CHƯƠNG 25

Lưu Thế Anh tháo chạy không kịp đem theo binh phù, ấn tướng, lại lột trút hết cả áo mũ đại thần và nhờ vào sức khỏe của mấy viên võ sĩ hầu cận nên mới thoát chết. Ba ngày sau y về đến Thăng Long, xin vào yết kiến Thoát-hoan.
Trấn Nam vương miễn cưỡng tiếp viên Vạn hộ ngoài đại sảnh cung Thúy Hoa. Thoát-hoan mập ú, các cơ bắp của y đều nổi cuộn lên thành múi hình tròn. Mặt y bạnh ra, da nhầy nhờn, khiến ta có cảm giác như cái bộ mặt kia vừa được vớt ra từ chảo mỡ.
Trấn Nam vương cởi trần, giữa ức có một nạm lông đen, bụng y phồng to như một cái trống, và chiếc rốn lõm sâu như một lỗ đáo. Vừa đi, y vừa gãi bụng, vừa kêu nóng.
Chợt thấy thái tử, Lưu Thế Anh vội quì mọp xuống sàn điện, miệng lắp bắp:
- Tội thần đáng muôn chết, xin Trấn Nam vương soi xét.
- Ngươi có tội gì. Thoát-hoan giọng mệt mỏi như người ngái ngủ. Bỗng y dụi mắt rồi nhìn Lưu Thế Anh từ đầu đến chân. Vẻ hốt hoảng, Thoát-hoan hỏi: - Ủa sao ngươi ăn mặc thế này? Ngươi có còn là tướng của thiên triều nữa không? Mà sao bộ hạ ngươi không có kẻ nào theo hầu? Hay là ngươi...?
Lưu Thế Anh chợt nhìn lại bộ dạng mình thật là thiểu não. Đầu không mũ, chân không giầy dép, y phục sĩ tốt, rách bươm. Y thầm nghĩ: "Cũng lạ, lúc mới ra mắt Trấn Nam vương, trong bụng ta rất lo lắng, sợ sệt. Mà sao vừa nghe giọng Trấn Nam vương cất lên, ta lại thấy bình thản. Ta linh cảm nếu như Trấn Nam vương giết ta, chắc ông cũng không thoát khỏi tay quân Đại Việt". Chợt nhớ chưa trả lời bề trên, Lưu Thế Anh rập đầu tâu:
- Xin Trấn Nam vương tha tội, y nhắc lại lời kêu cầu lúc trước - Hưng Đạo lấy mất A Lỗ rồi - Thiên Trường mất rồi!
Cũng như Hốt-tất-liệt, Thoát-hoan chưa bao giờ chấp nhận sự bại trận, chưa bao giờ tha mạng sống cho tướng nào thua trận. Nhưng khác với thông lệ đó, Thoát-hoan mỉm cười, sai đám thuộc hạ đi triệu A-lí Hải-nha và Lý Hằng đến.
Lát sau, hai viên tả, hữu thừa đã có mặt và Thoát-hoan cũng đã khoác lên mình chiếc áo lụa bạch, do An Tư sai mấy tì nữ đưa tới.
Trông thấy bại tướng Lưu Thế Anh, hai viên tả, hữu thừa không những không ngạc nhiên mà còn mừng rỡ. Lý Hằng nói như reo:
- Mừng tướng quân đã trở về!
A-lí Hải-nha cũng mấp máy đôi môi:
- Mừng thoát chết.
Hữu thừa A-lí Hải-nha và tả thừa Lý Hằng không ngạc nhiên, là bởi có một số quân của Lưu Thế Anh chạy thoát về đây bẩm báo từ đêm qua. Vẫn nghĩ viên Vạn hộ hầu này với tài cầm quân thao lược, lại chuyên nghề đánh thủy, chắc không để trắng tay. Không ngờ ông ta trắng tay thật, mà thần khí xem ra đã bạc nhược.
Trước thái độ của các bộ tướng, Thoát-hoan chưa biết nên xử sự thế nào, y buông một câu nửa như là câu hỏi, nửa như là một thứ mệnh lệnh không rõ ràng: - Vậy chớ ta nên chém đầu ngươi để răn các tướng, hay phải thăng thưởng cho viên tướng hèn nhát đầu tiên trong quân ta?
Dường như đây là điểm khởi đầu của cơn thịnh nộ.
Đúng lúc đó thì một lũ người nhếch nhác kéo vào sân điện. Đi đầu là tướng Bôn-kha-đa, tiếp theo là Tang-gu-tai, Giảo Kỳ... và vài chục tên quân rách rưới theo sau. Lũ bại tướng này ăn mặc cũng từa tựa như Lưu Thế Anh. Tất cả đều sụp lạy, và không nói một lời.
Thoát-hoan chưa hết căm giận Lưu Thế Anh, đã chợt thấy hoang mang. Y hỏi, giọng đau đớn:
- Sao đến nông nỗi này, các người nói ta nghe. Thôi, đứng dậy, không phải quì nữa.
Lưu Thế Anh, viên tướng được Thoát-hoan tin cậy ủy thác cho coi sóc cả một đạo quân lớn, trấn giữ một vùng quan yếu có quan hệ đến sự mất còn, sự thành bại của đại cuộc. Vậy mà y đã để mất sạch, khiến đại quân của Thoát-hoan đang từ thế thắng, thế bao vây chuyển sang thế bị bao vây, thế thua. Và như vậy thì cái mộng làm vua xứ này, cái mộng vương bá đã được vương phụ nhen nhóm cho, bỗng chốc lụi tàn. Chỉ riêng điều đó thôi, cũng đủ làm cho Lưu Thế Anh lên đoạn đầu dài. Và biết đâu, nếu thiên tử nhà Đại Nguyên nổi giận, thì cửu tộc nhà họ Lưu bị chu di cũng là chuyện thường tình.
Lưu Thế Anh khúm núm giãi bày, nào là thủy thổ bất phục, người, ngựa ốm tới quá nửa. Nào là nắng dãi, mưa dầm quân lính bị cầm chân trong nước không tập luyện được. Nào là thiếu lương, thiếu cỏ, thiếu thuốc, thiếu cả từ cọng rau, con cá bởi người Nam đã dùng kế "thanh dã". Nào các tướng lơ là thiếu tận tâm. Điều này y muốn đổ tội cho mấy viên tướng Thát-đát, như Bôn-kha-đa, Tangutai...
Lưu Thế Anh nói chưa dứt lời thì các viên tướng Thát-đát gầm lên. Chúng nhất tề đổ lỗi cho Lưu Thế Anh chuyên quyền, độc đoán dẫn đến sơ hở để Hưng Đạo tiêu diệt gần hết một đạo quân hùng hậu, trong đó có cả đội kỵ binh bất khả chiến bại, mà thiên tử đã ưu ái ban cho Trấn Nam vương.
Mấy viên bại tướng cứ gân cổ đổ lỗi cho nhau khiến Thoát- hoan sôi máu, y đập án quát:
- Các người không câm họng, ta chém đầu tất cả. Thân làm tướng của thiên quốc, thiên tử ban cho các ngươi tước cao, lộc hậu, các người đã làm nhục mệnh trên, để thua cả bọn man di, sao không biết hổ thẹn mà còn về tranh cãi trước ta. Tội các ngươi, lãnh án chém vẫn còn nhẹ.
- Quân đâu! Thoát-hoan thét gọi. Mặt y đỏ như mặt trời, hai bàn tay run rầy như người mắc chứng kinh phong.
- Dạ! Viên đô tổng quản đội quân cấm vệ bước ra, nghiêm trang chờ lệnh.
