Tôi nhớ khôn nguôi người đàn bà mộng tưởng của tôi, người đàn bà đi qua đường chân trời. Gương mặt ấy ngời ánh sao trong đêm lúa vàng rượi. "Bao giờ mình cưới hả anh?” Cái eo lưng mảnh mai đến thế. Và ánh nhìn xanh xao của em ngày tôi nhập ngũ, ánh nhìn vời vợi qua những con đường lầm bụi, nhưng con đường thối rữa trong bùn, những con đường mục nát cây cỏ và tử thi... Tôi nhớ khôn nguôi, người đàn bà xa vắng của tôi. Gương mặt ấy mơ hồ, có lúc hao gầy, có lúc tươi thắm như gương mặt mẹ ngày xưa với tiếng cười lảnh lót rạng đông, với cái nhìn không bao giờ vơi cạn, với cả điệu nựng nịu ngây ngô và bất tận. “Bồng bồng, bống bống, bang bang...” Nắng vàng tự đỉnh trời rãy xuống. Ở sư đoàn, Lương bảo tôi rằng trong thời gian tôi đi vắng, Lũy đã mắc chứng bệnh điên, thêm trầm cảm. Một tuần lễ, cậu ta ủ rũ không nói, xê phó Khuê hết dọa nạt lại dỗ dành cũng không moi được một lời. Sau đó, sang ngày thứ tám, Lũy không ăn uống, không đi ra ngoài. Cậu ta chúi đầu vào một xó nhà, hai tay lúc nào cũng giơ lên che mặt. Hễ ai tới gần lại rú lên sợ hãi. Sang ngày thứ mười, Lũy không chỉ sợ người lại sợ cả ánh sáng. Cậu ra rúc dưới tấm chăn, nhất đinh không chịu bỏ ra. Lũy gầy rộc đi, hôi hám, con mắt lơ láo như mắt thú bị đạn. Sư đoàn đã cho chuyển cậu ta tới bệnh viện quân khu. Từ đó tới nay chưa có tin tức gì. Lương an ủi tôi và bảo tôi về đơn vị chuẩn bị. Chúng tôi sắp tham gia một trận đánh lớn. Khi tôi kể chuyện Biền, chuyện gia đình anh và làng xóm, anh chỉ lặng yên nghe. Tôi hơi bực nhưng lại tự an ủi rằng thời thơ ấu đã qua lâu rồi. Giờ Lương là sư phó, hàm đại tá. Sự vinh quang chờ đợi anh ngay bên kia ngưỡng cửa. Anh không thể còn là người bạn nguyên vẹn của tôi. Anh bắt đầu bài tập chối bỏ gốc rễ... Tôi chào anh, hậm hực đeo ba lô về đơn vị. Trận đánh của chúng tôi tuyệt đẹp. Sóng Sông Hồng đã đại thắng, chứng minh khả năng kỳ lạ của kỹ thuật chiến tranh. Một trung đoàn đích bị xóa sổ, hai trung đoàn tan tác. Chúng tôi được lệnh rút về hậu cứ nghỉ ngơi, nuôi dưỡng sức lính. Dọc đường hành quân, một hạ sĩ vấp mìn chết! Anh em bảo cậu ta mò vào rừng đi đồng hay đi tiểu. Nhưng khi mở chiếc ba lô nặng chích ra kiểm kê, tôi thấy hơn ba chục chiếc vừa thìa, vừa dao, vừa nĩa... Toàn đồ i-nốc Mỹ. Chút nữa tôi hạ lệnh quẳng cả mớ đồ xuống suối. Rồi tôi nghiến răng lại. Có ích gì đâu chút đau đớn của kẻ nghèo? Anh em trong đơn vị ngạc nhiên vì thấy tôi nổi khùng lên vô cớ. Họ im lặng chịu đựng. Còn tôi, tôi lỉnh ra bờ suối một mình. Ở đó, tôi đốt thuốc liên miên, nhìn những vòng khói uốn lượn rối ren. "Đồ khốn! Lẽ ra tao phải dựng xác mày lên cho mấy cái tát. Cớ sao mày dám đổi mạng lấy một món chiến lợi phầm khốn cùng?" Tôi chửi rủa người đã chết. Tôi tự chửi rủa mình. Sau rốt, cánh đồng lênh láng nước hiện lên với đàn cò trắng. Những con chim kiếm ăn chốn bùn lầy. Những con chim cùng khốn... Tôi thấy các lùm tre quằn quại trong gió và đàn cò ướt lướt thướt, lông cánh xác xơ dò dẫm bước ven đầm... Giấc mơ quen thuộc trở lại ám ảnh tôi. Trong khoảng một năm lại đây, nó như kẻ đòi nợ thuê lẽo đẽo theo tôi khắp mọi ngả đường. Lại một chân trời mịt mù, vô định. Con tàu lang thang. Những chiếc toa rỗng xô nhau lịch kịch nơi mối nối đường