TRUYỆN GIẾNG VIỆT

Giếng Việt ở Trâu Sơn, bộ Vũ Ninh. Thời Hùng Vương, vua Ân sang xâm lược, đến chân núi Trâu Sơn. Hùng Vương cầu cứu Long Quân. Long Quân hóa thành Phù Đổng Thiên Vương, cưỡi ngựa sắt đánh giặc. Ân Vương thua chết, hóa thành cua địa phủ. Dân chúng dựng đền, bốn mùa thờ phụng. Trải qua thời gian lâu dài, đền bị đổ vỡ, nền cũ hoang vu. Đến thời Tần, có người trong nước tên là Thôi Lượng, làm quan to cho nhà Tần, tới chức Ngự sử đại phu, đi qua chân đền, thấy cảnh hoang tàn, liền xây lại đền, thắp hương làm lễ, lại dựng bia đá để ghi sự tích, rồi đề thơ rằng:
Cổ nhân truyền đạo thị Ân Vương
Tuần thú đương niên chí thử phương
Thủy tú sơn thanh không kiến miếu,
Nguyên đầu sơn hạ chỉ hư không.
Viên tướng thế bại vô ân đức, 
Do trước uy linh hiển Việt Thường.
Bách tính tùng tư giai phụng sự,
Mặc phù quốc tộ vĩnh vô cương.
Dịch:
Người xưa truyền lại: ấy Ân vương,
Tuần thú nơi đây, thuở chiến trường.
Sông đẹp, non tươi còn thấy miếu,
Đầu nguồn, chân núi chỉ hư không.
Thế kia đã bại vì không đức,
Vẫn nổi uy linh xứ Việt Thường.
Trăm họ từ đây đều phụng sự,
Phù trì phúc nước mãi danh thơm.
Người dân từ đó lại hương hỏa thờ phụng như trước.
Sau Nhâm Ngao giúp Triệu Đà đánh An Dương Vương, đóng quân ở đó. Lại sửa sang đền miếu tráng lệ, hương hỏa bốn mùa.
Ân Vương muốn báo ơn Thôi Lượng, sai Ma Cô ra khỏi bờ cõi đi tìm. Khi ấy, Thôi Lượng đã chết. Con của Lượng là Vĩ còn đang đi du học. Bấy giờ, đúng vào tết Thượng nguyên, con trai, con gái vui chơi ở đền này, có người dâng đôi bình pha lê. Ma Cô làm rơi vỡ bình, bị bắt, bị đánh rất khổ sở. Vĩ thương tình giải cứu cho. Ma Cô biết Vĩ là con trai của Lượng, vui mừng nói với Vĩ: "Nay thiếp khó khăn, không có gì báo đáp, xin tạm cho chàng một bó ngải, chàng mang đi, chớ rời khỏi người. Nếu có ai bị bệnh bại liệt, thì dùng ngải này mà chích, thì bệnh sẽ khỏi, chàng nhất định sẽ được giàu có". Vĩ nhận bó ngải, không biết nàng là tiên.
Vĩ tới nhà người bạn thân là Ứng Huyền. Ứng Huyền bị bại liệt. Vĩ dùng ngải chích cho, bệnh hết liền. Huyền nói: "Đó là thuốc tiên, không có gì báo đáp, xin trả ơn riêng cho anh. Tôi có quý nhân thân thiết, cũng bị bệnh này. Anh chữa được cho họ, thì nhất định sẽ có chức quan khá". Rồi tiến cử Vĩ với Nhâm Ngao. Ngao bảo Vĩ chích cho, bệnh cũng khỏi liền. Ngao cả mừng, rất yêu quý Vĩ, mở trường cho Vĩ học để hầu lúc hỏi han. Vĩ vốn thông minh mẫn cảm, thích đánh dàn, đọc sách. Con gái Nhâm Ngao là Phương Dung thấy Vĩ thì ưa, liền tư thông với Vĩ. Ngao biết chuyện, định giết Vĩ. Bấy giờ đã là cuối năm, chưa tìm được người hiến cho quỷ Xương Cuồng, Ngao định dùng Vĩ cúng quỷ, mới dụ Vĩ rằng: "Hôm nay không đi được, sợ gặp qủi Xương Cuồng, người nên lánh vào sảnh đường, chớ để sau này phải hối hận".
