Trời mưa. Mưa tầm tã và kéo dài từ lúc hai con nhỏ sửa soạn đi học cho đến lúc cả hai cùng về mà chẳng ngớt. Càng về chiều, nước mưa càng rơi nặng hột. Những hạt nước giăng đầy khắp không gian làm tối hẳn khu vườn nhà họ Hoàng. Nước mưa càng thì nhau rơi xuống, hoa lá và cây trái trong vườn càng bị ướt đẫm và sa xuống thấp hơn che khuất hẳn những lối đi. Bên bờ giếng, không gian quang đãng và sáng sủa hơn những nơi khác. Vài tia nắng chiều làm rõ hơn những giọt nước đang rơi nhanh. Những hạt nước long lanh như những hạt pha lê va trên bờ giếng, trên nắp lu bị vỡ tan tành. Chúng ào ạt theo những giòng tuôn của nước thi nhau đổ xuống các rãnh nước quanh giếng. Nước mương tràn đầy không ngừng trào ra vũng thấp đọng nước trước sân của căn nhà nhỏ nơi mà mực nước lấp ló đến tận bậc trên cùng của tam cấp và đang sắp sửa tiến sâu vào trong nền nhà. Hai chị em con nhỏ ngồi cạnh bàn học nhìn mưa rơi. Mặc cho những giọt nước mưa va vào cành cửa sổ khép hờ văng ướt khắp mặt bàn, hai đứa không buồn nghĩ đến chuyện khép hai cánh cửa lại. Chúng không muốn đóng cửa vì căn nhà nhỏ của chúng đã bị tối hẳn và vì chúng muốn nhìn cảnh vật bên ngoài. Tiếng mưa lào xào rơi trên cây lá ngoài khung cửa, nước mưa lộp độp rớt trên mái ngói kèm theo những tiếng tong tỏng của những giọt nước mưa va vào những cái thau thiếc khắp nơi trong nhà tạo nên những âm thanh đều đặn và buồn bã. Ngày mưa nào cũng thế, nó thường nhắc cho hai đứa nhỏ thấy cảnh nghèo của gia đình chúng rõ ràng hơn và đậm nét hơn. Mái ngói loang lỗ với những lỗ trống quen thuc từ năm này đến năm khác đã cho hai chị em con nhỏ nhớ rõ vị trí những chỗ dột trên mái ngói để đặt những cái thau vào đúng chỗ hứng những hạt nước mưa đen xì. Thói quen của chúng là sau khi xếp đặt hết tất cả những cái thau, chúng lấy giấy xếp thuyền, ngồi chồm hổm trước nhà thả và ngắm những chiếc thuyền giấy bị nước mưa nhận chìm trong vũng nước đọng trước cửa nhà. Những lúc ấy, chúng thường đóng cửa sổ nơi bàn học và mở cửa ra vào, vui chơi với thói quen cố hữu. Hôm nay, hai đứa nhỏ không chơi thả thuyền, không mở cửa ra vào nhưng mở cửa sổ trước bàn học. Mặc dù từ khung cửa sổ, chúng có thể thấy nước mưa ngập tràn đến tận bậc tam cấp trước nhà hai đứa vẫn ngồi yên lặng ngó mông lung. Một lúc, con em phụng phịu nói:- Em không muốn đi nữa đâu chị Hạ!Con chị quay sang nhìn nó, chau mày hỏi:- Em không muốn đi đâu? Không muốn đi Sài Gòn hở?- Phải, em không muốn đi nữa!Con chị thảng thốt:- Vì sao vậy? Rồi sao mà má nói với chú Mỹ?- Hôm nay đi học, từ giã bạn em, thấy tụi nó khóc, em không muốn đi. Em không muốn xa bạn em, xa lớp em.Con chị im lặng không nói. Con em nói tiếp:- Với lại em không muốn xa chị và xa má nữa!