Đào Thế Kiệt lắc đầu: – Thưa Lục-trúc tiên sinh, bất cứ việc gì, tiên sinh chỉ cần viết một lá thư, chúng tôi sẽ kính cẩn nghe theo. Nhưng tiên sinh dạy chúng tôi quy phục người Hán, muôn ngàn lần không được. Tổ tiên chúng tôi là đệ tử của Trung-tín hầu Vũ Bảo Trung, khai quốc công thần thời Âu Lạc. Khi Âu Lạc bị Triệu Đà dùng gian kế chiếm nước, tổ tiên chúng tôi mai danh ẩn tích, chiêu hiền nạp sĩ, chờ ngày quang phục, trãi đã gần 200 năm. Đến đời chúng tôi vì bất tài bạc phước, nên Đinh, Đào trang bị Thái thú Nhâm Diên đánh phá. Chúng tôi thà ngọc nát chứ không chịu để có vết, không chịu đầu hàng. Đinh, Đào chỉ có mấy trăm tráng đinh, cũng đánh cho Nhâm Diên thất điên bát đảo, giết được vợ con y, giết luôn cả mẹ già y, cướp luôn chiến thuyền ra lập nghiệp ở đảo này, chờ ngày về quang phục. Nay tiên sinh dạy chúng tôi đầu Hán. Chúng tôi thật không tuân được. Chu Bá cười: – Phải giống như loài rồng, khi lớn bằng trời đất, khi nhỏ, bằng con giun, con trùn. Đào hầu bằng này tuổi, sao không biết lẽ tiến thoái bằng lệnh đồ và Tam công tử? Nghe nói đến Tam công tử, vợ Đào Thế Kiệt và Đinh Xuân Hoa vội hỏi: – Chu huynh vừa nói đến đệ tử và tiểu tử, chẳng hay chúng nó đã làm gì khiến huynh cho rằng chúng biết lẽ tiến thoái? Chu Bá mỉm cười: – Đào hầu có người đệ tử thứ ba là Hoàng Thiều Hoa cô nương có phải không? Trong trận cảng Bắc, Hoàng cô nương gặp một người tướng trẻ người Hán tên Nghiêm Sơn, tình ý nảy sinh. Nàng bỏ ngoài tai những gì là Hán, những gì là Việt, kết hôn với tên tướng trẻ đó. Nay nàng đã trở thành phu nhân của Lĩnh-nam công. Nghiêm công sủng ái nàng cùng cực. Mỗi mỗi đều chiều theo ý. Như vậy, chẳng là người thức thời ư? Còn Đào tiểu công tử, khi lạc gia đình, chạy ra Long-biên, giữa chợ giết lính Hán. May nhờ sư huynh tôi đây là Hoàng Đức làm Huyện lệnh, che chở cho mới khỏi bị giết. Nhạc phụ tôi thấy y là con nhà danh gia, mang về Thái-hà trang nuôi cho ăn học. Chính muội phu Lục Mạnh Tân đây là thầy dạy y. Lục muội phu! Ngươi kể chuyện Đào tiểu công tử cho Đào hầu nghe đi. Lục Mạnh Tân thấy ngôn từ Chu Bá muốn bẻ quẹo việc Đào Kỳ được ông dạy học thành ơn nghĩa của nhạc phụ. Vốn là người đọc sách, ông không muốn người khác vì ông mà bị lừa nên nói: – Bấy giờ, tôi chưa là nghĩa tế của nhạc phụ đại nhân. Nhạc phụ nhờ tôi dạy cho Lan Phương tiểu thư học thuật Trung-nguyên. Khi tôi đến làm giáo thụ, Đào công tử là thư đồng của trang Thái hà. Nhìn qua, tôi đã đoán ra ngay công tử là con nhà danh gia, chẳng may gặp nạn. Tôi mượn cớ giảng sách cho Lan Phương, cố nói lớn tiếng cho công tử nghe. Khổng Tử nói: Giáo bất khả biệt loại, phàm dạy học không phân biệt loại người. Người xưa đi tìm thầy, ngược lại, thầy cũng đi tìm trò nữa. Tôi đậu Hiếu-liêm, không ưa công danh nên mới xuống vùng Lĩnh Nam truyền đạo Thánh. Đào Kỳ là học trò yêu nhất của tôi. Y là đệ tử danh môn chính phái, biết phân biệt phải trái. Y không những không nghi ngờ tôi, mà còn coi tôi như ông thầy đáng kính. Đào hầu, Đào phu nhân! Các vị có người con thông minh chưa đáng mừng. Điều đáng mừng là công tử khoáng đạt,biết xử thế, biết lẽ tiến lui. Khi tôi giảng bài cho Lan Phương, Đào công tử ngồi ở phòng bên cạnh. Tôi có ý giảng thực to cho y nghe. Lúc tôi ra về, y theo tiễn chân tôi và tỏ cho tôi biết, y hiểu ý tôi muốn giảng cho y nghe hơn là giảng cho Lan Phương. Ngừng một lát, ông tiếp: – Tôi dạy Đào công tử tất cả sách vở của Trung-nguyên từ Tứ thư, Ngũ kinh cho tới Bách gia, Chư tử, Cửu lưu, Tam giáo. Đào công tử không ham công danh, chứ nếu đi thi thì Hiếu liêm sẽ đậu dễ dàng. Công tử chỉ thích học Tôn-ngô binh pháp và Lục-thao của Khương Thái công. Trong những ngày gần đây tôi đã giảng Tả truyện với Bắc sử cho Đào công tử. Qua lời nói của Chu Bá và Lục Mạnh Tân, Đào hầu nhận ra hai người con rể Lê Đạo Sinh khác nhau quá xa. Một người giòng Việt, lại đi xu phụ làm quan với người Hán. Một người là Hán, thi đỗ Hiếu liêm, nếu muốn làm quan, cũng được chức Thái thú như ai, lại không ham công danh. Đúng như Lục nói, chắc Đào Kỳ bị bắt làm nô bộc, rồi được Lục dạy học, chứ việc Đào Kỳ học không phải do hảo ý của Lê Đạo Sinh. Trong khoảnh khắc, Đào hầu thấy Lục tiên sinh là một Khổng, Mạnh tái sinh, chứ không còn là một tên Hán cướp nước nữa. Ông đứng dậy, chấp tay xá Lục Mạnh Tân ba xá, rồi nói: – Lục tiên sinh, ơn giáo hóa còn nặng hơn ơn sinh thành. Đào trang xin kính cẩn gởi đến tiên sinh lời cảm tạ. Đức Hiệp gật đầu: – Đào hầu ơi! Người nghĩ lại coi có đúng không. Cứu tiểu công tử khỏi chết là sư đệ Hoàng Đức, dạy tiểu công tử là muội phu Lục Mạnh Tân. Còn một điều quan trọng nữa, Đào tiểu công tử là nghĩa tế của Chu sư đệ đây! Sư phụ tôi, nhất sinh cực kỳ sủng ái cháu ngoại Chu Tường Quy, thế mà người đã đem đứa cháu bửu bối đó gã cho tiểu công tử. Y quay lại gọi Tường Quy: – Tường Quy cháu ra lạy bố mẹ chồng đi. Trước khi rời thuyền, Tường Quy được mẹ trang điểm cho cực kỳ lộng lẫy. Nàng mặc bộ quần áo lụa xanh, cổ choàng chiếc khăn màu hồng, cổ đeo một chuỗi ngọc trai năm vòng trông phiêu hốt như một tiên nữ. Nàng được ông ngoại cho biết, ông dẫn nàng đi yết kiến cha mẹ Đào Kỳ để cho nàng chính thức kết hôn vối y. Bây giờ thấy sự sắp thành, nàng vội tiến tới trước mặt Đào hầu phục xuống lạy. Đào phu nhân thấy nàng xinh đẹp, nhu nhã như tiên nga, chỉ mới trông qua đã thấy thương