"Xuống đây nào Kin", Lavender vừa thò chân xuống nước vừa vẫy gọi tôi, tay bám vào thành lan can theo kiểu như nửa buông lơi. Lúc này trông cô đúng là điên chứ chẳng phải là hoang dại. Tôi chạy tới và nói rằng, hoang dại thế cũng là hay, nhưng hoang dại tới mức dại dột như thế này thì chẳng có gì thú vị cả. "Tớ chẳng thích hoang dại cái kiểu này đâu". Mặt Lavender ửng đỏ không biết do lạnh hay bám quá lâu khiến cô mỏi, hay là cô ngạc nhiên trước sự thất vọng của tôi. "Này Lavender, quay lại đây, tớ sẽ bảo cậu cách xả stress của mình"."Tớ đã định tự giết mình rồi cậu biết không, nhưng tớ đã không làm được. Bây giờ tớ chỉ muốn nhảy thôi nhưng tớ cũng không nhảy được".Tôi vươn người ra và với tay bảo rằng lên đây, tôi sẽ cố kéo lên."Mọi thứ sẽ ổn thôi, cuộc sống là thế mà. Cậu trẻ quá để mà hoang dại cái kiểu này". Cuối cùng cũng có một người phụ nữ đi về phía chúng tôi, bà ta hốt hoảng khi thấy cảnh tượng như vậy: "Ôi Chúa ơi, lên đây mau mấy cô gái này, các cô đang làm gì thế?" Người phụ nữ kêu lên thất thanh. Lavender toét miệng cười như trêu ngươi. Tôi quay lại trấn tĩnh bà ta: "Cô ấy lên bây giờ mà, đừng lo! Bà ta lao ra lan can chìa tay và gọi Lave trở lên. Cô gái cuối cùng cũng chịu lên, nhưng cô nắm tay tôi lên chứ không nắm tay của người phụ nữ kia. Bà ấy đứng mắng chúng tôi: "Làm gì mà các cô còn ở đây vào giờ này? Về nhà đi các cô gái, đây không phải là mấy trò cho các cô vui chơi đâu!" Lavender cáu lên: "OK rồi, nhưng cảm ơn bà". Người phụ nữ tối sầm mặt, lắc đầu rồi bỏ đi, chắc hẳn bà ta đang nghĩ tới hai cô gái Trung Quốc bị điên ở đâu lạc về thích nghịch ngợm. Tôi quay ra nói với Lavender: "Hét đi, tớ đã làm thế để xả stress đấy". "Hét á, giống như thế này á? " Vừa nói dứt lời Lavender hét lên rất to và mạnh khiến người phụ nữ lại giật mình ngoái đầu lại nhìn xem có phải lại ai đó bị làm sao hay không? Tôi thoáng sững sờ vì cái cách Lavender hét lên, giống y như tôi vậy. Tôi nắm chặt tay Lavender và kéo đi khẩn trương trước khi cô ấy sẽ nghĩ ra trò gì "hoang dại" hơn thế. Tôi hỏi Lavender rằng cô ấy thấy thế nào sau khi đã hét xong? Cô ấy bảo "hoang dã hơn bao giờ hết". Tôi kể rằng tôi có một ông già rất đáng yêu, ông ấy là người tôi chia sẻ nỗi buồn và mềm vui, có thể khi nào tôi sẽ giới thiệu Lavender cho ông ấy. Nhưng Lavender hờ hững và có vẻ không quan tâm tới ông già của tôi. Cô ấy còn dường như hơi ghen tị vì tôi có người để chia sẻ niềm vui nỗi buồn.Bến lúc này đã rất vắng vẻ, tôi đưa Lavender sang bến đầu tiên ở Manhattan . Dặn cô đừng nói chúng tôi đã ở trên đảo với Billy. Lavender rất hay bị đàn ông ở trên bến nhìn chằm chằm, cô phì cười đầy mỉa mai và nói: "Một lũ đàn ông đĩ thõa".Đợi khoảng 10 phút thì Billy tới đón. Anh hỏi chúng tôi đi đâu và chúng tôi chỉ nói rằng ngồi ăn pizza ở một quán ở bên Queens ."Mei gọi cho anh, phone của em sao vậy?""