Chương Bốn Mươi

Buổi chiều ngày thứ ba hôm ấy không như những buổi chiều thứ ba trước đó. Nó không phải là buổi chiều thứ ba mà bà mẹ thường trở về với khuôn mặt buồn rầu, cau có hay vui vẻ xách vào nhà chiếc giỏ đầy ắp thức ăn. Đó là một buổi chiều mà nắng nhạt mờ sớm hơn những buổi chiều khác vì không muốn làm rõ đôi mắt sâu trũng, khuôn mặt hốc hác và mái tóc rối bời của bà mẹ. Vẫn như những ngày thứ ba trước, hai đứa nhỏ bồn chồn lo lắng khi nhận ra nét mặt âu sầu và mỏi mệt của mẹ. Con chị ra hiệu cho em dọn cơm chiều sau khi hai đứa chào mẹ về nhà.
Xuống bếp hâm cá, bưng nồi lên nhà, dọn mâm sẵn sàng trên “chỗ ăn cơm” đã lâu mà chẳng thấy mẹ có phản ứng gì, con chị đành lên tiếng.
- Má rửa tay rồi ăn cơm với tụi con đi má! Hôm nay có hai bác Tư về trong nhà nội. Mình ăn cho sớm rồi vào “trong đó” chào hai bác!
Khuôn mặt bà mẹ đang tối sầm chợt sáng rực lên:
- Hai bác Tư về rồi hả con?
Con chị gật đầu:
- Dạ, có lẽ hai bác đang ăn cơm với bà nội, các cô  hay hai bác Cả gì đó. Lúc nãy con nghe chị Hải Yến nói với con là chỉ với chị Hải Châu làm cơm chiều để hai bác Cả đãi  hai bác Tư.
- Vậy thì các con cứ lo ăn cơm đi đừng chờ má. Má rửa tay một chút lên ăn sau.
Bà mẹ vừa bưóc ra sân, tiếng chó sủa dồn dập từ phía trước cổng nhà bác Cả vang lên khuôn viên nhà họ Hoàng. Hai người đàn bà bất kể những cái vồ dập dữ tợn của mấy con chó Vàng, Lu Lu và Mi Nô, tiếp tục xăm xăm đi về phía căn nhà nơi mà bà mẹ đang đứng lặng người trước sân. Nhận ra hai người quen, sắc mặt của bà mẹ tái nhợt hẳn đi:
- Ủa chị Liên, chị Bốn đó hở? Sao mấy chị biết nhà em  hay vậy?
- Không biết cũng phải tìm ra cho biết! Chị nợ tụi tui, hứa lần hứa lựa rồi trốn biệt. Không tìm chị để mất tiền hết hả?
Một bà khác có vóc người nhỏ hơn bà kia nhưng nói to chẳng khác gì bà ấy:
- Chị hẹn với tụi tui chiều nay mấy giờ trả nợ vậy? Chị có nhớ là chị nói mấy giờ không? Tui chờ chị từ ba giờ rưỡi chiều miết đến giờ này chẳng thấy mặt mũi chị đâu! Chị làm ăn kiểu gì mất uy tín  vậy hả?
Bà mẹ cuống quít:
- Hai chị vào trong nhà tui đã. Từ từ hãy nói. Có gì mà la om sòm ngoài đây vậy?
Hai người đàn bà hậm hực vừa bước vào nhà vừa cằn nhằn:
- Tụi tui không muốn đến đây để nói lớn tiếng với chị! Tụi tui muốn chị trả ngay cho tụi tui số tiền mà chị thiếu tụi tui thôi!
- Lấy hàng mà không trả tiền hàng làm sao mà tiếp tục  buôn bán với nhau được? Bạn hàng bao nhiêu năm uy tín nên tui mới tin chị giao hàng trước lấy tiền sau. Nay chị làm ăn kiểu này ai giao hàng cho chị nữa?
Đi ngang mâm cơm hai đứa nhỏ ngồi ăn trên nền nhà, hai người đàn bà không thèm hỏi một lời, họ tiếp tục vây quanh bà mẹ bằng những câu hỏi khó nghe. Một bà hỏi lớn tiếng:
- Sao? Chị tính sao? Có trả tiền cho tụi tui ngay không? Hay để tụi tui la làng?
