Vào lúc Châu quyết định rời bỏ Việt Minh, chính phủ Hoa Kỳ đang tiến đến một quyết định cốt yếu về Việt Nam. Châu và Hoa Kỳ đều bị đặt vào trong tình trạng khó xử. Không ai thích thực dân Pháp cả, nhưng cả hai đều chống Cộng sản. Đối với Châu thì tình trạng khó xử này là một vấn đề cá nhân còn đối với Hoa Kỳ thì đây là vấn đề của cả một bộ máy. Chỗ khác nhau là một số Cộng sản vốn là bạn của Châu, kể cả anh chị em của ông, và cho dù ông có cho rằng ý thức hệ của họ sai lầm đi nữa, ông cũng biết họ là những người yêu nước, chứ không phải là những phần tử không chân dung trong một âm mưu lật đổ do Moscow chỉ đạo như Hoa Kỳ quan niệm. Lợi dụng mối lo sợ đang tăng lên của Hoa Kỳ trước chủ nghĩa Cộng sản quốc tế, người Pháp đã xin viện trợ với lý do rằng họ chính là bức tường thành cuối cùng ở châu Á để ngăn chặn mối đe doạ của bọn đỏ. Lập luận của họ không thể coi thường bởi vì chính ông Hồ Chí Minh đã đến Moscow đề học những kỹ thuật tổ chức của Cộng sản. Xét theo bối cảnh lịch sử của thời ấy, người ta cũng dễ hiểu vì sao Tổng thống Harry Truman và chính quyền của ông đã từ một chính sách lưỡng lự trong vấn đề Việt Nam tiến tới chỗ tích cực ủng hộ Pháp. Những lời cảnh cáo về chủ nghĩa bành trướng của Nga đã có từ trước Chiến tranh thế giới thứ II nay đã được kết luận, và việc người Xô Viết chiếm toàn bộ Đông Âu đã chứng minh những lo sợ đó là đúng. Rồi đến đầu năm 1947, người Anh báo cho Washington biết rằng họ sẽ rút khỏi Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, cả hai đều đang chịu áp lực nặng nề của cộng sản. Hoa Kỳ bị đặt trước một sự lựa chọn, hoặc là đứng ngoài và để cho vùng ấy rơi vào tay Cộng sản, như thời ấy người ta vẫn nghĩ, hoặc triển khai một chiến lược can thiệp để ngăn chặn nguy cơ đó lại. Trong bài diễn văn ngày 12 tháng 3, 1947, trước Quốc hội, Harry Truman yêu cầu Quốc hội chấp thuận một chương trình viện trợ cho Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Bài diễn văn đó sau này được coi là học thuyết Truman. Trước bài diễn văn của Truman, Hoa Kỳ chưa hể có một chính sách nào đặt nền tảng cho sự can thiệp trên toàn thế giới cả, và chính George Kennan ở Bộ ngoại giao đã góp phần hình thành một chính sách như vậy. Trong một bực điện dài, đánh đi từ Moscow, ký nặc danh “X”, đăng trên tạp chí Vấn đề ngoại giao, tháng Bảy, 1947, ông đã triển khai luận điểm của mình cho rằng đối với Liên Xô, Hoa Kỳ phải có một thái độ “kiên trì mà kiên quyết, dài hạn” và yêu cầu rằng “phải khôn khéo và cảnh giác áp dụng một đối lực (counterforce) để ngăn chặn áp lực của Liên Xô ở mọi điểm khác nhau về địa lý và chính trị…”. Nhưng theo Kennan, Tồng thống đã đem lại cho chính sách ngăn chặn đó một ý nghĩa bao quát hơn chính ông đã nghĩ. Truman đã mô tả cuộc đấu tranh giữa dân chủ và chủ nghĩa Cộng sản theo những thuật ngữ của tôn giáo Manicheaism, là một cuộc dấu tranh giữa cái Thiện và cái Ác, phải được giải quyết trên phạm vi toàn thế giới. Ông nói trong bài diễn văn trước Quốc hội rằng “Hoa Kỳ phải ủng hộ các dân tộc tự do chống lại sự lật đổ của một thiểu số võ trang ở trong nước hoặc áp lực từ bên ngoài”. Kennan nói rằng khái niệm “ủng hộ các dân tộc tự do” là quá rộng mà không hạn chế ở chỗ định nghĩa rõ ràng đâu là quyền lợi của Mỹ trong cuộc đối đầu với chủ nghĩa bành trướng Nga. Mười bốn năm sau, trong bài diễn văn nhậm chức của mình, John F. Kennedy đã nhấn mạnh lại học thuyết Truman, bằng những lời lẽ bóng bẩy mà con người ăn nói đơn giản như Truman không bao giờ dùng, thực tế là mở rộng phạm vi dính líu của Mỹ: “Hãy để cho mọi dân tộc, dù họ muốn điều lành hay điều dữ cho chúng ta, đều biết rằng chúng ta sẵn