Chương 1

Suốt đêm tôi nghe gió hú ngoài vực cô hồn.
Tiếng rên rỉ triền miên, tiếng nức nở, đôi lúc tiếng rít hỗn hào như ngựa cái hí ngày động cỡn. Mái lán rung bần bật, những ống tre nứt thổi sáo từng hồi, tấu lên giai điệu thê lương của đám tang vùng thôn dã. Cây đèn chai của chúng tôi phập phù như muốn tắt. Tôi thò cổ khỏi chăn, thổi tắt ngọn lửa, mong bóng đêm sẽ bịt hết mọi giác quan.
-... cành cạch... cành cạch... cành cạch...
Một cành khô đập hoài vào vách liếp... Tôi vẫn không ngủ được. Tiếng gió bên ngoài cuồng dại như tiếng vật vã của ác thú!
"Chị em ơi...
Tôi lẩm nhẩm khấn: "Chị em sống khôn chết thiêng, xin đừng ám ảnh chúng tôi. Xin các hồn ma phù hộ cho chúng tôi cứng cáp chân tay, sáng láng đầu óc, đánh đâu được đó... Bao giờ thắng trận, đất nước an bình, chúng tôi nguyện sẽ rước chị em về quê cha đất tổ..." Khấn xong, tôi trùm chăn kín đầu, cố quên tiếng gió. Nhưng gió vẫn luồn qua tấm chăn, đuổi theo... vực cô hồn.
Cách đây nửa tháng, chúng tôi đã chôn sáu cô gái!
Buổi sáng ấy, tôi cùng tiểu đội của Lành đi kiếm măng.
Khoảng non trưa, cả bọn mò tới vực cô hồn. Chợt thấy từng đàn diều hâu chấp chới, con bay lên, con bổ xuống, kêu náo loạn. Lành dừng lại, hỉnh mũi đánh hơi:
- Có con vật não chết gần đây. Thối quá!...
Thối thật! Mùi thối mỗi lúc mỗi nồng nặc hơn. Chúng tôi định bỏ đi nhưng chính Lành cản lại:
- Biết đâu chẳng phải là xác người? Mà nhỡ là người bên...
Tôi bảo:
- Ờ, thử xem sao...
Chúng tôi hướng vào góc rừng đã tỏa ra mùi thối khủng khiếp mà đi. Tới vực cô hồn, gặp sáu cái xác truồng. Xác đàn bà. Vú và cửa mình bị xẻo, ném vung vãi khắp đám cỏ xung quanh.
Nhờ những tấm khăn dù, nhờ những chiếc cổ áo sơ mi kiểu lá sen tròn và hai ve nhọn mà chúng tôi nhận ra đấy là những người con gái miền Bắc. Có lẽ họ thuộc một binh trạm hoặc một đơn vị thanh niên xung phong cơ động nào đó bị lạc. Cũng có thể họ đi kiếm măng hoặc rau rừng như chúng tôi rồi vấp bọn thám báo.
Chúng đã hiếp các cô tàn bạo trước khi giết! Những cái xác bầm đập méo mó! Da thịt con gái nõn nà tươi thắm vậy mà khi chết cũng thối rữa y như da thịt một lão già phung lỡ hay một con cóc chết!
Đám dòi lúc nhúc trong các vết thương, trong các hốc mắt, hốc miệng. Những con dòi trắng nhở, béo tròn. Chúng tít trên các tử thi, ngoi lội, trồi lên trụt xuống, vẻ viên mãn của loài dòi bọ.
Một cậu lính nhăn mũi:
- Tiên sư loài dòi bọ, không ở đâu không có chúng...
Tôi bảo anh em:
- Đào huyệt đi.
Lũ diều hâu lượn vòng trên đầu chúng tôi kêu la như là ăn cướp. Trời nóng, không gian tù đọng quấn đầy mùi tử thi.
Mồ hôi chảy ròng ròng trên mặt lính. Đào huyệt xong, chúng tôi nhặt nhạnh xác chết, giành giật với lũ diều hâu và bọn dòi từng mảnh thịt rữa của các cô gái xấu số, cho tất cả vào tăng. Túi áo các cô không có giấy tờ chỉ có mấy sợi len xanh đỏ và vài miếng cau khô. Chắc lén để buộc tóc và cau để đánh răng. Các cô vẫn nuôi hy vọng ngày nào đó được cười với chàng trai của mình...
Khoảng đất ở vực hẹp nên chúng tôi chôn sáu ngôi mộ thành vòng tròn. Chôn cất xong, quay lại đám cỏ vẫn thấy dòi vón thành cục. Lành vơ một ôm lá khô ném vào rồi châm lửa đốt. Dòi nổ lép bép... lép bép.. Chúng tôi đứng quây đống lửa, nhễ nhại mồ hôi, người nào người nấy rã rời.
Ném lại những gùi măng, chúng tôi trở về. Không rau, không măng, cơm độn sắn khô với muối vằm xả ớt... Đời lính mà! Tất cả sẽ qua... Vậy mà những ám ảnh không chịu qua.
- Anh Quân ơi, anh Quân...
Tiếng Lũy gọi rền rĩ.
Tôi nằm im không đáp. Lũy gọi nữa:
- Anh Quân ơi... Anh đã ngủ đấy à?