À chỉ là hết pin mà". Lavender nói tỉnh bơ dù tôi biết thừa cô tắt máy. Billy và Lavender tỏ ra rất lo lắng nếu tôi phải về một mình. Tôi nói rằng không sao, tôi vẫn về khuya như vậy. Billy đưa tôi xuống tận bến tàu, nhìn tôi lên tàu rồi mới quay trở lại.Chia tay Lavender và lang thang một mình trở về nhà, tôi vẫn có một cái cảm giác gì đó rùng mình, như thể vừa xem xong một bộ phim, hay đọc xong một cuốn truyện ấn tượng tới mức bị ám ảnh. Giá mà lúc này tôi gọi điện tâm sự được với Ryan, nhưng đã muộn quá, anh cần phải ngủ.Lên đảo một lúc thì tôi nhận được một voice message của Ronie. Anh ta bảo rằng vừa gọi điện cho tôi mãi mà không được (là vì tôi ở dưới tàu điện ngầm không có sóng). Anh ta rất muốn nói chuyện lại với tôi và hy vọng có thể gặp tôi vào buổi trưa ngày hôm sau. Thế là trong cái cảm giác muốn được nói chuyện với ai đó, tôi nhấc máy gọi điện cho Ronie.Ronie nói chuyện với tôi rất tình cảm. Thật là một cảm giác tội lỗi, nhưng lúc đó tôi lại thấy những lời nói ấy rất ấm áp, giọng tôi cũng nhẹ nhàng và dễ chịu hơn rất nhiều khi nói chuyện với anh ta. Tôi hỏi mối quan hệ của anh ta và Helen đến đâu, anh ta nói rằng khi chúng tôi nói chuyện với nhau thì đừng nhắc đến Helen. "Đàn ông thật là buồn cười, và tôi không đi ăn trưa với anh đâu", tôi thốt lên như vậy trước khi tạm biệt Ronie và bước chân vào nhà. 11 rưỡi đêm, quá mệt và tôi lăn ra ngủ, quả thật dạo này có quá nhiều suy nghĩ.Sáng thứ bảy, 8 giờ Billy đã nói với tôi hôm nay anh đóng tiệm và tôi có thể ở nhà. Tôi hỏi Lavender ra sao rồi? Anh nói rằng cô ấy ổn thôi. Hôm nay Billy có vấn đề gì đó cần giải quyết. Được hôm thứ bảy đông khách mà lại nghỉ, đúng là có… vấn đề.Tôi chạy xuống dưới nhà tìm ông già, chả hiểu sao tôi muốn kể ngay cho ông ấy nghe câu chuyện về Lavender và muốn biết ý kiến của ông ấy ra sao.Tôi bắt gặp người phụ nữ là news director của ông dạo nọ đang nói chuyện rất vui vẻ. Nhìn thấy tôi, họ đều cười và vẫy tay chào."Thế hôm nay cháu nghỉ à? Chủ nhật đẹp trời nhỉ?""Rất vui lại được gặp lại bà". Tôi cười và chào bà "Hôm nay bà cũng nghỉ làm sao?"."Oh, bây giờ phải đi đây, khoảng 15 phút nữa"."Bà tới đài NY 1 để làm tin à? Cháu chưa bao giờ tới một đài truyền hình. Cháu chỉ xem trên TV thấy cô biên tập viên ngồi nói và đằng sau lưng là ca một đám người đang làm việc, thế việc của bà là thế?"Bà ấy cười rồi bất ngờ tặng tôi một đề nghị: "Có muốn đi xem không?""Gì cơ?" Mắt tôi sáng rực. Một đề nghị ngoài dự định của tôi."Họ cho phép cháu vào à?"."À, cầm theo chứng minh đi, tôi sẽ cố đưa cháu vào"Tôi chợt nghĩ ra mình chẳng có cái ID gì cả ngoài chứng minh thư, có chăng là cái visa ngoại giao của tôi.Tôi hỏi bà có được không? Bà ấy nói rằng tôi cầm cả hai đi và phải nhanh lên. Chúng tôi sẽ sang bên Manhattan bằng tàu điện ngầm. Trụ sở mới của Đài NY 1 mới được chuyển về tòa nhà Chelsea Market từ năm 2002. Sau khi qua một hàng security, tôi phải ngồi ở dưới sảnh trong của tòa nhà chờ một chút, rồi tôi sẽ được theo bà đi quay tin ở uptown.Những gì tôi nhìn thấy nơi đây, đó là sự hối hả và năng động, tạo cho tôi cảm giác choáng ngợp và rất hồi hộp, tự