Bà thứ hai đanh giọng nói như thép:
- Bất cứ cách nào chị cũng phải trả tiền cho tụi tui hôm nay chứ tụi tui không đi về đâu. Tụi tui ngồi vạ ở đây cho chị biết!
Bà mẹ rơm rớm nước mắt:
- Hai chị thông cảm dùm cho tui vài ngày nữa. Để thứ ba tới tui sẽ trả cho hai chị. Chiều thứ ba tuần tới khoảng ba giờ rưỡi chiều, tui có tiền là tui trả cho hai chị ngay.
Bà có vóc người to cao, đứng sát gần bà mẹ nạt lấy nạt để:
- Thứ ba! Thứ ba! Lần nào cũng nói là thứ ba!  Chị có nhớ là chị hẹn mấy lần thứ ba rồi không? Tụi tui giao cho chị hàng chị bán xong xài hết tiền cho đã rồi bắt tui  chờ tiền như vậy chị xem có được không vậy?
Bà nhỏ con hơn  tiếp lời:
- Không nói nhiều nữa! Tiền nợ bao nhiêu trả hết cho tụi tui! Chờ chị hẹn nữa để cho mấy bà vựa trái cây Sài Gòn “nạo” tụi tui ra hở!
 Bà mẹ vừa gạt nước mắt, vừa móc túi áo chìa ra một nắm tiền nho nhỏ:
- Chiều hôm nay tui mới mượn được mấy trăm để đóng tiền học cho con tui. Ngày mai là hạn chót cháu phải đóng tiền trường rồi. Hai chị thương dùm tui chờ thêm bảy ngày nữa tui trả hết cho chị.
 Bà có thân hình to lớn giựt ngay nắm tiền mà bà mẹ vừa đưa ra. Bà ta vừa đếm vừa nói:
- Bảy trăm. Tụi tui lấy hết chừng này đã! Rồi ngày mai tui tới hàng chị lấy tiếp. Nếu ngày mai mà chị không chịu trả hết tiền cho tụi tui, tui xiết hết tất cả hàng cho chị dọn sạp hàng luôn khỏi buôn bán gì nữa!
Bà mẹ nghẹn ngào:
- Ngày mai chị muốn xiết hàng tui gì thì xiết, còn số tiền này tui mới mượn để trả tiền học cho con tui. Ngày mai là ngày hạn chót đóng tiền học rồi hai chị thương tình cho tui với! Làm ơn dùm cho tui một lần này nữa thôi. Chiều nay tui cực khổ lắm mới xoay sở được số tiền này! Làm ơn  thương hoàn cảnh mẹ con tui chút đi chị Liên. Làm ơn đi! Chị Bốn ơi! Làm ơn nói với chị Liên đi!
Người đàn bà nhỏ con hơn người đàn bà đứng sát bà mẹ nhưng khí sắc hung dữ và lạnh lùng chẳng khác gì bà kia. Bà ta quay ra cửa ra vào, ngúng nguẩy nói:
- Thương chị rồi ai thương tụi tui! Mình đi về rồi ngày mai ra hàng chỉ tính sau đi chị Liên!
Người đàn bà to lớn cũng vung vảy theo sau người đàn bà nhỏ con. Họ bỏ bà mẹ đàng sau lưng với những tiếng “làm ơn” trong tiếng khóc than tuyệt vọng. Con em buông đũa chạy vào góc tủ khóc nức nở:
- Ngày mai con không có tiền đóng tiền học nữa rồi! Ngày mai con phải lên văn phòng nữa rồí!