Tôi im lặng, vờ ngủ... Một lúc sau, tôi ngủ thật. Giấc ngủ như con tàu chạy vật vờ, trật trưỡng trên đường rầy, luôn luôn đe dọa trượt bánh đổ. Con tàu không hành khách, chở những giấc mộng thời hoa niên. Trong các toa tàu trống rỗng, rơi rải rác những tờ giấy lem nhem mực tím, những mảnh khăn quàng đỏ, dăm viên phấn gãy, một mẩu bút chì... Con tàu lừng lững chạy như kẻ lữ hành câm điếc. Hai bên là đồng hoang trơ trọi. Tôi muốn gọi người lái tàu, tôi muốn kêu to, tôi muốn kéo phanh hãm... Nhưng tôi câm, tôi trong suốt, vô ảnh, vô hình. Gương mặt tôi tan biến giữa không gian, gió nuốt mất tiếng nói...
- Anh Quân, anh Quân...
Cú đập mạnh khiến tôi bật dậy từ đáy nước. Gương mặt tôi vỡ tan nghìn mảnh tử những gợn sóng lăn tăn xô dạt về, đọng dần từng giây khắc. Tôi mừng rỡ nhìn gương mặt của mình hiện lên.
- Anh Quân... anh Quân... dậy đi anh...
Cánh tay tôi tê bại. Tói cố cử động để kéo mép chăn lên:
- Gì thế mày?
- Dậy mau anh, em thấy một con dộộc (một loại khỉ) to lắm.
Tôi cuốn chăn, nằm im. Tôi đã tỉnh hoàn toàn, không còn tê dại vì thấy mình tan biến dưới đáy nước. Nhưng tôi muốn tận hưởng cảm giác êm ái giữa chăn ấm, để thấy rõ ràng tôi vẫn là tôi, yên ổn, đầy đủ xương thịt, ba mươi hai chiếc răng trong miệng, chân đi tất thum thủm mồ hôi, và giữ nguyên thắt lưng khi ngủ...
- Dậy đi anh... Còn khối thời gian ngủ. Con dô ộc to lắm. Bỏ rẻ cũng mười lăm ký lô...Dậy mau anh...
Tôi nằm im.
Lũy nằn nì:
- Dậy đi anh... Lâu lắm không có chất tươi. Bước đi run cả đầu gối.
Tôi vẫn nằm im.
Lũy thúc hối:
- Đi đi anh... Cả đơn vị sẽ được bữa no nê.
Tôi tung chăn:
- Sao mày không đi đi?
Lũy nhăn nhó:
- Một mình... rợn lắm... Anh đi với em. Em bắn. Em bắn chỉ có từ trúng trở lên thôi.
Tôi ngồi dậy:
- Thằng khỉ, làm gì mà mò dậy sớm thế?
Lũy đáp:
- Đói, bụng em réo ào ào... Nào, ông anh xỏ chân vào. Mau mau kẻo con dô ộc biến mất thì toi công.
Tôi khoác dây giầy, khoác áo, theo Lũy ra đi.
Rừng mờ sương. Những đám cỏ ướt quệt vào tay lạnh buốt. Cây cối xen thành bức màn âm u rung động bởi tiếng vượn kêu bầy xa tít.
Tôi hỏi Lũy:
- Tối thế này sao măy thấy được dô ộc với khỉ?
Lũy cười:
- Thủ trưởng không nhớ rằng mắt em tinh nhất đơn vị hay sao?... Cái bận mình bắn hai con nai bên núi Bồ cào ấy... Với cái bận săn sơn dương trên núi Khế, chẳng em thì ai điểm hỏa?
Tôi ậm ừ:
- Ờ, ờ.
Lũy nói:
- Thủ trưởng chóng quên thế... Chính là hồi ở núi Khế, Thủ trưởng đã tập ăn thịt dộ ộc lần đầu...
- A... ạ... à...
Tôi vô tình thốt tiếng kêu. Tôi không quên nhưng tôi chẳng muốn nhớ tới điều đó.
Lũy không chiu buông tha tôi. Nó nheo mắt cười nụ cười đồng lõa: 
- Thủ trưởng chiu em nhớ dai không?
Tôi im lặng cúi xuống móc một con vắt trong cổ giầy.
Dù trời chưa sáng rõ, vẫn thấy vết máu dây trên tay. Mùi máu tỏa trong hơi sương lạnh, vừa tanh vừa ngát như lẫn thuốc mê của người vùng núi.
Lũy bước dấn lên:
- Đoạn này đường hẹp, để em đi trước... Anh em mình cố lên, thế nào trưa nay cũng có một nồi cháo to... Rồi Lũy quay lưng, rảo bước.
Tôi hình dung nồi cháo sôi sùng sực ở chân núi Khế.
Đám lính khua hăng-gô thìa bát ngồi vây quanh. Những đôi mắt hau háu nhìn làn khói bốc lên. Thỉnh thoảng bếp trưởng lấy chiếc muôi gỗ khoắng lên một chất nước trắng sóng sánh lẫn những hạt gạo nở to... Và những... bàn tay bàn chân dộ ộc trông hệt như bàn tày bàn chân đứa trẻ lên hai.
- Tuyệt... tuyệt...
- Mươi phút nữa là được... ngon hơn cháo yến ngày xưa đấy nhé...
Đám lính xuýt xoa...
Tôi nhìn những bàn tay bàn chân bé xíu của tổ tiên loài người nhào lộn trong nồi cháo, kinh hãi...
Ngày xưa, khi đi chợ phiên vùng núi phía Bắc, tôi đã từng kinh hãi nhìn những chảo thắng-cố vĩ đại sôi sùng sục trên ba lảng đá đen. Một ngọn lứa vàng rực ôm quanh
miệng chảo, - chụm bởi những khúc củi lớn như cây cột nhà, - reo phần phật.
