Chương 4

- Ơ chú...
- Chú ơiii...
- Ơ chúúú...
Một tiếng gọi lặp đi lặp lại như con sóng đập vào tai tôi. Giọng nhỏ nhẹ êm ru... Tôi cảm thấy dễ chịu.
- Ơ chú... dậy di chú...
- Ơ chú... mở mắt ra đi chúúú...
Tiếng gọi khẩn thiết, run run như muốn khóc. Tôi chợt hiểu rằng tôi phải mở mắt ra, dù điều đó thật khó khăn. Tôi đang muốn chìm vào một cơn mê mới.
– Ơ, ơ, ơ, chúúú...
Tôi gắng cựa mình, làm đà để mở mắt. Vệt nắng chói khiến tôi vội nhắm chặt lại. Vài giây sau, tôi tử từ hé mắt nhìn. Trước mặt tôi có hai con mắt đen long lanh. Hai con mắt đó chăm chú nhìn tôi, ánh sáng viền quanh một mái tóc tơ với nửa khuôn má. Lát sau tôi mới nhận ra khuôn mặt nó. Đó là một khuôn mặt nhỏ, cân đối, hơi nghiêm trang. Thấy tôi đã hoàn toàn tỉnh táo, con bé lên tiếng:
- Chú làm tui sợ.
Giọng nói hãy còn run. Tôi định cất tiếng hỏi nhưng lưỡi như bị dính chặt vào hàm. Dường như hiểu ý tôi, nó nói tiếp:
- Tôi gọi chú từ đầu hôm tới chừ, khản cả giọng. Chú cứ nằm im như chết... Chừ hết sợ rồi. Tôi đút cháo cho nghen...
Nó tụt khỏi bộ ván, chạy vào phía trong. Nháy mắt sau, nó quay ra bưng một tô mẻ với chiếc thìa cụt đuôi. Có một làn hơi mỏng mảnh bay trên miệng tô cháo. Con bé trèo lên ván, đặt tô cháo cẩn thận bên chỗ tôi nằm, rồi nó nhấc đầu tôi lên đặt vào một bên đùi và múc từng thìa cháo bón cho tôi. Một chất nước sanh sánh, ấm, tỏa mùi thơm của cám mới lẫn với lúa non. Những hạt gạo nở chưa nhuyễn nghe lật sật trong hai hàm răng và mắc nghẹn nơi cổ họng sưng bỏng. "Cơm tẻ mẹ ruột", tôi sực nhớ tới lời mẹ tôi thường nói hồi xưa. Tôi cố gắng nuốt.
- Ráng lên, ráng lên đi chú...
Con bé, chừng như đoán ra tình trạng khó khăn của tôi nên cất tiếng dỗ dành:
- Chú sốt cao lắm. Sốt cao thì nước miếng nhạt như nước hồ. Nhưng phải cố ăn kẻo đau nữa. Cháo gạo mới đấy, ngon hung!
Hẳn là nước cháo đã kịp thấm vào cái dạ dày lép kẹp của tôi nên tôi thấy tỉnh táo hơn. Con bé nhanh tay xúc vì thấy tôi nuốt được dễ dàng.
- Vài muỗng nữa thôi... ráng lên chú, ráng lên... sắp hết tô cháo rồi.. sắp... hết...
Nó vét thìa quèn quẹt. Tô cháo chắc nhẵn như chùi.
Con bé kéo vạt áo lau miệng cho tôi đoạn chuồi khỏi bộ ván, mang tô và thìa đi. Nó lục sục gì đó phía bên trong không rõ. Một lát sau, ước chừng quãng thời gian hút tàn điếu thuốc, con bé trở lại, hai bàn tay bưng chiếc chén sành khói bốc nghi ngút:
- Nè chú, ráng uống chén mật này rồi hãy ngủ... Ráng chút xíu. Nào, nhấc đầu lên.
Chén nước bốc mùi thơm của mật ong hòa với các loại lá đồi những thứ lá dân ở đây thường nấu nước uống và bọn lính chúng tôi thường cắt để ngụy trang pháo và xe. Chất nước ngọt ấm nóng lan tỏa trong tôi cảm giác êm dịu. Tôi nhắm mắt. Đùi con nhỏ mềm mại dưới đầu tôi, quần áo nó bốc mùi nắng khét. Cặp mắt đen đau đáu lo âu của nó chăm chú đưa theo chiếc thìa nhỏ khiến tôi không thể nào không hình dung đó là người mẹ trẻ, - nó chính là người mẹ thứ hai tôi tình cờ bắt gặp từ khi mẹ tôi bỏ tôi xuống tuyền đài.
- Hết rồi. Chừ thì chú ngủ đi, nghen.
Vị nữ thần hộ mệnh của tôi cất tiếng nói, đoạn lấy vạt áo lau miệng cho tôi. Rồi bò qua chân tôi, nó rút một mảnh chăn dù:
- Chú ngủ cho ngon, nghen, đừng cục cựa mà chăn rớt. Độ này ông nội mắc việc chưa dọn hầm được...
Tôi thấy nó trải tấm dù trên thân thể tôi, cẩn thận ém dưới chân và bên lưng. Tôi chưa thể cất lời. Con bé đặt bàn tay lên trán tôi rồi nó chuồi xuống hầm. Lúc ấy, tôi he hé nhìn. Con bé trạc sáu tuổi là cùng, mặc chiếc quần hoa vá miếng vải đen, chiếc áo xanh bạc phếch. Da đen mịn như phấn. Môi nhỏ xinh. Một bà cụ non tơ! Săn sóc tôi xong rồi, gương mặt nó trở nên nhẹ nhõm.