 Con chị ngập ngừng đặt chén cơm xuống dất, những hạt cơm trong miệng chưa được nhai bỗng đắng chát như những hạt bồ hòn. Im lặng nghe mẹ khóc, em khóc mà con chị chẳng hề rơi một giọt nước mắt nào. Tâm trí của nó đi vắng đâu đâu. Nó không ý thức được nó đang nghĩ gì và suy tính được gì. Bỗng chốc, những mơ ước trong ảo tưởng lại hiện về. Nó mơ màng  hang châu báu mà nó tìm thấy bất ngờ như Alibaba tìm được hang báu trong rừng. Nó mơ thấy Alađin yêu cầu thần đèn cho nó một số tiền lớn. Nó mơ thấy ba nó tàng hình lấy cắp tiền ở nhà băng và đặt một xấp giấy bạc lớn trên chính giữa bàn thờ của ông. Một lúc sau, nó lắc đầu chối từ. Nó biết những mơ ước kia chỉ là ảo tưởng hảo huyền mà nó quen tật mơ mộng khi nó còn học ở những lớp tiểu học. Nhìn về phía ngôi nhà lớn, nó mơ màng đến chuyện mẹ nó nhận được một số tiền giúp đỡ nào đó của những người từ tâm, và nhân hậu  trong gia đình nội. Nó mơ màng cảnh bà nội, ông bác Cả, bà bác Cả, cô Sáu cô Út mỗi người góp tiền cho mẹ nó trả nợ và trả tiền học cho con em. Nghĩ đến cố tật mà bà mẹ im lặng chịu đựng khi gặp khó khăn và sắc mặt lạnh lùng của những người trong ngôi nhà lớn, nó lại lắc đầu từ chối những chuyện vừa suy tưởng. Bỗng dưng nó nghĩ đến món tiền bất ngờ có được do trúng số đề. Ngày hôm nay số đầu ra số mười một và số đuôi ra số chín mươi mốt. Sê ri số của con chó là mười một, năm mốt và chín mốt. Sáng nay nó gặp hai con chó Mi Nô và Vàng của cô Út trước cổng khi nó đi học. Con chó nhỏ có số mười một. Con chó Mi Nô là chó con nên nó có số mười một, còn con Vàng là con chó Nhật nhỏ con vừa là chó già nhất như vậy nó vừa có số mười một và vừa có số chín mươi mốt. Con chị đập tay vào đầu. Nó tiếc rẻ là nó đã không lấy số tiền để dành do bà mẹ thỉnh thoảng cho mua thức ăn sáng để đánh số đề. Nó tự trách là phải chi nó liều đánh sê ri số con chó thì nó đã trúng cả số đầu lẫn số đuôi. Và nếu được tiền trúng số đề thì có thể  nó giúp mẹ nó phần nào, có khi đóng tiền học phí cho con em không chừng. Tiếc rẻ một lúc, nó giật mình nhớ ra là mình đã giải quyết mơ ước có tiền bằng cách cờ bạc rồi bàng hoàng hiểu ra vì sao mẹ nó luôn miệng chê trách những người chơi cờ bạc mà lại đa mang vào chuyện chơi số đề.
Trong lúc bà mẹ và con chị trầm tư mặc tưởng với ý nghĩ riêng và lắng nghe tiếng khóc thút thít của con em, vợ chồng ông bà bác Tư bước vào nhà. Ngỡ ngàng trước sự xuất hiện của hai người sang trọng trong căn nhà tồi tàn, bà mẹ và con  chị há hốc miệng đến độ cả hai đều quên chào ông bà.
Bà bácTư chặc lưỡi:
- Chà!  Tối như vầy sao thấy đường ăn cơm?
Bà mẹ bối rối đi tới “phòng thờ” châm ngọn đèn dầu.
- Dạ em mời anh chị vào nhà chơi ạ!
Ông bác Tư bước ngang mâm cơm, hỏi con chị:
- Ủa răng mờ con ăn cơm có một mình rứa?  Vy mô rồi?
Con chị đứng lên, trả lời:
- Dạ Vy ăn cơm xong rồi ạ. Thưa hai bác đến nhà con chơi.
Nói xong, nó gọi to hướng về phía tủ:
- Vy! Ra chào hai bác Tư kìa!
Con em nghe lời chị, lau nước mắt đến bàn học trước phòng thờ, khoanh tay cúi đầu chào hai người:
- Dạ thưa hai bác Tư mới đến nhà con.
