Mạnh Tử từng phê phán rất nghiêm khấc, cả Dương Chu lẫn Mặc Địch rằng: "Dương Chu Mặc Địch chi ngôn dinh thiên hạ... Dương thị vị ngã, thị vô quân giã; Mặc thị kiêm ái, thị vó phụ giã; vô quân vô phụ, thị cầm thú giã". (Nay thuyết của Dương Chu cùng Mặc Địch lan tràn thiên hạ... Họ Dương chủ trương vị kỷ, ấy là không có chúa; họ Mặc chủ trương kiêm ái, đó là không có cha; kẻ không chúa không cha, là loài cầm thú vậy). Tuân Tử cũng có lời phê phán tương tự, cho rằng thuyết của Mặc Tử làm đảo lộn luân thường, mà thoáng nghe như là có lý, rất dễ mê hoặc người đời. Tuân Tử vốn chủ trương "túc dục", cho nên chê Mặc Tử khuyên người ta thắt lưng buộc bụng, chỉ làm cho người đời, sống trong cảnh nghèo khó và buồn tẻ thôi. Cũng vì vậy mà Mặc học đã bắt đầu đi vào mạt vận từ thời Tây Hán. Tuy nhiên, tinh thần nghĩa hiệp của những người theo Mặc học, đã bén rễ ăn sâu vào hạ tầng xã hội và tiếp tục phát huy. Tinh thần nghĩa hiệp đó, là thái độ công bằng, lập trường ngay thẳng, hết lòng bênh vực cho bình dân và chủ trì chính nghĩa cho xã hội, bằng lời nói và hành động hào hiệp, coi thường tánh mạng vì hai chữ "tín nghĩa". Tinh thần nghĩa hiệp ấy được kết hợp với ý thức dân tộc, đã phát huy công dụng về mặc chính trị xã hội lớn lao, như "Hội Bạch Liên” đã trỗi dậy vào cuối thời nhà Nguyên Mông Cổ, cũng như Thanh bang và Hồng bang hoạt động mạnh mẽ vào cuối thời nhà Minh. Truy nguyên ra, những tổ chức đó đều bắt nguồn từ tinh thần nghĩa hiệp của tập đoàn dân sự, mà Mặc Tử là người sáng lập đầu tiên.Ở phương Tây, Thượng đế của Công giáo tượng trưng cho tinh thần bác ái, và từ quan niệm trước Đức Chúa Trời, ai nấy đều bình đẳng, dẫn tới quan niệm trước pháp luật ai nấy đều bình đẳng. Đồng nghĩa đó, luân lý căn bản của Mặc học là "Kiêm ái", thì đương nhiên cũng dẫn tới quan niệm bình đẳng phổ quát trong xã hội, không phân biệt giai cấp và tôn giáo. Riêng về chủ trương "phi công" của Mặc Tử, thì rõ ràng là lập trường phản đối chiến tranh, tinh thần yêu chuộng hòa bình, đồng thời cũng là phương pháp chính yếu của Mặc Tử, nhằm đạt tới lý tưởng "Kiêm ái”. Vậy Mặc Tử là một triết gia, giàu nhiệt tình tôn giáo và tinh thần hy sinh, khổ hạnh.