Nó rút trong túi mảnh gương vỡ, mảnh lược dùa bằng nhôm máy bay, bắt đầu chải tóc. Bàn tay nhỏ xíu đưa nhát lược đều đặn, chải chuốt tựa một thiếu nữ. Mái tóc tơ xoè những mối nhỏ hoe hoe nhuộm nắng sau gáy khiến tôi liên tưởng tới bầy Chúa hài đồng vây quanh Đức Mẹ. Gác chuông nhà thờ vút lên sau đồi...
Lão Bỏ già mặc quần áo thâm chùng đưa mẹ con tôi đi qua nhà nguyện vào cái ngày khốn khổ mẹ tôi sắp sinh nở. Chúng tôi đã nhờ cậy vị cha xứ quen thân ông bà ngoại tôi tìm cách liên lạc với Hà nội và xin viện trợ ít tiền... Cái ngày xa xôi... Nhưng gương mật xinh tươi của Chúa hài đồng... Gương mặt vị thần hộ mệnh tôi vừa xuất hiện... Thế giới của các ảnh tượng cũ và mới nhảy múa, ru tôi đi mãi...
Trong giấc mơ thoạt tiên thanh bình rồi sau thảng thốt, tôi thấy nạn hồng thủy: Một đợt sóng lừng từ chân trời cuồn cuộn dâng ngọn thủy triều đen ập tới trùm phủ khắp nơi... rừng núi, khe suối, thành phố, làng xóm, - mặt trận bên đông, mặt trận bên tây, - những người lính chiến đấu cho quốc gia lẫn chúng tôi, đội quân chiến đấu cho chủ nghĩa xã hội, - những con chim tước và sơn ca, những con thỏ và những con cáo, những con chim kên kên chuyên ăn xác chết, - và các loại dòi bọ, các loại kiến mối... thảy thảy đều chìm. Ngọn thủy triều đen xóa mọi biên giới. Cả những đỉnh non đầy sao, cả những ngọn cây đầy nắng. Các gác chuông nhà thờ và các kho lưu trữ chồng chất các tuyên ngôn, các hệ thức luận, các biên bản bút chiến giữa những ông lớn đầu hói râu dài, những nghi quyết đẻ lổm ngổm từng đàn cừu đam mê và suy tưởng... Tất cả.
Trong nụ cười lặng lẽ và ngạo mạn, thủy triều đen trải lên mặt nước vô cùng tận những bọt sóng màu lam xám. Và mặt trời trên cao rọi sáng, phản chiếu lên vẻ đẹp thê thảm của thế gian những giọt nước mắt xanh lơ rơi từ một tinh cầu xa lạ. “Thế là hết - Không còn ai - Luật công bằng dành cho con người. Quà tặng cuối cùng của tạo hóa..." Nhưng mà không! Nơi chân trời đen thẳm, bỗng hiện lên những chiếc mảng bập bềnh. Và tôi thấy khắp nơi, ngoi ngóp dưới làn nước màu chì, những con người tuyệt vọng trồi lên cố bám lấy những mảnh bè hy vọng. Có tôi trong đám đông ấy. Tất cả chúng tôi lúc nhúc như kiến bọ, chen chúc nhau trên những con thuyền. Nô-ê mỏng manh ghép bằng tre nứa. Tất cả chúng tôi đều trần truồng, ướt nhẳng, kẻ ít tóc thì phơi lớp da sọ, kẻ râu rậm tóc dài thì lướt thướt như lũ dê già lội sông. Toàn bọn đực rựa, không mảnh vải che thân, ngồng ngồng phơi bày các loại của nợ...
Giữa cảnh ấy, chúa hài đồng nhỏ bé của tôi hiện ra trong tấm áo xanh bạc ngắn cũn, chiếc quần hoa cũ vá mụn đen, món tóc hoe vàng vì phơi nắng. Nàng tiên giản dị ấy lần lượt nhặt từng gã đàn ông nhỏ bé và trần truồng như con chuột nhắt, nàng tắm cho từng người trong một chiếc chậu sành. Những gã đàn ông ấy, bi cơn hồng thủy phù phép, trở thành thứ sinh vật nhỏ bé khốn khổ đã ngoan ngoãn ngồi trong chiếc chậu sành như thuở mới lọt lòng...
– Ô, ông đã về... ông ơiii...
Tiếng reo bất thình lình đập tan cơn mê. Tôi choàng dậy. Một ông già đứng giữa hầm, xây lưng lại phía tôi. Con bé ôm chặt lưng ông, kêu lớn:
- Răng mà ông đi mô rứa? Ông làm cháu sợ cả đêm...
- Chui cha, ông đi mô mà đi hoài vậy?...Hu hu hu...
Con bé khóc, khóc nức nở, tức tưởi như bị đòn oan.
Ông già ve vuốt nó:
- Thôi mà... ông xin... Cho ông xin...
- Hu hu hu... hu hu...
Con bé càng khóc to hơn, chen vào từng cơn là những tiếng nức nở. Tấm thân nhỏ bé rung lên, ông già ngồi phục xuống, ỏm đầu nó mà hôn hít, thiết tha:
- Cho ông xin mà. Ông xin con... Lặng nghe ông nói này: ông qua thăm ông Kiến, mẹ Kiến với đám con cháu trúng đạn cối chết cả lượt. ông phải ở lại giúp đám ma. Sau ông phải rẽ qua dì Hường, cho tụi nhỏ vài ký gạo. Rồi ông tạt lên rừng kiếm ít mật ong... Con xem nè, đõ ong nguyên. Còn cả ong non, lát nữa ông cháu mình ăn nghen...
Con bé vẫn còn nức nở, dụi đầu vào cổ ông. Ông già vuốt ve nó gượng nhẹ. Chăm chú như trong mỗi cái vuốt ve ấy ông phải cố gắng chống lại sức nặng và thói quen của bàn tay người làm việc nặng. Tôi nhắm mắt, vờ ngủ. Cuộc đối thoại tiếp tục:
- Con đừng khóc nữa nghen.
- Dạ.
