William Colby là người đứng đầu Chi cục tình báo Mỹ ở Sài Gòn và sau đó, là người đứng đầu chương trình bình định với cấp bậc Đại sứ, đã dính líu vào nhiều mặt của cuộc chiến, nhưng ông lại là một nhà hoạt động tình báo chính trị có hiệu quả nhất đã từng phục vụ ở Việt Nam và những quan tâm hàng đầu của ông lại đi song sog với chương trình do Trần Ngọc Châu đề xướng. Ông đã nhận ra rất sớm rằng cuộc chiến này phải diễn ra ở cấp xã, tức là nơi mà quân đội Nam Việt Nam, tổ chức theo lối chính quy, tỏ ra kém hiệu lực nhất, do đó ông đã bỏ ra nhiều năm để huấn luyện và trang bị cho dân vệ là loại quân có thể đánh nhau với Cộng sản ở cấp xã về chính trị cũng như quân sự. Ông cũng nhận thức như Châu rằng mục tiêu quan trọng nhất ở nông thôn không phải là những chiến sĩ du kích mà là bộ máy chính trị và hành chính của Việt Cộng. Rơi vào cách ăn nói quan liêu ưa thích của người Mỹ, ông gọi đó là “hạ tầng cơ sở của Việt Cộng”, nghe như các quan chức Việt Cộng là cầu, là đường vậy, thường làm cho người ngoài ngơ ngác không hiểu ông định nói gì với chữ ấy.Khía cạnh hấp dẫn trong con người của William Colby là ông có khả năng tiếp cận và thu nhận những quan điểm khác với quan điểm của ông. Thí dụ như bạn nói rằng CIA chẳng qua chỉ là sản phẩm của những phần tử của Ivy League trong OSS đã mệt mỏi vì thấy trước thế nào cũng bị bỏ rơi khi Thế Chiến II kết thúc và một khi không còn chiến tranh thì cơ quan tình báo thế nào cũng biến thành một thứ lính kín, với những bằng cấp về khoa học nhân văn, sẵn sàng đề cao và bảo vệ quyền lợi của chủ nghĩa tư bản đa quốc gia, trong khi những cựu sĩ quan OSS có dịp sống lại sự kích thích trong trò chơi cao bồi và da đỏ với các nhân viên KGB, thì William Colby cũng không vì thế mà nổi khùng, trái lại ông ta bình tĩnh ngồi nghe và thậm chí còn công nhận bạn nói nhiều chỗ đúng, sau đó mới kết luận rằng lập luận của bạn dựa trên một cơ sở không vững chắc và có sự hiểu sai tình hình thế giới. Thái độ cởi mở của ông không phải chỉ là bề ngoài để che đậy một thái độ ngoan cố mà ngay trong gia đình, ông cũng có một thái độ khoan dung như vậy; anh Paul con ông nhớ rằng trong những ngày mà cuộc chiến Việt Nam gây nhiều tranh luận nhất ở Mỹ thì anh vẫn có thể nói chuyện với bố mặc dầu có khi quan điểm của họ khác nhau.Con người dễ tiếp cận và cởi mở như Colby thường kèm theo một số đức tính phụ - thích khôi hài, hay nói cho đúng ra, thích mỉa mai châm biếm, cũng có khi có xu hướng hay nói về những tư tưởng và tình cảm của chính mình. Nhưng cái đó chưa phản ánh đầy đủ con người Colby. Cái đầu óc khôi hài của ông sắc bén và khó chịu. Cái mà ông thông cảm với người khác là quyền lợi chứ không phải là tình người. Xét cho cùng, ông là một người nhút nhát.Sinh ra ở St. Paul, tiểu bang Minnesota, Colby là con một trong gia đình. Cha ông là một sĩ quan quân đội, có bằng tiến sĩ Anh ngữ, đã từng làm chủ bút nhiều tờ báo và viết hàng chục cuốn sách về đủ mọi vấn đề, từ những nhà thờ đạo Thiên chúa của nước Anh tới một bản sưu tập tiếng lóng trong quân đội. Colby nói rằng cha ông là một người quá trí thức đối với quân đội và trở thành một đứa con hoang không bao giờ thích nghi được với gia đình quân đội. Ông đã về hưu với cấp bậc đại tá. Ông mô tả mẹ ông “một thiếu phụ Ái Nhĩ Lan lịch sự, rất ân cần, rất dễ thương”. Gia đình Colby cứ di chuyển luôn, nên anh chàng William trẻ tuổi không bén rễ được với địa phương nào cả. Ông đến Trung Hoa năm lên chín, ở đó ba năm, khi cha ông được bổ nhiệm đến làm việc với sư đoàn bộ binh thứ 15, ông nhớ lại với nhiều thích thú và hy vọng sẽ có ngày trở lại đó. Ông đã học trong một trường của Anh rất nổi tiếng ở Trung Hoa làm cho ông được xếp cao hơn một hai lớp với các bạn đồng thời ở Hoa Kỳ. Khi gia đình trở về Burlington, cha ông bắt đi học ở một trường trung học cho đàng hoàng. Sau đó ông theo học ở Học viện quân sự West Point - “cho xong nhiệm vụ”, ông nói vậy - nhưng không được, do cặp mắt của ông, ông đeo kiếng từ hồi nhỏ. Thế là ông vào trường đại học Princeton. Mười sáu tuổi, ông nhỏ hơn các bạn cùng lớp hai tuổi và là đứa bé duy nhất cứ di chuyển luôn, giống như những người từ đâu đến thường cứ phải nhận thêm việc làm ở nhà ăn của trường để có tiền theo học vậy.Ông rất giỏi về khoa học chính trị và xuất sắc trong huấn luyện của các sĩ quan dự bị. Một thời gian có ảnh hưởng lớn đối với ông khi còn đang học là thời gian ông đi nghỉ hè ở Pháp, ở đây ông đã học được cách thông cảm và giao dịch với những người không phải là người Mỹ, những điều học được sau này ông đã dùng khi là một sĩ quan tình báo.“Tôi nghĩ rằng không có lợi lộc gì mà người Mỹ cứ đi dạy người khác phải làm việc này việc nọ”, Colby nói “Anh sẽ được lợi nhiều hơn nếu anh đặt ra hàng loạt câu hỏi tìm hiểu kiểu Socrate. Trở lại cái mùa hè năm ấy, tôi cố gắng tìm hiểu xem vì sao người Pháp làm theo kiểu này mà không làm theo kiểu kia. Anh sẽ thấy rằng làm như vậy rất thú vị và bổ ích”.Cái kỹ thuật của Colby - tiếp cận dịu dàng - rất thích hợp với tính nhút nhát e thẹn của ông, thích hợp với tướng mạo của ông, như một đức tính được sinh ra để đáp ứng sự cần thiết vậy. Ông không có cái kiểu áp đảo người khác bằng lối nói doạ nạt hay phỉnh phờ mà thỉnh thoảng nhiều sĩ quan tình báo đã làm. Ông cao một thước bảy mươi lăm, tóc nâu, đôi mắt xanh cảnh giác sau cặp kiếng. Ông tập luyện mỗi ngày cho cơ thể gọn gàng nhưng không phải là một lực sĩ. Trong Thế Chiến II ông đã hút thuốc về sau đã bỏ. Ông ít uống rượu, ở Việt Nam, mỗi buổi chiều chỉ làm vài ly nhỏ vậy thôi.“Tôi đã viết trong sách của tôi rằng đã từng có một hình ảnh về nhà tình báo truyền thống, bận đồ xám, không ai để ý cả, đến nỗi vào quán rượu người hầu bàn không nhớ tới anh ta nữa”, Colby nói. “Cái đó phần nào giống tính của tôi - Tôi ít khi được người hầu bàn chú ý. Đó không phải là làm bộ hay là gì cả. Tự nhiên vậy thôi”.Những ai quen Colby đều biết rằng ông rất sùng đạo Công giáo. Vint Lawrence nói, “Tôi nghĩ rằng tôn giáo có ý nghĩa rất lớn đối với ông. Nó giúp ông vượt qua những lúc khó khăn, làm cho ông thành người lính tốt, bởi vì ông tin vào những gì ông đang làm”. Lúc ở Sài Gòn, ông thường đi lễ vào sáu giờ sáng, nếu cả nhà không đi thì ông đi một mình, khi thì đi nhà thờ còn gạch đỏ là Nhà thờ Đức Bà hoặc là đến nhà nguyện của Brother Crawford, một linh mục đã truyền giáo ở Trung Hoa và ở nhiều năm ở châu Á. Colby không bao giờ thảo luận về tôn giáo của ông, cũng không tuyên truyền người khác theo tôn giáo của ông. Đó là vấn đề riêng của mỗi người. Còn việc ông vừa đánh giặc vừa đi lễ mỗi tuần, ông nói, “Vâng, tôi vẫn đi nhà thờ. Tôi nghĩ rằng đó cũng là một phần của lề luật phải vậy”.Hầu hết những người dũng cảm, dù là kín đáo hay tế nhị, cũng biểu lộ một thái độ kiêu căng nào đó, nếu không bằng lời cũng bằng dáng điệu. Nhưng nếu cho điểm thì điểm kiêu căng của Colby nằm gần số không. Ông ta cũng giống như một nhân viên ngân hàng sợ chính cái bóng của mình, vì cứ nơm nớp sợ có ai đó nhìn trộm hay nghe trộm câu chuyện mình đang nói. Chỉ sau khi nói chuyện với những người đã thấy ông trong hành động và theo dõi sự nghiệp của ông thì mới thấy rằng Colby không những là can đảm mà còn thích lăn mình vào chốn hiểm nguy nữa là khác. Ông không đeo những khẩu súng lục cán nạm ngọc trai, nhưng ông và Lou Conein có thể nói là đồng môn phái.Chính là trong những đội biệt kích của OSS mà ông và Conein đã gặp nhau đầu tiên, Colby đã cho thấy rằng chính là quyết tâm đã được thử thách và lòng can đảm trầm tĩnh đã làm cho ông trở thành một trong những người Mỹ chủ yếu - “có hiệu quả nhất”, như Lansdale ca ngợi ông - phục vụ ở Việt Nam. Sau Chiến tranh thế giới lần II, lúc đó ông đã phục vụ ở Pháp và Na Uy, ông đã tốt nghiệp trường luật của Columbia và đến làm việc tại một Công ty luật của William Donovan. người đứng đầu cơ quan OSS trước đây. Nhưng Colby không quan tâm đến việc làm tiền bằng dâng hiến bản thân cho một sự nghiệp đáng giá hơn. Ông đã say mê hoạt động chính trị. Không phải cái thứ chính trị đọc diễn văn và vỗ lưng cử tri mà là thứ chính trị có tư tưởng và hành động. Ông rời New York đến làm việc tại uỷ ban Quan hệ Lao động Toàn quốc với tư cách luật sư. Cũng giống như Dan Ellsberg, ông tự coi mình là một người theo phái tự do trong lĩnh vực đối nội, ủng hộ các công đoàn và các quyền công dân, và là một người chống cộng trên địa hạt ngoại giao. Nhiều năm sau, khi James Schlesinger, cựu Bộ trưởng quốc phòng và Giám đốc CIA nói, “Bill: ông là người theo phái tự do đầu tiên đã làm Giám đốc CIA đấy”, Colby thường nhắc lại lời nhận xét đó một cách tự hào. Cục tình báo Trung ương đã thu hút những người tự coi mình theo phái tự do như Colby và khi một trong những người lãnh đạo cũ của ông trong tổ chức OSS hỏi ông có muốn nhập bọn với họ không, thì ông không do dự gì cả. Việc bổ nhiệm ông ở Stockholm là quan trọng, nhưng chính ở Rome, ông mới thực sự làm cho mọi người chú ý.“Ở Rome, tôi làm việc cật lực, lúc nào cũng làm việc bởi vì đó là lúc đang đấu tranh”, Colby nói. “Chúng tôi đang ở trung tâm một cuộc đấu tranh sinh tử với Cộng sản. Tôi lúc nào cũng ở cạnh máy điện thoại và ban đêm phải đi tiếp xúc liên tục. Tôi làm việc cật lực và rất vui thích với từng phút lao động ấy”.Colby làm việc năm năm ở Ý và làm tốt đến nỗi đã được tín nhiệm đưa trở lại Viễn Đông. “Họ từ Viễn Đông về hỏi tôi “Muốn đi Sài Gòn không?” Và tôi trả lời, “Hay lắm”. Tôi không nhìn vấn đề này theo quan điểm nghề nghiệp. Tôi chỉ thấy rằng đây là một chỗ quan trọng để làm việc, một chỗ để hành động. Tôi không muốn được điều đến một chỗ buồn tẻ, một điểm chết. Đưa tôi sang Bỉ chẳng hạn, tôi sẽ rất bất mãn. Ông Giám đốc phân ban của tôi lại nói tôi hãy thông cảm là ông không thể cho tôi là trưởng Chi cục Sài Gòn được. Tôi đến đấy với tư cách là Phó cho ông trưởng chi cục mà thôi. Tôi thấy không có gì phải buồn phiền. Tôi sẽ làm theo như lời của xếp thế thôi. Nhưng khoảng một năm sau thì ông bạn đồng nghiệp kia rút đi và tôi lên làm xếp”.Sự phân hoá trong nội bộ CIA giữa những loại sĩ quan tình báo khác nhau phản ánh sự phân hoá đã có từ trước trong OSS. Về cơ bản mà nói, rút lại là giữa những người tư tưởng và những người hành động. Loại thứ nhất là các nhà phân tích tin tức lục lọi giấy tờ và viết báo cáo mà không trực tiếp tham gia hanh động. Những người hành động lại chia thành hai nhóm. Một mặt, đó là những người thu thập tin tức bằng cách tuyển mộ nhân viên, thường là các chính khách địa phương, đó là những chuyên gia về tình báo đối ngoại (FI: Foreign Intelligence). Họ cho mình là những nhà tình báo “thuần tuý”. Mặt khác, là những sĩ quan hoạt động bí mật thường là huấn luyện kỹ thuật tác chiến bán quân sự theo kiểu OSS có khả năng làm những việc như huấn luyện biệt kích chống cộng hoặc tổ chức đảo chính. Hai loại hoạt động này đôi khi trùng lặp với nhau theo nghĩa một sĩ quan hoạt động bán quân sự có thể được phân công hoạt động tình báo theo lối cổ điển.Xét về quá trình đào tạo thì William Colby thuộc về loại hoạt động bán quân sự, một kiểu như Lou Conein nhưng có học vấn hơn và tế nhị hơn, có thể giống như Stu Methven vậy. Nhưng xét về con người thì ông không thiên về loại chính trị súng đạn mà thiên về loại hoạt động chính trị sử dụng tới tư tưởng và tổ chức, thiên hướng bắt nguồn từ những hoạt động của ông ở Ý, nơi ông đã lợi dụng - ông thích dùng chữ “ủng hộ” hơn - các đảng đứng giữa để chặn đường các đảng cánh tả. Cái định đề và phản đề của cá nhân Colby đã đưa đến một hợp đề là biến ông thành một người chủ trương cái ông thỉnh thoảng gọi là “bí mật xây dựng quốc gia”.Những người cổ vũ cho việc xây dựng quốc gia trong Cục tình báo đều là các sĩ quan tình báo loại mới, thoát thai từ cấu trúc OSS cũ. Tư tưởng đang chỉ đạo họ, chính là tư tưởng của kế hoạch Marshall sau Chiến tranh thế giới thứ II, khi viện trợ ồ ạt được tiêm vào châu Âu, đẩy nhanh sự hồi phục của những nước bị chiến tranh tàn phá. Kế hoạch Marshall có kết quả đến nỗi trong những năm một chín năm mươi, những nhà tư tưởng đại học ở Mỹ đã đề nghị áp dụng một khái niệm như vậy để giúp đỡ các dân tộc vừa thoát khỏi ách thuộc địa. Đó là một quan điểm của phái tự do và dân chủ được chuyển từ quan điểm căn bản của người Anh cho rằng các dân tộc thuộc địa cũng cần phải chia xẻ gánh nặng của người da trắng. Hoa Kỳ sẽ giúp hiện đại hoá các nước không may mắn, giúp họ xây dựng quốc gia của họ, đồng thời mở ra cho họ một con đường dân chủ để thay thế chủ nghĩa cộng sản do Liên Xô ủng hộ. Khái niệm hấp dẫn được nhiều người ủng hộ trong quốc hội, trong cộng đồng đại học, và lôi kéo được nhiều sĩ quan tình báo cho mình là người theo phái tự do như Colby. Họ cho rằng việc làm này phù hợp với bản chất rộng lượng trong lý tưởng chính trị của họ, có thể dùng để bù đắp cho việc đôi khi họ phải tiến hành một cuộc chiến tranh bí mật tàn bạo chống cộng sản.Chuyển biến này trong con người Colby không phải đã diễn ra ngày một ngày hai. Sau khi ông đến nhận chức vụ trưởng chi cục CIA ở Sài Gòn năm 1960 thì việc đầu tiên của ông là vạch ra một kế hoạch hành động biệt kích kiểu OSS để chống lại Bắc Việt Nam, kể cả việc đưa lén lút những phần tử phá hoại vào Bắc Việt Nam hoạt động quấy rối nhằm vào những cơ sở dọc theo bờ biển. Đó là loại hoạt đông mà Lou Conein đã nghĩ đến, và trên thực tế, Lou đã.làm liên lạc với nhóm biệt kích sau khi ông trở lại Việt Nam. Ba năm sau, khi William Colby đã làm trưởng phân ban Viễn Đông của Cục tình báo Trung ương, người trợ lý của ông là Bob Myers đã thuyết phục ông rằng trở lại những hoạt động kiểu OSS là không thích hợp với một cuộc chiến tranh chính trị.Hơn nữa, ngay trong những lúc mà Colby thiên về hoạt động chính trị nhất, ông cũng không đồng ý với Lansdale cho rằng có thể đánh bại cộng sản chỉ bằng chiến tranh tâm lý không thôi. Colby thuộc dòng chủ lưu của những người chủ trương xây dựng quốc gia trong CIA, trong khi Lansdale mãi mãi là