òa đi rồi, thì trời đất ở Hà Nam đối với Xương hình như tối sầm ngay lại. Bóng dáng và hơi hướng của những người còn sót lại trong nhà không đủ làm ấm lại lòng nàng. Khu vườn trở nên u tịch quá. Con đường ngăn đôi nhà nàng với nhà cụ án hóa ra nhạt nhẽo, không hồn. Bờ sông Châu, các vùng ngoại ô, không một chỗ nào không gợi cho Xương cái cảm giác trống rỗng và vô tình. Xương cố tìm khuây khỏa bên Thuần, bên người em thân mến nhất, nhưng Thuần cũng trở nên ít nói ít cười. Thuần càng khiến Xương nghĩ đến Thịnh, đến sự chia lá không tránh được của gia đình. Xương mượn cớ khâu vá, ngồi suốt ngày trong gian gác nhỏ của mình. Và có nhiều lúc ngồi ăn đông đủ cả nhà, nàng tuy là nói chuyện với mọi người, nhưng mà trí não thì đi vắng. Trước kia, trong khi Hòa đi học, thì tuy hai người mỗi năm chỉ gặp gỡ nhau một vài lần, trong những dịp Hòa nghỉ lễ, nhưng lúc dó Xương không thấy người bạn của mình cách biệt như hiện bây giờ.Xưa kia thì cách trở bởi không gian. Nhưng bây giờ thì xa nhau bởi tấm lòng. Đó mới là điều chua chát. Không một ai hiểu như vậy cho Xương cả. Xưa kia Hòa là bạn. Nhưng bây giờ... nhưng bây giờ... Xương vừa lo sợ không bao giờ gặp lại Hòa, vừa lo sợ cái buổi sau này gặp lại Hòa...Nàng hiểu rằng người bạn thân nhất của đời nàng sẽ không tha thứ cho nàng. Nhưng cớ sao Xương lại không dám nhận một mối tình chân thành như thế, của người bạn gần với tấm lòng nàng nhất! Chính nàng cũng không hiểu nữa. Bởi vậy, Xương chỉ muốn đi đâu cho thoát khỏi cái khung cảnh hàng ngày thân mật quá với mình, nó nhắc nhở cho mình bao nhiêu điều tiếc hận... Bà Thông thấy con ngày một héo hắt như cái cây mọc trong chỗ tù túng, trong chỗ bóng râm, liền nghĩ đến sự cho nàng đi đâu xa một độ. Bà bàn với chồng, và cả hai người cùng đồng ý gửi nàng lên Hà Nội. Bà Thông có một bà em họ buôn hàng tấm ở phố Hàng Đào. Ở đấy phố xá lúc nào cũng rộn rịp, ồn ào. Vả lại trong nhà cũng có trẻ con đi học. Xương có thể bảo thêm cho chúng, vừa đi học thêm, nếu như nàng muốn. Bà em họ bà Thông mỗi lần ghé chơi với bà Thông vẫn thường có ý mến Xương và đã nhiều lần nói về chuyện đó. Xương muốn rủ cả Thuần đi cho vui nhưng Thuần sức khỏe không đều. Tính nàng lại sợ những chốn đông người, nên sau cùng chỉ có một mình Xương đi Hà Nội. Bà em họ bà Thông đối với nàng rất là tử tế. Luôn luôn bà tìm dịp làm cho Xương vui vẻ, làm cho nàng không thấy mình là khách ở gia đình bà. Bà góa chồng đã lâu năm, một tay tần tảo nuôi các con đi học.Bởi thế nên gần gụi Xương hôm sớm, bà đã đem lòng yêu quý Xương ngay. Thế là ở Hà Nam, trong nhà bà Thông chỉ còn có hai vợ chồng già và hai cô con gái: Thuần và Ái với người u già cũ kỹ trung thành. Mỗi lần Ái đọc thư của bà Phán Hàng Đào trên Hà Nội gửi về, là cả nhà cùng hiểu rằng Xương cũng không được vui vẻ lắm ở trên Hà Nội. Xương ăn được, nhưng da mặt nàng vẫn xanh như trước. Nàng không muốn kết bạn bè với những thiếu nữ trong họ thường lui tới nhà bà Phán Hàng Đào. Chỉ thỉnh thoảng Xương mới đi chơi phố, dạo Hồ Tây, đi chơi quanh hồ Hoàn Kiếm với đứa con gái lớn nhất của bà Phán. Xương thường thức rất khuya để viết lách gì lâu lắm, hàng giờ trong buồng ngủ.Cái mộng của Xương là, nếu nàng được ở ngay Hà Nội, tất nàng sẽ có dịp đi lại những nhà báo vẫn thường nhận đăng những bài tiểu thuyết của mình. Sự đó đã làm nàng vui lòng hơn hết. Người ta đã nhận giả tiền nàng hàng tháng. Xương há vọng sẽ giúp đỡ được bà Thông bởi vì ông Thông bây giờ về hưu trí, trong nhà lại có bề quẫn túng hơn trước. Vả trong khi làm việc, nàng có thể nguôi quên hết được mọi điều. Ban ngày thì Xương đi học đánh máy chữ để hòng sau này sẽ có một nghề thông thạo trong tay. Ban đêm nàng viết truyện. Tay nàng nhiều hôm cũng cứng mỏi như lòng nàng vậy. Còn tiểu thuyết của Xương thì vẫn là những chuyện hoang đường, bi đát, thê thảm, rùng rợn... như ngày trước. Những độc giả của tờ báo mà Xương gửi đăng cũng ngây thơ như tấm lòng nàng. Họ không cần gì hơn nữa! Mặc kệ! Miễn là Xương có tiền thỉnh thoảng mua thuốc cho em Thuần, hay gửi cho bà Thông là được. Và thấm thoắt, Xương đã ở Hà Nội được một năm trời, xa cái tổ thân yêu của mình, cái tổ mà trước kia Xương tưởng là không bao giờ nàng có thể rời ra được. Việc đời đã dần dần khiến cô thiếu nữ xưa kia nhận thấy rõ ràng cái ý nghĩa của sự sống, nó chẳng giản dị như tấm lòng người chưa từng trải. Nhưng có một điều Xương lấy làm đau đớn nhất, là tuy ở cùng một thành phố với Hòa, mà Xương lại càng thấy xa Hòa như bởi muôn ngàn sông núi. Hòa trọ ở đâu? Sự học của chàng đã đến bực nào? Chàng thường hay đi tới những chỗ nào? Cái tâm sự của Xương, bà Phán Hàng Đào rõ làm sao được? Những đứa bé con bà hiểu làm sao được? Hòa có thường đi qua nhà nàng ở? Hòa có thường nhắc đến nàng không? Trong những bức thư của Ái gửi lên, không có dòng nào đả động đến Hòa. Nhiều lúc Xương tưởng là đời nàng, không còn lần nào lại gần Hòa nữa. Hai người thế là chia rẽ suốt đời.Những lúc đó, phần thì mệt mỏi vì nghĩ ngợi, vì thức khuya, vì chán nán, Xương thường chép vào cuốn nhật ký của mình tất cả những thầm kín của quả tim. Nàng nghĩ đến sự gì là viết ngay vào đấy. Vẫn là những cái mà ta đã biết... Vẫn khung cảnh ở tỉnh nhà... với cái cửa sổ bên nhà cụ án, với mảnh vườn rậm lá, với cái nhà cũ kỹ, cái gác xép, những hôm mưa, những bóng dáng của cha mẹ, chị em, những lá vàng rụng trên hiên, những con mèo của Thuần, những câu hát của u Ái xưa kia thường ru cho Ái ngủ, ánh đèn buổi tối trong nhà... Và Hòa, Hòa, Hòa, người bạn cũ với thân hình mỏng mảnh, lúc chưa quen, với cảnh xé lòng bên gốc ổi...Đã một năm rồi, Xương không có tin tức gì của người bạn cũ. Liệu Hòa đã nguôi giận hay chưa? Liệu Hòa đã quên chuyện cũ, và trong lòng chàng liệu có còn một chỗ nào kín đáo nhất cho hình ảnh của Xương? Những giờ hiu quạnh nhất của mình, Xương vẫn tự hỏi thầm như vậy. Bởi vì đến bây giờ Xương mới hiểu cái mầu nhiệm của tình yêu. Phải có sự giận dỗi của Hòa, phải có sự xa cách, Xương mới nhận ra rằng Hòa cần thiết cho đời nàng đến bực nào. Xưa kia lòng Xương non dại quá, ái tình chạm