sàng trả bất cứ giá nào, gánh bất cứ gánh nặng nào, gặp bất cứ khó khăn nào, ủng hộ bất cứ bạn bè nào, chống lại bất cứ kẻ thù nào để bảo đảm sự tồn tại và thắng lợi của tự do”. Học thuyết đã phát triển từ chỗ ủng hộ “các dân tộc tự do” tới chỗ ủng hộ “bất cứ bạn bè nào”. Học thuyết Truman và vấn đề Hoa Kỳ như những người phê phán họ nói, phần lớn được phát biểu bằng những từ ngữ chính trị hay triết lý chứ ít khi đề cập tới phương pháp áp dụng cụ thể. Vì vậy sự ngăn chặn chủ nghĩa Cộng sản còn được thực hiện theo hai cách khác nhau, một cách là dựa vào một tiền lệ lịch sử về việc sử dụng tới lực lượng quân sự và đã thành công, còn cách kia, chưa được chứng minh trong quá khứ, bị cho rằng thất bại ngay từ đầu, và thực sự đã thất bại. Phương pháp ngăn chặn được mọi người thừa nhận là thành công là việc thành lập Tồ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương, gọi tắt là NATO ở Châu Âu. Nói một cách thô sơ nhất thì NATO chỉ là sự tập hợp của một số bộ lạc, trong một liên minh không thoải mái cho lắm, để tập trung sức mạnh của họ một cách tốt nhất, để răn đe và đánh bại nguy cơ sự đe doạ từ những bộ lạc khác. Chiến lược của NATO - sự tập trung quân lực các nước vào một liên minh, sự tìm kiếm những vũ khí ngày càng mới và càng mạnh hơn - là sự phát huy một đường lối xuyên suốt bao thế kỷ và đã chứng minh được giá trị của nó trong vô số cuộc đấu tranh trong lịch sử. Còn về cách làm thứ hai, tức là cách gửi đi những nhóm nhỏ cố vấn đến những nước ngoài, thì không ai có thể tìm ra bằng chứng nào trong lịch sử để chứng minh rằng nó có thể giành được chiến thắng trong chiến tranh hay ngăn chặn kẻ thù. Không cần phải là một nhà chiến lược tài giỏi cũng có thể thấy rằng việc đưa từng lực lượng nhỏ như vậy sẽ đưa đến những rắc rối lớn nên Quốc hội Hoa Kỳ đã bác bỏ yêu cầu gửi cố vấn Mỹ đi khắp nơi trên thế giới. Quốc hội đã cho phép có một ngoại lệ năm 1926 khi cho gửi cố vấn qua Mỹ La-tinh, được coi là sân sau của Hoa Kỳ, theo học thuyết Monroe, và mở đường cho sự can thiệp bắt buộc trong trường hợp các cố vấn lâm nguy, và năm 1946, gửi cốvấn qua Philippines, đã được ban bố độc lập sau nửa thế kỷ làm thuộc địa cho Hoa Kỳ. Nhưng thái độ của Quốc hội Hoa Kỳ vẫn được hiểu như đã áp dụng đối với phái bộ quân sự phái sang giúp cho Trung Hoa quốc gia của Tưởng Giới Thạch chống lại Cộng sản của Mao Trạch Đông. Vào cuối năm 1945, khi thấy Cộng sản sẽ lấn chiếm phần Đông Bắc Trung Hoa khi quân Nhật thất bại rút đi, Washington đã gửi đến đây năm mươi ngàn thuỷ quân lục chiến để giữ lãnh thổ này cho tới khi quân đội của Tưởng Giới Thạch tới kịp. Việc đó đã làm cho Mỹ đụng chạm với Cộng sản, làm cho Tư lệnh quân sự Mỹ ở Trung Hoa yêu cầu hoặc là phải tăng cường lực lượng thuỷ quân lục chiến hoặc phái rút đi. Quân đội Hoa Kỳ đã được rút đi nhưng Truman đã thiết lập một phái bộ quân sự vào 25 tháng Hai, 1946, ông viện lẽ là những đặc quyền thời chiến trao cho Tổng thống vẫn còn hiệu lực. Thượng nghị viện thì không nghĩ vậy nên năm sau đã không chấp thuận việc duy trì phái bộ quân sự, mặc dầu một số đơn vị lục quân và không quân vẫn còn làm theo lịnh của Tổng thống, mà không được Quốc hội cho phép. Khi một đạo luật cho phép một đơn vị cố vấn của hải quân tới Trung Quốc được thông qua ở cả hai viện, Quốc hội còn kèm theo điều hạn chế sau đây: “Nhân viên hải quân và thuỷ quân lục chiến Hoa Kỳ không đi theo quân đội, hay máy bay, tàu bè của quân lực Trung Hoa ngoài nhiệm vụ huấn luyện hay tuần tra trên biển”. Cho nên khi Tổng thống Truman yêu cầu cho gửi cố vấn Mỹ sang Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, dưới chính sách ngăn chặn