Trong chảo, nước nổi váng bọt ngầu, lồng cồng từng bộ xương bò, xương trâu lẫn những chùm gan, lá sách, lá lách, cả móng trâu, móng bò, móng ngựa.
Người bán thắng-cố bận quần áo đen nhờn mỡ, mắt xếch, đầu trọc, dùng một cây tre đực vót nhọn xuyên từng tảng thịt lớn trong chảo đặt lên miếng ván gỗ, thái thịt bằng
con dao phảng - thứ dao có thể chém đứt phăng cái cổ lực lưỡng nhất theo luật xứ An nam xưa.
Dạo ấy tôi đã ngắm nhìn chảo thắng-cố với nỗi hãi hùng và sự khâm phục lén lút, bởi vì tôi được nuôi dưỡng trong nền văn minh nghèo đói của sông Hồng, - nơi người ta chỉ được ăn thịt trong những ngày giỗ, ngày Tết, hưởng một chút khoái lạc nương nhờ sự hiện diện của các hồn ma, học thói bày thịt điêu toa, thái miếng thịt càng mỏng càng được khen là tài, bày thịt càng lừa được mắt thế gian càng được khen là khôn.
Do những lẽ đó, tôi thấy món thắng-cố như thứ thực phẩm của những kẻ khổng lồ từ trong rừng đi ra, một thứ thức ăn man rợ và hùng tráng, gợi đến những hắc điếm nổi tiếng, các tay lục lâm thảo khấu thích nghe đàn tì bà và có tâm hồn cao thượng... Nhưng... thắng-cố là một nỗi kinh hãi. Cháo dộ ộc lại là nỗi kinh hãi khác.
Dộ ộc là loài khỉ lớn, giống người hơn cả trong mọi loài khỉ. Nó ít đi thành bầy đông đảo như khỉ lửa, khỉ đen, - có thể nặng từ mười tới mười lăm ki-lô, thịt ngon ngọt một cách lý tưởng đối với dạ dày lính.
Nhưng loài thú này có ánh mắt hệt như ánh mắt người. Cái nhìn của nó cũng tươi cười lấp lánh, cũng thù hận, cũng đớn đau ai oán... Và nhất là hai bàn tay, hai bàn chân nhẵn
nhụi, trắng trẻo hệt như hai bàn tay bàn chân đứa trẻ lên hai.
Đơn vị tôi có nhiều tay súng khá. Chúng tôi thường tổ chức săn trong những dịp rảnh rỗi. Thịt nai, thịt gấu, thit chồn hương, gà gô... chẳng thiếu thứ gì. Nhưng cũng có những nơi bom đạn đã xua đuổi mọi loài. Bếp đơn vị, hàng tháng ròng không có mùi thịt thú.
Dạo ở núi Khế, chúng tôi hạ được hai con sơn dương. Sau đó, bao nhiêu tay súng tài ba cũng chịu. Tám tuần liền, cơm chỉ muối trộn ớt và môn thục nấu canh suông. Bọn lính
bèn săn khỉ.
Ngay hôm đầu tiên, chúng đã hạ được một con dộ ộc. Lần ấy, có năm thằng tổ săn cùng hai cậu bếp dám ăn món cháo. Nhưng lần thứ hai, con số gấp đôi. Lần thứ ba, nửa đại đội. Lần thứ tư, toàn thể đơn vị, trừ một mình tôi...
Lúc ấy, cả bọn đổ đi săn dộ ộc.
Chúng không chỉ nấu cháo mà còn bày ra món nhúng, món gỏi... Tất cả xúm vào gạ gẫm:
- Thủ trưởng không biết chứ đã ăn thịt dộ ộc rồi thì hươu nai gà vịt đều nhạt như nước ốc. Loài dộ ộc sắp thành người, thịt mới ngọt như vậy...
- Đừng tưởng tượng, thủ trưởng ơi... Nay mai hành quân, đầu gối long ra là hỏng chuyện. Cứ coi nó như miếng lòng lợn là xong...
- Thủ trưởng ơi, thử một lần xem sao. Một bát cháo dộ ộc bổ hơn một lạng cao khỉ đấy...
Trong tập thể, người di biệt giống như cái đinh chòi ra.
Ai cũng muốn bẻ cái đinh ấy đi, dù kẻ mạnh hay thằng hèn, dù kẻ háo thắng hay thằng nhẫn nhịn... Tôi biết mọi người muốn tôi khuất phục, ít nhất là để chứng tỏ sức mạnh của số đông...
Chiều đó Lũy hạ được con dộ ộc nặng gần hai yến. Tổ nấu bếp lọc thịt làm món nộm với các loại lá thơm rừng và sả ớt. Còn xương đem nấu cháo. Tối đến, trời rất lạnh. Hơi cháo thơm bốc trắng xóa. Lính ngồi chầu hầu xung quanh, mắt sáng rực. Tếu, cậu binh nhì quê Tiền hải, kéo áo tôi:
- Xếp trưởng ăn với chúng em bát cháo nhá?...
Tôi lắc đầu:
- Không.
Tếu nằn nì:
- Xê trưởng thấy đấy, cháo độc thơm hơn thịt nai.
Tôi bảo:
- Tao không thích.
Tếu lắc đầu:
- Không phải không thích. Chỉ vì xê trưởng sợ... Đúng không?
Tếu lấy muôi khoắng, vớt lên bàn tay con khỉ:
- Nó hệt như bàn tay trẻ con mà... Xê trưởng hốt... Nhưng em bảo đảm, thử một lần, lần sau sẽ nghiện...
