Chương 2

Lúc Quang trở về thì Thục đang nghe nhạc một mình nơi phòng khách. Thục hỏi anh:
- Phim gì đấy?
- Borsalino.
Quang vò bao thuốc ném lên tóc cô gái. Anh nói:
- Mày cũng xem rồi chứ gì. Tao biết tụi con gái thích Alain Delon lắm.
Thục xoay người, tựa cằm lên ghế:
- Em khoái Belmondo hơn.
- Tại sao?
- Vì hắn du đãng hơn.
Quang đi thay đồ. Má Thục ở trên lầu xuống, bà nói:
- Má mới nhận được thư của Chương.
- Ảnh nói gì đó, má?
- Nó nói bây giờ cắt tóc cao, ăn mặc như Sạclô nên mắc cỡ không muốn về.
- Con biết không phải vì thế đâu. Thục nói:
Tiếng người giúp việc hỏi vọng lên:
- Cô hai có tính đem cái áo len đỏ đi theo không?
- Thôi. Áo cũ quá rồi. Nhưng khăn quấn cổ thì xếp hết vào cho chị nhé.
Bà mẹ hỏi:
- Mấy giờ con lên phi trường?
- Ăn cơm xong con phải đi liền.
Bà mẹ đi xuống nhà dưới. Quang hỏi:
- Chương nó giận mày à?
- Em đâu biết.
- Ăn nhằm gì. Rồi nó sẽ quên và lại sống phây phây. Em cũng sẽ có một cuộc đời khác. Cố gắng thích nghi với công việc mới.
Thục xoay người, nhí nhảnh bước đi theo điệu nhạc.
°
Xe ca sắp khởi hành. Một người đàn bà ngoại quốc trạc bốn mươi lăm tuổi bước lên xe, ngơ ngác một lúc mới tìm được ghế trống. Chỗ đó ở giữa Thục và một người đàn ông đứng tuổi. Thục chỉ liếc bà ta một thoáng rồi lim dim mắt. Người đàn bà ngoại quốc khốn đốn vì cặp mông to tướng của mình. Người đàn ông bèn nhích người một chút để cho bà ta được thoải mái. Bà ta nói cám ơn. Người đàn ông mỉm cười với bà. Người đàn bà muốn gợi chuyện, bà ta nói bằng tiếng Pháp:
- Đây là lần đầu tiên tôi đi Đà Lạt. Không biết thành phố đó như thế nào.
Người đàn ông hỏi:
- Bà đi du lịch?
- Không. Tôi là nhân viên của UNICEF. Tôi mới sang đây được một tuần. Khí hậu ở Đà Lạt như thế nào?
- Bà đừng lo. Nó rất hợp với người Châu Âu.
Hai người trao đổi với nhau một số vấn đề về xã hội, về trẻ em, về nạn đói. Thục không thạo tiếng Pháp lắm mhưng nàng cũng hiểu đại khái nội dung câu chuyện. Nhưng chỉ một lúc sau thì những cảnh vui nhộn trên đường phố lại cuốn hút nàng.
Khi đến phi trường người đàn bà ngoại quốc và người đàn ông nọ không rời nhau. Họ ngồi đợi trên cùng một chiếc ghế dài và uống bia với nhau.
Chuyến bay khởi hành trễ hơn thường lệ mười phút. Thục không muốn chen lấn nên ngồi nán lại vì thế khi ra đến cầu thang máy bay thì nàng xếp ở hàng cuối. Nhưng chỉ một lúc sau Thục quay lại đã thấy cái cặp Pháp-Việt ấy đứng lù lù. Họ nói chuyện với nhau rất nhỏ, không biết người đàn ông nói gì nhưng bà đầm già nọ cười luôn miệng.
