PHẦN I - Chương 2

Đúng là có tuổi rồi. Thì cũng là cái lẽ đương nhiên. Hai năm nữa là tròn bẩy mươi chứ ít đâu. Tuổi bẩy mươi thì mọi sự thuộc về con người phải khác hồi hai, ba mươi tuổi là đúng thôi. Nhưng chỉ bực mình một nỗi. Vào độ tuổi già cái gì cũng đảo lộn. Đáng ra thì ngày thì phải thức để sống, làm việc, giao du. Đêm thì dành cho ngủ để lấy lại sức. Vậy mà bây giờ ngày thì có lúc lơ mơ như người lúc nào cũng thiếu ngủ, tưởng như đặt lưng xuống giường là làm một mạch vậy mà chả cứ ngày mà ngay cả đêm. Giấc ngủ đến mới khó khăn, vất vả làm sao. Ban ngày buổi trưa ngả mình xuống định chợp một lúc nhưng mắt thì nhắm mà đầu óc cứ để đâu đâu. Ngày đã vậy mà đêm cũng không hơn gì. Độ hai, ba tháng nay từ độ chớm heo may về. Trời đất, cây cỏ và ngay cả con người trong thiên hạ cứ dần te tái, vàng xuộm dưới cái nắng trong veo khiến người già càng thấy ngủ khó hơn. Chả cứ khi ốm đau vào bệnh viện mà ngay cả khi khoẻ mạnh, ở nhà cũng thế. Nằm thì nằm vậy, hai mí mắt cứ cố nhắm nghiền lại nhưng đầu óc tỉnh táo hoàn toàn bởi những chuyện để tận đâu đâu. Mà buồn cười nữa là toàn nghĩ những chuyện từ thủa nào xa xôi lắm. Những chuyện xẩy ra có dễ đến vài ba chục năm qua mà sao vẫn nhớ lại rành rẽ như mới xẩy ra hôm qua, sáng nay. Ngay như đêm rồi. Chả hiểu vì sao lại nhớ đến việc nhỏ nhất trong lần anh Phong cùng anh Long đi trốn tổng động viên hồi năm 54 lên trại đào Nhật Tân. Thế mới lạ chứ. Bà Vân cố nằm yên mặc dù bà biết trời đã tang tảng sáng. Chắc chắn lúc này đã hơn năm giờ rồi. Ngoài đường người bán rau bán quà sáng dong đã dậy. Người ưa thể dục cũng vậy. Bờ hồ vào mùa này bây giờ mát lắm, người thể dục quanh hồ cũng đã đông. Ra viện kì này bà sẽ rủ mấy bà bạn sáng sáng ra hít thở ngoài hồ cho thư thái. Hình như từ lúc thức dậy qquãng quá nửa đêm đã thấy đầu đỡ nhức hơn mấy hôm trước. Có lẽ sắp xin xuất viện được rồi. Còn lúc này mấy lần bà định dậy nhưng rồi bà lại nằm yên, cố nhắm mắt. Bà không muốn ai bị làm phiền vì mình. Đúng rồi mình đang trong bệnh viện. Mọi người đang vẫn còn ngủ mê mệt. Những tiếng ngáy từ đâu đó vẫn rờn rờn như tấm lưới phủ lên gian phòng nhờ nhờ ánh đèn rọi từ ngoài hành lang vào qua cửa kính. Thôi cố mà nằm, biết đâu lại ngủ thêm một tí cũng tốt Công lên việc xuống gì đâu mà vội. Có tiếng sấm ì ùng thì phải. Lạ nhỉ tháng này đã là tháng chạp mà còn có sấm thì thật là trái tiết quá. Bà Vân trở mình, tai cố lắng nghe thì thấy tiếng ì ầm vưa chọn rộn là vậy, giờ lại ắng đi rồi im bặt.
