Thảy cái váy jean ra giường, bà Điệp hất hàm bảo: - Của con đó! Thử xem vừa không? Minh Thi cầm cái váy lên, giọng ngập ngừng: - Sao lại mua cho con? Quần áo dì mang từ Mỹ về con đã mặc hết đâu! Bà Điệp phẩy tay: - Mặc từ từ sẽ hết. Hồi bằng tuổi con bây giờ, lúc nào dì cũng khao khát có nhiều quần áo đẹp, nhưng ông bà ngoại thì nghèo, nên dì chỉ được... thừa hưởng của mẹ con thôi. Dì đã hứa với lòng, sau này có con gái sẽ cho nó mặc thật đẹp, thật model. Chép miệng, bà Điệp nói tiếp: - Tiếc rằng dì chưa là được chuyện đó. Minh Thi chớp mắt: - Con cảm ơn dì! Bà Điệp mỉm cười: - Có thích không? Vuốt cái váy, Minh Thi thú nhận: - Con mơ có cái váy jean như vậy từ lâu lắm rồi. Nhưng đồ hiệu thì mắc lắm! Bà Điệp đắc ý: - Dì biết ngay mà! Dáng con sẽ rất hợp với nó. Có mắc cỡ nào dì cũng không tiếc. Cong môi lên. Minh Thi phụng phịu: - Thế nào anh Phong cũng ganh tỵ. Bà Điệp kêu lên: - Nó là con trai mà, sao lại ganh với em gái nhỉ? Minh Thi vội nói: - Tánh ảnh là vậy đó! Biết dì cho con và anh Quang một trăm đô ảnh rất khó chịu và theo tra hỏi mãi. - Rồi hai đứa có nói gì với nó khôtng? Minh Thi lắc đầu: - Dạ không! Nhưng con rất thắc mắc... Bà Điệp trầm giọng: - Con thắc mắc về người đàn ông đó à? Minh Thi im lặng như chờ bà Điệp giải đáp thắc mắc cho mình. Nhưng bà không nói về người đàn ông ấy mà nói về bản thân: - Hồi đó, dì là út nên được cưng chìu nhất nhà. Vì được cưng nên dì quen thói muốn gì được nấy. Nhà nghèo nên dì chỉ được nuông chìu của cha mẹ, anh chị. Dì rất thích chọc phá người khác. Cho tới bây giờ sở thích ấy vẫn còn nguyên. Minh Thi làm tỉnh: - Dì muốn nói việc nhờ con mang quà sinh nhật đến cho ông ta cũng là một hành động phá phách của dì? Bà Điệp thích thú: - Không sai! Ông ta phải thao thức cố đón cho ra xem chủ nhân món quà đó là ai. - Nhưng dì và ông ta có quan hệ gì? Lấy trong ví ra gói thuốc, bà Điệp đốt một điếu rồi nói: - Dì và ổng là oan gia từ kiếp trước. Lần về nước lần này dì sẽ chơi trò ú tim với ông ta. Giọng trầm xuống, bà gần như thì thầm: - Nhớ đừng cho mẹ con biết. Mẹ con luôn bất đồng với dì về mọi mặt. Nhất là cách sống, cách nghĩ và cách yêu nữa. Chăm chú nhìn Thi, bà cười cười: - Con đã có... bồ chưa? Mặt đỏ ửng lên, Thi nói: - Chưa! Xấu xí như con ai mà ưng. Bà Điệp trầm trồ: - Con mà xấu à? Không có đâu! Để dì tìm cho con một gã Việt kiều. Sau đó sang Mỹ với dì cho sung sướng tấm thân. Minh Thi lắc đầu ngầy ngậy: - Thôi dì ơi! Dễ gì ba mẹ con chịu. Bà Điệp nhấn mạnh: - Quan trọng là con kìa, chứ ba mẹ thì ăn nhằm gì. Rồi dì sẽ lo mọi thứ, nhưng con khoan nói với mẹ đã, dì ớn cái mồm của bà ấy lắm! Minh Thi ấp úng: - Con... con... ngại... Bà Điệp ngắt lời cô: - Không cần phải bận tâm. Dì hứa là sẽ lo mà. Thi chưa kịp nói thêm lời nào thì bà Loan bước vào. Nhìn cái váy jean, bà cau mày: - Lại quần áo! Mày định làm hư con bé bằng cách đua đòi ăn mặc à? Phả khói thuốc một cách điệu nghệ, bà Điệp nói: - Sao lúc nào chị cũng đặt nặng vấn đề thế? Sắm cho cháu vài bộ quần áo hợp thời trang không được sao? - Nhưng nó đâu có thiếu quần áo? Giọng bà Điệp dài ra: - Phải! Nhưng những món thừa ấy toàn là thứ lẽ ra phải cho vào viện bảo tàng từ lâu, vì đó là đồ củ của chị. Tôi không muốn Minh Thi phải mặc quần áo của chị giống như tôi hồi đó. Chị nghe chưa? Bà Loan lạnh lùng: - Mầy không có quyền muốn hay không ở đây. Con bé đã được dạy dỗ theo nề nếp của tôi, mầy