- Ngươi đem tất cả lũ kia ra chém, bêu đầu trước cửa thành ba ngày, để làm gương cho những kẻ làm tướng nhát hèn. Vừa nói, Thoát-hoan vừa chỉ vào đám bại tướng đang run cầm cập. Mặt chúng tái mét đưa mắt nhìn A-lí Hải-nha và Lý Hằng cầu cứu.
Lý Hằng đưa mắt ra hiệu cho A-lí Hải-nha như thầm nói: - Ông xin cho họ đi. Rồi tôi sẽ phụ họa thêm vào. Ông là chỗ thân cận với Trấn Nam vương. Vương nể ông hơn là nể ta.
A-lí Hải-nha trả lời qua ánh mắt và cái gật đầu. Đại loại: - Lũ hèn nhát này không giết để làm gì. Nhưng thôi, ta sẽ vì tình đồng loại mà xin cho chúng.
Nghe Trấn Nam vương xuống lệnh, viên đô tổng quản cảm như có tiếng sấm nổ rền ở trong đầu, y không còn tin vào tai mình nữa.
Giữa lúc đô tổng quản còn đang phân tâm chưa kịp nhận lệnh, thì A-lí Hải-nha bước ra tâu:
- Xin Trấn Nam vương bớt giận. Đúng là tội của Lưu Thế Anh đáng chết. Nhưng trong khi giao chiến, thì thắng thua là việc thường của nghiệp làm tướng. Nếu cứ mỗi lần thua trận, lại chém tướng nhà thì kẻ thù của ta được nhân đôi chiến thắng, mà bên ta thì cả quân cả tướng đều nản lòng. Chi bằng nhân cơ hội, Trấn Nam vương rộng lượng tha cho họ, để họ lập công chuộc tội - Liếc nhìn, thấy gương mặt Thoát- hoan có phần dịu lại, A-lí Hải-nha nói tiếp:
- Vả lại xin Trấn Nam vương lưu tâm, tội lớn nhất thuộc về đám vua tôi nhà Trần. Họ đã cả gan chống mệnh của thiên tử khiến ngài nổi giận cử đại binh sang thảo phạt. Thái tử phải thân chinh mà họ vẫn còn ngoan cố chống lại. Không những thế, Hưng Đạo còn dùng quỉ kế chỉ một trận đã phá tan thủy binh của ta, lột hết cả thủy trại của quân ta trên một chiến trường trải dài mấy chục dặm, khiến đại quân của ta bỗng rơi vào thế lơ lửng.
A-lí Hải-nha vừa dứt lời, Lý Hằng bước ra xin nói: - Tâu Trấn Nam vương, các tướng của ta đều đã dạn dày chiến trận, nhưng vẫn bị thua Hưng Đạo, là bởi người Man họ sống theo cách của họ, họ đánh cũng theo cách của họ. Về bộ binh, thủy binh họ không theo cách đánh của Tôn Vũ, Ngô Khởi. Về kỵ binh, họ không tuân theo cách đánh của các binh gia Đại Hãn hoặc của Vũ hầu Gia Cát.
Thoát-hoan đã có vẻ chú ý lắng nghe các tướng phân trần, Lý Hằng lại tiếp:
- Tâu, Trấn Nam vương hãy xem, khi đại quân của thiên triều đánh vào xứ này, lúc ấy là mùa khô. Nếu như họ bày trận nghênh chiến, thì kỵ binh nhà Đại Nguyên chỉ một trận cũng phá nát nước này. Nhưng họ đã lẩn trốn, tới khi mưa lũ, nước ngập trắng trời, người, ngựa của ta đều khoanh tay thúc thủ, thì họ lại ra quân đánh lén. Ấy là chưa kể thời khí nóng ẩm, làm quân ta ốm đau bệnh tật. Thử hỏi, họ đánh như thế, khác nào nhằm vào lúc nhà người ta có tang xua quân đến cướp, phá. Lưu Vạn hộ cùng các tướng dưới quyền bị giặc đánh trong cảnh ngộ như vậy, hèn gì không thất thủ. Xin Trấn Nam vương lượng tình gia ân. Cũng mong Trấn Nam vương tâu xin thiên tử, phái thêm quân sang làm cỏ xứ này, bắt cho kỳ được vua tôi nhà Trần về trị tội thật nặng.
Sắp phải mất đầu, nhưng nghe Lý Hằng biện bạch gỡ tội. Lưu Thế Anh không khỏi bật cười. Y tự nhủ: gã này khinh Trấn Nam vương đến thế là cùng. Phải nói Hưng Đạo và quân Nam đã phát huy được thế mạnh sở trường của họ. Tức là họ lựa đúng lúc cái sở trường và sở đoản của mỗi bên đều ở vào đỉnh điểm. Dùng được cái mạnh sở trường, lại tiến công vào lúc đối phương yếu nhất, bất ngờ nhất thì họ đã thủ thắng tới chín chục phần trăm. Ấy là chưa kể đến thời khí, là đội quân yểm trợ vô hình vĩ đại, chỉ giúp cho phía họ. Họ thắng là phải. Ta biết, nhưng không đối phó được, là bởi các tướng dưới quyền không chịu nghe ta, mà còn coi thường đội quân của người Nam nữa, cho nên quân thiên triều phải chuốc lấy phần đại bại là xứng đáng.
Nghe các tướng bày tỏ, thấy xuôi tai, Thoát-hoan liền phán:
- Nể mặt các viên tả, hữu của ta, nên lần này ta tạm tha tất cả. Các ngươi phải lo lập công chuộc tội. Nếu còn để thua trận, mất quân mất đất nữa, ta sẽ cộng tội mới với tội cũ trị nặng gấp đôi.
Các tướng được thoát chết, rối rít lạy tạ rồi lủi hết ra ngoài. Trong cung chỉ còn Thoát-hoan và hai viên cận thần tả hữu thừa. Bất chợt A-lí Hải-nha lên tiếng:
- Trình chủ tướng, tình thế nguy ngập lắm, xin chủ tướng cho ý chỉ kẻo nước đến chân muốn nhảy thì đã muộn.
Lý Hằng cũng nói thêm:
- Chủ tướng nên sớm dời đại bản doanh sang bờ bắc sông Cái để tiện bề đối phó với Hưng Đạo.
Thoát-hoan trừng mắt nhìn A-lí Hải-nha và Lý Hằng:
- Ta không ngờ các ông lại bạc nhược đến thế. Ráng chờ qua hạ sang thu, người ngựa hồi phục, lương thảo được chở sang, lại có thêm mười lăm vạn viện binh, ta sẽ bắt sống cha con Nhật Huyên và Hưng Đạo. Ta thề với các người, sẽ lột da Hưng Đạo căng mặt trống. Ta đã năn nỉ xin thiên tử cho thêm hai chục vạn quân nữa, nhưng phụ vương ta chỉ hứa cho có mười lăm vạn. Tiếc rằng quân gửi sang quá trễ, nếu không ta đã vặt lông Hưng Đạo từ lâu rồi.
Lý Hằng nhìn A-lí Hải-nha như muốn bảo: "Sao ông không khuyên thái tử đi".
A-lí Hải-nha chưa kịp nói thì Thoát-hoan đã cật vấn:
- Ta thấy hai ngươi đang cùng lo lắng một điều gì. Có phải thế chăng?
- Dạ thưa Trấn Nam vương, quả là chúng thần đang lo lắng lắm - A-lí Hải-nha đáp.
- Điều chi vậy? Thoát-hoan mỉm cười vẻ như giễu cợt.
- Dạ. Hưng Đạo và quân Trần sắp đồng loạt tiến công quân ta, tiến công vào Thăng Long.
