Thời Hải Ngoại
Chương Hai mươi bốn

Bây giờ là tháng 6, năm 1992. Tôi soạn Thiền Ca.
Nói tới thiền thì ai cũng đều biết thiền là vô ngôn. Vậy tại sao lại cần đến thiền ca nhỉ? Tôi xin thưa ngay: Bởi vì bản thân tôi hãy còn đang rảo bước trên con đường trở về cõi tâm và trước khi tới đích là vô ngôn thì phải hát lên.
Nếu tôi không lầm thì người ta đã dùng nhiều phương tiện (hay phương pháp) để đạt tới thiền. Nào là ngồi thiền, thở thiền, nằm thiền, đi thiền... Trải qua bao niên kỷ, Thiền đã đi vào đời sống của nhiều dân tộc dưới nhiều dạng: Thiền của Bồ Đề Đạt Ma là Võ Thiếu Lâm, võ Thái Cực Quyền. Tổ sư Huệ Năng giã gạo, bửa củi để vào thiền. Người Nhật Bản coi việc pha trà, cắm hoa là hành thiền. Gần đây Thiền sư Nhất Hạnh còn đem thiền vào việc thức dậy, quơ giép, mở cửa sổ, vặn nước, rửa mặt, rửa tay chân, v.v. Nghĩa là con đường vào thiền có rất nhiều phương tiện. Phương tiện của tôi là hát lên mười khúc thiền ca.
Đó là lý do vì sao tôi soạn thiền ca như trước đây, 1972... tôi đã soạn đạo ca, phổ thơ Phạm Thiên Thư.
Thế nhưng, tại sao đạo ca? Là bởi vì vào lúc đó, chiến tranh, hận thù, chia rẽ và ly tán, đã làm cho đạo lý của con người suy đồi. Đạo Ca có thể là loại ca khúc để chúng ta cùng nhau xét lại đạo sống Việt Nam.
Niềm hạnh phúc của tôi bây giờ là vào lúc tuổi đã về chiều mà vẫn có thêm một chút hành trang mới, để làm nốt cuộc hành trình khá dài và khá nhiều gian truân. Tôi đã được cùng đồng bào vinh quang đi trên những nẻo đường kháng chiến, rồi cùng nhau chua xót đi giữa hai lằn đạn trên con đường cái quan bị cắt làm hai mảnh. Tôi đã được cùng các bạn yêu nhạc say đắm đi trên con đường tình chan chứa yêu thương. Tôi và các bạn cũng đã bị lôi cuốn đi trên con đường hận thù xiết bao buồn bã. Rồi những năm qua, trên con đường khốn khổ lưu vong, tôi vẫn còn được cùng đi với gần hai triệu đồng hương. Hôm nay đây, trên một con đường hoàn toàn mới mẻ, con đường trở về cõi tâm bằng những thiền ca, tôi âu yếm kính mời các bạn cùng tôi cất bước lên đường.
Trước hết, tôi xin phép được nói về những yếu tố làm nên kết quả đạo ca, rong ca, thiền ca của tôi.
Lúc còn nhỏ, vì mẹ tôi là một Phật tử thuần thành cho nên tôi đã được theo mẹ đi tới các nơi lễ bái nổi tiếng như Chùa Thầy, Chùa Hương, đền Sòng Phố Cát... Tôi biết tụng kinh, chẳng hạn Kinh Dược Sư: Lư hương xạ nhiệt, pháp giới mông huân, chư Phật hải hội tất diêu văn, tùy xứ kiết tường văn, thành ý phương ân, chư Phật hiện toàn thân... Tôi cũng thuộc ít nhiều câu Kinh Bát Nhã: Xá Lợi Tử, Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc, Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc, Thụ, Tưởng, Hành, Thức diệc phục như thị... Thuộc làu kinh kệ nhưng tôi chẳng hiểu gì hết!
Về sau tôi mới hiểu nghĩa của câu tụng là: Lư hương vừa dốt, cõi pháp thơm bay, chư Phật bốn biển đều xa hay, thấu tâm thành này, chư Phật hiển hiện ngay... Lời kinh Bát Nhã còn cho tôi biết cõi đời là bất sinh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm... cõi sinh là vô sắc, vô thanh, vô hương, vô nhãn...
Lớn lên thì thấy những gì mình không hiểu trong Đạo dần dần được giảng giải một cách minh bạch và rất nên thơ, như:
Có thì có tự mảy may
Không thì cả thế gian này cũng không
(Từ Đại Hạnh - Thế kỷ XII)
Tôi hiểu được rằng: tôi với cây cỏ, côn trùng hay với núi, biển, trăng sao là một. Tôi với hòn đá cuội có liên quan với nhau trong cõi sinh. Có tôi mới có nó. Không có nó thì không có tôi. Tôi hiểu được cái tôi trong cái ta. Và cái ta trong cái tôi.
Lớn lên hơn nữa, tôi được biết những lời thơ rất thiền như sau:
Thuyền xuôi thì nước cũng xuôi
Lại thêm mây bạc trên trời cũng bay
Tôi đi trên chiếc thuyền này
Dòng mơ tư tưởng đã thay đổi rồi
Cái bay không đợi cái trôi
Từ tôi phút trước sang tôi phút này.
Qua những lời thơ này, tôi hiểu được cái lẽ vô thường của tạo hóa.