Sự chậm trễ của Thục cộng với sự chậm trễ của cặp đó đã khiến Thục phải ngồi cạnh họ một lần nữa nhưng lần này nàng lại ngồi sát người đàn ông. Thục hơi khó chịu và mất tự nhiên. Còn cái cặp nọ thì cứ nói chuyện rù rì mãi. Nàng thấy mình gặp xui trong chuyến đi này và nhắm mắt lại cố ngủ nhưng chỉ một lúc lại choàng dậy vì nghe có tiếng nổ lạch tạch ở động cơ phía trái. Tiếng nổ càng lúc càng nhiều làm cho mọi người hốt hoảng. Thục nhìn ra chỗ động cơ bị trục trặc thấy rõ những tia lửa từ cánh quạt bắn ra. Máy bay rung lên. Hành khách bắt đầu nhốn nháo.
Mãi tới lúc tiếng loa phóng thanh kêu gọi mọi người bình tĩnh thì người đàn bà ngoại quốc nọ mới hỏi:
- Chuyện gì vậy?
Người đàn ông không đáp, cứ tỉnh bơ hút thuốc, mặt dửng dưng như không.
- Xin ông vui lòng thắt dây an toàn.
Người nữ tiếp viên nhắc người đàn ông. Hắn ta nhỏm dậy sờ soạng tìm sợi dây nhưng hắn chỉ thấy có một đầu, đầu kia Thục đã lấy lộn.
Hắn bèn nhắc Thục điều ấy khiến nàng đỏ mặt. Nhưng gã đàn ông không để cho Thục bối rối lâu, hắn tỉnh bơ tháo sợi dây nịt của nàng. Những ngón tay của hắn chạm nhẹ lên lớp da bụng khiến Thục mất bình tĩnh.
- Đứng dậy đi. Hắn nói. Cô đã ngồi lên sợi dây của cô.
Thục đứng dậy vì nàng không biết làm gì khác. Người đàn ông lại tự động cài dây an toàn cho Thục rồi mỉm cười, nói:
- Xong rồi.
Máy bay chao đi một lúc và mất độ cao đột ngột. Tiếng máy phóng thanh kêu gọi mọi người bình tĩnh ngồi yên tại chỗ vì máy bay đang cố đáp xuống đất. Nhưng bây giờ nó như một con diều giấy. Hành khách nôn mửa, la khóc. Thục gập người xuống mửa thốc tháo, nước mắt nước mũi ràn rụa. Cô níu lấy vai người đàn ông, muốn lả đi. Phía vai bên kia của hắn người đàn bà Pháp cũng bám chặt cứng, tóc rối tung bê bết mồ hôi.
Máy bay xóc liên tục cho đến khi một tiếng ầm dữ dội vang lên thì Thục ngất xỉu trên cánh tay của người đàn ông xa lạ.
°
Thục có cảm giác thật mơ hồ về mình khi tỉnh dậy. Ánh sáng bên ngoài được lọc qua mấy lớp lá cây trở nên êm dịu. Nàng nằm im, mơ màng như trong một cơn say nhẹ. Những việc vừa qua hiện ra một cách mơ hồ. Có tiếng hỏi:
- Cô thấy khỏe chưa?
Đôi mắt Thục định hình trên gương mặt người nữ y tá.
- Đây là bệnh viện? Thục hỏi.
- Vâng. Cô không nhớ tai nạn máy bay sao?
Thục giật mình, nàng thoát ra khỏi trạng thái mơ màng lúc đầu và nhớ lại tất cả. Nàng hỏi:
- Tôi có bị tàn tật không?
- Cô khỏi lo. Cô chỉ bị ngất đi vì xúc động mà thôi. Người anh cô đã đem cô ra khỏi đám đông hỗn loạn trong đám cháy.
- Anh ấy đâu rồi? Thục hỏi.
- Ông ấy đã tỉnh trước cô nhưng vì vết thương trên đầu khá nặng nên chưa dậy được.
