gã tư Bảy Hiền không còn là ngã tư nữa! Suốt mấy ngày nay nó biến thành ngã năm, ngã sáu ngã mười mấy… Từ Củ Chi, Tây Ninh, Hậu Nghĩa… người ngùn ngụt túa về Sài Gòn bằng một trăm thứ ngõ ngách. Người đổ xô như những dòng cuồng lưu hối hả, tàn nhẫn. Khu chợ đã đông nghẹt dân di tản nhưng dòng người hỗn loạn vẫn dồn tới. Nơi đó biến thành cái vực nước xoáy, dâng lên, không phải bằng xác người mà bằng tiếng la, tiếng máy nổ, tiếng súc vật, heo, bò, gà, chó, tiếng khóc của trẻ con, tiếng ngựa hí và một triệu thứ tiếng động khác nữa. Tiếng động xoáy trong bụi bặm, đùn lên như bọt sóng hung hãn giữa rốn biển bão bố. Súng đã nổ sát bên đít. Chạy! Bồng bế, gánh gồng, dắt díu nhau. Chạy! Cơn dịch quái đản, lan tràn! Ngã tư nghẹt cứng! Đèn đỏ đèn xanh trở thành những tín hiệu vô nghĩa. Xe cộ nhích từng tấc. Vận tốc tụt xuống còn mười thước một giờ. Máy nổ khẩn trương, kèn bấm liên tiếp. Xe gắn máy cũng bất lực. Người đi bộ chen giữa cơ giới, bụi và khói. Tiếng động cơ xoáy trong óc, tràn ra không khí rung chuyển. Người di tản đông nghẹt trên các hè phố, khoảng đất trống, sân nhà. Từng gia đình căng vải nhựa, căng “bạc” giữa hè phố. Người nằm ngồi la liệt. Trẻ con ở truồng ngồi ỉa trên các lỗ cống, các mương nước đen kịt bùn và rác rưới. Còi xe bóp loạn xạ. Con ngựa tía đứng ngơ giữa đường, cất hai vó trước hí vang! -Tránh! Tránh! Ai đuổi nó giúp tôi! Chiếc xe chở một ngàn thứ vật dụng từ bàn ghế giường tủ đến nồi niêu, chuồng gà, cũi heo, bí đao, bí đỏ… Chở nghẹt trong xe. Chở cao trên mui. Người bám quanh như lũ chim gõ kiến. -Tránh! Tránh! Con ngựa tía thất kinh chạy quàng. Người nhốn nháo sợ sệt. Chiếc xe tải vừa bóp còi vừa đi qua đám đông một cách khó nhọc. -Xe ở đâu tới đây? -Đức Hòa. -Đức Hòa sao rồi? -Tiêu rồi! Tin đó truyền đi rất nhanh. Truyền vô khu lao động. Khu dệt. Máy ngừng đã hai hôm nay, đi ngang qua những con đường hẻm chẳng còn nghe tiếng máy chạy, thay vào đó là tiếng xôn xao, bàn tán. Nhà trong xóm tuy không đóng cửa nhưng cửa chỉ mở một cánh. Người lớn đứng trong sân nhìn ra. Trẻ con reo hò, chạy lăng xăng. -Súng nổ! Súng nổ ở đâu gần quá. Trẻ con chạy từng đàn. Vừa chạy vừa cười. Cửa sắt đóng cút kít. -Súng nổ ở đâu vậy? -Không biết. Ngoài ngã tư Bảy Hiền, tiếng máy và tiếng còi xe vẫn dồn dập vọng vào. Người ta đào hầm trong nhà, ngoài ngõ, trước sân. Người ta thu xếp đồ đạc, tóm gọn những thứ quý giá cất vô những gói nhỏ. Gọn. Nhẹ. Sáu giờ chiều ngày 29 tháng 4 lính dù ở trại Hoàng Hoa Thám kéo đến bao vây khu lao động. Họ đi từng toán bảy tám người, rải trong các ngõ hẻm. Những viên sĩ quan rằn ri thì đăm chiêu, nghĩ ngợi. Họ đi cắm cúi, chậm chạp. Súng ngắn đeo bên hông. Cầm thêm một khẩu M16 cho chắc ăn. Nhiều lính dù mặt mày hớt hải mắt lấm lét nhưng vẫn cố giấu sự sợ hãi lo âu của mình bằng những phát súng chỉ thiên. Sự có mặt của toán quân này làm cho khu lao động như co lại. Trẻ con cũng không dám ra đường. Ở cuối đường Hồ Tấn Đức nhà thưa thớt, cách khoảng nhau bằng những mảnh đất trống, những bãi sình hay những đám rau muống. Từ trong nhà nhìn ra Hữu thấy