Hai thằng đệ tử của tiến sĩ Han há hốc mồm ra mà nhìn ông thầy của chúng phải ngồi im thin thít để cho người khách lạ quần jean áo ca-rô xoa đầu vò tai. Trong mắt chúng, ông "tiến sĩ" Han là vô địch, là bất khả kháng, đến như anh Tuấn, công an khu vực luôn mắng mỏ Sản Huê mà cũng phải nể Han, thế mà vị khách này cứ "mày, tao" ngọt xớt. Xem ra đây là con người không "bình thường" chút nào! -Hai thằng mày uống ít thôi, rồi đi ngủ, mai còn có việc... Thằng Bèo và Tư Khỉ ngoan ngoãn xơi hết mỗi đứa hai cái "erickson" của hãng Sản Huê, kèm theo hai tô bún xáo tú hụ thì xin phép rút lui. Chúng đi đâu nhỉ? Hai thằng ma cô không nhà cửa, không cha mẹ, chuyên làm nghề dẫn gái mà bảo về, thì có nghĩa là chúng đi hành nghề, chúng đi khắp mấy động của mụ Tú Chân, Tám Nhỡ... Khuya đâu, tiện đâu chúng ngủ đó, chẳng bận lòng. Nhưng thường thì chúng vẫn tụ tập về quán Nam Hà của Sản Huê, ở đó chúng được cho ăn, cho uống và cho cả chỗ ngủ. Sản rất cần hai thằng trông quán để y có thể suốt đêm nằm ôm "em bé chỉ có xương với hoa" của mình mà không sợ mất mát gì, từ con dao chẻ củi đến những con chó trói gô lại với nhau suốt đêm kêu ư ử. Con chó giữ nhà cho chủ, còn hai thằng nhóc này giữ chó cho chủ nhà. Trước kia bọn chúng khoái cái đống rơm thui chó, chúng có thể rúc vào đó mà không sợ muỗi, sợ lạnh, còn sau này là những bó thanh hao, thơm cay và ấm áp... Hai thằng ma cô đi rồi, Lê Quốc Hán nói với Ngô Kha: -Xem ra đời mày khá hơn tao nhỉ? Kha nheo mắt nhìn chai rượu đang sủi tăm, lắc đầu: -Tao không biết mày sống ra sao để so sánh. Chưa biết thằng nào hơn thằng nào... Thế mày biết thằng Tụ về đây từ hồi nào? Lê Quốc Hán rót một ly ra để trước mặt mình, mắt ngước nhìn lên cái bức tường màu "đồ ngủ đàn bà", cười nhếch mép, hất cằm: -Tao bỏ việc, lấy vợ rồi mua lại cái nhà nát bên kia, rồi một ngày nào đó mày sẽ biết, được đâu năm sáu năm gì đó thì cái ông Xích Hồng nào đấy bán miếng đất bên đó. Việc mua bán của họ tao không biết, chỉ thấy xe đổ đất rầm rập san nền, xây hàng rào... Bẵng đi mấy năm làm chỗ cho chó hoang, mèo vô chủ và cả bọn trai gái bất lương... Chính quyền làm gắt lắm, nhưng ai hơi sức đâu mà bảo vệ mấy miếng đất đó cho các đại gia. Họ toàn đại gia không đấy mày ạ! Cách đây ba năm, ngôi biệt thự kia mọc lên, dân chúng xóm Mả Cùi chúng tao, được một phen vớ bở... -Vớ bở? Kha ngạc nhiên. -Đúng thế! Công nhân thợ hồ, thợ mộc kéo đến lũ lượt làm thuê. Họ ăn ngủ tai đây và thế là dân chúng tao mở ra các dịch vụ, đủ thứ từ ăn uống cơm bình dân, quán nhậu đến đánh bạc, dẫn gái... Trong số đó có cả người ở lại, định cư trong khu Mả Cùi này. Kia kìa, Hán chỉ Sản Huê, thằng chủ quán này cũng là một tay phu nề, lấy con gái lão Tám Kiệu, rồi mở quán thịt chó, ở luôn tại đây! Còn cô vợ tao cũng xông ra làm một cái quán bán cơm bình dân, rồi các thứ khác, nói thế mày hiểu