Thời Hải Ngoại
Chương Hai mươi bảy

Trong khi tôi soạn Minh Họa Kiều, tức là đi vào địa hát ca nhạc kịch Việt Nam thì tôi nhớ ra rằng trong dĩ vãng, tôi cũng đã từng soạn nhạc cảnh rồi. Nhưng trước đây, vì tôi liên tục soạn nhạc cho phòng trà, nhạc cho sinh viên, nhạc cho người tình, nhạc cho người lính v.v... với những thể tài như đoản ca, trường ca, chương khúc, cho nên người yêu nhạc không biết rõ ràng về một loại ca có cốt truyện, có nhân vật, có dàn cảnh, có diễn xuất v.v... của tôi. Những màn nhạc cảnh nho nhỏ này là những thử thách để tôi sẽ có ngày tiến tới cái gọi là ''đại ca kịch'' Minh Họa Kiều.
Vào năm 1963, khi hãng phim Mỹ Vân tại Saigon muốn có những nhạc cảnh để cho vào những cuốn phim của họ thì họ tìm đến tôi. Hãng này mướn tôi soạn hai nhạc cảnh với ''kịch bản'' - libretto - của kịch sĩ Năm Châu. Đó là nhạc cảnh CHỨC NỮ VỀ TRỜI và nhạc cảnh TẤM CÁM. Hồi đó, trong làng Tân Nhạc Việt Nam, mới chỉ có Lưu Hữu Phước với nhạc cảnh - hay nhạc kịch - CON THỎ NGỌC, TỤC LỤY và Hoàng Thi Thơ với CÔ GÁI ĐIÊN v.v...
Trong hai nhạc cảnh CHỨC NỮ VỀ TRỜI và TẤM CÁM, phần hát là do các ca sĩ Hoài Trung, Thái Thanh trong ban Thăng Long thu giọng để cho các tài tử La Thoại Tân, Thẩm Thúy Hằng diễn trong phim với kỹ thuật ''lipsing''. Rất tiếc rằng tôi không giữ được bản thảo hay thước phim của hai nhạc cảnh này.
Tới khi tôi qua Hoa Kỳ, dù vẫn được sống bằng nghề ca nhạc nhưng trong những năm đầu, về sáng tác, tôi vẫn chỉ cần soạn ra những ca khúc ngắn hay dài để thu thanh rồi cho vào những băng cassette hay CD để phổ biến, đa số là những tị nạn ca mang nặng tinh thần hoài hương.
Rồi trong cộng đồng người Việt xa xứ, vào những năm 80 bỗng phát sinh ra một ngành mới là ngành sản xuất băng video do những hãng trước đây chỉ sản xuất băng audio-cassette như THÚY NGA, LÀNG VĂN hay ASIA v.v... Trước tiên chương trình trong băng video chỉ là những màn đơn ca với ca sĩ đứng hát như một pho tượng hoặc có kèm những hình ảnh đi đôi với ca khúc, hoặc có khi với những hình ảnh chẳng ăn nhằm gì đến nội dung bài hát cả.
Sau dần, để cạnh tranh, các hãng sản xuất bỏ thêm tiền để thực hiện những màn vũ, nhạc cảnh, nhạc kịch. Và khi hãng THÚY NGA sản xuất một cuốn video về tôi với nội dung Phạm Duy, Con Người Và Tác Phẩm (Paris By Night số 19) thì tôi đề nghị đưa bài Chú Cuội vào cuốn video thành một nhạc cảnh nho nhỏ do Ái Vân đóng cả hai vai Chú Cuội và Hằng Nga.
Sau đó, hãng THÚY NGA luôn luôn nhờ tôi soạn nhạc cảnh, phần nhiều để cho nghệ sĩ Ái Vân đóng vai chính. Đó là những nhạc cảnh Người Đẹp Trong Tranh, Thằng Bờm, Thị Mầu Lên Chùa, Trên Đồi Xuân. Rồi tới hãng THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT mời tôi cộng tác với những nhạc cảnh Chum Vàng, Truyện Tình Sơn Nữ, Mài Dao Dạy Vợ.