- Sớm mai tới chừ con ăn chưa?
- Con ăn cháo.
- Sao không nấu cơm? còn gạo mà?...
- Không.
- A... ông biết rồi. Con nấu cháo cho chú bộ đội ăn...
- Đau hả?
- Dạ.
- Chú ấy đau sao?
Khi hôm, con ra sau vườn kiếm rau nấu canh. Lúc quay vào, thấy chú nằm úp dưới gốc chuối. Con kêu hoài chú không thưa. Con qua bên o Lài nhờ o Lài bồng chú xuống hầm. O ấy xoa dầu cho chú xong phải về cho thằng Lanh bú. Mình con ngồi canh. Mãi ông không về. Con đốt đèn cả đêm, hết kêu lại rứt tóc chú, chú chẳng thưa.
- Sợ hả?
- Con sợ chú chết luôn. Chết xuống dưới mồ, chẳng bao giờ dậy như cha.
- Chú ấy không mở mắt, không thưa nên con không dám ngủ...
- Chui cha, cháu ông ngoan quá. ông thương cháu nhất đời...
Hai ông cháu lịch kịch giờ đồ đạc, sửa soạn nấu ăn. Vị thần hộ mệnh của tôi đã trở lại là một đứa bé được nuông chiều. Nó ăn ong non, mật, nhõng nhẽo đòi ông kết tóc đuôi sam. Thỉnh thoảng nó lại kêu to:
- Không cơ...
Ông già xoa suýt:
- Đừng kêu... đừng kêu, chú bộ đội mất giấc ngủ... Lặng nghe ông bảo nè...
Tôi lại ngủ tiếp giấc thứ hai cho tới tận hoàng hôn.
Ngoài trời chạng vạng, trong hầm đã phải thắp đèn. ông lão cho tôi ăn cháo nấu với mật ong. Sau đó, ông ép tôi uống một bát nước đen đặc, gồm những lá cỏ, - một bài thuốc dân giã lưu truyền. Mồ hôi toát ra ướt như tắm, người tôi nhẹ bỗng như vừa xông hơi nước xông. Ông cụ đem tới mảnh nồi đất vỡ, chứa than hồng:
- Lát nữa, khô hết áo quần con sẽ tỉnh... Nào, đã thấy đủ hơi nóng chưa? '
Tôi gật đầu. Hơi than tỏa trong hầm rất nhanh, làn gió ấm thoang thoảng chờn vờn trên da thịt. Tôi trôi tiếp vào một cơn mê khác, một giấc mơ an bình.
Sáng hôm sau, khi mở mắt, tôi thấy mình lọt giữa một đám người. Bộ ván rộng đặc kín những chăn dù, vải tăng.
Vào lúc tôi tỉnh ngủ, mọi người cũng thức giấc. Lần lượt, những tấm chăn tung lên. Tôi thấy bên trái mình là ba cô thanh niên xung phong, còn bên phải là hai anh thông tin kỳ cựu. Hai ông cháu nằm trong cùng.
Căn hầm hừng hực hơi người, ấm nhưng ngột thở. Mọi người ngồi dậy. Các cô gái chải tóc, sửa sang quần áo một cách hồn nhiên trước mặt các chàng lính già. Hai anh thông tin tóc muối tiêu hí hởn chuyện trò, biết chẳng được xơ múi gì nhưng có âm có dương, đời thêm chất ngọt.
Tiếng bom dội từ hướng tiền duyên vẫn ầm ì vọng đến.
Ông lão bưng ra một nồi khoai khô nấu đậu:
- Các con ăn buổi mai cho no, lấy sức lên đường.
Vị chúa hài đồng bé xíu của tôi đem ra chồng bát đủ loại: bát sứ, bát sành, bát sắt Trung quốc, bát B.52... Bom đã phá vỡ hết thảy những đồ gia dụng quí bằng pha lê hoặc bằng sứ. Nhà nào cũng ước ao cớ được một chiếc hăng-gô lính và một chục bát sắt tráng men.
Các cô thanh niên xung phong vừa đùa giỡn hai anh lính vừa xúc khoai nấu đậu ra bát. Họ mời nhau rầm ran:
- Chúc anh ăn no, dẻo chân hành quân nhá. Từ đây vào tới trạm còn xơi đường đấy...
- Chúc em ăn nhiều, chóng thành trục lăn nhé... Bao giờ chiến thắng, về quê em chơi, có mời tụi anh thịt gà không đấy?
- Có chiến thắng, về quê, em thịt hẳn con nhái bén làm cỗ mời hai anh...
Họ vừa ăn vừa cười rinh rích, vừa đấm lưng nhau thùm thụp. Bữa sáng xong, người nào người nấy chào chủ nhân rồi lên đường. Tôi nghe tiếng họ ngoài cửa hầm lẫn với tiếng rền của một đợt bom từ chân trời phía tây vọng tới:
- Các anh đi, thắng lợi nhé...
- Chào... Chào...
- Tụi em chòng ghẹo quá lời, đừng giận nghe không?
- Không... Không...
Một bàn lay lạ, rất ấm và đầy sờ lên trán tôi. Một vật gì đó khá nặng đặt bên cạnh:
- Bọ ơi, con chào bọ... Có hộp sữa để cho anh bộ đội bị ốm. Bọ nói tụi con gửi lời chào anh ấy, chúc anh ấy chóng khỏe.
- Bọ ơi, đêm qua con nằm cạnh anh ấy. Thế là duyên trời đã định, như Chữ Đồng Tử hiện dưới màn chúa Tiên Dung. Bọ bảo anh ấy phải ghi tên tuổi con. Bao giờ chiến thắng, về làng Nga Mi đem trầu cau ăn hỏi...