mới của ông, người ta thấy trước sự phản ứng của Quốc hội. Để tránh bị phản đối, ngành hành pháp đã tự đề ra những điều kiện hạn chế trong dự luật đệ trình Quốc hội, quy định rằng những nhân viên quân sự này, “hạn chế về số lượng” chỉ “làm nhiệm vụ cố vấn mà thôi”. Mặc dầu như vậy vẫn còn nhiều hoài nghi và miễn cưỡng trong thái độ của Quốc hội khi xét để chấp thuận yêu cầu của Tổng thống. Hạ viện chống đối mạnh việc gửi cố vấn Mỹ. Nhiều người yêu cầu hạn chế tối đa về số lượng để khi cần thiết có thể rút nhanh về nước. Hạ nghị sĩ Jacob Javits, bang New York, nói rằng mặc dầu đã có sự hạn chế về số lượng, câu nói mơ hồ “chỉ làm nhiệm vụ cố vấn thôi” phải được thay thế bằng câu “chỉ làm nhiệm vụ giảng dạy và huấn luyện nhân viên quân sự, trang bị và tiếp tế vũ khí mà thôi”. Ông Javits nói rằng “Chúng tôi lo ngại một ngày nào đó người ta sẽ tìm thấy một đại uý Mỹ đang làm cố vấn cho một sĩ quan Hy Lạp về cách đánh nhau với du kích”. Nhiều người khác trong Quốc hội rất lo ngại là một khi Hoa Kỳ đã đặt cả ảnh hưởng và sự có thể tin cậy của mình vào đấy rồi, thì sự rút lui sẽ rất khó khăn hay không thể được và đất nước sẽ bị hút vào một cuộc chiến không mong muốn. Mọi sự cân nhắc đều được đem ra tranh cãi sâu sắc, nhưng chính quyền Truman đã làm cho Quốc hội thông qua bằng cách thuyết phục họ rằng con chó sói đã ở trước cửa rồi, lần đầu tiên cố vấn quân sự Mỹ được phái đi nước ngoài, như là một thứ vũ khí trong chính sách ngăn chặn sự bành trướng của Cộng sản. Không khí không rõ ràng và mù mờ trong quá trình thông qua quyết định này - thái độ lưỡng lự và hoài nghi của nhiều thành viên trong Quốc hội cùng với sự định nghĩa thiếu chính xác rõ ràng của Nhà trắng về vai trò của cố vấn - đã đưa tới việc gửi cố vấn quân sự Hoa Kỳ sang Việt Nam, để chính sách ngăn chặn Cộng sản của Hoa Kỳ ở đó trong trạng thái do dự mù mờ tương tự nhưng lại nguy hiểm hơn. Bước thứ nhất để đưa Hoa Kỳ vào Đông Dương là đạo luật về hỗ trợ phòng thủ chung, thông qua năm 1949, vào cái thời mà Mao Trạch Đông và những người Cộng sản của ông đã chiếm lấy Trung Hoa và người Nga đã thử quả bom nguyên tử đầu tiên. Đạo luật này cung cấp sự giúp đỡ quân sự cho các nước châu Âu, chỉ có Triều Tiên và Philippines ở châu Á. Nhưng sau đó có một điều khoản bổ sung “vùng đất chung” (general area) thuộc Trung Hoa, và khi được hỏi chữ đó có nghĩa là gì, một quan chức bộ ngoại giao đáp rằng “Điều khoản này có thể được áp dụng đối với những nước ở Viễn Đông, chịu ảnh hưởng của những phát triển tại Trung Hoa. Có thể trong đó như Miến Điện, phần phía Bắc của Đông Dương, nếu xét thấy cần phải dẹp Cộng sản ở những nước đó”. Đạo luật này cho phép Tổng thống gửi cố vấn quân sự đi bất cứ nước nào với tư cách là những cố vấn không tham gia chiến đấu, và đã trở thành cơ sở pháp lý cho phái bộ cố vấn mà Truman đã gửi sang Việt Nam năm 1950 và Kennedy đã nâng số lượng của họ lên hai mươi ngàn người vào năm 1963. Cuộc đấu tranh để thông qua việc gửi cố vấn ra nước ngoài đã diễn ra trong lúc thông qua đạo luật viện trợ cho Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Quốc hội đã thông qua đạo luật viện trợ, được dùng để thanh minh cho sự can thiệp của Hoa Kỳ ở Việt Nam với ít sự dè đặt và tranh cãi hơn. Bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố tháng Năm 1950 rằng Hoa Kỳ sẽ viện trợ trực tiếp cho Việt Nam, Campuchia và Lào cũng như tiếp tục viện trợ cho Pháp, ông ta lập tức được tờ New York Times, phản ánh dư luận chung đương thời, hoan nghênh với một xã luận nói rằng sự sụp đổ của Đông Dương sẽ có tác dụng dây chuyền như con bài đô-mi-nô đối với phần còn lại của Đông Nam Á.