đứa con hoang trong tổ chức này. “Lansdale nghĩ rằng nếu anh tạo ra được một hình ảnh đẹp thì anh sẽ giành được một tác động chính trị căn bản”, Colby nói, “rằng trong khi chiến đấu chống sự thách thức ý thức hệ của cộng sản, anh cần phải có, ôi, nào truyện ngụ ngôn, nào dân ca những thứ đại loại như vậy. Đây là chỗ khác nhau giữa chúng tôi. Những bài dân ca thì hay thật đấy. Nhưng tôi nghĩ có vài cây súng đi kèm thì tốt hơn”.Colby cảm thấy gần gũi hơn với Robert Thompson, chuyên gia chống nổi loạn của Anh, ông này đã ở Mã Lai trong thời kỳ chiến tranh du kích do cộng sản lãnh đạo; và hai người đã có những cuộc hội đàm riêng với nhau để tìm cách tiếp cận thích hợp với vấn đề Việt Nam. “Ông ấy với tôi rất hợp ý nhau, chỉ khác nhau đôi chút thôi”, Colby nói. “Chúng tôi đã đồng ý với nhau về tầm quan trọng của việc xây dựng ngành cảnh sát. Đó là cái người Mỹ không bao giờ hiểu cả - vai trò của cảnh sát. Chúng ta thường chỉ nhìn lướt qua. Nhưng trong một xã hội còn cổ sơ thì cánh sát lại là một vấn đề lớn của chúng ta”.Colby là một người làm việc ít khi nghỉ ngơi. Đôi khi ông cũng ăn trưa ở Câu lạc bộ thể thao nhưng không mấy khi chơi ten-nit và không giống như một số quan chức Mỹ khác đã sớm học đòi cảnh sống nhàn hạ của người Pháp. Nếu Colby có cái gì có thể gọi là một hobby (thú tiêu khiển riêng) thì đó là du lịch. Ông thích đi đó đi đây tìm những cảm xúc về những miền khác nhau của nước này. Ngay cả những lúc làm không kịp thở như lúc ở Rome. Ông cũng đưa gia đình đi chơi khắp nước Ý. Có lẽ đó là dấu ấn của thời niên thiếu không quê quán. Dù vì lý do gì đi nữa, vừa tới Sài Gòn, ông lập tức đòi đi đến tận hiện trường, để tận mắt nhìn thấy những gì đang xảy ra. Những chuyến đi đầu tiên đã ảnh hưởng rất lớn tới cách ông nhìn nhận cuộc chiến này. Ông đã sớm nhận ra rằng nếu cộng sản có thể bị đánh bại thì chúng phải bị đánh bại ở dưới xã, chứ không phải ở Sài Gòn. Một ban lãnh đạo mới trỗi dậy từ miền quê là câu trả lời duy nhất cho vấn đề này. Người Việt dân Tây trong các trung tâm đô thị cũng là một vấn đề lớn như Việt Cộng vậy. Colby được biết là Tổng thống Diệm và em Nhu của ông cũng nghĩ như vậy.Nhu rất khâm phục cách cộng sản kiểm soát đất nước bằng cách bố trí những cán bộ trung thành nhất vào những vị trí then chốt. Ông nghĩ rằng ông có thể thắng được ảnh hưởng của tầng lớp người Việt ưu tú do Pháp đào tạo bằng cách đưa những cán bộ trung thành của đảng Cần Lao của ông vào chính phủ Sài Gòn và ông cũng làm việc đó một cách kín đáo như cộng sản vậy. Bằng một cách hết sức kín đáo, Colby để cho Nhu biết rằng một cơ cấu kiểm soát như vậy không hay ho gì cả.“Tôi tìm cách nói cho họ biết rằng họ cần phải làm cho chế độ chính trị của họ cởi mở hơn nữa”, Colby nói. “Và chỗ để cho nó phát triển chính là cộng đồng ở nông thôn. Ông phải tính đến một lớp lãnh đạo mới từ nông thôn mà ra, chính họ mới mang lại tính đích thực cho đất nước”.Colby lái Nhu đi một cách khôn khéo. Thường thì ông gợi ý khéo léo bằng những câu hỏi đưa ra vào cuối cuộc nói chuyện mà thực ra chỉ là cuộc độc thoại của Nhu nói một cách chi tiết về nỗi hoảng sợ của ông ta trước những mưu toan của Pháp nhằm lật đổ Diệm. Colby báo cáo lại những chuyến đi nông thôn của ông và đề nghị Nhu cho ý kiến. Ông tin rằng ông cũng có được một ít ảnh hưởng nào đó với người em của Diệm.“Phải, tôi tin chắc là đã tác động tới ông ta”, Colby nói. “Tôi đâu có bảo ông ta phải làm gì. Tôi chỉ giúp ông ta suy nghĩ về những vấn đề đặt ra mà thôi”.Colby bắt đầu thí nghiệm nhiều phương án khác nhau chống lại cộng sản. Lúc đầu ông nghiêng về việc vũ trang cho nông dân trong một làng cho họ tự bảo vệ chống lại những chiến thuật rất có hiệu quả của cộng sản trong việc tuyển quân, tuyên truyền và thu thuế, mà không cần phải huy động một đơn vị lớn mà chỉ cần có ba bốn du kích mang súng. Dù cho kế hoạch của Colby có hợp lý tới đâu ông cũng không dễ dàng gì thuyết phục được Diệm. Diệm không thấy được giá trị của kế hoạch ấy, ông chỉ thấy rằng khi được vũ trang rồi người nông dân đó có thể quay súng lại chống ông. Ông ta thấy yên tâm hơn với sự ủng hộ của người công giáo miền Bắc di cư, và Colby đã lập được một vài nhóm tự vệ ở Sài Gòn. Theo sự thoả thuận, người phụ trách CIA ở đây làm việc với Nhu còn Đại sứ làm việc với Diệm, và Colby đã mất rất nhiều thời giờ để động viên Nhu liếc mắt qua mấy cái làng đã khởi đầu chương trình tổ chức tự vệ.“Từ những thử nghiệm này, Nhu sẽ suy nghĩ một cách rộng rãi hơn về chính trị chứ không phải chỉ có tổ chức để tự vệ”, Colby nói. “Ông ta bắt đầu thấy rằng đó là những cộng đồng cơ sở cho một hình thức hệ thống chính trị mới”.Lực lượng Đặc biệt của Hoa Kỳ đã được thành lập mấy năm trước khi Colby tới Sài Gòn. Mục đích của họ là lập ra những tổ chức kháng chiến của người châu Á để chống lại một cuộc tràn ngập của Trung Quốc hay Liên Xô vào vùng này. Lực lượng Đặc biệt là cái mà Lầu Năm Góc học được của OSS, nhưng loại trừ hoạt động chính trị, vì đã có CIA chịu trách nhiệm rồi. Với sứ mạng tổ chức những nhóm kháng chiến chống cộng người châu Á, các đội huấn luyện của Lực lượng Đặc biệt đã được phái tới Đài Loan, Thái Lan và Nam Việt Nam. Tuy vậy khi đến nơi vai trò của họ đã sớm được mở rộng. Ở Lào, Lực lượng Đặc biệt nấp dưới cái tên Lượng định tình hình, đã giành lấy quyền huấn luyện quân đội Lào từ tay người Pháp. Ở Nam Việt Nam họ được vào Phái bộ cố vấn quân sự, dưới danh nghĩa là những thành viên của - tên nghi trang nghe cũng lạ là Nhóm Nghiên cứu Hỗn hợp (Combined Studies Group) đặt dưới sự lãnh đạo của một sĩ quan CIA, một đại tá, chịu trách nhiệm báo cáo lại với Colby. Theo chương trình mà Colby bắt đầu triển khai khi ông vừa nhận chức ở Sài Gòn, Lực lượng Đặc biệt trong Nhóm Nghiên cứu Hỗn hợp đã huấn luyện biệt kích Việt Nam, cho chúng thâm. nhập vào Lào tổ chức phá hoại và quấy rối Bắc Việt Nam.Trong khi Colby đang tìm phương kế để tổ chức phòng vệ ở các làng thì sĩ quan CIA đang chỉ huy Lực lượng Đặc biệt chợt thấy có một người phục vụ tình nguyện (International Voluntary Services ), một người trẻ tuổi tên là Pop Buell, đang dạy những kỹ thuật nông nghiệp cho các bộ lạc miền núi trên Cao nguyên Việt Nam. Họ được gọi là Montagnard - tiếng của Pháp có nghĩa là “người miền núi” - họ được chia thành nhiều bộ lạc, có phần giống nhưng thường là nguyên thuỷ hơn người Mèo của Vang Pao ở Lào. Người trẻ tuổi hoạt động cho đội hoà bình tư nhân này, về sau Colby đã thu nhận vào CIA, nói được tiếng của các bộ lạc này và đã có những quan hệ tốt với nhân dân miền núi. Thông qua ông ta, Colby có thể khởi sự một chương trình tự vệ đầy hứa hẹn trong những làng miền núi, sử dụng một toán Lực lượng Đặc biệt để huấn luyện và trang bị cho dân làng. Muốn làm rõ ràng đây là một chương trình phòng vệ chứ không liên quan gì với quân đội Sài Gòn, Colby đã đặt cho các đơn vị miền núi này cái tên Nhóm Công dân Phòng vệ không chính quy (Citizens Irregular Defense Group, gọi tắt là