Thế rồi tôi trưởng thành, phanh ngực vào đời và luôn luôn bị cơn phong ba thời đại cuốn đi, ít khi có thì giờ để suy nghĩ về đạo. Nhưng cũng có những buổi chiều quê hương, tôi đi một mình trên đường quê, lòng đang nặng trĩu những nợ đời, bỗng có tiếng chuông chùa gióng lên. Tôi cảm thấy vơi đi những lo lắng, ưu tư. Hoặc có những buổi trưa, nằm trên một cái chõng tre hay trên một cái võng gai, nhìn lên trời, thấy áng mây bay và bỗng thấy mình là mây, đang bay thoát ra khỏi cõi đời đầy tục lụy. Tôi thấy được cái gọi là siêu thoát. Tôi cảm thấy mình vừa ra thoát khỏi vòng vây chật hẹp của cuộc đời. Tôi thấy tôi đang đi vào cái ta...
Nền giáo dục trong gia đình và ở nhà trường còn dạy tôi rằng trong bất cứ một người Việt Nam nào cũng có ba đạo giáo Phật, Khổng, Lão thường được gọi là tam giáo đồng nguyên. Đạo Phật dạy ta về cõi đời, đạo Khổng dạy ra sống với đời, đạo Lão dạy ta thoát đời. Trong phạm vi văn học, tam giáo đồng nguyên hiển hiện trong Truyện Thơ Kim Vân Kiều của Nguyễn Du, Truyện Thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, trong tập thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm, tập hát nói của Nguyễn Công Trứ... Và trong nghệ thuật ca diễn, tam giáo đồng nguyên đó soi sáng tất cả các loại Tuồng, Chèo, Hát Ả Đào, Hát Cải Lương...
Nói cho rõ hơn, vào cuối thế kỷ 19, tập thể Việt Nam sống trong gia đình và ngoài xã hội với tinh thần trung, hiếu, tiết nghĩa. Cá nhân Việt Nam là mẫu người từ bi, mẫu người quân tử, mẫu người phóng khoáng.
Nhưng sau khi văn hóa Âu Tây theo chân thực dân Pháp tới nước ta thì đạo lý theo đường tam giáo đồng nguyên bắt đầu suy vi. Văn minh vật chất, cá nhân chủ nghĩa dần dần làm mờ đi giá trị của đạo lý cũ. Rồi tới khi lịch sử nước ta đi tới khúc quanh 1945 thì một đạo lý khác tới, mới đầu là sự cần thiết để giải phóng dân tộc, rồi sau 50 năm ngự trị trong đời sống Việt Nam, đạo lý đó rõ ràng là đạo lý của sức mạnh.
Ngay từ năm 1945 đó, dù rất đồng ý với việc người Việt Nam cần phải có sức mạnh để làm cuộc kháng chiến chống xâm lăng nhưng có lẽ vì tinh thần tam giáo vẫn còn tồn tại trong tôi cho nên tôi không hề suy tôn đạo lý bạo lực đó. Đầu mùa kháng chiến, khi mọi người đang khởi sự phải sống theo đạo lý thề phanh thây uống máu quân thù thì tôi soạn một bài ca nhan đề Thu Chiến Trường, vừa xưng tụng chiến đấu, vừa xưng tụng hòa bình:
Thu ơi Thu! Ta vỗ súng ca
Ca cho đời, cho Thu với ta.
Nơi biên khu, mong nhớ khúc ca
Câu Thái Hòa cho muôn chúng ta!
(Kháng chiến Nam Bộ 1946)
Thế rồi ngay trong lúc đang say mê với nhạc chiến đấu, đứng bên chiếc cầu sắt ở Lào Kai, tôi bỗng nhìn thấy cái chật hẹp của biên cương. Vào lúc mới ngoài 20 tuổi, tôi soạn bài Bên Cầu Biên Giới:
Bên cầu biên giới
Tôi lặng nghe dòng đời từ từ trôi.
Sông nước xa xôi
Mây núi khắp nơi không tỏ một đôi lời!
........
Nhưng đường quá xa vời
Hương trời vẫn mê mải
Lòng tôi sao vẫn còn biên giới
Đời tôi sao vẫn ngừng nơi đây...
Thì ra không phải tôi chỉ nói tới cái biên giới giữa hai nước Hoa Việt ngăn không cho tôi tới sống bên người đẹp Tô Châu hay chết bên bờ sông Danube. Đứng ở Lào Kai, tôi bỗng nhìn thấy biên giới trong cuộc đời và trong lòng mình. Đó là biên giới giữa khoảnh khắc và thiên thu, giữa chiến tranh và hòa bình, giữa tình yêu và hận thù...
Đi sâu vào kháng chiến, trong khi đa số các bài ca chỉ xưng tụng người chiến sĩ ngoài tiền tuyến thì tôi hay nhắc tới người hậu phương, ví dụ trong bài Nhớ Người Ra Đi:
Ai có nghe tiếng hát hành quân xa
Mà không nhớ thương người mẹ già...
Ai có nghe tiếng hát hành quân xa
Mà không nhớ thương người vợ hiền...
Ai có nghe tiếng hát hành quân xa
Mà không nhớ thương đàn trẻ nhỏ...
(Thái Nguyên 1947)
Trong những năm chiến tranh, tình người luôn luôn được tôi xưng tụng qua những hình ảnh: cô con gái giặt yếm bên bờ sông Lô, cô nàng về để suối tương tư... hay cô nàng về quẩy gánh trên vai nơi nương chiều Việt Bắc... những cô gánh gạo, gánh lúa ở Thanh Hóa... hay những o nghèo thở dài ở Quảng Bình, Quảng Trị... Ngoài tinh thần điều hợp con người và xã hội của Khổng Giáo, trong một hoàn cảnh bi thảm nhất của cuộc chiến, tôi đưa ra một câu hát có khả năng cứu khổ của Phật Giáo trong bài Bà Mẹ Gio Linh (1948):
Mẹ già cuốc đất trồng khoai
Nuôi con đánh giặc đêm ngày
Cho dù áo rách sờn vai
Cơm ăn bát vơi bát đầy...
