Chương 17

Đêm mịt mùng. Sấm nổ đì đùng. Chớp lòe sáng rực. Gió thổi phần phật. Mưa rơi trắng xóa trên mặt sông Tiền bát ngát. Triệu triệu hạt nước từ trên trời cao rớt xuống tạo thành một màn mưa dày đặc che kín cảnh vật.
 
Hạ sĩ nhất Tăng, thuyền trưởng của chiếc Alpha 10 thuộc giang đoàn 72 thủy bộ đứng tựa vào ổ đại liên 50 trước mũi tàu như muốn tránh những giọt nước mưa hắt vào mặt mình rát rạt. Đưa tay vuốt nước mưa chảy thành dòng trên mặt anh cố mở lớn mắt nhìn vào màn đêm đen kịt đan lẫn với màn mưa trắng xóa thành một tấm màn đen làm nhòa thị tuyến của mình. Chớp lòe sáng rực. Tiếng sấm gầm vang dội mặt sông mênh mông. Tăng dụi mắt. Ánh sáng chớp lên rồi tắt ngay nhưng cũng đủ cho anh thấy bóng ba chiếc tàu đang chạy trên sông.
- Tàu Bắc Việt...
Bật la lớn Tăng nhảy tọt lên mui ngay chỗ phòng lái. Chụp lấy ống nói của máy truyền tin anh báo cáo.
- Bravo... Bravo... Đây Alpha 10... Nghe rõ trả lời...
- Bravo nghe Alpha 10...
Tăng thì thầm vào ống nói.
- Tàu... Tàu chiến Bắc Việt... Đông Bắc 45 độ...
- Bravo tôi nghe Alpha 10...
Bỏ ống nói xuống Tăng ra lệnh cho nhân viên vào nhiệm sở tác chiến. Bravo là danh hiệu truyền tin của trung úy Bảo, trưởng toán đoàn tàu thuộc giang đoàn 72 thủy bộ đang tuần tiễu khu vực cách tỉnh lỵ Vĩnh Long chừng hai mươi cây số về hướng đông. Đưa ống dòm lên quan sát Bảo thấy lờ mờ trong màn mưa ba chấm đen di động càng ngày càng rõ và lớn dần lên. Biết tàu địch lén lút xâm nhập Bảo tức tốc báo cáo về bộ chỉ huy giang đoàn đồng thời ra lịnh cho sáu giang đỉnh dưới quyền chỉ huy của mình sẵn sàng tác xạ. Năm trăm mét. Ba trăm mét. Hình dáng ba chiếc tàu hiện rõ trong màn mưa bay trắng xóa. Hai trăm mét. Toàn thể thủy thủ của sáu giang đỉnh ghìm súng chờ đợi. Một trăm mét. Vẫn chưa có lịnh khai hỏa. Mấy chục họng đại liên 50, đại bác 20 ly, 40 ly, và đại liên M60 tập trung vào ba chiếc tàu địch đang im lìm tiến tới. Năm mươi mét.
- Bắn...
Đạn lửa của đại liên phòng không 12 ly 7 vẽ thành đường dài trong đêm tối. Đại bác 20 ly tự hủy lòe chớp. Đại bác 40 gầm rống thành chuỗi âm thanh kỳ dị lan dài trên mặt sông đánh thức lính với dân chúng đang ngủ. Họ túa ra ra bờ sông đứng mục kích cuộc thủy chiến đầu tiên kể từ khi Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa rút về miền tây. Một chiếc tàu địch bốc cháy sáng rực trong đêm tối. Tiếng súng của hai bên nổ càng lúc càng thêm dồn dập. Lại thêm một chiếc tàu của địch bốc cháy. Nhờ lửa sáng người ta mới thấy chiếc tàu thứ ba rút chạy vào màn mưa trắng xóa. Tiếng súng nổ rời rạc rồi im hẳn.
 