rồi. Lại nghe nói nàng là vợ Đào Kỳ lại càng mừng rỡ. – Con với Đào Kỳ đã làm lễ bái đường rồi à? Tường Quy e lệ cúi đầu: – Chưa, nhưng chúng con đã... Chu Bá ngắt lời: – Con kể cho Đào phu nhân nghe về chuyện Đào Kỳ đi. Tường Quy e lệ kể: – Ngày nọ con về thăm ông ngoại và gặp Đào đại ca. Anh Kỳ rủ con đi Cổ-loa nghe ngóng tin tức gia đình. Nhưng chúng con chỉ gặp được Chu Thổ Quan. Chú cho biết chú Đào Thế Hùng có các em Hiển Hiệu, Quý Minh, Phương Dung đến Cổ-loa dò tin tức Đào, Đinh gia. Chiều hôm đó về, chúng con xuống du thuyền của ông ngoại, chơi đêm trên sông. Con đánh đàn thổi tiêu cho Đào đại ca nghe. Đào phu nhân thấy Tường Quy ké né, e thẹn, mặt đỏ bừng lên trông như một tiên nữ, bà càng thương, cầm lòng không đậu, bà nắm lấy tay nàng, kéo ngồi xuống bên cạnh. Hoàng Đức hỏi Đào phu nhân: – Phu nhân! Liệu phu nhân có một người con gái có phẩm chất như cháu Tường Quy, dù phu nhân có tin tưởng một cậu trai nào đến đâu chăng nữa, phu nhân có để cho con gái mình đi du lịch xa với cậu trai đó không? Liệu phu nhân có cho phép cậu trai đó xuống du thuyền quý trọng nhất đi chơi trăng không? Đào phu nhân gật đầu: – Nếu đúng như thế thì quả thật Lục trúc tiên sinh và Chu huynh đã ưu đãi cháu Kỳ nhiều quá. Bà cầm tay Tường Quy: – Thế Đào Kỳ hiện giờ ở đâu, cháu có biết không? Tường Quy bật thành tiếng khóc: – Đại ca... đại ca bị ông ngoại xích chân rồi! Vũ Hỷ cười: – Đào phu nhân! Đào tiểu công tử và Tường Quy không giữ được lòng, buông thả quá độ, nên sư phụ tôi phạt giam lại, đợi gặp Đào hầu có mai mối chính thức, cưới hỏi rồi mới cho chúng gặp nhau. Chu Bá thở dài: – Đào công tử là người thông minh anh tuấn. Tiện nữ bản chất cũng không thường, chúng nó có thể kết thành đôi uyên ương. Tất cả những gì kể từ nãy tới giờ, đều chứng minh rằng Thái hà trang chúng tôi đối với Đào trang một lòng một lòng thân kính. Cho nên, nhạc phụ chúng tôi mới thân hành tới đây, mời Đào hầu về lục địa tu sửa Đào, Đinh trang. Thỉnh đại công tử, nhị công tử ra làm việc với phủ Đô sát Cửu-chân. Xin Đào hầu dạy cho một lời, để chúng ta còn bắt tay vào việc. Đào Nghi Sơn đứng ra chắp tay, nói: – Về việc Đào Kỳ, trước hết, xin các vị cho chúng tôi thấy mặt y đã. Không phải chúng tôi không tin lời quý vị, nhưng cha mẹ tôi xa con đã bảy năm, muốn gặp lại y, trước khi quyết đoán bất cứ việc gì về y. Trần Dương Đức cũng bước ra nói: – Thưa Lục Trúc tiên sinh! Thưa quý vị cao nhân! Thưa sư phụ, sư mẫu, sư thúc! Những lời vừa rồi con không tin. Nếu thật sự Thái-hà trang ưu đãi tiểu sư đệ, tại sao không đưa tiểu sư đệ đến đây tương hội với sư phụ, sư mẫu. Nếu bảo rằng Thái hà trang tử tế, sao còn mang đến đảo gần một ngàn người để uy hiếp chúng ta? Con nghi Thái-hà trang kéo đông người đến đây để làm áp lực đe dọa. Họ muốn nói chuyện trên thế mạnh. Nếu chúng ta nghe lời họ thì thôi, bằng không họ sẽ kéo lên đảo này gây chiến. Trên ba thuyền lớn của họ, có gần một ngàn người. Chúng ta tuy không đông bằng họ. Nhưng địa thế đảo này, chúng ta đã thông thuộc. Chúng ta thủ, họ tấn công. Một người thủ, phải mười người mới vào nổi. Vì họ không đủ năm ngàn người, nên họ mới lên đảo đàm phán. Họ lên đảo rõ ràng với ác ý. Rõ ràng do người Hán sai khiến. Tô Định muốn cho đất Lĩnh-nam tưởng rằng trận chiến nếu xảy ra, là do Thái-hà trang với Đinh, Đào trang bất hòa, chứ không phải do y chủ trương. Thái-hà trang hòa kiệt đâu có thiếu, sao không hiểu lẽ đó? Nhưng họ vẫn làm theo ý Tô là tại sao? Vì họ sợ chúng ta trở lại chiếm Đinh, Đào trang, mà Đinh, Đào trang hiện đang nằm trong tay Phong-châu song quái. Theo thiển ý đệ tử, muốn phân rõ trắng đen, xin họ cho tiểu sư đệ ra đây tương kiến đã. Lê Đạo Sinh cười: – Điều đó dễ lắm. Vũ Hỷ! Ngươi ra thuyền đón Đào công tử vào đây cho ta, để xem ta có phải là người nói dối không? Vũ Hỷ đi rồi, Đào hầu gọi lớn: – Mang rượu ra đây! Đào gia, Đinh gia chúng tôi mời quý khách dùng chút thổ sản hải đảo. Đệ tử mang rượu và đồ ăn bày giữa sảnh đường. Đào Thế Kiệt đứng lên ân cần mời khách. Tường Quy e thẹn không dám ngồi, Đào phu nhân nắm tay Tường Quy, nói: – Con lại đây với ta. Bà ngắm Tường Quy từ đầu đến chân, tự nghĩ: – Có một thiếu nữ xinh đẹp, nhu mì như thế này về làm dâu Đào-gia, hỏi còn gì bằng nữa? Bà hỏi: – Con có học võ không? Chu Bá đáp thay: – Cháu học võ với ông ngoại và tôi. Bản lĩnh cháu, tuy không bằng Đào công tử, nhưng trong giới nữ lưu trẻ tuổi ít ai bằng. Đào Kỳ ngồi ở hàng ghế đệ tử Đào, Đinh, cười thầm: – Vũ Hỷ ơi Vũ Hỷ! Mi trở lại thuyền không thấy ta, mi có dám trở lại không? Ta cứ ngồi đây đợi mi, xem bộ mặt mi thế nào? Lê Đạo Sinh ngồi uống rượu đã lâu, vẫn không thấy tăm hơi Vũ Hỷ. Y rối ruột, bảo Phương Anh: – Ngươi ra xem sao lâu quá vậy? Phương Anh dạ một tiếng định đi, nhưng Vũ Hỷ đã trở lại. Mặt y đầy vẻ đăm chiêu. Y hướng vào Đạo Sinh nói: – Thưa sư phụ! Đào công tử đã bẽ gãy xích sắt trốn đi rồi! Cả sảnh đường im lặng, dồn mắt vào Lê Đạo Sinh. Nét mặt Đạo Sinh nhíu lại, y hỏi Vũ Hỷ: – Ngươi đã tìm khắp trong thuyền chưa? Trên đời làm gì có người bẻ được xích sắt lớn như thế? Từ biển vào đây khá xa, dù y có trốn cũng không bơi vào được. Không lẽ y là cá voi? Vũ Hỷ quả quyết: – Con đã cho tráng đinh tìm khắp cả ba con thuyền, nhưng không còn dấu vết gì của y để lại. Hành lý cũng mất luôn. Rõ ràng y đã trốn rồi. Chu Bá nói lớn: – Đào hầu, cháu