rầy. Ngọn đèn ám khói lắc lư và thi thoảng, tiếng còi rúc từng hồi ảo não nhuốm lên cảnh tượng nỗi buồn vô hạn. Gió lang thang trên con tàu lang thang, cuốn từ toa này sang toa kia những tờ giấy vụn, những trang sách giáo khoa bị mọt ăn dở, những mảnh giấy thấm chằng chiu hình vẽ và chữ ký... gió lăn từ toa này sang toa kia những viên phấn gãy bình mực cạn, chiếc mũ trắng, ngời bóng dáng mùa hè thơ ấu. Những đồ vật vỡ vụn ấy lăng lông lốc, cười rốn ráng hòa với tiếng còi thê lương. - Báo cáo thủ trưởng... Tiếng quen thuộc. Nhưng nó bị chìm trong các âm thanh khác. Con tàu bổng thét lên hồi còi dài, lao rầm rầm trên đường rầy như kẻ mắc chứng khùng, rồi, sau dó, mất hút nơi chân trời ảm đạm. Thay vì nó là những con chim đen tử đồng cỏ ướt, lướt thướt nhoi lên. Chúng không bay mà sải cánh đi trên bình nguyên, bước đi vụng về dữ tợn. Chúng đến gần, mỗi lúc mỗi gần. Tôi kinh hoảng vì nhận ra đó không phải là loài cò loài diệc hay những con ngỗng trời phiêu bạt. Đó là những con kên kên, loài chim ăn thịt, kẻ thu dọn bãi chiến trường, loài vật ám ảnh giấc mơ đúng ngọ và khoảnh khắc lạc hồn của người lính. Chúng tiến về phía tôi, lúc lắc cái đuôi bẩn thỉu, đầu chúi về phía trước và há ngoác ra cái mỏ đỏ lòm, - hình ảnh ghê rợn nhất đối với tất cả những ai đã từng sống trên vùng rừng núi này - nó gợi ra những bản làng cháy thui rụi, ngổn ngang xác chết trương phềnh, những thung lũng ngập ngụa máu thịt, mùi thối khẳng, dòi nhặng vo ve..., ánh nắng cô đặc tất cả để khảm vào trí nhớ. - Thủ trưởng... - Báo cáo thủ trưởng... Không chỉ là tiếng gọi mà cả hai bàn tay ai đó lay dữ dội. Tôi choàng dậy. Trung đội trưởng Mão đứng đầu giường: - Báo cáo thủ trưởng: “đồng chí Hùng vừa đâm vào mạng sườn đồng chí Tếu.” - Tại sao? - Báo cáo, họ trêu nhau. Rồi đồng chí Hùng nổi cơn. - Vết thương cậu Tếu ra sao? - Y tá đơn vị khám sơ sơ cho biết: vết thương dài bảy phân, sâu khoảng từ năm đến bảy, chắc chắn chạm lá lách. - Chuyển thương ngay.
Tôi gắt: - Ông nói dài dòng tôi không hiểu? Bóng ma cười hiền: - Rồi con sẽ hiểu... Tít xa kia, nơi phương Bắc... Có một con hồ xanh biếc, có một dòng sông, một cánh rừng và những đồng lúa tốt... ấy là quê hương ta, và quê hương xưa cũ của con. Ông tổ bảy mươi đời của ta đã sinh ra ở đó, đã lấy vợ, đẻ con, gây dựng cơ đồ... Rồi bọn rợ phương Bắc tới cướp đất, chiếm nhà, đánh bạt tổ tiên ta khỏi vùng quê ấy... Tổ tiên của ta phải ra đi... Tôi nói: - Tôi hiểu rồi. Bọn rợ phương Bắc rượt đuổi các ông. Và các ông lại tiến về phương Nam chinh phạt. Một vòng tròn luẩn quẩn của tội ác. Bóng ma nói: - Lịch sử đầy tội ác. Tôi hỏi: - Tại sao các ông không chống lại nó? Bóng ma lắc đầu: - Con người không chống được số phận của mình. Tôi nói: - Chính các ông đã truyền lại cho chúng tôi câu nói: - Số bảy, người ba. Bóng ma cười: - Phải, đấy là điều ta muốn nói. Tôi hỏi: - Tại sao không làm mà lại nói? Bóng ma đáp: - Thời ta sống, người ta đâm chém nhau bằng gươm giáo. Muốn chuyển một bức thư, ngựa chạy cả tuần trăng. Con người bị cắt chia trong các khu vườn tối tăm, man dã. Chúng ta sống giữa u mê như bầy thú mù lòa, chúng ta không thể vượt qua những lũy tre đầy gai nhọn tìm vùng đất mới. Tôi nói: - Các ông để lại cho