29  Tết. 1978.
Dân chúng ở miền tây hay nói đúng hơn dân chúng của Việt Nam Cộng Hòa đón một cái tết bình yên và tự do nhất trong suốt hai mươi bốn năm chiến tranh chống cộng sản. Cờ vàng ba sọc đỏ bay khắp nơi trong nước. Người người lũ lượt đi sắm tết dù là cái tết nghèo của thời hậu chiến. Vì không có những tiếp xúc với thế giới bên ngoài cho nên mọi thứ cần dùng hầu như bị thiếu hụt. Người dân miền tây có thừa lúa gạo, thịt cá nhưng lại thiếu xăng dầu, đường sữa và các loại máy móc hoặc dụng cụ để sửa chữa. Đó là những thứ họ không thể sản xuất được. Đó cũng là ưu tư hàng đầu của chánh phủ. Các nhân vật cao cấp của quân và dân sự xuyên qua các phóng viên báo chí ngoại quốc đã kêu gọi sự giúp đỡ của các nước tự do. Tuy nhiên lời khẩn cầu của chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa bị thế giới làm ngơ. Đối với họ Việt Nam Cộng Hòa đã chết dù chín triệu dân ở miền tây vẫn hiên ngang chống lại cộng sản. Đối với họ nước Việt Nam đã được thống nhất dù ở phần đất cuối cùng vẫn có triệu triệu người đang âm thầm theo đuổi cuộc chiến tranh kháng cộng trong nỗi cô đơn, niềm kiêu hãnh của những người sống chết vì hai chữ tự do.
 
Xoa hai bàn tay dính mỡ bò Đình Anh nhìn chiếc xe đạp cũ với nhiều thích thú và hãnh diện. Anh phải mất hơn một tuần lễ mới làm cho chiếc xe đạp bỏ góc nhà của Ngọc Thụy di chuyển được. Từ nay anh sẽ dùng nó để đi làm. Thấy Ngọc Thụy bước ra anh cười khoe.
- Xong rồi... Ba mươi tết này anh sẽ chở em đi Tri Tôn thăm chị Mai với anh Quốc...
- Anh đạp nổi không. Từ đây tới Tri Tôn xa lắm đó... Hơn nữa anh phải chở tới ba người à nghe...
Đình Anh ngạc nhiên nhìn vợ. Thấy Ngọc Thụy chỉ tay vào bụng anh cười ha hả.
- Em có thai... Em có thai phải không?
Ngọc Thụy cười sung sướng gật đầu thay cho câu trả lời. Ôm chầm lấy vợ Đình Anh hôn lên mặt, lên tóc, lên môi.
- Anh yêu em... Anh cám ơn em... Má biết chưa?
- Biết rồi... Má vui lắm... Má nói em sanh xong để má nuôi cháu ngoại cho em đi dạy học lại...
Hôn trả vào mặt chồng mấy cái Ngọc Thụy cười thốt.
- Anh rửa tay rồi mình ăn cơm... Sắp tối rồi...
 
Gật đầu Đình Anh bỏ ra sau nhà rửa tay để Ngọc Thụy đứng im giữa khoảnh sân rộng. Thời gian không đầy một năm mà quá nhiều đổi thay. Hai người anh của nàng một mất tích, một tử trận trong lúc theo đơn vị rút khỏi Xuân Lộc. Điều đó khiến cho má của nàng buồn và sức khỏe suy giảm. Cũng may nhờ có nàng và Đình Anh thay phiên nhau an ủi và chăm sóc cho nên bà sớm bình phục và vui vẻ sống với đứa con gái út của mình. Sau thời gian khổ công tìm kiếm nàng đã tìm ra ba má của Bạch và Hải ở Phú Quốc. Chị Mai và ba đứa con theo chồng về sống ở quận Tri Tôn. Đình Anh vẫn làm việc ở bộ tổng tham mưu còn nàng trở thành cô giáo của trường trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ. Không con cái lại thêm có sẵn nhà cửa nên hai vợ chồng tạm đủ sống với đồng lương eo hẹp trong thời buổi kinh tế khó khăn và vật giá leo thang hằng ngày. Những gia đình giàu có ở Sài Gòn di tản xuống Cần Thơ hoặc các người ở miền tây bắt đầu bỏ nước ra đi. Không chịu nổi sự thiếu thốn về vật chất nhất là viễn ảnh đen tối của đất nước họ bỏ tiền ra mua ghe thuyền vượt biển tìm tự do ở ngoại quốc. Chánh phủ không những không ngăn cấm mà còn giúp đỡ họ bằng cách ra lệnh cho tàu hải quân hộ tống hay chỉ đường cho họ tới các quốc gia lân cận như Thái Lan, Tân Gia Ba, Mã Lai Á hoặc Nam Dương. Tuy nhiên người đi nhiều thời người đến cũng nhiều. Sau hơn một năm sống dưới chế độ cộng sản người dân ở miền Trung, Vũng Tàu, Sài Gòn vượt biên tìm tự do càng lúc càng thêm đông đảo. Có người ở tận ngoài Huế, Đà Nẳng dùng ghe đánh cá vượt ngàn cây số vào tận Cà Mau hay Bến Tre. Có người ở Cái Bè đã dùng xuồng ba lá vượt qua sông Tiền để trốn sang Vĩnh Long. Thậm chí có nguyên gia đình dùng bè thả trôi trên sông Tiền. Họ may mắn được tàu hải quân cứu vớt.
- Em nghĩ gì vậy?
Nghe chồng hỏi Ngọc Thụy cười buồn.
- Em nhớ lại hồi còn đi học... Nhớ lúc mới gặp anh...
Đình Anh hôn vào trán người vợ thương yêu của mình. Ngọc Thụy vẫn còn vóc dáng mảnh mai với mái tóc dài, tiếng cười thanh thanh và ánh mắt long lanh, nhưng Đình Anh biết đằng sau những cái đó là nỗi ưu tư thời cuộc, lo lắng cho đời sống và nhất là viễn ảnh càng ngày càng thêm đen tối của đất nước.
- Mình vào ăn cơm đi anh...
- Má đi thăm chị hai ở Bạc Liêu chừng nào mới về?
- Chắc cả tuần lễ...
 