chứ, Kha? Một buổi trưa, tao đi chạy xe ôm về thấy một tay nhỏ con thôi, nhưng bụng phệ sớm, có vẻ mặt trắng trẻo, thanh tú rất hiền lành đang chắp tay sau đít, đi đi lại lại. Lúc đầu tao cũng không để ý, sau thấy hắn nhìn tao cười cười, tao cũng cười lại. Rồi thôi, không để ý nữa, nhưng tao biết hắn là chủ ngôi biệt thự đang xây dở dang kia. Nhưng khi về nhà, tao cứ thấy có cái gì đó ám ảnh ngờ ngợ. Hình như khuôn mặt này tao đã găp ở đâu, xa lắm, lâu lắm rồi, từ thời tuổi trẻ sôi nổi và lãng mạn. Một dịp tình cờ có ông chủ thầu, chắc cũng có chút Hán học, sang ăn cơm quán vợ tao, nhìn thấy trong nhà tao có treo chữ NHÀN, kiểu chữ đá thảo, viết đại tự, ông ta lân la ngồi chuyện trò với tao. Thế là tao biết ông chủ ngôi nhà đó là Trịnh Quang Tụ, giám đốc một công ty kinh doanh dịch vụ làm ăn khá lắm. Cái tên gợi ngay đến tay công vụ của chính ủy trung đoàn 271 Đức Hoàn. Ông trung tá chính ủy có một tay công vụ rất nhanh nhạy, hoạt bát, đẹp trai, nhưng sốt rét nhiều quá nước da xanh mái, đáng thương. Kỳ đó tao đang là trung đội trưởng ở tiểu đoàn về trung đoàn báo cáo thành tích trực tiếp với chính ủy, cùng ăn ngủ chung lán với ông, có cậu công vụ phục dịch đàng hoàng. Thỉnh thoảng còn được chính ủy cho lái xe Honda đưa đi ra thị trấn. -Tên người lái xe là gì, mày còn nhớ không? Kha ngắt lời Hán. -Không nhớ chắc chắn, hình như là Bào hay Bảo. Dân Việt kiều Campuchia mà! -Tên cậu ta là Bảo. Còn ngôi biệt thự kia đúng là của Trịnh Quang Tụ, công vụ của chính ủy Đức Hoàn năm xưa và bây giờ là sếp của tao. Nhưng mày có biết Tụ với tay Bảo lái xe cho chính ủy quan hệ như thế nào không? Hán lắc đầu: -Không biết! Hình như thằng Bảo hy sinh rồi? -Bảo Hy sinh rồi. Em gái Bảo là bác sĩ Bích, là vợ của Trịnh QuangTụ, mày biết không? Hán giương cặp mắt lồi như mắt cua ra: -Lại thế nữa hả? Tay công vụ tên là Tụ này rất sáng dạ, tận tụy... Nghe đâu nó ra Bắc đi học từ hồi còn đang đánh nhau. -Đúng thế! Mày có biết ai cho nó đi không? Chính là chính ủy Đức Hoàn đấy! Và chính ủy của chúng ta bây giờ đang là Bộ trưởng! Hán cúi xuống lắc đầu, lòng tràn đầy cảm xúc ngạc nhiên xen lẫn tự hào. Có thế chứ, trong số những thằng lính tráng có cơ man nào là những đứa bất mãn, bị ruồng rẫy, nhưng cũng không ít những người thành đạt. Cuộc đời là thế! Hán nhìn Kha, vẫn lắc cái đầu đầy tóc, bù xù, phủ xuống ngang vai, loáng thoáng những sợi bạc, nhắc lại: -Cuộc đời là thế! Uống đi mày! -Uống chứ! Uống chứ "tiến sĩ" Han! Thôi, mày cũng cho tao gọi mày là tiến sĩ nhé! -Cạch! Tùy mày, đối với tao bây giờ thì danh hiệu chẳng có nghĩa lý gì cả. Bỗng nhiên "tiến sĩ" Han ngâm thơ, giọng khê khê, buồn ghê người: Tên cặn bã bỗng trở nên sáng giá Người thông minh mà sự nghiệp chẳng thành Gò lưng đẩy cỗ xe thành đạt Những mong rằng qua khỏi dốc vô danh! -Thơ của ai vậy? Của mày à? -Tao làm đếch gì