- Vậy tại sao em không nói là em không muốn vô Sài Gòn ngay lúc bác gái Tư hỏi em? Tại sao em im lặng? Tại sao em không nói với má là em không muốn đi khi má hỏi xin chú Bảy Mỹ cho em đi quá giang xe hơi chú vào Sài Gòn?Con em ngập ngừng:- Tại vì lúc đó em muốn đi! Lúc đó em không muốn ở nhà. Ở nhà, ngày thứ ba nào em cũng bị má đánh nên em sợ.- Vậy sao bây giờ em không sợ nữa?- Vì chị ở lại với má. Chị không sợ má đánh thì em cũng không sợ nữa.- Chị ở lại với má được vì má không phải đóng tiền học cho chị, Vy à! Em ở lại với má, má không có tiền cho em đi học tư, em không thể nào học hết các lớp trung học để được thi Tú Tài đâu.Con em rơm rớm- Như vậy ngày mai em phải đi Sài Gòn hả chị?Con chị điềm đạm nói:- Ừ, em phải đi! Má đã nói chú Bảy Mỹ cho em đi ké xe vào Sài Gòn rồi, bây giờ em không muốn đi nữa má nói với chú làm sao?Con em nghẹn ngào:- Như vậy là em phải đi sao?Con chị gật đầu:- Ừ em đi Sài Gòn để em được nhìn thấy con voi ở sở thú nữa!- Có thật là Sài Gòn có con voi ở sở thú không chị?- Ừ, thật như vậy đó em!-... nhưng mà chị chưa đi Sài Gòn sao chị biết?- Chị nghe bạn chị nói ở Sài Gòn có con voi to lắm. Con voi đó ở sở thú đó Vy! Sở thú là chỗ dành cho thú vật ở. Em vào Sài Gòn, thế nào cũng được đi sở thú và được coi voi. Được coi voi thật là em ngon hơn chị lắm rồi đó! - Nhưng mà... em vẫn không muốn đi nữa?- Vì sao?- Em sợ ở chỗ lạ một mình!- Bác Tư là bác mình mà? Em ở một hồi sẽ thành quen thôi. Đâu có lạ đâu!- Lạ chứ! Chị Ly Ly đâu có thích nói chuyện với tụi mình? Lúc chỉ về đây, chỉ đâu có thèm ra nhà mình? Chị cũng không thèm chơi với tụi mình nữa! Em ở trong đó không có ai chơi với em, em thấy lạ hoài chứ không quen được đâu!- Thì còn anh Duy. Bác Tư có hai người con lận mà!- Anh Duy đó mình chưa bao giờ gặp mặt. Mà ảnh lớn như chị Ly Ly chắc cũng không thích chơi với em đâu.Con chị thở dài- Chị ở đây cũng không có Vy để chơi chung nữa. Chị đâu còn có ai chơi với chị nữa đâu! Bạn chị đâu có dám tới nhà mình chơi đâu mà chị có bạn.- Vậy mà sao chị muốn em đi?- Chị sợ má đánh lắm! Mỗi lần má thua số đề, má hỏi chuyện gì hai đứa hay đổ thừa cho nhau, một lúc cãi nhau, thế nào hai sau đó hai đứa đều bị đòn. - Em hứa là em không cãi với chị nữa đâu. Em sẽ cố gắng không để má đánh mình nữa.- Lúc má thua số, dù mình không cãi nhau cũng bị đánh Vy à. Nhưng mà bây giờ má không có tiền cho Vy trả tiền học làm sao Vy được đi học đây? Vy vô Sài Gòn là để hai bác Tư lo cho Vy tiếp tục đi học chớ!Im lặng một lúc, con em khóc nức nở:- Như vậy là em phải đi hả?Con chị gật đầu:- Ừ! Vy vào Sài Gòn còn đỡ hơn chị là không còn bị má đánh nữa!- Còn chị thì sao?- Không có em ở nhà chắc lúc đó má không còn đánh chị nữa đâu. Chị nghĩ là sau khi em đi má không đánh chị nữa. Đừng lo!- Vì sao chị biết?- Chị nghĩ vậy thôi!- Chị nghĩ gì?- Chị nghĩ là lúc đó má nhớ Vy mà không đánh chị nữa. Má cũng sẽ không đánh số đề nữa vì đánh số đề để làm chi khi má đâu cần kiếm tiền cho Vy đi học nữa.