lớn quốc gia, còn phải chờ tất cả vương hầu cùng bàn bạc. Bấy giờ trời đã sáng. Đoàn thuyền đang đi men vùng bãi dâu Tiêu Xá rộng mênh mông. Những vườn dâu cuối mùa loáng thoáng lá già xanh thẫm. Những người con gái đất lề quan họ len lỏi giữa các luống, cố hái cho đủ lá nuôi lứa tằm muộn cuối năm. Hai cánh đồng, người gặt, người gánh lúa về các thôn làng thấp thoáng sau những luỹ tre xanh. Trần Thánh Tông cùng hai em và con ra mũi thuyền ngắm cảnh. Vốn là người có hồn thơ phong phú, Thượng hoàng khuây dần nỗi ưu tư. Vẻ mặt người dần tươi tỉnh. Gần trưa, quang cảnh ven sông nhộn nhịp hơn. Đã gần tới Bình Than. Từ trên mũi thuyền Long Phụng vua tôi nhìn thấy những người lính thông hiệu phi ngựa như bay. Những trạm nêu kéo cờ hiệu “Vua đến” để truyền tin về Vạn Kiếp. Hai bên sông nhân dân trăm họ kéo nhau lên đê cao xem hai vua ngự giá sang đông. Tiếng reo hò chúc tụng vang dội. Trăm họ vừa được loa truyền báo cho biết tin hai vua qua thăm phủ An Bang để lễ tổ ở Vạn Kiếp và vãn cảnh chùa Yên Tử mới trùng tu xong. Cách Bình Than năm dặm sông, đoàn thuyền vua gặp đoàn thuyền của chi Vạn Kiếp đi đón giá. Tiếng pháo mừng nổ liên hồi, tiếng trống đồng trầm hùng, tiếng quân tướng hò reo làm náo động cảnh sông. Người ta thấy đứng trên mũi thuyền đi đầu có đức ông Hưng Đạo mặc áo tía chống một cây gậy nom như một ông tiên. Sau Hưng Đạo vương là Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật vóc dáng thanh mảnh như một văn nhân tài tử. Trên các mũi thuyền đi sau thấy đủ mặt các đức ông chi Vạn Kiếp. Hai đoàn thuyền nhập làm một cùng thuận nước xuôi về Bình Than. Đó là vùng sáu đầu sông vờn hòn châu mà sử sách ngàn đời đã và sẽ chép bằng những chữ vàng về hào khí Việt Nam thời Đông A.