- Trời ơi! Ta không còn muốn nghe các người nói nhảm nữa. Mới mất có một khu doanh trại với chưa đầy hai vạn quân mà đã hoang mang sợ giặc. Đúng là các ngươi chỉ thích vẽ ma ra để dọa nạt nhau. Hưng Đạo chẳng qua ăn may nhờ vào nước lụt, cướp trại của Lưu Thế Anh thôi chứ, tài nghệ sao bằng Lưu Vạn hộ của ta. Cứ để ông ta nghỉ một vài bữa, rồi ta cho quân đi mà đánh phục thù. Thôi, nếu không còn gì để nói thì các người về đi.
Hai tướng lủi thủi ra về thì gặp mấy đứa nữ tì, mặt hoa da phấn đẹp như tiên, đang ngấp nghé phía ngoài cửa.
A-lí Hải-nha lườm mấy đứa hầu gái. Y nhìn như muốn băm nát họ ra. Hai người lững thững trở về quân doanh, vừa đi họ vừa trò chuyện.
Lý Hằng nói:
- Hữu thừa tướng quân có thấy, từ khi con yêu tinh Đại Việt nhập cung, thời ý chí của chủ tướng cứ nhụt dần.
A-lí Hải-nha đáp:
- Tả thừa nói chí phải. Chủ tướng suốt ngày đêm đắm chìm trong sắc dục. Tôi đã mấy lần mời chủ tướng đi thám sát rồi định lừa giết con yêu nghiệt, mà ông không chịu rời nó nửa bước chân.
Lại nói về phía quân ta. Sau khi Hưng Đạo phá tan thủy trại lớn nhất của giặc, thế quân ta nổi như sóng cồn, trong quân sôi sục khí thế "Sát Thát". Dân binh khắp nơi chặn đánh giặc không cho chúng đi tìm rau, tìm cỏ, tìm lương thực trong các thôn ấp, khiến giặc càng khốn đốn. Tại Châu Ái, dân binh nổi lên nhất loạt tiến công các trạm, trại giặc. Toa- đô phải lật đật từ Trường Yên vào cứu. Đúng lúc Tĩnh Quốc đại vương dẫn quân từ Hoan Châu đánh thốc ra. Toa-đô bị thiệt hại nặng không trụ được, phải bỏ đất tháo chạy về Trường Yên. Dọc đường quân Toa-đô cuốn rút, bị dân binh trong các hương ấp phục đánh, chúng không dám dừng lại chống cự, nên bị chết khá nhiều. Tính ra, ba vạn quân Nguyên đóng trên đất Ái Châu, chạy về đến Trường Yên không còn nổi bảy ngàn tên. Toa-đô sai đóng cửa trại canh phòng cẩn mật. Và dọa, tướng nào xin mở trại ra đánh nhau với quân Trần, sẽ bị chém bêu đầu.
Như đã nhận trước quốc công tiết chế và các tướng lĩnh trong cuộc nghị bàn kế sách phản công giặc, Trần Nhân tông phái tiền quân theo đường núi đi tắt về Trường Yên, còn nhà vua thân dẫn chu sư đi đường biển đánh thẳng vào cửa Thần Phù. Như vậy sẽ cô lập giặc giữa Trường Yên và Thanh Hóa, không ứng cứu cho nhau được.
Thế nhưng, nhà vua chưa ra đến cửa Thần Phù, cũng như tiền quân của ngài chưa vượt qua cửa quan Tam Điệp, thì giặc đã bị đánh tan ở Thanh Hóa, và chạy về chốt chặt trong Trường Yên.
Vài ngày sau, hai cánh quân thủy bộ do Trần Nhân tông chỉ huy đã áp sát Trường Yên. Toa-đô nhất định không chịu gỡ "miễn chiến bài".
Trong khi đó quân báo tiệp của quốc công tiết chế Hưng Đạo vương, chạy như đèn cù mới tìm được hai vua. Đọc xong biểu, thượng hoàng Trần Thánh tông nở nụ cười rạng rỡ. Có nhẽ từ ngày giặc Thát rục rịch vào cõi tới nay, đây là lần đầu tiên mọi người được thấy niềm vui bộc lộ nơi thượng hoàng. Đọc xong, ngài chuyển tờ biểu cho quan gia, rồi tự tay ngài mở hòm chiến lợi phẩm do Hưng Đạo gửi về.
Vừa đọc biểu, đức Nhân tông vừa liếc nhìn vua cha mở hòm đồ. Bỗng thấy chiếc mũ và đai áo đại tướng của Lưu Thế Anh, cả hai cha con cùng reo lên sung sướng. Và dường như cùng một lúc, hai vua đồng thanh nói câu này: "Thế là Hưng Đạo đã lập được công đầu”.
Một ý nghĩ chợt lóe ở trong đầu, Trần Nhân tông vừa cầm cái đai áo của Lưu Thế Anh vừa nói - Tâu phụ hoàng, con trộm nghĩ, hay là ta đưa các thứ này vào trong thành cho Toa-đô coi thử.
Thoáng ngần ngừ, Trần Thánh tông đáp:
- Quan gia cứ để ta cân nhắc đã.
Tin báo tiệp đưa về dồn dập. Nhân tông thấy lòng mình thôi thúc, nhà vua không thể kìm nổi sức trai tráng lại cứ ở lì đây mà hãm thành Toa-đô. Ngài tự nghĩ: Dăm bảy ngàn quân thất trận tụ họp lại, ta có cố sức đánh quị chúng cũng chẳng ích gì. Chi bằng ta dùng thế thượng phong thừa thắng đánh lên Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương rồi vào thẳng Thăng Long.
Một khi Thoát-hoan bị đánh đuổi khỏi Thăng Long, Toa-đô và bè lũ cố thủ tại Trường Yên, có nghĩa là chúng tự nguyện xin làm tù binh rồi, cần gì phải đánh.
Vì vậy Nhân tông chỉ để lại vài đô quân hợp lực với dân binh bao vây thành Trường Yên. Còn đại quân giao cho Chiêu Thành vương, Hoài Văn hầu làm tả hữu tướng quân, lập tức lên đường tiến đánh Tây Kết. Trước đó, nhà vua đã cử tướng Nguyễn Khoái lĩnh ấn tiên phong, dẫn chu sư về Tây Kết.
Nhân tông răn dặn các tướng kỹ càng: - Tây Kết là cửa ngõ của Thăng Long. Cũng như A Lỗ là tiền đồn của Thiên Trường, Long Hưng. Vì vậy quốc công đánh tan Lưu Thế Anh ở A Lỗ, lập tức giặc phải bỏ Thiên Trường và cả một dải mấy chục dặm áp sát Tây Kết. Nay ta phá giặc ở Tây Kết, thời Thăng Long kể như ngỏ cửa. Vậy các tướng phải cùng binh sĩ dốc lòng đánh giặc.
Quân ta thủy bộ tiến vào Tây Kết, đánh vỗ mặt giữa ban ngày. Giặc không ngờ quân ta tiến nhanh và táo bạo đến thế. Các trại giặc đóng trên bờ bị song sảo, ngũ sảo pháo của ta từ xa rót tới. Quân bộ ào theo đánh xáp lá cà. Giặc vừa mỏi mệt, vừa kiêu ngạo nay bị tiến công mãnh liệt trở nên hoang mang, rối loạn. Chúng vừa đỡ vừa chạy về phía các trại quân thủy. Trong khi thủy đội của giặc đã bị quân ta áp sát. Ta dùng thuyền lớn, quân khỏe quây chặt giặc trên mặt sông rộng. Nỏ cứng tên nhọn của quân ta bắn như mưa vào thuyền giặc đang hỗn loạn quay cuồng ở giữa ngã ba sông. Vòng vây ngày càng thít nhỏ lại. Trong khi trống đồng, trống cái, chiêng, cồng, tù và hối thúc tạo thành một sóng âm nhọn hoắt xoáy vào tim óc quân thù, khiến giặc càng thêm hoang mang, hoảng loạn.