Họ đi xa dần, tiếng cười lanh lảnh vọng lại. Cả ngày hôm ấy, chập chờn những cơn mơ màng, tiếng cười trẻ trung inh ỏi của họ ám ảnh tôi. Tối đến, tôi dứt hẳn cơn sốt. Sáng hôm sau, tôi chào chủ nhân lên đường. Nhưng ông lão đã dằn ba-lô của tôi xuống tấm ván:
- Con chưa đi được.
- Thưa bọ, con phải tới K. Việc quan trọng không thể trì hoãn.
- Từ đây tới K sức bò tót mới đi bộ được. Con xa lạ không biết, nhưng bọ biết. Ngày trước, người ta đi ngựa tới đó. Có khi ngựa chết dọc đường nếu không chọn giống ngựa khỏe!
- Con sốt ruột lắm. Thời gian...
Ông già nghiêm nghị bảo:
- Chiến tranh còn dài. Con phải giữ sức chiến đấu. Con là người lính của nhân dân.
Tôi im, ông nói tiếp:
- Ở lại vài ngày. Bọ bồi dưỡng cho. Hồi hôm, bọ đã đổi chai mật ong, lấy con gà. Hôm nay đem nấu cháo. Sớm mai bọ vào khe bắt vài con cá về nướng. Cá nướng chấm mắm ăn chóng lại sức lắm... Thế, kha khá lên con mới đủ sức mà bò.
Nói đoạn, ông lão lui cui vào hầm xách bu gà. Trong chiếc bu gà dẻo đó, một con gà mái tơ dương mắt thao láo nhìn tôi. Cái mào mới nhú, đỏ tươi... Chắc nó chưa kịp đẻ lứa đầu. Tôi nằm xuống ván, gối đầu lên tay, đăm đăm nhìn kèo hầm. Dọc theo kẽ nứt của cây kèo, một đàn rệp béo mọng xếp hàng nằm nghỉ. Lũ rệp thời chiến là những ông hoàng bà chúa. Chúng được tự do và luôn luôn no đủ. Người ta hiến máu cho chúng một cách vui vẻ vì, so với lệ phí của bom đạn thì đó chỉ là những khoản thuế còm...
Tôi thờ ơ lướt qua lũ chúng, lặng nhìn khoảng trời bên ngoài. Hôm nay nắng. Trời tơ thắm tươi không gợn mây. Tôi thầm cầu mong cho sức khỏe mau chóng trở lại để lên đường... Chắc giờ này, Lương đang nhắc tôi.
Tấm sơ đồ của người giao liên quá đơn giản! Nếu không gặp anh chàng Vân kiều Te Chiêng, tôi dám chắc không thể tìm đến K. được. Tôi gặp Chiêng trong lúc anh ta ngồi bên bờ suối, phơi la liệt những lá thư bị thấm nước.
- Làm sao thế?
Mình bị ngã, ướt hết gùi thư. Bộ đội đi đâu?
- Tới K.
- Thế cùng đi. Mình gùi thư tới cho lũ ở K.
- Từ đây tới đó bao nhiêu cây số?
Mình không hiểu. Cây số là cái cây gì?
- A... Chừng một hay hai ngày đường?
- Không, bộ đội có đi nhanh bằng ngựa được không? Con ngựa khỏe đi hết ba ngày đêm mới tới.
Chúng tôi cùng đi, băng qua hai cánh rừng và một con suối lớn. Đêm xuống, hai chúng tôi chui vào một chiếc hang nhỏ vừa đủ kín tới khuỷ chân. Sáng hôm sau, một luồng ánh sáng đỏ rọi vào mắt khiến tôi bừng tỉnh. Tôi ngồi dậy, bàng hoàng. Không gian đỏ rợn như pha sắc máu vây phủ bốn bên. Tôi đập vào lưng Chiêng:
- Dậy, dậy...
Anh chàng Vân kiều trở mình, vùi đầu vào cánh tay:
- Ngủ nữa đã, mình mệt lắm... chưa đi được đâu...
Chiêng lại ngủ. Tôi tựa vào anh ta. Hơi ấm truyền từ con người hoang dã ấy cho tôi thêm sức mạnh. Tôi choáng váng trước cái không gian lộng lẫy khủng khiếp này. Nơi chúng tôi ngủ là rẻo núi đá cuối cùng, cái hang nhỏ như hang của con cáo độc. Từ hang đó trở đi là giải đất lởm
chởm cỏ gai, dài ước chừng dăm chục mét. Sát mép cỏ là cát. Cát đỏ như máu, chạy xô tới tận chân trời. Một hoang nguyên cát đỏ. Một sa mạc máu kết tinh. Màu đỏ phản chiếu ánh rạng đông, hắt lên sắc hồng ma quái. Bầu trời nhuốm hồi quang trở nên tím rịm.
Gió thổi từ chân trời trơ trụi cát, phả lên không trung những ngọn triều đẫm máu. Những ngọn triều xô dạt, rượt đuổi, phiêu du dưới những tia mặt trời tê quết. Cảnh tượng ấy đắm trong một giai điệu âm u, xa tít tắp, rì rầm không ngớt tựa hồ có bài kinh nguyện vô cùng, có bài ca cám dỗ vô cùng, có những lời rủa nguyền độc dịa vô cùng, tất thảy giao hòa trong phức điệu đẫm máu của thời gian, tồn tại từ niên kỷ này qua niên kỷ khác, và rắc xuống mặt đất những giọt máu oan khốc. Từ những giọt máu ấy, nảy sinh ra loài cây dại hình thù từa tựa như cây duỗi, quả kết chùm màu huyết làm chốn quanh quất cho những bầy bướm ma là loài bọ hóa thân của những oan hồn...
- Chiêng, Chiêng...
Tôi đập túi bụi vào vai anh chàng Vân kiều. Hắn ngồi dậy, dụi cặp mắt đỏ kè. Tôi bảo:
- Nắng quá rồi.
Chiêng lè nhè:
- Thì nắng cả ngày mà... Có trốn được đâu?