Kỳ thế nào cũng trốn lên đảo. Vậy người cứ cho tìm một lúc sẽ ra ngay. Trần Dương Đức cười: – Chu tiên sinh! Điều kiện tiên quyết là tiểu sư đệ phải xuất hiện. Nếu y không xuất hiện, chúng tôi nhất quyết không tin. Từ đầu đến giờ, Đinh Đại vẫn ngồi yên. Bây giờ mới lên tiếng: – Thưa Lục trúc tiên sinh! Xin mời quý vị dùng cơm rồi rời đảo cho. Dù cho cháu Kỳ có xuất hiện, dù y có là rể của Chu tiên sinh đi nữa, chúng tôi nhất quyết không cho đệ tử làm chó săn cho bọn giặc Hán. Nếu quý vị giữ y để đe dọa, chúng tôi coi như y đã tuẫn quốc. Ông quay lại nói với Đào hầu: – Tỷ phu! Chúng ta cần phải giữ khí tiết của tổ tiên, dù có phải chết hết cũng cam lòng. Đức Hiệp tái mặt, nói: – Đinh hầu! Chúng tôi lấy lễ đối với hầu, tại sao hầu lại sỉ mạ chúng tôi? Hầu bảo rằng những người làm quan với Hán là chó săn, vậy trong mười đệ tử của sư phụ chúng tôi, có tới năm người làm Huyện-úy. Hiện diện đây có Chu, Hoàng, Vũ, Phương, như vậy, có khác gì hầu bảo các sư đệ tôi là chó săn không? Đinh Đại cười nhạt: – Chó săn hay không chó săn, tự các người biết. Hoàng Đức giận run người. Y nhảy vèo đến, đánh một quyền vào sau gáy Đinh Đại. Đinh Đại trầm người xuống tránh, rồi trả đòn. Hiện trường náo loạn cả lên. Các đệ tử Đào, Đinh đều rút kiếm ra khỏi vỏ. Nhưng Đào Thế Kiệt vội vẫy tay ra hiệu ngồi xuống. Đinh, Hoàng đã đấu với nhau trên mười hiệp. Đinh Đại lui lại, đánh ra một chưởng, véo một cái. Hoàng Hiệp xuống Trung bình tấn, phát chưởng đỡ Bùng một tiếng, cả hai cùng lùi lại. Họ gườm gườm nhìn đối thủ, và tự biết khó thắng nổi nhau. Trước đây mười năm, nếu Đinh Đại đấu với Hoàng Đức chắc chắn ông không phải là đói thủ của y. Bởi y là đệ tử của Đệ nhất cao nhân đương thời Lê Đạo Sinh. Trải qua bảy năm, nung nấu mối hận mất trang, ấp, Đinh Đại, Đào Thế Kiệt suốt ngày luyện võ. Nhờ vậy, công lực tinh tiến vô cùng. Với một chưởng vừa rồi, người bàng quang đều thấy họ ngang nhau. Hoàng Đức cười nhạt: – Đinh-hầu! Người là một trong Cửu chân song kiệt, ngươi có dám song đấu với ta không? Hay là ngươi chỉ cậy đông người. Đinh Đại cười nhạt: –Ta há sợ ngươi sao? Lê Đạo Sinh bước ra nói: – Khoan! Kể về nhân số, các vị đông gấp bội chúng ta, nhưng kể về võ công thì chưa chắc. Vậy bây giờ tôi sẽ cử ra ba người đấu với Đào, Đinh hầu và Đào phu nhân. Nếu chúng tôi thắng hai trận, quý vị phải nghe lời chúng tôi. Ngược lại chúng tôi bại, chúng tôi nguyện sẽ rời khỏi nơi đây. Đinh Đại nhìn Đào Thế Kiệt hỏi ý kiến. Đào Thế Kiệt tự thị anh em đã trải qua bảy năm luyện võ công trên đảo, công lực tiến rất nhiều. Ông gật đầu: – Lục trúc tiên sinh là thái sơn bắc đẩu đất Lĩnh-Nam, chắc không chịu ra tay cùng bọn hậu bối như chúng tôi. Không biết bên quý trang, ai là ngươéi dạy dỗ chúng tôi mấy chiêu đây? Hoàng Đức vẫn đang cơn giận, nói ngay: – Ta sẽ dạy dỗ các ngươi. Đinh Đại hất hàm về phía Hoàng Đức: – Được! Ta với con chó săn của người Hán đấu trận đầu. Hoàng Đức giận quá, vung chưởng đánh liền. Hai người quấn lấy nhau, chưởng phong trùm khắp hội trường. Đào Kỳ nhìn Đinh Đại đánh với Hoàng Đức, nghĩ: – Không ngờ có bảy năm, mà võ công cậu ta đã tiến tới trình độ này. Hoàng Đức là đệ nhất cao đồ của Lê Đạo Sinh, e khó địch lại cậu ta. Được khoảng năm mươi hiệp, Hoàng Đức đã yếu dần, chỉ đỡ nhiều hơn đánh. Đạo Sinh ngạc nhiên nghĩ: – Hoàng Đức là đệ tử của ta, võ công không tầm thường. Trong những bọn ngang hàng như Nguyễn Trát, Phan Đông Bảng, Đặng Thi Kế cũng khó ai thắng nổi. Tên Đinh Đại, võ công vốn tầm thường, không hiểu sao lại tiến mau đến trình độ này? Hoàng Đức bị dồn vào góc phòng, y chỉ còn chống đỡ cầm chừng. Vũ Hỷ làm Đô sát Cửu-chân đã bảy năm, y biết hết chiêu thức võ công phái Cửu-chân, nên những chiêu thức Đinh Đại đánh ra, y đều đoán trước được. Y nghĩ cách giúp ngầm Hoàng Đức. Y chợt lên tiếng: – Sơn cao, thủy tận. Hoàng Đức đang bị dồn vào thế bí, thấy có người nhắc, y vội trầm người xuống, ra chiêu Sơn cao thủy tận. Bịch một tiếng, Đinh Đại bị đánh trúng vai, loạng choạng lùi lại. Vũ Hỷ lại nhắc: – Thủy nhập thanh điền. Hoàng Đức quay tròn người, phi thân lên cao, đánh một chưởng từ trên xuống. Bạch một tiếng, chân y đã đá trúng sườn Đinh Đại. Đào Kỳ thấy Vũ Hỷ nhắc Hoàng Đức, gây khốn cho Đinh Đại, chàng vội len lỏi về phía trước. Chàng biết cả võ công Tản viên lẫn Cửu chân, nên cũng muốn nhắc cậu. Giữa lúc Hoàng Đức lui lại ra chiêu Ác ngưu nan độ trong Phục ngưu thần chưởng. Chưởng lực này sức mạnh hướng về phía trước, lúc biến chiêu sẽ rẽ sang phải hoặc sang trái, nên để lộ ra chỗ sơ hở phía trên. Chàng vội hô lớn: – Loa thành nguyệt chiếu. Chưởng Hoàng Đức đánh thẳng về trước, Đinh Đại vọt người lên cao, đánh từ trên xuống. Chưởng phong chụp lên đầu Hoàng Đức. Hoàng Đức đẩy vòng chưởng lên đỡ, nhưng đã hơi trễ. Bùng một tiếng, chưởng Đinh Đại đã đánh trúng người Hoàng Đức. Y bị bật lui liền ba bước, khí huyết chạy nhộn nhạo. Người y muốn ngộp thở. Đào Kỳ lại lên tiếng: – Kình ngư xuất hải. Đinh Đại nhào người tới trước, lộn người lên cao, đá móc một cái trúng vai Hoàng Đức. Y bị đá văng ra giữa sân. Đào Kỳ lại hô tiếp: – Song thu diệp lạc. Đinh Đại xoay hai tay thành vòng tròn, đẩy tới một chưởng. Mọi người kêu thét lên, vì biết chưởng đó đánh tới ắt Hoàng Đức phải chết. Phương Anh nhảy ra đỡ chưởng của Đinh Đại. Bùng một tiếng Đinh Đại, Phương Anh đều lùi lại, mặt đỏ gay. Đào Thế Kiệt hô lớn: – Ngừng tay! Hai người cùng nhảy lui lại. Đinh Đại chỉ Phương Anh: – Các ngươi định hai người đánh một ư? Phương Anh chỉ Đào Kỳ: – Hai người đấu với nhau, tại sao ngươi ở ngoài chĩa mõm vào? Đào Kỳ chỉ Vũ Hỷ: – Thế còn mõm của chồng mụ là mõm gì? Đào Kỳ nhắc cho Đinh Đại ba chiêu, đã đánh cho Hoàng Đức gần bỏ mạng, khiến Đào hầu, Đào phu nhân cùng ngẩn người ra, tự nghĩ: – Đệ tử ở đây ta biết mặt hết, vậy thiếu niên này là ai, sao ta không nhận ra? Bà đưa mắt nhìn đại đệ tử Trần Dương Đức, như để dò hỏi. Dương Đức nhận ra Đào Kỳ là thiếu niên mới bơi vào đảo, chàng đã gặp ban nãy. Chàng định đến bên sư mẫu, nói cho bà biết nhưng lại thôi. Trong lòng Đào phu nhân đầy nghi vấn: – Không lẽ trong đám đệ tử của ta có người thông minh đến trình độ đoán ra các thế võ của đôi bên? Phương Anh thấy Đào Kỳ chỉ là một đệ tử nhỏ tuổi của Đào trang, y thị không thèm cãi với chàng. Y thị đưa mắt nhìn chồng. Vũ Hỷ gật đầu tiến ra: – Trận đấu thứ nhì ta xuất lực. Bên Cửu-chân, ai là người có chân tài, hãy ra đây. Đào hầu nghĩ: – Trong ba trận, chỉ cần bên mình thắng hai là đủ. Vậy bây giờ mình xuất trận đấu với Vũ Hỷ, như vậy, trận sau có thể khỏi phải ra tay nữa. Nghĩ rồi, ông tiến tới trước nói: – Vũ Hỷ! Năm xưa ngươi theo quân Hán đuổi đánh ta, làm cho ta tan cửa nát nhà. Hôm nay là ngày ngươi đền tội. Nói xong, ông phát quyền đánh vù một cái. Vũ Hỷ lui lại đỡ. Đào Kỳ thấy công lực của cha mạnh hơn xưa gấp bội, chàng mừng lắm, tự nhủ: – Năm xưa, cha mẹ ta chỉ đỡ một chưởng của Song quái đã phun máu miệng. Nay công lực của người đã cao hơn y khá nhiều. Đúng như lời Tường Loan nói trước đây. Vũ Hỷ biết võ công Cửu-chân, nên Đào hầu ra chiêu nào y cũng đoán được. Đấu trên trăm hiệp vẫn bất phân thắng bại. Bỗng Vũ Hỷ lùi lại, phóng ra một chưởng. Chưởng phong bao trùm khắp hội trường. Đào Thế Kiệt cũng vội phóng ra một chưởng đỡ. Bùng một tiếng, cả hai cùng lùi lại. phóng ra một chưởng. Đào Kỳ nhận ra chưởng của Vũ Hỷ là Phục ngưu thần chưởng. Vũ Hỷ lại phóng chưởng thứ nhì, Đào hầu cũng phóng chưởng đỡ, kình phong ào ào, đó là chiêu Hải triều lãng đãng, lớp thứ nhất, Bùng một tiếng cả hai đều lùi lại một bước. Vũ Hỷ phóng chiêu thứ nhì là Ngưu ngọa ư Sơn, trong khi Đào hầu phóng lớp thứ nhì. Bùng một tiếng, Vũ Hỷ lùi lại một bước, phát chiêu Lưỡng ngưu tranh phong, trong khi lớp thứ ba của Đào hầu đã đổ xô đến. Bùng một tiếng, Vũ Hỷ bị bắn tung lại phía sau, còn Đào hầu, vẻ mặt nhăn nhó, khó chịu, bàn tay ông đỏ những máu. Ông quát lớn: – Đồ lưu manh! Vũ Hỷ tay cầm con dao nhỏ, cười ha hả. Bấy giờ,mọi người mới hiểu Vũ Hỷ phát chiêu Lưỡng ngưu tranh phong, một tay phát chưởng, một tay y đưa ra sau rút dao trủy thủ đẩy vào giữa chưởng của ông. Vũ Hỷ đắc thế, xuất một chưởng định kết liễu tính mạng Đào Thế Kiệt. Đào phu nhân thấy chồng lâm nguy, vội rút kiếm nhảy vèo đến đâm y liền mười chiêu. Chiêu nào cũng thần tốc phi thường. Vũ Hỷ thấy kiếm chiêu kình lực veo véo, y vội lui lại. Phía sau lưng y như có mắt, y rút kiếm của vợ, vòng lên đỡ kiếm của Đào phu nhân. Động tác của y nhanh không thể tả được. Đỡ xong kiếm của Đào phu nhân, y vọt ra khỏi vòng chiến nói: – Trận thứ nhì mỗ đã thắng Đào-hầu. Vậy, trận thứ ba, ai bên Đào trang xuất chiêu? Đào Kỳ thấy cha thì bị thương, mẹ thì bối rối không thể, chàng vội nhảy vèo đến bên Đinh Tĩnh Nương, tay rút kiếm của nàng, nhấp nhô một cái, chàng đã lui lại phía sau, phóng kiếm đâm Vũ Hỷ. Động tác nhảy tới, rút kiếm, nhảy lui, ra chiêu đều thần tốc quái dị vô cùng. Vũ Hỷ trông thấy rõ ràng, nhưng cũng vẫn không đỡ kịp. Xoẹt một tiếng, kiếm đã xuyên qua mạng sườn y, khiến áo y rách bung. Y kinh hoảng đến độ ngẩn người, miệng lắp bắp không thành tiếng. – Thì ra Đào trang cũng có người học kiếm pháp Long-biên đấy. Đào Kỳ nóng lòng cứu mẹ, thuận tay xuất một trong 72 chiêu trấn môn của phái Long-biên, đâm Vũ Hỷ bị thương ở sườn. Vũ Hỷ đã lùi lại. Đào Kỳ xé vạt áo buộc vết thương ở tay cho cha. Đinh Đại, vợ chồng Đào Thế Kiệt thấy thiếu niên lạ mặt, mới nhắc có ba câu, đã khiến Đinh Đại đánh thắng Hoàng Đức, bây giở mới ra một chiêu đã làm Vũ Hỷ bị thương, thì đều ngơ ngác, tự hỏi: – Thiếu niên này là đệ tử bản môn, sao mình không biết tên y? Y ra chiêu kiếm vừa rồi, nếu là mình cũng đành chịu chết, chứ không chống lại được. Buộc vết thương cho cha rồi Đào Kỳ chỉ Vũ Hỷ: – Mi là quân quái quỷ, tội ác ngập trời. Hôm nay ta phải giết mi, để báo cái thù mi làm cho Đào trang, Đinh trang tan nát. Cũng để trừ cho đất Lĩnh-Nam một con chó săn ác độc nhất. Chàng không rút kiếm, chỉ từ từ đi tới. Mọi người chỉ thấy thấp thoáng một cái, ánh kiếm vung lên đâm vào cổ Vũ Hỷ. Y hoảng hồn vung kiếm gạt, nhưng kiếm của Đào Kỳ co lại như cái lò xo, rồi vọt tới như con rắn trúng vào vai y. Vũ Hỷ la lên một tiếng, ôm vai lùi lại, máu chảy ròng ròng. Trong khi đó, Đào Kỳ tra kiếm vào vỏ. Động tác rút kiếm, đâm, tra vào vỏ nhanh vô cùng. Không ai nhìn rõ chàng đã làm như thế nào. Đào Kỳ cười gằn: – Mi có nhớ bảy năm trước dựa thế người Hán, ngươi đánh phá Đào trang nhà ta. Trong trận đánh cảng Bắc, mi đã đánh sư phụ ta một chưởng phun máu miệng, hôm nay ta đâm mi một kiếm để trừng phạt mi. Vũ Hỷ lui lại để Chu Bá băng bó cho. Phương Anh rút kiếm tiến lên: – Thiếu niên này, ngươi là ai? Đào Kỳ chỉ Đào Thế Kiệt: – Ta là đệ tử của người. Phương