Sau cuốn Sự lừa dối hào nhoáng của Neil Sheehan đã ra mắt bạn đọc, lần này Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu tiếp cuốn: Giáp mặt Phượng Hoàng - CIA và thất bại chính trị của Hoa Kỳ ở Việt Nam của một nhà báo Mỹ đã từng có mặt và viết về cuộc chiến tranh ở Việt Nam cho nhiều tờ báo Mỹ, ông Zalin Grant. Cả hai cuốn sách đều nhằm mục đích giới thiệu với bạn đọc những tài liệu có tính chất nghiên cứu tham khảo do các tác giả nước ngoài, đặc biệt là tác giả Mỹ, viết về cuộc chiến tranh thần thánh chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Với Giáp mặt Phượng Hoàng, tác giả không viết về toàn bộ cuộc chiến tranh, mà chỉ tập trung vào một ngành hoạt động mang tai tiếng nhiều nhất trong cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, đó là Cục Tình Báo Trung ương Mỹ (CIA). Cuốn sách đề cập đến những nhân vật hàng đầu của CIA từ cuối những năm 1940 đến năm 1975, tức là từ lúc nó khởi đầu cho đến khi bị thất bại ở Việt Nam. Nhân vật mà tác giả biết rõ và nhắc đến nhiều lần trong sách là Trần Ngọc Châu. Trần Ngọc Châu là một sĩ quan trong quân đội Sài Gòn thời đó, đã đề xướng ra cái gọi là tổ chức Phượng Hoàng, thực chất là một tổ chức chống phá phong trào cách mạng ở cơ sở do CIA điều khiển và nuôi dưỡng. Nhưng Trần Ngọc Châu lại có những mâu thuẫn sâu sắc về quyền lợi và quyền lực với người cầm đầu chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu. Bản dịch cuốn sách này, nói chung bám sát nguyên tác tiếng Anh; tuy nhiên có thể có một số chỗ chưa phù hợp với thực tế, nhưng chúng tôi vẫn giữ nguyên để bạn đọc tham khảo. Chúng tôi hy vọng rằng bản dịch này sẽ cung cấp thêm cho bạn đọc nhiều tư liệu mới về cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Rất mong nhận được những lời góp ý phê bình của bạn đọc NHÀ XUẤT BẢN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH Lời nói đầu của tác giả Chúng tôi đã lấy những gì xảy ra cho Trần Ngọc Châu trong năm 1970 làm đề tài cuốn sách này: chúng tôi muốn trình bày vì sao một người Việt quốc gia, một trong những nhà chiến lược sáng tạo nhất trong lĩnh vực hoạt động chính trị lại bị các thế lực chính trị tham nhũng, trong chính phủ của ông cũng như trong chính phủ Hoa Kỳ, làm cho thân bại danh liệt. Châu đã bị cách chức và bỏ tù với những lời tố cáo bịa đặt. Một số người Mỹ, bạn của ông, đã tìm cách cứu ông mà không được. Những người đó cũng giống ông ở chỗ là họ có quan điểm không chính thống về cách thức tiến hành chiến tranh, thành ra họ bị lạc lõng ngay trong bộ máy quan liêu của họ. Người lớn tuổi nhất trong số đó là Edward G. Lansdale, người hoạt động tình báo đã đi vào truyền thuyết. Nói rộng ra, cuốn sách này là một bản tổng kết những chương trình công tác chính trị đã được đem thí nghiệm ở Việt Nam, một câu chuyện về sự thất bại của Mỹ, thất bại vì đã không hiểu được tính chất của cuộc chiến tranh mà họ đã gây ra trên đất nước bị tàn phá này. Những vấn đề nêu ra trong cuốn sách này đều xoay quanh những kinh nghiệm hoạt động của Châu, của Lansdale, và các bạn của họ: không có bất kỳ sự liên quan gì đến vấn đề liệu Hoa Kỳ có nên đến Việt Nam hay không, vấn đề cuộc chiến tranh là chính nghĩa hay phi nghĩa, hợp đạo lý hay không hợp đạo lý. Thay vì làm việc đó tôi chỉ đơn giản chấp nhận cuộc chiến tranh Việt Nam như một sự kiện lịch sử, cố gắng vạch ra quá trình diễn tiến của chiến lược tiến hành chiến tranh, quá trình đó đã diễn tiến như thế nào đến nỗi cuối cùng chúng ta lại rơi vào chỗ phải lựa chọn, giữa một bên là những biện pháp thô bạo về quân sự, như đã diễn ra trọng thực tế và, một bên là những chương trình công tác chính trị và kinh tế mà Châu và các bạn ông đã đề nghị. Có lẽ đây là khía cạnh ít được biết nhất, nhưng lại bị hiểu sai nhiều nhất, trong cuộc chiến tranh này. Z.G.