CIDG).Colby nghĩ rằng mình đang đi đúng hướng. “CIA và Lực lượng Đặc biệt hợp tác với nhau rất tốt”, ông nói. “Nó kết hợp trình độ thành thạo trong hoạt động bán quân sự của Lực lượng Đặc biệt với tính nhạy cảm chính trị của CIA”. Nhưng không lâu sau đó, trước tác động của thất bại thảm hại ở Vịnh Con Heo ở Cuba, tất cả hoạt động bán quân sự, trừ hoạt động ở Lao, đều bị rút khỏi CIA mà chuyển về cho Lầu Năm Góc kiểm soát, kể cả Lực lượng Đặc biệt ở Việt Nam. Không có cái đầu chính trị của CIA thì cái thân quân sự của Lực lượng Đặc biệt lại phạm phải mọi sai lầm của Pháp ở Đông Dương với hệ thống phòng thủ tĩnh tại của họ.Cái đó đã bắt đầu với một mưu toan cải tiến ý định ban đầu của Colby. Lực lượng Đặc biệt quyết định sử dụng các đơn vị CIDG mà CIA đang thành lập để bảo vệ một trại họ định dùng để huấn luyện cho các đơn vị tự vệ ở các làng lân cận. Đây là cái trại đầu tiên của Lực lượng Đặc biệt nhưng từ cái trại đầu tiên này, họ lại nảy ra ý định lập thêm nhiều trại khác và sử dụng các đơn vị CIDG làm lính đánh thuê trong các cuộc hành quân đánh cộng sản ở dọc biên giới Việt Nam với Campuchia và Lào. Colby hy vọng rằng cái kế hoạch lập các đơn vị tự vệ nông thôn của CIA sẽ là một kế hoạch hoạt động chính trị ở cơ sở, nay đã tan thành mây khói, bởi vì Lầu Năm Góc đã sử dụng những đơn vị đó vào việc bảo vệ biên giới, nghĩa là một nhiệm vụ thuần tuý quân sự. Theo lời của Lầu Năm Góc, các đơn vị Lực lượng Đặc biệt đang “chắn ngang và kiềm soát” những con đường thâm nhập của Bắc Việt Nam vào Nam Việt Nam. Trên thực tế những cái trại bọc dây thép gai không hề kiểm soát được gì cách chu vi của họ vài mét và tự mình biến thành những con vịt nằm chờ cho cộng sản đánh, mà họ đánh rất dễ vì chung quanh trại không người, và tạo điều kiện cho họ giành được nhiều lợi thế tuyên truyền trong cuộc chiến tranh trường kỳ của họ. Cứ một cái tin đưa Mỹ, cho biết thêm một trại của Lực lượng Đặc biệt của Hoa Kỳ bị tấn công, dù chỉ bằng vài trái moọc-chê, lại làm tăng thêm nỗi thất vọng của công chúng cho rằng Hoa Kỳ đã sa lầy một cách tuyệt vọng rồi.Nhưng tất cả những cái đó còn ở phía trước và trong những ngày sớm sủa này, Colby và CIA đã phát hiện ra một đôi điều gì đó có ý nghĩa. Từ những kinh nghiệm khác nhau trong việc thành lập tự vệ, đã nảy sinh ra chương trình ấp chiến lược. Người Pháp đã làm thử và đã thất bại nhưng người Mỹ thì vẫn lạc quan. Cái khía cạnh tranh cãi nhất trong chương trình ấp chiến lược là quan điểm cho rằng nếu không thể mang an ninh đến cho các làng thì phải mang các làng đến chỗ an ninh. Điều đó có nghĩa là phải bứng người nông dân khỏi mảnh đất tổ tiên và cưỡng bức họ vào những ấp mới thành lập và nhiều an ninh hơn. Cũng như mọi khi, ở Sài Gòn đã có bất đồng gay gắt với nhau về hiệu quả của chương trình này. Và, cũng lại như mọi khi, cách tốt nhất để biết một chương trình có hiệu quả hay không phải xem cộng sản phản ứng với nó như thế nào, và cộng sản đã xem đây là một mối đe doạ nghiêm trọng và đang tìm cách phá hoại nó.Khi bắt đầu xúc tiến chương trình ấp chiến lược thì rõ ràng là phía người Mỹ cũng có tình trạng lộn xộn như phía những người Nam Việt Nam được chỉ định để quản lý chương trình này. Washington nhìn quanh xem có ai để sắp xếp mọi việc cho có trật tự và người ta thấy rằng Rufe Phillips có thể là người thích hợp với trách nhiệm đó. Phillips đã rời khỏi CIA để về làm chung với cha ông tại một công ty lo về sân bay, đây là môn ông học thêm khi đang học sử tại trường đại học Yale. Ông không còn là nhà tình báo năng động xông xáo của Lansdale nữa mà là một người ổn định, nhà cửa đàng hoàng, vợ con tử tế. Ông đã cưới một cô gái Chile xinh đẹp và đã có với nàng hai đứa con. Hơn nữa, cha ông bị ung thư và cần ông giúp đỡ để quản trị công việc kinh doanh của gia đình. Tuy nhiên, ông vẫn là một môn đệ của Lansdale về hoạt động công dân vụ và ông chấp nhận trở lại Sài Gòn vào cuối năm 1962 trên một căn bản tạm thời, để nghiên cứu xem chương trình viện trợ nên được tổ chức lại như thế nào.“Nhu bắt đầu quan tâm đến chương trình ấp chiến lược từ một góc cạnh chính trị”, Rufe Phillips nói. “Ông ta có một số ý kiến lố bịch đến buồn cười, đôi ý kiến thật đáng sợ, mà cũng có ý kiến hay. Chẳng hạn như ông đã nghĩ sai khi cho rằng cần phải lập ấp chiến lược để dời một số dân đi. Nhưng quan điểm cơ bản thì đồng nghĩa là cần phải tổ chức sao cho dân tự đảm nhiệm việc tự vệ chống Cộng sản. Khi nghiên cứu chương trình viện trợ thì tôi đề nghị nên phân cấp quản lý quỹ viện trợ và giao về cho các tỉnh. Bây giờ cái gì cũng tập trung ở Sài Gòn, về phía Mỹ thì không nhiều như phía người Việt Nam. Một ông tỉnh trưởng đã nói với tôi. “Tôi không thể mua được ba cái lưới đánh cá mà không phải xin chi phí ở Sài Gòn. Tới khi chi phí được duyệt thì giá cả đã tăng lên, hết mua”. Ông ta cũng không có quỹ nào để giúp nông dân khi gặp phải thiên tai địch hoạ. Thế là tôi nói “Được rồi, chúng ta sẽ tìm cách tháo gỡ cái kẹt này”.Rufe Phillips nhớ rằng có một tổ chức Trung Hoa - Mỹ đã được lập ra ở Đài Loan để theo dõi việc sử dụng quỹ viện trợ ở cấp địa phương. Ông gợi ý người Mỹ làm như vậy ở Việt Nam. Họ sẽ bố trí một quan chức viện trợ ở mỗi tỉnh với tư cách là một chân trong uỷ ban gồm có ông ta, ông cố vấn quân sự Mỹ và ông tỉnh trưởng Việt Nam. Hai người Mỹ này phải bảo đảm rằng tiền viện trợ, lúc nào cũng sẵn cho người Việt Nam dùng, phải được dùng vào những mục đích chính đáng. Ông trở thành người cha của bộ máy thư lại thay tên đổi họ nhiều lần và cuối cùng được gọi là Viện trợ hoạt động Công dân vụ và Phát triển Cách mạng - (CORDS: Civil Operations and Revolutionary Development Support) - một cái tên cho thấy nó đã trở thành quy mô như thể nào.Phillips đã được Diệm duyệt cho dạng thức này của chương trình bình định và đã báo cáo việc đó tại cuộc họp chiến lược về Việt Nam tại Honolulu do Bộ trưởng quốc phòng McNamara triệu tập. Khi trở lại Sài Gòn ông bắt đầu vạch ra kế hoạch giúp đỡ cho từng tỉnh trưởng một. Áp dụng phương pháp của Lansdale là giúp cho người Nam Việt Nam tự giúp mình, ông mời từng ông tỉnh trưởng đến thảo luận về những vấn đề và yêu cầu của họ.“Có một ông tỉnh trưởng”, Phillips nói, “một con người tuyệt diệu với những ý kiến lỗi lạc - Trần Ngọc Châu. Ông ta đến Sài Gòn tìm chúng tôi và nói. “Tôi không cần sự giúp đỡ nào cả. Tôi đang làm có kết quả. Tôi không muốn người Mỹ các người xuống Kiến Hoà rồi làm hỏng chương trình của tôi”.Tôi nói: “Thư thả, thư thả. Chúng tôi không làm đảo lộn kế hoạch của ông. Chúng tôi chỉ muốn biết ông đang làm gì. Chúng tôi sẽ điều chỉnh kế hoạch của chúng tôi để ủng hộ ông thôi”.Càng nhớ lại những cuộc nói chuyện thì Phillips càng thấy thích Châu. “Tôi chưa thấy ai hăng hái như vậy. Nếu anh muốn tìm một người biết cách làm nhân dân trong tỉnh ủng hộ mình, thì đó chính là con người này, Châu. Ông ta tạo cho tôi một ấn tượng rất tốt vì ông là một người rất tự hào, rất thông minh, có ý thức rõ ràng về việc mình đang làm”. Với tư cách là người đứng đầu chương trình viện trợ nông thôn nên ông quan tâm đến những việc như cung cấp phân bón cho nông dân, đào giếng, chăm sóc sức khỏe. Một số dự án của Châu có tính chất chính trị, ngoài khuôn khổ viện trợ của Phillips.