chúng tôi một chiếc túi rỗng. Bóng ma đáp: - Có Tôi hỏi: - Cái gì? Bóng ma bảo: - Những khải hoàn môn. Tôi cười sằng sặc: - Khải hoàn môn của chúng tôi bây giờ còn to hơn. Bóng ma nói: - Kiêu ngạo là thói thường của lũ trẻ đầu xanh... Con hãy nhìn ta xem: ta không có giày, có mũ, có súng. Chân ta đi đất, vai ta đeo ruột tượng đựng lương khô - Lương khô ấy là bắp rang trong nồi đất. Cây giáo của ta rèn trong bếp lửa làng quê... Chúng ta trần trụi. Và chúng ta đã dựng cho các con những khải hoàn môn bằng xương máu của chính mình. Tôi nói: - Cóc cần những khải hoàn môn của các ông... Cóc cần cả ông nữa... Sao ông cứ ám tôi?... Tôi chán lắm rồi... Bóng ma đáp: - Con là giọt máu của ta. Dù luân lạc qua bao đời, nó vẫn là của ta... Đừng cáu bẩn... Đừng bội bạc... Trước kia khi đã từng oán hận tổ tiên như vậy... Nhưng con ơi, chúng ta không lựa chọn được lịch sử cho mình... Tôi thấy ngột ngạt. Dường như tôi sắp khóc. Tôi hét lên: - Tôi cóc cần! Bóng ma vẫn nhìn tôi, không nổi giận, không an ủi: - Người ta không nên bước vào đời với một cái đãy rỗng không. Nhưng cũng chẳng nên thò tay bốc gạo trong đãy ăn mà không nghĩ cách cắt lụa may một chiếc đãy mới. Kẻ không có gia tài đáng tủi nhục còn kẻ không tạo được gia tài cho con cháu thì cần khinh bỉ. Tôi nhìn chăm chăm vào đôi mắt xa vời của hồn ma, hoang mang: - Ông định nói gì?... ông còn muốn gì ở chúng tôi? Bóng ma nói: - Chúng ta đã để lại cho con những khải hoàn môn. Sao các con không dựng lấy những khải hoàn môn của chính mình?... Tôi nghĩ "A... thật hàm hồ... cái ông cụ ông kị này... Chẳng lẽ ông ấy không thấy chúng tôi đang làm gì hay sao?... Chẳng lẽ ông không thấy bao nhiêu lớp người đã ra đi, và đã gục xuống, và đã hát khúc khải hoàn... Tất cả đang tiến về phía cái nửa vòng tròn huyền diệu của chân trời tương lai?" Nhưng lưỡi tôi bỗng cứng ngắc, không thốt lên lời. Bóng ma nhìn tôi giờ lâu, âu yếm, thắm thiết. Một cái nhìn vừa khoan dung vừa trông đợi. Một ánh mắt đau đáu, vượt qua thăm thẳm thời gian, vượt qua mọi cách biệt thế hệ, vượt qua các triều đại và các nền văn minh... Đôi bàn chân lấm đất, bên trên quấn xà cạp. Bộ áo quần bằng vải thô dơ dáy. Một mũi giáo và cái ruột tượng đựng ngô rang... ôi những con người đã dựng lên các khải hoàn môn... Tổ tiên đau khổ của tôi... - Này, lại ngủ hả?... Tôi giật mình quay lại: Không phải ngọn lửa chập chờn bên chân thành cổ mà là bộ mặt tí tởn của anh chàng ở B9 mới ra. Anh ta cười: - Nghĩ gì mà ngồi ngây như tượng?... Nhìn kia kìa... Anh ta chỉ cho tôi. Trên chiếc thuyền chỉ huy, cô giao liên đang ngủ, tựa đầu vào vai một tay trung tá. Ông này vừa thích vừa sợ xung quanh di nghị nên ngồi cứng ngắc như tượng, mắt nhìn về phía trước. Anh chàng ngồi bên cười toe toét, bảo tôi: - Đằng ấy muốn được thay vị trí không? Tôi đáp cộc lốc: - Không! Anh ta nhăn mũi: - Sĩ diện! Tôi lặng im không tranh cãi. Mặt trời chìm xuống nước, chỉ còn nhô lên cái mí đỏ như vành móng tay. Ánh dương rực rỡ hắt lên mặt sông. Phía trước, những giải mây xám đang chập chờn trên bờ cỏ. Các triền cát ngả sang màu tím thẫm. Đấy là màu của buổi chiều hoang vắng xưa, khi tiếng tiêu cô độc lướt qua bãi chiến trường ngổn ngang những thây người cùng thây ngựa...