Ngọc Thụy nắm tay chồng đi vào nhà. Đình Anh không thấy được nước mắt của vợ mình ứa ra. Như mọi ngày bữa cơm thật đạm bạc. Một nồi cơm nhỏ, một dĩa đọt lang luộc và dĩa cá kho với hai ba con cá nhỏ bằng ngón tay. Tuy nhiên hai vợ chồng vẫn vui vẻ và hạnh phúc. Họ không có điện, không có đèn dầu nhưng bù lại họ có vầng trăng. Họ không có tivi, radio hay các tiện nghi vật chất nhưng bù lại họ có tự do. Tự do đi lại, tự do phát biểu và ăn nói. Tự do suy nghĩ và tự do yêu. Tình yêu và tự do là hai thứ mà họ cần hơn mọi thứ khác.
Có lẽ đói bụng nên Đình Anh ăn hai chén cơm mà vẫn
chưa no.
- Anh ăn thêm đi. Có cơm cháy...
Đình Anh gật đầu cười.
- Hồi còn nhỏ anh thích nhất là cơm cháy với mỡ hành... Bây giờ ăn cơm cháy với nước cá kho của em nấu chắc phải ngon hơn nhiều...
Cười thánh thót Ngọc Thụy âu yếm nhìn chồng.
- Anh mưu tính gì đây mà nịnh em...
Đình Anh cười cười.
- Đâu có... Tối nay mình làm gì?
- Mình nấu bánh tét mang xuống cho gia đình chị Mai. Ở trong khu gia binh em nghĩ chắc chỉ không nấu được... Em đã kho thịt và làm dưa giá rồi...
Đình Anh trợn mắt.
- Em làm hồi nào mà anh không biết. Sao em không nói để anh giúp em...
- Trường đóng cửa ăn tết từ hăm lăm nên em có thời giờ mua thịt heo và đi câu... Cái ao sau nhà mình cá nhiều lắm...
Đình Anh đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác khi nghe vợ mình đi câu.
- Đi câu... Em biết câu cá?
Ngọc Thụy cười giòn tan.
- Biết... Dễ ợt...
Đình Anh cười đùa.
- Anh biết rồi... Tại em đẹp và dễ thương nên mấy chú cá mê em...
 
