Leichtenstein: nhỏ bé và bình yên

    
ôi biết trên thế giới có một nước rất lạ là Leichtenstein khi học trung học. Điều làm tôi chú ý đến Liechtenstein là vì đội bóng đá nước này đá…dở quá, trận nào cũng thua te tua. Sau này tôi mới biết Leichtenstein chỉ có hơn 30.000 dân, diện tích 160km² và không ngờ mình lại có dịp đến thăm quốc gia nhỏ bé và xinh đẹp này.
 
Chuyến thăm Leichtenstein là một phần trong chương trình hội nghị giữa các nhà lãnh đạo kinh doanh (gồm chủ tịch và giám đốc điều hành những tập đoàn hàng đầu thế giới) và sinh viên khoa kinh doanh mà tôi may mắn được tham gia. Chiếc xe bus đưa chúng tôi đi từ thành phố St. Gallen của Thụy Sỹ qua dãy núi Alps tuyết phủ trắng xóa, hồ Constance với những ngôi nhà nhỏ mái nâu sậm. Dọc đường, cô bạn sinh viên đại học St. Gallen – tình nguyện viên đưa chúng tôi đi thăm Leichtenstein – kéo tay tôi chỉ: “Mayenfield, nơi được lấy làm bối cảnh cho ngôi làng của Heidi kìa!”. Tôi nhìn ra cửa xe, thấy rặng núi tuyết phủ và những con bò đeo chuông thong thả gặm cỏ, tượng tượng cách đây 150 năm cô bé mồ côi Heidi trong truyện của Johannes Spyri ngủ trên giường rơm trong vựa cỏ khô, nơi túp lều nhỏ nép trong lùm cây trên núi…
Tôi lơ mơ thiếp đi lúc nào không hay. Chợt anh bạn sinh viên người Canada ngồi cạnh lay vai tôi: “Dậy, Uyên ơi, tới Leichtenstein rồi kìa!”. Tôi liếc ra cửa: “Sao không thấy ai kiểm tra passport?”. Mấy bạn người ÂU trong xe bật cười: “Leichtenstein không co cửa khẩu với Thụy Sĩ đâu, qua lại thoải mái, không cần giấy tờ gì hết”.
Xe đi ngang con kênh uốn khúc như dải lụa, tôi thốt lên: “Kênh này đẹp ghê!”. Cô bạn dãy kế bên cười: “Sông Rhine đó! Sông này chảy qua nhiều nước Tây Âu, rộng mênh mông khi qua Đức, nhưng tới đây chỉ còn nhỏ xíu vậy thôi”. Tôi nghĩ bụng,không biết người Leichtenstein có giận ông trời không vì cho họ một diện tích nhỏ xíu, đến con sông rộng nổi tiếng thế giới khi chảy qua nước mình cũng thành nhỏ xíu nốt. Chắc là không, vì những người dân địa phương rất hay cười, thậm chí khi thấy chúng tôi, họ còn vẫy tay chào thân thiện.
Tôi nhận ra thủ đô Vaduz qua tòa lâu đài uy nghi của gia đình hoàng thân Hans Adam đệ nhị, được xây dựng từ thế kỉ 21. Hướng dẫn viên cho biết gia đình hoàng thân không bao giờ bị xuất hiện trên các tạp chí lá cải vì cuộc sống riêng tư của họ luôn được bảo mật tuyệt đối. Tuy nhiên, cả gia đình hoàng thân đều rất hòa đồng: Khi đi bộ hay lái xe trên một trong 11 ngôi làng ở đất nước nhỏ bé và bình yên này, rất có thể bạn gặp họ cũng đang đi bộ dọc đường phố, hay đang mua sắm như những người dân khác tại một cửa hiệu.
Xe dừng, trước mắt chúng tôi là vườn nhò trải dài ngút ngàn và một lâu đài cao tít trên núi. Mưa lâm thâm và trời se lạnh nhưng dường như chẳng ai để ý. Khung cảnh yên tĩnh bỗng chốc náo động bởi đám sinh viên chạy lăng xăng, gọi nhau ý ới để chụp hình và rủ nhau hái trộm nho xanh.
Điểm dừng kế tiếp là bảo tàng nghệ thuật ở thủ đô, một trong những niềm tự hào của người dân Leichtenstein. Ở đây có cả một bộ sưu tập những tác phẩm hội họa của đa dạng của Rembrandt, Beuys…Không rành lắm về nghệ thuật nhưng tôi cũng thật sự bị thu hút khi đứng trước những kiệt tác này. Nét độc đáo khác của bảo tàng là sự kết hợp trưng bày một cách khéo léo những kiệt tác cổ xưa và các tác phẩm nghệ thuật đương đại, gồm các tác phẩm điêu khắc, sắp đặt, tạo hình theo các chủ nghĩa duy lí, siêu thực và vị lai. Tôi đứng lại rất lâu trước một tác phẩm thuộc một trong những tác phẩm thuộc trường phái Arte Povera. Đó là tác phẩm “Spirale di Cera” của Mariah Merz, nổi bật bởi những vòng xoắn ốc chiếm gần hết một gian phòng lớn. Tác phẩm muốn thể hiện ý tưởng về sự trải dài của thời gian, vượt ra khỏi khả năng tưởng tượng của con người và rằng trong thiên nhiên, vận động là biểu hiện của sự tồn tại.