viết được những câu ai oán như thế? Của người ta đấy. Nhưng mà nó hay, hay lắm! Uống chúc mừng thơ hay... Kha đủng đỉnh: -Hay gì mà hay! Lảm nhảm thì có. Những thằng phải "gò lưng đẩy cỗ xe thành đạt, để mong qua khỏi dốc vô danh" là những thằng hám danh, hèn mọn. Vô danh là điều bình thường, con người sinh ra vốn không phải để mưu cầu danh lợi, mà để sống, đơn giản có thế thôi. Tao hỏi thật nhé, sao mày bỏ việc, bỏ cơ quan nhà nước? Lê Quốc Hán rót một ly rượu cho mình, uống ngon lành, rồi đưa cả chai cho bạn: -Chuyện của tao dài dòng lắm, kể cho mày nghe không biết mày có tin không? Nhưng tao hỏi trước: mày vợ con thế nào? Kha cũng uống một ly cạn, dằn cái ly xuống bàn, ngồi ngửa mặt nhìn vào bầu trời đầy sao nhấp nháy. Đêm mùa hạ phương Nam không trong suốt như những ngày thơ ấu của anh. Bầu trời nơi này, vào ban đêm luôn có màu đùng đục, chất chứa một cơn giông ập đến. Những vì sao thoáng hiện, rồi lại lặn sâu vào trong mây mù, không một ngôi nào tỏa sáng. -Chuyện vợ con tao ngắn thôi, rất ngắn. Kha nói như thể tranh thủ nói. Lấy vợ, mấy năm chẳng có con. Ly dị. Vợ đi lấy người khác, đẻ một lúc hai đứa. Còn tao, không lấy ai nữa! Thế thôi, bây giờ ở một mình... Hán vươn cái cổ dài của mình ra, như muốn nuốt chửng bạn, nhưng rồi, dường như không tìm được lời nào, anh thả người xuống ghế, lẩm bẩm với tầng mây thấp lè tè, trôi vùn vụt qua những vì sao: -Mẹ kiếp! Bi đát thật... -Ai bi đát? Tiếng Kha xa xăm. -Mày muốn nghe chuyện của tao hả? Thôi được, để tao nói cho mày nghe, đơn giản thôi. Khi thấy mình không còn làm được gì nữa, thì rút lui, cút xéo đi để cho người khác làm. Tao nghĩ làm thế là để chứng tỏ cái nhân cách của mình. Thế là tao xin nghỉ việc, về một cục. Tao nhắc lại cho mày biết là tao "xin nghỉ việc" hẳn hoi chứ không phải bỏ việc, cũng giống như "xin nghỉ phép", "xin thanh toán công tác phí". Cứ là phải xin, việc đương nhiên một trăm phần trăm là của mình, vẫn cứ phải xin như xin ông đi qua, xin bà đi lại. Đúng chưa? -Mày cố chấp quá, đó chỉ là một thói quen xã giao thông thường thôi, cũng như bây giờ tao nói (Kha cao giọng) "Ông chủ ơi, cho xin xị rượu đi", thì không có nghĩa là tao ăn xin, mà là tao mua, tao ra lệnh... Sản Huê nãy giờ muốn ngủ gục. Y chẳng có ai để tán gẫu, hai thằng ma cô thì biến đi đâu mất rồi. Còn "tiến sĩ" Han thì hình như hôm nay gặp cố tri, lão đã uống đến xị thứ năm rồi. Nghe Kha kêu "cho xin xị" Sản bừng tỉnh la lớn: -Có ngay! Có ngay! Khi Sản Huê mang xị rượu ra, Kha giật mình hỏi "tiến sĩ" Han: -Uống nữa à? -Ai kêu? Hán nhìn tay chủ quán hỏi lại. -Thưa "tiến sĩ", em vừa nghe anh này kêu "cho xin xị", nên em mới... Mà các bác uống hay thật đấy. Thêm một xị có nhằm nhò gì! Hán gục đầu xuống gối, phất tay: -Để đấy! -Cứ để đấy! Kha phụ họa theo. Mày bảo chuyện mày dài dòng lắm, không nhẽ chỉ có bấy nhiêu thôi