“Một hôm tôi đến gặp Stuart Methven mà tôi đã quen ở bên Lào”, Phillips nói, “và tôi nói với Stu về Châu. Tôi nói rằng ông ta có nhiều sáng kiến rất hay, nhưng có một số nằm ngoài chương trình do tôi phụ trách”.Stu Methven rất quan tâm nghe nói về Trung tá Châu. Ông đang có dự định mới trong đầu. Cho đến nay, nhiệm kỳ của ông ở Việt Nam diễn ra không đúng như mong đợi. Sau khi đi khỏi Lào, ông đã làm việc vài tháng ở tổng hành dinh của CIA ở Langley và trở lại Sài Gòn vào giữa năm 1962. Một khi đã làm việc với người Mèo ở Lào thì tự nhiên là ông muốn làm một cái gì tương tự như vậy với các bộ lạc miền núi, những người Montagnards, ở Việt Nam. Ông cùng với một số sĩ quan CIA đã từng hoạt động bên Lào đã lập ra một chương trình trinh sát miền núi, trong đó ông đã tổ chức những tiều đội người thượng hoạt động dọc biên giới Nam Việt Nam. Các đội trinh sát miền núi này không giống với mấy đội CIDG của Colby. Nhưng sau khi Hoa Kỳ đã thất bại thảm hại ở Vịnh Con Heo, Cuba, thì mọi hoạt động bán quân sự quy mô lớn CIA không được phép làm nữa, điều đó có nghĩa là Stu Methven đang phải bỏ dở kế hoạch trinh sát miền núi của ông.Methven giận dữ khi được biết phải bỏ kế hoạch miền núi của ông. Lúc đó, Jojn Richardson từ Philippines tới thay thế cho William Colby được đề bạt về bộ chỉ huy ở Virginia. John Richardson với Methven mới bàn với nhau xem ông phải làm gì đây. Methven không nói với Richardson nhưng ông muốn tránh dính líu với bất cứ chương trình nào sau này phải giao lại cho quân đội, và đó là lý do khiến ông xin Richardson cho ông theo Rufe Phillips mà hợp tác với Trần Ngọc Châu.Vào lúc Methven tìm gặp Châu, chương trình bình định có hai khía cạnh riêng rẽ khác nhau. Một phần của chương trình, do những nhân viên dân sự của Cơ quan Phát triển Quốc tế (Agency for International Development) phụ trách chủ yếu nhằm giúp nông dân phát triển kinh tế. Phần khác, do CIA chỉ đạo, nhằm đem lại an ninh ở địa phương thông qua hoạt động bán quân sự và tuyên truyền. Chương trình của Châu lại khác và nhiều hứa hẹn hơn vì nó đã kết hợp hai mặt riêng rẽ đó lại làm một thể hữu cơ. Châu có cái mà người Mỹ không có, với những kế hoạch rời rạc của họ: một kế hoạch tổng thể. Châu học tập ở những người cộng sản cách làm thế nào cho mỗi công dân đều gắn với một cơ sở sản xuất, gắn liền họ với nhau trong việc ủng hộ chính quyền địa phương và chính quyền toàn quốc - dù họ là nông dân, buôn bán hay nội trợ. Tìm hiểu xem người công dân trung bình nghĩ gì về chính phủ, Châu đã lập ra một chương trình điều tra dân nguyện, đưa những người giúp việc của mình đi nói chuyện với dân làng và viết đơn thỉnh nguyện giùm cho họ, để cho ông giải quyết.Châu cũng nghĩ như Lansdale và Rufe Phillips rằng có thể tạo lập nền dân chủ ở nông thôn và chính sách tốt nhất là tranh thủ người cộng sản về với chính phủ, chứ không phải giết họ. Chính vì vậy mà ông đã lập ra một chương trình ân xá, tạo thuận lợi cho họ trở về với bên này. Châu tin rằng mối đe doạ thực sự của Việt Cộng nằm ở tổ chức chính trị và hành chính của họ, gồm có những người rất quyết tâm hy sinh, thường được gọi là cán bộ, cộng sản cũng gọi họ như vậy, lúc đầu là một chữ của Pháp (cadres) có nghĩa là “khung” (frame) hay “sườn” (framework), nhưng về sau được dùng để chỉ những người ra lệnh (order-givers) và những người ra quyết định (decision-makers) trong một tổ chức. Ở đâu cũng vậy, Châu đối phó với mối đe doạ của cộng sản một cách rất khôn khéo. Ông không phái một đơn vị quân đội đuổi theo các cán bộ cộng sản vì làm như vậy quân đội sẽ phá huỷ làng mạc và giết người vô tội trong lúc lùng sục. Ông phái những đội chống khủng bố gồm có ba người đến bắt cóc hoặc giết những quan chức cộng sản nòng cốt.Stu Methven đã sóm nhận ra rằng Châu có thể là một chuyên gia bình định với những quan điểm nhìn xa trông rộng nhất ở trong nước, và ông đem lại cho Châu sự giúp đỡ của CIA. Châu lên Sài Gòn gặp Diệm. Châu nói với Diệm rằng có một người Mỹ hình như là của CIA - Châu không dám chắc mà Methven cũng không nói - đề nghị chi tiền cho hoạt động của ông ở Kiến Hoà và ông muốn biết rằng Diệm có đồng ý hay không. Diệm điện thoại cho Nhu biết đề nghị của Methven. Nhu nói rằng chương trình này nghe được đấy và cho biết rằng CIA đã có một chương trình tương tự ở một tỉnh khác, có lẽ Nhu muốn nói tới chương trình công dân vụ mà Lou Conein đã thành lập khi ông trở lại Việt Nam. Diệm không biết gì về chương trình của Lou Conein cả và đã nổi giận vì sao ông không được báo cáo. Diệm nói với Châu rằng ông tin Châu và Châu cứ nhận sự giúp đỡ của CIA, nhưng Châu phải nắm quyền kiểm soát việc thực hiện chương trình đó.Stu Methven có ý định phát triển chương trình của Châu sang các tỉnh lân cận, ông đang tìm chỗ để huấn luyện cán bộ. Methven phụ trách sáu tỉnh cho CIA. Chi cục CIA ở Sài Gòn còn tương đối nhỏ, chỉ có chừng ba mươi tới bốn mươi người, và ông được giao cho nhiều quyền tự do hoạt động. Trong hoạt động này, ông cũng có nhiều sáng kiến theo kiểu những sáng kiến ở Lào đã làm cho ông được cấp trên chú ý. Trong lúc đi đây đi đó, ông có nghe nói tới một đội quân riêng của một nhà kinh doanh thân cận với Diệm, được Diệm ngầm cho phép, để bảo vệ và phát triển những nguồn tài chính của ông ta. Ông này rất tích cực trong việc bảo vệ con đường từ Sài Gòn đi Vũng Tàu lúc nào cũng thông suốt, bởi vì ông ta độc quyền cung cấp tôm cho thành phố - lính của ông ta được gọi là Lính Tôm (Shrimp Soldiers) - cho nên cần phải giữ sao cho con đường này không bị cộng sản ngăn chặn, một việc mà hình như quân đội Sài Gòn không làm được. Thế là nhà kinh doanh này mở một trại huấn luyện gần Vũng Tàu để huấn luyện cho người của ông ta không những về các chiến thuật quân sự mà cả các hoạt động công dân vụ, bởi vì ông cho rằng một cộng đồng cư dân không cộng sản và hạnh phúc rất có lợi cho kinh doanh.Methven quyết định cung cấp một số viện trợ tài chính của CIA cho nhà kinh doanh này. Ông nghĩ rằng cái trại ở Vũng Tàu là một địa điểm tốt để huấn luyện những người thực hiện chương trình của Châu. Nhà kinh doanh này cũng đã có sẵn một bộ máy huấn luyện đang hoạt động. Như vậy đã có mầm mống cho một cách tiếp cận mới về bình định. Tuy nhiên, việc làm của Châu có hứa hẹn điều gì cũng còn tuỳ ở năng lực, quyết tâm và lòng trung thực của chính bản thân Châu, và khó mà tìm được một người Việt Nam khác có thể so sánh được với ông ta. Trên thực tế, trong chương trình của Châu, cái phần mà CIA dễ triển khai nhất là ý kiến về những đội chống khủng bố, để đánh cộng sản bằng chính những phương pháp của họ. Chiến thuật này đã hấp dẫn Stu Methven; vốn là một chuyên viên về hoạt động bán quân sự, và từ những buổi