Bố-già-la cầm đầu đoàn cống sứ Champa một trăm người tới Thăng Long. Họ đem voi trắng, vải trắng, trầm hương cùng nhiều đồ quí, lạ đến dâng cùng với thông điệp xin binh cứu viện thật là khẩn thiết của vua Chiêm Indravarman V. Ngoài thông điệp Bố-già-la còn nói rất nhiều về công cuộc phòng thủ của quân Chiêm, kể cả việc đắp thành cố thủ chống giặc từ ngoài bãi biển Thị-nại. Lại cũng cho biết vua Chiêm tuổi cao sức yếu, nên mọi trọng trách quốc gia đều trao cho thái tử. Thái tử Harijít tuy còn ít tuổi, nhưng có tài thao lược. Đích thân thái tử nắm trọn quyền chỉ huy phòng thủ, cũng như kình chống với quân Nguyên. Chính thái tử đã ra lệnh bắt và tống giam hai đoàn thuyền nhà Nguyên, cố tình đi vào đất Chiêm do thám. Họ nói thác là đi Tiêm-la, Chân-lạp bị lạc đường. Việc đó trở nên căng thẳng, và chiến tranh là điều không thể tránh.Trần Quang Khải đã nghĩ tới việc giúp họ, cũng có nghĩa là tự giúp mình. Ngặt vì thượng hoàng và nhà vua đi kinh lý chưa về, nên mới chỉ nhận lời và nói với Bố-già-la nên chờ ít bữa.Nghe Quang Khải nói, viên chánh sứ rập đầu tâu:- Nước chúng tôi từ trước tới nay vẫn một lòng thờ thượng quốc, việc tiến cống không bao giờ bê trễ. Nay nước chúng tôi đang bị bọn nhà Nguyên đe dọa xâm lăng. Họa Thát-đát tràn vào chỉ trong sớm tối. Nếu nước chúng tôi bị mất, thì giặc Mông-thát sẽ kẹp quí quốc giữa hai gọng kìm. Thăng Long sớm muộn cũng trở thành cung thất của Trấn nam vương Thoát-hoan, và của An Nam sứ đô nguyên súy Bột-nhan- thiết-mộc-nhi. Cúi xin đại vương xét tình mà khẩn cấp cứu cho. Việc chống giặc còn cần kíp hơn việc cứu hỏa, nếu đại vương chậm ra quân một ngày, là nguy họa đối với nước chúng tôi sớm thêm một ngày. Mà có giúp nhau, thì giúp lúc giặc còn ở xa mới tiện cho việc sắp xếp binh lực. Vả lại, các vị tướng lĩnh cùng binh sĩ quí quốc, cũng phải có thời gian làm quen với địa hình nước chúng tôi, thì mới có kế sách cùng nhau đánh giặc. Còn như khi giặc đã vào đất chúng tôi rồi, quí quốc mới cử binh sang, thì ôi thôi vua chúng tôi hoặc đã bị bắt, hoặc phải ra hàng. Lúc ấy, không những đoàn quân cứu viện đó sẽ không có ngày về, mà ngay cả kinh thành Thăng Long đây dễ gì giữ được. Trái lại, nếu giúp nhau lúc này, chúng tôi giữ yên được bờ cõi, kíp khi quân kia có tràn vào quí quốc thì nước chúng tôi đấy, kho người, kho của, quân thủy, quân bộ xin đặt dưới quyển thống lĩnh của quí quốc. Nếu sai xin trời tru đất diệt.Trước lời lẽ thiết tha của Bố-già-la, không những Trần Quang Khải, mà cả triều đình đều xúc động. Ai cũng khen Bố-già-la là tôi trung kiệt hiệt của nước Chiêm Thành. Đi sứ không làm nhục mệnh vua. Xin mà không hạ thấp mình, nói năng phải lẽ, lý tình trọn vẹn mà đanh thép, thật chẳng thua kém gì những tay thuyết khách kỳ tài đời Chiến quốc như Tô Tần, Trương Nghi. Các đại thần nhất đán khuyên quan tướng quốc nên sớm quyết, kẻo lỡ việc lớn quốc gia.Thật ra, không phải Trần Quang Khải không thấy hết sự trọng yếu, và lợi ích thiết thân của việc đem quân giúp Chàm. Tin tức ông nhận được, từ sau khi ta cự tuyệt việc mượn đường, mượn quân, mượn lương của Đại Việt đánh Champa, Hốt-tất-liệt đã lớn tiếng thét giữa triều đình: "Ta sẽ bắt cha con Nhật Huyên đem về Yên Kinh trị tội". Cho nên, nếu sứ đoàn Chiêm quốc lần này không khởi xướng việc xin viện binh, ông cũng sẽ gợi ý. Và nếu như thượng hoàng cho phép, ông sẽ thân chinh giúp Chàm.Nhưng hiện thời, tình thế trở nên cấp bách, trong khi vẫn còn đủ thì giờ và cơ hội cứu vãn, nên ông quyết định: - Sứ giả không phải nhiều lời. Không phải dạy khôn chúng ta. Đại Việt với Champa quan hệ mật thiết với nhau như môi với răng. Hiện thời quân Nguyên chưa kéo qua mặt bộ vào Champa được, là bởi Đại Việt nhất quyết chống lại việc nhà Nguyên đánh Champa. Nay mai, bọn chúng đánh Champa, cũng tức là tạo cơ hội đánh Đại Việt. Cứu Champa đây không phải là lần đầu. Nhưng người Champa các ông hay tráo trở. Vậy trước khi ta xuất chinh, phải có làm tờ cam kết.