Chiêng đã quen thuộc vùng này, anh ta bình thản.
Nhưng tôi sợ. Nơi chân trời, từng làn bụi đỏ bay, kéo lê trên mặt đất cái bóng mờ ảm đạm. Ngọn gió lo âu, phấp phỏng chờ... ai đó?... Có thể là tôi... Rất có thể là chính tôi. Bầu không gian tẩm máu tử trong các huyền sử đã thổi về hơi thở lạnh buốt của ân oán. Thịt da các tử thi nguội lạnh đi, tan rữa qua các thiên niên kỷ nhưng bóng dáng các âm hồn vẫn lảng vảng đi về...
- Bộ đội làm sao xanh lét?... ốm à?
- Vâng, tôi khó chịu.
- Mình cho bộ đội uống thuốc nhé?
- Thôi, cảm ơn.
Tuổi trẻ của chúng tôi kiêu hãnh làm sao! Ngày lên đường, mười năm trước đây, tôi không mường tượng tới cảnh này. Lúc ấy, chúng tôi chỉ muốn hát khúc khải hoàn.
Dù phải bắn cối, bắn liên thanh, gài mìn, đâm lê, thọc dao găm... các kiểu giết người đều tốt... miễn là được ca khúc khải hoàn... Bóp cò, băm vằm không chán tay trong hứng khởi thù hận và đòi công bằng trong thù hận.
Bây giờ, hai mươi tám tuổi, tóc có dăm sợi bạc, tôi đi qua mảnh đất xưa kia chính là khải hoàn môn của tổ tiên mình. Bao nhiêu niên kỷ trước, có thể ông tổ tôi đội nón dấu, vác súng hỏa mai và đeo mã tấu đến đây, và hát khúc khải hoàn, và uống rượu khao quân trong những chiếc bát loe bằng đất, và sung sướng khôn cùng, và kiêu hãnh vô hạn...
Anh chàng Vân kiều đái tồ tồ một bãi ngay bên tôi, không thèm bước quá vài bước chân. Rồi bảo:
- Ta đi thôi.
Tôi đeo ba-lô, lặng lẽ đi theo Chiêng, Mỗi bước, tôi phải bấm chân xuống cát vì không gian rung rung xung quanh như sóng... Nó làm tôi chòng chành, nó khiến tôi ngột thở. Chân trời cát đỏ tóe máu lên chân mây. Cả những gợn mây trắng li ti cũng nhuốm sắc đào. Những bụi gai xương rồng mọc ven tráng cát cũng có màu máu loãng. Những chùm hoa xương rồng ngậm sương, trông giống hệt những giọt máu vẩy trong ống thủy tinh... Tuổi trẻ cơ cực của tôi, tuổi trẻ tội nghiệp của tôi, cớ sao bắt tôi cảnh tượng này... Bất chợt, Chiêng dừng lại:
- Bộ đội thấy đẹp chưa, sau cái gò cát đó.
- Cái gì?
Anh chàng Vân kiều giơ tay chỉ...
Tôi nhìn thấy sau một gò cát nghiêng nghiêng, lởm chởm những búi cỏ mặt trời, hiện lên một cái tháp Chàm.

Truyện Tiểu Thuyết Vô Đề Chương 1 Chương 2 Chương 3 Chương 4 Chương 5 Chương 6 Chương 7 Chương 8 Chương 9 Chương 10 Chương 11 Chương 12 Chương 13 Chương 14 !!!3462_3.htm!!! Đã xem 246324 lần. --!!tach_noi_dung!!--


Chương 3

--!!tach_noi_dung!!--
Cái đói tấn công tôi khiến hai đầu gối bủn rủn, mồ hôi vã ướt đầm lưng. Hai hôm nay, tôi đi lòng vòng như bị ma ám giữa một thung lũng um tùm cây môn thục. Sớm nay lại đi vã mồ hôi. Cuối cùng tôi thấy trước mặt bụi môn có ba hòn đá tảng ở điểm xuất phát.
Nghỉ nửa giờ, tôi tìm đường ra theo hướng khác. Đi ròng rã hơn hai tiếng nữa, vào đúng ngọ lại thấy lù lù ba hòn đá tảng với bụi môn thục ấy. Không còn hồ nghi gì nữa, giữa thung lũng hoang lạnh này có hồn ma!
Tôi đặt ba-lô trên một hòn đá tảng, sục sạo xung quanh. Từ lối mòn lan sang hai bên, mọc dầy đặc thứ cỏ leo hoa tím, lá có ánh bạc. Dây cỏ đâm ngang đâm dọc, dai hơn dây thừng, quấn quít với những loài gai lùn và dương xỉ. Tôi rút dao phạt những đám gai lơ lửng ngang đầu, phòng loài rắn lục. Từ đám gai ấy, chúng có thể phóng tới làm một cú mổ trong nháy mắt và thế là toi đời.
Quanh quẩn mãi, chỉ gặp loài gai và cỏ leo. Khoảng tiếp giáp giờ Mùi, một làn gió âm u thổi từ phía bắc tới. Trong hơi gió như có tiếng vi vu của sáo tre sáo trúc. Tôi nổi da gà đứng khựng lại giờ lâu, mồ hôi lạnh lưng áo. Rồi định thần, tôi nhìn lại cây cỏ bốn xung quanh. Tất cả xanh um, tĩnh lặng. Tôi đi về phía bắc. Chừng hơn một trăm bước, chân tôi gặp đám môn thục vĩ đại. Chúng cao gấp đôi thứ môn thục thường, cỡ chừng gần hai mét, che lút đầu người. Mỗi cuống môn lớn gấp đôi bẹ chuối, xanh bóng. Dọc lá quận thành gốc, cỡ bằng gốc chuối ngự. Kích thước khổng lồ của chúng làm tôi e ngại. Dường như chính từ trong bóng râm ướt át, u tối của chúng, làn gió lạnh lẽo kia đã được phát sinh... Tôi vung dao, chặt rào rạt. Những dọc môn ngã rạp xuống. Chừng non nửa thước, hiện ra những tảng đá lớn, màu trắng xám, xếp một cách công phu.