Đám linh xung quanh reo hò:
- Thủ trưởng can đảm lên... Thử đi... thứ đi...
- Anh em ơi, lần này không tha cho Thủ trưởng...
- Quyết bắt Thủ trưởng ăn cháo dộ ộc với chúng ta...
Mặt tôi nóng bửng. Tôi nhón bàn tay con dộ ộc trong chiếc muôi gỗ, bỏ vào miệng nhằn lấy nhằn để, rồi phun ra một nắm xương.
- Hoan hô... hoan hô... Có thế chứ...
- Thủ trưởng muôn năm...
Bọn lính reo hò, gõ bát, gõ hăng-gô ầm ĩ. Gáy và lưng tôi nóng rực. Tôi ném cho bọn chúng một cái nhìn ngạo nghễ rồi bước ra khỏi hang. Đêm đen. Tôi mò mẫm xuống suối vốc nước súc miệng, cố móc cho cái bàn tay độc vọt ra. Nhưng món ăn bổ béo ấy đã trôi qua cổ họng tôi, không có phép thánh nào làm nó nhảy ra được. Cảm giác tanh lợm làm tôi ghê sợ. Tôi hối hả châm thuốc hút. Đốm lửa đỏ rực trong đêm. Tim tôi ấm dần lên. Làn khói vương vấn trên mặt tôi, ve vuốt. Trí não tôi cũng ấm dần lên...
Ngày tôi năm tuổi, có một ngọn đồi xa thẳm. Ngọn đồi xanh với những vòm mít vòm nhãn trùm lên nốc chùa rêu mốc. Nửa mái tam quan đổ nát nhô lên khỏi lùm cây.
Một chiều nào đấy, nắng ấm bò quanh những luống sắn nghiêng ngả dưới chân đồi.
Mẹ tôi dẫn tôi leo lên con dốc sỏi dẫn đến chùa. Bụng mẹ to gần bằng chiếc thúng trồi lên dưới hai vạt áo nhuộm vỏ dà. Vừa đi mẹ vừa ôm bụng nhăn nhó. Mặt mẹ tái nhợt, mồ hôi vã đầy hai thái dương. Con nhớ túm chặt miệng túi kẻo rơi hết áo quần, tã lót. Mẹ bảo.
- Vâng...âng âng...
Tôi cố hét to để trấn áp cơn sợ hãi. Tôi chưa thấy mẹ như thế bao giờ. Mẹ tôi xinh đẹp, tươi thắm, cười lanh lảnh như chuông, đu đưa tôi trên võng tay, bế bồng tôi lên trời...
Mẹ tôi như dòng nước trong veo chảy vào chum, qua chiếc mo cau trắng nõn. Mẹ yêu tôi. Tôi yêu mẹ. Chúng tôi yêu nhau. Khi tôi ôm cổ mẹ, không còn gì làm tôi sợ hãi, dù là tiếng súng, tiếng tù và, tiếng rú hay bóng ma...
Vậy mà lúc ấy mẹ có bộ mặt trắng nhợt của kẻ chết trôi. Bụng mẹ kềnh càng giống bụng cóc, trông kỳ dị, xấu xí.
Mẹ đi lom khom như bà còng. Tôi chạy theo mẹ, mặt nhễ nhại mồ hôi... - Quân...uấn uấn... mau lên...
Bất chợt mẹ thét lên làm tôi ríu cả chân. Mẹ tôi chống tay vào hông, ngửa bộ mặt ướt đẫm lên trời:
- Ối giời ơi i i...
Những giọt mồ hôi của mẹ lăn dài trên cổ. Cha tôi đã lên an toàn khu, một mình bơ vơ nơi quê chồng, mẹ tôi đành lên chùa nhờ một sư nữ vốn là bà mụ-vườn và có họ hàng xa giúp đỡ. Ông bà nội tôi đã mất, ông bà ngoại ở tít xa nơi chân trời - nơi những lượn lúa vàng nhòa đi trong khói súng, tiếng đạn bắn qua bắn lại giữa bọn tề với Việt minh thi thoảng lại vang rền.
Tôi biết nhưng điều ấy nhờ những ngày mẹ tôi nghỉ đi chợ, chờ sinh nở. Những ngày ấy, mẹ thường ôm tôi vào lòng, thủ thỉ, ve vuốt, cái bụng nhọn và ấm của mẹ chạm vào tôi. Nếu tôi tò mò đặt bàn tay lên, tôi thấy vật gì đó trồi lên, trụt xuống. Mẹ tôi cười:
- Em con đấy... Nó đạp khiếp không?... Đấy, nó lại đạp nữa rồi. Chắc chắn sau này nó sẽ nghịch hơn con. Hồi ở trong bụng mẹ, con không đạp liên hồi như thế...
Tôi không hiểu lời mẹ nói. Nhưng tôi cảm nhận lờ mờ rằng trong cái bụng tròn và ấm của mẹ có một sinh vật gần gũi với tôi...
- Quân uấn uấn... khéo không rơi túi quần áo...
- Vâng... âng âng...
Bỗng nhiên mẹ tôi phủ phục giữa đường, kêu rống lên:
- Giời ơi i i... Tôi chết... tôi chết mất...
Mặt mẹ vục xuống cát. Tôi ôm cái hông to bè của mẹ, mếu máo:
- Mẹ ơi...
Mồ hôi mẹ tháo chảy ướt đầm lưng áo. Tóc bết quanh cổ, mẹ tôi đưa tay cào dứt những búi cỏ bên đường. Tôi đứng trơ trọi, run rẩy:
- Mẹ ơi i i...