sao? Chuyện của "tiến sĩ" Han đúng là rất dài, dài như một cuộc cách mạng mà chỉ có những con người vừa liều, vừa dũng cảm mới vượt qua được. Ra khỏi quân đội với quân hàm thượng sĩ, anh vào học trường Đại học tổng hợp ngay từ khóa đầu tiên sau giải phóng. Học xong ra trường anh vào làm cho một tờ báo ngành. Công việc thế là ổn. Nhưng... -Mười năm làm phóng viên của tao coi như hết lực rồi, không có anh nhà báo nào có đủ sức làm người viết báo, người săn tin sau mười năm mà còn đủ sức. Nghề báo nó vắt kiệt con người, và đến lúc tao thành quả chanh khô kiệt thì tao biết tao đã chết, chết trong nghề báo! Vừa lúc đó báo chí có những đổi mới đáng nể, tao rất mừng. Cũng như trong những cuộc cách mạng, cuộc đổi mới nào cũng xuất hiện hai cực: một là cực thích ứng để thành công rực rỡ, đó là cực của những tài năng thực sự; hai là cực suy thoái, cực của những kẻ dốt nát nhưng lại tham quyền, lại ảo tưởng, cứ tưởng mình giỏi giang. Nhưng ở cực này họ cũng không chết, họ không giỏi giang trong nghề báo, nhưng lại giỏi hơn người trong nghề xoay tiền. Một tờ báo chỉ bán được có vài ngàn bản, nhưng họ có cách để doanh nghiệp phải quảng cáo. Những tài năng ấy, bằng cách này hay cách khác, dụ dỗ, dọa dẫm, hạ mình xin xỏ, uốn mồm hứa hẹn... để buộc các nhà sản xuất, kinh doanh phải bỏ tiền ra quảng cáo, (mà rất nhiều khi họ biết quảng cáo trên mấy tờ báo ấy cũng chẳng có tác dụng gì) với một số tiền không nhỏ. Thế là những "nhà báo" có tài "xin" quảng cáo bỗng chốc giàu lên, mua xe mua cộ, xây nhà xây cửa,và trở thành nhà báo hạng nhất. Có những "nhà báo" suốt bảy tám năm không bước ra khỏi thành phố, thế mà vẫn được Bộ trưởng khen! Còn những nhà báo như tao, lăn lộn với phong trào, với thương trường, với bao nỗi oan khuất của người dân thì thành công cốc, vì báo phát hành số luợng nhỏ quá, không đến tay người đọc. Tao trở thành nhà báo hạng hai, thậm chí hạng ba! -Quảng cáo cũng là một nghiệp vụ báo chí, các đồng chí phải hiểu như thế, chứ không phải chỉ có đi kiếm tiền. Sếp của tao đã dạy chúng tao như thế. Hơn nữa, phải có tiền, "có thực mới vực được đạo". Các anh chị không nghe tin tờ Tuần Tin tức của Hồng Kông phải đình bản vì không có quảng cáo chứ? Tao cãi: -Sao chúng ta không tìm hiểu tại sao News Week Times lại không có quảng cáo? Tại sao tờ báo này thì người đến quảng cáo phải xếp hàng, còn tờ kia thì lại phải vật nài, xin xỏ, đổ cả nước mắt? Sếp không trả lời. Không trả lời chất vấn là quyền của sếp, là không thèm chấp, là kinh nghiệm lãnh đạo. -Cứ viết mà không có tiền thì lấy cái gì để sống? Lấy tiền đâu để trả nhuận bút? Càng viết, càng lỗ! Tay kế toán trưởng phụ hoạ. "Không ngu gì đi tranh luận với lãnh đạo", đó là một bài họ rất i-tờ, nhưng tao không kìm nổi: -Đành rằng phải kiếm tiền, nhưng phải kiếm tiền bằng nghề của mình. Thẻ nhà báo của tôi không phải để hù