Không hiểu sao, Hà nội độ chừng hơn chục năm nay chả cứ con người mà dường như thời tiết cũng có gì thay đổi chẳng còn như thủa ngày xưa. Cái thủa ngày xưa ấy có phải xa xôi gì đâu. Chỉ khoảng ba, bốn hay cùng lắm là răm chục năm về trước chứ mấy. Mùa nào tiết trời ấy. Xuân ra xuân, thu ra thu mùa đông là mùa đông, mùa hạ là mùa hạ. Rành rẽ, rạch ròi ngay từ những trận mưa phùn, đợt gió bấc vào những tháng cuối năm khi lá bàng già láng màu đỏ qụach trên tán cây khẳng khiu trầm u, già cỗi, hay mưa lây phây tráng bạc vào những mầm cây loe hoe mới nhú xanh mướt non tơ. Những ngày chảng trời đất chao đảo những đốm hoa nắng hừng hực, con đường cũng cong vênh lên vì mặt trời thiêu đốt, hay bất chợt gió bão gầm gào, nước sông đỏ ngầu, cuồn cuộn chảy để khi hoa cúc loe hoe vàng nhạt trên chậu hoa đặt ở ban công lâu ngày không ai chăm nom, chút đất hiếm hoi trong chậu cũng khô chắc lại, bạch phếch ra thì cũng là lúc thoang thoáng trong không trung sợi gió heo may chập chờn, rụt rè buông giữa trời. Còn bây giờ tiết trơì chẳng phân miêng mùa nào ra tiết mùa ấy. Mấy hôm rồi rõ là đã vào những ngày cuối tháng chạp ta vậy mà nắng vẫn oi nồng, vàng rực chang chang. Khách vào bệnh viện thăm người có thấy mấy ai áo chằm, áo đụp đâu mà người nào người nấy đàn ông, con trai chỉ rặt áo cộc tay, quần lưng lửng kêu là quần ngố còn đàn bà con gái đa phần là áo mỏng dính, hay ngắn hũn hỡn. Bây giờ lâu lâu nhìn thiên hạ thấy quen, chứ ngày xưa cái hồi năm mốt năm hai, con gái đi ra đường có ai dám phong phanh thứ áo nhìn thấy rõ chẳng những cả nửa vầng ngực trắng xoá, vồng cao vì cổ áo khoét quá sâu mà cả những tấm lưng eo thon, hoặc láng xệ, những nếp thịt bụng lụng nhụng. Mà chả nói đâu xa ngay cái đận đầu những năm sáu mươi khi máy bay Mĩ chưa ùng oàng, phố xá toán loạn, nhà nhà tìm nơi sơ tán thì đàn bà, con gái Hà nội cũng đâu có ăn mặc táo tợn như bây giờ. Duyên do cũng bởi dạo đó Hà nội làm dữ đợt dân phố thực hiện nếp sống mới đợt hai mà lại. Gớm cô con gái nhà bà Bích nằm giường bên cạnh chả biết có chuyện gì cần đến mẹ kí tá chuyện nhà cửa, đất cát mà mới mở mắt đã ào vào. Cô này ăn mặc mới lạ kì làm sao. Người thì to béo, phốp pháp. Khéo phải đến hơn sáu mươi kí chứ không thể kém được. Nghe phong thanh thấy bảo cô ta tên là Diễm hay Diễn gì đấy hình như chưa chồng con mà sao bộ ngực thoáng trông đã thấy ghê ghê. Ngực gì mà thù lù, núng ninh mỗi khi cô ta chuyển động hay nói điều gì bởi cứ như cô nàng đeo hai quả dưa hấu đại. Nhìn qua mặt mũi ấy dù có trát đủ thứ phấn môi thì ướt láng vì son nhưng cũng không dấu được vẻ phong trần, quê quê Thoáng trông còn đỡ nhưng để mắt lâu lâu thì dù kém mắt đến đâu cũng đoán cô này ít ra băm mấy tuổi rồi, nghiã là loại người đã đủ chín chắn khi ra đường vậy mà ăn mặc mới kì quái làm sao. Một cái áo, không nói đúng nhẽ là một mảnh vải may theo dáng người ngắn cũn che chưa hết lưng để lộ ra múi thịt bị cạp váy bò