- Nhưng má còn phải lo tiền mua sách vở và thức ăn cho chị nữa chớ!Con chị gật đầu:- Má sẽ lo cho chị!- Má chỉ nuôi được một mình chị thôi! Không nuôi được thêm em đâu phải không chị Hạ?- Ừ, nhưng khi Vy Vào Sài Gòn, ở nhà bác Tư giàu có Vy sẽ sướng hơn chị cho nên Vy đừng buồn nữa. - Nhưng em đi rồi thì chị chơi với ai?- Chị không chơi với ai nữa hết! Chị sẽ đan móc một mình cho đỡ buồn rồi gửi đồ chị đan cho cô Sáu bán lấy tiền mua thêm sách vở. Nếu sau này má không đủ sức nuôi chị, chị cũng cố gắng dành dụm tiền để học cho đến khi thi tú tài. Con em đang u buồn với những lo lắng chợt hớn hở hẳn ra khi nghe đến hai chữ “tú tài”: - Em cũng học hết các lớp trung học để thi tú tài như chị!Con chị gật đầu:- Ừ, thi tú tài xong mình mới được học thêm cái gì đó nữa để kiếm việc làm đó Vy.- Học xong rồi là mình được đi làm và được kiếm tiền nhiều hơn má phải không chị Hạ?- Ừ! Đúng đó Vy!- Kiếm tiền nhiều như bác Cả, bác Tư, cô Sáu, cô Mỹ thì không cần đánh cờ bạc số đề phải không chị Hạ?- Chắc chắn là như vậy rồi!- Rồi khi có tiền nhiều mình sẽ “dùn” tiền với nhau xây nhà đẹp cho má ở với tụi mình hả chị!- Đúng như vậy. Mình đã móc nghéo tay nói làm chuyện đó lâu rồi mà!- Có nhà đẹp mình nhớ trồng hoa như bữa trước mình móc nghéo với nhau đó nghen chị!- Chắc rồi! Chị không quên đâu!Từ cổng trước, tiếng chó sủa văng vẳng hòa với tiếng mưa rơi. - Mình có nuôi chó không chị?- con em hỏi.- Không đâu! Nuôi chó, nó cắn người ta, không có khách nào muốn tới chơi nhà mình đâu!Con em xụ mặt:- Nhưng mà em thích nhà mình có một con chó Nhật như con Vàng hay con Mi nô của cô Út! Có chó Nhật nhà mình mới sang lận đó chị!Con chị chưa kịp nói cho con em biết lý do nó không thích nuôi chó kể cả con chó loại Nhật nhỏ tí xíu mà con em mơ ước thì bà mẹ mở cửa lách mình vào nhà. Ướt đẫm người trong bộ áo bà ba xám, quần đen dính chặt vào da, bà run run hỏi:- Các con đã hứng hết những chỗ dột trong nhà chưa vậy con?Con chị chạy ra đón mẹ:- Dạ, tụi con làm rồi má à! Má lo thay áo quần đi chứ không bị ướt lạnh bệnh chết!Bà mẹ tần ngần nhìn con em đang dính cứng bên bàn học với vẻ ái ngại:- Vy có sao không con? Có phải con buồn là má để con đi Sài Gòn ở với hai bác Tư phải không?Con em vẫn ngồi yên trên ghế, nước mắt chảy dài, không nói một lời.Bà mẹ ngồi bệt trên nền nhà ẩm nước, nghẹn ngào:- Thương má mà hiểu cho má! Má không muốn bỏ con đi đâu. Má đau lòng lắm nhưng má hết cách rồi. Hãy hiểu cho tình cảnh của má mà bằng lòng vào ở với gia đình bác Tư để được ăn học nên người.Con chị chạy đến bên em, lay tay nó:- Vy nói với má là Vy không buồn má đi! Nói đi cho má đi thay quần áo chớ má ướt hết rồi kìa!Nước mắt của con em từ từ rơi ra nhiều hơn trên đôi má nhưng nó vẫn không nói một lời nào. Quánh chặt trên chiếc ghế, đăm đăm vào một điểm mơ hồ ngoài vườn cây, nó cứ như người mất hết tri giác.Hoang