Mẹ tôi lại gào:
- Chết mất... Tôi chết mất thôi...
Tôi ôm tấm lưng ướt đẫm. Rồi... không hiểu thần linh nào xui khiến, tôi bỗng cất tiếng nói dịu dàng:
- Mẹ ơi, con lạy mẹ... Mẹ đừng chết. Mẹ sống nuôi con...
Mẹ tôi từ từ ngẩng đầu lên, ánh sửng sốt lướt qua khóe mắt, làn môi thoáng cong lên như chạm tới một nụ cười:
- Con trai của mẹ...
Mẹ thì thầm. Một nụ cười nở trên gương mặt méo xệch. Rồi, mẹ cúi mặt, cắm cúi bò lên phía trước. Tôi xốc túi quần áo, chạy theo... Tôi không còn nhớ mẹ con tôi đã leo qua cổng tam quan bằng cách nào. Mấy bậc đá vừa cao vừa trơn như bôi mỡ.
Sư nữ đưa chúng tôi ra căn nhà hoang tít sau vườn, nơi các bụi cỏ leo mọc trùm lên các bậc đá và bụi kết từng đám trong phòng, trên các gờ cửa, trên bàn thờ gỗ, ngay cả những tấm mạng nhện khổng lồ như mạng nhện của loài yêu quái trong chuyện cổ cũng xám xịt vì bụi.
Mẹ tôi nằm trên cái nong cũ trải lá chuối và vải thưa. Giữa hai đùi mẹ, dòng máu thắm vọt ra, thắm đỏ như huyết con trâu bị chọc tiết ngày lễ... Cuối cùng là tiếng khóc oe oe và những bàn tay bàn chân đỏ hỏn quờ quạng giữa không trung.
- Mẹ mày đẻ em trai rồi... Sao không ra mừng mà đứng run như giẻ thế kia?
Giọng một người đàn bà quát vào tai tôi.
Và tiếng của một người đàn bà khác:
- Mô Phật, thằng bé dễ yêu quá, đừng làm nó sợ... Này cu Tý... lại đây xem em trai...
Bà chĩa trước mặt tôi một sinh vật đỏ hỏn. Tôi sợ cái mặt cau cớ như mặt cụ già, mấy nếp nhăn trên vầng trán ướt nhoẹt, vài sợi tóc lưa thưa... Hai bàn chân nó quẫy đạp vào mũi tôi. Lúc ấy mẹ tôi quay lại:
- Con trai mẹ, em đấy mà...
Nắng chiều hắt ngoài vườn vào mắt mẹ, ánh mắt êm đềm. Giọng nói mẹ trở lại lảnh lót như xưa. Tôi trút đi được cơn sợ hãi. Túm lấy bàn chân đỏ hỏn của cái sinh vật xa lạ ấy tôi cọ vào má:
- Em em em...
Nhà sư và bà phụ đỡ cùng cười. Mẹ tôi cũng cười, răng trắng ánh lên như ngọc. Tôi yêu nụ cười của mẹ. Tôi sung sướng reo:
- Em ơi i i...
Em tôi khóc oe oe. Tôi buông chân nó ra để các bà mụ đem đi tắm. Trong chiếc chậu sành, nó khóc kịch liệt, đạp kịch liệt khiến nước bắn tóe ra xung quanh...
Điếu thuốc đã tàn một nửa. Bên kia đốm lứa đỏ là bóng cây chập chùng. Một con thằn lằn trượt qua, ánh lên vệt lân tinh. Tôi lại thấy buồn nôn. Tôi muốn móc cái bàn tay con dộ ộc ra. Tôi rít mạnh hơi thuốc, tự nhủ:
- Chẳng có gì liên quan, chẳng có gì...
Nhưng bàn chân nhỏ xíu của đứa em trai ngày sơ sinh vẫn quẫy đạp trước mắt tôi. Một váng mây trong suất phập phồng giữa không gian. Tôi rít nốt hơi thuốc rồi ném mẩu chót xuống suối, cổ họng đắng ngắt. Có cái gì đó đã rớt lại phía bên kia... rớt lại phía bên kia đường chân trời...
- Anh nghĩ gì thế?
Lũy hắng giọng rồi huých vào sườn tôi.
- Chẳng nghĩ gì cả.
- Thế thì anh nói chuyện đi. Hai anh em cứ lùi lùi như gấu mò... ghê bỏ mẹ...
- Tại sao mày không gọi tao là anh, có dễ nghe không?
- Được một lát lại thủ trưởng... xê trưởng...
Lũy cười khì khì:
- Lúc nào em muốn nịnh anh thì tự nhiên cái lưỡi nó phun ra hai từ thủ trưởng...
- Ra thế... thủ trưởng, xê trưởng... Khều được tao chui khỏi chăn, khoác súng vào rừng là từ thủ trưởng biến thành thủ viên?... Đồ đểu... - Anh đừng giận, em có lừa anh cũng chỉ lừa được những cái tí ti, bõ bèn gì?... Cẩn thận... đoạn này em nghi còn mìn lá...
Trời đã rạng. Lũy vượt lên đi trước. Hai cánh vai ngang bè giương ra như gọng xương con dơi. Lưng Lũy gù gù, nó cao tới một thước bảy mươi lăm. Cơ thể nó đòi chất sống. Lâu nay chúng tôi chỉ ăn mắm tôm khô với rau rừng, rêu đá nấu suông. Da thằng bé nhợt đi. Bữa nào nó cũng ngồi nhặt từng hột cơm rơi bỏ vào miệng. Miếng cháy quá lửa đen như nhọ chảo nó cũng không tử, ước gì được một bữa no. Một chõ xôi trắng với nửa cái chân giò luộc... hay một rá bún chấm mắm tôm chanh.