- Dạ, bẩm đại vương, chúng tôi xin chấp thuận mọi điều ước do quí quốc đề ra. Bố-già-la nói, và dường như ông ta rất sợ bên Đại Việt đổi ý.- Chúng tôi không ép quí quốc. Nhưng sự giúp đỡ là phải có đi có lại. Tức là chúng ta phải tựa vào nhau làm thế ỷ giốc, thời kẻ kia phải sợ. Nay chúng tôi xin đưa con em Đại Việt sang giúp quí quốc chống giặc. Chỉ xin giúp lại nhau khi cần. Chúng tôi không đòi hỏi đất đai hay của cải gì của Champa. Chỉ cần sự thỏa thuận giữa hai triều đình, trong một văn bản khế ước. Trần Quang Khải ngừng lời, sau khi ông đã coi kỹ ánh mắt và những cử chỉ bày tỏ của Bố-già-la, lại nói:- Ta lưu ý ông chánh sứ, ước thúc giữa hai nước sẽ được thảo và ký ngay hôm nay. Vậy, ông chánh sứ phải lo liệu các sứ đoàn sớm trở lại Champa, báo tin trước cho quốc vương yên tâm.Viên chánh sứ vái Trần Quang Khải hai vái:- Đội ơn đại vương đã ra tay cứu giúp chúng tôi. Nhưng chúng tôi chưa thể ra về mà chưa biết quí quốc sẽ giúp bao nhiêu quân. Và bao giờ thì cất quân. Xin đại vương cho chúng tôi theo chân quân Đại Việt trở về, lũ chúng tôi sẽ là người dẫn đạo. Thủy bộ chúng tôi đều thông tỏ cả.Trần Quang Khải cười thầm, viên sứ thần này quả là một tay đáo để. Ông nói: - Binh quí thần tốc. Chắc ông chánh sứ biết điều đó. Khi chúng tôi đã nhận lời, là chúng tôi phải đi thật nhanh. Còn đi lúc nào, hoặc số quân chúng tôi đưa sang bao nhiêu thì xin ông chánh sứ cảm thông: cơ mật là sự sống còn của việc binh. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ nói riêng với ông những điều cần thiết về lương thảo, về chiến cụ để ông cử người về trước lo liệu, một số các ông sẽ ở lại đi với quân chúng tôi về Chiêm.Viên chánh sứ sung sướng quá, hét lên giữa triều đình: "Quốc vương Đại Việt thiên tuế!". Rồi ông khóc ròng như một đứa trẻ.Tất cả những việc trên xảy ra trong mấy ngày qua, diễn lại trong óc Trần Quang Khải, dường như mới chỉ vừa trước khi thượng hoàng và nhà vua về có một lúc. Tướng quốc thái úy tường trình lại các việc trước hai vua. Những điều ông đã làm, và những việc còn đang tiếp.Hai vua đều chấp thuận các việc giám quốc thái úy đã quyết.Và cho đó là sáng suốt, kịp thời. Hai vua cũng cho ông biết tỉ mỉ về kế sách "Phú quốc cường binh" của Hưng Đạo vương. Và hầu như những điều Hưng Đạo khởi xuất, ông đã có làm thử và thu được những thành tựu đáng kể trong vùng ấp An Sinh, ấp Tịnh Bang. Cho nên, việc này phải hoạch định thành một chính sách của triều đình. Rồi ban bố cho cả nước cùng theo.Trần Quang Khải xin khất việc xem xét sách lược "Phú quốc cường binh" lại ít ngày nữa. Và ông xin được phép điều động binh nhung, để trong vòng ba ngày tới sẽ lên đường.Hai vua mời Trần Đạo Tái vào cung Thánh từ. Thái úy Trần Quang Khải cũng tới dự.Mở đầu, Nhân tôn nói:- Việc giúp binh cho Champa là cần lắm. May mà họ hỏi, nếu không ta cũng phải thương nghị để đưa quân sang. Cái chính là cản mặt nam, không cho Hốt-tất-liệt lập được hai thế gọng kìm. Việc này, lẽ ra thượng hoàng có nhà thì sẽ điều quân túc vệ, nhưng thúc phụ giữ ý, đã cho điều quân bản bộ, và cử chú Đạo Tái làm tướng xuất chinh. Trẫm chỉ băn khoăn, quân