doạ, xin xỏ, mà để "đấu tranh cho công bằng và tiến bộ xã hội", như Tuyên ngôn của nhà báo đã ghi rõ. Đáng lẽ chúng ta phải "đầu tư cho nội dung để thu hút quảng cáo", thì ta đang làm ngược lại. -Tại sao nhà nước vẫn cho phép báo chí ra thêm? Họ cũng có sống bằn tia-ra (số lượng phát hành) đâu? Bằng quảng cáo đấy chứ? -Nhà nước cho phép xuất bản những tờ báo mới, đó là đấu hiệu tiến bộ của dân chủ và lành mạnh xã hội. Nhưng nhà nước chỉ cho phép những cơ quan, có những người có nghề và tâm huyết với báo chí, chứ không cấp cho những cơ quan chỉ biết loè bịp, một số báo in ba ngàn bản để lừa dư luận… Báo in ba ngàn bản mà lại không bán được thì lỗ chứ còn gì! Tao biết tao đã đi quá đà, nhưng không hãm được nữa, thế thì cho đi luôn, nói một lần cuối cùng, rồi thôi. Tao nói: -Đáng lẽ nhà nước phải đánh thuế cao vào thu nhập quảng cáo, thì lại chỉ đánh theo thuế suất giá trị gia tăng, bằng mười phần trăm, như khoai lang đậu đũa… Trong khi đó lợi nhuận quảng cáo là lợi nhuận siêu ngạch. Đăng quảng cáo trên diện tích đã đăng ký, mà không phải mất thêm công in, giấy in, không trả nhuận bút, báo có lợi. Người đi "lấy quảng cáo" được nhận hoa hồng từ ba-mươi đến năm-mươi phần trăm. Mà mỗi lần quảng cáo như thế mày biết không? Ít nhất là năm, ba triệu, nhiều hơn có khi đến cả trăm triệu mỗi kỳ… Kha nghe như vịt nghe sấm. Nhưng hoa hồng, lợi nhuận, thuế suất… anh hiểu được. -Nhà báo thì doạ cái gì? Doạ ai? Kha hỏi lại. -Ngây thơ thế. Doạ doanh nghiệp, doạ giám đốc công ty, rằng sẽ đưa anh lên báo, bêu xấu, nhẹ thì mất khách hàng, mất bạn hàng, nặng thì pháp luật hỏi thăm. Còn nếu thòi ra nửa trang, một trang quảng cáo thì viết bài khen… -Phức tạp nhỉ? Kha cười cười. Tao tưởng làm báo chỉ có mỗi việc đi đến nơi, ghi chép viết thành bài rồi đem in. -Mày hiểu như thế là đúng, nhưng chưa đủ. Nhà báo cũng phải ăn, phải sống, cũng tham lam, vụ lợi. Nhưng nếu quá thì sẽ chết… Câu cuối cùng là tao mất hết khả năng đạp thắng: "Chừng nào chưa sống được bằng tiền bán sản phẩm báo chí của mình, thì chừng đó, anh còn là một tên bồi bút". Nhưng tao nghĩ lại thấy điều đó không có gì vô lý cả, chỉ tại mình không còn thích hợp nữa thôi. Phải biết khi nào mình không còn thích hợp nữa, thì mới đáng mặt con người, nhất là con người sống bằng chữ nghĩa. Chớ nên tranh cãi. Nếu có một chút kinh nghiệm nào đưa ra để tranh cãi thì đã có sẵn vài chiếc mũ để đó rồi, lãnh đạo chụp ngay cho anh một hai cái: cái này là kèn cựa, cái kia là kích động, còn cái kia nữa không làm được mà nói nhiều. Nghe chuyện này không? Tao có nhiều bạn, có những bạn thân, trong đó có một tay, xin được giấu tên, (Hán vẫn có thói quen của người viết báo) sống chết với nhau trong những ngày bao cấp, mình cứu hắn nhiều vố. Thế rồi may mắn đến với hắn, ăn nên làm ra, có nhiều quyền và lợi. Tuy thế hắn vẫn tốt với mình, mỗi