Người mẹ này, một hôm đang tưới nước trồng rau bỗng nghe tin xóm làng kêu gào:
Quân thù đã bắt được con
Đem ra giữa chợ cắt đầu...
Giặc Pháp bêu đầu con giữa chợ. Không ai dám tới lấy cái đầu lâu đó. Bà mẹ đành...
...nghẹn ngào không nói một câu
Mang khăn gói đi lấy đầu
Đường về thôn xóm buồn teo
Xa xa tiếng chuông chùa reo...
Trong thực tế, tại Quận Gio Linh vào năm 1948 này, với chủ trương vườn không nhà trống, không còn một ngôi chùa nào nữa. Vậy mà tôi đã cho vào đây một tiếng chuông chùa. Tiếng chuông chùa này, về sau vẫn còn vang lên trong một bài dân ca kháng chiến khác của tôi, bản Người Về:
Mẹ ơi! Mẹ ơi! Chuông chùa nào la đà?
Nhớ tới, nhớ tới những linh hồn vắng nhà
Một vòng hương trắng xóa
Tình nồng trong thương nhớ
Gửi người chiến sĩ chết trong xa mờ.
Hiệp định Geneve chia đôi nước ta. Với đạo lý Mác Xít, miền Bắc xây dựng một xã hội sắt máu để trị dân và để chiếu cố miền Nam. Miền Nam phải gồng mình chống đỡ. Bạo lực được cổ võ ở cả hai miền. Trong suốt 20 năm, ba bốn thế hệ thanh niên bị lùa đi làm nghĩa vụ hay đi quân dịch, bị bắt buộc phải sống cho bộ máy Nhà Nước hay cho một chủ nghĩa... ít khi được sống cho mình. Trong bài Dạ Lai Hương soạn trong năm 1952, tôi phải thốt lên những câu hát:
Đời ngon như men say tình lên phơi phới
Đẹp duyên người sống cho người!
Rồi với những tiếng kinh cầu, những lời yêu mến nhau, với tình thương nhân thế bao la... tôi tiếp tục xưng tụng tình người qua bài Xuân Thì (1953):
Xa xa có tiếng kinh cầu
Chiều trên dương thế mang sầu mênh mông
Người đi giữa độ Xuân nồng
Nhìn nhau bỡ ngỡ rưng rưng lòng nhớ thương.
Tình thương nhân thế bao la
Yêu người năm trước đã khiến cho ta giận hờn
Và thương cây súng cô đơn
Hoa đào đã nở trên vết mòn chiến xa...
Trong những ngày đầu tiên sống ở Saigòn, hai năm trước khi đất nước chia đôi, tôi chưa bị tình hình chính trị chi phối nên ngồi soạn một bản nhạc tâm linh. Đó là bài Lữ Hành:
Người đi trên dương gian
Thở hơi gió từ ngàn năm
Gió lung lay Hoành Sơn
Gió dâng cao Biển Đông...
Người đi trong không gian, đi trong thời gian, đi trong thiên nhiên hay đi trong nhân gian, đi trong thanh xuân hay vào lúc đã bẩy mươi tuổi đều lên đường với:
Thiên thu trong lòng này
Tương lai trong bàn tay...
Tôi cũng cho rằng người nghệ sĩ là kẻ luôn luôn đi tìm. Do đó tôi có bài Tìm Nhau. Tìm nhau là tìm người yêu hay tìm mình cũng thế. Tìm mình cũng là tìm mọi sự quanh mình, tìm thiên thu, tìm thiên nhiên... cho nên:
Tìm nhau trong hoa nở, tìm nhau trong cơn gió
Tìm nhau trong đêm khô hay mưa lũ.
Tìm nhau khi nắng đổ, tìm nhau khi trăng tỏ
Tìm nhau như chim mộng tìm người mơ.
Đối với tôi, đã quyết định đi tìm người, tìm mình, tìm thiên thu, tìm thiên nhiên thì phải gặp:
Gặp nhau trong Nhân Tình đầy Bác Ái, ơi người
Gặp nhau trong kinh cầu một hồi chuông
Trong 20 năm Nam Bắc phân tranh này, với đạo lý Phật, Lão, Khổng luôn luôn sáng tỏ trong lòng, tôi mong mỏi thống nhất đất nước và lòng người qua Trường Ca Con Đường Cái Quan trước khi vinh danh tình yêu thương qua Trường Ca Mẹ Việt Nam. Trong cả hai trường ca này, tiếng kinh cầu, tiếng chuông chiều vẫn tiếp tục vang lên.
Tới khi chiến tranh và hận thù đi tới chỗ khốc liệt nhất, tôi soạn mười bài tâm ca (1966):
Kẻ thù ta đâu có phải là người
Giết người đi thì ta ở với ai?
..........
Giọt mưa trên lá
Bóng dáng Phật về
Xoa vết thương trần thế...
Trong tâm ca, ngoài tinh thần cứu khổ của Phật giáo, tôi còn đưa thêm lòng nhân ái của Kitô giáo vào đạo sống của tôi:
Giọt mưa trên lá
Tiếng nói tinh khôi
Lúc Chúa vào đời
Xin đóng đanh vì người...
Tất cả những câu hát lẻ loi hướng về tâm linh đó ẩn hiện trong những bản nhạc đời của tôi mà tôi vừa kiểm điểm để mời bạn đọc, đã sửa soạn cho tôi đi thẳng vào nhạc đạo khi tôi gặp một tu sĩ kiêm thi sĩ là Phạm Thiên Thư để soạn ra mười bài đạo ca trong năm 1972.