nhiên thấy mình… thật vô tích sự. Đủ hiểu vì sao cái thế giới này lại phát triển như thế.Tôi được cho phép theo đoàn xe đi uptown quay phóng sự về một cuộc diễu hành của dân Hispanic. Vui quá thể và oách quá thể. Cô phóng viên dễ thương đứng "biểu diễn" rất chuyên nghiệp, nhưng nhát lại bị quá ồn ào và nói vấp cho dù đang quay live. Anh quay phim và cô phóng viên sau quá tam ba bận bị nói vài câu khá nặng nề vì hôm nay không được như ý. Cô ấy cúi đầu xin lỗi và hứa sẽ làm lại thật tốt. rất kiên nhẫn và cam chịu.Bà news director đã kết thúc buổi quay hình bằng lời nói ghé vào tai tôi: "Tôi đã từng là cô ấy, xấu hổ là kiên nhẫn, nhưng đáng lắm!" Câu nói của bà làm tôi nhớ tới năm tôi học đại học năm thứ hai, được may mắn gặp gỡ và nói chuyện với một phóng viên Reuters kỳ cựu và cực kỳ tài năng. Chỉ sau một buổi nói chuyện mà tôi choáng ngợp bởi kiến thức và sự nhận thức thâm thúy của nhân vật này. Ông ta kể rằng, ông ta đã từng bị vùi dập thảm hại ở một tòa báo, sau đấy bị ganh tị và phá phách vì đối thủ kèn cựa. Có lúc thất vọng chán đời đi phục vụ trong quán ăn ở một khu phố toàn dân gangster và nghèo khổ. Chủ quán có lúc chửi bới không ra gì chỉ vì một việc rất nhỏ là đưa nhầm thực đơn sang một bàn mà đã gọi rồi hay có lúc rán khoai tây hơi bị cháy. Nhưng chính mỗi lời chửi bới ấy lại là một bài học rèn luyện sự kiên nhẫn và bản lĩnh. Và khi đã cảm thấy phải "quay trở lại", ông đã trụ lại trên cái "chiến trường" ấy và cực kỳ thành công. Ông nói, ông đã thể hiện hết được cho các đối thủ cũ của mình rằng, bản chất của ông thì không ai có thể vùi dập được, và rằng mấy lời chửi bới của họ, và cả ông chủ quán ăn, đã giúp ông bỏ qua được sự tự ti và "chai mặt" ngẩng đầu bước tiếp. Hôm nay bà director cũng nói với tôi những lời nói tương tự: "Một ngày nào đấy ta sẽ bị ai đó làm tổn thương bằng cách khiến ta trở thành kẻ ngu ngốc, nhưng một ngày nào đó cũng nhờ những người đó mà chúng ta trưởng thành, không có tủi nhục đau đớn thì không bao giờ có thành công". Lúc đó tôi chưa thực sự đi làm, chưa va chạm cuộc sống nhiều, mới bị mẹ mắng đã cảm thấy bị xúc phạm tỏ vẻ rất đau lòng. Tôi hiểu mà chưa ngấm hết những gì họ nói, nhưng không ngờ chúng lại hữu hiệu giúp tôi trong những ngày tháng sau này, khi tôi hiểu thế nào là c'est la vie. Người ta chửi tôi vài câu nhưng nếu là do tôi sai tôi tự nguyện cúi đầu nhận lỗi. Người ta chửi tôi khi họ sai thì tôi sẽ chứng minh cho họ thấy họ sai thay vì điên cuồng thất vọng hay đau lòng. Và tôi đủ hiểu, kẻ sỉ nhục và làm cho tâm hồn mình đau đớn nhất chính là bản thân, chứ không phải là người khác.Tôi chia tay bà đạo diễn để về nhà, vì bà còn phải ở lại làm việc. Tôi đã có một ngày thứ bảy rất bổ ích, tinh thẩn đã bớt căng thẳng đi rất nhiều, hứng khởi là khác, có lúc còn quên mất câu chuyện về Lavender vừa mới hôm qua.Nhấc máy cho Ryan, tôi thì thào: "Hey, hôm nay em vừa làm một việc cực kỳ thú vị. Em đã sẵn sàng để đi picnic với anh ngày mai rồi, em nhớ anh làm sao?".