- Anh Quân ơi, cho em xem cái hộp đường...
Tối nào Lũy cũng nhắc lại cái điệp khúc ấy. Tôi bực mình:
- Đàn ông gì thứ mày?... Cái hộp đường vét nhẵn hôm nọ rồi còn gì?
- Chưa, chưa đâu... Hôm nọ em mới vét sơ sơ...
- Thế thì ra ba-lô mà lục...
Lũy moi hộp đường của tôi ra, lúc đầu dùng thìa, sau dùng lưỡi vét. Cuối cùng, nó đổ nước suối, lắc òng ọc lên rồi ngửa cổ uống cạn...
Qua buổi tối hôm đó, Lũy không còn biết hành hạ thứ gì cho đỡ đói. Những giấc mơ thực phẩm càng làm nó khốn khổ. Ở nhà, Lũy được chiều. Nó là con một. Mẹ vừa làm ruộng vừa buôn vặt nên rủng rỉnh tiền. Mỗi bữa Lũy ăn tám chín bát cơm.
- Cẩn thận anh Quân, xuống vực đấy...
Chúng tôi bám những chùm rễ cây, lần từng bước xuống vực. Vực này rộng và nông hơn vực cô hồn. Quanh các thân cây già, quấn quít loài dây leo màu tím nhợt, hoa to như hoa loa kền xanh lơ điểm chấm đen. Giữa các ống hoa phủ đầy phấn, vươn lên những chiếc vòi mềm mại và hiểm ác như vời bạch tuộc, gần như không màu sắc, lấm tấm những giọt mỡ nhớt nhát vàng, mùi hương bầm dập như hoa bào tây lẫn với mùi tanh của máu.
- Đây rồi. Anh chờ em.
Lũy xăm xắn chạy lui chạy tới kiếm cho tôi một khúc gỗ mục làm ghế ngồi:
- Thế nhé. Anh cứ việc vuốt râu mà ngắm cảnh. Mọi việc để em. Con dộ ộc này không thể thoát khỏi đây. Em đã để ý kỹ. Nó cứ lẩn quẩn trong đám cây dưới khe. Chắc nó đói.
Tôi ngồi, co vai cho ấm. Ánh lê-minh len lỏi qua lớp sương rắc từng vệt sáng màu bạc lạnh. Tử vực có một khe nước nhỏ dẫn tới hang đá, lô nhô những thân cây khắc khoải, cành thưa và đen, xù xì những u, như bướu của kẻ tật nguyền.
Không lẽ loài dộ ộc kiếm ăn ổ đây? Cây khắc khoải có trái nhỏ và bùi, vừa tựa như trái trám lại vừa tựa như trái đậu-keo. Nhưng thứ trái cây này hiếm dẫu rằng hoa nở tràn lan vào mùa thu, hết đợt này qua đợt kia, dùng dằng cho tới cuối đông chưa dứt và những cánh hoa li ti màu khói rơi thành lớp dày trên mặt đất bốc lên một mùi thơm nôn nao quằn quại. Chưa ai tìm được ba trái cây khắc khoải. Người leo giỏi nhất cũng chỉ hái được hai trái. Ai cũng muốn nếm một lần, không phải vì hương vị ngon ngọt bổ béo mà vì tò mò. Loài trái cây này ăn ngon nhưng ăn xong, tim đập lúc nhanh lúc chậm, óc não vấn vương những giấc mơ thần bí và con người bỗng thấy sự bất tường trước đời sống, nảy nở ra mối khoái cảm lạ kỳ là: thắc thỏm đợi chờ cái chết... Không có lẽ loài khỉ rừng kia cũng muốn tìm cảm giác bất tường, cũng muốn được phập phồng chờ đợi tử thần...
Lũy bỗng đứng lên một mỏm đá, giơ tay ra hiệu cho tôi. Theo hướng tay Lũy chỉ, tôi nhìn thấy một bóng đen lẩn khuất trong đám cành cây khắc khoải. Giữa sương mờ, nó giống hình dáng của một con gấu ngựa mới trưởng thành, lần đầu đi ăn trộm mật ong.
Lũy ra hiệu tôi ngồi im, xách súng lom khom chạy về phía trước. Một giải sương trắng đục che khuất. Tôi không trông thấy Lũy, tôi khoanh tay, chờ đợi. Cái bóng trên cây khắc khoải đang di chuyển. Nó chuyền sang một cây khác và trèo ngược lên.
- Đoàng.
Súng nổ. Một tiếng kêu đập vào các vách núi vọng tới khiến tôi rợn gai ốc. Tôi đứng vọt dậy như bị ai quất: Tiếng kêu ấy không giống tiếng kêu loài thú, cho dù loài thú ấy đã được liệt vào hạng tiền sử của loài người. Và những hồi âm từ các vách đá gần xa ném lại, nhân lên bởi các khe lũng, bồi tiếp những âm hưởng dài và sắc như vết thương khứa bởi một mảnh nứa cật.
Lũy quay đầu, xách súng chạy bổ lại phía tôi. Mặt nó tím xanh:
- Anh Quân... anh Quân...
Tôi không dám nhìn vào cặp mắt láo liên của nó.
Chính tôi cũng run lên.
- Làm sao thế?
- Em không biết... Tiếng con dộ ộc kêu y như tiếng người... Anh Quân, em sợ... Anh đi với em...