Đạo Ca ra đời sau Tết Mậu Thân và trong Mùa Hè Đỏ Lửa, nghĩa là trong thời gian chúng tôi nghe thấy tiếng rên siết trong khổ đau của dân tộc qua bài Quán Thế Âm, nó là sự quỳ gối trước Phật Đài với bài Quy Y. Nó là giọt chuông Cam Lộ, nó là chiếc gậy của thiền sư Vạn Hạnh, xuống núi cứu nguy cho đời... Đạo ca Pháp Thân thì nói tới cái tôi trong cái ta, cái ta trong cái tôi mà tôi đã được giác ngộ từ khi còn nhỏ. Đạo ca Đại Nguyện nhấn mạnh tới câu thương người như thể thương thân trong Gia Huấn Ca. Đạo Ca Chàng Dũng Sĩ và Con Ngựa Vàng đưa ra hình ảnh một dũng sĩ cưỡi ngựa vàng đi tìm người yêu muôn thuở. Đi hết năm tháng đi khắp mọi nơi, đi cho tới khi áo bào đã sờn rách, ngựa vàng đã đổi lông mà vẫn không tìm ra người yêu lý tưởng. Thế rồi một ngày kia, dũng sĩ dừng chân xuống ngựa trên cái cầu bắc qua con sông đang gầm sóng, ngựa vàng bỗng hóa thành người đẹp mà dũng sĩ ra công đi tìm. Thì ra, đã từ lâu, dũng sĩ ngồi lên sự thật mà không biết!
Tuy nhiên, Đạo Ca nói lên sự vất vả của dũng sĩ phóng ngựa đi tìm đường sự thật hay nói lên thống khổ của một bà mẹ... là vẫn còn nằm trong vòng tục lụy. Nhạc điệu, lời thơ còn đánh vào tình cảm hay lý trí con người.
Thiền ca thì khác! Nó không gợi cảm, không gợi nhớ. Nó không còn làm cho người nghe vui buồn, thương hận. Nó chủ yếu làm cho cái tâm chuyên chú vào một cảnh giới hay một sự kiện nào đó. Nó nhắm vào việc đưa con người từ cõi phiền não cũ kỹ tới những cảnh sắc tươi sáng, mới mẻ. Những cái thường tình như vui khổ, giầu nghèo, mê ngộ, thiện ác được siêu việt hết, đều trở thành vô thường. Thiền ca giúp người nghe biểu dương sự sống làm chủ ý muốn của mình.
Tôi đã tâm sự với các bạn là ta chỉ cần một tiếng chuông chiều, một áng mây bay để giúp ta siêu thoát. Thế nhưng trong cuộc đời này, ai là người có đầy đủ thì giờ và tâm trạng để ngồi chờ tiếng chuông chiều, áng mây trưa. Chỉ có các cụ ông ngày xưa, trong thời bình và luôn luôn thất nghiệp (jobless) và được các cụ bà nuôi thì mới có thể khi chén rượu, khi cuộc cờ, khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên... Vả lại, tiếng chuông hay áng mây, nếu có tới với ta thì cũng không ở với ta lâu. Thoáng tới, thoáng đi... Mười bài thiền ca, cho vào compact disc với âm thanh ngàn đời không hư, ai muốn nghe lúc nào cũng được, khỏi cần nhờ tới thiên nhiên.
Bây giờ là chuyện Thiền Ca.
Tháng Sáu, năm 1992, tôi đi hát ở Boston. Vì từ nơi cực Đông của Hoa Kỳ qua Pháp không xa lắm, tôi đi Paris chơi một tuần. Bỗng nhiên, tôi có một ngày chủ nhật đi lang thang một mình trong thành phố để gậm nhấm rồi hoá giải một nỗi buồn. Trong dĩ vãng, mỗi khi gặp phải chuyện buồn, tôi đều phản ứng như vậy.
Ít lâu nay, trong cuộc đời về già không dễ dàng tung hoành như trước nữa, tôi luôn luôn bị vài nỗi buồn ám ảnh: Buồn vì đang sắp sửa phải kết liễu một chuyện tình, buồn vì sức khoẻ mỗi ngày một giảm sút, buồn vì tình hình dân chúng - tôi cảm thấy - ở hải ngoại cũng như ở trong nước không còn thiết tha với người nghệ sĩ nữa, v.v...
Thế nhưng, trong một buổi sáng lãng đãng đi một mình giữa Paris nắng rực và vắng vẻ này, tôi lại đánh đuổi được sự dằn vặt trong tôi. Một lần nữa - sau Đạo Ca, Rong Ca - tôi bỏ rơi con đường nhạc đời để tìm về nhạc đạo. Tôi lại tìm thấy an ủi trong siêu nhiên. Trong một đêm (16-6-1992) tôi hoàn thành 10 bài hát - tôi muốn được gọi là - Thiền Ca.
Soạn ra những bài ca thoát tục, trước hết tôi tạ từ một người tình. Sau nữa tôi thể hiện giấc mơ soạn thiền ca mà tôi nuôi nấng khi đi hát mới đây ở Nhật Bản. Chưa kể việc tôi muốn trả ơn một bạn yêu nhạc ở Saigon (Phạm Phú Lợi) gần đây (1990) có một bài viết đăng trên báo PH‡T GIÁO ấn hành ở Los Angeles, nhìn tôi là một bồ tát đọa, vì cứ sống lửng lơ giữa đạo và đời và vì nhân quả chẳng bao giờ tròn nên cứ đành phải tái sinh muôn kiếp.