Anh cầm kiếm, khom người xuống thủ chờ đợi. Đào Kỳ khoanh tay tiến lên. Ánh kiếm lấp loáng vòng một vòng trước mặt Phương Anh. Mụ vội vung kiếm lên gạt. Đào Kỳ tra kiếm vào vỏ, lui lại cười. Miệng Phương Anh bị khoanh một kiếm, máu tuôn xối xả, trông thực thảm bại. Phương Anh tuy bị thương ở miệng, nhưng không dàm phân tâm. Tay mụ vẫn thủ kiếm đề phòng. Đào Kỳ tiến lên, hướng về phía Phương Anh. Chàng rút kiếm đâm về trước, Phương Anh định đỡ, thanh kiếm Đào Kỳ co lại như con rắn, rồi vọt sang ngang, mổ vào đầu Đức Hiệp. Đức Hiệp hấy ánh thép lấp loáng trước mặt, y vội trầm người xuống tránh. Nhưng không kịp nữa. Xoẹt một tiếng búi tóc trên đầu y đã bị tiện đứt, lưỡi kiếm bật trở về, đánh choang một cái, gạt bay thanh kiếm của Phương Anh lên cao, cắm vào xà nhà rung động không ngớt. Đức Hiệp kinh sợ quá. Y lùi lại la hoảng: – Ngươi là người hay ma? Cử tọa thấy Đào Kỳ Tiến lại phía Phương Anh, những tưởng là Đào Kỳ đối phó với y thị, không ngờ chàng lại rút kiếm cắt đứt búi tóc của Đức Hiệp. Đức Hiệp phát run, vì nếu chàng định giết y, y đã chết rồi. Chu Bá tiến lên hỏi Đào Kỳ: – Ngươi không phải là đệ tử Cửu chân. Ngươi là đệ tử của Nguyễn Phan, phái Long biên. Kiếm pháp ngươi vừa dùng là kiếm pháp phái Long biên. Nếu ngươi dùng võ công Cửu chân mà thắng được ta, ta mới phục ngươi. Đào Kỳ giật mình: – Mình thật đáng chết! Nếu mình dùng kiếm pháp Long biên thắng bọn chúng, đâu có dương oai võ công bản môn? Nghĩ vậy, chàng lên tiếng: – Được! Ta sẽ dùng những võ công nhập môn của Cửu chân để thắng ngươi. Ngươi đã từng nghe nói: Phái Cửu chân có một pho võ công gọi là Lý ngư chưởng pháp, để dạy cho đệ tử nhập môn. Ta sẽ dùng chưởng pháp này đấu vối ngươi. Nếu ta thua, ta sẽ cúi đầu, lạy tôn ngươi làm bề trên. Còn nếu ta thắng, ngươi tính sao? Đào Kỳ nói câu này, chàng nghĩ thầm trong bụng: Ta thua hay thắng, ta vẫn phải quỳ gối, lạy ngươi tôn là nhạc phụ đại nhân. Ta hứa vậy là hứa ăn gian, ngươi đâu có biết? Chu Bá là đệ tử yêu, con rể của Lê Đạo Sinh, võ công y chỉ thua có cha vợ. Đạo Sinh có ý định thống nhất các phái võ Lĩnh Nam, nên đã nghiên cứu đủ các võ công thiên hạ. Y nghiên cứu rất tường tận võ công Cửu chân, cho nên Chu Bá cũng được học công trình nghiên cứu đó. Chu Bá biết chưởng pháp Lý ngư là chưởng pháp dạy cho đệ tử nhập môn của phái Cửu chân luyện cho quen chân, quen tay. Thực ra đó chỉ là thứ chưởng pháp vô dụng. Y nắm chắc phần thắng trong tay, nên nói: – Nếu thua ngươi, ta cũng quỳ gối tôn ngươi làm bề trên. Đào Kỳ lắc đầu: – Ngươi ngang tuổi với cha mẹ ta, lại quỳ gối trước ta, ta không dám đâu. Ta làm thế sẽ mất đức khiêm cung trước một vị nho sĩ đạo đức là Lục tiên sinh đây, thì coi sao được? Chàng chắp tay vái Lục Mạnh Tân: – Lục tiên sinh! Hồi nãy nhạc phụ cùng các sư huynh, sư đệ tiên sinh có ý muốn lừa dối ân sư của tôi là Đào hầu. Nhưng Lục tiên sinh đã nói thực. Tiếng đồn tiên sinh là Khổng tử tái sinh quả không sai. Tiểu đồ xin tiên sinh dạy cho: Nếu tiểu đồ thắng Chu tiên sinh, Chu tiên sinh sẽ phải làm gì cho tiểu đồ? Lục Mạnh Tân không nhận ra Đào Kỳ. Mọi người thấy chàng là một đệ tử của Cửu-chân, lại tỏ lòng tôn kính Lục Mạnh Tân, người của phe thù nghịch, lại còn thỉnh ý kiến của Lục, đều không khỏi ngạc nhiên. Lục Mạnh Tân là Nho sĩ thâm nhiễm triết lý Khổng, Mạnh, thích được đứng ra hòa giải những việc như vậy. Ông nói với Đào Kỳ: – Tiểu hữu này, thực đúng là người đọc sách thánh hiền. Người quân tử phải giữ Lễ, giữ Cung. Dù tiểu hữu có thắng được Chu sư huynh, cũng không thể bắt Chu sư huynh quỳ gối tôn là người trên được. Vậy tôi đề nghị, nếu tiểu hữu thắng, Chu sư huynh sẽ phải làm cho tiểu hữu một việc gì đó, miễn là việc đó hợp đạo lý Khổng, Mạnh. Đào Kỳ chắp tay, cực kỳ cung kính, vái Lục: – Đa tạ tiên sinh đã chỉ dạy cho hậu học. Lục Mạnh Tân ngạc nhiên không ít. Ông tự hỏi: – Tại sao giữa đảo này lại có một thiếu niên, từ lời nói đến cử chỉ đều đúng như Nho gia vậy kìa? Đào Kỳ cầm kiếm lên, búng một cái vào chuôi kiếm. Kiếm rít véo lên một tiếng, bay đến trước mặt Đinh Bạch Nương. Bạch Nương hoảng sợ không dám bắt. Nàng cúi đầu xuống tránh, thì thanh kiếm tới trước mặt nàng, tự nhiên ngừng lại chui vào bao. Bạch Nương ngẩn người ra, trách thầm. – Mình thực ngu quá! Anh này là đệ tử bản môn, đâu có hại mình, sao mình quá sợ như vậy. Đào Kỳ đứng trước mặt Chu Bá, tay thủ quyền. Chu Bá quát lên một tiếng, phóng chưởng đánh liền. Đào Kỳ đánh một thế quyền nhập môn của Cửu chân đỡ lại. Hai người quấn lấy nhau giao đấu. Chu Bá dùng những chiêu thức tinh vi của Tản viên. Trong khi Đào Kỳ chỉ dùng những chiêu thức tầm thường của Cửu chân để chống lại. Mặc cho Chu dùng chiêu nào, võ nào, chàng cũng chỉ dùng có 12 chiêu võ thô kệch của Cửu-chân để đỡ hoặc tấn công. Nội lực của chàng mạnh như núi lỡ, mỗi chiêu đánh ra, quyền phong rít lên veo véo. Đào Thế Kiệt châu mày suy nghĩ: – Thiếu niên này rõ ràng chỉ biết rất ít về quyền pháp Cửu chân, nhưng công lực y mạnh vô cùng, nên mới chống đỡ nỗi với Chu Bá. Nội công của y dường như là nội công Cửu chân phảng phất như Tản viên, nhưng ta không thể phân biệt được thế mới kỳ. Nếu Đào Kỳ muốn thắng Chu Bá, chàng chỉ cần một hai chiêu cũng đủ lấy mạng y? Nhưng vì nể mặt Tường Quy, nên chàng không muốn đấu tận lực với y. Bỗng Chu Bá quát lên một tiếng lớn, phát một chưởng cực kỳ mãnh