ta sang đó gặp thủy đánh thủy, gặp bộ đánh bộ, mà chú Đạo Tái lại chưa quen việc đánh thủy lắm. Chẳng hay việc ấy nên như thế nào?Trần Đạo Tái thưa:- Tâu bệ hạ, thần không phải là tướng chuyên đánh thủy. Nhưng phép làm tướng, từ thế thủ, thế công, đánh thành, diệt viện, phục binh, cướp lương, đánh thủy, đánh hỏa... thảy đều phải biết. Thần tuy bất tài, nhưng nghề đánh thủy, chắc là không thể kém bọn lính thảo nguyên và sa mạc của lũ Mông-Thát. Ngay cả đám quân tân phụ miền nam Trung Quốc, cũng không phải là quân tinh thông về sông nước.Thượng hoàng Trần Thánh tôn nắm lấy tay Trần Đạo Tái nói:- Ta biết cháu có tài thơ văn nổi tiếng cả kinh thành. Nếu không vì việc nước thì sao thi nhân phải ra trận. Cháu đi lần này muôn sự khó. Chiêm Thành là một nước nhỏ. Quân tinh nhuệ, nhưng sức chiến đấu không bền. Thắng kiêu, bại nản. Ta nghe nói, thái tử Chế-mân là một người có bầu nhiệt huyết. Lúc nào cũng sôi sục muốn uống máu ăn gan kẻ thù. Điều ấy thì tốt, nhưng dễ nản, nếu như tướng địch là một tay đa mưu túc trí, vị tất hoàng tử đã kiên định được. Vậy cháu phải giúp thái tử nhận ra được chỗ yếu của mình, chớ có chỉ nhìn thấy chỗ yếu của địch, thì sự bại vong là điều không thể tránh.Cha con Trần Quang Khải bái biệt hai vua ra khỏi kinh thành lúc mờ mờ tối. Hai người hóa trang làm hai khách thương với một tốp lính túc vệ, cải trang như dân thường. Thăng Long vẫn bình yên như không có gì xảy ra. Việc điều binh giúp Chiêm vẫn yên lặng như tờ. Ngay các đại thần, các quan thị vệ, và cả quan đại an phủ sứ của kinh sư cũng không ai hay biết gì cả. Vì vậy, tay chân của Hốt-tất-liệt mà đám Sài Thung gài lại, cũng như đui như điếc hết. Riêng đoàn cống sứ Chiêm Thành đã dời khỏi Thăng Long từ ba ngày trước đó. Và viên chánh sứ Bố-già-la được lệnh: Khi tới cửa biển Thần Phù thì một nửa cứ đi thẳng về Chiêm, một nửa còn lại ghé vào bờ chờ binh Đại Việt.Khi cha con Trần Quang Khải tới cửa Thần Phù vào khoảng giờ tuất ngày hôm sau. Một vạn quân điều động ngay tại vùng cửa Thần Phù( Là một cửa biển lớn thuộc đất Ninh Bình, còn có tên là cửa Đại. Cửa này ngày nay đã bị bồi lấp. ), và một phần từ Thiên Trường ra đã tề tựu đầy đủ. Chiến thuyền san sát như lá tre. Các thuyền lấp lánh những ngọn đèn dầu le lói, nom xa như một bờ sao dầy đặc của dải ngân hà vào những đêm tối trời.Thấy báo có thái úy tướng quốc đến, viên đô đốc thân lên bờ cung nghinh. Đô đốc dẫn thái úy và thượng tướng đến chỗ chu sư. Nghe có tiếng động rậm rịch ở phía ngoài, Trần Hưng Đạo bèn sửa lại vuông khăn lượt, rồi bước ra khỏi lâu thuyền. Đúng lúc cha con Trần Quang Khải từ phía mũi thuyền đi vào, chợt nhìn thấy Trần Hưng Đạo lừng lững đi ra. Quang Khải sững người lại không kịp cả chào hỏi, trong khi ấy Hưng Đạo vừa sá xong một sá đã lên tiếng trước:- Ta đón thái úy và vương diệt ở đây từ tối hôm qua.Trần Quang Khải cúi chào, còn Trần Đạo Tái thì phủ phục xuống vái hai vái. Hưng Đạo đỡ Đạo Tái dậy rồi anh em bác cháu đưa nhau vào khoang thuyền. Trần Quang Khải vẫn chưa hết kinh ngạc. Ông cho Hưng Đạo là người xét đoán công việc như thần. Việc điều binh cũng như địa điểm xuất quân, ông không hề hé lộ với ai, ngoại trừ đức vua, mà Trần Hưng Đạo rõ ràng không ghé Thăng Long. Vậy tại sao ông biết được kế của ta, không những thế, ông còn đến nơi xuất phát trước ta.Như để giải tỏa điều Trần Quang Khải băn khoăn, Hưng Đạo nói:- Hôm trước ở ấp An Sinh, nghe hoàng thượng bố cáo, tướng quốc sẽ xuất quân bản bộ và cử đích trưởng tử làm thượng tướng, thống lĩnh ba quân. Vậy nên ta liệu định:- Một là tướng quốc không muốn động tới binh lực của triều đình. Vì như vậy sẽ sa vào bàn cãi lôi thôi.