Vào những năm giữa của thập kỷ 50 ở thế kỷ trước Hà nội bé lắm. Nói cho đúng là phố phường thì chỉ quanh quẩn vài phố quanh Hồ gươm, nhà thờ lớn. Từ dốc bà Triệu đi xuống hồ Thiền quang, từ đầu cầu Long Biên phía nam ngược lên Yên phụ đã thấy xa ngút ngát và hoang vắng lắm rồi. Giải đê trước nhà máy đèn Yên Phụ vẫn hoang vu, đầy cỏ dại mọc um tùm lút đầu cùng đám chó hoang đùa rỡn cắn nhau và đi tơ kêu inh ỏi. Yên Phụ vẫn gọi là làng. Từ con đường bé xíu như cánh tay đứa trẻ thiếu ăn bước xuống cổng làng Yên Phụ, thêm vài bước đã thấy lau sậy mọc rợp bên bờ nước. Giống như bờ hồ Thiền quang, vịt trời vẫn về đẻ trứng và riêng hồ Tây vào tiết chớm mùa sang còn có cả sâm cầm từ phương bắc tránh rét, bay lượn mỏi cánh lại hạ xuống bơi đùa rỡn nhau chí choé trên mặt nước trong veo. Thỉnh thoảng lại có chiếc thai hoang nằm trên ngọn cỏ ven bờ, có cái còn vẳng tiếng oe oe, ọ ẹ chập chờn, khe khẽ khiến kẻ yếu bóng vía rùng mình. Yên Phụ còn xa xôi và hẻo lánh như thế nữa là đi lên tận Xù, Gạ mặc dù nơi ấy cách bờ hồ chưa đầy chục cây số. Người đời bảo. Con người gắn với nhau bằng lòng dạ và đến với nhau bằng những con đường. Đường từ Yên phụ đến ngã ba Nhật Tân rồi lên Xù, Gạ vào những năm đó chỉ là rẻo đất rải đá lổn nhổn chạy dọc nam ngạn đê sông Cái. Xe đạp đạp ì ạch hay chân người bước gập gềnh đau rát vì đá răm. Một lối ngược vào nội thành, một lối rẽ đi quán Sở, Xuân la, Cáo Đỉnh, một lối chạy thẳng lên mạn Chèm, Vẽ sau khi vượt qua Xù, Gạ. Có lẽ thời Pháp coi đó như yết hầu của ngoại ô Hà nội dẫn vào nội thành Hà Nội. Chẳng thế mà ngay ngã ba Nhật Tân hồi đó vẫn chềnh ềnh cái lô cốt của viễn chinh Pháp để lại. Trên nóc còn nguyên cả khẩu súng hỏng luôn mời gọi trẻ con mấy thôn quanh đấy lên quay đảo súng cùng với tiếng kêu giả tiếng đạn bắn bằng mồm của chúng. Mặt nóc lô cốt rộng lắm, chí ít cũng bằng già nửa sân gạch nửa sào lại láng bê tông, xi moong nên dại nắng đến khi mặt trời xắp lặn phía dẫy Tam Đảo mờ xa. Bởi thế cho nên vào vụ lúa vẫn có nhà nhanh chân lên phơi thóc trên đó. Sau này có lần lên chơi nhà anh Lân anh họ của Vân ở bến phà Chèm, Long còn nghe người ta kể hồi máy bay Mỹ bắn phá Hà nội có lần chúng đã đến bỏ bom mấy ụ pháo phía mạn bờ sông, mấy tay xe thồ và dân đi đường rúc vào lô cốt để tránh bom, bị hơi bom ép chết sạch. Khi máy bay địch bay xa, làng xóm trở lại yên ắng, dân quân lôi xác họ ra. Thân thể người nào người nấy vàng xuộm, bẹp dí như cá hộp. Quanh sườn lô cốt, các lỗ châu mai trổ ra tứ phía y hệt những con mắt to tướng, trợn trừng suốt ngày rình mò dõi theo dòng cuộc sống trôi và đám người trượt đi theo các ngả quê… Khi Long đèo Vân đến gần ngõ rẽ vào nhà bà lang thì anh đã cảm thấy lưng áo đã thấm đẫm mồ hôi. Vì thế vừa nhìn thấy cây đa cổ thụ mọc ngay bên bờ đê, những chùm lá chớm gió sông run rẩy, Long bảo Vân