Quân ta đang xiết vòng vây thì có đội khinh thuyền rẽ nước như bay, tiến về phía sau thuyền ngự. Tưởng giặc dùng thuyền nhỏ đánh tập hậu, nhưng nhìn kỹ hiệu cờ lại là tiểu tướng Hoài Văn.
Thuyền vừa áp mạn, Hoài Văn sai quân bưng chiếc hòm đầu lâu giặc sang dâng quan gia.
Quốc Toản thưa:
- Tâu thánh thượng. Toa-đô vẫn giấu mình trong trại Trường Yên, khi nhận được mũ, đai áo và binh phù của Lưu Thế Anh, y hoảng sợ, đang đêm mở đường máu chạy. Y lại kiếm được thuyền, mưu trốn về Thăng Long bằng đường thủy.
- Hẳn là y không biết quân ta đang đánh Tây Kết. Nhân tông nói.
- Dạ đúng như vậy, y đã bị đội thủy binh tuần thám của ta bắt được. Các tướng đã chém đầu, lấy được cả binh phù của y, thần lập tức đem dâng để bệ hạ phán quyết.
Nhà vua vén tay áo mở nắp hòm gỗ. Chiếc hòm đựng tên của dân binh đóng rất sơ sài. Khi ngài vừa kéo miếng vải che mặt y, máu vẫn còn rỉ ra đỏ nhòe đáy hòm. Nhân tông không để lộ nét buồn vui, nhà vua nói thong thả:
- Ta có lời chào nguyên soái. Nguyên soái đến thăm nước ta không hợp đạo trời, nên kết cục thật là bi thảm. Rồi với vẻ thương hại, ngài bảo: "Người làm tôi phải như thế này". Và với tấm lòng bác ái, ngài cởi tấm ngư bào đang mặc, đắp phủ cho Toa-đô, sai quân đem liệm chôn viên tướng giặc.
Nhân tông úy lạo tiểu tướng Hoài Văn hầu cùng đám sĩ tốt. Nhà vua hứa: "Dẹp xong giặc dữ, ta sẽ ban thưởng cho toàn quân".
Báo tiệp xong, Trần Quốc Toản lại dẫn quân lao vào trận. Từ xa chàng đã thấy hiệu cờ của thúc phụ Chiêu Thành vương, dẫn đầu chiến thuyền xông thẳng vào đám giặc đang quay cuồng, như một đống lá bị cuốn vào trung tâm vùng nước xoáy. Vòng vây đã khép kín. Tiếng hô "Sát Thát" vang khắp mặt sông. Quân ta nhảy ùa sang thuyền giặc đánh xáp lá cà. Lúc này nỏ, giáo đều không dùng được nữa, mà phải sử đao, búa hoặc túm lấy giặc mà đùn, đẩy xuống sông. Có khi một lính ta co kéo tới bốn năm tên giặc lăn ùm cả xuống nước. Một lát, chỉ thấy tăm nổi lên, rồi quân ta cũng tìm được cách ngoi lên. Còn quân Thát, đâu có quen về sông nước để có thể bơi lặn mà ngoi lên được.
Mặt trời đứng bóng. Nắng như xối lửa. Lũ đã bớt cường, nhưng nước vẫn còn mênh mang, mặt nước ngầu đỏ. Chẳng hiểu đó là phù sa hay máu giặc.
Quốc Toản dẫn quân đánh dấn vào. Giặc lùi, lùi mãi. Xuôi nước, hai bên cứ co kéo theo dòng chảy. Bỗng phía trước vòng vây giãn ra, tướng Nguyễn Khoái cho thuyền chạy xế vào bờ bãi Màn Trò. Theo đà hút cả binh thuyền giặc ở phía sau. Quân ta nhanh chóng bỏ thuyền nhảy hết lên bờ. Thuyền quân ta trở thành một chiến hào nổi. Thuyền giặc lao theo không hãm được, xô vào dẫy thuyền bỏ trống của quân ta, khiến thuyền giặc vỡ, gẫy và chìm nghỉm chôn theo hàng ngàn tên lính dưới đáy sông.
Chiêu Thành vương, Trần Quốc Toản dồn đám giặc còn sống sót lên bờ. Trong bãi rậm rạp đầy lau sậy, cỏ lác, quân ta đã phục chờ. Trận giao chiến cuối cùng của mặt trận Tây Kết xảy ra trên bãi Màn Trò. Đây là trận Nguyễn Khoái, Chiêu Thành vương, Trần Quốc Toản quyết đánh trả thù cho người anh hùng Trần Bình Trọng, cách đây đúng 5 tháng đã bỏ mình trên doi đất này. Quân ta đánh quyết liệt, giặc không chống đỡ được, cũng không chạy được. Vì vậy kẻ nào không chịu hàng tất phải bỏ mạng. Biết không chạy thoát, dù chỉ còn vài chục dặm nữa tới Thăng Long, nhưng tổng quản nhà Nguyên là Trương Hiển buộc phải đầu hàng. Mặt y xám ngoét, hai tay run run bê chiếc mũ Tổng binh cùng thanh gươm và ấn tướng, trao tận tay quân ta.
Tới nửa chiều thì giặc tan. Chiến trường lặng ngắt, không một âm thanh. Trên mặt sông lập lờ trôi những cán giáo gẫy, những áo quần, cờ xí, những mảnh buồm, những ván thuyền, và đó đây những chiếc thuyền chìm còn thoi thóp lên chiếc cột buồm đơn côi, như những nén hương khổng lồ cắm rải khắp một quãng sông dài, tựa như một bãi tha ma dưới nước. Và dòng sông đỏ lựng màu máu cứ lững lờ trôi xuôi.
Như đã cam kết theo quân lệnh, Thượng tướng Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật đánh vào trại giặc ở cửa quan Hàm Tử. Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh vương Trần Quang Khải đánh vào Chương Dương, rồi tất cả hội quân đánh vào Thăng Long, bắt Thoát-hoan phải đền tội.
Khi quân ta đại thắng ở Tây Kết, Thăng Long trở nên rối loạn. A-lí Hải-nha, Lý Hằng, Lý Quán, Bôn-kha-đa, Triệu Tu Kỷ, Lưu Quốc Kiệt, Bột-la-cáp-đáp nhĩ, Trình Bằng Phi, Lưu Thế Anh, Giảo Kỳ, Tang-gu-tai... vô cùng lo lắng. Tất cả đều. kéo vào cung Thúy Hoa ép Thoát-hoan phải tính chuyện đối phó với quân Trần.
Mở đầu, A-lí Hải-nha nói:
- Giặc vừa lấy mất A Lỗ. Trận tuyến chưa vá lại được thì chúng lại lấy nốt Thanh Hóa, Trường Yên. Nguyên soái Toa- đô, tướng tâm phúc của thiên tử bị mất đầu. Một ngày sau, ta lại mất luôn Tây Kết, tổng quản Trương Hiển buộc phải ra hàng. Hiện nay quân Nam đang gấp rút tiến đánh Hàm Tử, Chương Dương. Thăng Long không những bị uy hiếp mạnh, mà còn bị đe dọa tiến công trong sớm tối. Vậy xin Trấn Nam vương liệu định.
Nghe A-lí Hải-nha nói, Thoát-hoan ngây mặt ra. Y bực bội, muốn cùng Trần Hưng Đạo quyết đấu một trận, chứ không để cho quân Nam lấn át quân thiên triều mãi. Tuy nhiên, Thoát-hoan còn muốn nghe các tướng bẩm báo. Y vẫy tay ra hiệu cho các tướng nối lời.
Bôn-kha-đa nói:
- Ở đây không đánh được đâu, kỵ binh của ta đưa vào đầm lầy, vào sông nước là thất sách. Đường huyết mạch của quân ta là chẹn giữ các cửa sông, các ngã ba sông lớn. Nhưng quân ta không quen thủy thổ, không thạo bơi lặn, đánh nhau thuần bất lợi.
Tả thừa Lý Hằng tiếp lời Bôn-kha-đa:
- Tình thế quân ta thật bi đát. Lúc này không thể nói chiếm lại các đồn ải đã mất. Mà phải lo sao giữ được Thăng Long. Nếu không phải lập tức lui về phía bắc sông Cái, đề phòng giặc đánh bất ngờ. Thứ nữa là phải giữ lấy hai con đường huyết mạch để đón viện binh, hoặc bất đắc dĩ phải lui binh thì cũng rút được an toàn. Tức là đường bộ từ đây tới Lạng Châu qua cửa quan Khâu Ôn, Khâu Cấp nối với Tư Minh. Đường thủy từ các sông Nguyệt Đức, Nhật Đức, Như Nguyệt xuôi về Lục Đầu Giang, qua cửa Bạch Đằng tới cảng Vân Đồn rồi ra biển.
- Đường thủy tắc rồi - A-lí Hải-nha ngắt lời Lý Hằng. Y giơ lên bức điệp vừa nhận được và nói - Các con của Hưng Đạo lấy mất Vạn Kiếp đêm qua rồi. Quân ta tan tác chạy cả về Nội Bàng. Phải bỏ Thăng Long thôi, xin chủ tướng quyết sớm đi.
Thoát-hoan lồng lộn như một con hổ bị hãm chuồng. Y bực mình hét toáng lên:
- Cái xứ quỉ quái không có được mảnh đất bằng phẳng, khô ráo để quyết đấu. Ta chẳng thèm làm vương làm bá gì ở đây nữa, nhưng phải bắt bằng được Hưng Đạo về trị tội mới hả - Nhìn khắp mặt tướng lĩnh, y lại quát - Sao các ông hèn thế, ta không thấy tướng nào dám khai khẩu bàn việc đánh, thuần chỉ có lui. Ta không muốn nghe nữa, các ông cút đi!
Thoát-hoan xô đổ bàn ghế rồi quay vào hậu cung. Các tướng lủi thủi ra về. A-lí Hải-nha, Lý Hằng bàn với nhau:
- Phải rút dần quân qua sông Cái, giữ vững con lộ thiên lý từ Thăng Long đi Lạng Châu. Ngay đêm nay phải rút hết quân ở Hàm Tử về hợp trấn với Chương Dương, chẹn đường giặc vào Thăng Long, nếu không sẽ mất tất cả, cả Thăng Long.
Hàm Tử vốn là một trại quân lớn, nó là chiếc áo giáp che chắn cho Thăng Long, nên Thoát-hoan phái những đơn vị đã dạn dày chiến trận cùng các tướng sừng sỏ tới trấn. Ít bữa nay quân thất trận dồn về, quả có làm cho tinh thần binh sĩ động dao. Nhất là đám quân ốm yếu còn tỏ ra lo sợ nữa. Nhưng các viên chiêu thảo Nạp-hải, A-thâm, Xa-tác-tai đã đến từng đô quân Thát-dát thăm hỏi, nhằm lấy lại khí thế lúc mới xuất chinh. Các viên vạn hộ Lý Bang Hiến, Triệu Tu Kỷ, Lưu Quốc Kiệt... cũng xuống tận các đô quân tân phụ, vừa vỗ về, vừa thăm hỏi sĩ tốt.
Từ bữa mất A Lỗ, lại mất luôn Tây Kết, Thoát-hoan như người ngủ mê chợt tỉnh. Y thấy tình thế quả thực nguy hiểm. Đúng như lời các tướng nói, nhưng vì quá giận nên Thoát- hoan không thừa nhận. Bây giờ lực lượng được tăng cường, tướng soái dầy dạn trận mạc cũng đưa thêm về Hàm Tử, Thoát-hoan tạm yên tâm. Dù sao thì thái tử nhà Đại Nguyên cũng không thể hiểu nổi, việc viên tổng quản Trương Hiển đầu hàng Trần Hưng Đạo. Phải chăng quân An Nam mạnh tới mức khiến quân thiên triều khiếp nhược, phải ra hàng. Quả thật từ trước, ta chưa nghe nói đến sức mạnh của họ. Suy ngẫm giây lâu, Thoát-hoan lại tự hỏi: "Đến như đại nguyên soái Omar - ba'atur (Toa-đô dũng sĩ), một tướng tâm phúc của thiên tử, mà cũng bị chết thê thảm về tay Đại Việt, thì quả chúng là đội quân ghê gớm. Ta không thể coi thường được. Nhưng ta quyết không để cho bọn man di này muốn làm gì thì làm. Lần này, nếu chúng dám đụng vào Hàm Tử của ta, thì chính chúng tự đem thân vào cửa tử. Thăng Long mãi mãi sẽ là nơi ta dưỡng nhàn. Chờ sang thu này, ta nhận viện binh, củng cố lại lực lượng, ta sẽ tóm gọn vua tôi chúng nó bỏ vạc dầu cho bõ lúc chúng chọc giận ta". Tự an ủi mình, Thoát-hoan yên tâm lui vào trong trướng. Hai tú nữ đẹp như tiên sa đỡ lấy tấm thân đồ sộ của Trấn Nam vương, rồi chia nhau xoa bóp từng bộ phận thân thể của thái tử. Ấy là phút thư giãn thường ngày của Trấn Nam vương.
Quân Trần đang trong thế chẻ tre, lại được hai vua Thánh tông, Nhân tông vỗ về. Thượng tướng Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật đem đại binh đánh gấp đạo quân giặc đóng tại Hàm Tử.
Trên hai vạn quân tinh nhuệ của thượng tướng Chiêu Văn, giương cao lá đại kỳ màu vàng thêu hai chữ "Đại Việt" đỏ thắm. Ở mỗi đô quân lại có cờ đuôi nheo, tức cờ hiệu của chính đô đó, để các tướng dễ phân biệt mà điều hành. Trung quân là cờ của thượng tướng mầu xanh thêu hai chữ "Chiêu Văn" màu vàng.
Trong số hơn hai vạn quân của thượng tướng, có năm ngàn quân người Tống chạy sang ta tình nguyện chiến đấu dưới cờ của vương, và dưới sự chỉ huy trực tiếp của tướng Triệu Trung. Họ xin được mặc quần áo theo lối của binh sĩ nhà Tống trước khi diệt vong. Điều đó đã được vua Nhân tông và cả quốc công tiết chế Hưng Đạo vương cho phép, từ cuộc đại duyệt toàn quân ở Đông Bộ Đầu hồi cuối năm ngoái. Bởi lẽ, việc ấy sẽ có hai điều lý thú. Thứ nhất là những người Trung Hoa lưu vong này, sẽ có cơ hội dồn trút lòng căm thù quân Thát-đát lên đầu mũi tên, ngọn giáo. Thứ nhì là khi quân Thát-đát nhìn thấy binh Tống, sẽ gây cho chúng tâm lý hoảng sợ.
