Mạnh Tử

372 – 289 trước Công Nguyên
1. SƠ YẾU CUỘC ĐỜI
Mạnh Tử họ Mạnh tên Kha, tự Tử Dư, sanh vào năm thứ tư Chu liệt Vương, 372 tr. CN. Sau 107 năm, tính từ khi Khổng Tử qua đời. Người ta được biết về thân thế của Mạnh Tử, có phần ít hơn Khổng Tử, nhất là chẳng ai được rõ đời sống thời thơ ấu của Người ra sao. Tục truyền về truyện "Mạnh mẫu (mẹ thân sanh Mạnh Tử) tam thiên". (Để chọn láng giềng tốt cho Mạnh Tử, bà mẹ đã phải dời chỗ ở những ba lần), theo kết quả khảo cứu, thì chẳng có sự thật đó.
Mạnh Tử vốn là hậu duệ của Mạnh Tôn, thuộc dòng dõi Lỗ công, vì đã di cư sang xứ Châu (nước nhỏ phụ thuộc vào Lỗ), nên coi như là người Châu. Mạnh Tử theo học thầy Tử Tư từ thuở trẻ (Tử Tư là cháu nội của Khổng Tử), bình sinh lấy việc tuyên dương đạo Khổng làm chí hướng, cho nên đến thời trung niên, cũng như Khổng Tử đời trước, chu du qua nhiều nước như Tống, Tuyết, Tề, Nguỵ, Lỗ, Châu, Lương v.v... Căn cứ theo sách "Mạnh Tử", thì những nhân vật chính trị đương quyền mà Mạnh Tử đã được tiếp xúc là Lương Huệ Vương, Lương Tương Vương, Tề Tuyên Vương, Châu Mục Công và Đằng Văn Công.
Trong lịch trình chu du liệt quốc, Mạnh Tử đến nước Lương vào năm 320 tr. CN bởi lúc đó, Lương Huệ Vương đang chiêu sính hiền sĩ bốn phương. Khi Mạnh Tử bệ kiến Lương Huệ Vương, câu đầu tiên vua Lương nêu ra ngay, là vấn đề có tính cách tiêu biểu cho các quốc gia đương thời: "Hà dĩ lợi ngô quốc?" (Làm sao để có lợi cho nước ta?). Đứng vào lập trường của nhà cầm quyền, Lương Huệ Vương coi trọng vấn đề công lợi vì nước, chẳng có gì là sái cả, nhưng với một hiền sĩ coi nhân nghĩa là lý tưởng cao cả nhất như Mạnh Tử, thì đó là điều hại, cho nên đã xây ra cuộc tranh luận dữ dội về Nghĩa và Lợi, giữa Lương huệ Vương cùng Mạnh Tử. Khi đã kiên trì giá trị Nhân Nghĩa cao hơn công lợi, thì lời của Mạnh Tử không thể nghe lọt vào tai vua Lương được, Người đành tạm thời lưu lại nước Lương, để chờ cơ duyên khác. Sang năm sau Huệ Vương mất, con là Tương Vương lên kế vị, Mạnh Tử lại được triệu kiến vấn chính, nhưng đã bỏ Lương sang Tề, bởi hoàn toàn thất vọng với Lương tương Vương, "Trông thì chẳng giống một vị chúa, gần thì chẳng thấy có uy nghi tí nào” như lời Mạnh Tử đã đánh giá.
Kịp đến nước Tề, vào yết kiến Tề Tuyên Vương, vua Tề ngỏ ý muốn bàn về sự tích bá nghiệp của Tề Hoàn Công và Tấn Văn Công thuở trước (Hai vì vua này, từng xưng bá vào thời Xuân Thu), biểu lộ điều mà vua Tề mong muốn, hẳn là "Phú quốc cường binh". Song, Mạnh Tử vốn chẳng tán thành lối phú cường của hai vị bá chủ đó, bèn nói lảng sang đề tài khác bằng lời lẽ biện minh khôn khéo, mong thuyết phục được Tề tuyên Vương chấp nhận chủ trương "Vương đạo" của mình. Thuyết Vương đạo mà Mạnh Tử chủ trương, là một lý tưởng chẳng cao xa lắm, mục tiêu chính trị Vương đạo, chẳng qua là yêu cầu "Người già cả được ăn ngon mặc đẹp, lê dân chẳng ai bị đói rét". Lý tưởng đó tuy khá khiêm tốn, nhưng vào thời Chiến Quốc, khói lửa không ngừng, thì dễ ai có thể đạt được? Tề Tuyên Vương tuy không hoàn toàn đồng ý với lý luận của Mạnh Tử, nhưng hết sức thán phục tài hùng biện của Người, nên đã mời ở lại làm Quốc khanh (Tương đương với địa vị cố vấn cao cấp thời nay). Lúc Tề Tuyên Vương vạch kế hoạch toan tính đánh lấy nước Yên, có thỉnh ý Mạnh Tử, Người trả lời rằng: "Thủ chi nhi Yên dân duyệt, tắc thủ chi; thủ chi nhi Yên dân bất duyệt, tắc vật thử'. (Lấy mà dân Yên vui lòng, thì nên lấy; nếu lấy mà dân Yên chẳng vui lòng, thì chớ lấy). Nhưng Tề tuyên Vương đã bất chấp dân Yên có vui lòng hay chăng, cứ dùng võ lực cưỡng chiếm nước Yên vào năm 314 tr. CN Đến chừng dân Yên đùng đùng nổi dậy chống Tê, thì Tuyên vương mới hối tiếc đã không nghe theo lời khuyến cáo của Mạnh Tử. Giai đoạn đầu, Mạnh Tử lưu trú ở Tề chẳng được bao lâu, thì về Lỗ chịu tang mẹ. Ba năm sau, khi mãn tang trở lại Tề, tiếp tục ở đến năm 315 tr. CN người Yên dấy loạn, mới bỏ Tề sang Đằng (Có truyền thuyết khác là, lúc đó Mạnh Tử đi làm quan Đại phu ở nước Nguỵ). Tại Đằng, mặc dù Mạnh Tử có dịp phát biểu nhiều luận thuyết quan trọng, nhưng ngặt vì Đằng là một nước nhược tiểu, chu vi chỉ được có năm mươi dặm, lại nằm vào giữa hai đại cường là Tề và Sở, cho nên, thật tế chẳng có tác dụng gì cho lắm. Chẳng bao lâu thì Mạnh Tử nhận lời mời của Lỗ Bình Công, trở về cố quốc, song, bởi có kẻ nói xấu, thọc gậy bánh xe, rút cuộc chẳng được gặp mặt Bình Công.
Kể từ năm 52 tuổi, Mạnh Tử bắt đầu du hành sang nước Lương, cho đến cuối cùng quay về nước Lỗ, đã trải hơn hai mươi năm mà chẳng lìm được vị minh chúa nào có đồng chí hướng, để thực hiện lý tưởng Vương đạo. Chừng tuổi đã già thì trở về xứ Châu, nơi chôn nhau cắt rốn, tu thân và dạy học, y như Khổng Tử thuở trước vậy. Đến năm 84 tuổi thì Mạnh Tử mất, thọ hơn Khổng Tử mười một tuổi đời.