xuống xe để nghỉ một tí. Thoạt đầu tiên Vân không chịu, cô bảo dốc dẫn xuống nhà bà lang đã gần lắm rồi. Nhưng sau khi nghe Long nói, cần ngồi nghỉ một lúc để hóng mát và cái chính là để cho khô áo đồng thời sửa soạn lại trang phục cho đàng hoàng, lịch sự. Muốn gì thì gì cũng không thể lúi xùi để vào nhà người lạ. Vân gật đầu. Ttrong thâm tâm cô, Vân rất thích lối ăn mặc trang nhã và cách xử xự đường hoàng dù bất kì trong tình huống nào của Long. Long giống như anh Phong của Vân. Hai người thật khác xa nhiều trang thanh niên Vân từng thấy ở khu phố. Không hiểu sao từ dạo tiếp quản thủ đô đến giờ người ta cứ thích sự nôm tạm, sự cẩu thả trong ăn mặc và trong lời ăn tiếng nói. Ngay cả Diệu Thuần. Ngày trước nó là con bé kĩ tính trong chọn bạn và nhất là trong ăn mặc, trang điểm. Dạo ấy khi đến rủ nó đi chơi mà nó chưa sửa soạn thì thật đáng sợ. Chỉ nguyên đợi Diệu Thuần chải và uốn cho bằng được mái tóc lưỡi trai cong cong trước trán cũng phải hàng tiếng đồng hồ. Thế mà bây giờ nhìn quần áo, cách nó cặp tóc thì cảm thấy hình như cô nàng DiệuThuần kĩ tính và cầu kì chưa bao giờ xuất hiện trên mặt đất này mà chỉ có một Diệu Thuần đơn giản đến tuyềnh toàng. Cô gái xưa đã rút vào cái vỏ kín đáo và biến mất y hệt như thành phố này đang dần dần thay đổi hết Tính thanh lịch của người Hà nội cũng đang rơi rụng để thay vào một lối sống xô bồ, nhí nhố, tạm bợ. Ngồi nghỉ một lúc Vân đột ngột nghe thấy Long hỏi ai đã mách cô đến bà lang này. Phải gặng đến lần thứ ba, Vân mới nhát gừng trả lời một cách miễn cưỡng. Hoá ra. Cũng là tình cờ và chúa run rủi thế nào đó nên hôm đi chợ Bắc qua cùng con sen Nhuỵ để mua đồ ăn Vân chợt nghe thấy mấy bà bán chuối quê vùng Xù, Gạ kháo nhau về một bà lang có bài thuốc chữa bệnh hay lắm. Nhất là các loại thuốc dành riêng cho đàn bà, con gái. Chẳng thế mà từ Hải Phòng, Nam định cả Hòn gai, Hồng quảng người ta cũng tìm lên. Từ Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang người ta cũng xuống. Hôm đó con Nhuỵ mấy lần dục Vân đến chỗ hàng quen để mua nhưng Vân cứ giả tảng làm như đang mải xem mấy mẹt hạt sen trần, đỗ xanh. Để rồi cuối cùng làm như vô tình cô cũng hỏi được mấy bà về địa chỉ của bà lang. Nghỉ ngơi một lúc, quần áo phẳng phiu, tóc tai bớt mướt mải mồ hội, Long đứng dậy dục Vân đi, thì lúc đấy Long lại thấy cô ngần ngừ, nấn ná:- Bỗng nhiên, em cứ thấy nó như thế nào ấy. Tự dưng vô cớ lại đâm vào nhà người ta để hỏi những chuyện mà phải là người… Trong khi em chưa có chồng.- Thì cứ nói anh là chồng em. Vợ chồng mình có trục trặc một tí nên mới tìm lên đây. Nói chung là mọi sự phải đơn giản ra. Hơn nữa người thiên hạ. Chẹp. Có ai quen đâu mà sợ. Đây với Hà nội xa vời vợi.