Nói xong Đình Anh buông đũa. Trong lúc vợ dọn dẹp anh lo sửa soạn đốt lửa nấu bánh tét ở sân sau. Đổ nước vào cái nồi làm bằng thùng phi cắt ra phân nửa, anh cặm cụi nhóm lửa rồi bỏ mười đòn bánh tét vào. Ngọc Thụy trải chiếu kế bên bếp lửa. Trời chạng vạng tối. Gió nhè nhẹ. Tiếng côn trùng rỉ rả. Tiếng ễnh ương kêu vang vang. Nằm gối đầu lên đùi chồng Ngọc Thụy nhìn bầu trời lấm tấm sao. Vài tiếng pháo nổ rời rạc và buồn bã. Dân chúng không có tiền mua pháo đốt mừng xuân cho nên không khí của những ngày cận tết như thiếu một cái gì mà mọi người dù không nói ra đều cảm thấy được. Đó là tiếng pháo nổ. Âm thanh đó như là tiếng báo hiệu và lời chào đón đặc biệt không thể thiếu của ngày tết.
- Anh uống trà và ăn mứt gừng không?
- Ở đâu mà em có?
- Hôm qua em ghé thăm cậu Viên được cậu lì xì cho một gói trà và gói mứt gừng...
- Thôi để dành đem xuống Tri Tôn mời anh Quốc và chị Mai... Cậu Viên có nói gì không?
Đình Anh thở dài sau câu hỏi. Ngọc Thụy trả lời với giọng buồn buồn.
- Cậu nói vấn đề sinh tử của nước mình bây giờ không những là quân sự mà còn kinh tế nữa...
Ngước mặt lên nhìn chồng Ngọc Thụy cười lặng lẻ trong bóng tối.
- Cậu nói nhờ có con sông Vĩnh Tế nhất là sau trận sông lửa thời tình hình an ninh rất khả quan. Từ hơn sáu tháng nay lính không bắn một viên đạn nào mà vẫn bảo vệ phần lãnh thổ còn lại. Do đó súng đạn của mình còn đủ xài năm năm nữa. Tuy nhiên mình lại lâm vào tình thế ngặt nghèo hơn. Mình không đủ thuốc men để chữa bệnh cho lính và dân chúng. Các vật dụng bảo trì, sửa chữa hoặc thay thế đều thiếu hụt. Dân chúng không đủ xăng dầu để dùng thành ra chuyện đi lại bị hạn chế. Xe hơi bị bỏ xó nhà. Khoảng giữa năm tới mình sẽ không còn đủ xăng để chạy xe gắn máy. Tàu của hải quân nằm ụ khá nhiều vì hư hỏng mà không sửa chữa được... Mình dư thừa lúa gạo, tôm cá mà không xuất cảng được, không bán được cho các nước ở vùng Đông Nam Á để lấy tiền mua các thứ mình cần...
 
Ngọc Thụy thở dài sườn sượt. Đình Anh khom người hôn vào trán vợ như muốn chia xẻ nỗi buồn rầu và lo âu. Tằng hắng tiếng nhỏ anh lên tiếng.
- Sau khi ăn tết xong Hội Đồng Dân Quân Cách Mạng sẽ hội họp để tìm kiếm một giải pháp cho tình trạng nguy kịch của đất nước. Tuy cậu Viên không nói rõ nhưng anh đoán họ sẽ quyết định giữ hay bỏ miền tây để rút về Phú Quốc. Sau khi ăn tết xong anh được lịnh soạn thảo một bản phúc trình về tình hình của đất nước và đem trình trước Hội Đồng Dân Quân Cách Mạng. Có thể những thành viên của hội đồng sẽ căn cứ vào bản phúc trình này để quyết định giữ hay rút bỏ miền tây...
 
Ngọc Thụy im lặng không nói thêm. Đưa tay sờ soạng Đình Anh khóc thầm vì thấy nước mắt đầm đìa trên khuôn mặt của người vợ thương yêu. Lửa nổ tí tách soi mờ mờ hình bóng đôi vợ chồng trẻ nằm ngồi im lìm trong bóng tối.
 
Quốc bắt tay em vợ thật chặt trong lúc Mai ôm chầm lấy Ngọc Thụy vì mừng rỡ và sung sướng. Ba đứa con của nàng cũng vui vẻ khi gặp lại cậu mợ.
- Hồng lúc này trổ mã đẹp ra...
Mai cười đùa.
- Nó sắp làm đám hỏi rồi đó Ngọc Thụy...
Hồng mắc cỡ đỏ mặt cười sung sướng.
- Chừng nào cưới. Cháu phải cho mợ biết trước để sửa soạn nghe... Chồng của cháu ở đâu?
Hồng đáp nhanh.
- Dạ... Ảnh tên Chương. Nhà ba má ảnh cũng ở Cần Thơ. Mợ út biết Phụng Hiệp không?
Ngọc Thụy cười.
- Biết chứ... Vậy là có xa xôi gì đâu...
Mai cười nói với Ngọc Thụy.
- Chương là lính dưới quyền của anh Bảo...
Quốc xen vào câu chuyện bằng cách hỏi Đình Anh.
- Tình hình ở Cần Thơ ra sao?
Hiểu được nỗi ưu tư của người anh rể Đình Anh đáp nhỏ.
- An ninh thời như anh biết rất tốt...
Vì sự có mặt của ba đứa cháu nên Đình Anh phải nói tránh đi.
- Theo em thời tình hình của nước mình cũng không có gì thay đổi. Mình phải tự túc tự cường và thắt lưng buộc bụng...
Dường như không muốn cho ba đứa con nghe về tình hình của đất nước Mai lên tiếng.
- Thôi dẹp chuyện đó lại... Mình phải chuẩn bị bữa cơm chiều ba mươi tết...
 