Chính vì hai dân tộc cùng có chung một kẻ thù, nên Chiêu Văn vương đã vỗ về những tân khách lưu vong tá túc trong thái ấp của vương, cho họ lập thành một đội quân chiến đấu dưới ngọn cờ Đại Việt. Vương tin họ sẽ chiến đấu khác thường. Phần họ đánh Thát-đát để trả thù cho chính họ. Phần họ đánh Thát-đát để đáp đền cái ơn tri ngộ của vương, và của cả đất nước đã cưu mang họ. Nhược bằng họ có phụ lòng vương, mà quay giáo trở cờ, thì xá gì năm ngàn quân, so với năm chục vạn quân Thát-đát kia đang sống dở chết dở.
Thượng tướng chia quân làm bốn đạo. Một đạo do tiểu tướng Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản chỉ huy đánh bọc phía sau, không cho giặc chạy về Thăng Long. Một đạo do đại tướng Trần Thông cầm đầu đánh vào tả quân của giặc. Một đạo do đại tướng Nguyễn Truyền cầm đầu đánh vào hữu quân của giặc. Một đạo do Triệu Trung chỉ huy đánh vào tiền quân của giặc.
Thượng tướng giữ trung quân, đúng giờ sửu phát hỏa. Mở đầu là một loạt pháo hiệu thăng thiên, tiếp đến loạt pháo sáng tam thanh. Phát nổ đầu tiên đẩy quả pháo sáng lên cao tới hai, ba chục trượng, phát nổ thứ hai, bung ra một dải lụa có chữ Đại Việt màu xanh lục to như chiếc chiếu; phát nổ thứ ba, bung ra một dải lụa có hai chữ "Sát Thát” màu đỏ như máu, cũng to xấp xỉ dải lụa trước. Đó là hiệu lệnh tiến công của vị thượng tướng quân tài hoa - Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật. Đúng vào lúc ấy đại pháo của ta, hỏa pháo của ta rót thẳng vào trại giặc. Rồi những dàn trống đồng, trống cái, chiêng, cồng xen lẫn tiếng tù và cùng tiếng quân reo "Sát Thát” gây không khí náo loạn.
Rạng sáng, quân ta đã dồn quân giặc vào bốn khu phân lập. Tiểu tướng quân Hoài Văn hầu dồn đám quân thủy lên bờ, bắt chúng phải đánh bộ. Hai tướng Trần Thông, Nguyễn Truyền cũng dồn hai cánh quân bộ của hai bên tả hữu xuống sát mé sông.
Tướng Triệu Trung đánh thốc vào trại quân kỵ Thát-đát dồn chúng vào vùng bãi lầy xâm xấp nước. Tất cả các cánh quân của giặc đều ở vào thế bất lợi.
Mặt trời lên, Triệu Trung đứng trên gò cao nhìn đám người ngựa Thát-đát lút chân trong bùn mà cả cười. Chợt tướng quân trông thấy hiệu cờ của tướng giặc Nạp- hải, ông bèn phất cờ hạ lệnh cho quân bắt sống. Ngàn người như một đồng thanh reo: "Bắt lấy Nạp-hải!" "Bắt lấy Nạp-hải!".
Khi nghe thấy giọng hô đanh thép bằng tiếng Hán, Nạp- hải và cả đám quân Thát-đát kinh ngạc nhận ra đội binh đông nghìn nghịt kia, binh trang giống hệt binh trang Thát- đát. Tiếng gọi í ới cũng thuần tiếng Hán. Nạp-hải chợt nghĩ: "- Nếu như lại có nghĩa quân Tống tham gia cuộc chiến thì nguy to. Không những chỉ nguy trên đất này, mà ngay cả Trung Nguyên, chắc gì người Mông Cổ chúng ta đã đứng vững.
Trong khi Nạp-hải còn vấn vương suy nghĩ. Triệu Trung đã cho khép vòng vây. Quân của Triệu Trung ngồi trên các lá thuyền nan nhẹ, mỗi thuyền chỉ chở năm, sáu người. Gặp chỗ nước cạn một vài người nhảy xuống đẩy thuyền lướt trên bùn sệt Những người trên thuyền vẫn đều tay cung, tay nỏ bắn vào người, ngựa Thát-đát. Càng ra xa, bùn càng sâu. Ngựa đã cắm bốn chân lút vào trong bùn, như bốn cột đá vững vàng, không một con nào nhúc nhích được nửa bước. Lính Thát-đát cứ ngồi trên mình ngựa lấy khiên che tên, đạn. Triệu Trung lại sai nhất loạt bắn vào ngựa. Những con ngựa chiến to, cứ phơi mông ra trước hàng ngàn cánh cung thiện xạ. Chẳng mấy chốc cả bầy ngựa nòi thảo nguyên đã lăn kềnh ra dẫy dụa. Lính Thát-đát buộc phải nhảy xuống bùn nước. Triệu Trung không truy kích vội. Ông cho quân bắn cầm chừng rồi nổi chiêng trống, làm cho quân kia rối dạ.
Chờ cho nước và bùn đã ngấm, đã làm trương sình những chiếc giầy da, quần áo da của lính Thát-đát, Triệu Trung mới phất cờ cho toàn quân xiết chặt vòng vây, hất bằng hết lũ Thát-đát xuống dòng sông ngầu đỏ đang cuồn cuộn chảy kia. Ông biết, lúc này quân giặc có muốn cởi bỏ giầy cùng binh trang ra, cũng không cởi nổi.
Khắp bốn phương, quân ta đều khép chặt vòng vây. Trận đánh mỗi lúc mỗi thêm dữ dội. Quân ta khí thế đang hăng, lại được thượng hoàng Thánh tông cùng quan gia xông xáo úy lạo.
Thấy sắc binh trong quân Triệu Trung giống hệt binh trang Thát-đát, vua Nhân tông phải sai đám lính trạo nhi, đi thông dẫn cho các cánh quân của Quốc Toản, Trần Thông, Nguyễn Truyền rằng: 'Phải nhận cho kỹ cờ hiệu kẻo bắn nhầm vào quân Thát-đát của chú Chiêu Văn".
Đúng như thượng tướng Chiêu Văn vương lượng định, quân của Triệu Trung đánh với sức mạnh phi thường, khiến quân Thát-đát cứ co rúm lại. Các tướng A-thâm, Xa-tác-tai, Bôn-kha-đa... đã bò sát mép nước mà không có thuyền bè nào đến cứu.
Triệu Trung sai thít chặt vòng vây hơn nữa, bắt cho kỳ được mấy viên tướng Thát-đát về trị tội. Đúng lúc ấy có mấy lá thuyền xuất hiện, nhìn kỹ thấy hiệu cờ của vạn hộ Triệu Tu Kỷ. Lập tức Triệu Trung cho quân hô: "Bắt sống tên Hán gian Triệu Tu Kỷ"!
Triệu Tu Kỷ nghe thấy giọng Hán đồng thanh, y giật mình. Nhìn ngó hồi lâu thấy hiệu cờ "Triệu Trung"; Kỷ hốt hoảng. Y biết tiếng Triệu Trung từ lâu. Không ngờ Trung lại chạy sang Đại Việt, chiêu mộ người đồng hương hiệp lực đánh lại thiên triều.
Tiếng hô: "Bắt sống tên Hán gian Triệu Tu Kỷ" cứ sôi lên sùng sục, nghe như có cả tiếng lửa giận bừng bừng. Triệu Tu Kỷ không dám ghé thuyền vào cứu lũ tướng Thát-đát đang chờ chết kia. Y vừa quay ngoắt lại thì gặp đội khinh thuyền của tiểu tướng quân Trần Quốc Toản với sắc cờ sáu chữ đang phấp phới tung bay. Quốc Toản, như một tướng nhà trời oai phong lẫm liệt, cùng với mười tướng hộ vệ dàn thuyền hàng ngang thành thế bao vây. Các tướng đều giáp trụ gọn gàng, binh khí sáng loáng, lăm lăm nhảy sang thuyền của Triệu Tu Kỷ.