Theo bức tường đá, tôi lần lần phạt trụi đám môn thục vây quanh. Đám rừng môn ngã xuống, hiện ra một chiếc nhà quàn bằng đá tảng. Các tảng đá lớn nhỏ, góc cạnh được sắp xếp chồng khít lên nhau làm thành bốn bức tường khép kín, một cái hộp không đáy và không nắp.
Giữa bốn vách đá là tấm võng dù mắc sang hai cây dồi ở hai đầu. Trên võng, một bộ xương người nguyên vẹn, trắng rợn, sạch như lau! À, người anh em... hóa ra người anh em đã giữ chân tớ lại... Tôi lầm rầm khấn. Cái đầu lâu hoác miệng như cười. Hai hàm răng trắng, đều tăm tắp, đủ ba mươi hai chiếc. Đó phải là hàm răng của một chàng trai. Chắc anh ta cũng đã bị lạc nhiều ngày, cũng như tôi, không thế nào thoát khỏi cái thung lũng ma quái này, bị sương khói bốn phương chập chùng vây hãm.
Khi mọi cố gắng đã tan rã, mọi hy vọng đã tàn lụi, chàng vẫn còn một hy vọng cuối cùng: Hy vọng giữ được bộ hài cốt của mình. Chàng không muốn các loài thú xâu xé thân xác, chàng muốn lưu lại, dù một chút bóng dáng thảm thê, vì hình hài nguyên vẹn mà cha mẹ chàng đã tác tạo ra.
Tôi tin rằng chàng đẹp hơn tôi, khỏe mạnh và ý chí hơn tôi. Nếu không, với hơi tàn của kẻ sắp chết đói, người lính này đã không thể tự xây cho mình một nhà quàn kiên cố, công trình kiến trúc để cho kẻ hậu thế phải ớn lạnh sống lưng:
- Người anh em ơi, tớ biết người anh em ở đây quạnh hiu lắm. Tớ biết cuộc sống trong cái thung lũng khốn nạn này chẳng ra gì... Đằng ấy cũng như tớ, khi ra đi không hình dung được con mèo nào sẽ đón đợi số phận...
Làn hơi lạnh quẩn quanh trên mặt đất khẽ lùa qua hai nách, qua gáy tôi. Nghe vi vút mơ hồ tiếng sáo của một chiều thôn dã:
"Trăng đã lên ngang đồi...
Dòng sông ngập ánh trăng soi
Đàn bò thong thả qua nương lúa ơi hò... "
Ôi, âm nhạc diệu vợi... Hai hàm răng trắng nhởn của cái đầu lâu ngoác ra cười. Xương tay, xương chân xếp thẳng băng như nặn bằng thạch cao trong phòng thí nghiệm trường phổ thông trung học. Lão quản lý thấp bé, mặc bờ-lu trắng, gườm gườm nhìn lũ học sinh chúng tôi, qua hai tròng mắt kính tròn xoe: "Các trò cẩn thận, không được sờ vào hiện vật. Hãy ghi nhớ các vị trí trong bộ xương người: Xương đầu, xương tay và xương chân... Trò Quân, anh không được ngọ nguậy, cái xương bánh chè bên trái đã bị lớp 6E làm vỡ năm ngoái..."
Đấy là lần thứ nhất tôi thấy bộ xương người. Và giờ là lần thứ hai. Xương thạch cao dễ vỡ. Xương người thật khỏe chắc hơn.
Bố mẹ chúng ta đã sản sinh được những tạo vật đáng giá! Tôi nhìn từ đầu xuống chân bộ xương người trải dài trên tấm võng ni-lông, hình dung tới một chàng trai: Anh lịm dần trong cơn đói, trong trạng thái tàn lạnh khi máu khô cạn trong các huyết quản, như một thứ keo, đọng dần dần chất mủ đặc tanh của cái chết, và luồng khí nóng của sự sống đi qua nó bị nguội đi, màu hồng chuyển sang máu xám. Chắc chắn vào khoảnh khắc đó những giấc mơ sẽ trôi qua như cuộn hình trong cây đèn kéo quân: giấc mơ an bình, giấc mơ thù hận, giấc mơ ấu thơ, giấc mơ tình ái... đó sẽ là bữa ăn cuối cho kẻ tử tù, niềm an ủi cuối cùng của người lính rủi ro. Tới lúc chất mủ tanh hôi của cái chết lấp đầy các huyết mạch, những giấc mơ kia sẽ lụi tàn.
Từ đấy bắt đầu bữa tiệc của các loài thú. Trước hết là chim ưng, kên kên và quạ. Thứ hai đến các loài kiến, các loại bọ, các loại dòi. Sau cùng, mưa rừng sẽ hoàn thiện nốt công trình phá hủy, phần sót lại của cơ thể tan hòa thành phân loãng tưới xuống đám môn thục khiến chúng lớn vụt lên, trở thành loài thực vật ăn thịt người kiêu hãnh và vĩ đại! Bộ xương trắng sạch bong nhìn tôi như cười: "Tớ còn nguyên vẹn đấy chứ?... Thật là tuyệt phải không người anh em?" Tấm võng ni-lông cũng còn nguyên vẹn. Nền văn minh nhựa dẻo của con người trong các thập kỷ này cũng tuyệt diệu. Tôi thầm thì: “ Người anh em ơi, ngả nào đằng ấy cũng đã phải chịu cảnh đơn côi. Hãy cho tớ ra đi... Tớ còn nhiều việc phải làm. Một thằng trai trẻ đang mắc chứng điên. Nếu họ tống nó vào trại điên thì rồi đời... Vả lại, tớ còn ông bố và thằng em. Nghe nói nó cũng đã tòng quân, chẳng hiểu sống chết ra sao... Người anh em sống khôn chết thiêng, hãy chứng cho lòng thành của chiến hữu...”
