Daniel Ellsberg tìm cách đưa Châu ra khỏi Việt Nam. Ông thu xếp để Công ty RAND, một Công ty ở California, chuyên nghiên cứu các vấn đề chiến lược cho Bộ quốc phòng, nơi ông đang làm việc, để Công ty này mời Châu đến đây công tác như một chuyên viên tham vấn về công tác bình định nông thôn. Nếu Châu có thể rời khỏi Việt Nam thì Châu sẽ thoát khỏi nanh vuốt của Thiệu. Nhưng một lời mời như vậy phải thông qua sứ quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn, chính ở đây đã gặp phải bế tắc. Daniel Ellsberg đã làm quen với Châu năm 1965, khi ông tới Sài Gòn trong cương vị thành viên trong nhóm công tác bình định của Lansdale, và đã trở thành một trong những người bạn Mỹ thân nhất của Châu. Ông tin rằng CIA tìm cách gây khó dễ cho Châu là để trả thù một vụ xung đột trước đây của Châu với cơ quan này về chương trình bình định. “Châu muốn giữ độc lập trong hoạt động của mình, nhưng đồng thời lại rất tôn trọng cơ quan CIA”, Ellsberg nói “Châu rất sung sướng được CIA tài trợ cho những hoạt động của ông, cái ông muốn là cách đối xử mà những người của Lansdale trước đây đã dành cho ông. “Ông có những ý kiến hay đấy, Châu. Đây, tiền đây. Làm đi". Đó là cách làm của Lansdale mà Châu cho là tốt. Nhưng thái độ của hầu hết người Mỹ lại không phải như vậy, “Dẹp cái kiểu đó đi. Ông nhận tiền của chúng tôi thì ông phải làm theo kiểu chúng tôi”. Lúc đầu Châu không hiểu được điều đó. Và thế là CIA đã bỏ rơi ông ta". Quan hệ giữa Châu và Ellsberg gần gũi thân mật đến nỗi hai người đều hiểu và chấp nhân khuyết điểm của nhau. “Tôi coi Châu như anh tôi vậy Ellsberg nói “Cho tới khi tôi rời khỏi Việt Nam thì anh và John Paul Vann là hai người bạn thân nhất của tôi trên thế giới. Phần lớn những gì tôi biết được về bình định là tôi học được ở Châu hay Vann - và Vann cũng học được ở Châu. Tuy vậy, tôi thấy Châu vẫn có cái gì đó không thực tế. Anh thích soạn thảo kế hoạch với những đề mục lớn và có một cách đọc sách y như người Mỹ. Anh quá tự hào về bản thân mình, phần nào vị kỷ. Anh muốn có những chương trình của anh. Và anh không thích ai chỉ bảo anh phải làm thế này hay thế khác”. Châu biết rằng Ellsberg là một người thông minh xuất chúng nhưng nhiều khi cũng cực đoan. Châu biết rằng Ellsberg giờ đây đã quay ra chống chiến tranh cũng nồng nhiệt như trước đây anh ủng hộ chiến tranh. Nhưng Châu không biết rằng lúc đó Ellsberg đang thực hiện một vụ đánh cắp tài liệu bí mật của chính phủ lớn nhất trong lịch sử của Mỹ. Ellsberg lợi dụng địa vị của mình là một nhân viên của Công ty RAND và là một cốvấn của Lầu Năm Góc tiếp cận với một công trình nghiên cứu về sự dính líu của Hoa Kỳ ở Việt Nam ngay từ đầu, đúng vào lúc mà nước này đang mắc vào một sự cam kết không giới hạn trong chiến tranh Việt Nam. Tài liệu nghiên cứu này về sau được gọi là Tài liệu của Lầu Năm Góc, chương trình nghiên cứu này được thực hiện theo yêu cầu của Bộ trưởng quốc phòng Robert McNamara năm 1967. Ông giao trách nhiệm này cho Morton H. Halperin, trợ lý của ông về các vấn đề an ninh quốc tế, ông này lại giao cho trợ lý của ông là Leslie Gelb làm người chủ biên, cầm đầu nhóm