mang giữa cảnh em khóc, mẹ ướt đẫm trong nước mưa lẫn nước mắt, con chị buồn bã đứng yên nhìn ra song cửa sổ. Chiều đã đến và trời sập tối tự bao giờ nhưng mưa vẫn chưa dứt. Những hạt mưa thi nhau rơi xuống như những giọt nước mắt của trời trước cảnh chia ly của hai mẹ con nó với con em. Màn đục của mưa che mờ tất cả cây cối ngoài vườn và bóng tối của màn đêm buông xuống mỗi lúc một dày. Xa xa ánh điện của ngôi nhà bác Cả lập lòe. Giờ này chắc hẳn những người trong ngôi nhà lớn đang vui vẻ trò chuyện trong căn phòng khách ấm áp.Thình lình, con em vụt ra khỏi bàn tay của nó chạy đến ôm bà mẹ: - Má ơi! Con không buồn má nữa đâu! Con không giận má nữa đâu! Má đi thay đồ đi! Má đi thay đồ đi! Ngày mai con đi Sài Gòn cho! Con sẽ đi Sài Gòn cho!Bà mẹ nấc lên:- Tha thứ cho má! Tha thứ cho má nghe con! Má đã không làm nổi trách nhiệm của một người mẹ! Má không biết phải làm sao để nuôi con ăn học thành tài. Thương má thì đừng oán giận má nghe con!Con em gục đầu trong ngực mẹ, gật đầu không ngừng:- Con hứa là khi con vào Sài Gòn con sẽ học hành đàng hoàng mà! Con sẽ học cho đến khi thi đậu tú tài rồi sẽ về lại. Nhưng má hứa với con là má đừng đánh chị Hạ nữa nghe má! Khi con đi rồi má đừng đánh chỉ nữa nghe! Chị đã ốm rồi mà bị má đánh hoài tội chỉ lắm nghe má!Con chị bàng hoàng khi nghe những lời em nói. Trong vô thức nó ngồi xuống chiếc ghế mà em nó vừa bỏ đi. Chằm chằm nhìn cảnh bà mẹ và em nó đang ôm chầm lấy nhau, nó không tin được những điều vừa nghe. Nó nhớ những ngày thứ ba mà mẹ nó thua số đề, hai chị em chúng thường cãi vả với nhau, và đổ thừa cho nhau những việc mà bà mẹ phật ý để tránh bị đòn roi. Những lúc đó, con em luôn luôn nghĩ cách bảo vệ cái mông của nó bằng cái áo, cái quần hay cái gối mỏng. Và như thế, con chị nghĩ rằng vì sợ bị đòn roi mà con em chỉ tìm cách bảo vệ cho thân thể của nó chứ chẳng nghĩ đến ai. Xúc động với những lời con em vừa nói, cảm giác hối hận từ từ dâng lên trong lòng con chị. Hai ngày trước đó, con em còn ngần ngừ chưa quyết định nên đi Sài Gòn không, con chị đã đem chuyện con voi ra lòe em để khích lệ con này đi Sài Gòn. Chính vì quá sợ những ngọn roi của mẹ, con chị chỉ nghĩ đến bản thân nó mà tạo dựng ra chuyện con voi chứ không biết chắc chắn là Sài gòn có sở thú hay có con voi ở sở thú hay không. Bấy giờ những lời con em nói với bà mẹ như hàng vàn con kiến đang cắn rứt lương tâm của con chị.Mưa vẫn rơi, rơi mãi không ngừng. Tiếng mưa rơi trên mái ngói làm con chị có cảm giác buồn ngủ. Nó thèm một cơn ngủ vùi hơn là suy nghĩ vẫn vơ. Đứng lên, lần bước vào giường, nó thấy rõ bà mẹ và con em vẫn còn đang ôm chầm lấy nhau trong bóng tối lờ mờ quen thuộc. Đắp chăn nằm một mình trên giường, giấc ngủ không đến nhanh như con chị tưởng và nó khóc âm thầm trong bóng đêm. Mưa vẫn còn đang rơi và nước vỡ trên mái ngói vẫn còn kêu đồm độp.