Thục xoay nghiêng người lại, nàng ngạc nhiên khi thấy mình làm cử động đó một cách dễ dàng. Nàng ngồi dậy không mấy khó khăn.
- Chị cho em đi thăm anh ấy được không?
- Phải có lệnh của bác sĩ mới được.
Thục lại hỏi:
- Tai nạn cách đây mấy ngày rồi?
- Mới sáng nay.
- Anh ấy bị thương nơi nào trên đầu?
- Ngay trên sóng mũi. Vết thương rất sâu, mất nhiều máu.
Người nữ y tá quay đi. Thục đến bên cửa sổ. Khuôn mặt trầm tĩnh của người đàn ông hiện ra giữa vòm lá xanh bên ngoài. Nó có chút gì dửng dưng, hờ hững. Giữa lúc mọi người nhốn nháo kêu khóc cầu nguyện thì nó bình thản hút thuốc, nó cười chế diễu. Nhưng chắc chắn là bây giờ nó không thể cười với một vết thương sâu trên mặt.
Bác sĩ đến, bảo Thục trở lại giường nằm rồi đặt ống nghe lên ngực nàng. Ông nói:
- Ngày mai cô xuất viện được. Bây giờ cô có thể đi dạo một lát cho khuây khoả.
Thục sang một hành lang ngắn đến khu hậu phẫu. Nhờ sự hướng dẫn của người y tá trực nàng tìm ra phòng của người đàn ông không mấy khó khăn. Căn phòng này rất yên tĩnh. Thục đứng im nơi cửa khá lâu. Nàng muốn biết đích xác chỗ hắn nằm và lại thẳng nơi đó hơn là phải đi kiếm dọc theo các giường bệnh.
Trong ánh sáng êm ả của buổi chiều trên cao nguyên hắn nằm bất động trên chiếc giường nhỏ kê gần cửa sổ. Hắn không để ý đến người đang đến mặc dù hai mắt đang mở nhìn vào một cái gì vô hình trước mặt. Khi Thục đến sát bên, hắn nhìn nàng với vẻ ngơ ngác. Cánh tay dài tái mét đặt bất động trên tấm ra trắng. Nàng thấy những ngón dài, thon thả. Gương mặt hắn phẳng lặng đến nỗi Thục có cảm tưởng hắn không hề có ý thức về chung quanh. Điều đó làm nàng sợ. Nàng lên tiếng:
- Ông không nhận ra tôi sao?
Hắn cười. Nụ cười thô kệch, lạnh lẽo.
Thục lại hỏi:
- Ông đã nhắn tin cho người thân chưa.
- Tôi không có người thân.
- Sao vậy?
- Không sao cả. Cô có vẻ đã bình phục?
- Bác sĩ nói ngày mai em xuất viện.
Thục ngồi xuống bên mép giường, bây giờ nàng mới thấy hắn có bàn tay đẹp hơn bất cứ bàn tay nào nàng gặp trên đời. Bàn tay tái xanh với những ngón dài quý phái trở nên linh động lạ thường giữa màu trắng của tấm ra mỏng. Thục tránh không nhìn vào mắt hắn, nàng nói:
- Người ta bảo ông đã cứu tôi ra khỏi đám đông mắc kẹt trong phi cơ. Họ đều nghĩ ông là anh ruột tôi.
- Sao vậy?
- Họ bảo ông như một kẻ liều lĩnh. Tại sao ông làm thế?
- Tôi làm vì bản năng nhưng thật rủi ro khi phải trở thành hiệp sĩ.
- Tôi không xem ông như thế nhưng điều đó làm tôi lo ngại. Người ta nói ông đi ngang nhiên vào trong lửa như kẻ muốn tự sát. Tại sao vậy?
Người đàn ông thở dài. Hắn nói một cách chậm rãi:
- Cô nên về nghỉ đi. Có lẽ tôi chưa đến nỗi tuyệt vọng như thế.
Thục buông tay người đàn ông ra và quay đi.