Thưa ba!Con có thư này về cho ba và các anh chị trong nhà từ đất nước Canađa xa xôi. Trước hết, con có hai điều xin với ba: thứ nhất, con vẫn đặt mình ở vị trí là đứa con của ba, dù là đứa con hư, đáng bị nguyền rủa, khước từ; thứ hai, con mong ba tuổi già sức yếu và các anh chị dẫu có bận rộn và ghét bỏ con thế nào cũng sẽ đọc kĩ hết lá thư của con, một lá thư dài và lá thư cuối cùng của con.Ba kính yêu, giờ đây con mới hiểu ra nhiều điều giản dị, khi con thắp ngọn nến trong cái đêm ba mươi Tết ở xứ sở xa lạ này. Tết ở đây, không có hoa đào, pháo đỏ, bánh chưng xanh. Tết chỉ đến với lòng con lúc này đang dửng dưng hiu quạnh và gợi con nhớ đến gia đình.Con nhớ đến gia đình ta. Con đã sống ở nhiều gia đình bạn bè trong những ngày lang thang. Mỗi gia đình có một nề nếp riêng, một kiểu cách quan hệ riêng. Nói ví dụ, có những gia đình mâm cơm bưng lên, ai có mặt thì ăn, ai chưa về thì ăn sau trong khi ở gia đình ta thì khác. "Ngày có hai bữa cơm sum họp". Ba nói vậy và coi những cái quy định ấy là nền nếp văn hoá. (Thú thật lúc đói hoa cả mắt mà phải chờ chực ở mâm cơm, con rất oán ba; lớn hơn, con cho ba là cổ hủ). Con đã thấy ba cố gắng duy trì cái nền nếp có trăm ngàn điều nhỏ nhặt ấy mà cốt lõi là xây dựng một gia đình hoà thuận, trên kính dưới nhường, trọng nghĩa khinh tài, hướng về sự phát triển đạo đức tinh thần là chủ yếu…Con đã được sống trong cái nền nếp đó với tất cả những sung sướng và phiền hà do nó gây ra, cũng như con được hưởng tình thương yêu và sự hà khắc - yêu cho vọt - của ba mẹ.Thật sự đã có lúc con phát ngán lên được vì có dạo gần như bữa cơm nào ba cũng rơm rớm nước mắt nói: khổ, ông nội các con ngày xưa bắt đắc chí, một bận đi móc cua, móc phải hang rắn, bị rắn cắn chết. Bữa cơm thật là cực hình. Thôi thì đủ hết các lời răn dạy. Cầm bát phải thanh tao. Gắp thức ăn mà đút tỏm ngay vào mồm là thô lỗ. Hết cơm, ôm cái bát không, chờ mẹ và xong, ngước lên, nhỏ nhẻ với vẻ van nài: "Con xin mẹ bát cơm ạ". Và khi đưa cả hai bàn tay kính cẩn nhận bát cơm thì không được quên "Con cảm ơn mẹ ạ". Đầu bữa, cuối bữa, mời và vô phép cơm thì mới thật là lê thê, rắc rối làm sao…Cơm trưa xong, nhất thiết phải đi ngủ trưa. Vì những cây ổi cây nhãn ngoài vườn, con khốn khổ với cái quy định ác nghiệt này. Vào ngủ, Cần nằm với mẹ, con nằm cạnh ba. "Đưa tay đây, nhắm mắt vào". Đếnbây giờ con vẫn còn cái cảm giác nóng ấm trong bàn tay ba giữ chặt. Lúc đó, con nghĩ, nó như cái còng số tám vậy.Tất cả đều thành quy phạm. Nhất là trong các mối quan hệ. Trên bảo sao, dưới phải nghe vậy. Cấm cãi. Cấm làu bàu. "Người ta mắng chửi mày là mong cho đời mày sáng sủa lên, vậy mặt mày phải tươi tỉnh lên chứ! Lại còn khóc, còn nấc à? Có câm ngay không?" Mẹ nói vậy, thật sự tin ở điều mình nói là chân lí. Còn con thì lúc đó không tin điều ấy là đúng. Mãi mãi con không quên cái ngón tay trỏ của ba dư dứ vào trán con rồi bất thình lình giúi một cái làm đau thắt tim con, đồng thời với tiếng rít qua kẽ răng: Ai cho phép mày cãi? Đó là lúc ba bình tĩnh. Còn khi bất thường thì là một cái bạt tai ê ẩm mặt mày.Với mẹ thì có quy củ hơn: "Lên