Ngồi cạnh bà bác Tư bên bàn học, ông bác Tư  nhìn quanh trên trần nhà:
- Ủa có bóng đèn điện trên tê răng không bật công tắc lên cho sáng mờ phải thắp đèn dầu? Trong nhà anh chị Cả có cúp điện mô nờ?
Bà mẹ cúi đầu:
- Dạ nhà em không có điện lâu rồi anh à. Chị Cả không cho nhà em điện. Chị nói mấy sợi dây điện câu từ “trong đó” ra đây vướng mấy tàu dừa nên không thể mở điện cho nhà em dùng được.
Ông bác Tư  nhíu mày:
- Rứa thì  thuê người chặt mấy tàu dừa nớ phứt đi rồi mở điện, có chi mờ khó mô nờ! Tối như ri mần răng hai đứa ni học được?
Con em đang đứng lặng yên cạnh ông, bỗng òa lên khóc nức nở:
- Con không được đi học được nữa! Con không còn đi học được nữa rồi! Má con không có tiền cho con đi học nữa!
Mọi người sửng sốt trước tiếng khóc to bất ngờ và cử chỉ tội nghiệp của nó. Ông bác Tư đang định nói thêm về chuyện tối tăm của căn nhà chợt khựng lại chăm chăm nhìn nó:
- Mần răng mờ con không đi học được?
Con em đưa hai tay ôm mặt thổn thức nói:
- Hu hu... Má con... hu hu... má con... má con không còn tiền để cho con đi học nữa! Hu... hu... hu hu hu!
Bà mẹ đang đứng sau lưng bà bác Tư, bối rối nhận bắt ánh mắt đầy thắc mắc của hai ông bà bác Tư, lúng túng giải thích:
- Dạ... tại vì mấy hôm nay em buôn bán ế ẩm quá thành ra không có tiền đóng tiền học cho cháu. Ngày mai là ngày chót nộp tiền học cho cháu mà em không có đồng nào.
Ông bác Tư hỏi:
- Rứa anh Cả làm ở trường Lê Quý Đôn mà không xin miễn học phí cho con Vy được à?
Bà mẹ trả lời một cách nhã nhặn:
- Dạ, ảnh xin được giảm năm mươi phần trăm tiền học cho cháu mà thôi. Em phải trả năm mươi phần trăm số học phí.
Bà bác Tư kéo con em lại gần vuốt tóc nó:
- Đừng lo! Để bác cho mẹ tiền trả tiền học cho con. Sau này nếu mẹ con không đủ sức cho con học thì vào nhà hai bác ở. Hai bác sẽ nuôi cho con học thành tài.
 Con em đang thút thít chợt nín bặt. Nó đứng yên trong vòng tay của bà bác Tư. Con chị quay sang nhìn nó với ánh mắt trách móc và bất mãn. Một lát sau, khi thấy bà bác Tư trao cho bà mẹ vài tờ giấy bạc, nó cảm thấy chua xót. Nó nhớ lời căn dặn thường xuyên của mẹ “Nghèo thì lo thủ phận không xin xỏ của bố thí, không dòm ngó chầu chực của bố thí, bởi vì nếu làm như vậy sẽ gây cho người giàu cái ấn tượng là hễ khi gặp mặt người nghèo, họ phải cho tiền cho của” rồi đắng cay tự hỏi không biết đến lúc nào mẹ nó mới có thể  vững vàng và độc lập trong việc thu nhập tài chính hàng ngày để  không phải ngửa tay nhận tiền của người khác. Nhớ lại cảnh đối chấp giữa mẹ nó và những người đàn bà đòi nợ, nó thấy lòng đau như cắt. Thêm vào đó, những lời hứa hẹn của bà bác Tư dành cho con em vô tình đánh rơi nó chơi vơi đến tận đáy đau buồn. Hoang mang với những chuyện dồn dập xảy đến, nó linh cảm cái bình lặng mà gia đình nhỏ của nó trong những năm trước sắp mất cả đi. Giấu khuôn mặt vào trong bóng tối, nước mắt của nó từ từ ứa ra, ứa ra không ngừng.