Nhạc cảnh Người Đẹp Trong Tranh, phóng tác theo truyện cổ BÍCH CÂU KỲ NGỘ, đưa ra trên sân khấu một chàng thư sinh ngồi uống rượu bên một bức tranh mỹ nữ thật đẹp. Sau phần nhạc dạo, thư sinh kể chuyện mình vừa đi hội chùa, gặp một người đẹp và mua được bức tranh vẽ chân dung của người thiếu nữ đó...
Thư sinh:
Từ khi ngơ ngẩn ra về
Sầu tương tư mãi não nề lòng ta
Rồi may gặp được ông già
Bán cho tranh vẽ bóng người chiều xưa.
Thư sinh sống với người đẹp trong tranh...
Bên song thắp ánh đèn mờ
Sớm khuya với bức hoạ đồ làm đôi
Trông tranh mà ngỡ như ai
Lung linh mắt ngọc, miệng cười đón Xuân.
Thư sinh ngủ gục... Nhạc hoà tấu và nàng tiên từ trong tranh bước ra...
Rằng ta thần nữ xuống đây
Tiền duyên thuở trước với ai
Kiếp nay xin đền tình tang, kiếp nay xin đền.
Thư sinh tỉnh giấc, thấy người đẹp:
A ha à a ha! A ha à a ha!
Rõ ràng mày liễu mặt hoa
Đào nguyên lạc lối đâu mà tới đây?
Và như trong truyện cổ tích, bởi vì chàng là mối duyên tiền kiếp, bởi vì tình chàng quá ư đằm thắm, nên khiến Trời rộng tâm cho, cho thiếp hầu hạ người thơ... Nhạc cảnh kết thúc với đám cưới của Thư Sinh và Giáng Kiều:
Bóng mây bỗng kéo quanh nhà
Thảo am thoắt đổi, đổi ra lâu dài
Sáng một góc trời và áo mũ xiêm hài
Lả lơi bên nói bên cười
Bên mừng tố nữ bên mời tân lang.
Nhạc cảnh Thị Mầu Lên Chùa, Trên Đồi Xuân cũng được hãng THÚY NGA thực hiện với nhiều công phu, và hình như được khán thính giả thích thú hơn. Vì trong mỗi cuốn video, có trên 20 tiết mục thì đa số là những màn hát có múa với các vũ sinh trang phục và nhẩy nhót theo kiểu Âu Mỹ, thì những màn video của tôi có nhiều dân tộc tính hơn.
Tôi rất thích nhạc cảnh Thằng Bờm, vì tôi đem được vào màn ca vũ đó một ý nghĩa hơi khác với quan niệm của mọi người. Đó là sự trao đổi giữa một người giầu có nhưng không an nhàn với một chú bé an nhàn nhưng không đủ ăn. Khi Thằng Bờm và Phó Ông biết chia cho nhau cái có của mình, trao đổi cho nhau hạnh phúc thì cả hai đều sung sướng. Nhạc cảnh này được một nữ vũ sư người Mỹ dàn cảnh với những vũ sinh đóng vai trâu, bò, chim, cá và gỗ lim cùng múa hát với Thằng Bờm và Phú Ông.
Với Trung Tâm THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT, tôi có những nhạc cảnh như Truyện Tình Sơn Nữ, Chum Vàng, Mài Dao Dạy Vợ. Nhạc cảnh Chum Vàng cũng giống như nhạc cảnh Thằng Bờm, là một chuyện cổ tích bình dân do tôi phóng tác.
...Có một đôi vợ chồng nghèo, làm nghề nông, suốt đời vất vả, lam lũ. M!!!3975_29.htm!!! Đã xem 152322 lần.


Nguồn: vietmessenger.com
Được bạn: MS đưa lên
vào ngày: 15 tháng 1 năm 2004