giường kia nằm xuống. Lần sau còn hút thuốc lá nữa thì mấy roi. Mười hử? Bây giờ mẹ đánh năm, còn nợ năm nhé!” Cái roi mây dẻo mềm quất vun vút, đau quắn đít. Đau thì sẽ khỏi nhưng nhục nhã thì lưu lại mãi trong tâm khảm khi con đã vào tuổi thiếu niên. Và có lần con đã tự hỏi: "Ta phạm một trọng tội hay sao mà đến nông nỗi ấy?”Thôi, con sẽ trở lại vấn đề này ở đoạn thư dưới.Cái lối trừng phạt căn cứ theo những quy phạm của ba mẹ ấy để lại di chứng rất lâu. Sau này, một chuyện nực cười xảy ra, ông sĩ quan Đông về nghỉ phép, lúc ấy đã hơn bốn chục tuổi đầu mà cũng bị bà mẹ nọc ra quất roi, chỉ vì ông đã tỏ ra nghe vợ chứ không nghe lời mẹ. Người ta bảo đó là tuổi già dở người, trái nết báo hiệu cụ sắp quy tiên. Nhưng con thì cho rằng: hài kịch ấy là sự tiếp tục truyền thống đạo đức vừa hay vừa dở của gia đình ta.Trốn học, lười biếng, chữ xấu, ăn nói hỗn láo hay đánh nhau, hay trèo cây… con là đứa con đã chịu đủ các hình phạt nghiêm khắc của ba mẹ. Chuyện thì nhiều. Nhưng con nhớ nhất là chuyện này.Một ông bạn nào đó đi công tác ở nước ngoài về tới chơi với ba. Hôm sau ông đến báo: ông mất cái đồng hồ quý ở buồng ba. Buồng ấy chỉ có ba và con.Thế là kẻ hứng chịu trận đòn lôi đình là con. Thật là một trận thừa chết, thiếu sống. "Nhà này không có nòi giống đó”. Mẹ tuyên bố vậy, còn ba thì tái mét mặt mày, hổn hển dúi ngón tay trỏ vào trán con khi con lổm cổm bò dậy từ cái giường chịu đòn: "Mày đi đâu thì đi! Bao giờ nên người hãy về gặp tao".Dạo đó con mười ba tuổi. Vâng, con quả là đứa bé hư nhất nhà. Không chăm chỉ thông minh như anh Luận, như em Cần, không đường hoàng đĩnh đạc như anh Đông.Con đáng bị trừng phạt. Nhưng, sau cái trận đòn đồng hồ kinh khủng ấy, thì con tự hỏi: Ta không ăn cắp, nhưng giả sử ta có lấy cái đồng hồ ấy, thì chẳng lẽ chỉ vì cái đồng hồ mà ta bị vùi dập đến nhục nhã như thế? Ừ thì ta hư. Nhưng có nghĩa lí quái gì một việc cỏn con như ăn vụng quả trứng của thằng Dư, không thuộc bài, đấm thằng bạn? Chúng là quái gì mà khiến ta bị đánh bị chửi đến khốn khổ khốn nạn vậy!"Đạo đức giả cả thôi, mày ạ". Một thằng bạn lớn tuổi của con vì tội lỗi gì đó bị tù, ở tù ra, bảo con vậy. Con muốn nhảy lên, ôm hôn nó đã đã tổng kết ra cái điều con đang muốn tìm. Phải, đạo đức giả cả thôi. Người ta đánh mi vì sợ mang tiếng với ông mất đồng hồ. Người ta bắt ne bắt nẹt mi để giữ gìn danh giá một gia đình trí thức. Bóc trần ra, mọi người chỉ vì mình cả thôi. Con đã nghĩ và sống thế suốt từ tuổi mười ba đến tuổi mười tám.Hết lớp mười, con thi trượt, nhưng con trúng tuyển bộ đội. Những năm tháng sống đời bộ đội có lẽ là những năm tháng đẹp nhất đời con, dẫu rằng con vẫn bị phàn nàn nhiều lắm. Thực sự có lúc con tưởng như đã thoát khỏi những quan niệm độc hại đã làm con trở nên ích kỉ từ hồi thiếu niên. Nhưng, hằn học lại trở lại lòng con ít lâu sau. Cần học sau con hai năm. Nó là đứa con có thiên tư. Nó thi học sinh giỏi toàn quốc và được chọn ra nước ngoài học tập. Con có so sánh buổi gia đình tiễn con nhập ngũ và buổi đưa Cần đi ra nước ngoài! Ôi! Người ta chỉ quý trọng kẻ nào đem lại lợi ích, danh vọng cho người ta