đầu thô sơ, chiến thuật này đã phát triển thành cái mỏ và cái móng chết người của chương trình Phượng Hoàng.Trong những năm sau này, William Colby và Edward Lansdale nói rằng đã có những tiến bộ thực sự về bình định trong những năm đầu tiên ấy. Nhiều người đã đồng ý với nhận định này trong đó có cả Việt Cộng, họ đã thừa nhận với phóng viên cảm tình với họ là Wilfred Burchett, một nhà báo cộng sản Úc, rằng năm 1962 là năm của chính phủ Sài Gòn. Colby và Lansdale cũng còn thừa nhận, với ít nhiều cay đắng, rằng những tiến bộ trong bình định đã bị chặn đứng do Mỹ đã ngốc nghếch đi lật đổ Diệm.Ngô Đình Diệm đã phạm một số sai lầm từ khi ông ta lên cầm quyền, nhưng về lâu về dài, không có sai lầm nào ông ta phải trả giá đắt bằng việc bắt giam bác sĩ Phan Quang Đán. Năm 1954, khi Washington đang tìm người để đưa về nắm chính quyền ở Sài Gòn thì Đán đang học tại Harvard Medical School. Cũng có một số người ở Cục Tình báo Trung ương thích Đán hơn Diệm, nhưng vì bác sĩ ít được biết hơn Diệm nên đã không được chọn. Những năm tiếp theo, trong khi Lansdale đang giúp Diệm lên cầm quyền thì Đán trở về nước và trở thành lãnh tụ phe đối lập. Có phần quá đáng nếu nói rằng Đán đã bị Mỹ hoá, nhưng ông có lòng tin vào những nguyên tắc dân chủ và dứt khoát là một giải pháp thay thế cho những phần tử thân Pháp đang nắm hầu hết các vị trí đối lập ở Sài Gòn. Ông là một khuôn mặt hấp dẫn đối với các quan chức trong chính phủ cũng như đối với các nhà báo Mỹ. Có thể vì Đán hấp dẫn đối với người Mỹ mà Diệm và Nhu coi ông là mối đe doạ lớn nhất đối với họ. Đán bị bắt trước khi tổ chức bầu cử quốc hội lần đầu tiên và buộc phải rút khỏi chức giáo sư Trường đại học Y khoa Sài Gòn. Sau khi ông được bầu với số phiếu lớn hơn bất cứ ứng cử viên nào khác trong cuộc bầu cử quốc hội năm 1959, ông lại bị bắt lần nữa và bị một toà án do Diệm kiểm soát không cho ông nhận ghế nghị sĩ quốc hội.Cho đến việc này thì những hành động đàn áp chính trị của Diệm còn có thể tha thứ, đặc biệt là đối với những ai quan tâm đến cái gọi là những quyền lợi chiến lược rộng lớn hơn của Hoa Kỳ. coi đó là những hành động không hay nhưng cần thiết để củng cố quyền lực của Hoa Kỳ ở quốc gia mới thành lập còn bị chia cắt này. Nhưng cách Diệm đối xử với chính trị gia thân Mỹ và trung thực như Đán thì thực là khó tiêu hoá nổi đối với một số người trong chính phủ Mỹ, và họ bắt đầu thấy ghê tởm với gia đình họ Ngô và công khai bày tỏ sự ghê tởm ấy. Ngay ông Wolfe Ladejinsky, người của CIA thay thế Lansdale làm cố vấn cho Diệm và sống ngay trong dinh của Diệm, cùng với Đại sứ Eugene Durbrow đã yêu cầu để Đán nhận ghế nghị sĩ của ông trong quốc hội. Diệm từ chối.Việc Diệm đàn áp một người được Mỹ ưa chuộng, một sai lầm rõ ràng với tất cả mọi người, đã làm cho phe đối lập mạnh dạn lên. Vài tháng sau, tháng Tư 1960, mười sáu khuôn mặt chính trị đã lập Khối Tự do và Tiến bộ ra tuyên bố đòi phải có thêm nhiều tự do hơn nữa. Nhóm này họp tại khách sạn Caravelle ngay giữa trung tâm Sài Gòn, một kiến trúc hiện đại, có máy điều hoà không khí. Diệm và Nhu bác bỏ kiến nghị của họ và cố tình bêu xấu họ là “Nhóm Caravelle” có ý nói rằng đó là những người thân Pháp. Diệm tiếp tục bắt giam những người đối lập.Đúng vào lúc này, cộng sản bắt đầu giành được những thắng lợi đầu tiên của họ trên chiến trường. Đầu năm 1960, họ tấn công vào ban chỉ huy một trung đoàn của quân đội Sài Gòn. Đường mòn Hồ Chí Minh được mở ra và một số trong chín mươi ngàn cộng sản Nam Việt Nam tập kết ra Bắc bắt đầu thâm nhập trở lại miền Nam Việt Nam. Một tháng sau khi Nhóm Caravelle đưa ra công khai tình trạng chia rẽ chính trị ở Sài Gòn, uỷ ban Trung ương ở Hà Nội cho rằng đã đến lúc thanh toán Diệm và nắm chính quyền trong cả nước. Cuối năm đó, ngày 19 tháng Mười Hai 1960(), Mặt trận Dân tộc Giải phóng được thành lập cũng như Mặt trận Việt Minh, gồm một phần những phần tử quốc gia, nhưng do Cộng sản lãnh đạo.Sự hội tụ của hai nhân tố - đàn áp chính trị của Diệm và thắng lợi của cộng sản ở nông thôn - làm cho bộ máy thư lại của người Mỹ ở Sài Gòn cãi nhau ầm ĩ. Một số quan chức dân sự nói rằng cần phải có sự thay đổi chiến thuật, còn phái bộ cố vấn quân sự thì một mực nói rằng mọi việc đều tốt đẹp cả và phản đối các nhà dân sự can thiệp vào công việc chuyên môn của họ.Đại sứ Eugene Durbrow cho rằng nếu Diệm không thay đổi đường lối chính trị của ông ta, thì ông ta phải được thay thế. Ông xin phép có một đường lối cứng rắn với Diệm và Bộ ngoại giao đã đồng ý. Durbrow đến gặp Diệm, đòi ông ta phải cải cách chính trị, và yêu cầu ông đưa Nhu và người tay sai thân cận ông đi nhận chức vụ ngoại giao ở nước ngoài. Diệm phản ứng lạnh nhạt với những gợi ý cải cách chính trị của Durbrow và không chấp nhận việc tách rời ông em là Nhu ra.Giới quân sự Sài Gòn im thin thít sau khi Lansdale bóp chết mưu toan đảo chính của Hinh. Không ông tướng nào dám mạo hiểm nếu không có sự ủng hộ của Mỹ. Nhưng đã rõ ràng là có một số người Mỹ bất mãn với Diệm và các chính khách ở Sài Gòn đã chống lại ông ta, một trong các sĩ quan hăng hái nhất của Nam Việt Nam đã quyết định ra tay nắm lấy cơ hội này. Đại tá nhảy dù Nguyễn Chánh Thi đã làm cai trong quân đội Pháp nhưng không được coi là một người thân Pháp. Ông là con một gia đình nông dân nghèo, can đảm và dễ coi. Thi đích thực là một người Việt Nam. Vấn đề của Thi là ông ta có lòng mà không có đầu óc.Hồi 3 giờ 30 sáng, ngày 11-11-1960, đại tá Thi bắt đầu tấn công vào dinh Tổng thống. Diệm đêm đó ngủ không được, dậy đi uống nước trong tủ lạnh trong phòng ngủ của ông thì súng nổ, ông suýt chết vì đạn súng máy đã ghim vào giường ông, bắn vào tường. Nhà của William Colby, cách đó một khối nhà, cũng bị trúng đạn lạc. Colby đưa vợ con chui xuống gầm cầu thang là nơi an toàn nhất trong nhà và chờ đến khi mặt trời mọc mới đi cách đó một dặm tới toà Đại sứ.Chủ trương của Lansdale tổ chức một đội phòng vệ Phủ tổng thống đã mang lại kết qủa. Đội cận vệ chỉ gồm có sáu mươi người đã chặn đứng được một tiểu đoàn lính dù. Khi cuộc chiến lắng dịu, Diệm đã dùng điện thoại mà cầu cứu các tư lệnh quân đội đóng ngoài Sài Gòn. Colby đưa hai người của mình vào các lực lượng nổi loạn, George Carver, một nhân viên tình báo ba mươi tuổi không thích Diệm với Russ Miller, một cựu lính dù trong Chiến tranh thế giới lần thứ II, Carver làm việc với ban lãnh đạo nổi loạn còn Miller thì nắm phần còn lại.Một số người đứng đầu các Chi cục CIA ở các nước đã tìm cách qua mặt Đại sứ của mình, nhưng Colby thì không. “Lập trường của Đại sứ Durbrow là không bày tỏ sự ủng hộ đối với Diệm”, Colby nói. “Tôi nghĩ rằng ông sai lầm, nhưng ông là đại sứ”. Trong khi cuộc đảo chính đang tiếp diễn thì Đại sứ Durbrow nói với Diệm qua điện thoại rằng Hoa Kỳ không đứng về phe nào và khuyến khích hai bên thương lượng với nhau. Garver và Miller, thuyết phục phe nổi loạn hãy thương lượng. George Carver chỉ muốn cho Diệm bị lật đổ đã cãi lại Colby, nhưng Colby lại nói: “George, tôi biết lập trường của anh. Tôi không đồng ý với anh và bây giờ chúng ta không có thì giờ để thảo luận”. Miller làm theo mệnh lệnh mà không nói gì.Cuộc đảo chính bị sa lầy. Thấy rằng Mỹ không ủng hộ, quân đảo chính của đại tá Thi chấp nhận thương lượng. Diệm giả bộ thương lượng với họ một giải pháp để tranh thủ thời gian chờ những quân đội trung thành trở về Sài Gòn. Durbrow thấy rõ mánh khóe của Diệm. Ông điện thoại và nhấn mạnh rằng Diệm phải giữ lời hứa và thực hiện đúng những điều thoả thuận. Diệm hứa là ông sẽ xem xem ông có thể làm được gì. Nhưng quân đội trung thành đã sớm trở về và giải tán quân nổi loạn. Đại tá Thi và các bạn lãnh đạo chính của ông đã bay sang Campuchia và sống lưu vong ở đấy.Cuộc đảo chính hụt đã diễn ra vài tuần sau khi Đại sứ Durbrow trách mắng Diệm và đòi ông ta phải tống khứ ông em của ông đi. Như sau này Durbrow đã nói lại, “Tôi tỏ ra rất cứng rắn với ông ta. Ông ta không thích một chút nào những điều tôi nói”. Diệm và Nhu kết luận rằng người Mỹ đã khuyến khích cuộc đảo chính, đứng về quan điểm của họ mà xét thì kết luận như vậy không phải là không có lý. Nếu cần có thể thêm bằng chứng thì ngoài thái độ lãnh đạm của Đại sứ Durbrow suốt trong lúc đánh nhau, còn có sự hiện diện của George Carver và Russ Miller bên cạnh ban lãnh đạo cuộc nổi loạn. Nhưng sự lệ thuộc của Diệm và Nhu đối với Hoa Kỳ quá lớn nên họ không thể làm gì hơn là bày tỏ một sự bất mãn tượng trưng và để làm việc đó, họ đã chọn George Carver làm bung xung. Khi William Colby gặp Nhu sau cuộc đảo chính thì Nhu nói rằng ông ta biết Carver đã cổ vũ quân nổi loạn, và ông nói bóng gió rằng quan hệ giữa hai nước sẽ được cải thiện nếu Carver rời khỏi Việt Nam.Carver làm việc dưới danh nghĩa một nhân viên viện trợ và Colby nói rằng Carver không có liên quan gì với CIA cả, biết rằng Nhu không tin lời ông nói. Dù sao đi nữa, Colby nói thêm, Carver thu nhập tin tức để báo cáo cho sứ quán chứ không phải xúi giục đảo chính. Mấy hôm sau, Carver nhận được một lời đe doạ, ngụ ý là của những người đảo chính thất bại, tố cáo ông đã phản bội họ. Colby tin rằng lời đe doạ này là tác phẩm của Nhu và tìm thấy trong đó một cách để phá vỡ bế tắc. Ông mang bức thư đó đến gặp Nhu và nói, “Một trong những sĩ quan của chúng tôi đã nhận được lời đe doạ khủng khiếp này từ những người tham gia nổi loạn. Chúng tôi quyết định đưa ông ta và gia đình rời khỏi xứ này”. George Carver, sau này trở thành một chuyên gia về Việt Nam tại tổng hành dinh của CIA, rời Sài Gòn. Colby nói, “Làm như vậy, không ai mất thể diện cả”.Diệm và Nhu lại trút cơn thịnh nộ lên đầu các chính khách Sài Gòn đã ủng hộ phe đảo chính. Con người không may là bác sĩ Phan Quang Đán, đã bị lôi cuốn vào đó, một lần nữa lại vào tù, cũng như những thành viên của Nhóm Caravelle đang vận động để thay thế Diệm.Khi những sự kiện này xảy ra, dân chúng Hoa Kỳ cũng ít quan tâm vì họ đang chú ý tới việc bầu cử John F. Kennedy, Ed Lansdale quyết định đưa mình vào cuộc. Bây giờ là Thiếu tướng, Lansdale đang làm tại Cục Đặc vụ (Offlce of Special Operations) của Lầu Năm Góc, liên lạc với mọi hoạt động bí mật, kể cả hoạt động của Cục Tình báo Trung ương. Lansdale có hai sĩ quan CIA trong văn phòng, làm nhiệm vụ liên lạc giữa hai cơ quan. Lansdale quan tâm tới việc nắm giữ tình hình mới nhất ở Việt Nam. Ông cũng băn khoăn muốn tách mình khỏi Washington và bất cứ liên hệ với chiến dịch mà CIA đang chuẩn bị chống của của Fidel Castro. Lansdale, chuyên gia trong các lĩnh vực hoạt động chính trị, tin rằng cuộc xâm lăng vào Vịnh Con Lợn thế nào cũng thất bại thảm hại và ông không muốn để lại dấu tay của mình trong bản kế hoạch dẫn tới thất bại đó. Hơn nữa, một sự thay đổi chính quyền ở Mỹ bao giờ cũng mở ra nhiều cơ hội cho con người tham vọng, và Lansdale vẫn còn muốn tác động đến chính sách của Mỹ ở Việt Nam. Ông dự trù sẽ đi Việt Nam trong hai tuần đầu của năm 1961.Khi nghe tin Lansdale lên đường sang Việt Nam, một số sĩ quan CIA cho rằng ông tìm cách chia bớt một phần hoạt động tình báo lớn hơn cho Lầu Năm Góc. Tuy vậy, Colby đã dành cho Lansdale một buổi báo cáo tình hình rất chi tiết, không giấu gì cả. Colby nghĩ rằng buổi báo cáo không có kết quả và đã viết trong hồi ký của ông rằng Lansdale “rõ ràng là nghĩ rằng mình đang mắc vào một kiểu chơi bài tây nào đó và không nói một tiếng nào trong suốt buổi chiều”. Colby nghĩ sai. Theo lời Lansdale, được Joe Redick xác nhận, ông này từ Lào qua để nghe báo cáo tình hình, thì Lansdale có ấn tượng rất tốt với Colby và Chi cục CIA ở đây. “Theo tôi nghĩ”, Lansdale nói, “Colby là con người giỏi nhất mà CIA có được”.Trên thực tế, sau khi nói chuyện với Diệm, Lansdale đã phóng lao để bắt một con cá lớn hơn cả Chi cục của Colby nữa. Lansdale muốn cách chức Durbrow. Lansdale tin rằng hành động của Durbrow trong thời gian đảo chính đã làm cho ông không còn tác dụng gì với Diệm nữa. Lansdale cho rằng có một nhu cầu khẩn thiết là phải giao công việc Đại sứ này cho một người biết cách làm việc với người Việt Nam như ông chẳng hạn. Lansdale trở về Washington và viết một bản ghi nhớ theo kiểu trời sắp sập đến nơi, nói rằng Việt Nam đang cần được “điều trị khẩn cấp”.Bản ghi nhớ của Lansdale đã tới bàn giấy của vị Tổng thống mới và được ông này đọc một cách chăm chú. Một trong những cuộc họp quan trọng đầu tiên sau lễ đăng quang, John Kennedy trù tính thảo luận liên tiếp hai vấn đề Cuba và Việt Nam và yêu cầu Lansdale tham dự. McGeorge Bundy, cố vấn về an ninh quốc gia của Kennedy, gửi một bản ghi nhớ cho Bộ trưởng ngoại giao Dean Rusk, Bộ trưởng quốc phòng McNamara, và Giám đốc CIA Allen Dulles, nói rằng, “Mối quan tâm của tổng thống đối với Cuba không cần phải giải thích nhiều. Mối quan tâm của tổng thống về Việt Nam là kết quả của mối quan tâm đặc biệt đối với bản báo cáo của tướng Lansdale và sự hiểu biết của ông về tầm quan trọng của đất nước này”. Tại cuộc họp, ngày 28 tháng giêng, 1961, Kennedy và các cố vấn của ông thảo luận về một kế hoạch chống nổi loạn mới ở Việt Nam. Kennedy hai hôm sau đã thông qua kế hoạch này, và viết thêm bên lề “Ít thế thôi à?”Trong cuộc họp, Kennedy quay sang hỏi Lansdale, “Dean có nói với ông rằng tôi muốn ông sang Việt Nam làm Đại sứ không?”