Tôi trở về Boston để làm nốt công việc ca diễn và tu chỉnh MƯ–I BÀI THI‹N CA. Trong ba ngày đêm, tôi ở trong nhà một người ngẫu nhiên là người em vì có chút liên hệ gia đình là Thầy Giác Đức. Vốn là kẻ không bao giờ đọc kỹ một cuốn kinh hay một cuốn sách về Thiền, tôi đọc lời ca cho Thầy nghe, và đã làm Thầy mất ngủ ba đêm.
Trở về thị trấn giữa đàng, Mười Bài Thiền Ca được thu thanh ngay với phần phóng tác về hoà âm của Duy Cường và với giọng ca Thái Hiền. Có khá nhiều bạn bè thân thương viết về những bài Thiền Ca, được gọi thêm là Hát Trên Đường Về. Thiền Ca được phát hành vào mùa Thu 1992 là nhạc tâm linh (spiritual) với phần nhạc nhiều hơn phần lời, nhạc đi vào vô thể (atonic), không gợi nhớ, gợi cảm mà gợi hứng. Sau khi Thiền Ca được phát hành, bà Thuỵ Khuê có viết một bài nhan đề: Phạm Duy Trên Đăng Trình Đến Vô Cực, đăng trên nguyệt san HỢP LƯU và trong cuốn SÓNG TỪ TRƯỜNG (nxb Văn Nghệ, California - USA). Bài viết như sau:
"Đạo Ca và Thiền Ca, hai cái tên có tính cách song song nhưng không đồng nhất, được sáng tác trong hai bối cảnh dị biệt, cách nhau hai mươi năm. Với hai Phạm Duy khác nhau.
"Đạo Ca và Thiền Ca gần nhau vì hai tác phẩm cao về giá trị mỹ quan, khó về thẩm thức và lựa chọn thính giả. Cả hai đều đi ra ngoài hành trình âm nhạc đại chúng của Phạm Duy. Không có những yếu tố cận nhân tình như: quê hương, ca dao, dân tộc... Đạo Ca mở đường và Thiền Ca kết thúc cuộc hành trình tìm đạo của một kẻ ngoại đạo.
"Trong vòng tử sinh của kiếp người trầm luân trong bể khổ, Đạo Ca cất lên lời huyền diệu thiết tha, đưa ta vào chặng đầu của giáo lý nhà Phật. Nhạc Phạm Duy, thơ Phạm Thiên Thư, giọng hát thiên sứ Thái Thanh hướng dẫn chúng sinh - từ cõi vô minh - lắng nghe số kiếp trầm luân của chính mình mà vượt trùng luân hồi, tìm về bến giác như một cứu cánh:
Xưa em là kiếp chim, chết mục trên đường nhỏ
Anh là cội băng mai, để tang em, chờ mấy thuở...
......................
Mai sau chờ nhau nhé, đầu thai vào kiếp hoa
Chốn mây mờ phiêu bạt, chờ đợi chim hót ca...
"Nhạc Phạm Duy trong Đạo Ca thanh thoát và siêu thoát, gần gũi tâm hồn một thiền sư tuy đã gột rửa lòng trần nhưng vẫn còn tha thiết ngoái lại dĩ vãng với luyến tiếc và u hoài. Âm hưởng gieo cho người nghe là âm hưởng tìm thấy trong những bài thánh ca - thanh khiết và từ bi - bên đời cũng như bên đạo. Giọng hát pha lê Thái Thanh cất lên như một nguyện cầu, vút cao, thăm thẳm và thánh thiện chỉ bảo con người cư xử với nhau trong đạo đức và nhân ái:
Thương người như thương mình
Thương người như thương thân.
"Đạo Ca là hình thức giáo lý cơ bản và sơ đẳng tìm thấy trong kinh điển chính thống của đạo Phật. Là phật pháp hiểu theo nghĩa đại chúng: hành thiện để kiếp sau khá hơn kiếp trước, vì:
Sinh tử vẫn còn đây
Đời này qua đời nọ
Tử sinh vẫn còn kia...
"Phạm Duy và Phạm Thiên Thư đã thơ mộng hoá kinh điển nhà Phật: đem tình yêu vào đất thánh. Nhưng hồn của Đạo Ca mới chỉ là hồn bướm mơ tiên, là tình yêu chưa bước vào vườn địa đàng đã thoáng nghe tiếng chầy kình của thiền sư Không Lộ mà giật mình tỉnh ngộ quay về với đạo lý. Tình yêu trong Đạo Ca là thứ tình nửa chừng xuân: tình yêu đã diệt dục. Đạo Ca thuộc về đạo, là ý thức muốn giác ngộ, đang tìm đường giác ngộ, nhưng mới đi được nửa đường. Bản Đạo Ca TÂM XUÂN kết thúc cuộc hành hương bên bờ nghi vấn:
Mùa Xuân có không? Hay là cõi Tâm?
Mùa Xuân có không? Hay là cõi Không?
"Thiền Ca, hai mươi năm sau, Phạm Duy hoàn toàn phá giới, bước ra ngoài vòng đạo lý, an nhiên trong tự tại, không còn tìm kiếm, không cần tìm kiếm, vì đã thấy chính mình. Phạm Duy trong Thiền Ca xác định nội dung giác ngộ, qua tự giác, bằng chính sự sống. Thiền Ca thuộc về đời. Thiền Ca là Sinh ca, là Tình ca, xa và cao hơn Đạo Ca trong triết lý. Thiền Ca thể hiện bến giác cho nên Thiền Ca gần người mà cũng rất xa người..."