lần đến chơi, bao giờ cũng cư xử tử tế, tôn trọng. Lần đó tao đến chơi, hai anh em chuyện trò vui vẻ, có cà phê, thuốc hút, rồi tao về. Vừa đứng lên thì hắn có khách, là một nhân viên thuộc quyền hắn bước vào. Tao còn đang ở cửa nghe tay nhân viên này hỏi sếp: "Ai thế anh?". Tay sếp nó, ông bạn thân của mình, đã tưởng mình ra khỏi cửa kính khép kín rồi, nên làm một câu: "Ối giời, mấy thằng nhà báo! Rách cả việc! Muốn tống khứ nó ra khỏi phòng mà nó ngồi dai quá! Loanh quanh lại chỉ muốn xin tiền". Tao nghe rõ câu nói của hắn, định quay lại cho hắn một bài. Nhưng nghĩ lại, thấy hắn nói đúng, mình chỉ làm nó rách việc ra thôi, bởi vì dốt hơn nó, không biết kiếm tiền ở chốn thương trường, thành ra mình hèn hơn nó, nghèo hơn nó... May mà mình không hé ra một câu xin quảng cáo. Từ đó, không bao giờ tao đến chỗ hắn nữa. Hắn không biết, lại vờ trách "sao không ghé chơi", tao cười: bận quá! Nó hỏi bận gì? Bận rách việc! Tao nghỉ việc và thế là ở Tòa soạn tao là nhà báo hạng hai, giờ ra khỏi biên chế, tao thành công dân hạng hai! Kha rót nốt chỗ rượu trong cái chai mà Sản Huê mới đem ra vào hai cái ly vốn để đựng nước trà đá để "chữa lửa", bảo Hán: -Tiến sĩ hạng hai nữa chứ? Hán cười sặc rượu: -Tao không biết thằng nào "phong" cho mình cái học vị oái oăm này? Han, Hàn, Hán... nghe na ná như nhau. Cái quân xóm Mả Cùi này nó nghiện phim Hàn Quốc đến phát rồ, phát dại đến nơi rồi. Gặp tao, nó gán cho cái tên, có vẻ tài tử, có vẻ Hàn Quốc, nghe vừa trân trọng lại vừa mỉa mai. Tiến sĩ là những cái đầu vĩ đại, cứu chết hoặc nuôi sống một dân tộc, thế mà chúng dám gọi một thằng già chạy xe ôm, chồng một cô gái ca-ve bằng cái học vị ấy, là hỗn xược. Nhưng rồi tao thấy chả có gì là hỗn cả, mọi thứ danh hiệu đều do con người đặt ra, để trọng vọng hay để cười chơi đều được. Tao thấy trên ti-vi họ, những người lớn hẳn hoi, cho đám học trò thi thố, rồi cũng phong cho bọn nhóc những danh vị tiến sĩ, thám hoa, bảng nhãn... đầy cả ra, lại có cả mũ mão cân đai! Tiến sĩ, bảng nhãn sao mà dễ dàng thế, mà lắm thế? Họa chăng có là đùa giỡn với tiền nhân! Quả họ đang đùa! Thế thì tao cũng đùa, tao là tiến sĩ, tiến sĩ Han! Kha biết mình không uống nổi nữa, anh ngả lưng ra cái ghế nhựa, sức nặng của anh làm cong oằn bốn cái chân nhựa mỏng manh tội nghiệp, tiếng sỏi sưới đất lạo xạo, truyền vào lưng: -Thôi được rồi, vợ con giờ thế nào? Hán im ặng, khẽ lắc đầu, tỏ vẻ ngán ngẩm. Nhưng rồi trong cặp mắt lờ đờ đầy vẻ thất vọng ngạo mạn ấy loé lên những tia nhìn phấn khích. Đối với Hán, lấy vợ là quan trọng bậc nhất trong cuộc đời, không có gì quan trọng bằng. Hán thổ lộ và đổi cách xưng hô: -Tao cho rằng con người sinh ra cũng cùng chung nghĩa vụ với con vật, như con gà, con chó hay con voi, con hổ, thậm chí cũng như con sâu, con kiến, con giun, con dế... Nghĩa vụ đó là gì? Là đàn ông ngủ với đàn