Bảo tàng có cả một tiệm cà phê nhỏ bên trong và một shop bán quà lưu niệm phía sau, bán rất nhiều chocolate, rượu, postcard, bánh kẹo và những vật trang trí xinh xắn. Thấy tôi có ý định mua chocolate, cô bạn ở đại học St. Gallen cùng đi ngăn lại: “Đừng mua ở đây, mắc lắm, về Thụy Sĩ ghé Co-op mua rẻ hơn nhiều”.
Quả thật không chỉ chocolate mà phần lớn hàng hóa, dịch vụ ở đây ở đều đắt hơn ở Thụy Sĩ (Leichtensten dùng đơn vị tiền tệ là đồng franc Thụy Sĩ nên giá cả rất dễ so sánh). Thật đáng ngạc nhiên là đất nước nhỏ bé này rất tĩnh lặng với những ngôi làng trầm mặc, dường như không có bất cứ một hoạt động buôn bán sôi nổi nào, nhưng GDP bình quân đầu người lại lên đến 25.000 USD. Và chỉ hơn 33.000 dân nhưng những ngân hàng ở đây lại cất giữ đến hơn 70 tỉ USD. Leichtenstein là “nơi trú ngụ về thuế” (tax haven) vì mức thuế cao nhất chỉ tới 18% nên thu hút đầu tư rất lớn, đặc biệt từ hai người láng giềng Pháp và Đức, nơi thuế suất thường lên đến 50%. Gần đây, chừng giữa năm 2000 thì phải, nước này bị OECD cáo buộc là nơi rửa tiền của mafia Ý và các băng nhóm Nga, khiến hoàng thân phải giao toàn quyền điều tra cho Chánh ủy viên công tố người Áo Kurt Spitzer. Ông này đã bắt giữ thành viên thượng nghị viện Leichtnstein là Gabriel Maxer và bảy cộng sự, gồm cả em trai của Phó thủ tướng. Không biết sự việc này đã giải quyết đến đâu, nhưng nhìn cảnh vật làng mạc êm đềm ở đây khó có thể hình dung ra những điều phức tạp đến như vậy.
Đến văn phòng phục vụ du khách cạnh bảo tàng tem, tất cả chúng tôi đều thích thú trả 2 franc (khoảng 23.000 đồng) để được đóng dấu kỉ niệm tên Leichtensein như một visa đặc biệt lên hộ chiếu. Dịch vì được gọi là “Souvenir Stamp” này rất phổ biến đối với du khách đến Leichtenstein.
Chúng tôi lại lên xe tiếp tục tour vòng quanh những ngôi làng xinh xắn, rồi lại qua thung lũng sông Rhine xanh um (khúc sông chỗ này đã nở rộng hơn nhiều) với những cánh đồng hoa li ti màu trắng chen vàng, đồi núi trùng điệp tuyết phủ trắng xóa, những ngôi nhà nhỏ xây toàn bằng đá đẹp như tranh vẽ, có cây cầu gỗ bắc qua con suối trong vắt.
Ngoảnh mặt nhìn lại, thấy những con đường ngoằn ngoèo đưa xe lên núi thật ấn tượng. Bên dưới, khói từ ống khói của những ngôi nhà bằng đá uốn lượn bay lên, hòa trộn vào những đám mây và sương mù.
Chỉ trong nửa ngày, chúng tôi đã trở lại thủ đô Vaduz. Tất cả mọi người đều chờ đợi lúc này vì sẽ được đi một tour tham quan thủ đô trong vòng nửa tiếng trên citytrain – chiếc xe lửa sơn xanh đỏ có hình dáng ngộ nghĩnh như đồ chơi, chứa được khoảng 20 người. Gọi là xe lửa nhưng lại chạy trên đường nhựa, xình xịch qua những ngôi nhà xinh xắn bằng đá. Dọc đường, dân địa phương ngưng làm việc để ngước nhìn, cười và vẫy tay chào chúng tôi. Trên xe có lập trình sẵn giọng thuyết minh về Vaduz, hiện đại và lịch sử, ngân hàng và nông trại, làm mọi người hết sức thú vị vì biết thêm nhiều điều về đất nước nhỏ bé này.
Xe lửa dừng lại ở Triesenberg, nơi tôi cho là đẹp nhất Leichtenstein. Từ nơi tôi đứng, nhìn sang dãy núi Alvier và Gaushla dọc theo sông Rhine, làng mạc hiện ra đẹp như tranh vẽ với sương mù bảng lảng bên trên. Triesenberg nằm phía trên Vaduz. Đối diện thung lũng sông Rhine đẹp ngây ngất có nhà thờ bằng đá rất ấn tượng với mái vòm hình củ hành. Bên ngoài khuôn viên nhà thờ là nghĩa trang với những cụm hoa tươi đủ màu sắc nở trong không khí lạnh căm căm và mưa phùn buổi chiều cuối xuân. Cảnh vật không mang vẻ buồn bã, có lẽ nhờ những cụm hoa tươi trên mộ. Chuông nhà thờ thả vào không gian những tiếng trầm bổng, gợi nhớ.
Với tôi, lịch sử 7000 năm của đất nước này không thể biết được chỉ trong một thời gian ngắn như vậy. Nhưng một Leichtenstein nhỏ bé, thơ mộng, đầy dáng vẻ châu Âu từ xa xưa  vẫn còn đọng mãi trong trí nhớ.