Mười Bài Thiền Ca được bà Thụy Khuê giới thiệu rất kỹ lưỡng như sau:
" Bước vào Thiền Ca là một thinh không vô tận, vang trong thang âm mà chúng tôi tạm gọi là gian âm: âm nhạc trong không gian và âm nhạc trong thời gian. Hoà âm của Duy Cường ở đây là một thử nghiệm: nghiệm âm. Âm nhạc, bình thường chỉ là nghệ thuật âm thanh dội lên trong một khoảnh khắc thời gian nhất định. Nhưng ở đây, Duy Cường đã tạo được chiều dày thứ hai: chiều dày không gian.
Rồi từ đó biến tiết, tạo thêm các chiều khác: dương gian, nhân gian... khiến cõi thinh không của Phạm Duy dày thêm, sâu thêm, biền biệt, trở thành vô cùng vô tận...
"Cõi thinh không ấy, do đó, không chỉ là một không gian thuần túy mà còn là cõi không sinh động, cõi không đầy ắp sinh trùng, những vi bản của đời sống. Giữa không gian sinh động ấy, trong bài Thiền Ca mới mở đầu, giọng ca Thái Hiền, xuất thần, cất lên, mê hoặc, quyến rũ người nghe từ lúc nhập thiền:
Thinh Không
Trống trải mênh mông
Rộng rãi vô cùng..........
Tất cả là tôi
Mà cũng là chung...
"Bản chất thiền lộ ra rõ hơn khi ý thức vô ngã từ từ xâm nhập thinh không âm nhạc: tất cả là tôi mà cũng là chung. Về phần nhạc, Pham Duy cống hiến cho người nghe một vũ trụ âm thanh mới lạ, khác xa với những tiết điệu mà chúng ta quen nghe từ trước tới giờ. Phần nghiệm âm của Duy Cường đưa thính giả vào một thế giới giàu âm sắc. Cái thinh không đầy ắp sinh trùng ấy là một vũ trụ hành tinh có hai dòng sữa tình yêu đồng quy ở một điểm tạo ra sự sống. Rồi cái vũ trụ hành tinh ấy cũng chỉ là hư vô, hư ảo.
"Nguyên lý của cuộc đời tiềm ẩn trong tiếng võng. Tiếng võng đưa nằm trong tiềm thức chúng ta từ thuở ấu thời. Đến tuổi hoàng hôn, người nghệ sĩ tóc trắng gẫm lại, thấy cõi tử, cõi sinh, cõi tình, cõi hận, núi đợi, vực chờ, niềm vui, nỗi khổ... THI‹N CA 2 nằm trong cấu trúc tiếng võng xa xưa: chao đảo giữa đôi bề tương đối. Nhưng chính cảm giác đu đưa ấy cũng chỉ là ngoại tưởng. Cập bến giác rồi thì ở đâu, tâm cũng lặng, tâm không đu đưa: Tôi nằm đó... nằm im mọi chỗ. Sự trùng hợp tiếng võng mẹ ru với nguyên lý tương đối là một thực chất hiện sinh trong cuộc sống và hiện diện trong Phạm Duy con người và tác phẩm. Nhạc sĩ linh cảm và sống điều đó từ thuở ấu thời, chìm trong tiềm thức, rồi một chiều nao, nằm trên chiếc võng đưa, trưa hè, tại Thị Trấn Giữa Đàng, Phạm Duy thấy tất cả. Đột xuất và trực ngộ. Thế là Thiền. Không cần giải thích. Những ''nhời bàn'' ở đây chỉ là một cách se sua, hoa lá cành, cho vui, vậy thôi.
Tôi nằm võng đưa võng đưa
Tôi nằm đó nằm im mọi chỗ...
"Thiền Ca 3, THŠ THÔI nói về những yếu tố chính của cuộc đời như tình yêu, khổ đau và cái đẹp đều chênh vênh. Cho nên lúc nào thấy hạnh phúc thì hưởng ngay hạnh phúc. Đừng chờ đợi, đừng đòi hỏi.
Một cuộc đời
Ừ, chỉ cần thế thôi.
"Hạnh phúc là một loài hoa không tên, không sắc không hương, mà như lòng tôi lộng lẫy thơm lừng toả ra bốn hướng. Nhạc ở đây mời gọi dịu dàng đắm say, mê hoặc. Nhạc toả mùi hương và tiếng hát Thái Hiền đã đem vào thính thị cả bốn trùng dương quyến rũ trong Thiền Ca 4, KHÔNG TÊN:
Một loài hoa không tên
Không sắc không hương
Mà như lòng tôi
Lộng lẫy thơm lừng
Toả ra bốn hướng...
"Nếu tình yêu đó mở cửa cho Phạm Duy bước vào vô tận từ thuở LỮ HÀNH thì đến THIỀN CA, bản chất vô ngã của tình yêu mới được Phạm Duy trải ra tới nguồn cội. THIỀN CA 5 mang tên XUÂN. Xuân là mùa Xuân, Xuân cũng có thể là tên một người, nhưng đây Xuân là Tình yêu. Khi hát câu người người hung dữ, trừ tôi, chớ tưởng ''tôi'' là Phạm Duy. Không, tôi đây là Xuân, Tôi đây là: Xuân con bướm hút nhụy xuân tình, là gió xuân hồng, là cơn xuân vũ, là ý thơ nồng trang giấy xuân thư... Phạm Duy giải thích về nhạc lý: nhạc ban ngày, mở đầu là những nét roi, nhát chém của cuộc đời. Rồi là những lời vãn ca. Rồi nhạc trở nên mặn mà, tha thiết... Đối với người nghe thì ở đây bản chất vô ngã hay sự tan loãng của con người trong nhau - mất đi trong nhau - đã được cất lên dịu dàng qua giọng hát Thái Hiền băng trinh: Tôi là tôi, tôi cũng là em, em là tôi, em cũng là anh... Và không phải ai cũng thấy được những ''mất mát'' đó. Phạm Duy xưng tụng tình yêu từ hơn nửa thế kỷ nay, sáng tác những bản tình ca tha thiết nhất cho nhiều thế hệ yêu đương. Nhưng chỉ trong THIỀN CA, Phạm Duy mới thấy đến tận cùng bản chất tình yêu. Sự trực nhận ấy là thiền, là sức mạnh của sự sống.