- Hai là tướng quốc muốn giấu nhẹm ý đồ cứu viện Chiêm Thành, để bưng tai bịt mắt nhà Nguyên. Như thế thì không thể điều binh ở Thăng Long được.- Ba là đã không điều binh ở Thăng Long, thì phải điều quân bản bộ ở Thiên Trường. Mà hải đạo xuất phát thuận lợi nhất trong vùng này chỉ có cửa Thần Phù.Với ba điều dự liệu trên, nên ta tới thẳng đây. Vẫn nghĩ rằng đêm nay xuất binh nên phải tới từ đêm qua, để có thể còn kịp chia tay vương điệt, và cũng có đôi điều nghĩ thấy về người Champa hoặc người Thát-đát, nên muốn truyền dặn lại cho cháu. Ai ngờ may mắn lại được gặp cả thái sư. Vậy thời, sự có mặt của ta trở nên thừa chăng?Quang Khải nắm tay Quốc Tuấn cùng đi vào lâu thuyền, và trong lòng ông rộn lên những nghĩ suy từ lâu vẫn giằng xé. Kể cả người trong nước lẫn trong hoàng tộc, hoàng gia, thường cho rằng cầm đầu hai thế lực kình chống ngấm ngầm giữa hai dòng trưởng và thứ, là do ông và Trần Quốc Tuấn. Đúng là người ta nói rát về các âm mưu thôn tính của Quốc Tuấn, và thế lực to lớn cũng như tài cầm quân của ông. Trần Quang Khải đã tung cả bộ máy đi dò xét, kể cả việc bố trí binh lực, phòng khi có biến. Song đó chỉ là những việc người đời suy diễn rồi gán cho Quốc Tuấn, chứ thực tình Quang Khải chưa nhận thấy một biểu hiện khuynh loát nào, dù là rất nhỏ. Riêng có một điều Quang Khải thấy, và có phần nào lo ngại, rằng Quốc Tuấn lúc nào cũng ráo riết luyện đám tinh binh. Xong lại tha cho về và đến lượt đám dân binh được lấy lên luyện cho tới khi thành tinh binh. Cứ cái lối thay phiên nhau ấy, lúc nào Quốc Tuấn cũng có trong tay một đội tinh binh cực lớn. Và giờ đây, nếu huy động, thì hầu như hết thảy dân binh trong thái ấp An Sinh của Quốc Tuấn, đã trở thành tinh binh. Nhất là trong các chủ trương về việc binh, Quốc Tuấn thường nói: "Quân cần tinh chứ không cần nhiều". Bây giờ nghĩ lại, Quang Khải thấy trong lòng có một cái gì nhen lên, như là sự hối hận. Rõ ràng là anh ấy vất vả, khi các vương hầu khác nhàn rỗi. Nhưng bây giờ anh ấy đã có sẵn trong tay một đội binh lớn, tinh nhuệ, chứ không phải rèn dạy những bước sơ đẳng của người lính. Đã đến lúc anh ấy rảnh tay, dạy cho tướng lĩnh và binh sĩ dưới quyền về binh pháp. Ta đọc sách "Đồ bát quái cửu cung"( "Đồ bát quái cửu cung" còn có tên khác là "Vạn kiếp tông bí truyền thư". Sách này nay đã thất truyền. Chỉ còn một đoạn tựa của Trần Khánh Dư do Lê Văn Hưu chép trong Đại Việt sử ký toàn thư. ) của Quốc Tuấn thấy anh ấy hơn cả Tôn - Ngô. Vì rằng Tôn - Ngô coi binh sĩ như một lũ ngu khờ. Mọi sự đều do người tướng quyết cả. Đằng này, Hưng Đạo sử dụng binh sĩ như những con người, và cho họ học cả binh pháp, thấy được cả việc lớn của người làm tướng, và thấy cả bổn phận của người lính phải làm gì. Đến lúc này Quang Khải mới thấy ngay cả điều lo ngại trước đây về Quốc Tuấn, nay lại là việc đáng mừng. Nếu vương hầu nào cũng làm như Quốc Tuấn, thì dân đều được no ấm, mà nước thì đủ binh mạnh, lo gì giặc dữ ngoại xâm. Gạt bỏ mọi điều suy nghĩ xằng bậy, và ghép gán, hỗn tạp của người đời, tự đáy lòng mình, Trần Quang Khải thừa nhận: Quốc Tuấn là một chính nhân quân tử, là một hiền tài, một bậc nhân tướng, một bậc lương tướng, một con người nhìn xa thấy rộng - quả anh ấy hơn ta nhiều lắm. Nước muốn đứng được, không thể không dựa vào con người này.Vào trong lâu thuyền, trà nô vừa dâng xong một tuần, Quang Khải cho lui. Ông đi thẳng vào việc:- Anh Quốc Tuấn, hiện