thôi! Con đóng quân ở Ninh Bình, chưa tham chiến. Buồn vui lộn xộn. Và càng đinh ninh về sự vô nghĩa lí của cái gọi là đạo đức. Vậy thì hãy chăm lo cho riêng mình đi. Thư viết cho ba mẹ, phải kêu khổ mạnh vào, cốt tróc cho được nhiều tiền là được. Và tuổi trẻ thì cứ tự do tuỳ hứng, vì có gì là thiêng liêng đâu. Một năm sau con có con với một cô công nhân dệt chiếu cói của công trường. Thì cũng có gì là quan trọng nhỉ. Ra mặt trận, nhận một viên đạn, thế là xong. Hơn nữa, chuyện sinh hoạt vặt vãnh thôi. Ai chẳng vì mình! Năm 1976, vì một án kỉ luật, con phải ra khỏi bộ đội. Con rẽ qua nông trường nọ. Tội gì mà phải tìm nơi nương tựa ở đâu. Ít lâu sau, con có thêm một đứa con nữa với cô thợ dệt chiếu - cũng có gì là quan trọng? Rồi sau đó con về Hà Nội và được anh Luận giúp đỡ, được đi học công nhân nguội ở nước ngoài. Một năm sau con về nước, như ba đã biết. Đó là những ngày phức tạp, rối rắm nhất trong đời con. Con phải nói ngay điều này, không lại có sự ngộ nhận: nước ngoài không phải là nơi làm hỏng người ta đâu. Kẻ hư hỏng chẳng qua là vì trong người đã có sẵn cái mầm hư hỏng từ lâu rồi mà thôi.Con đã có cái mầm đó, con vốn coi thường tất cả những giá trị tinh thần cao quý, thiêng liêng. Ba, anh Đông, anh Luận thì lại coi giá trị tinh thần là tất cả. Con vốn hằn học. Con đối lập với gia đình. Và con quyết sống theo lôgích của con!Lúc đó, Ngọc Liên xuất hiện và dần dà trở thành yếu tố quan trọng quyết định bước ngoặt của đời con. Điều rắc rối là quan hệ của cô dệt chiếu với con. Cái phút buông thả, kệ sự đời, không ngờ lại gây tai hoạ đeo đẳng đời con. Ngọc Liên cũng có tâm trạng như con. Chồng Liên, cán bộ về hưu kiếm ăn bằng nghề buôn gà, nghiện ngập. Liên bị ép gả, không yêu hắn, thậm chí căm hờn hắn. Chúng con dan díu, liên minh với nhau trong bế tắc. Giải thoát bằng con đường nào? Sống nghèo nàn, bị ràng buộc trong quan hệ với cô dệt chiếu thì không có gan. Vả lại, từ trong quan niệm đã coi đạo đức là con số không vô nghĩa rồi còn gì. Cái gì hợp với mình, cái đó là đạo đức. Vậy thôi!Thế là con và Ngọc Liên quyết định!Trời, thế là bắt đầu một cơn ác mộng kéo dài cho tới tận hôm nay.Chúng con trốn chui trốn lủi, rồi đóng tiền, lên tàu ở một bờ biển phía cực Nam đất nước. Thật khốn nạn! Lên tàu rồi mới biết bị lừa. Tàu cũ. Chạy được hơn một ngày trời đã cạn dầu. Và hết nước ngọt. Trời! Chỉ còn biết phó mặc đời cho sóng bể. Trẻ con lả vì khát. Người lớn điên vì khát. Thôi thì liều, cứ nước biển mà nốc. Cồn cào, khát lại càng khủng khiếp hơn. Rồi cái ăn hết. Hơn hai chục con người, bới lục từ cọng rau tới thanh gỗ mục để nhét vào mồm cho dạ dày đỡ lép.Màn đêm buông xuống mới thật kinh khủng! Xung quanh là vực thẳm. Trên tàu hai chục xác người lử lả. Rồi bỗng nhiên có người la hoảng: Tàu thủng rồi. Thế là dù có sắp chết cũng phải vùng dậy tát nước, bịt lỗ thủng. Có người chết ngất tại chỗ. Hôm sau hai đứa trẻ ỉa chảy chết. Mẹ chúng ôm chúng, không còn hơi để khóc, cũng không dám rời con. Cuối cùng, con chết khô, đành phải thả nó xuống biển. Vừa tới nước, cá mập lao tới liền.Ngày thứ năm, trời vừa sáng, thấy một chấm