"THIỀN CA 6, CHIỀU đẩy đưa sức mạnh ấy vào cuộc tình mà ngôn ngữ bình thường gọi là sóng tình. Sóng tình được thể hiện trên một âm điệu trữ tình, âm hao ả rập, mang nét dục tính. Sóng tình ở đây không ẩm ướt, cô đọng và mong manh. Chợt đến - đột xuất - và cũng chợt đi như chưa từng hiện hữu: Ta chưa ôm em thì mất em...
"THIỀN CA 7, NGƯỜI TÌNH. Phạm Duy tổng kết đời tình, quan niệm và bản chất yêu đương của chính mình: vừa chung tình, vừa đa tình.
"THIỀN CA 8 mang tên RĂN, mở rộng tình yêu sang tình đời: ăn, chơi; sống, chết; yêu, ghét; khóc, cười; nhớ, quên... những yếu tố bao trùm tất cả nổi trôi của kiếp người. Niềm lạc quan của Phạm Duy với cuộc đời được thể hiện qua tiếng nhạc mà Phạm Duy gọi là nhạc cười. - đây mới thật là an nhiên, tự tại. Tiếng nhạc, lời ca đơn giản tối độ, tối đa: Ăn cho vừa, chơi cho thật, sống cho thẳng, chết cho ngay... không có triết lý. Không cần triết lý. Sống và hát được như vậy đã là đời rồi, là đã đời rồi. Là cõi giác đấy!
"Nếu cõi đời là cõi tạm thì dại gì chúng ta không đi chơi cõi khác: Phạm Duy rong ca nơi thiên đàng và địa ngục trong THIỀN CA 9, thì mới hay thiên đường kia cũng tối om và tưởng địa ngục đen, ngục sáng hơn đèn. THIỀN CA 9 phá vỡ ảo tưởng: tốt-xấu, trắng-đen, thiên đàng-địa ngục. Vì tất cả chỉ là tương đối. Bản chất con người đu đưa giữa hai bờ đen-trắng. Vậy phân biệt làm chi? Hình ảnh Thượng Đế bên cạnh thiếu nữ khoả thân có thể cảm nhận thế nào cũng được nhưng nó chứng minh không có thánh thần, Thượng Đế chỉ là người với những yêu thương, khát vọng thầm kín nhất.
"THIỀN CA NHÂN QUẢ kết thúc cuộc đăng trình bằng một vòng tròn, tròn như viên đạn, tròn như trái đất, tròn vòng vũ trụ, vòng tử sinh, vòng luân hồi, vòng tay ôm ấp, vòng thai bụng mẹ... nhạc tha nhân.
Tròn như viên đạn đồng đen
Đã khô vết máu quên miền chiến tranh.
"Từ viên đạn đồng, công cụ của chiến tranh, một thứ tay sai chuyên nghề sản xuất những vũng lầy xương máu, Phạm Duy đã vê vết máu bọc đạn, sấy khô những đau thương, cô lại thành hạt bụi. Hạt bụi tái sinh thành trái tim trên một trần gian yên lành, yêu thương, tha thứ."
Thụy Khuê, Paris - 20/6/93
Từ khi còn bé và cảm thấy cuộc đời là tù túng, rồi có lúc chợt thấy le lói ở xa xa, một con đường giải thoát cho mình... tôi vẫn cho rằng có nhiều con đường để đi tới cõi thiền. Nay thì tôi xin đuợc trân trọng cám ơn chị Thụy Khuê đã cho tôi biết rõ hơn về hành trình của một kẻ đi vào thiền. Tôi xin được nói thêm vài điều:
Thiền Ca được phát hành vào mùa Thu 1992 là nhạc tâm linh (spiritual) với phần nhạc nhiều hơn phần lời, nhạc đi vào vô thể (atonic), không gợi nhớ, gợi cảm mà gợi hứng. Sở dĩ tôi đã dám soạn thiền ca là vì tôi đã đi tìm đọc thơ Thiền của những người trong những thế kỷ trước và của những bạn văn cùng sống một thời đại với tôi, để thấy được những con đường đi tìm cõi vô thường bằng thi ca. Nghĩa là trước và cùng với tôi, đã có thiền ca, đã có những bài thơ Thiền của nhiều thi sĩ dắt chúng ta đi sâu vào cõi tâm linh.
Hơn nữa, đồng thời với tôi có Hoàng Quốc Bảo mà tôi đã nói trong một chương đầu của Hồi Ký này, cũng đã đi vào cái gọi là ''nhạc thiền'' như tôi, với ba chương trình ca nhạc đặc sắc nhan đề Tịnh Tâm Khúc, Hú Dài Một Tiếng Lạnh Về Hư Không, Tình Sầu Vô Lượng với nhiều ca khúc như Chốn Bụi, Thanh Xuân Đánh Giấc Ngậm Ngùi, Tịnh Mặc Nét Ai Cười, Thuở Theo Nhau, Hồ Như, Tháng Ngày Gió Xoá, Tango Xanh. Người Về Như Bụi, Quán Lạ, Rừng Thu Illinois Ta Nhớ Em, Lên Non Quảy Mộng, Cuối Trời Mây Trắng Bay... mà tôi chưa có thể làm cuộc phân tích kỹ càng trong sách này hay trong chương trình radio cho Đài BBC được.