tình đất nước cực kỳ nguy cấp như anh đã biết. Anh em mình không nên thủ lễ nữa. Trước đây bọn tôi có gì không phải, xin anh độ lượng bỏ qua. Số binh đưa sang Chiêm, tôi định cho chi viện bốn quân. Cháu Đạo Tái được cử thay tôi làm thượng tướng.Cho dù đã thuộc tất cả từng chiếc sẹo nhỏ trên gương mặt "thằng bé", ấy vậy mà khi nghe Trần Quang Khải nói, ông lại nhìn ngó chằm chằm Trần Đạo Tái, như lần đầu nhìn thấy cháu.Với gương mặt dường như bình thản, nhưng trong giọng nói, lại đượm vẻ xúc động, Trần Quốc Tuấn đáp:- Một vạn quân không phải là nhiều. Nhưng chiến trường Champa hẹp, cũng không cần nhiều hơn thế. Song ít hơn nữa, lại không vỗ về được cha con quốc vương Champa, và cả đám dân chúng đang cực kỳ hoang mang.Đột nhiên Quốc Tuấn quay ra hỏi Trần Quang Khải:- Chú định bao giờ cho khởi binh?- Quan thái bốc bói được giờ tí. Tôi cũng cho đó là giờ tốt, vì nó là cái giờ thanh khiết nhất của một ngày.- Chú liệu định thế trận sẽ diễn ra ở Chiêm là như thế nào? Và bao lâu nữa thì quân Nguyên tới Chiêm?- Số quân dồn về Kinh Hồ định đánh ta. Nay Hốt-tất-liệt tính chuyện ăn chắc, đánh Chiêm trước, rồi sau đó đánh ta từ hai mặt bắc và nam. Trù liệu đánh Chiêm, chắc không thể dưới năm vạn quân. Hiện thời số quân đánh Chiêm đã lên đường. Chính người Chiêm cũng biết việc ấy, nên họ ráo riết xây dựng thành lũy cản giặc, một mặt sang ta xin viện binh.- Người Chiêm được thái tử Chế-mân truyền cho lòng căm giận giặc dữ, cho nên cả nước Chiêm Thành đang hừng hực như một bể dầu sôi, chỉ cần ném vào đó một tia lửa nhỏ, sẽ trở thành biển lửa, Quốc Tuấn nói với vẻ trầm buồn. Một lát ông quay lại hỏi Đạo Tái:- Thế cháu định ở bên đó bao lâu?- Trình bá phụ. Việc binh không biết đâu mà hẹn trước. Nhưng ít ra cũng phải giúp người ta đứng vững thì mình mới về được.- Cháu nói có lý. Ý chú Chiêu Minh thế nào?- Theo tôi, việc binh quí ở thắng chứ không quí ở lâu. Nếu Đạo Tái giúp họ tạo nổi cái thế tự đứng được thì nên rút ngay.- Đúng như vậy. Ta nghe Hốt-tất-liệt cử nguyên soái Toa-đô thống lĩnh đại quân đánh vào Chiêm Thành. Nếu bình được Chiêm Thành, thì đạo quân của y cùng với quân Chiêm sẽ đánh tập hậu ta ở mặt nam, còn Thoát-hoan sẽ thống lĩnh đại binh đánh vào mặt bắc. Kỳ này, ta xem Toa-đô không đại thắng Chiêm Thành được, là bởi tuy y có dạn dày bách chiến nhưng y hết sức coi thường địch. Trong khi đó ở Chiêm Thành, cả nước một lòng. Chỉ có điều ta hơi ngại, người Chiêm thiếu tính ngoan cường. Nếu thua trận đầu họ dễ hoảng sợ. Cho nên vương điệt sang Chiêm, điều quan trọng chưa phải trực tiếp đánh, mà chỉ nên thanh viện giúp kế và bình ổn nhân tâm. Nói với người Chiêm, chớ có mắc mưu Toa-đô. Nếu y quyết dốc toàn lực, đánh quỵ đối phương ngay từ trận đầu, thì phải phân tán ra đánh y ở nhiều hướng. Làm cho y mất ăn mất ngủ. Việc đánh Toa-đô phải xuất quỷ nhập thần. Khi y dàn trận, nên tránh. Khi y rút, chặn hậu mà đánh. Nên nhớ, lấy sức mạnh của ta, đánh vào chỗ yếu của địch bao giờ cũng thắng. Người Chiêm Thành giỏi bơi lội, giỏi leo trèo, chỉ nên dùng những đội binh nhỏ mà đánh chớp nhoáng vào lúc giặc bất ngờ nhất. Và phải biết lợi dụng thời tiết nóng ẩm phương nam mà đánh giặc. Nếu như cứ đêm đêm quấy rối, bắn hỏa pháo vào trại giặc, reo hò, chiêng trống, rồi đốt lửa ngoài thành, làm cho quân kia ăn không ngon, ngủ không yên, khiến chúng phải thành cao hào sâu mà thế thủ. Khi chúng đã thế thủ thì tìm triệt nguồn nước, triệt đường tiếp lương. Nói đến đây Hưng Đạo ngừng lời, ông để ý nhìn hai cha con Quang Khải. Trong đáy mắt Đạo Tái ánh lên như là một sự khẩn cầu, còn Chiêu Minh vẫn chăm chú lắng nghe. Quốc Tuấn lại nói:- Nếu Toa-đô không thắng mà Chiêm Thành cũng không thua, ấy là lúc vương điệt nên rút quân về cùng với quân của Tĩnh Quốc đại vương ở Nghệ An, để hợp trấn mặt nam. Ta ngờ rằng nếu con không ra sớm, thì Toa-đô sẽ ra trước con.Hưng Đạo nói với ánh mắt quả quyết, khiến Trần Đạo Tái và Trần Quang Khải đều giật mình - Ý chú Chiêu Minh thế nào? ông quay ra hỏi Trần Quang Khải.