liệt, đò là chiêu Ác ngưu nan độ trong Phục ngưu thần chưởng, áp lực chưởng như muốn vỡ tung cả phòng. Đào Kỳ biết chiêu này đánh thẳng, biến chiêu ra hai bên, nên chàng nhảy vọt lên cao. Từ trên cao chàng phát chiêu Lý ngư nhược thủy trong Lý ngư chưởng pháp đánh thẳng xuống. Bùng một tiếng người chàng bật lên cao. Chàng đá gió một cái, đáp xuống đất nhẹ như chim. Chu Bá lại phát chưởng thứ nhì. Đào Kỳ nhận ra chiêu đó là Ngưu thực ư dã. Chiêu này, kình lực vòng lên cao, rồi chụp xuống như một cái nón, biến chiêu thẳng về trước. Chàng bước xéo sang phải để tránh bớt sức ép của chưởng, rồi ra chiêu Lý ngư du thủy đánh vào giữa chưởng của Chu Bá. Những cao thủ có mặt đều toát mồ hôi, vì chiêu Lý ngư du thủy là chiêu rất thô kệch. Trong khi đó chiêu Ngưu thực ư dã cực kỳ tinh vi. Chưởng phong của Chu Bá ào ào chụp xuống, gặp chưởng lực của Đào Kỳ hợp làm một. Đào Kỳ đẩy xéo sang một bên, hướng vào người Đức Hiệp, Hiệp kinh hoảng, vội vọt người lên cao tránh khỏi, nhưng chân y cũng đau buốt vì sức chưởng vượt qua. Hai người vừa giao đấu, vừa di chuyển đến gần Đức Hiệp. Nhớ cái hận bị Đào Kỳ cắt búi tóc, y phát chưởng đánh vào lưng Đào Kỳ. Đào Kỳ tay trái chống với Chu Bá, tay phải vận đủ mười thành công lực, phóng về sau một chỉ. Véo một tiếng, người Đức Hiệp bật văng vào tường. Tiếp theo rắc một tiếng, ván tường đã bị thủng, người y văng ra sân. y cố gắng ngồi dậy hai lần đều không được. Miệng y phun ra một búng máu rồi nằm im. Vũ Hỷ nhảy ra bồng y vào sảnh đường. Lê Đạo Sinh quát lớn: – Khoan! Chu Bá, Đào Kỳ cùng nhảy ra khỏi vòng chiến. Lê Đạo Sinh vẫy Chu Bá: – Ngươi không phải là đối thủ của y đâu hãy lui lại. Chu Bá tuân lệnh, lui về sau. Nguyên Lê Đạo Sinh thấy một đệ tử nhỏ tuổi của Cửu chân, sử dụng kiếm pháp Long biên, tinh diệu còn hơn Phương Dung, Phật Nguyệt, nội công có phần trội hơn Nguyễn Phan, y cho rằng Đào Kỳ không thể là đệ tử Nguyễn Phan. Tiếp theo, chàng lại đánh bại Chu Bá bằng những chiêu thức nhập môn của Cửu chân. Cho đến khi Đức Hiệp ra tay, chàng đã sử dụng một chỉ, không phải của Đào gia, đến nổi Đức Hiệp bị bật tung về sau. Y nghĩ: – Công lực này có lẽ cao không kém gì sư huynh của ta là Trần Đại Sinh. Không chừng y là đệ tử của sư huynh ta cũng nên. Ta tổ chức cuộc hành quân vô cùng bí mật, kể cả bọn Đức Hiệp, Chu Bá đều không được biết trước, sao sư huynh ta biết mà cho đệ tử đến đây cản trở? Nghĩ rồi, Lê Đạo Sinh tiến lên, nói: – Giỏi! Thì ra ngươi là đệ tử của sư huynh ta. Ngươi thực vô phép thấy sư thúc không hành lễ. Sư huynh ta hiện ở đâu? Đào Kỳ cười nhạt: – Tôi là đệ tử Đào hầu, chưởng môn Cửu chân. Còn Khất đại phu hiện ở đâu, tôi không biết. Tiên sinh là sư đệ của người, tiên sinh phải biết chứ? Lê Đạo Sinh thở dài: – Nếu vậy, lão phu xin thỉnh giáo ngươi mấy chiêu. Đào hầu, Đào phu nhân, Đinh Đại tự nhiên thấy một thiếu niên đệ tử xuất hiện kiếm pháp tuyệt vời. rồi thấy chỉ một chỉ quái dị đã đánh bại đệ tử của Lê Đạo Sinh là Đức Hiệp bay ra xa, cùng ngơ ngác nhìn nhau, không ai hiểu gì cả. Họ thấy chàng sắp đấu với Lê Đạo Sinh, đều lo cho chàng, vì Lê là đệ nhất cao nhân đương thời. Lê Đạo Sinh phóng một chưởng cực kỳ hùng hậu, chưởng chưa phát hết, nhưng áp lực đã làm mọi người nghẹt thở. Đào Kỳ nhận ra đó là chiêu Ngưu nhập thanh điền trong Phục ngưu thần chưởng. Chiêu thức này trông rõ ràng thuộc dương, nhưng thực ra lại có vẻ nhu, tức Dương trung hữu Âm. Chàng vội xuất chiêu Thiết kình hồi đầu của Cửu chân chống lại. Hai chưởng đụng nhau bật thành tiếng lớn. Đạo Sinh bị đẩy lui lại một bước, người y vọt lên cao, hai tay chụm lại đánh vào đầu Đào Kỳ như con chim ưng vồ mồi. Đào Kỳ ung dung xỉa cánh tay bật thành chỉ pháp. Chỉ rít lên rất lớn, đánh vào giữa lòng bàn tay Đạo Sinh. Đạo Sinh vận đủ mười thành công lực chịu đòn. Chỉ lực đẩy y bật lên cao. Trên cao y lộn một vòng, phóng cước đá chàng. Đào Kỳ dẫn khí về Đốc-mạch, chuyển xuống Túc dương minh Vị kinh, rồi chàng cùng nhảy lên cao, đưa cước đỡ cước y. Hai cước chạm nhau. Hai người cùng bật ra xa, rồi rơi xuống đất. Bấy giờ Lê Đạo Sinh mới thấy nội lực Đào Kỳ vừa cương, vừa nhu, chứ không phải nội lực dương cương của Tản viên, do đó không phải là đệ tử của sư huynh. Y nghĩ: – Khắp đất Lĩnh-Nam làm gì có người biết nội công cương nhu thế này? Đầu óc y chợt lóe lên một tia sáng: – À, phái Quế lâm có thứ nội công cương nhu. Người mạnh nhất là Nghiêm Sơn cũng không bằng được thiếu niên này. Thế y là ai? Nghĩ rồi y vận sức ra chiêu Ngưu tẩu như phi. Chiêu này kình lực rất dũng mãnh, vừa mau, vừa mạnh, như thác đổ, như sét đánh. Đào Kỳ biết chiêu này không tầm thường, chàng vận đủ mười thành công lực, phát chiêu Thiết kình phi chưởng của Cửu chân đỡ lại. Chàng vận khi vào Đơn-điền, không tâm xuất lực. Lý thuyết này chàng mới luyện hôm trước ở trên thuyền. Bùng một tiếng, Lê Đạo Sinh bật tung trở lại, đập lưng vào cái cột nhà. Cây cột gãy rắc, còn Đạo Sinh ngồi xuống đất, máu miệng ri rỉ chảy ra. Đào Kỳ nghĩ đến Lê Đạo Sinh giam cầm mình ở dưới thuyền, khí giận bốc lên, phóng một chưởng nữa. Chưởng phong cực kỳ hùng mạnh. Vợ chồng Vũ Hỷ, Chu Bá, Hoàng Đức cùng nhảy tới vung chưởng đỡ. Bùng một tiếng, năm người bật lui trở lại. Trong tiếng Bùng có tiếng một thiếu nữ kêu thét lên: – Anh Kỳ! Nhẹ tay một chút. Rồi Tường Quy nhảy vèo ra vung chưởng tấn công Đào Kỳ để cứu ông