biên soạn công trình nghiên cứu lịch sử này. Lúc đầu họ nghĩ rằng công trình này có thể được hoàn thành trong vòng sáu tháng với sáu nhà nghiên cứu thôi, nhưng thực ra nó đã hoàn thành trong vòng mười tám tháng với tất cả là ba mươi sáu nhà nghiên cứu, tập hợp một khối lượng tài liệu đồ sộ, với ba ngàn trang phân tích và lịch sử, và bốn ngàn trang tài liêu mật. Ellsberg làm việc với nhóm này trong một thời gian nhưng ông đau yếu do bịnh viêm gan mắc phải ở Việt Nam và công trình nghiên cứu của ông đã do một người khác viết lại. Ngoài Leslie Gelb ra, không có ai đọc hết toàn bộ công trình nghiên cứu này như Dan Ellsberg, và ông đã mang một bản tài liệu từ Bộ quốc phòng về Công ty RAND. Khi ông đọc hết Tài liệu của Lầu Năm Góc thì ông mới thấy rõ có nhiều điều không ăn khớp, thậm chí mâu thuẫn giữa những gì các quan chức chính phủ Mỹ nói riêng với nhau với những gì họ nói với dân chúng về cuộc chiến tranh Việt Nam - nhiều khi nói láo trắng trợn - Ellsberg tin rằng ông có thể chấm dứt chiến tranh bằng cách công bố tài liệu đó cho công chúng biết đã gây ra làn sóng phẫn nộ trong cả nước. Daniel Ellsberg là một chuyên gia về môn, nói theo từ ngữ của ông, “đề ra quyết định trong điều kiện không chắc chắn”, vì đó là một môn học rất khó nên người ta có thể nghĩ rằng người chuyên gia về môn đó phải là một vị giáo sư lúc nào cũng đăm chiêu suy nghĩ nhưng thực ra Ellsberg không phải là một người như vậy. Ông sinh ra ngày 7 tháng 4 năm 1931, chiều cao trung bình, mảnh khảnh nhưng chắc chắn, với mái tóc sẫm quăn, xuất thân từ một gia đình Do Thái chuyển sang Thiên Chúa giáo. Luận văn tiến sĩ của ông tại đại học Harvard là luận văn về xác suất chủ quan và hệ luận thống kê - nhan đề Mạo hiểm, Mơ hồ và Quyết định - đã bắt đầu như sau: “Hành động một cách hợp lý thì người ta phải căn cứ vào hậu quả mà đánh giá hành động của mình. Nhưng nếu hậu quả lại không chắc chắn thì phải làm thế nào? Không nghi ngờ gì nữa, con người vẫn phải hành động một cách hợp lý: vấn đề là quyết định xem hợp lý nghĩa là gì”. Môn học này còn gọi là lý thuyết trò chơi. Bởi vì những thông tin mà ông dựa vào đó để đề ra quyết định là rất mơ hồ, thiếu sót, ít ỏi… - nói cách khác là đầy bóng tối - nên việc áp dụng phương pháp luận của ông cũng uổng công vô ích, vì nó sẽ đưa từ bóng tối này tới bóng tối khác mà thôi. Ông đã đi đến một công thức đặc trưng, ít ra thì cũng đặc trưng với những trường hợp của trò chơi, đi đến một giải pháp có thể. Là một chuyên gia về quốc phòng, phần lớn là nghiên cứu về vũ khí hạt nhân, trong thực tế ông là một người có ý kiến riêng của mình, những ý kiến đó thường dựa vào những thông tin thuộc loại hết sức trừu tượng, những ý kiến có thể được chứng minh mà cũng có thể không - nói tóm lại là một người giáo điều hợp lý. Dĩ nhiên là ông có thể tận dụng những khả năng phân tích của mình vào những đề tài khác và đạt được những kết quả tốt. Bất cứ ai chọn một ngành chuyên môn bí hiểm như vậy thì không thể thiếu lòng tự tin. Một ít tự tin ở khả năng của mình là điều không thể thiếu để có được sự tín nhiệm nghề nghiệp. Trong thực tế, Ellsberg đi