- Hẳn rằng diễn tiến chiến cuộc sẽ đúng như anh lượng định. Chiêu Minh vương đáp lời, ông nhìn con trai, dặn thêm:- Con đi chuyến này là muôn khó, muôn khổ. Giúp cho Chiêm Thành không thua tức là thắng. Lại kìm giữ được chân quân Nguyên ở đấy càng lâu, thì ở nhà cha và bá phụ càng có thời cơ chỉnh bị quân lương mà kình chống với giặc. Con nên nhớ, thế nước mình hiện nay đứng được là việc thế gian hy hữu.Trần Đạo Tái bùi ngùi. Hưng Đạo nắm lấy tay cháu nói:- Phụ thân cháu nói vậy, để cho cháu kiên quyết và thận trọng trong việc binh. Riêng bác nói để cháu yên tâm: khi nào đầu bác và đầu phụ thân cháu còn chưa rơi, thì lũ Mông - Thát chớ có hòng ngự trị được mảnh đất từng thấm máu cha ông ta. Ngừng một lát, Hưng Đạo lại ân cần dặn:- Con nên nhớ kỹ một điều. Quân Mông - Thát cực kỳ tàn bạo. Chúng thường dùng chính sách đốt sạch, giết sạch làm cho dân bản xứ điêu linh, khiếp đảm mà phải qui hàng. Nhưng điều đó không ngại bằng, trong hàng tướng lĩnh quân Nguyên, có bọn tay sai người Hán, mưu kế cực kỳ thâm độc, xảo trá. Không những con phải canh chừng, mà còn phải giúp người Chiêm nhận cho ra những mưu ma quỉ kế của bọn vong quốc, cam tâm làm chó săn cho lũ chủ mới này. Tựa như bọn Sài Thung là tên Hán gian đại gian đại ác mà con đã biết.Sắp đến giờ xuất phát, Trần Quang Khải, Trần Quốc Tuấn đến úy lạo từng quân một. Trong đoàn viện binh được phiên chế thành bốn quân. Mỗi quân đặt dưới quyền điều khiển của một viên đại tướng. Trần Đạo Tái giữ quyền thượng tướng, thống lĩnh cả bốn quân, được trao ấn và cờ tiết.( Từ năm Đinh mão (1267) nhà Trần đã định lại quân ngũ như sau: Mỗi Đô có 80 người. Mỗi quân có 30 Đô, tức là 2.400 người.)Chiến thuyền cũng được phân theo từng quân. Mỗi quân mang một sắc cờ: đỏ, vàng, xanh, đen. Thuyền của thượng tướng mang cờ đuôi nheo đỏ có tua vàng. Đội ngũ thật là uy nghi, trùng điệp.Trời đầy sao. Trăng hạ huyền mảnh mai như một chiếc vành lược. Trong thôn xóm đã im tiếng chó sủa. Thảng có tiếng gà gáy ở một xóm chài đâu đó lan tỏa trên mặt sông. Giữa lúc mọi người đang náo nức chờ, chỉ còn vài khắc nữa chuyển sang canh, là tới giờ xuất phát. Bỗng có tiếng vó ngựa khua giòn, và một đoàn chừng hơn chục con ngựa ghìm cương đứng ngơ ngác giữa một vùng bát ngát các chiến thuyền.Dưới ánh trăng mờ đục, người ta nghe thấy một giọng nữ cất vang với vẻ ngạo nghễ, hách dịch:- Quân đâu! Cho ta hỏi chu sư ở chỗ nào?Viên đô trưởng tiến lại gần chỗ người con gái quát hỏi. Anh ta dõng dạc nói:- Tôi phụng mệnh tuần kiểm trên cửa sông này, ai hỏi han việc quân đều phải trình báo theo luật lệ, không được ăn nói hàm hồ.Lập tức người con gái đáp lại bằng một giọng cười giòn tan:- Này mấy chú kia. Trời tối om, bọn ta không biết trạm canh ở đâu. Nhưng ta có việc khẩn cấp lắm. Các chú lại đây mà xem hỏa bài, rồi dẫn ta đến ngay chỗ chu sư của thượng tướng. Nàng vừa nói vừa chìa hỏa bài cho viên đô trưởng, và tiếp - Thoắng lên, kẻo lỡ việc là bọn các người sẽ mất đầu đấy!Viên đô trưởng bật bùi nhùi lấy lửa soi vào tấm hỏa bài, rồi lôi ngay con ngựa trạm