Ai có thể đếm được đã bao năm tháng, bao đời người đã đi qua mà cái Tết về đại thể vẫn là một?Tết gia đình.Tết dân tộc.Tết đậm đà phong vị cộng đồng, quãng giải lao giữa hai chặng đường vất vả, gian nan.Vẫn là ngày hăm ba cúng ông Táo, đêm ba mươi cúng tất niên, hái cành lộc. Vẫn là ngày mồng một he hé cửa đón đợi người xông nhà, dặn dò nhau ý tứ giữ gìn kiêng cữ cho khỏi dông cả năm dài. Ngày đầu xuân, cơm nguội không rang để cho đời khỏi khô kháo, nhà không quét cho tài lộc khỏi thất tán. Vẫn là mùi hương hoa ngan ngát nơi bàn thờ ấy. Vẫn là làn không khí mới mẻ, hơi bỡ ngỡ, trịnh trọng ấy. Vẫn những gương mặt cởi mở, chan hoà giữa khung cảnh trời đất tươi đẹp vì được niềm phấn chấn của con người thâm nhập giao hoà. Lời chúc mừng tựu trung vẫn mang sắc thái tinh hoa của nền văn hoá dân tộc, phản chiếu những khát vọng hài hoà của con người về một đời sống no đủ, ấm áp và cao đẹp giữa các quan hệ gia đình, đồng bào, bè bạn, thầy trò.Tết thoát khỏi cái xuất xứ từ làng quê cổ truyền ứng với thời gian nông nhàn, nhưng vẫn còn đầy đủ những nhân tố văn hoá truyền thống và trong sâu xa vẫn là điểm hội tụ sáng đẹp triết lí nhân sinh cao cả về sự chan hoà của con người với tự nhiên, vẫn là cái biểu trưng về một cuộc khởi hành mới, dẫu biết còn gian khó mà vẫn lạc quan, hi vọng.Ba ngày Tết, gia đình ông Bằng gần như là một khối đơn nhất. Ngày mồng một, họ ở nhà đón khách. Ngày mồng hai, tất cả kéo về làng. Thuần phong mĩ tục hội tụ mọi người trong một cảm quan nhất quán "Mồng một thì ở nhà cha. Mồng hai nhà mẹ, mồng ba nhà thầy", ngày mồng ba, ông Bằng, Đông, Luận đến thăm các thầy giáo cũ của mình.Ông Bằng qua cơn xúc động bất thường đêm trừ tịch vốn tràn đầy nghị lực, đã trở lại thăng bằng, với bộ mặt tinh thần thật hào hứng, từ sớm mồng một Tết đón ông thợ mộc hàng xóm đến xông nhà, bà lang Chí và các cụ trong tổ hưu đến chúc Tết. Ông cũng đến chúc Tết họ, ở lại nhà bà lang Chí gần một giờ đồng hồ. Và ngày mồng ba, ông già bảy nhăm tuổi khép nép như một chú học trò nhỏ cùng bạn đồng khoa đến thăm ông thầy đã gần chín chục tuổi, cung kính chúc Tết thầy, xin thầy mấy chữ làm kỉ vật. Ba ngày Tết, Đông cũng tạm rời bàn tổ tôm, đóng vai ông contrưởng khá thành thục. Chị Hoài tham dự mọi hoạt động như một thành viên chính thức của gia đình. Phượng ngoan ngoãn hiền từ, hoà làm một với sinh hoạt của cả nhà.Chỉ có Lý là tách hẳn ra.Chỉ có Lý là không chịu bó mình vào khuôn khổ gia đình.Ba ngày Tết, Lý chỉ tạt qua nhà chốc lát để thay bộ áo khác. Ngày mồng một, trời mưa phùn, Lý mặc áo pun, quần jin. Ngày mồng hai, mưa ngưng, gió lặng, Lý mặc áo len dệt ngoài áo dài hoa vạt cao. Ngày mồng ba, trời trở lạnh, Lý khoác áo lông hải li như phụ nữ quý tộc phương Tây ngày trước. Gặp Phượng, Lý khúc khích: May cho tao quá, bà Hoài đóng vai dâu trưởng đi với ông Đông, đẹp hết sảy. Ngày hôm sau, chị níu Phượng ở cổng: Phượng ơi, ông Đông hỏi, bảo tao phải gác xí nghiệp nhé. Ngày hôm sau nữa, chị ôm Phượng, riết róng: Phượng ơi, vào tuổi bốn mốt là sang bên kia dốc của cuộc đời rồi. Tao buồn quá. Tao sợ chết quá. Tao đi xin thẻ, lão thầy bói bảo tao năm nay có hạn. Mà Tết sắp hết rồi, thế có sầu không!Nghe trong giọng nói, kiểu nói hơi con trẻ, có một nỗi khắc khoải không yên và một cơn phóng túng bột phát.