ữu bán hết báo rất nhanh. Báo hôm nay thiên hạ đổ xô nhau mua chỉ vì một chuyện ngoại tình giữa bà thiếu tá với ông trung tá nhảy dù nào đó đã được tiểu thuyết hóa một cách sống sượng. Dẫu sao biến cố ấy cũng giúp anh xong nhanh công việc và lời thêm được mấy trăm bạc. Trên xe buýt bước xuống Hữu băng qua đường. Từ ngày vượt ngục về Sài Gòn đến nay trong người Hữu không có một chút giấy tờ nào hết, cũng may nghề bán báo chẳng phải là cái nghề mà bọn cảnh sát quân cảnh để ý đến. Cầm xấp báo đi khơi khơi giữa phố, gặp tụi nó chỉ cần rao lên mấy tiếng, cười một cái là qua mặt tỉnh bơ. Dần dà, Hữu gần như chẳng còn bận tâm gì đến chuyện giấy tờ nữa. Tuy vậy từ nhà tới chỗ lấy báo Hữu phải đi xe buýt. Đi xe buýt có hai cái lợi lớn: Đỡ tốn tiền và rất ít khi bị xét giấy. Hữu ghé quán cơm bình dân ở đầu hẻm gọi một dĩa cơm sườn và một ly trà đá. Tháng năm tháng sáu buổi chiều thường nóng nực, quán ăn lại không có quạt, chật hẹp và tối. Hữu cắm cúi ăn, không để ý đến chung quanh, khi ngẩng lên, anh bắt gặp một cặp mắt đang nhìn mình đăm đăm. Hữu ngại phải đón nhận cái nhìn ấy nhưng khi anh vừa định quay đi thì người đàn ông nọ đã rời chỗ ngồi tiến lại phía anh, đến lúc ấy Hữu mới nhận ra Bảy Trung với nụ cười rất bình lặng, rất đơn giản và chân thành. Hai bàn tay siết lại thật chặt, ấm và cồm cộm những vết chai. -Cứ ăn đi, Bảy Trung bảo, cứ ăn xong đi đã. Thế là Hữu ăn. Ăn nhanh. Lúc hai người ra khỏi quán thì chiều đã xuống mát rượi cả thành phố. Bảy Trung vừa đi vừa ngắm nghía người đồng chí cũ. Hai người quan sát nhau. Bảy Trung nói: -Đàng kia có một cái công viên. Họ đi bộ dọc theo đường Phan Đình Phùng. Hữu nói: -Tôi đi tìm anh suốt hơn hai tháng nay. Bà chủ nhà cũ nói anh đã dọn đi từ năm sáu chín bảy mươi gì đó. Bảy Trung nói: -Tôi cũng đi tìm anh quá trời. Ở ngoài này anh em cũng nắm rất rõ tình hình đấu tranh của anh em trong tù. Các anh lãnh đạo trong cứ cũng đều có theo dõi, chính vì thế mà khi được tin anh vượt ngục tôi được chỉ thị đi tìm anh. Tìm khắp nơi… Bây giờ anh ngụ tại đâu? Hữu đưa xấp báo cũ ra trước mặt, anh cười, bảo Bảy Trung: -Ban ngày tôi đi bán báo, tối về ngủ nhờ nhà mấy anh em đồng nghiệp trong các xóm lao động, nay nhà này mai nhà kia. Tôi chẳng dám về các nhà trọ cũ nữa. Họ chọn một cái ghế đá khuất dưới bóng cây hoàng lan, quay lưng về phía cặp tình nhân đang rù rì phía bên kia bãi cỏ. Hữu nhìn những tia nước phun nhỏ li ti trước mặt, lòng thấy thanh thản. Đóa hoa chuối nước màu cam lấm chấm vàng rung rinh dưới những giọt mưa nhẹ nhỏ xuống cuống quýt. Lá me trên cao xao xác lay động theo cơn gió nhẹ lướt qua. Hữu tựa lưng vào thành ghế nhìn bầu trời. Bảy Trung đốt một điếu thuốc đưa cho Hữu và tự châm cho mình một điếu. Bảy Trung nói: -Anh phải kiếm một chỗ ở riêng cho ổn định mới được. -Nhưng trong mình tôi chẳng có thứ giấy tờ nào cả. -Cái đó không lo. Tôi sẽ cung cấp mọi thứ cho anh để anh có thể sống hợp pháp như bất cứ một người dân Sài Gòn nào. Chỉ ngại một điều là anh có vẻ còn yếu lắm. Hữu mỉm cười, nhả khói một cách kiểu cọ. Anh nói: -Tôi thấy sức khỏe cũng bình thường anh ạ. Dần dà rồi nó cũng bình phục thôi. Anh nói đi, tình hình bây giờ ra sao rồi. Anh Bảy Trung duỗi thẳng hai