đến một cách thình lình làm cho nàng sợ, như con chim bỡ ngỡ bị bàn tay quá bạo làm cho kinh khủng. Bây giờ, đến bây giờ, Xương mới rõ thế nào là ngờ vực, là há vọng, là đợi chờ...Nàng đợi, và ngày tháng cứ qua đi, tẻ ngắt như một đời vô ích. Thế rồi một hôm kia, có một sự thay đổi bất ngờ đến làm rộn rịp nơi Xương ở. Một người đàn ông nghèo, một người cháu bà Phán Hàng Đào đến ở chung với cô, bỗng trở nên một người bạn mới của Xương. Nhà còn một cái gác trong vẫn để hàng, vả hai đứa con trai của bà Phán cũng cần phải học thêm giờ, nên bà Phán đã bằng lòng để cho chàng đến ở để dạy con mình luôn thể. Người đàn ông đó là Tâm. Tâm vừa đi dạy học tư vừa làm báo. Ở Hà Nội chàng cũng cô độc hơn là Xương nữa. Chàng mặc áo quần cũ kỹ nhưng sạch sẽ. Nét mặt chàng sớm in dấu vết của một đời vất vả lúc trẻ thơ, nên thiếu vẻ trẻ trung. Nhưng nhờ hàm răng trắng, nên nụ cười hóa ra tươi tỉnh, và dễ gây thiện cảm với mọi người.Lần đầu thấy Tâm, Xương đã hiểu ngay rằng đó là một kẻ vụng về, vì ít giao du bè bạn, vì nghèo túng, nhưng trong ngực chàng thì giấu một trái tim vàng. Xương thấy rằng Tâm cũng như mình, chứa đựng trong lòng một nỗi đơn độc nặng nề giữa chốn kinh kỳ rộn rã. Hai tâm trạng cùng như một nên dễ khiến hai người thành thực thân nhau. Buổi tối, khi không có việc gì làm, Xương thường đính hộ Tâm một cái cúc áo, hoặc khâu lại cho chàng vài đường chỉ tuột ở quần áo của chàng. Và Xương cũng không sợ thiệt. Bởi vì Tâm là người học rộng. Chàng lại kể cho Xương nghe những chuyện về công việc của chàng. Tâm đọc rất nhiều sách lạ. Chàng nói đến văn chương ngoại quốc. Chàng như là một ông thầy học của Xương. Thiếu nữ chỉ nhờ chàng mà hiểu biết thêm nhiều điều cần thiết cho nàng. Xương thấy rằng Tâm hình như cái gì cũng biết, cũng đã từng trải qua rồi, nên lại đem lòng kính phục. Nhờ vậy mà đời nàng cũng đỡ bề tịch mịch. Nàng kể cho Tâm biết qua gia đình mình, cái gia đình thân mến lúc nào nàng cũng đem theo ở lòng mình. Tính nết ông Thông, vẻ hiền từ của bà mẹ, sức khỏe của em Thuần...Xương kể hết, như kể với một kẻ thân tình mà người ta không còn có điều gì ngờ vực nữa. Nàng kể cả với Tâm rằng mình vẫn viết tiểu thuyết cho một hai tờ báo. Và người ta trả cho nàng không được bao nhiêu, nhưng nàng viết có phải đâu vì nàng. Xương viết vì em Thuần, vì bà Thông cần tiền, lúc nào cũng cần tiền, tuy hai người đó không bao giờ bắt nàng phải kiếm. Xương kể cả cho Tâm biết rằng Thịnh cũng vừa báo tin với nhà rằng nàng đã đẻ con trai. Và em Thuần cũng báo tin rằng giàn hoa Nhật Bản của nàng đã nở một bận nhiều hoa nhưng mà vắng bóng Thịnh, Xương, Hòa ở đấy. Xương nói đến Hòa với Tâm như nói đến một người bạn chung của hai người. Làm như Tâm cũng dự vào cái quãng đời trước kia ở bên bờ ao sen nhà cụ án. Vì vậy, nhiều lúc Tâm rất lấy làm sửng sốt nhưng chàng cũng đoán thầm rằng có lẽ đó là một người thân yêu nhất của chị em Xương. Tâm nhận thấy rằng Xương nhắc đến Hòa nhiều quá. Mà mỗi lần nhắc đến cái tên Hòa thì mặt nàng sáng lên một vẻ khác thường.X