ngắn không kém đùn lên một tảng tướng. Mở giọng ra thì cô chê hết người này nhà quê người kia cả tẩm bằng sao được người Hà nội. Nhưng cũng là do nghe kĩ từ miệng cô ta bàn bạc choang choác ra điều nọ điều kia với bà mẹ mặt nhọn hoắt như biển báo đường cấm cho xe vào mới hay gốc gác nhà cô này đâu như vùng Quán Giắt, quán Lào gì trong Thanh ấy. Lần vào thăm mẹ kì trước cô ta đã sồn sồn lên rằng bây giờ nhà có người ốm bất kể là bố là mẹ thì có thể thuê người chăm nom chứ việc làm ăn bây giờ nó nhanh lắm, chậm một bước là mất đi bạc triệu như chơi. Chúi đầu chúi mũi bằn bặt ở trong bệnh viện hầu hạ các cụ, mất ngày mất đêm thì coi như mất luôn bạc triệu. Vậy thì tội gì không bỏ tiền ra thuê. Người nhà quê bây giờ ra Hà nội làm thuê đầy, xua tay cả ngày không hết. Quẳng ra vài chục bạc thì tha hồ sai bảo. Mà cái giống nhà quê họ chịu được bẩn thỉu chứ người Hà nội thì ngay bố mẹ mình hẳn hoi mà mó tay vào giường cứt, chiếu đái thì cũng thấy ghê ghê thế nào. Thôi cứ tốt nhất là thuê cho nhẹ gánh. Nhà nào con một thì cắn răng mà chịu cả, con đàn, cứ xong xuôi công việc một là các cụ lành hành về nhà hoặc các cụ hai năm mươi lên ngồi nóc tủ thì anh em đấy cứ chọn ra một người sáng dạ, tháo vát tính toán tất tật chi phí đi để cho ra con số rồi cứ đầu người mà phân bổ ra. Bố mẹ là của chung chứ chả riêng ai hết. Việc gì cho dù việc tình cảm đi nữa thì cũng cần rạch ròi, phân miêng nó vừa đỡ mang tiếng vừa đỡ bị thiệt cho ai. Bà Vân bắt đầu cảm thấy khát nước, nhưng rồi bà cứ cố nằm rốn. Một phần vì bà còn chịu được cơn khát phần vì bà đang nhắm mắt làm như ngủ để cái cô Diễm hay là Diễn ấy đỡ làm phiền bà bằng những chuyện mà từ khi biết bà là dân Hà nội gốc thì cô ấy hay bắt nghe đủ thứ mà cô ấy kể lể với vẻ như muốn khoe. Cũng là thật không may cho bà là cái lần cô Diễn hay Diễm ấy, thôi cứ cho là Diễn đi cho đỡ phải băn khoăn, lúc nào biết đích xác hãy hay. Phải rồi đúng lúc cô ấy vào thăm mẹ cô ấy lần trước nữa thì bà đang chống tay ngồi dậy. Lúc đó con bé Liên- đứa con gái thứ ba nhà cậu Vũ, con bé yêu cô nhất nhà vừa trúng tuyển làm tiếp viên hàng không đang chờ ngày gọi suốt mấy ngày liền ngủ trong bệnh viện để chăm sóc bà cô. Con Liên buổi tối ôm cô thật chặt thủ thỉ "mai kia cháu được đi làm, suốt ngày bay trên trời, đi hết nước này sang nước kia thì làm thế nào chăm sóc cô được". Con bé tưởng cô ngủ chạy ào về nhà lấy quần áo để thay thì bà cô muốn dậy. Đang cau có vì mẹ nhờ lấy thêm nước sôi pha thêm vào cốc sữa thì thấy bà Vân đang có vẻ chới với đưa tay ra với chiếc mùi xoa ở hơi xa tầm tay thì Diễn trông thấy. Cô nàng hình như có vẻ tiện tay rút ào tấm khăn lên, nhưng không để ý thấy chiếc cốc vại sứ đang đặt phía trên. Chiếc cốc rơi xuống nền gạch vỡ tan khiến gần hết mọi người trong phòng đều giật mình quay lại. Cô ả càng cau mặt hơn, đôi môi dầy ụ lên. Bà Bích nhổm lên ho sù sụ rồi cất lời thều thào nói:
Con đoảng quá thôi mất.
