Dịch giả: Sơn Lê
K

Tôi nhận được điện thoại của Trại Ninh. Tôi hỏi anh đang ở đâu? Anh bảo anh đang ở Bắc Kinh. Tôi hỏi, ở Bắc Kinh anh ở chỗ nào? Tôi nói, trước khi gặp mặt anh, em không muốn nghe anh nói chuyện. Thế là anh cho tôi số điện thoại.
Sáng sớm hôm sau, trong quán cà phê sân bay Thủ đô, tôi gặp Trại Ninh nổi tiếng của tôi. Anh vẫn như xưa, tóc dài, mắt to, môi dày. Đầu tóc anh rối bù. Ngoài kia trời rất lạnh mà anh chỉ mặc mỗi một chiếc áo len màu đen. Anh đứng kia, thẫn thờ nhìn tôi. Cả hai chúng tôi đều rất bình tĩnh, ít ra là bề ngoài.
Chẳng phải anh đã chết trong gói heroin bẩn thỉu rồi sao?
Anh không hiểu tại sao lại có tin đồn ấy. Thật ra anh cai nghiện từ lâu.
Tháng trước, suýt nữa em chết trong khí gas khi nghe tin anh chết. Anh lại xuất hiện, tại sao anh lắm chuyện thế?
Anh quyết tâm tìm em.
Tại sao?
Vì ngoài em ra, anh không còn ai khác.
Làm sao anh có thể rời bỏ quá khứ được? Làm sao anh làm được?
Anh muốn rời bỏ, cảm thấy em cũng nên rời bỏ, lúc bấy giờ anh thấy thế.
Lúc này anh đang sống với ai?
Anh chỉ có một người bạn gái, đấy là em.
Anh vẫn chơi nhạc đấy chứ?
Vẫn.
Anh không đi làm à?
Mẹ anh giúp anh mở một cửa hiệu sách.
Tại sao hồi đầu anh lại hút heroin?
Tại sao khi anh xa em anh thành con nghiện? Thật không hiểu nổi anh! Anh có hiểu em cảm nhận điều gì không? Anh làm em thấy mình thật đáng thương.
Anh có vấn đề. Đến nay anh vẫn có vấn đề. Đúng vậy, đó là một quá trình. Không phải anh cố ý gây nên những tổn thương đối với em.
Anh đang có vấn đề gì? Vấn đề là của riêng anh và anh không chịu trách nhiệm. Phải chăng trên đài anh thấy giọng nói của em đã thay đổi và khiến anh hiếu kỳ?
Anh không nghe thấy chương trình đó, người khác nói với anh. Em biết không? Chúng ta không thể xa nhau được.
Anh Ninh, giọng em hỏng mất rồi, em không còn hát được nữa, anh hiểu không? Chúng ta không thể xa nhau nghĩa là gì? Chúng ta xa nhau thôi. Chúng ta chia tay, giọng em hỏng rồi, không thể khỏi được.
Chúng tôi nói chuyện rất đơn giản, một người hỏi, một người trả lời. Xem ra chúng tôi đều tốt, chừng như cả hai không liên quan gì đến câu chuyện. Tôi được thấy ánh nắng đặc trưng của mùa đông Bắc Kinh chiếu lên người tôi, tôi nhìn thành phố mà chúng tôi đã từng hướng tới, trông thấy ánh nắng chỉ riêng của thành phố này chiếu rọi vào tai họa này.
Tin Trại Ninh chết nhưng cuối cùng anh không chết. Số phận của tôi thật sự may mắn!
Chúng tôi nói chuyện có nhiều khoảng lặng. Anh không hỏi gì tôi, tôi nhìn anh, nhìn bờ mi dịu êm của anh. Thỉnh thoảng anh lại ngước nhìn tôi, cặp mắt khốn nạn kia vẫn không thay đổi. Tôi rất bực.
Chúng mình về nhà rồi nói chuyện, được không?
Anh Ninh, vào lúc anh bỏ em mà đi, trời như đổ sập xuống người em. Em không biết sửa chữa sai lầm bằng cách nào, vì chuyện đó mà hôm qua em vẫn còn đau khổ.
Anh Ninh, khi mọi tình cảm dịu êm biến thành hận thù, anh có biết thế nào là nỗi đau không?
Anh Ninh, em đã từng hỏi trời, hỏi đất làm thế nào để anh trở về bên em? Lúc này đây, anh đã về, em hỏi anh phải làm gì?
Chưa một phút nào anh quên em. Đúng vậy. Anh định gọi điện cho Tam Mao, anh muốn gọi điện cho em, nhưng anh sợ không tìm lại được sự đoàn tụ.