vào lĩnh vực này gần như là do may mắn tình cờ. Mẹ ông, chết trong một tai nạn xe hơi lúc ông mười lăm tuổi đã từng hy vọng rằng ông lớn lên sẽ trở thành một nghệ sĩ dương cầm và hồi nhỏ ông đã từng học đàn. Cha ông là một kĩ sư xây dựng, đã từng qua một thời kì khó khăn trong cuộc khủng hoảng kinh tế, đã đưa gia đình từ Chicago đi Spingfield, đi Detroit, ông thường nói với các con rằng con người cầm bản đồ trên tay thì không được dừng lại ở chỗ vẽ bản thiết kế mà phải đến tận hiện trường mà quan sát, mà bắt tay làm việc và biến những tính toán trên giấy thành hiện thực, thành sắt thép. Dan Ellsberg lại chịu ảnh hưởng chính trị của người anh khuynh tả, lại muốn trở thành người tổ chức lao động. Ông nhận được một học bổng vào trường dự bị đại học Michigan, trường này lại xin cho ông một học bổng Pepsi Cola vào học trường đại học Harvard (“ …một sinh viên xuất chúng:.. có xu hướng cho mình hơn người, nhưng không xa lánh mọi người” ) và các bạn đồng học đã bỏ phiếu cho rằng ông là sinh viên tốt nghiệp “có khả năng hơn cả để cống hiến cho tiến bộ nhân loại”. Ở Harvard, môn học của ông là kinh tế học lao động. Nhưng tới năm học cuối cùng thì người hướng dẫn đã yêu cầu ông chuyển qua học về lý thuyết trò chơi để có thể làm một bản luận văn tốt nghiệp khá hơn, Ellsberg nghe theo lời khuyên và đã nhận được chứng chỉ tốt nghiệp, khoá 1952. Các tổ chức công đoàn hình như không hấp dẫn cho lắm nên ông đã bỏ ý định thành một người tổ chức của phong trào lao động. Đồng thời xu hướng chính trị của ông bắt đầu thay đổi Trong khi vẫn là một người cánh tả trong những vấn đề trong nước, ông đã trở thành một người kịch liệt chống cộng trong lĩnh vực đối ngoại. Thái độ đó bắt nguồn từ mối quan tâm của ông đối với những gì đang xảy ra ở châu Âu thời kỳ đó - cầu hàng không vào Berlin, những phiên toà ở Tiệp Khắc -nhưng trường hợp của Alger Hiss là nhân tố quan trọng góp phần hình thành quan điểm chính trị của ông. Alger Hiss nguyên là một quan chức ngoại giao bị đưa ra toà vì bị buộc tội là có quan hệ với gián điệp. “Mọi người tôi quen biết đều đảm bảo rằng Alger Hiss là vô tội”, Ellsberg nói, “và rằng Whittaker Chambers nói dối. Tôi đã tiến hành điều tra và đọc tất cả những tài liệu liên quan và kết luận rằng Hiss quả là có tội thật.Điều đó đưa tới cái mà tôi gọi là khủng hoảng lòng tin ở phái tả, không đến mức nghi ngờ người anh phái tả của tôi, nhưng tôi cho rằng các bạn theo phái tự do ở Havard đã quá vội vàng khi cho rằng Hiss vô tội. Đó là lúc mà tôi tự cho rằng mình là người tự do ở trong nước - ủng hộ các công đoàn, ủng hộ phong trào dòi dân quyền của người da đen - nhưng một người cứng rắn trên bình diện đối ngoại, đặc biệt đối với Liên Xô” Daniel Ellberg đã trở thành một con diều hâu theo phái tự do cổ điển, một thành viên mới của cái nhóm hàn lâm làm con thoi giữa chính phủ với các trường đại học. Nhưng Ellberg không giống như những nhà khoa học cao cấp làm việc cho chính phủ, ông không những chỉ có những kiến thức lý thuyết về các vấn đề quân sự. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông đã tình nguyện vào thuỷ quân lục chiến. “Hầu như tất cả các bạn của tôi đều vào trường luật”, Ellberg nói, “và vì sao tôi lại cảm thấy trách nhiệm vào thuỷ quân lục chiến là một vấn đề quan trọng mà tôi phải mất một thời gian suy nghĩ. Tôi có thể nhìn lại thời niên thiếu của mình và tìm thấy ở đấy một vài lý do nào đó. Nhưng thực ra quyết định này chủ yếu dựa vào cái cảm giác về trách nhiệm. Cũng có cái cảm giác khi bạn đi vào lĩnh vực quân sự thì muốn có một ít kinh nghiệm về nó. Tôi vào thuỷ quân lục chiến cũng giống như tờ truyền đơn dùng để chiêu mộ thanh niên đã viết: “Anh có đủ can đảm của đàn ông để đăng ký vào thuỷ quân lục chiến không?” Tôi đăng ký vào đó để tự thử nghiệm” Còn có một nhân tố phụ nữa. Trong những năm đầu ở trường đại học Harvard, Ellberg đã cưới Carol Cummings, nữ sinh viên năm thứ hai trường đại học Radcliffe. Cha của Carol, ông Gayle Cummings, một người goá vợ đang học luật tại trường Boston gần đấy, trước đây là một thuỷ quân lục chiến, đã được phong tướng sau khi về hưu.Các bạn của Ellbergs nhắc lại rằng ông đã lo ngại về một trái ngược có thể có giữa ông, một sinh viên đầu bù tóc rối, với ông bố vợ trong bộ quân phục cấp tướng thuỷ quân lục chiến. Họ đã thu xếp để tổ chức một buổi lễ đơn giản tại một nhà thờ Tân giáo với những người tham dự phần lớn là bạn học. “Vấn đề là vợ tôi đã lớn lên trong môi trường của thuỷ quân lục chiến. Cô ấy thích quân chủng thuỷ quân lục chiến và cũng muốn làm một thuỷ quân lục chiến. Việc làm của tôi đã làm cho cô ấy vui lòng. Cô ấy ngạc nhiên khi nghe tôi nói là tôi đã tình nguyện đăng lính. Cô ấy không bao giờ nghĩ rằng tôi có thể làm một việc như vậy cả”. Chính ông cũng không ngờ ông đã được chọn là một sĩ quan xuất sắc nằm trong số mười người được chọn trong 1.100 người theo học, và được giao một nhiệm vụ chính thức ngay sau khoá huấn luyện. Ông nhận một nhiệm vụ trừ bị, nghĩa là ông ở lại trong quân ngũ hai năm, chỉ huy một đại đội tốt nhất trong sư đoàn, bắn đạt loại giỏi và có số người vắng mặt ít nhất. Ông kéo dài thời gian phục vụ ra ít lâu, với hy vọng là sẽ được tham chiến ở Trung Đông như đã dự kiến, nhưng khi tình thế chiến tranh không diễn ra, ông rời khỏi thuỷ quân lục chiến và nhận một học bổng để được tiếp tục nghiên cứu tại trường Harvard, tham gia vào nhóm người ưu tú trong Society of Fellows đầu năm 1957. Ông nhận được việc làm chính thức đầu tiên vào tháng sáu 1959, làm chuyên viên tham vấn cho Công ty Rand, đóng trụ sở trong một nhà kho cũ ở Santa Monica. Rand là một công ty chuyên nghiên cứu các vấn đề chiến lược, lúc đầu được thành lập để nghiên cứu cho không quân, về sau đã phát triển mau lẹ nhờ những hợp đồng nghiên cứu cho chính phủ. Ellsberg đã làm việc trong một năm tại Bộ quốc phòng, 1964 - 1965 - làm trợ lý cho người phó của Robert McNamara - và bắt đầu từ năm 1965, làm việc hai năm trong nhóm của Lansdale về bình định ở Việt Nam, nhưng chính ở Rand là chỗ ông làm việc nhiều nhất. Và cũng chính ở Công ty Rand mà ông nghĩ rằng ông có thể giúp đỡ Châu bằng cách mời ông ta tham gia một chương trình nghiên cứu về bình định. Nhưng ông lại không biết rằng sứ quán Hoa Kỳ đã