Cô ả quay phắt lại giết gióng:
- Có giời mới biết bà ấy chặn cái cốc lên cái khăn. Đúng là làm ơn phải tội, mà không sao. Tôi làm vỡ thì tôi đền mẹ lo cái gì.
Bà Vân cố gượng cười ngồi hẳn dậy:
Không sao đâu cô ạ. Không có gì cả.
Diễn tiến lại gần và đột nhiên cô ta tuôn ra một tràng những câu không gắn gì với sự việc:
Trời ạ. Bây giờ cháu mới nhìn gần. Bà đã sáu mươi chưa?
Tôi sáu tám rồi cô ạ.
- Thế mà trông bà cháu giật mình. Bà ngày xưa chắc đẹp lắm. Nhìn kĩ bà cháu thấy y hệt như trong bức tranh gì nhỉ.
- Kìa, Diễn đừng quấy rầy, để yên cho bà nghỉ.
- Không, không. Mẹ làm gì thế. Cứ kệ tôi. Im, im để cháu nhớ một lát đã. Đúng rồi, tối nô en năm ngoái. Phải rồi cháu đã bảo trước là cháu rất ghét đến những chỗ đông người vậy mà anh bạn cháu cứ kéo cháu vào bằng được nhà thờ. Đúng không sai. Bây giờ thì cháu nhớ ra rồi. Bà rất giống ảnh đức mẹ lồng đèn xanh đèn đỏ nhấp nháy.
- Giê su ma. Cô đừng nói thế mà mang tội bất kính.
- Bà theo đạo đúng không? Cháu biết rồi, anh bạn cháu giảng giải rất nhiều người con gái theo đạo đều có khuôn mặt giống đức mẹ đồng trinh. Thế mới tài chứ. Mà nếu cháu đoán không sai bà là người Hà nội gốc đúng không?
Thế rồi dường như cả trời đất chỉ có riêng mình, ngay cả sự phản ứng nhẹ nhàng của người đang đáp chuyện, đến cả lời khuyên của mẹ cô chốc chốc lại khò khè cất lên ngăn lại, dè chừng Diễn vẫn nói thao thao như không dừng được nữa về vẻ đẹp của con gái, về sự thành thạo của người Hà nội gốc. Bà Vân nằm lặng im. Tai bà ù đi vì những lời thao thao của Diễn. Bà rất muốn sự yên tĩnh nhưng vốn người khác cho mình là kẻ thiếu lịch sự nên bà vẫn làm ra vẻ chăm chú nghe.
- Nhưng bây giờ khác ngày xưa lắm bà ạ. Con gái hơi xấu một tí hay thậm chí xấu ghê người, xấu đến ma chê quỉ hờn nhưng có tiền mà vào mỹ viện. Càng nhiều tiền càng tốt thì lúc ra cháu đảm bảo với bà là họ sẽ đẹp như tiên. Chỉ có cánh con trai, đàn ông ngu ngốc hay bọn ở tỉnh lẻ là bị lừa thôi chứ đã là đàn ông gốc Hà nội thì đừng hòng. Nhưng người Hà nội mình đâu có thích làm đẹp kiểu lừa gạt ấy phải không bà?
- Tôi già rồi làm sao biết được.
- Bà cứ giả vờ thế thôi. Nhưng không sao. Ngày mai vào cháu sẽ mua trả bà cái cốc. Nói đến đấy Diễn đột ngột dừng lại thở dài. Được một lúc cô ta tự nhiên lại léo xéo nhưng kì này giọng có thấp hơn.