- Chồng ư? Sao lại là chồng cơ chứ… Vân bỏ dở câu nói ngập ngừng, mắt buồn bã nhìn bất định giữa dòng sông. Nơi ấy có con thuyền đang căng buồm chậm chạp lướt trên dòng nước mùa thu lững lờ trôi. Nhìn một lúc tự nhiên Vân buột mồm:- Biết làm sao được. Chưa biết chừng, bỗng nhiên có người quen nào đấy nhìn thấy em đi vào nhà bà lang ấy về kể lại. Rồi me em, anh Phong, cậu Vũ cùng biết thì em sống như thế nào nào đâyLong ngửa mặt nhìn lên vòm cây đa rậm rạp. Có làn gió nhẹ bâng quơ vừa lướt qua. Những chiếc lá run rẩy và tiếng con chim chích lẻ bạn kêu thảng thốt. Anh cố lấy vẻ bình thản, tự nhiên chạm tay lên vai Vân. Cô khẽ đẩy tay anh ra.Đã đến đây rồi. Nói chung là phải vào thôi.Vân khẽ thở dài rồi lẳng lặng, lầm lũi bước theo Long. Phải hỏi đến người thứ ba là một người đàn bà, thấp nhỏ như một đứa trẻ, có hai gò má hơi cao trên khuôn mặt gầy gò. Mặc dù đã có vẻ đứng tuổi nhưng bà ta lại vác cái bụng chửa quá to thẩy lẩy y như một con nhện lặc lè ôm trứng. Với giọng eo éo và bàn tay gầy sứt sẹo người đàn bà chửa vừa nhìn soi mói cô cậu tỉnh thành vừa sang sái dẫn hai người đến tận ngõ nhà bà lang. Đó là một lối mòn ngoằn ngoeò, nhỏ xíu, lổn nhổn những hòn đá đen nhẵn đầu dường như chúng liên tục bị mài hàng ngày vì những bàn chân nặng nề, uể oải. Lối mòn được khuôn lại bằng hai hàng rào trồng ruối xanh xẫm mọc lung tung vì lâu ngày không ai để ý chăm sóc, tỉa tót. Trên mặt hàng rào được điểm xuyết bằng những quả ruối chín mọng, vàng xuộm. Vừa đi người đàn bà vừa liên thiên trò chuyện về bài thuốc chữa đẻ hiệu nghiệm của bà lang. Theo mồm bà ấy kể thì chồng bà đã năm mươi sáu tuổi, còn bà đã bốn nhăm rồi. Lấy nhau hơn hai mươi năm mà chả hiểu sao không một lần chửa để. Thôi thì đã có bệnh thì vái tứ phương, đi đủ các tỉnh uống đủ thứ thuốc tây, ta bắc, nam mà vẫn chẳng hiệu nghiệm gì. Trong khi đó nhà chồng bà chỉ có mình ông ấy là con trai. Trong khi đó bà lang là cùng làng và ngày nào người thiên hạ cùng tìm đến xin chữa chạy ầm ầm. Trò đời bụt chùa nhà không thiêng mà lại. Cuối cùng vì quá sốt ruột, lại cũng vì bà mẹ chồng bảo nếu nốt năm nay con dâu không chửa đẻ thì sẽ bắt con trai tức là chồng bà muốn gì thì gì cũng phải lấy vợ lẽ. Thế là sợ vợ chồng tan đàn xẻ nghé, bà đành dấu chồng lén đến nhà bà lang. Ai ngờ sau khi khám bệnh, bà uống chưa hết ba thang thuốc thì thấy trong người bà thay đổi rồi bà đã có chửa. Lúc ấy bà mới nói với chồng. Cả nhà chồng mừng quýnh và liền mang cân chè mạn đến cậy nhờ bà lang chăm sóc cái thai. Bà lang nói gì thì cả nhà bà đều nghe răm rắp. Trong khi Long làm vẻ chăm chú nghe người đàn bà hay chuyện nói thì Vân có vẻ nóng ruột, nhất là từ khi cô nghe người đàn bà choang choác "Cô cậu không sợ là không đẻ được, một là cô cậu còn trẻ, hai là bà lang này mát tay và thuốc của bà ấy thì cả thiên hạ đều phải công nhận là hay. Nghiệm lắm". Sau ba, bốn lần hết ngoặt lại rẽ, người đàn bà bụng chửa dẫn hai người vào một cái căn nhà lợp rạ, có hàng dại nứa