bà, là con đực giao hợp với con cái. Để làm gì ư? Để sinh con đẻ cái, để nòi giống không bị tuyệt tự. Con chó cũng thế mà con sư tử cũng vậy. Sau đó rồi chết, rồi xong một kiếp, hoàn thành sứ mệnh vẻ vang! Thế nhưng mà có cái này, con người ta để ngủ được với nhau thì cần phải khỏe mạnh. Thế là sinh ra cái chuyện phải ăn, phải uống, phải mặc (đúng ra không cần cái khoản này, nhưng mà mưa gió, tuyết băng nó lạnh quá, vì con người đã trót để rụng mất bộ lông quý hóa, Trời cho của mình rồi). Giữa một vòng đời, một chu kỳ từ khi sinh ra đến khi chết đi, nói gọn lại chu kỳ sinh tử, hay nói cho có hình ảnh là "giữa hai kỳ đại hội", là một cuộc tranh đấu giành giật những thứ bổ béo và ngon lành. Thế là giành nhau, là đánh nhau. Cha con ông Bush nước Mỹ đánh nhau với ông Saddam Hussein nước Iraq, thì cũng giống như hai con gà trống đá nhau, giành nhau con giun, hột thóc, giành nhau con gà mái tơ thôi. Đánh nhau chán lại hòa bình, hòa bình chán lại chiến tranh, vì còn ăn, còn uống, còn mặc, còn đàn bà mà... Có anh mải đánh nhau quá hoặc đánh nhau về đếch đẻ được nữa, mà có cố đẻ ra cũng quái thai, dị dạng, mất cả nòi giống. Chiến thắng, chiến công cũng chả bõ! Vợ Hán là con một ông quan to, nhà giàu và có vẻ gia giáo. Thế nhưng, vì cái chức quan to, nhà giàu của ông bố mà Hán đã phải trả giá cho cuộc tình này. Sau khi đẻ được cô con gái, mọi chuyện xảy ra y như báo chí, giống như tiểu thuyết, thay cho thần tượng là sự khinh miệt thằng chồng nhà báo nghèo kiết xác, lại dở hơi, ngang bướng, thóc mách... nên cô tiểu thư đài các đành phải ly dị. Đầu óc Kha đã choáng váng sau rất nhiều rượu và cả những câu chuyện, những thuyết lý bát nháo nhưng khá hấp dẫn của "tiến sĩ" Han tương vào. Anh muốn ngủ, muốn buồn cho bạn và cho mình. Chuyện của Tụ ra sao thì thây kệ. Tự dưng lại gặp thằng bạn này. Kha nhớ là anh với Hán cùng đại đội huấn luyện, rồi cùng đi B, để bổ sung vào trung đoàn 271. Rồi cùng học lớp quân chính trường H10, cùng đi nhổ trộm sắn của Kinh tài về cải thiện cái dạ dày cồn cào của anh học viên. Rồi cùng ra làm cán bộ trung đội... -Mày là thằng dở hơi, gàn bướng, ngu ngốc, ngu ngốc hơn cả tao, Hán ơi! Nhưng mà tao thích mày, tao phục mày... -Phục cái chó gì tao! Đêm nay có phải về nhà không? -Không! Nhà tao có cái quái gì mà phải về. Mày cho tao về nhà mày ngủ nhờ đêm nay được không? -Được chứ sao không! Xe để đây có người trông. Rồi "tiến sĩ" quay vào gọi chủ quán. Sản ơi! Cho tao gửi cái xe này nhá! Sản lật đật chạy ra, dẫn cái xe của Kha vào sau bếp. Vừa lúc ấy, thằng Bèo và thằng Tư Khỉ xuất hiện. Han quát: -Bèo, chạy sang bảo Mỹ Liên chuẩn bị cho khách một chỗ ngủ... Thằng Bèo ở đâu không biết, nhưng nghe tiến sĩ gọi đến tên, nó xuất hiện: "Dạ, con đi". Rồi hai người bạn, hai tên ma men, hai cái bóng dìu nhau đi ra đường nhựa, khuất dần vào ngôi nhà nhỏ...