Đang đói bụng nên mọi người đều đồng ý nhất là Đình Anh vì đã đạp xe đạp một quãng đường dài. Ngửi mùi khói thơm thơm của cây nhang cắm trên bàn thờ ông bà tổ tiên anh nao nao trong lòng. Người dân của nước Việt Nam Cộng Hòa lại ăn một cái tết nghèo và túng thiếu. Tuy nhiên không vì vậy mà tết lại thiếu ý nghĩa. Người ta vẫn đón mừng năm mới bằng tất cả sự trang trọng và thành kính. Vẫn mâm cơm tươm tất trên bàn thờ gia tiên, vẫn có nén hương tưởng niệm ông bà và tổ tiên đồng thời ân cần mời gọi người đã chết trở về chung hưởng một mùa xuân hy vọng. Sự cảm thông giữa người chết và người sống trong giây phút nào đó trở thành một cần thiết tinh thần không thể thiếu của tết.
 
Mươi phút sau thức ăn trên bàn thờ gia tiên được bày ra trên chiếc bàn đóng bằng cây sơ sài. Thức ăn cũng thường. Cơm trắng. Thịt cá kho mà cá nhiều hơn thịt. Gọi là thịt nhưng mỡ lại nhiều hơn thịt. Dưa giá. Dưa cải. Bánh tét. Tuy nhiên bảy người ăn uống trò chuyện vui vẻ. Tuấn, đứa con trai nhỏ nhất của Mai nói với Đình Anh.
- Út biết không con sắp có em rồi...
Nghe Tuấn nói Ngọc Thụy nhìn Mai.
- Thiệt hả chị?
Mai cười sung sướng.
- Ba tháng rồi. Nó hành nó vật chị quá trời. Bởi vậy anh
Quốc lúc này cực lắm. Ông tư lệnh sư đoàn mà đi làm về là chui vào bếp phụ nấu cơm với con Hồng...
Quốc cười khì nói với Ngọc Thụy và Đình Anh.
- Mười mấy năm đi lính anh đâu có biết nấu cơm. Lính nấu cho mình ăn mà. Bây giờ đôi khi phải nấu cơm rửa chén thành ra cực. Nhưng riết rồi cũng quen...
Hồng cười đùa.
- Cậu mợ biết không... Ba con nấu cơm mà đôi khi quên đổ nước nên tụi này ăn cơm khét hoài hà...
Quốc cười ha hả còn Đình Anh và Ngọc Thụy cũng bật cười.
- Anh chị muốn mấy đứa nữa?
Quốc cười nhìn vợ.
- Bao nhiêu cũng được. Ông bà mình nói con là phúc mà... Vả lại ở cái quận Tri Tôn này không có việc gì làm ban đêm cả. Tám chín giờ đã chui vào mùng rồi thành ra có bầu lia lịa. Không phải riêng anh mà hầu như lính đóng dọc theo con sông Vĩnh Tế đều có chung tình cảnh giống nhau. Con chưa biết lật là vợ đã cấn thai... Riết rồi họ nói đùa với nhau là bị pháo kích cũng như vợ có bầu. Trời kêu ai nấy dạ...
Ngọc Thụy cười thánh thót. Mai cũng cười hỏi em trai của mình.
- Hai em định chừng nào có con...?
Ngọc Thụy đáp thay chồng.
- Tụi này có rồi. Em có thai được hơn hai tháng...
Nhìn Quốc Ngọc Thụy nói tiếp.
- Em muốn đi thăm sông Vĩnh Tế... Mai mốt con cái đùm đề chắc khó đi xa lắm...
Hiểu ý Ngọc Thụy Quốc gật đầu.
- Trưa mai anh sẽ dẫn hai em đi thăm con sông đào Vĩnh Tế. Lúc này nó đổi khác nhiều lắm...
Ăn cơm xong trời cũng bắt đầu tối. Bốn người lớn trải chiếu ngoài sân uống trà, ăn mứt gừng và chuyện trò với nhau. Mai đốt đống  lửa nhỏ để un muỗi. Quốc mở đầu bằng câu hỏi.
- Hai em ở Cần Thơ chắc có nhiều tin tức mới và lạ?
Liếc nhanh vợ Đình Anh nói nhỏ.