- Như thằng bạn cháu. Đi lao động ở nước ngòai hẳn hoi mà ngố thế. Tự nhiên đùng đùng chạy theo con Huệ ở cuối phố cháu. Mà con này cháu biết nó từ bé. Nó kém cháu hai tuổi mà đã ba lần nạo. Gớm mấy ngày đầu kì nào nạo thai ra trông nó mới ghê chứ. Da xanh mướt, thái dương gân xanh gân đỏ nổi lên nhằng nhịt, chạy ngang chạy dọc. Được cái bố mẹ nó tốt tiền nên dấm dúi cho cô nàng. Vào mĩ viện liên tục hết sửa mũi lại sửa trán. Khiếp trán nó mới ngắn ngủn như chó phốc, thế mà bây giờ trông cứ như đầm lai ấy. Mà thôi kệ cha nó bà ạ. Người Hà nội mình cần gì cái thứ tráo trở, lừa đảo ấy. Phải không bà? Làm thân đàn bà, con gái mà đi tranh dành cướp giật người yêu của bạn còn ra thể thống gì nữa.
Nói dứt lời không kịp xem thái độ của người nghe chuyện Diễn đùng đúng bỏ ra ngoài. Bà Bích bỗng mở choàng mắt nói vọng sang:
- Khổ nó lại bỏ ra ngoài khóc rồi. Nhà có mình nó là con gái mà cả ông ấy, rồi cả tôi thấy khổ quá. Bà thông cảm, bỏ quá cho tôi nhé. Biết thế này tôi không nghe theo ông nhà tôi, cứ để mấy mẹ con tôi ở trong Thanh thì đâu đến nỗi. Ngày trước hồi còn bé ở trong quê con bé lành lắm. Thế mà ra ngoài này vài năm, nó đua đòi, thay đổi qúa. Ông ấy nhà tôi thì lại chiều, thành thử con bé hành bố nó từ việc đổi cái tên. Mà bà tính tên tuổi thì có ảnh hưởng, hệ trọng gì mà nó cứ nằng nặc bắt chuyển từ Diêu sang Diễn. Học hành không đến đầu đến đũa, mà ngay cả chồng con cũng chả đâu vào đâu. Giá như ở trong quê bây giờ thì tuổi nó con bồng con mang lâu rồi còn ở ngòai này… Thôi nó cũng là cái số bà ạ.
Bà Vân ái ngại:
- Đã là cái số thì…
Câu nói của bà vô tình bị dừng giữa chừng không hiểu có phải vì bà chạnh lòng hay là vì bà vừa nhác thấy ông Long đang bước chậm rãi vào phòng. Thấy ông đang có vẻ ngơ ngác như định thần, bà Vân nhẹ nhàng từ từ nằm xuống giường. Bao nhiêu năm rồi, lại thêm tuổi tác đã cao vậy mà từ cái dáng dong dỏng đến bước chân sải dài với cái mũi dầy hất cao dường như vẫn giữ nguyên như thủa nào khi Long cùng anh cả Phong trốn tổng động viên tận trên vùng Nhật tân. Trên tay ông Long một túi ni lông mầu ghi nặng trĩu mà bà đoán trong đó không thể thiếu mấy quả táo tây mà bây giờ người ta quen gọi là táo tầu. Khổ ngày xưa để quả táo cách người vaì mét đã ngửi thấy mùi hương thơm nức, còn bây giờ. Trông mã bề ngoài thì ai có thể thoát được cảm giác muốn ngay lập tức cầm lấy quả táo đưa lên mồm cắn một miếng thật to để thưởng thức vị ngọt pha chua rôn rốt của nó cùng hương thơm ngan ngát. Nhưng bây giờ trông thì thế thôi nhưng bà ngại ăn táo lắm. Anh ấy cứ bảo chả sao đâu. Táo hơn mười đồng một kí thì có thể họ tẩm thuốc nọ thuốc kia, chứ táo anh ấy mua ít nhất cũng ba mươi ngàn thì làm gì mà ngại. Bà Vân vừa nghĩ vừa khẽ quay đầu vào tường, bà muốn nhận được sự âu yếm dễ chịu của ông. Một sự êm dịu từ trong giọng nói đến những cử chỉ mà hơn nửa thế kỉ nay bà cảm thấy cuộc sống của bà không thể thiếu được
- Sáng nay em ăn được cháo không? Tiếng nói dịu dàng quen thuộc của ông Long đã khe khẽ cất lên khoảng giữa giường. Vừa nói bàn tay ông vừa đặt nhẹ lên lườn bà Vân.