bí mật làm hỏng kế hoạch của ông nhằm đưa Châu ra khỏi Việt Nam. Một bức điện mật đã được gửi từ sứ quán Hoa Kỳ, ký tên Ellsworth Bunker, gửi về cho Bộ ngoại giao ở Washington cho biết rằng sứ quán có ý định ngăn cản Châu rời khỏi đất nước. “Chúng tôi đã được báo cho biết rằng Châu đã nhận được một bức thư của Ellsberg, làm cho Công ty Rand, cho biết rằng công ty này đã mời Châu, và lời mời này chỉ còn chờ thông qua thủ tục ở sứ quán Hoa Kỳ nữa thôi, và mọi thủ tục sắp được giải quyết,” bức điện viết “Chúng tôi gợi ý Bộ hãy làm cho Ellsberg hiểu rõ hoàn cảnh tế nhị hiện nay của Châu ở Sài Gòn, để ông ta rút lời mời đó lại, trong tình thế hiện nay. Bộ cũng có thể giải thích thêm rằng khi một người của Rand đã vội vã báo cho Châu biết trước rằng đề nghị đó đã được chấp thuận, đó là điều không thể có được khi chưa có sự duyệt y của chính phủ Hoa Kỳ, thì bây giờ họ cần phải hợp tác với chúng tôi để thu xếp việc này càng êm càng tốt để khỏi gây rắc rối cho chính phủ Hoa Kỳ”. Cho dù Ellsberg có biết bức điện mật này đi nữa thì ông cũng bất cần, bởi vì ông cho rằng vấn đề của Châu sẽ được giải quyết trong làn sóng phẫn nộ của quần chúng mà ông đang gây ra qua việc đánh cắp những tài liệu của Lầu Năm Góc. Nghề nghiệp của Ellsberg tập trung vào việc đề ra quyết định của chính phủ và Việt Nam là nỗi ám ảnh của ông. Theo ông, những tài liệu của Lầu NămGóc là sự kết hợp tính phong phú trong bản trường ca Iliad với sự xung đột trong sách về Biển chết. Nó kể lại những hoạt động bí mật đầu tiên của Hoa Kỳ ở Việt Nam, kể từ Thế Chiến II, tả lại sự cố Vịnh Bắc Bộ năm 1964, đưa đến một sự cam kết lớn hơn của Hoa Kỳ ở Việt Nam - trái ngược với những gì chính phủ đã nói cho dân chúng Hoa Kỳ biết. Ellsberg, cũng như tất cả những người chịu sức hút của quyền lực, thích thú với những câu chuyện bí mật và thích cho rằng mình là người đã được biết những điều bí mật, được đóng dấu Tối Mật, những điều bí mật mà ít người được nghe nói đến. Và đây lại là những điều bí mật nhất trong tất cả những điều bí mật, tiết lộ những điều dối trá, những lời nói dối về sự dính líu của Mỹ ở Việt Nam, do những người cũng có quá trình đào tạo hàn lâm như ông, viết bằng một văn phong rất quen thuộc với ông. Nhưng trong thực tế, đối với bất cứ người nào khác, những Tài liệu của Lầu Năm Góc mà Ellsberg nghĩ rằng có thể làm chấm dứt chiến tranh, có một thiếu sót lớn viết một cách quan liêu, không có hơi thở của cuộc sống, viết dài hàng ngàn trang không thể nào đọc xiết Những câu chuyện như chuyện của Châu thì không có, cũng không có nhiều nhân tố thiết yếu khác có thể cho người đọc thấy rõ chiến tranh đã diễn ra như thế nào. Còn những nhà báo phản ánh tình hình từ Sài Gòn? Và những người đang phụ trách khía cạnh chính trị của cuộc chiến này - họ là những người như thế nào: Những khía cạnh dính líu đến con người thì tài liệu của Lầu Năm Góc hoàn toàn không biết đến mà đó có thể lại là phần quan trọng nhất trong cuộc chiến Việt Nam. Muốn hiểu Châu thì, trong thực tế chúng ta phải trở lại với một cô gái trẻ xinh đẹp đang nhìn qua cửa sổ trong nhà của cô ta ở Hà Nội ngày nào.