đen ở chân trời, có người kêu: Có tàu tới cứu ta rồi! Mọi người bò dậy, thều thào reo. Con và Liên nhìn nhau sung sướng.Nhưng nhảy xuống tàu là bảy thằng Thái Lan trần trùng trục, xăm đầy ngực hình đàn bà lõa thể. Chúng túm lấy Liên và hai cô gái nữa. Con phát điên lên vì nghe thấy tiếng kêu gào tuyệt vọng của Liên. Thôi, con không dám kể lại cảnh nhục nhã đau đớn ấy nữa, dẫu rằng cảnh đó diễn ra không chỉ một lần.Tới đây con đã có thể kết thúc thư được rồi. Lập luận là đủ dẫn chứng. Nhưng ba và các anh chị cứ để con nói tiếp ít câu nữa thôi. Cuối cùng con đã tới xứ sở con định tới. Nhưng tới nơi rồi thì mới biết đấy không phải nơi mình định tới.Xứ sở ta định tới là nơi nào?Con và Liên đều rối loạn cả.Xa rời những tiêu chuẩn đạo đức, con người thành thú dữ tàn bạo ngay. Đó là điều giờ đây con mới hiểu.Ba ơi, giờ đây nghĩ lại những bực dọc, oán giận thuở nhỏ của con với ba mẹ, gia đình, con muốn khóc. So sánh điều kiện vật chất giữa con và ba hiện nay thì ba không bằng. Nhưng so sự hà khắc của ba để giữ gìn luân lí cho con với sự tự do ở đây, thì cho con chọn sự hà khắc ở ba.Con sống ở một trại tị nạn. Công việc là xúc tuyết, đổ xăng nhớt. Lương đủ sống. Nhưng bây giờ mới tỉnh ra cái điều con vẫn bảo là đạo đức giả: làm kẻ nô lệ dẫu có đeo đầy vàng thì cũng vẫn nhục. Chính là một thằng lính nguỵ đã ngạc nhiên khi biết con đã là lính trung đoàn 95B, sư 7, đánh Xuân Lộc hồi 1975. Nó bảo con: “Tôi tưởng chỉ có bọn tôi quen làm nô bộc cho kẻ khác mới đi di tản thôi chớ!”Con run hết cả người lên.Con đã đánh mất cái quý giá lắm! Ngọn nến đêm 30 Tết gọi con về kỉ niệm xưa. Mỗi người chỉ có thể thuộc về một dân tộc nhất định, từ trong tâm hồn. Con người sống có hai nhu cầu: vật chất và tinh thần. Phá bỏ đạo đức thì gặp ngay hung bạo. Khinh rẻ giá trị tinh thần thì đời trống rỗng, hoang tàn. Đọc báo Mỹ thấy nhan nhản tin người tự tử vì thấy đời phi lí. Vừa rồi, báo Mỹ đưa tin, tám trăm thằng thanh niên Mỹ, con nhà khá giả, hẹn nhau đến một hòn đảo, cùng uống thuốc độc tự tử.Thưa ba, con nói lộn xộn quá. Con không hiểu đã làm sáng tỏ ý của con chưa. Con đã oán giận một cái gì đó, cay cú một cái gì đó. Rồi lại ước ao một cái gì đó. Bây giờ thì vỡ mộng, phản tỉnh với cái ước ao, tiếc nuối cái đã oán giận, cay cú.Con đã thất vọng hoàn toàn. Liên đi làm điếm, chuyện này cay đắng với tâm lí người có lương tâm thì ở đây nhiều kẻ cho là bình thường. May thay, ở con vẫn còn chút ít di sản tinh thần, đạo đức của ông cha, con còn biết phẫn uất.Đời con lung tung thế. Sướng có, khổ có. Hưởng thụ lắm, đau đớn nhiều. Nhưng cuối cùng con đã đi tới một cái đích. Cuộc sống là sự phát hiện liên tục. Hành trình của một đời người nếu làm sáng tỏ một chân lí nho nhỏ thôi thì cũng là có ích. Con đã đi tới cái đích và thấy rằng chỉ có cái chết mới nói lên được giá trị của sự khám phá đó của con. Sống nữa cũng bằng thừa!Thuốc ngủ liều mạnh ở đây bán tự do ê hề, chắc là vì có nhiều người phát hiện ra chân lí như con! Con sẽ uống thuốc đó khi viết hết những dòng này.Con cầu mong ba và các anh chị mọi sự như ý.Một đứa con bất hiếu, bất hạnh của gia đình.