lính dù bố trí nằm rải rác quanh các ngã ba ngã tư, các gốc bã đậu và cả trên nóc những căn lầu đúc nữa. Chúng cử động, di chuyển im lặng như những cái bóng mờ. Bỗng từ cái không khí chờ đợi ngột ngạt ấy bùng lên một loạt tiếng nổ rung chuyển. Bảy Trung đập tay xuống bàn. -Tấn công rồi! Anh vừa nói dứt thì một loạt pháo, tên lửa khác bay vút tới. Sàn sạt trên đầu. Lửa nháng lên đỏ rực ở sân bay Tân Sân Nhất. Hàng loạt những bức tường, những mái ngói, bóng cây lóe sáng lên một lúc lâu rồi phụt tắt. Chốc lát một dãy tiếng nổ lớn gầm lên và ánh lửa lại nhấp nhô trên cao. -Lấy đồ lên đi! Bảy Trung ra lệnh. Mọi người hối hả chạy ra nhà sau. Nắp cống được kéo lên, ném một bên. Hữu thò tay xuống sình tìm cái mối dây, lôi nó lên khỏi mặt nước, Bảy Trung và Khâm đến giúp sức. Tên lửa của quân giải phóng vẫn bắn ào ạt vào sân bay Tân Sơn Nhất. Ba người hì hục kéo lên ba bao ni-lông lớn. Họ vặn nước rửa sạch hết những bùn sình bám quanh lớp ny-lông rồi cẩn thận mở miệng bao. Trong các nếp gấp của những bao ny-lông, lũ trùng bò ngo ngoe, tìm đường thoát. Hữu dùng ngón tay gạt chúng xuống nền xi-măng, dùng khăn lau thật khô bao ni-lông rồi mới kéo các thứ ra. Cũng may nhờ được bọc nhiều lớp nên những băng cờ, vũ khí giấu bên trong vẫn không bị thấm nước. Mọi người gom các thứ lại gọn gàng và cất vô tủ áo. Riêng súng ngắn, mỗi người thủ một cây trong túi quần. Đạn lên nòng sẵn. Trong những tiếng nổ rung chuyển của tên lửa và đạn đại bác bắn liên tiếp xuống sân bay, người ta đã bắt đầu nghe có tiếng súng nhỏ bắn mỗi lúc một gần. Ngoài đường cái, toán lính dù bắt đầu co lại. Đồng bào lấp ló ra đường nghe ngóng tình hình. Thanh niên và trẻ con thì trèo trên ngọn cây, trên mái nhà trên trụ điện, ngó về phía sân bay quan sát, chờ đợi. Lính dù lại bắn chỉ thiên nhiều phát súng và la: “Dô! Dô nhà!”… nhưng tiếng la ấy đã yếu, đã gắng gượng. Hết khí thế! Mới hơn tám giờ tối. Điện vẫn sáng choang. Tụi con nít nhảy cỡn trong ngõ hẻm mặc cho cha mẹ chúng la hét, réo gọi. Chúng tìm cách leo lên những vị trí cao nhứt để nhìn về phía sân bay. -Ô! Máy bay cháy! Máy bay cháy! Bọn nhỏ đứng trên nóc nhà la toáng lên làm cho những đứa đang trầy trật leo rào, trèo tường cũng la hùa theo mặc dù chúng chẳng thấy chi cả. -Máy bay cháy! Chúng đạp nhầu lên mái ngói, mái tôn, lên bờ tường, vách ván, lên cây kiểng, giàn hoa mong manh. -Ô! Đẹp quá! Đẹp quá! -Cái gì đẹp? Một đám chín mười đứa nhỏ vừa chạy rần rật trên mái ngói vừa hỏi toáng lên: -Cái gì đẹp? Tiếng đáp lại từ trên sân thượng một căn lầu đúc kế bên: -Hỏa tiễn! Hỏa tiễn xẹt đẹp ác liệt! Nổ xuống cái ào, bung lên xanh, đỏ, tím. Giống hệt pháo bông. Đám trẻ nhỏ đang leo trên mái ngói nghe lũ bạn diễn tả sống động quá, chúng phóng từng bước dài từ mái ngói sang những mái tôn kế cận gây ra những tiếng động chói tai. Tiếng người quát tháo: -Xuống! Hư hết mái nhà người ta! Nhưng tụi nhỏ không xuống. Chúng đứng ngó say mê về hướng Tân Sơn Nhất. -Xuống! Người chủ nhà hét lên và lập tức vòi nước trong tay ông phun ra một tia rất mạnh. Bị nước phun bất ngờ từ phía sau