Bà từ từ quay lại, cặp mắt mệt mỏi nhíu lại. Bà hơi giật mình nhận ra trang phục có vẻ hơi đỏm dáng của người đàn ông. Mùi nước hoa Cô lô nhơ thân quen không hiểu hôm nay anh ấy có xịt lên cổ hay chỉ là sự tưởng tượng trong suy nghĩ của bà. Đôi môi xe của bà hơi nhếch lên:
- Em nghe theo anh, nói con Liên nấu loãng ra một chút rồi thêm tí ruốc vào nên sáng nay em ăn được hơn nửa bát.
- Cũng không hơn gì hôm qua. Nói chung là em nên cố mà ăn. Càng ốm càng phải ăn. Có thế mới mau bình phục được. Thế hôm nay thuốc thang vẫn tiếp tục dùng như thế chứ. Nói chung chiều hôm qua anh có mang tờ giấy ghi toa thuốc của em về cho mấy cậu bạn xem, ai cũng bảo như thế cơ bản là phù hợp cho bệnh tình của em.
- Sao lại toa? Phải nói là đơn thuốc chứ. Bà Vân mở to cặp mắt nhìn ông Long. Ông Long biết ý hạ giọng.
- Nói chung là anh xin lỗi. Chỉ vì mấy hôm nay gặp tay bạn của anh vừa từ TPHCM ra thành thử anh nghe cậu ấy nói nên quen mồm. Hình như ngày xưa em cũng từng gặp anh chàng này đấy. Tay Nghĩa ở Thuốc bắc. Cái tay có đến hơn một mẫu đào trên mạn Nhật tân, chỗ mà anh với anh Phong đã từng lên đấy vào độ giáp tết năm Ngọ. Rồi vào cuối năm đó anh chàng di cư vào nam. Trước đó hắn ta chả rủ mãi anh cùng đi, sau nghe em anh mới ở lại, chứ không thì…
- Ai chứ anh ấy thì em nhớ ra rồi. Cái anh chàng có vầng trán cao, lại thêm cái sẹo bên lông mày bên trái mà có lần anh kể do bị ngã xe ở nhà thương Cống Vọng. Đúng rồi, anh ấy đã ra ngòai này mấy lần, anh baỏ bây giờ anh ta giàu lắm. Đúng rồi. Dân di cư vào đấy lâu thì nói giống dân Sài Gòn là phải thôi. Trong ấy gọi đơn thuốc như thế. Bọn trẻ bây giờ cũng thích gọi theo. Thật rõ chán. Chửa thì bảo là chửa, lại gọi là mang bầu. Bát ăn lại gọi là chén. Nộp tiền lại bảo là thu ngân. Bọn trẻ thì chả trách được còn mình già rồi. Không hiểu sao cứ nghe nói như thế em thấy nó thế nào ấy.
- Thôi, thôi. Nói chung là anh xin lỗi rồi mà. Sáng nay khi đi qua chợ Bưởi anh mua cho em ký táo trông ngon lắm, mấy cô bán hàng cam đoan là táo của Hồng kông mới nhập còn tươi nguyên. Em ăn để anh gọt nhé.
- Mới sáng ra anh đã lên Bưởi làm gì?
- À mấy cậu bạn rủ lên xem căn hộ các cậu đó mới đặt tiền mua ở khu vực trại đào Nhật tân cũ. Bây giờ chỗ ấy người ta phá hết đào đi để xây nhà bán.
Bà Vân lặng đi không hiểu có phải vì bà mệt hay bởi câu chuỵện của ông Long. Mãi một lúc sau bà mới lẩm bầm hỏi:
- Người ta xây đúng chỗ trại đào năm ấy à?. Cái chỗ mà hai, ba năm trước, mấy tờ báo đăng các bài phản đối anh đưa cho em xem đấy.
- Ừ đúng chỗ ngày xưa. Khi nào khoẻ anh đưa em lên. Nói chung anh đảm bảo em không tài nào nhận ra một chút nào trang trại của tay Nghĩa ấy đâu.
- Thế ư? Vậy thì sau này Hà nội ra sao nhỉ. Bà Vân lim dim mắt nhìn lên trần nhà như tự hỏi mình.