ã đàn ông để râu mép, trên cổ áo không có bông mai, mặc áo giáp Mỹ, đầu trần, hút thuốc lá, đứng gằm mặt nhìn mũi giày xô. Trung úy Tùng. Bảng tên đeo trên túi áo thêu bằng chỉ đen. Sư Đoàn 22 Bộ Binh. Ông quan hai này kéo đám tàn binh từ đâu chạy về đây? Và hắn đang nghĩ gì? Tình hình ra sao vậy trung úy. Viên sĩ quan vẫn im lặng hút thuốc. Một người khác ý chừng cũng là sĩ quan, đến bên hắn, nói mấy câu nho nhỏ. Không biết anh ta nói gì nhưng mắt viên trung úy bỗng trở nên sáng quắc. Hắn to tiếng: -Mày ngu lắm! Tụi mũ xanh đốt thành phố đó. Cứ ở đây qua đêm, sáng mai mới đi được. Bọn lính không ai để ý đến câu nói của viên trung úy, chúng cứ mãi ngóng về hướng Phan Rang giữa lúc ngọn lửa chờn vờn liếm lên những đám mây nám khói. Súng nổ càng lúc càng nhiều và tiếng lựu đạn gầm vang càng lúc càng dữ dội. Đám tàn quân nhảy dù, lính thủy đánh bộ, biệt động quân do tàu thủy từ Huế và Đà Nẵng di tản vào Cam Ranh từ hôm 28, 29 tháng 3 đã nhanh chóng biến thành một toán cướp cạn điên cuồng. Trên đường tháo chạy từ Huế, Đà Nẵng vào Cam Ranh đã có bao nhiêu người bị cướp của và ném xuống biển? Và từ Cam Ranh trở vào Phan Rang đã có bao nhiêu thành phố thị trấn làng mạc bị đốt cháy và cướp phá? Cang ngồi xuống lề đường, chiếc xe Hon-đa dựng sau lưng. Lửa và tiếng nổ vẫn tiếp diễn. Làm thế nào! Làm thế nào vượt qua thành phố đó? Người ta có thể vượt qua những ngọn núi, những dòng sông, những đại dương, nhưng làm thế nào người ta vượt qua một thành phố bốc cháy đang nổ tung và đằng đằng sát khí? Cang ủ rũ. Nó cảm thấy đói cồn cào và ớn lạnh nơi xương sống. Nó hỏi dò một người lính: -Bộ Việt cộng tới Cam Ranh rồi hả anh? -Chưa. -Chưa sao lính chạy vô Phan Rang? Người lính không trả lời câu hỏi đó, hắn lui cui dọn bữa ăn chiều ra giữa đường. Bọn lính xúm lại. Biết rằng chẳng ai mời mình, Cang dắt chiếc xe qua đường, đi lại chỗ mấy người dân làng đang đứng ngắm nhìn đám tàn quân và theo dõi đám cháy đàng xa. Họ có vẻ bình thản như thường ngày. Bây giờ Cang mới nhận ra đồng bào ở làng này toàn là người dân tộc Chăm. Ba bốn người đàn bà đeo kiềng bạc đứng bên mấy em bé, mấy cụ già ăn trầu và vài ba cô thiếu nữ. Một thanh niên Chàm đến bên Cang, anh ta nói: -Anh về nhà tôi nghỉ. Đi như thế nguy lắm. Cang quay lại, nhận ra sự chân thật trong đôi mắt người thanh niên. Nó gượng cười: -Cám ơn anh. Và người thanh niên dẫn nó đi sâu vào trong xóm.