Bây giờ chỉ xin được đan kể những bài thơ Thiền đã dạy tôi về... thiền.
Từ thế kỷ XI, Mãn Giác thiền sư đã có một bài thơ rất vô thường mà Ngô Tất Tố đã dịch:
Xuân ruổi, trăm hoa rụng
Xuân tới, trăm hoa cười
Trước mắt, việc đi mãi
Trên đầu, già đến rồi.
Đừng tưởng Xuân tàn, hoa rụng hết
Đêm qua sân trước, một cành mai...
Vào thế kỷ XII, thiền sư Đạo Hạnh có thêm một bài thơ về cái có, cái không, qua bản dịch của Sư Huyền Quang, thế kỷ XIII (đã nói tới trong đoạn trước và có thêm hai câu nữa):
Có thì có tự mảy may
Không thì cả thế gian này cũng không
Vầng trăng vằng vặc in sông
Chắc chi có có không không mơ màng...
Mạc Đĩnh Chi, vào lúc sinh thời (1284-1361) cũng có những câu thơ nói về cái không, cái có (Huệ Chi dịch):
Trời xanh một cụm mây
Lò hồng một giọt tuyết
Vườn ngự một cành hoa
Cung Quảng một vừng nguyệt
Ôi! Tuyết chảy, mây bay, hoa tàn, trăng khuyết...
Có khá nhiều những bài thơ về cõi đời hay về cuộc đời, mà tôi tin rằng, ở một quốc gia luôn luôn náo động như Việt Nam, những câu giảng đó đã đóng góp vào việc giữ vững tâm linh của dân tộc ta.
Như bài TÂM KHÔNG của Viên Chiêu chẳng hạn, qua lời dịch của Ngô Tất Tố:
Thân như tưòng vách đã lung lay
Lật đật người đời những sót thay
Nếu được lòng không, không tướng sắc
Sắc không ẩn hiện mặc vần soay...
Trong thế kỷ này, cũng có một bài thơ thiền ngắn mà người ta cho là của Khái Hưng (đã nói tới trong đoạn trước nhưng hơi khác một chút):
Thuyền trôi thì nước cũng trôi
Làn mây trắng bạc trên trời vẫn bay
Tôi đi trên chiếc thuyền này
Dòng mơ tư tưởng đã thay đổi rồi
Cái bay không đợi cái trôi
Từ tôi phút trước sang tôi phút này...
Và những câu thơ của Nguyễn Du:
Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông
hay của Hàn Mặc Tử:
Chàng ơi! Chàng ơi! sự lạ đêm qua
Mùa Xuân đến mà không ai biết cả!
thường làm tôi rất bâng khuâng...
Trên đây là dịp tốt để tôi vinh danh các thi nhân đã ảnh hưởng đến tôi để soạn ra những bài hát tâm linh như: Mười Bài Tâm Ca, Mười Bài Rong Ca, Mười Bài Đạo Ca, Mười Bài Thiền Ca...
Hiện nay, tôi vẫn còn đi tìm trong cõi thơ những bài thơ thiền để nuôi dưỡng tâm linh. Tôi tìm đọc loại thơ phá chấp để thong dong đi vào cõi bình thường... như thơ của thi sĩ biệt danh Sao Trên Rừng tức Nguyễn Đức Sơn:
Ngày mai núi cũ tôi về
Dĩ nhiên hạnh phúc tràn trề em ơi.
Thơ bay tự cổ ngút trời
Quanh năm bảo đảm tuyệt vời nước mây.
Cớ sao đãng tử bực thầy
Hỏi ra từ đá tới cây lắc đầu...
......
Đêm qua nằm mộng tới em
Sớm mai thức giấc lại thèm sân si.
... hay thơ của Trần Mạnh Hảo:
Thành Phật phải sát Phật
Gốc bồ đề một mình
Người nhập cùng tạo vật
Diệt diệt mà sinh sinh.
......
- ngoài vòng sinh tử
Cọng cỏ cũng Phật mà
Ngộ rồi là chưa ngộ
Phật Phật mà ta ta...
Gần đây nhất là bài thơ Lập Nghiêm của Ngô Đình Vận (1993), tặng tôi sau khi tôi viết Thiền Ca:
Em lập nghiêm coi mình là đá
Ta chửi thề em đã ngứa gan
Lời lỗ mãng từ căn khoan đại
Phá chấp mê mở ngục đoan nghiêm
Ta tặng em đôi cánh thần tiên
Đưa chân tánh bay lên bát ngát
Ta là đất và em yêu là cát
Xin bình thường giữa chốn trần gian.
Tôi trộm nghĩ, kể từ 1975 cho tới năm 2000, đạo lý Việt Nam vẫn chưa được hoàn toàn khôi phục cho dù cuộc chiến tranh lạnh đã chấm dứt. Cả một dân tộc bị chìm đắm vào đạo lý sức mạnh đang lúng túng đi tìm một cuộc sống chung hoà bình. Giải pháp chính trị sẽ không bao giờ đạt được nếu không dựa vào đạo lý. Thiền Ca với phụ đề Hát Trên Đường Về ra đời để hi vọng mọi người Việt Nam trở về với ba đạo gốc.
Hát trên đường về không hẳn chỉ là trở về với quê hương, tổ quốc, với đồng bào ruột thịt hay với đạo lý Việt Nam... mà còn là sự trở về cõi TÂM sau khi bị tha hoá đã từ lâu. Thiền Ca cũng còn là sự trở về với cái CHUNG nữa. Con người sống là phải cùng chia sẻ môi sinh với cỏ cây, muông thú, sông núi, trăng sao...phải sống chung cả với thiên nhiên và vũ trụ.