Khấn xong, lòng tôi nhẹ nhõm. Tôi chắc vong linh kia đã thấu cho mình. Nhưng chân tôi vẫn nặng như đeo đá, không thể nhấc nổi. Tôi đập đập vào hai cẳng chân lạnh buốt, thầm nghĩ: "Còn một cái gì đó... Chắc hẳn còn vấn vương gì đó..." Và tôi chợt hiểu rằng chàng trai đã tự kiến tạo cho mình một cái chết sang trọng như thế hẳn là phải gửi gấm lại những lưu vật.
Tôi ngồi thụp xuống, vạch cỏ, chặt dây. Chỉ dăm phút sau, thấy lộ ra một nấm mộ nhỏ xếp bằng đá nằm dưới võng, từ chiếc đầu lâu dọi thẳng xuống. Tôi ném đi lần lượt từng viên đá rồi tôi đào. Đất rất mềm, lưỡi dao ăn ngọt lịm. Hồi đào ước chừng nửa mét dài, nửa mét rộng, căn theo độ lớn của chiếc ba-lô. Đào sâu ba gang thì vấp lớp nhựa xám. Tôi khoét rộng ra bốn xung quanh rồi lôi bọc ni-lông lên. Chúng được chằng kỹ bằng dây ni-lông, nút chặt không thể cởi. Tôi dùng dao cắt vụn, mở gói vải nhựa ra. Bên trong còn ba lớp vải nhựa nữa mới tới ba-lô. Ba-lô còn nguyên, mùi vải hăng sực như vừa được lôi ra từ một chiếc rương gỗ. Một khẩu liên thanh báng gập với hai băng đạn rưỡi, đạn chưa rỉ. Tôi mở ba-lô, sửng sốt vì cùng với làn hơi xám bay lên, lơ lửng điệu nhạc của tre trúc:
" Dòng sông ngợp ánh trăng soi
Con diều đứt dây nơi lưng trời
Gió, gió ơi thổi bên kia đồi... "
Hệt như có gã trai làng ngồi thổi sáo bên bờ đê, vào lúc chiều chạng vạng. Tôi kéo rộng nắp ba-lô, nhặt được mảnh bìa, viết nguệch ngoạc dòng chữ: "Đồng chí nào nhặt được ba-lô, xin cố gắng mang về cho mẹ tôi, bà Đào thị Lý, 68 tuổi, thôn Em Mơ, xã Phùng... Xin cảm ơn."
Bên dưới có ba bộ quân phục, một Thu-đông, hai Xuân-hè. Giữa các lớp quần áo giấu cây sáo trúc, thứ trúc quí, vàng màu tơ tằm, bóng như gương. Sau rốt là cuốn nhật ký. Nhật ký lính chiến, long bìa, rách gáy, nhiều vết hoen. Trang đầu dán tấm ảnh một thiếu phụ quê mùa, vẻ nhút nhát, nét khá xinh. Trang sau là một chàng trai mười tám, mười chín, mặc quân phục mới, cười toe toét, mắt ánh lên niềm hăm hở. Tấm ảnh đó hệt như tấm ảnh tôi chụp ngày tòng quân, cái ngày long lở vì tiếng trống giục giã và chói lọi màu cờ, cái ngày lũ trai trẻ chúng tôi ngây ngất trước lúc lên đường, đăm đăm tìm kiếm hình ảnh của chính mình nơi chân trời.
Nơi ấy, ẩn hiện trong lớp khói là gương mặt những người anh hùng hân hoan và kiêu hãnh, ngực lủng lẳng từng dãy huân chương...
Tôi ngồi bệt xuống, sục tay vào lớp áo quần mát lạnh.
Cơn đói bắt đầu gào réo khiến tôi hoa mắt. Từng bầy đom đóm sặc sỡ bay lượn như những đóm lửa pháo hoa, thứ pháo hoa tởm lợm... Tôi gục đầu xuống gối, nhắm mắt lại, cố nghĩ tới một việc gì đó thật trọng đại, thật vui tươi, một kỷ niệm thật êm đềm... Nhưng, cuối cùng, vẫn hiện lên trong óc não hình ảnh (ra xôi trắng với nửa cái chân giò luộc, một rá bún với bát mắm tôm...) Cơn mơ thực phẩm! Tôi đã lây cái bệnh tồi tệ của thằng Lũy.
Chất cường toan sủi bọt trong dạ dày tôi, cắn rút từng tế bào, ăn mòn mỗi đường gân, mỗi thớ thịt. Trong bụng, nhói lên những cơn co bớp liên hồi. Tôi cong lưng, thở dốc từng hồi và dần dà nằm ngửa xuống lúc nào không rõ. Kéo một tấm áo che đầu, tôi chìm vào giấc ngủ.
Như thế, thời gian đi lẳng lặng, xa xa, như tan dần thành khói. Lúc chập chờn tỉnh, tôi có cảm giác một bàn tay ai đó nhẹ nhàng ve vuốt bên má... Mở mắt, tôi thấy mình nằm gối đầu lên chiếc ba-lô của người đã chết, tấm áo thu-đông trùm đầu lạnh toát sương, ba-lô của tôi ném ngay dưới chân. Trên đầu tôi vẫn bộ xương trắng im nguyên nằm trong tấm võng.
Nắng đã lên đặt trên má tôi bàn tay ấm áp, sự sống vuốt ve êm dịu. Tôi ngắm những dây cỏ leo trong suốt như thủy tinh giữa buổi rạng đông. Tôi nhìn giải mây hổ phách phía dưới vầng mặt trời, bỗng nổi lên nỗi thèm khát.