chân, phun một luồng khói vào khoảng không: -Sau đợt bình định học đường của chúng vào năm 1972, các đồng chí mình phải rút hết vào cứ, một thời gian sau lại phải chạy thẳng sang biên giới Miên. Tôi và vài đồng chí nữa tuy chưa bị lộ nhưng cũng phải án binh bất động từ đó đến nay. Hữu hỏi: -Như vậy bây giờ các đại học đều trống à? -Không hẳn thế. Tôi trở lại Sài Gòn hơn một năm nay, kể ra bên cánh học sinh còn mạnh, cơ sở gầy dựng lại rất khá, chỉ có cánh sinh viên của mình thì còn yếu nhưng không thể gọi là trống được. -Vậy còn Ban đại diện các trường? Chắc cũng tụi nó nắm hết? Anh Bảy Trung ngồi nhỏm dậy, gạt tàn thuốc lên thành ghế đá, tay gác lên đầu gối, mặt cúi xuống trầm ngâm hồi lâu. -Không hết, anh nói, ta vẫn còn nắm được một số trường và chi phối một số. Đây chính là vấn đề tôi cần bàn với anh rất kỹ. Nhìn chung tình hình Ban đại diện ta không thua chúng bao nhiêu. Các đại học lại sắp tới mùa bầu cử, ta chỉ cần thắng thêm hai phân khoa nữa so với năm rồi là ta sẽ thắng ở Tổng hội sinh viên. Và đó là mục tiêu quan trọng. Hữu toát mồ hôi trán. Sự chú ý dồn cả trong đôi mắt và thế ngồi chồm tới. Anh hỏi: -Hiện tại ta nắm được các trường nào? -Y khoa, Nông lâm súc, Khoa học, Kỹ thuật Phú Thọ. Còn địch, chúng nắm các trường Dược, Văn Khoa, Đại học Sư Phạm, Luật Khoa và Kiến Trúc. Tuy chúng hơn ta một phân khoa nhưng “thế” của chúng lỏng lẻo. Cũng giống như những năm trước, ban đại diện của chúng chỉ có mặt để choán chỗ của ta và để quay “cua” bán cho sinh viên lấy lời. Đó cũng là một trong những mầm mống gây bất mãn trong quần chúng sinh viên. Còn ta, ta nắm chắc. Ban đại diện ta gồm những sinh viên có uy tín, một số là đoàn viên, vài nơi đã có chi bộ. Tuy so với những năm trước thì còn kém nhưng từ một tình trạng bình định học đường mà gượng gậy được như thế là khá lắm. Hữu cười: -Khá thực. Nghe anh nói tôi muốn anh giao công tác liền. -Không gấp lắm đâu. Anh cần phải bồi dưỡng một thời gian. Mình phải tính chuyện đường dài. Hữu nói: -Anh cứ giao công tác đi. Tôi vừa làm vừa bồi dưỡng cũng được chớ gì. Hữu xòe hai bàn tay đưa ra trước mặt. Lưng bàn tay đen sạm nổi lên những đường gân lớn hình nan quạt, Hữu lại ngửa hai bàn tay, lòng bàn tay lõm xuống, mềm nhão. Bảy Trung lắc đầu cười yên lặng. Phía trên ngọn cây cao trận gió đi qua làm những trái chùm gởi khô lìa cành xoay tít mù trong không gian như những con chim sâu nhỏ đập cánh ríu rít. Bảy Trung chăm chú nhìn những trái chùm gởi và nói: -Cái này là lá gì mà hay quá. Tôi ở Sài Gòn cả chục năm rồi mà bây giờ mới để ý đến nó. Hữu chỉ cười. Anh ngước nhìn lên cao. Mấy trái chùm gởi bay nghiêng nghiêng lại chỗ anh rồi rơi xuống trước mặt, xoay tít như cái chong chóng. Bảy Trung lấy một trái lên coi. Hữu chợt hỏi: -Anh còn nhớ Hạnh chớ hả? -À, tôi quên nói chuyện Tư Hạnh. Gia đình cậy tiền cậy thế đút lót cho ra tù tính ép lấy chồng. Tôi mới nghe anh em bàn tán chuyện đó ít lâu thì bỗng nhiên một hôm tôi gặp cổ trong cứ. Hỏi ra, thoát ly luôn. -Thật là một tin mừng! Bảy Trung dường như không biết tình ý trong câu nói đó, anh cúi xuống che gió đốt thuốc trong khi Hữu đứng lên đi lại phía thảm cỏ, đưa hai tay lên đón những trái chùm gởi khô đang xoay tít mù trên cao.