đừng ỷ có tiền rồi đem cái lối sống xa lạ của mày về để làm rối tung mọi thứ trong ngôi nhà này lên. Bà Điệp gạt tàn thuốc xuống nền: - Tôi thấy nề nếp nhà nầy vẫn y nguyên, nếu nó bị rối tung lên là do chị chớ không phải do tôi. Bà Loan gằn giọng: - Mầy nói thế nghĩa là sao? Bà Điệp cười: - Điều này tôi đã nói với chị ngay ngày gặp lại, và nhất định tôi sẽ làm. Minh Thi lo lắng nhìn mẹ và dì Út kình nhau. Dù mẹ không nói ra, nhưng anh em cô thấy rõ bà không ưa cô em út của mình. Còn ba cô thì khó chịu ra mặt mỗi khi cô em vợ xuất hiện. Chính vì thế nên dì Út không ở lại nhà chị ruột mà ở khách sạn, dì Út chả muốn làm phiền ai, với lại dì ấy thích tự do hơn. Bà Điệp mang túi xách lên vai, giọng ể oải đầy giả tạo: - Thôi tôi đi, không thôi lỡ anh Hai về lại nhìn tôi với cái nhìn cảnh giác. Hừ! Ảnh như tôi là kẻ trộm sẽ rình rập để lấy đi vật gì đó mà ảnh rất quý không bằng. Mà nếu tôi là kẻ trộm dứt khoát tôi phải lấy bằng được cái mình muốn. Đi ngang qua chổ Minh Thi ngồi bà vổ vai cô: - Ra đóng cổng dùm dì đi. Minh Thi nhìn mẹ rồi rón rén đi theo sau bà Điệp. Ra tới sân cô hỏi ngay: - Từ xưa tới giờ mẹ con và dì không hợp à? - Chắc vậy! Nhưng mẹ con rất thương dì. Dì biết chắc điều đó nên dầu mẹ con có nặng lời dì cũng coi như pha. Minh Thì nhăn nhó: - Con không thích dì và mẹ cãi nhau chút nào. Bẹo má cô, bà Điệp đồng tình: - Dì cũng vậy. Nhưng biết sao hơn khi người khêu chiến không phải là dì. Minh Thi nhỏ nhẹ: - Dì có buồn mẹ con không? Mắt bà Điệp long lanh những tia rất lạ: - Không, vì dì hiểu mẹ con mà. Nhớ đừng hé môi với mẹ những bí mật của chúng ta nhé. Vài ngày nữa dì sẽ giới thiệu con với bạn anh Hải, nó cũng về một lượt với dì. Minh Thi cắn môi: - Con thấy ngại lắm! Bà Điệp bật cười: - Cù lần vừa thôi, cháu gái dì đâu phải nhà quê nhút nhát. Minh Thi nghiêm nghị: - Chính vì thế nên cháu mới ngại người ta nghĩ cháu đến với họ chỉ vì họ là Việt kiều. Bà Điệp khóat tay: - Nếu chỉ vì lý do này thì xem như dì cháu mình đã thỏa thuận xong. Dì về đây. Vừa nói bà vừa ngoắc chiếc xích lô đang trờ tới. Mình Thi lắc đầu nhìn theo bà dì đã ngoài bốn mươi nhưng rất còn trẻ của mình. Đóng cổng lại. Minh Thi trở vào nhà và gặp gương mặt đằng đằng sát khí của mẹ. Bà gắt gỏng: - Đóng cổng không mà lâu thế à? Dì Út nói gì với con vậy? Minh Thi lắc đầu: - Dạ đâu có gì. Rồi cô đánh bạo phê phán: - Dì Út về chơi đâu có bao lâu, sao con thấy mẹ cứ làu nhàu, trách cứ dì ấy đủ chuyện. Bà Loan trừng mắt: - Biết cái gì mà nói? Dì Út không đơn giản chút nào hết. hồi còn trẻ dì ấy luôn luôn làm phiền lòng ông bà ngoại, bây giờ dì con lại khiến mẹ không yên tâm. Minh Thi hỉnh mũi lên: - Nhưng dì Út lớn rồi. Dì lại có gia đình riêng, con cái trưởng thành, chớ có phải mười chín, hai mươi như ngày xưa đâu mà mẹ sợ. Đã vậy dì Út đã từng lăn lộn ở nước ngoài, kinh nghiệm sống mẹ khó sánh bằng... Bà Loan ngắt lời con gái: - Dì con khôn ranh nhưng thiếu đạo đức. Đó chính là điều mẹ bận tâm. - Sao mẹ lại nói thế? Bà Loan ngập ngừng: - Dì con có một sở thích độc ác là thích làm khổ và đày đọa người khác. Bởi vậy mẹ bất an khi thấy dì con trở về. Sẽ có người phải khổ vì trò chơi của nó đây. Bất giác Minh Thi nhớ tới người đàn ông đêm nào. Ông ta có phải là một trò chơi của dì Út không nhỉ? Cô hoang mang nghĩ đến những lời dì Út đã nói về người đàn ông đó. Cô muốn cho mẹ biết mình đã hộ dì ấy, nhưng lại không dám. Bà Loan