Thương thay viên bại tướng này cùng vài chiếc thuyền mỏng manh, với lũ quân đang sợ co rúm lại kia, loáng đã chìm nghỉm dưới đáy sông.
Chẳng là Trần Quốc Toản, sau khi đã tiêu diệt xong hậu quân giặc, chàng bèn chia binh đánh vu hồi để hợp chiến cùng các tướng.
Được Quốc Toản chặn mặt sông, quân Thát-đát bị ghìm đứng lại như những tên phỗng đất. Chúng rơi vào hoàn cảnh thảm hại, không còn khả năng kháng cự. Cũng không còn khả năng chạy trốn nữa.
Triệu Trung và cả đoàn quân Tống lưu vong, với lòng căm giận nung nấu tới cả chục năm ròng, họ ào lên thét gào và tàn sát cho kỳ hết cánh quân Thát-đát. Cảnh đầu rơi máu chảy thật là thảm thương.
Thoáng chốc, chiến trường đã im phắc. Chỉ nghe thấy hơi thở nghẹn ngào của dòng sông ngầu đỏ mùi máu lợm tanh. Và từng đoàn linh điểu bay về. Từ thinh không, chúng thả ra những tiếng kêu "quà... quà..." như những tiếng reo vui.
Trận đánh Hàm Tử khởi từ giờ sửu, khép lại ở giờ thân. Thừa thắng quân ta kéo cả về Chương Dương hợp sức với Thái sư thượng tướng Trần Quang Khải. Thượng tướng cũng khởi đánh Chương Dương vào giờ sửu sáng nay. Hẳn lúc này, quốc công tiết chế Hưng Đạo vương, đã cùng với thượng tướng đang vây bắt Thoát Hoan tại Thăng Long rồi.
Các trại A Lỗ, Trường Yên bị đánh tan, Thăng Long rung chuyển. Tiếp lại mất Tây Kết, Thăng Long hỗn loạn. Thoát Hoan đã phải bỏ cung Thúy Hoa chạy sang điện Thiên An, họp bàn với tả hữu lo cự địch.
An Tư dò biết giặc muốn giết mình. Nàng không sợ chết, mà lo chưa làm được việc gì đáng kể cho nước. Lại lo Chiêu Thành vương phải sống cô đơn. Công chúa bàn với Yến Ly giúp mình một số việc, và nói tất cả dự liệu của nàng. Yến Ly ra sức can ngăn. An Tư lại nói:
- Ta thấy cả Lý Hằng, A-lí Hải-nha đều muốn giết ta. Nếu Thoát Hoan cố che chở cho ta mà khi đại quân đánh vào, y đem ta chạy về Bắc quốc, thời đó lại là cái nhục muôn đời. Ta không bao giờ chịu tuân theo. Mà bây giờ thì "thiên võng nan đào" ( lưới trời khó thoát). Ta nghĩ khi đại quân đánh vào, thế nào giặc cũng hỗn loạn, nhân cớ đó ta sẽ hành động. Ta thề chết với Thăng Long chứ nửa bước không theo giặc.
Yến Ly ngậm ngùi làm các việc mà An Tư nhờ cậy.
An Tư lại nói với Kim Liên:
- Quân ta sắp vào Thăng Long. Ta nhờ em vài việc. Nhưng trước hết em phải cứng cỏi lên, lại phải tinh khôn nữa, may mới thoát khỏi tai mắt giặc. Tức là khi quân ta đánh vào, em phải tìm nơi ẩn nấp cho khéo, nếu không, giặc sẽ giết chị em mình trước khi chúng tháo chạy. Nước mắt chảy quanh, An Tư nói - Vạn nhất chị không còn mà em may thoát nạn, thời em nói với chàng giùm ta. Rằng ta vẫn một dạ yêu chàng. Vì nước, xin chàng tha tội.
Kim Liên vội nắm chặt hai tay An Tư để tránh không òa thành tiếng khóc. Nàng thầm thì bên tai An Tư, giọng nhòe nước:
- Con không bao giờ quên lời công chúa. Ước gì công chúa cho con được chết cùng người.
- Vì ta, em gắng sống.
Khi Yến Ly nói mọi việc đã xong xuôi, kín nhẹm, An Tư mừng lắm. Nàng nắm lấy tay Yến Ly bảo:
- Duyên khởi trùng trùng nên Trời Phật cho ta lại được gặp em. Em giúp ta nhiều việc lớn quá. Công lao đuổi giặc khỏi xứ này, có phần em đóng góp. Nay mai xa cách, nghìn trùng họa có kiếp sau mới mong gặp lại. Em về thưa với song thân, cho ta kính lạy người. Ta có một vật quý muốn em lưu giữ. An Tư thò tay vào túi nách lôi ra một vật. Nàng đặt vào lòng tay Yến Ly - "Đây là chiếc gối quạ, mẫu hậu thường đeo vào cổ cho ta ngày bé, để kỵ tà ma, bệnh tật. Ta giữ chiếc gối quạ trong người, nên không bao giờ ốm. Hơn nữa, tinh thần trở nên bạo dạn, không biết sợ hãi là gì ở trên đời nữa. Gặp các bệnh nguy cấp, mài một chút xíu hòa với rượu hâm nóng, uống xong khỏi liền".
Yến Ly thầm nghĩ: "Chị ấy tưởng ta dễ dàng nghe theo lòng tốt của chị ấy chắc. Ôi sao người Đại Việt họ trung hậu làm vậy?".
Nắm chặt chiếc gối quạ trong tay. Yến Ly bảo: "Em giữ cũng như chị giữ".
Vừa đánh tan giặc ở Hàm Tử, Chương Dương, quân ta tiến thẳng vào Thăng Long. Tiếng reo dậy đất, lửa cháy ngút trời. Lại tiếng trống đồng thúc hối ầm ầm như tiếng triều dâng, thác đổ. Trong thành náo loạn. Vừa nghe tiếng quân reo, lửa cháy, Thoát-hoan vội biến vào trung quân, không kịp dặn An Tư lấy một lời.
Khoảng vài giờ sau thì quân ta đã áp sát chân thành.
Đúng lúc ấy An Tư đã cải dạng thành một viên tướng Thát- đát, Yến Ly cải trang thành lính hầu, nàng quyết không chịu rời An Tư nửa bước. Nàng xách trong tay một buộc gì đó, đeo vội vào lưng, tay cầm tù và, tay dắt ngựa. An Tư cầm cương nhảy lên mình ngựa rồi kéo Yến Ly lên phía sau mình. Ngựa phóng vút đi. Tiếng tù và rúc vang... Lính Thát-đát chạy bắn ra xa. An Tư vừa rời khỏi cung thì Kim Liên lẻn ra ao Liên Trì vùi mình dưới đám sen rợp lá.
An Tư phóng ngựa như bay về phía dãy nhà sau cung Cảnh Linh. Nơi ấy là kho thuốc đạn, kho cung tên. Đám lính canh phòng nghe tiếng tù và inh ỏi, lại lấp loáng áo mũ tướng quân trên mình ngựa, chúng kéo nhau chạy dạt ra. An Tư ghé ngựa vào sát nhà kho. Yến Ly quẳng tù và, bật bùi nhùi, đốt vào đuốc thông tẩm nhựa. Nắm đuốc cháy rực trên tay Yến Ly. An Tư dẫn ngựa chạy quanh từng dãy nhà cho Yến Ly ném lửa. Lát sau khắp một dãy nhà kho biến thành biển lửa, và tiếng của các loại thuốc đạn đơn sảo pháo, song sảo pháo nổ oàng oàng. Con chiến mã thấy lửa cháy rát, hoảng sợ lao đầu vào kho thuốc rực hồng...