ngoại. Đào Kỳ sợ hai chưởng đụng nhau làm nàng bị thương, chàng vội thu nội lực trở về. Chàng lùi lại, lột râu, đến trước cha me,ï quỳ xuống hành le: – Con bất hiếu là Đào Kỳ, trở về thăm bố mẹ, cậu mợ. Con kính chúc bố mẹ, cậu mợ sống lâu trăm tuổi.. Đào hầu, Đào phu nhân, vợ chồng Đinh Đại thấy thiếu niên võ công kinh người lại là Đào Kỳ, nỗi mừng vui kể sao cho siết nói không nên lời. Đào Kỳ đến trước mặt Lục Mạnh Tân khấu đầu: – Con xin vấn an thầy cô, kính chúc thầy cô mạnh khỏe. Rồi Đào Kỳ chỉ Lục giới thiệu với bố mẹ: – Thưa bố mẹ, Lục tiên sinh là Thánh Khổng tái sinh. Người là đấng quân tử khó kiếm ở trên đời. Con đã được người dạy dỗ tận tình. Xin bố mẹ tạ ơn thầy cho con. Lục Mạnh Tân hướng vào Đào hầu: – Đào chưởng môn! Tôi là văn nhân người Hán, Đào hầu một niềm phản Hán phục Việt, vậy Đào hầu có ghét tôi không? Đào hầu cười ha hả: – Không dám! Nếu tất cả người Hán đều như Lục tiên sinh, dù tôi có hô hào phản Hán phục Việt, cũng không ai nghe theo. Nếu tất cả đều như tiên sinh, thì trên thế gian này làm gì có chiến tranh? Lục Mạnh Tân chỉ Lê Đạo Sinh: – Đây là nhạc phụ đại nhân của tôi. Xin Đào hầu rộng dung cho người, cho các sư huynh, sư đệ của tiện phụ rời đảo được không? Đào hầu chắp tay: – Đã có lời của Lục tiên sinh, tôi xin kính cẩn tiễn Lục trúc tiên sinh lên đường. Đào phu nhân hướng vào Lục Mạnh Tân: – Lục tiên sinh! Tháng dài ngày rộng còn nhiều, vợ chồng chúng tôi kính cẩn xin mời tiên sinh và phu nhân ở lại đảo chơi ít ngày, không biết tiên sinh có nhận không? Đào Kỳ thấy mẹ ngỏ ý mời thầy ở lại đảo, chàng mừng quá, vội tiếp: – Thưa thầy! Giữa Thái hà trang và Đào trang có những tỵ hiềm, thầy là người khiêm khiêm quân tử, nếu thầy ở lại đảo có thể xóa được tỵ hiềm đó. Xin thầy nhận lời cho. Điều Đào Kỳ nói, chính là điều Lục tiên sinh đã nghĩ tới. Tiên sinh tiến lên đỡ nhạc phụ dậy. – Nhạc phụ đại nhân! Con nghĩ nhạc phụ nên xóa bỏ hết những tỵ hiềm giữa Thái hà trang và Đào trang. Con là nghĩa tế của nhạc phụ, có bổn phận như con đẻ. Con tình thầy trò với Đào Kỳ, có bổn phận như cha. Nếu Kỳ có điều gì quá đáng, cha hãy coi như đứa cháu ngoại mà đại xá cho. Cha có đứa cháu ngoại văn võ kiêm toàn, còn hơn có kẻ thù nguy hiểm. Xin cha nghĩ lại. Lê Đạo Sinh tuyệt không ngờ công lực của Đào Kỳ tiến mau đến trình độ đó. Y ngẫm nghĩ một lúc rồi gật đầu: – Thôi được! Cha nghe lời con. Con với Lan Phương muốn ở lại đảo thì tùy con. Cha phải về. Lê Đạo Sinh từ từ đứng dậy, phất tay cho đệ tử, rồi hướng vào Đào hầu, xá một xá dài: – Đào hầu! Hậu hội hữu kỳ. Phong châu song quái gườm gườm nhìn Đào Kỳ rồi đi theo đồng bọn. Đào hầu, Đinh hầu là những hào kiệt rộng lượng, không để thù hận làm mất vẻ phong nhã. Ông vẫy vợ, con, đệ tử theo tiễn Lê Đạo Sinh ra tận bờ biển. Tường Quy nắm chặt bàn tay Đào Kỳ cùng đi ra. Nàng muốn ở lại đảo, muốn lên tieéng với mẹ, nhưng Lê Đạo Sinh đã vẫy tay nói: – Cháu ngoại! Cháu là con dâu Huyện lệnh Đăng châu, cháu là gái có chồng, phải theo ông về Long-biên, ông sẽ cho người đưa cháu về nhà chồng. Tường Quy như bị một tiếng sét ngang đầu. Nàng vội buông tay Đào Kỳ, nước mắt tuôn rơi, rồi bật tiếng khóc, ngước nhìn mẹ. Đào Kỳ tiến lên vái Chu Bá: – Chu tiên sinh! Trước khi giao đấu chúng ta đã có ước hẹn, nếu tôi thắng, tiên sinh sẽ ưng cho một điều. Nay xin tiên sinh giữ lời hứa. Vợ Chu Bá là Lê Thị Hảo hỏi: – Chẳng hay Đào công tử yêu cầu ta điều gì? Bà hỏi Đào Kỳ bằng giọng đầy thiện cảm. Đào Kỳ chỉ Tường Quy: – Chu cô nương với cháu... với cháu... Xin Chu phu nhân cho Tường Quy ở lại đảo này được không? Lê Đạo Sinh cười nhạt: – Đào công tử! Chu Bá hứa làm cho ngươi một điều, miễn điều đó không trái với đạo lý. Tường Quy là gái có chồng, vì vậy, nếu chúng ta để nó ở lại đảo với ngươi là trái đạo lý. Chúng ta không thể chấp nhận điều đó được. Đào Kỳ liếc nhìn Tường Quy. Hai người thấy như trời đất tối sầm lại. Vũ trụ tuy bao la mà nhỏ bằng hạt đậu. Đinh Đại vốn tính cương nghị. Bấy lâu nay cháu bị mất tích, tuy ông không buồn rầu khóc lóc như chị ông, nhưng ông cũng thấy thương nhớ bối rối. Nay, bất thình lình trong cơn nguy nan, Đào Kỳ xuất hiện, dùng võ công đánh thắng đệ nhất cao nhân Lĩnh-Nam. Ông mừng đến chảy nước mắt. Giữa cái mừng đó, ông thấy cháu mình vướng vào nữ sắc khó có lối thoát. Ông là người kinh nghiệm nhiều. Ông biết trên đời này có ba mối tình: Một là tình yêu trai gái, Hai là tình yêu thương nhân luân của cha mẹ với con cái, Ba là tình yêu thương dân tộc, đồng loại. Ông muốn dùng thứ tình yêu sau để chế ngự tình yêu trai gái của cháu. Ông vẫy Đào Kỳ lại gần, ghé tai chàng nói nhỏ mấy câu: – Trên đời này nếu không có Tường Quy, cháu cũng không thể chết được.Trên đời này, nếu không có cha mẹ, cháu cũng không đến nỗi không sống được. Nhưng nếu trên đời này, đất Lĩnh-Nam không còn, cha mẹ, cậu mợ cùng cháu còn sống làm chi nữa? Cháu hãy hy sinh Tường Quy để đổi lấy Lĩnh-Nam có được không? Quả nhiên hùng khí bốc dậy, Đào Kỳ nói: – Cậu dạy chí phải. Cha mẹ cháu, cùng cả hai họ Đào, Đinh có thể vì Lĩnh-Nam mà hy sinh. Đinh Đại ghé tai chàng thì thẫm mấy câu. Đào Kỳ tươi mặt lên. Chàng đến bên Chu Bá nói: – Thưa Chu bá phụ! Cháu có điều muốn thưa với bá phụ. Chàng ngoắc Chu Bá lui ra xa mọi người, rồi khẩn khoản, nói: – Chuyện cháu với Tường Quy coi như đã tuyệt vọng. Bây giờ cháu có một yêu cầu đối với bá