của điếm canh gần đó nhảy phắt lên, miệng nói:- Xin các đại nhân theo tôi. Cấp tốc lên, chỉ còn vài khắc nữa là sang canh.Quân vào bẩm, Hưng Đạo, Quang Khải, Đạo Tái đều thân ra nghênh tiếp. Bởi ai cũng nghĩ có chế, cáo gì của nhà vua đưa tới. Nhưng dẫn đầu đám kỵ sĩ kia lại là một cô gái. Mọi người đều nhận ra. Trần Đạo Tái nói như reo:- Hoàng cô An Tư! Sao hoàng cô lại đến vào giờ này?Dưới ánh đèn lấp lánh, trông công chúa đẹp như một vị tướng của nhà trời. Nàng vận bộ quần áo bằng nhiễu tím thêu những con phượng màu kim tuyến. Lưng thắt một chiếc đai da rái cá có đính mấy viên ngọc lưu ly tỏa sáng. Ngang lưng dắt một thanh đoản kiếm. Chân nàng đi đôi hia màu xanh thêu đôi hạc trắng mỏ đỏ. Đầu đội mũ kim khôi. Mắt đẹp mà dài như mắt phượng. Khuôn mặt trái xoan có lúm đồng tiền. Mũi thẳng, nhỏ, xinh đẹp, hợp với đôi lưỡng quyền, lại được nước da trắng hồng như trứng gà bóc, cặp môi hơi mỏng, mọng đỏ như tô son. Hai hàm răng nhỏ đều tăm tắp. Nàng cười như nắng lóa.Đạo Tái vội đỡ An Tư xuống ngựa. Vừa đặt chân xuống đất, nàng nói luôn:- May quá! Vẫn còn kịp. Sang canh mới đi chứ? Nàng hỏi dồn dập qua hơi thở.Đạo Tái ngạc nhiên, không hiểu tại sao An Tư lại biết giờ xuất phát, liền hỏi:- Sao hoàng cô biết sang canh xuất quân?- Tại vừa nãy, tên đô trưởng giục ta phải đi nhanh, kẻo còn vài khắc nữa sang canh thì lỡ. Nói xong An Tư nhìn thẳng vào mắt Đạo Tái, có phần như trách móc - Việc binh mà để cho hạ cấp bép xép thế là không được đâu thượng tướng ạ. Bữa trước ta có đọc: "Vạn kiếp tông bí truyền thư" của Hưng Đạo vương huynh, thấy có nói: "Việc binh cần phải kín nhẹm. Người không cần biết thì không được biết”. Nhưng thôi, đấy là việc của những người làm tướng. Ta vội vã đến đây, cốt để chia tay và có món quà quí tặng vương điệt. Dứt lời, nàng vẫy tay một cái, lập tức có một tráng sĩ xách hai chiếc lồng chim, ngoài phủ vải đỏ bước vào. Tráng sĩ ước chừng hai mươi, hai mốt tuổi. Chàng có khuôn mặt trẻ măng, da thịt chắc nịch, các bắp tay bắp chân nổi cuộn lên như được đúc bằng đồng. Nước da nâu săm sắn. Cặp mắt to, đen láy, lông mày lưỡi mác hơi xếch, cằm vuông, miệng rộng, mũi to, thẳng. Nom chàng đẹp như một pho tượng. Từ nơi chàng toát lên vẻ cường tráng, tự tin, mà oai dũng lạ thường. Chàng đặt hai lồng chim xuống trước Trần Đạo Tái, hơi nghiêng mình vái hai vái. Rồi tiến lên mấy bước, trước Trần Quang Khải, Trần Quốc Tuấn, chàng sụp xuống lễ bốn lễ. Hai vương chưa biết chàng là ai, bèn hất hàm hỏi An Tư: - Chàng hiệp sĩ này từ đâu tới?An Tư bước lên thong dong nói:- Bẩm hai vương, bữa trước em có đi chơi vùng núi Tản Viên, gặp chàng trai này đang làm nghễ bẫy chim. Bỗng An Tư ngừng lời - chuyện hơi dài, liệu hai huynh có đủ thì giờ nghe không đã - Hưng Đạo nhìn Quang Khải - Tướng quốc bèn gật đầu. Nàng lại tiếp - Em mải xem quá không để ý, bỗng con nê thông( Giống ngựa Hồ có sắc lông đen, trắng lẫn lộn trông giống như màu bùn. Đây là nòi ngựa hay và có trí nhớ kỳ lạ) em thường cưỡi đây buộc ở một gốc thông gần đó, hý lên một hồi dài hoảng hốt. Em vội quay lại thì đã thấy một con hổ đang lững thững đi về phía em. Sợ quá, em khuyụ xuống ngất đi. Tỉnh dậy, được biết chính là chàng hiệp sĩ này đã phóng một lưỡi dao trúng mắt con hổ. Nó gầm lên và xông thẳng vào chàng. Vật lộn cho đến cuối cùng chàng giết được hổ. Và vực em về sơn trại. Cha chàng là một người săn voi. Hai cha con thường khi mỗi người mỗi phương rừng cách biệt. Để biết tin nhau, chàng đã nuôi và dạy những con chim bồ câu, hằng ngày đưa tin đến cho cha