Anh Ninh, em đáng sợ lắm sao? Chúng ta đã từng yêu nhau đấy thôi.
Hai tiếng đồng hồ sau, Trại Ninh mua vé máy bay cho tôi về.
Ở phòng đợi sân bay, Trại Ninh đột ngột từ phía sau ôm lấy tôi. Tôi cảm nhận được cơ thể anh, hơi ấm của anh, nhiệt độ trong máu anh, tôi không hiểu đây có phải là Trại Ninh của tôi không? Anh nói, xin lỗi em!
Anh Ninh, trước kia anh chưa bao giờ nói xin lỗi với em. Anh bảo, hai người yêu nhau không bao giờ phải xin lỗi nhau.
Trước khi lên máy bay, tôi nói: nếu anh chết đi có phải hơn không? Em nhớ những ngày đứng trước cửa sổ khóc vì tin anh chết.
Từ đấy về sau, hầu như ngày nào Trại Ninh cũng gọi điện cho tôi. Chúng tôi nói chuyện có phần lúng túng.
Một hôm, tôi nói anh đừng gọi điện cho em nữa, nhưng nếu anh đổi địa chỉ phải nói cho em biết, em sẽ gọi điện cho anh. Tôi và Tam Mao gọi điện cho nhau mấy lần. Trong điện thoại, chúng tôi cùng chửi Trại Ninh thậm tệ.
Tôi xác nhận lại, tôi không phải là người con gái hạnh phúc, tôi mong sau ba mươi tuổi, tôi có thể có cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Tôi viết một bài hát về chuyến đi Bắc Kinh. Tôi chơi cây đàn guitar mà Trại Ninh để lại, hát mười bốn lần rưỡi vào cái máy ghi âm của anh. Bài hát rất đơn giản, rất trữ tình, ngọt ngào. Nhưng ngoài những lời tục tĩu bẩn thỉu, tôi dùng tiếng Anh mà Trại Ninh dạy tôi, dùng thứ tiếng Anh của giai cấp tư sản để chửi giai cấp tư sản. Bài hát vẫn có một câu có thể coi là trang nhã, được nhắc đi nhắc lại: hắn là đồ khốn kiếp.
Tôi viết chuyện của tôi và Trại Ninh. Tôi không thể không viết. Viết văn cùng với sứ mệnh của thầy thuốc đi vào cuộc sống của tôi.
Trong lúc viết, bên tai tôi văng vẳng câu anh là đồ khốn kiếp, là kẻ khốn nạn! Tôi nghĩ, mọi kỹ xảo hồi tưởng đặt cùng bài hát này là vô cùng đẹp. Tôi muốn trong quá trình viết văn sẽ hiểu được những đạo lý, mà điều duy nhất tôi có xác nhận là, viết văn đã biến tôi thành một cô gái cần cù.
Vì tự do mà tôi không kiềm chế nổi mình, hay là tự do của bản thân tôi là một thứ không kiềm chế nổi mình?
Mark thật vĩ đại, ông nói, tự do chân chính được xây dựng trên nhận thức của bản chất thế giới.
Tôi hiểu, có một biên giới mà tôi không sao đến được. Chân lý là gì? Chân lý là một thứ không khí, tôi cảm thấy nó đến, tôi có thể ngửi được mùi của chân lý, nhưng không nắm bắt được nó. Tháng ngày trôi qua, chuyện đời vội vã, đã bao lần tôi chạm vào vai chân lý!
Trời sinh tôi là đứa con gái nhạy cảm, nhưng không thông minh. Trời sinh tôi có tính phản bội, nhưng không kiên cường. Tôi nghĩ, đó là vấn đề của tôi. Tôi dùng thân xác mình để kiểm duyệt nam giới, dùng da thịt để suy tư, tôi đã từng tự hỏi “bay” là gì? Tức là “bay” đến lúc “bay” nhất rồi tiếp tục “bay” lên. Thử rồi mới biết, tất cả không thể khiến tôi được giải phóng.
Tôi đi hết con đường này đến con đường khác, gặp một con sông. Bầu trời đặt vào tay tôi một cây bút, thế rồi trời thắp sáng, bầu trời chiếu rọi đống hoang tàn của tôi, chiếu sáng lời nguyện cầu của tôi. Tôi dẫn dòng sông ấy chảy vào nhà tôi. Tôi muốn mọi nỗi ngờ vực của tôi được dần dần rửa sạch.
Vào lúc này tôi tự nhủ, mi có thể trở thành một nhà văn thực sự.