bỗng nhấn mạnh: - Phải nhớ rằng không phải tất cả những lời dì Út nói đều là sự thật. Nó vốn giỏi tưởng tượng và những điều dì con bịa đặt thật king khủng. Minh Thi thắc mắc: - Nhưng dì Út bịa đặt để làm gì hở mẹ? Giọng trầm xuống nặng nề, bà Loan bảo: - Để người khác bị đau khổ vì những lời đơm dặt đó. Nhìn Minh Thi như dò xét, bà Loan nửa thật nửa đùa: - Mẹ nói thế để con biết nhằm không bị hụt hẫng hoặc kinh hoàng, lỡ ngày nào đó nghe dì Út bảo con hay anh Phong, anh Quang không là con của ba mẹ. Minh Thi phì cười: - Ôi mẹ Ơi! Con đã quá lớn để không phải khóc khi nghe ai trêu rằng mày được nhặt từ đống rác như hồi nhỏ. Bà Loan cũng cười, dù nụ cười có phần gượng gạo: - Con lớn cho nên mới trêu cho con khóc, người ta phải có cách nói khác chứ. Minh Thi vỗ ngực: - Con của mẹ thừa thông mình để thắng các cuộc chơi mà. Nhưng sao hôm nay mẹ về sớm thế? - Bữa nay rằm lớn, mẹ nấu ít hơn mọi ngày. - Thế mẹ có mua gì cho con ăn không? Bà Loan mắng: - Con gái hư! Lớn tồng ngồng mà cứ vòi quà. Muốn ăn thì xuống lục tủ lạnh ấy. Minh Thi vừa hát vừa nhảy chân sáo xuống bếp. Cô lấy ra một trái bom đỏ bóng và cắn ngon lành, mới ăn được nửa trái đã nghe mẹ càu nhàu: - Gạo hết trơn mà không nhắc mẹ. Khổ thật! Nuốt vội miếng bom, Minh Thi nói: - Con bảo anh Phong với anh Quang mấy lần rồi, nhưng hai ông đều làm lơ không muốn đi mua. - Hừm! Con trai đúng là vô tích sự. Sắm xe cho nó để nó chở bồ, nhờ chở gạo thì mắc cở. Làm như bọn nó không ăn cơm vậy. - Thôi mẹ đừng nhằn nữa. Để con đi mua cho. Bà Loan do dự: - Được không đó? Mua chừng năm ký thôi. Đợi hai thằng ôn đấy về, mẹ bắt chúng chở nhiều hơn. Minh Thi khoát tay: - Nhằm gì mẹ Ơi! Nhỏ Yến Thư năm chục ký con còn chở nổi, huống hồ chi có hơn chục ký gạo. Bà Loan chép miệng: - Mua mười ký được rồi! Minh Thi nhún vai: - Đã mua thì phải mua cho nhiều để khỏi mắc công hai ông lười kia. Bà Loan chép miệng: - Thôi được! Nhắm chở nổi bao nhiêu thì mua bấy nhiêu. Dắt xe đạp ra, Minh Thi kéo cái nón kết che nửa khuôn mặt rồi vừa huýt gió vừa đạp đi. Tới tiệm gạo, cô bảo cân ba chục ký gạo thơm rồi giữ cái xe nhờ người bán nhấc bao gạo bỏ lên yên sau. Ba chục ký gạo chỉ nặng hơn nhỏ Yến Thư một chút nhưng đúng là khó thở, vì nó không phải người ta, không biết... điều chỉnh tư thế ngồi sao cho uyển chuyển theo sự lạng lách của người ngồi trước. Đạp được mấy vòng, Minh Thi đã thấy ngay sự mất thăng bằng của chiếc xe, cô cố gắng giữ tay cầm cho chắc nhưng vẫn thấy run tay. Kiểu này xuống dẫn bộ như bộ đội thồ gạo lên tây bắc thì hay hơn. Thi đang tủm tỉm cười vì suy nghĩ của mình, thì bất ngờ từ hướng hẻm bên phải một con chó mực thật to phóng vút ra đâm vào đầu xe cộ Chiếc xe đạp chổng bánh trước lên, rồi ngã vật sang bên hất Thi té bổ ra đường. Chưa kịp ngồi dậy thì Thi đã thất kinh hồng vía khi nhận ra một chiếc xe tải đang lao tới thật nhanh. Minh Thi ngẹn cứng cả hàm, cô quýnh quáng ôm đầu, mắt nhắm lại như chạy trốn hiện thực. Cô nghe tiếng xe thắng rít trên đường, tiếng nhiều người la thất thanh rồi ai đó lay mình thật mạnh. Minh Thi run rẩy mở mắt ra, cô bắt gặp gương mặt tái xanh của một người rất quen. Hắn ta đang nắm vai cô lắc mạnh giọng lạc đi vì sợ: - Có sao không Minh Thi? Cô không mở miệng nói được lời nào, cả người cô mụ mẩm vì kinh hoàng, hắn ta đỡ Thi đứng lên, nhưng đôi chân của cô nhủn ra, hồn vía lạc đâu mất, Minh Thi đổ nhào vào người hắn...