Nắng nhuộm một màu hồng đắm đuối. Thân thể tôi nóng dần, máu trào lên tim như ngọn triều, phấp phỏng. Tim tôi cũng đập phấp phỏng, nuối tiếc, tưởng chừng như chỉ qua buổi sáng này nó không bao giờ còn đập. Tôi chợt hiểu nỗi thèm muốn ám ảnh tôi: Tôi thèm sống... Tôi không hiểu những gì chờ đợi tôi, nhưng tôi thèm sống. Như con trâu bị thương trong cuộc chọi, tưởng đã cắm sừng vào đất bãi, chợt vùng lên lao vào hiệp mới, tôi ngồi dậy sảng khoái vì niềm khát sống gia tăng sức mạnh trong tôi với ngọn đũa của thần linh...
Ngồi bật dậy nên đầu tôi va vào chiếc đầu lâu đau điếng. "Ôi chao, người anh em cục đầu tớ đau làm vậy?" Tôi nhăn nhó nghĩ thầm và bắt đầu thu xếp hành trang. Cuốn nhật ký của người đã chết rơi xuống, lật trang, ngẫu nhiên hiện trước mắt tôi dòng chữ lớn nguệch ngoạc:
- Mẹ ơi... Mẹ ơiii...
Thốt nhiên, tâm linh tôi bật lên tiếng kêu đồng điệu, tiếng kêu làm thung lũng chao đảo rung rinh, làn sóng âm vang tới tận chân trời. Mẹ ơiii... Nơi chân trời lãng đãng khói sương vầng mặt trời bỗng nhòa nước mắt.
"Mẹ ơi, con sắp chết... Chắc con không về với mẹ được chẳng có ai lợp lại mái nhà...!"
Tôi đọc tiếp dòng chữ ngoằn ngoèo trong cuốn nhật ký. Bộ xương kia cũng như tôi, những gã trai chưa vợ. Chưa người đàn bà nào thay thế được hình bóng mẹ trong tim... Chúng tôi vẫn chỉ là những thằng bé con...
- Mẹ ơiii...
Tôi lại thấy nụ cười tươi, mái tóc dài, mùi mồ hôi lẫn mùi thơm quen thuộc.
Đặt cuốn nhật ký giữa lớp áo quần tôi gấp lại cho chúng phẳng phiu. Tôi lấy chiếc khăn mặt cuốn cây sáo trúc cẩn thận rồi xếp tất cả vào ba-lô. Còn sợi dây dù dài, tôi cột chặt chiếc ba-lô của người đã khuất vào lưng ba-lô của mình. Khẩu tiểu liên báng gập nằm phơi trên tấm vải nhựa với các băng đạn. Nắng sớm chiếu vào lấp lóe. Tôi xách khẩu súng lên: “Mẹ kiếp, thằng chó đẻ nào làm ra cái thứ này... nặng như cối đá..." Tôi thầm nghĩ, ước lượng: "Họ bảo súng này có bảy cân, sao giờ mình thấy như một tạ! Lại còn đạn nữa chứ... Có ngậm sâm cũng chẳng tha được của quỷ này." Tôi lẳng khẩu súng sang bên phải, thuận chân đá đám đạn sang bên trái.
Chỉ vài tháng nữa, tất cả sẽ vùi dưới rừng môn thục. Lại một rừng môn thục mới trên đám cây thối rữa, trên mảnh đất thấm đẫm chất thối rữa của da thịt người. Chúng sẽ lại gieo xuống thứ bóng râm nhớt nhát, lạnh lẽo và thổi qua thung lũng ngọn giờ âm u của tử thần.
Thôi, chào nhé...
Tôi đứng trước võng, nhìn bộ xương sạch bóng, ba mươi hai chiếc răng đều tăm tắp, nguyên vẹn. Đầu lâu không cười mà ngoác miệng ra như mếu... “Thôi đằng ấy ráng chịu vậy. Đời mà, biệt ly là chuyện thường. Tớ sẽ mang những vật kỷ niệm này giao tận tay mẹ. Nếu rủi bà cụ không còn nữa tớ sẽ đem đến trước mộ, làm lễ chiêu hồn, cúng siêu linh. Tớ sẽ đọc nhật ký của đằng ấy cho vong nghe, không sót một dòng nào để vong được hởi lòng mát dạ... Chúng mình là những thằng con vô tích sự, làm khổ mẹ khi mẹ còn sống, chỉ an ủi được các hồn ma...”
Tôi chụp mũ lên đầu ra đi. Đi một mạch tới quá trưa, vượt khỏi thung lung tới vùng đồi bao la, mọc các loài gai nhỏ, cây chổi và cây chạc-chìu. Đến đây bắt đầu phải chịu gió Lào, thứ gió khô khan, tàn nhẫn hút kiệt cả mồ hôi lẫn nước bọt.
Không ngụm nước, không hạt cơm, chân bước bồng bềnh như trong mây... Cứ thế tôi mải miết qua không biết bao nhiêu ngọn đồi. Mắt mờ đi, cổ họng sưng, nóng bỏng, tôi lê bước như kẻ mộng du. Vào lúc mặt trời đã chìm một nữa sau giải đồi xa, tôi chợt nhìn thấy một khuôn cửa hầm hình chữ A bên khóm chuối. Không còn đủ hơi để cất tiếng gọi, tôi thu hết tàn lực, lảo đảo tới miệng hầm, nằm vùi xuống đó...
--!!tach_noi_dung!!--

Hiệu đính, sửa chính tả: Thất Sơn Anh Hùng
Nguồn: VN Thư Quán - Thư viện Online
Được bạn: Mọt Sách đưa lên
vào ngày: 29 tháng 6 năm 2004

--!!tach_noi_dung!!-- --!!tach_noi_dung!!-- --!!tach_noi_dung!!--