Lũy tụt lại phía sau, mũi súng trút xuống. Chúng tôi đi dọc theo lòng khe, về đám cây khắc khoải. Những viên sỏi trượt dưới đế giầy làm tôi lao chao muốn ngã, - mỗi lần như thế, mồ hôi rin ra thấm đẫm lưng.
Sương vắn quẩn giữa đám lá cành trên đầu chúng tôi, mát như thạch. Chân tôi vướng vào một bụi gai. Đột nhiên, phía sau bụi gai bật lên tiếng rên:
- Thủ trưởng... ương...
Lũy bóp chặt cánh tay tôi. Chúng tôi lao về phía bụi gai. Phía sau đám cây rùm ra, phơi ra hai chiếc cẳng chân gầy quắt queo, giầy đã rách, bên có tất, bên không. Tim tôi đập lồng lộn, tôi kéo Lũy chạy tới, thấy người bị thương đang ôm bụng, mảnh dù pháo sáng kẹp ở nách nhuộm đẫm máu tươi. Máu thấm đẫm cả phần bụng dưới, một bên túi và cửa gài khuy quần. Tôi nhận ra Phiến, cậu lính nhút nhát nhất đơn vị. Phiến thấy chúng tôi ngồi xuống thì cố nghển cổ lên:
- Anh Lũy... bắn ăn ăn... nhầm em rồi... ì...ì...
Cậu ta cố mỉm cười, chiếc răng khểnh chìa khỏi vành môi, nhưng hai mép run giật đau đớn. Phiến nhìn tôi, thều thào:
- Thủ trưởng ương... đừng... đừng kỷ luật em... Em trót ót trót đi... kiếm iếm... dù cho...o...
Phiến nấc lên giữa chừng câu nói, cổ ngoẹo sang một bên, mềm oặt... Tôi đặt tay lên ngực trái Phiến, không thấy động tĩnh gì. Tôi nhổ một sợi tóc đặt trước lỗ mũi cậu ta. Sợi tóc im phăng phắc. Lũy rú lên, vùi mặt xuống ngực Phiến khóc rưng rức. Tấm thân to lớn kềnh càng của nó run bần bật.
- Giời ơi, giời ơi... giời ơi...
Mắt Phiến vẫn mở, không còn ánh lên nỗi vui mừng hay buồn khổ. Trước đấy một phút, khi nói lời cuối cùng, nó còn dán vào mặt tôi, nhịn nhục sợ hãi:
- Thủ trưởng đừng kỷ luật em... em... em...
Cậu lính này đã lẻn dậy sớm, đi kiếm dù pháo sáng. Nó kiếm dù cho ai nhỉ?... Nó đã lẻn đi như thế này bao nhiêu hôm rồi? Tại sao tôi không biết?... Trong cuốn sổ danh bạ của viên chỉ huy hạng bét hiện lên dòng chữ:
- Nguyễn văn Phiến. Tuổi: Mười chín.
Quê quán: Làng Nèo, Gia viễn, Ninh bình.
Cao một thước năm mươi.
Mặt rỗ hoa, có răng khểnh.
Tính nhẫn nhịn, nhu mì.
Bất cứ nơi nào, dù trong rừng hay đóng quân ở nhà dân, những việc nặng nhọc bẩn thỉu đều có mặt Phiến: lấy củi, kiếm rau, nặn than đun bếp, móc cống, làm vệ sinh lán trại...
Gặp đám gái làng xinh tươi, những cậu bẻm mép lăn vào tán tỉnh, trăng gió. Nhưng hễ có hậu quả tai hại, bao giờ Phiến cũng được cử đi dàn xếp. Bộ mặt Phiến có cái vẻ của kẻ chịu tội bẩm sinh. Dù hung đồ đến đâu, nhìn vào bộ mặt tuẫn nạn ấy cũng khó xuống tay đao. Dạo còn ở ngoài tiền duyên, Phiến thường kè kè bên mình cây nhị. Lúc nào rỗi lại thấy cậu ta ra gốc cây cò cử:
"Trèo lên Quán dốc, ngồi gốc cây đa... ì...a..."
Lũy vẫn phục xuống khóc. Tôi quát:
- Đứng lên... Đứng...
Cậu ta ngẩng mặt, ngơ ngác nhìn. Máu và nước mắt tèm lem.
Tôi điên tiết lên:
- Mày khóc cái gì?... Mày sẽ phải ra tòa án binh, chờ lĩnh một viên đạn vào đầu.
Lũy đứng im. Một giọt nước mắt đỏ ngầu rơi từ má trái xuống cổ áo.
- Mù-xoa đâu, lau mặt đi. Dù có phải ra tòa án binh, mày cũng không thể giữ cái bộ dạng như thế.
Lũy thò tay vào túi quần, lục tìm, lấy ra một chiếc mù-xoa bẩn thỉu, vo viên thành cục. Cậu ta gỡ tấm khăn nhàu nát ra, đờ đẫn lau mặt.
- Mày tính thế nào?
- Đằng não cũng phải lĩnh một cái án tử hình... Hay tao bắn cho mày một phát?
- Vâng.
Lũy gật đầu, tiến lên đúng im trước mặt tôi:
- Anh bắn em đi. Đằng nào cũng thế.
Cậu ta nhắm mắt lại. Tôi liếc xuống tử thi: Khốn nạn, thằng sống thì nhắm mắt chờ đạn, thằng chết mắt lại mở trừng trừng...
Lũy nói:
- Anh bắn đi... Thế nhẹ nhõm hơn...