lưng, tụi nhỏ vội ngồi thụp xuống tránh nhưng không kịp. Quần áo chúng ướt sũng. -Ầm! Ầm! Một loạt tiếng nổ rung chuyển. Tụi nhỏ trên các mái nhà reo lên, bất kể vòi nước lạnh ngắt đang xịt thẳng vào người chúng. Một lát, thấy không có hiệu quả, người đàn ông lấy đá ném lên. Thằng nhỏ lúc nãy quay lại. Người nó nổi rõ trên một khung trời màu vàng cam sáng rực phía sau. Cả mấy đứa nhỏ đều quay lại. Chúng đứng nghiêng nghiêng, đen sẫm như những cái bóng của tụi cao bồi trước giờ đấu súng trên một triền núi đá. Thằng nhỏ lúc nãy, thằng bụi đời nhứt đám la lên: -Ném đá hả? Ném thì ném! Thế là nó cúi xuống, gỡ một miếng ngói vảy. Mấy đứa nhỏ kia cũng gỡ mỗi đứa một miếng. Chúng vung tay ném xuống một lượt. Con chó béc-giê và người chủ nhà sợ hãi lủi mất. Bên ngoài, súng nhỏ nổ nhiều hơn. Toán lính dù vẫn còn nằm chặn các đầu hẻm, súng ghìm trên tay, mặt mày khẩn trương cùng cực. Họ không di chuyển nữa. Họ nằm một xó nhưng vẫn chưa dám bỏ trốn. Lúc ấy, tại một căn nhà trong xóm, Hạnh và các đồng chí Tư Dũng, Hai Xuân cũng đã chuẩn bị xong băng cờ, truyền đơn, vũ khí… Mọi người đều có vẻ nóng lòng chờ đợi từng bước chuyển biến của tình hình. Thình lình Hạnh nói: -Tôi phải đi xuống chùa mới được. Anh Dũng đi với tôi nha. Xuân ở nhà. Dũng hỏi: -Có cần đem súng theo không? -Khỏi. Nếu lính có hỏi thì mình nói là đi tìm thằng em, sợ bị đạn lạc. Hai người ra đường. Đạn súng cối vẫn bay sàn sạt qua đầu và nổ rung chuyển phía sân bay. Đèn trong xóm vẫn sáng nhưng vì phần lớn nhà đều đóng cửa nên những con đường hẻm chỉ có ánh sáng lờ mờ. Họ đi thật nhanh đến chùa. Như đã hẹn trước, cổng chùa chỉ cài then chớ không khóa. Dũng luồn tay vô mở then và đẩy cánh cửa sắt. Hai người đi nhanh ra phía sau. Nhà sư Y đang ngồi bên bàn với bốn vị nữa. Thấy Hạnh và Dũng bước vô, nhà sư đứng lên bắt tay Dũng và mời hai người ngồi. Hạnh vào đề ngay: -Bạch thầy, tình hình khẩn trương lắm rồi. Chắc quý thầy cũng thấy là lính dù nằm rải đầy cả xóm ta. Sư Y ôn tồn nói: -Chúng tôi đang bàn về chuyện đó đây. Nếu như Giải phóng vô mà toán lính này chống cự thì chắc là cảnh chết chóc tang thương sẽ không tránh khỏi cho xóm ta. Chúng tôi lo nhứt là chuyện ấy đó em à. Hạnh nói: -Theo ý tụi con thì chúng ta đã thành lập “Ủy Ban bảo vệ sinh mạng và tài sản đồng bào”, chúng ta nên lấy danh nghĩa ấy cử đại diện đi gặp những sĩ quan, những người lính dù ấy và khuyên họ trốn đi. Các vị sư có vẻ suy nghĩ trước đề nghị đó. Lát sau, một vị nói: -Được, chúng tôi thấy đề nghị của các em rất hay. Nhưng các em cũng nên đi với chúng tôi. Dẫu sao có tiếng nói của phái nữ… Tiếng nổ ở Tân Sơn Nhất vẫn dồn dập rung chuyển cả thành phố làm sóng sánh cả nước trà trong tách. Sư Y góp thêm ý kiến: -Các em nên về vận động thêm một số chị em trong xóm, chuẩn bị tinh thần trước cho họ rồi tới đây. Chúng tôi ở đây chờ chị em tới là phối hợp đi liền. Mình phải giải tán toán lính ấy nội trong đêm nay mới được, nếu không e không kịp… Hạnh bỏ dở tách nước trà đang uống. Chị đứng dậy liền. Dũng đứng lên theo. Hạnh nói: -Tụi con sẽ dẫn chị em trở lại.