đã chớm oải che mặt tiền. Trước nhà là khoảng sân lát gạch bát hồng nhạt, với tường hoa chắn ngay trước bụi hoa hồng bạch sai hoa mọc kề bên hai cây cau, đứng song song bên bể nước mưa có xây mái vòm cuốn. "Ai đấy?". Có tiếng đàn bà khàn khàn hỏi vọng ra. Người đàn bà bụng chửa mau mắn. "Con Sót đây?". "Dẫn ai đến đấy hả? được rồi, cứ để họ vào tự nhiên còn mày có việc gì cứ làm. Nhớ uống thuốc đúng bữa vào đấy. Bây giờ về đi. Lúc nào sang hỏi bà cũng được". "Con nhớ rồi ạ". Người đàn bà lẳng lặng quay lại sau khi chun mũi nhìn Long, Vân. Một thoáng ngần ngừ, hai anh em cúi đầu bước vào. Ngồi trên chiếc xập gụ là một cụ bà có khuôn mặt vuông vắn nhăn nheo. Đôi cánh tay ngắn ngủn đang cầm chiếc khay đựng trầu bằng đồng sáng choang còn nổi rõ những vệt vừa được đánh bằng cát và rơm. Bà cụ nhíu mắt nhìn hai người chăm chú một hồi rồi đưa tay lên quẹt vết trầu loe ra hai bên khoé mép, đoạn hỏi với giọng nói chốc chốc lại đệm vào tiếng ‘chít"rất riêng của vùng Xù, Gạ:Cô, cậu lấy nhau lâu chưa? Chít.Dạ. Chúng con. Nói chung..- Cô lại gần đây xem nào. Giọng bà lang cao hơn. Thấy Vân ngần ngừ Long đẩy khẽ vào lưng Vân. Vân chầm chậm đi lại. Bà lang dứơn cao mắt nhìn Vân rồi đột ngột bảo:Chít thật. Chửa mấy tháng rồi. Mà đã chửa thì cần gì mà tìm đến đây?Bà lang nói chưa dứt câu thì Vân đã oà khóc tức tưởi.- Sao thế, sao thế? Chít, chít. Bà lang hỏi xong thì ngửa mặt lên nhìn mái nhà rồi hạ giọng.:- Biết rồi, biết rồi. Nghĩa là muốn cho ra, muốn để xẩy chứ gì? Thế gian lạ thế đấy. Người thì cố chữa để chửa bằng được. Người được rồi thì lại tìm cách tống ra cho xong. Thôi được. Ta sẽ cho thuốc rịt. Mọi sự sẽ bình thường thôi Nhưng mà này, chửa lần đầu mà làm thế là vô phúc đấy. Chít thật. Ngay ta rồi cũng vạ lây cho mà xem. Bà Lang thở dài. Vạn nhất mới phải làm thế. Làm ra người mới khó chứ bỏ nó đi thì… Cô cậu tính toán kĩ chưa?- Bà giúp cháu. Giúp cháu. Vân nức nở. Cô cúi đầu xuống, tay che mặt trong khi Long lúng túng. Bà lang mím chặt môi vừa nói vừa thở dài sườn sượt:- Hôm kia cũng có hai cô cậu ở Hà nội lên. Trẻ nên chơi bời bất chấp tất cả. Lại không tính toán, không nghĩ xa đến cái đận lâu dài. Chít thật. Con gái lãi về con, chứ không lãi về chồng. Nhưng mà thôi biết làm thế nào. Mà làm như thế này bà cũng tổn âm đức lắm. Nhưng không làm thì cô cậu cũng khó mà sống yên ổn. Phải không?Nói chung, bà giúp chúng cháu.- Cậu không phải nói nhiều. Chít một nỗi đàn ông, con trai các cậu chỉ biết thích thú một lúc là làm khổ đàn bà con gái. Phàm là giống đàn bà con gái thì hay nể hay chiều, hay thương. Nhưng thôi. Muốn gì thì gì, dù thế nào vợ con đề huề hay không thì cũng đừng ăn ở bạc. Trời, phật có mắt đấy cô cậu ạ. Thôi được rồi. Ngồi xuống đây trông bà buộc thuốc cho một lần rồi về cứ thế mà làm theo. Nhớ là phải làm đúng giờ đấy. Hiểu chưa? Chít thật