phụ. Cháu thấy Lục trúc tiên sinh ngày càng đi vào con đường chống Lĩnh-Nam. Vì vậy, điều cháu yêu cầu bá phụ, xin bá phụ hãy tìm cách khuyên Lục trúc tiên sinh trở về với Lĩnh-Nam, hoặc nếu không được xin bá phụ trở về để chúng ta cùng phục hồi đất tổ. Chu Bá thấy những điều Đào Ký nhận xét rất đúng, y cảm động, nói khẽ: – Ta nhận lời cháu, nhưng cần phải làm cho kín đáo. Nếu lộ ra, tính mạng ta e cũng khó toàn. Ông nắm tay Đào Kỳ hồi lâu rồi, rồi trở lại. Cả đoàn người xuống mủng rồi từ từ ra khơi. Đào Kỳ nhìn theo cho tới khi bóng Tường Quy khuất trên mặt biển, chàng mới quay trở lại. Đào phu nhân biết tâm sự của con, bà nâng mặt Đào Kỳ lên: – Con tôi lớn quá rồi. Giống bố hồi trẻ như đúc. Không biết tính tình có giống bố không? Đào Kỳ ôm lấy ngang lưng bà, gục vào lòng bà. Chàng thấy mùi thơm thơm quen thuộc, chàng nói: – Mặt thì giống bố, nhưng tính thì một phần giống bố, một phần giống mẹ và một phần giống Khổng Tử, vì con đã được thầy dạy đọc sách Nho giáo. Kể từ khi xảy ra vụ đánh phá Đào, Đinh trang đến giờ, lúc nào Đào hầu, Đào phu nhân, Đinh hầu đều buồn rười rượi, vì tổ nghiệp mấy trăm năm bị tan nát, không biết đến bao giờ mới khôi phục lại. Ông bà lại bị lạc mất đứa con út là Đào Kỳ, cùng người đệ tử thứ ba là Thiều Hoa và trên trăm đệ tử, tráng đinh. Ông cho người đi dò tìm, và đã khám phá ra vụ đệ nhị đệ tử Trịnh Quang phản sư môn theo Phong châu song quái. Y ẩn ở Đào trang làm nội ứng, hiện cùng trên trăm đệ tử lưu ngụ ở Hoa-lư. Đệ tam đệ tử Thiều Hoa đã lấy Nghiêm Sơn, còn con út là Đào Kỳ vẫn tuyệt vô âm tín. Ông điều tra thấy Nghiêm Sơn là người hiệp nghĩa, có tư cách. Nghiêm Sơn được Đệ tứ thái bảo Nguyễn Tam Trinh đứng ra chủ hôn, do đó ông đã rất yên lòng. Ông được tin Lê Đạo Sinh tuân lệnh Tô Định tổ chức đại hội Tây hồ, mục đích quy tụ các môn phái quy phục Hán đế. Ông biết sức mình phá không được, đành cho Tường Loan về để lột mặt nạ Trịnh Quang và tỏ ý chí không tham dự đại hội cầu phong Trung nguyên. Trong đại hội, Đào Kỳ đã xuất hiện nhưng Tường Loan chưa về tới, nên ông chưa biết kết quả. Giữa lúc đó người Thái hà trang xuất hiện do chính Lê Đạo Sinh cầm đầu các đại đệ tử đến ép ông phải đầu hàng, làm tôi cho người Hán. Đại cuộc sắp lâm nguy, bỗng một thiếu niên xuất hiện, đánh thắng tất cả các cao thủ, thắng luôn Lê Đạo Sinh lại là con út của mình, ông mừng kể sao cho siết? Về đến sảnh đường, Đào Kỳ mới có dịp hỏi đến đại sư huynh và hai anh Nghi Sơn, Biện Sơn, sư đệ Quách Lãng, hai người em con cậu là Đinh Bạch nương và Đinh Tĩnh Nương. Trong bữa tiệc đoàn viên, trước mặt thầy cô, bố mẹ, cậu mợ, Đào Kỳ kể hết những gì chàng gặp từ ngày rời Đào trang. Chàng chủ trương: – Đối với cha mẹ, cậu mợ, thầy cô, không cần dấu diếm gì cả. Bởi vì, đối với cha mẹ mà dấu diếm là bất hiếu. Về Lục Mạnh Tân, chàng nghĩ: – Ông là thầy mình, là con rể Lê Đạo Sinh. Kinh Xuân thu kể lại tích: Một người đứng giữa hai phài tranh giành. Phái thứ nhất tỏ vẻ tin tưởng vào người đó, người đó sẽ ngã theo phái thứ nhất. Vậy mình phải tỏ ra tin tưởng Lục tiên sinh, tiên sinh sẽ ngã theo mình. Vì vậy, chàng kể hết, dù là chuyện riêng tư giữa chàng Phương Dung và Tường Quy. Đào hầu nghe con kể, ông không ngờ rằng con mình lại gặp nhiều kỳ duyên đến thế. Ông như trẻ lại đến tuổi, ông nói: – Tạ ơn Quốc tổ Hùng vương, An dương vương đã phù hộ cho con gặp được nhiều điều may mắn. Ông bà đối với Lục Mạnh Tân cực kỳ cung kính. Ông dành cho vợ chồng Lục một căn nhà đẹp, đằng trước có vườn hoa, có lầu đọc sách. Lục Mạnh Tân là một Nho sĩ khoáng đạt, có chí khí muốn đem đạo Nho đi dạy thiên hạ. Nên những ngày ở đó, ông tổ chức giảng sách hàng ngày cho đệ tử Đinh, Đào gia. Đào hầu không cắt cử tỳ nữ hầu hạ ông bà, mà cử các đệ tử thân tín hầu hạ thầy cho phải đạo. Trong lời nói hằng ngày, ông bớt xỉ mạ người Hán hơn. Một buổi tối, ông tụ họp đệ tử Đinh, Đào trang. Vì đây là buổi họp môn phái nên ông không mời Lục Mạnh Tân tham dự. Sau khi lễ tổ Hùng vương, An Dương vương xong, ông nói: – Chúng ta đều là đệ tử Cửu-chân, Đào-trang, Đinh-trang được thành lập đã trên 200 năm. Nay bỗng nhiên bị người chiếm mất, đó là sỉ nhục, chúng ta phải chiếm lại. Thứ nhì, ta cho người về dò thám trong chín dòng của Âu-Lạc, tất cả đều gặp khốn khổ vì Ngũ pháp của Hán-đế ban ra. Các Huyện-úy đều là những người Việt, nhưng tàn ác vô cùng. Bây giờ chúng ta nên về chiếm lại trang ấp, hay chỉ hành hiệp trừ ác thôi? Đó là điều ta muốn thỉnh ý kiến của phu nhân, của Đinh đệ và các đệ tử. Ai có ý kiến gì, cứ tự nhiên phát biểu. Đinh Bạch Nương đứng lên: – Thưa bác con nghĩ tổ tiên đã gây nghiệp trên 200 năm nay bị người chiếm mất, ta phải chiếm lại là lẽ đương nhiên. Phái Cửu-chân có chín trang, nhưng chỉ có Đào, Đinh trang dám đứng mũi chịu sào phản Hán phục Việt. Nay Đào, Đinh bị đánh tan, như vậy đất Lĩnh-Nam hào kiệt không ai dám đứng lên chống Hán nữa. Đại đệ tử của Đinh Đại là Quách Lãng thưa: – Thưa sư bá, sư phụ! Nếu bây giờ chúng ta xuất lĩnh tráng đinh chiếm lại hai trang, dĩ nhiên sẽ đuổi được Phong châu song quái đi. Nhưng Vũ Hỷ là Đô sát Cửu-chân, trong tay nắm một Lữ bộ binh, bốn Lữ kỵ binh. Y có quyền điều động tráng đinh của các trang khác. Vậy liệu Đào, Đinh trang chúng ta có đủ sức thắng lại y không? Dù thắng được y, nhưng khi kỵ binh của Thái-thú kéo đến, chúng ta sẽ đối phó ra sao?