“Không, ông ấy không nói”, Lansdale đáp.Lansđale không biết Kennedy có nói nghiêm chỉnh về sự phân công này không. Nhưng ông chẳng bao giờ có thời giờ để tìm biết được cả. Bộ máy quan liêu đã nghe lời nói của Kennedy và đã động viên để thủ tiêu sự bổ nhiệm đó. Ông thứ trưởng ngoại giao phụ trách về Việt Nam đã đến gặp Rusk đề bày tỏ sự phản đối, nói rằng hình ảnh của nước Mỹ sẽ bị thương tổn như thế nào nếu một nhân viên tình báo nổi tiếng ngồi vào một chức vụ nối bật như vậy. Thêm một kẻ thù của Lansdale ở Lầu Năm Góc và các cơ quan khác đã nổi lên chống lại ông. Không nghe nói gì về việc đi Sài Gòn nữa. Tuy nhiên, Kennedy đã nghe lời khuyên của ông về việc thay thế Durbrow và hai tháng sau Frederik Nolting, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp khác, được bổ nhiệm làm Đại sứ.Ed Lansdale trở thành trợ lý của McNamara về những hoạt động đặc biệt. Công việc này tạo cho ông điều kiện thuận lợi tác động đến chính sách đối với Việt Nam, nhưng đến lúc này sự chán ghét của ông đối với bộ máy quan lại đã thành một ám ảnh, nên ông tiếp tục tạo thêm nhiều kẻ thù khắp nơi. Ông đã khai mạc cuộc họp của nhóm đặc nhiệm về Việt Nam, ông đã khai mạc cuộc họp bằng cách tuyên bố với các quan chức Bộ ngoại giao: “Chúng ta hãy để ra mười phút để cho các ngài nói xem tôi là một thằng tồi như thế nào”. Lansdale cũng không thể tạo dựng mối quan hệ công tác tốt đẹp với xếp của ông là Robert McNamara. Từ Việt Nam về ông đến ngay văn phòng của McNamara để báo cáo về chuyến đi, mang theo cả một số vũ khí của Việt Cộng ông đã thu nhập để làm một viện bảo tàng về chiến tranh du kích ở căn cứ Fort Bragg.“Ông nói với tôi trong điện thoại rằng tôi có năm phút đế báo cáo với ông về tình hình Việt Nam”. Lansdale nói. “Tôi bước vào thấy ông đang ngồi ở bàn làm việc, và tôi để các thứ vũ khỉ bần thỉu này xuống - trông rất thô sơ, kể cả mấy cái đinh lớn còn dính máu khô và bùn. Tôi để tất cả lên bàn làm việc ấy - Tôi cứ bỏ xuống đó vậy thôi. Kẻ thù của chúng ta ở Việt Nam sử dụng vũ khí này đây và chúng vừa dùng trước khi tôi tóm được chúng. Kẻ thù đi chân đất hoặc mang dép. Họ mặc áo bà ba đen thường là rách rưới hoặc có lủng lỗ. Tôi không nghĩ là ông sẽ thừa nhận họ là binh sĩ, nhưng họ nghĩ như vậy… Lúc nào cũng phải nhớ rằng ở Việt Nam, cuộc đấu tranh vượt ra ngoài những thứ vật chất này. Không thể lấy vũ khí, quân phục, hay quân lương mà thắng được. Phải sử dụng một thứ gì khác đó là tư tưởng và lý tưởng, và kẻ thù của chúng ta đang sử dụng thứ khác đó. Ít ra, chúng ta hãy học bài học đó. Không biết sao, tôi thấy rất khó nói với ông ta. Nhìn gương mặt ông ta lúc tôi nói, tôi có cảm tưởng là ông ta không hiểu tôi nói gì”.Tướng Maxwell Taylor thì tin rằng ông hiểu Lansdale rất rõ. Taylor là người đại diện cho cá nhân tổng thống Kennedy, cũng như J.Lawton Collins là người đại diện cá nhân tổng thống Eisenhower trong nhiệm kỳ đâu tiên của Lansdale ở Việt Nam. Và Collins giống Lansdale như thế nào thì Taylor cũng giống như Lansdale như vậy. Taylor đã về hưu thì bị gọi ra ba ngày sau thất bại ở Vịnh Con Lợn để điều tra và báo cáo với tổng thống về thất bại thảm hại này. Taylor là tư lệnh sư đoàn dù 101 trong Chiến tranh thế giới lần thứ II, nổi tiếng là một quân nhân biết nhảy dù và nói nhiều thứ tiếng, và theo quan điểm của Kennedy, giả thiết là thích hợp để giao điều tra những thất bại của các sĩ quan CIA cùng một kiểu với ông. Kennedy chịu ảnh hưởng cuốn sách của Maxwell Taylor Tiếng kèn ngập ngừng (Uncertain Trumpet) xuất bản vào năm ông đắc cử tổng thống, đả kích chính sách quốc phòng của Eisenhower dựa trên chiến lược phản ứng hạt nhân ồ ạt, và đưa ra một chiến lược mới gọi là chiến lược phản ứng linh hoạt. Cuốn sách của Taylor không có liên quan gì rõ ràng với Việt Nam, và trong suốt thời gian làm việc, ông cũng không làm được gì hơn tướng Collins. Nhưng ông chia xẻ với tướng Collins sự ghê tởm và chán ghét đối với Lansdale.“Lansdale là con người có nhiều ý kiến”, Maxwell Taylor nói, “và ông ta thay đổi ý kiến còn nhanh hơn là chúng ta nhặt chúng từ dưới đất lên. Tôi chẳng bao giờ tin rằng những ý kiến đó có thể thực hiện được”.Nhưng dù sao thì Taylor vẫn phải đối phó với Lansdale. Bởi vì nếu sau thất bại của Vịnh Con Lợn, uy tín của Taylor với anh em Kennedy có tăng lên thì Lansdale cũng vậy. John Kennedy và em ông là Robert Kennedy rất cảm kích mà thấy rằng ngay từ đầu Lansdale đã chống lại cuộc hành quân này, và tách mình ra ngoài đến nỗi bây giờ ông không vướng trong vòng điều tra của tướng Taylor nữa, một cuộc điều tra đã làm cho Giám đốc CIA Allen Dulles và nhiều người khác bị mất chức. Cho nên khi Kennedy phái Mexwell Taylor sang Sài Gòn với một sứ mạng quan trọng, ngày 15 tháng Mười, 1961, thì Lansdale cũng được đi theo. Taylor quyết tâm loại Lansdale ra ngoài nên khi vừa đến nơi thì Taylor đã nói với Lansdale rằng ông ta sẽ không được phép có mặt khi đoàn đến thăm Diệm.“Được, tôi là người bạn cũ của Diệm”, Lansdale nói, “Tôi không thể đến Việt Nam mà không ghé thăm Diệm. Có thể là tôi gặp riêng ông ta. Ông muốn nhắn ông ta gì không?”Max Taylor, cũng hệt như Lightning Joe Collins, cáu tiết trước những lời nói châm chọc của Lansdale, không nói thêm gì nữa. Bí thư của Diệm đã ra sân bay đón phái đoàn và đã mời Lansdale dự cơm tối. Trong khi Taylor bận nói chuyện với phóng viên thì Lansdale nói với người trợ lý Nhà Trắng là Walt Rostow về lời mời này rồi bỏ đi luôn. Lansdale rất ngạc nhiên khi thấy Nhu tỏ ra quyết đoán hơn nhiều so với lần gặp nhau trước đây. Ông ta cứ trả lời thay cho anh mình, làm cho Lansdale phải buột miệng hỏi Diệm, “Chúng ta có thể nói chuyện chung với nhau được không? Em ông có thể tham dự nhưng tôi không biết ông ấy hay ông là người lãnh đạo đây?” Câu hỏi này hiển nhiên là không thể trả lời rõ ràng.Ngày hôm sau, Maxwell Taylor và Walt Rostow gặp Diệm, ông này chỉ nói một cách mơ hồ chung quanh việc đưa quân Mỹ vào, làm cho Taylor có cảm tưởng rằng Diệm muốn có một hiệp ước phòng thủ và chuẩn bị cho việc đưa các lực lượng chiến đấu của Hoa Kỳ vào. Bản thân Taylor cũng cho rằng cần phải đưa thêm lính Mỹ vào ông cho rằng điều đó có thể làm được, không mạo hiểm mấy về chính trị, với cái mánh là đưa một lực lượng đặc nhiệm chống lụt gồm có các đơn vị hậu cần và kỹ thuật. cũng như các đơn vị chiến đấu. Taylor cũng thừa nhận đề nghị này có nhiều chỗ bất lợi, nhưng lại kết luận rằng “Nguy cơ lâm vào một cuộc chiến tranh trên bộ ở Việt Nam là có thật nhưng không lớn lắm. Bắc Việt Nam quá yếu để chịu đựng một cuộc ném bom theo lối chính quy, đó là một nhược điểm mà chúng ta có thể khai thác theo con đường ngoại giao để thuyết phục Hà Nội rút khỏi Nam Việt Nam”.Tổng thống Kennedy không mặn mà với ý kiến của Maxwell Taylor đòi đưa quân Mỹ sang. Ông thích ý kiến của Lansdale về những hoạt động chính trị hơn - nhưng không phải ở Việt Nam. Kennedy, với nỗi ám ảnh về Cuba ngày một tăng, quan tâm tới việc Lansdale có thể sử dụng những kỹ thuật của mình để tống khứ Fidel Castro, một việc mà Lansdale tiên đoán là không thể thực hiện đơn thuần bằng biện pháp quân sự. Sau buổi họp để cho Taylor báo cáo tình hình Việt Nam, Kennedy đẩy Lansdale sang một bên và nói “Vứt hết mọi thứ đi. Tôi muốn ông lo cho vấn đề Cuba” - thuyên chuyển ra khỏi khu vực hoạch định chính sách con người đấu tranh không sợ hãi chống lại việc đưa quân đội chính quy vào Việt Nam, và đồng thời cùng thuyên chuyền con người duy nhất có khả năng lái Diệm khỏi những chính sách tai hoạ, trong lúc Diệm đang bị tấn công ngày càng mạnh bởi một nhóm nhỏ các ký giả Mỹ trẻ tuổi.Chú thích:Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam thành lập ngày 20 tháng 12 năm 1960 (B.T.)