chàng, và đem tin từ chỗ cha chàng về. Có lần, cha chàng bị một đàn voi vây kín các ngả. Ông phải chuyền cành lên tận đỉnh một ngọn cây ở trên chóp núi cheo leo, mà voi không lên được. Nhưng chúng rình phục không cho ông xuống. Chính những cánh chim bồ câu này đã tìm thấy ông già. Và sau khi biết tin, chàng đã đánh lừa được đàn voi đi về phía thung lũng. Nghe chàng nói, trong ngàn dặm, chim bồ câu có thể nhớ đường đi lại. Vì vậy em đem theo cả chàng và những con chim kia cho vương điệt.Không còn nỗi vui mừng nào hơn thế nữa. Cứ nom gương mặt ba vị tướng kia thì biết. Với Trần Hưng Đạo, từng nếp nhăn bên khóe mắt ông từ từ giãn ra. Toàn khuôn mặt bừng sáng. Ông nắm lấy tay chàng hiệp sĩ lắc mạnh. Trong thâm tâm, ông coi chàng như một người có cánh, một đạo sĩ có chiếc gậy rút đất trong tay. Trần Quang Khải cũng cùng tâm trạng như Quốc Tuấn. Vì rằng, chỉ nhờ vào những con chim kia và "phép lạ" của chàng trai này, tin tức về con ông, về đội quân cứu viện cho Chiêm Thành cùng những gì xảy ra trên đất này và bọn xâm lược Nguyên - Mông, Đạo Tái có thể thông báo về triều, chí ít một tháng đôi ba lần. Chao ôi, ông có đọc ở sách nào đó viết, từ thời Chiến quốc, ở bên Tàu người ta đã biết dùng bồ câu vào việc đưa thư. Song từ đó bẵng đi không thấy nói đến nữa. - Nhưng làm thế nào để nhận được thư do chim mang từ Chiêm Thành về, nếu không có một ám hiệu gì đó cho nó nhận biết mà đáp xuống. Hỡi chàng hiệp sĩ hào hùng kia! Nếu chàng đã cứu hoàng cô của ta, nay lại muốn cứu cả binh đội của ta, thì chàng phải cho ta biết "pháp thuật" của chàng chứ? Trần Đạo Tái vui vẻ hỏi chàng trai.Chàng cười hồn nhiên, những chiếc răng của chàng trắng bóng, tỏa ra một thứ ánh sáng cùng với luồng sáng nơi tròng mắt chàng, khiến ta cảm như đang đứng trước một thiên thần. Chàng đưa tay lên sờ vào mang tai, và như bẽn lẽn, chàng nói:- Có ám hiệu chứ. Dạy cho cô kia biết rồi. Chàng nói và hất hàm về phía An Tư công chúa. Nếu quên - chàng lại nói, về núi Tản Viên hỏi bố tôi ấy. Ông già rành việc nuôi dạy chim và bẫy voi lắm.Thời ấy rừng già ăn tận tới các triền sông, ăn ra tới cửa biển. Đâu đâu cũng có rừng. Mà hổ, báo, voi, gấu thì nhiều vô kể. Ngay kế cận đất kinh kỳ, hổ cũng thường về. Còn voi đã từng có trong khu rừng trên một hòn đảo lớn giữa hồ Dâm Đàm. Trần Đạo Tái vỗ vai chàng trai hỏi:- Chàng có ưng đi với ta không. Đi theo quân, xa ngàn dặm? Mang theo cả những con chim quí của chàng đi.- Có chứ, chàng trai nhận lời vẻ thản nhiên - Bố tôi nói rằng, bố của cô kia làm vua của đất này. Vua sai là mình phải nghe chứ. Mình theo các ông đi đánh giặc hả? Chàng gặng hỏi.Trần Đạo Tái gật đầu.Rõ ràng là chàng trai người dân tộc này chưa biết lễ nghi gì. Nhưng chàng là một người dân với tấm lòng yêu nước hồn nhiên như cây cỏ, khiến các vương đem lòng yêu mến. Bỗng gà gáy ran. Đâu đó bật lên một hồi trống. Sang canh nền trời hơi sáng. Tại trung quân, tiếng trống đồng thúc lên hối hả rồi im bặt. Đó là hiệu lệnh xuất quân. Trần Đạo Tái nói lời bái biệt thân phụ, bá phụ cùng hoàng cô. Ông vẫy tay chỉ cho chàng hiệp sĩ xuống lâu thuyền.An Tư đặt chiếc dây cương con ngựa nê thông của mình vào tay hiệp sĩ, và nói:- Ta tặng chàng con ngựa này, để chàng cỡi trên đường về báo tiệp. Con nê thông không chịu bước xuống thuyền theo hiệp sĩ. An Tư vỗ nhẹ trán nó và ghé tai nói thì thầm điều gì Mắt nó chớp chớp rồi đủng đỉnh bước theo chàng.Hiệp sĩ cúi đầu chào biết ơn, và đôi mắt chàng nhìn An Từ đau đáu, như một lần nữa ghi trọn dáng hình nàng vào thẳm sâu ký ức.