Mắt Lũy vẫn nhắm nghiền. Trời đã sáng hẳn nên tôi nhìn rõ những nếp nhăn hằn trên má, dưới mí mắt. Bộ mặt tái xám ấy là bộ mặt của một lão già. Thằng khốn nó đã già đến thế ư? Có lẽ chính tôi cũng đã già đi nhanh như nó. Nhưng chúng tôi không có thời gian để nhớ kỹ gương mặt mình. Hai tay tôi rũ xuống. Thân thể tôi như không còn xương cốt. Tôi bảo:
- Lũy, mở mắt ra.
Nó mở mắt, đờ đẫn.
- Mày tưởng tao có thể giơ súng bắn mày hay sao?
Luỹ im lặng. Đám cây khắc khoải in vào đôi mắt bất động của nó những vệt xanh đục. Tôi nhắc lại:
- Mày tưởng tao có thể giơ súng bắn mày sao?
Nước mắt lại ứa ra, trào qua mi, lăn xuống hai gò má Lũy.
- Chuyện nãy xảy ra, chỉ tao với mày biết. Không ai muốn. Cũng không ai lường trước. Tai họa như sấm sét nổ trên đầu, chẳng ngăn được. Giờ, đưa mày ra tòa án binh, nhận án tử hình hay tù cấm cố, được cái gì nào?... Vả lại mẹ mày sẽ...
Lũy bật khóc nức nở. Mẹ nó... người đàn bà ở góa nuôi con. Bà ấy sẽ chết dần chết mòn, nếu nó hy sinh. Nhưng bà ấy sẽ phải treo cổ hay nhảy xuống sông tự tử nếu nó bị tuyên án tử hình hoặc tù cấm cố.
Tôi đã gặp bà ta một lần, ngày nhận lính. Ngày ấy, Lũy trẻ măng, hai má tơ hồng mơn mởn, trắng như con gái. Nó khép nép đi sau một người đàn bà khổng lồ, bơi kềnh càng trong tấm áo lụa mỡ gà... Mẹ nó, vị thần hộ mệnh, nô lệ và người bạn thân thiết. Người đàn bà xấu xí, con voi cái đơn độc chỉ có niềm tự hào duy nhất, nguồn vui sống duy nhất là đứa con trai...
- Thế nào?...
Lũy vẫn khóc nức nở. Tôi gắt:
- Im mồm đi... Mày thấy chưa?... Nếu mày chết nhục nhã như thế, mẹ mày sẽ chết theo... Cho nên, phải im như tờ. Giờ về lán, sinh hoạt như thường. Trưa, tới giờ cơm, tao sẽ bảo Khuê kiểm quân số. Sẽ cử người đi tìm. Anh em sẽ bắt gặp nó như sáu cô gái ở vực cô hồn thôi. Hiểu chưa?
Lũy mếu:
- Em hiếu... Nhưng anh cứ bắn cho em một phát... Thế này em cũng không sống được đâu...
Tôi nắm tóc nó giật giật:
- Này, tĩnh trí lại đi... Lộ chuyện này ra, cả tao với mày cùng chết... Nhưng như thế thì được ích gì? Tao với mày không phải kẻ phản bội, cũng không phạm tội cố ý... Lẽ ra, tao chẳng bày ra cái trò này làm gì. Kệ mày lĩnh một viên kẹo đồng cho nhẹ xác. Nhưng tao thương mẹ mày, hiểu chưa?... Tao thương bà ấy chứ không phải thương mày...
Câm mồm, không được bật ra một tiếng thút thít nữa. Và lau mặt cẩn thận. Trông mặt mày gớm ghiếc như mặt ma...
Trưa hôm ấy, giờ cơm, tôi bảo Khuê kiểm điểm quân số.
Anh em thì thầm:
- Thằng Phiến lẩn đi đâu?...
- B quay rồi... Sai, cứ đem cổ tao ra mà chặt.
- Thằng ấy sao mà đào ngũ được?
- Rất có thể đấy. Thường những thằng nhu mì nhất lại hay gây ra những cú động trời...
Trong ba lô của Phiến có một chiếc dù hoa to và tám mảnh dù pháo sáng.
Buổi chiều, trong khi Khuê cử anh em đi tìm Phiến thì liên lạc sư đoàn mang công văn xuống, triệu tôi lên họp gấp.
Lũy tiễn tôi một đoạn đường. Cậu liên lạc, trong lúc chờ, lẻn vào chỗ khuất đái. Tôi hỏi Lũy:
- Tại sao thằng Phiến nó tích lắm dù thế không hiểu?
Lũy đáp:
- Mọi người lấy dù làm khăn quàng cổ, làm kỷ niệm.
Nhưng nó kiếm dù để sau này đổi vải may áo. Ở quê nó, ai cũng thích có một chiếc khăn dù...
- Sao mày biết?
- Nó kể với em... Nó bảo: Sau chiến tranh, không biết làm gì ra tiền, có ít mảnh dù đem đổi lấy vải may áo quần cũng tốt... Anh Quân, anh không biết đâu... Nhà Phiến nghèo lắm. Bố mẹ nó chết từ lúc em nó lên hai. Hai anh em chăn vịt thuê, mót thóc, đánh dậm nuôi nhau. Nó thương em gái lắm... Lũy lại khóc nức lên...
Tôi bảo:
- Thằng liên lạc nó đến bây giờ... Im đi... Giờ mà mày làm lộ chuyện thì tao chết trước, hiểu chưa?
Lũy im bặt, quay về. Tôi cùng cậu liên lạc lên sư đoàn.