- Cũng không có chuyện gì mới lạ và quan trọng. Tình trạng của nước mình có tiến về mặt này thời lại lùi về mặt kia... Quân sự thời ổn định. Kinh tế cũng phát triển nhanh nhưng mặt chính trị thời tuột dốc... Tất cả các nước đều cắt đứt liên lạc với mình ngoại trừ nước Pháp có một tòa lãnh sự ở Cần Thơ. Tuy nhiên họ cũng không giúp được mình bao nhiêu. Em có nói chuyện với một ký giả của tờ Le Monde thời họ cho biết là chánh phủ Pháp đang chờ xem tình hình biến chuyển như thế nào...
Đình Anh dừng lại. Quốc thở dài buồn bã khi nghe tin tức không sáng sủa của đất nước.
- Em đang vận động ráo riết với tòa lãnh sự Pháp để nhờ họ kêu gọi các nước tự do trên thế giới viện trợ nhân đạo cho mình. Viện trợ này bao gồm các viện trợ như y tế, giáo dục hay các thứ nhu yếu phẩm cần thiết cho trẻ em...
Ngập ngừng giây lát Mai mới lên tiếng hỏi.
- Theo hai em thời ta nên rút ra Phú Quốc hay là vẫn giữ y nguyên tình trạng như thế này...
Đình Anh liếc nhanh Ngọc Thụy. Thấy vợ vẫn im lặng anh mới từ từ trả lời câu hỏi của chị mình.
- Theo em thời ta không nên bỏ miền tây trừ khi nào tình thế bắt buộc...
- Em muốn ám chỉ tới sự tấn công của Bắc Việt bằng quân sự?
Quốc xen vào bằng câu hỏi trên và Đình Anh chậm chạp gật đầu thay cho câu trả lời. Hớp một ngụm nước trà nóng Đình Anh nhìn anh rể của mình.
- Mười mấy sư đoàn của địch đã bị ta chận lại không vượt qua sông Vĩnh Tế cũng như sông Tiền. Như vậy tạm thời ta không lo ngại bị địch hăm dọa tới nền an ninh. So với Phú Quốc thời miền tây có lợi thế hơn nhiều nhất là về kinh tế. Đất rộng thêm màu mỡ lại đông dân do đó tiềm năng về kinh tế của miền tây sẽ lớn hơn đảo Phú Quốc mà diện tích chỉ có năm trăm cây số vuông. Giữ miền tây ít ra ta không sợ đói vì thực phẩm có thừa...
Quốc nhìn Ngọc Thụy như hỏi ý. Mỉm cười cô gái bé tí ti nói nhỏ.
- Em đồng ý với Anh cổ cò. Miền tây dù sao cũng có cái thế và lực hơn hẳn Phú Quốc. Cái thế của mình sẽ vững vàng hơn nếu giữ cả miền tây và Phú Quốc...
Quốc gật gù cười.
- Giữ Phú Quốc là mình kiểm soát vùng Vịnh Thái Lan bao la với nhiều tôm cá. Hy vọng mình sẽ xuất cảng nó ra nước ngoài...
Bỏ vào miệng miếng mứt gừng Đình Anh góp lời trong lúc nhai.
- Anh nói đúng... Việt Nam Cộng Hòa của mình bây giờ là miền lục tỉnh với nguồn sản xuất chính là lúa gạo và tôm cá... Nếu tìm được thị trường tiêu thụ thời nước mình mới có thể vượt qua giai đoạn khó khăn mà chúng ta đang gặp...
- 150 triệu đô la của mình đang ở đâu. Tại sao mình không dùng tới số tiền đó...?
Ngọc Thụy liếc nhanh chồng rồi cười đáp câu hỏi của Quốc.
- Nó vẫn còn được niêm phong trong kho vì chánh phủ chưa muốn dùng tới số tiền cấp cứu này. Vả lại mình có tiền mua nhưng không có ai chịu bán cho mình...
Thấy Mai đứng dậy Quốc cười hỏi.
- Em đi đâu vậy?
- Em vào sửa soạn mùng mền cho Đình Anh với Ngọc Thụy...
 
Quốc im lặng. Còn hai vợ chồng của Đình Anh cũng không nói gì thêm. Đêm ba mươi tết thật yên tịnh ngoại trừ tiếng pháo nổ rời rạc.