Vĩ cho là phải, liền vào phòng. Ngao sai đóng chặt cửa. Vĩ không ra được, biết là bị Ngao lừa, sợ hãi, hốt hoảng không nghĩ được kế gì. Lát sau, Phương Dung cho Vĩ con dao. Vĩ đào tường chốn ra. Vĩ bí mật đến nhà Trương Huyền, chưa tới nơi thì phương đông đã sáng dần. Vĩ sợ có người đuổi theo liền lánh vào trong núi. Bỗng nhiên, Vĩ bị rơi xuống một cái hang, ước hơn một canh mới tới đáy hang. Vĩ đau, nằm một lúc mới dậy được. Đến giờ ngọ, mặt trời chiếu vào trong hang, chỉ thấy bốn bề sừng sững như bức tường dựng thôi, bên cạnh có thạch nhũ nhỏ xuống mâm đá. Bỗng có con rắn trắng lớn, dài tới 7-8 thước, mỏ vàng, miệng đỏ, tóc xanh, vảy trắng, dưới bạnh có cái bướu, trên trán có mấy chữ vàng: "Con Vương Kinh tới ăn thạch nhũ".
Vĩ hoảng sợ ẩn trốn. Sau đó, rắn lại vào hang. Vĩ ở trong hang ba ngày, đói khát khốn khổ, nghĩ mình đã hết đường sống, liền lấy trộm thạch nhũ mà ăn. Đến khi rắn bò ra, chỉ thấy còn mâm không, liền ngóc đầu nhìn bốn phía. Thấy Vĩ ở bên cạnh, rắn há miệng định nuốt chửng Vĩ. VĨ hoảng hốt, chắp tay lia lịa và nói: "Tôi lánh nạn tình cờ rơi xuống đây, không có gì ăn cho đỡ đói bụng, nên lỡ ăn thức ăn của Vương, thực là đắc tội. Nay thấy dưới bạnh của Vương có bướu thịt teo, tôi xin chữa, mong được chuộc tội". Rắn nghe lời, liền ngẩng đầu lên cho Vĩ chữa. Chợt có một đám lửa rơi xuống hang. Vĩ lấy lửa chích cho rắn, một lát, bướu thịt teo khỏi. Rắn trườn lên trước ra hiệu cho Vĩ cưỡi lên. Vĩ liền ôm lấy lưng rắn. Rắn bay lên, trong khoảnh khắc đã tới bờ. Vĩ bước xuống; rắn lại bay vào hang, không biết ở chỗ nào. Vĩ trông thấy cổng thành lầu cao, cung điện nguy nga lợp bằng ngói lung linh đỏ. Cửa lầu rực rỡ, trên cửa có bảng vàng, đề ba chữ vàng: "Thành Ân Vương". Vĩ ngồi ngoài cửa rất lâu, lặng lẽ không nghe thấy một tiếng động nào, trông thấy một sân lớn, lại có hồ sen, bên hồ sen ngũ sắc có mấy hàng hòe, liễu râm mát đáng yêu. Đường lát gạch bằng phẳng, điện ngọc cung son, hành lang rộng rãi. Trong đó có kê giường kim quy, trải chiếu hoa bạc, trên có đặt chiếc đàn, nhưng yên lặng, không có người.
Vĩ khoan thai đi tới, ôm đàn, vừa hát vừa gảy đàn, chưa hết khúc nhạc, bỗng thấy hàng mấy trăm con Rùa vàng, rước hầu nghi vệ, mở cửa mà đi. Vĩ nhìn, hoảng sợ, phủ phục xuống sân vái lạy. Hậu cười nói: "Chàng Thôi ở đâu?" Rồi lên điện tiếp Vĩ. Hậu nói với Vĩ: "Ân Vương đánh nhau với Hùng Vương chết trận ở đây; trước kia đền đổ, hương hỏa không còn, nhờ Thôi Ngự sử trùng tu để người ta làm theo, phụng thờ hương hỏa cho đến hôm nay. Ơn sâu chưa báo đáp. Trước kia dã sai Ma Cô đi tìm nhưng không gặp. Nay may được gặp ông tới đây, không lấy gì để tiếp đãi. Vả lại, Thượng đế đang có chút việc, Vương đã đi chầu rồi, xin tạm ngồi chút".
Rồi, Hậu ban cho Vĩ tiệc rượu. Lát sau, thấy một người râu dài, bụng to, mang biểu quỳ tâu rằng: "Ngày mồng 3 tháng Giêng, người  phương Bắc là Ngâm Ngao đã bị quỷ Xương Cuồng giết".
Hậu nói với sứ giả: "Dương quan nhân hãy tiếp chàng Thôi".
Dương quan nhân để Vĩ ngồi trên vai. Vĩ nhắm mắt, chỉ một lát đã đến trên núi. Quay nhìn chỉ thấy có con dê đá sừng sững. Vĩ ngạc nhiên kinh sợ, lạy hai lạy rồi đi.