Chiêu Thành vương sau khi đánh bại đám lính Thát-đát trên bến Chương Dương cản trở bước tiến của chàng, thì áo bào đã đỏ máu. Chàng vội dẫn toán kỵ binh vượt qua tên bay, lửa cháy áp thẳng tới chân thành. Ánh sáng rực đỏ kinh thành. Chiêu Thành vương mồ hôi đẫm áo, vượt hoàng thành, tiến thẳng vào điện Thiên An. Cung điện tối om. Thoát Hoan đã tháo chạy sang sông. Tay đao, tay đuốc, Chiêu Thành vương tìm khắp điện Thiên An, lại chạy qua cung Cảnh Linh, chàng luôn réo gọi:
- An Tư! An Tư, nàng ở đâu…! Ở... ở... đ... âu...!
Lát sau thấy Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản dẫn đầu một đoàn dũng sĩ, tay đuốc, tay đao, tìm khắp tam cung lục viện. Quốc Toản cũng luôn tiếng gọi:
- Hoàng cô An Tư! Hoàng c... ô...!
Hoài Văn Hầu gặp Chiêu Thành vương tại dãy nhà cháy rụi sau cung Cảnh Linh. Hai chú cháu gương mặt buồn thiu đi quanh đám lửa tàn, mà không hề biết trong đống tro than kia, có hai dũng sĩ đã đến trước mình - hai bậc nữ lưu ấy sẽ còn mai danh ẩn tích tới cả ngàn thu.
Thoát-hoan, A-lí Hải-nha, Lý Hằng chạy tháo thân sang bờ bắc sông Cái chưa hoàn hồn, thì Hưng Đạo vương lại dẫn đại quân cùng Hưng Ninh vương Trần Tung và chư tướng bốn mặt vây đánh. Giặc mở đường máu chạy luôn đêm ngày tới bờ sông Như Nguyệt, chưa kịp dừng chân đã trông thấy lá cờ thêu sáu chữ vàng. Dẫn đầu là viên thiếu niên dũng tướng Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản, áp tới đánh liền. Tướng giặc hoảng sợ không dám đối đầu, vì đã biết tiếng chàng mấy phen kịch chiến, khiến Ô-mã-nhi bạt đô khiếp vía.
Trong cơn khốn quẫn, A-lí Hải-nha sai đám cung thủ có tài Hậu Nghệ núp sau mông ngựa bắn lén. Quốc Toản bị hai mũi tên độc bên cánh tay tả vẫn không chịu lui. Lê Như Hổ cho hai dũng sĩ dìu Hoài Văn hầu về phía sau cứu chữa. Ông tự làm tướng dẫn đoàn quân xông vào đuổi giặc. May cho Thoát-hoan đã trốn được sang sông, nhưng quân sĩ của y bị Lê Như Hổ và toàn quân giết, xác lấp đầy một khúc sông.
Khi trở lại, Lê Như Hổ đã thấy toàn thân Hoài Văn tái ngắt. Thầy thuốc rút tên, cởi áo bào và giáp hộ tâm, Quốc Toản chỉ còn mặc lót chiếc áo vóc đại hồng đã bạc phếch, với vài mụn vá màu chàm của mẹ.
Lê Như Hổ quỳ xuống lay gọi. Quốc Toản mở mắt, chàng hỏi:
- Bắt được Thoát hoan chưa?
- Dạ, quân đang truy đuổi.
Khẽ mấp máy môi, giọng run run, Quốc Toản nói:
- Nâng ta dậy.
Lê Như Hổ đỡ chàng dậy, mười tráng sĩ tả hữu của chàng cũng đang quì gối bên cạnh chàng. Hoài Văn hầu nói nhỏ vào tai Lê Như Hổ:
- Ông về lạy mẹ giùm ta. Trọn trung thôi đành thất hiếu. Lạy ông ba lạy. Ông mãi mãi là sư phụ của ta. Dứt lời, mắt chàng lóe lên rồi khép lại. Chàng đã đi vào cõi mênh mang của vũ trụ như một vì sao vừa vụt tắt.
Thoát-hoan vừa thoát chết bên sông Như Nguyệt, chạy tháo thân đến sông Sách Giang lại lọt vào trận địa của quân Trần chờ sẵn. Tớ thầy tơi tả. A-lí Hải-nha xông pha mở đường máu che chở cho Thoát-hoan. Lý Hằng đoạn hậu, chật vật lắm mới vượt được qua sông. Số quân bị giết, bị bắt tới quá nửa. Luôn ngày đêm, quân binh, dân binh khắp nơi đuổi đánh giặc. Càng lên miền ngược, giặc càng sợ nỏ cứng tên độc của người thiểu số. Lý Hằng bèn bắt quân đan rọ, ngoài bọc đồng lá cho Thoát-hoan chui vào trong rồi bắt lính khiêng, cáng.
Tại ải Vĩnh Bình, Hưng Vũ vương Trần Quốc Nghiễn đã đem quân phục sẵn. Giặc khốn đốn không sao vượt được trùng vây. Quân chúng chết như châu chấu nhảy vào lửa. Lý Hằng sai các tướng liều chết mở đường máu rút chạy. Quân buộc dây kéo rọ Thoát-hoan lê trên mặt đất để tránh tên, như kéo một con chó dại. Lý Hằng đoạn hậu.
Chưa ra khỏi đất ta, Hằng đã bị trúng tên độc, biết không thể sống được, y bèn trao quyền làm tướng cho viên tỳ tướng Lý Quán.
Nằm trong chiếc rọ, ngoài bọc đồng lá che chắn tên đạn, tối như nằm trong bụng cá. Gặp khúc đường ổ gà hoặc lúc bị đạn pháo bắn đuổi, hoặc lúc có quân phục, đám lính lôi kéo không còn biết nương tay nữa. Thoát-hoan cứ lăn tròn trong rọ, chân tay quờ quạng, mặt mày bị va đập xây xước tóe máu. Y tự nghĩ: "Ta đường đường là thái tử của thiên triều, mà thân phận có khác gì một con chó. Nếu ta thoát chết, phải xin vua cha đại binh sang phá nát xứ này. Ta thề không đội trời chung với Hưng Đạo và cha con Nhật Huyên!”.
Quân giặc liều chết mới kéo được cái rọ bọc đồng lá, có Thoát-hoan chúi ẩn trong đó chạy về bên kia biên ải.
Thừa thắng, Hưng Vũ vương kéo quân truy đuổi sâu vào đất giặc tới mấy chục dặm.
Sợ chủ bị hại, Lý Quán thân đoạn hậu, cản quân ta, mong cứu Thoát-hoan trốn chạy.
Căm giận bọn Hằng, Quán đã lén hại tiểu tướng quân Hoài Văn hầu Trần Quốc Toản bên bờ sông Như Nguyệt bữa trước, nay y lại cản đường quân ta, khiến vương không bắt được Thoát-hoan; Trần Quốc Nghiễn quyết bắt y phải đền mạng. Ông nhẹ lật bả vai, cây cung đã nằm gọn trong tay, giây cung vừa buông "phút" một tiếng, mũi tên độc đã cắm phập vào yết hầu Lý Quán, Quán chết, quân giặc tan tác khóc lóc xin hàng. Vương tha mạng chết cho chúng rồi thu quân về nước.