Chương 5

    
ng hiệu trưởng nhìn vào bản thời khóa biểu, nói:
-Sáng nay thầy có hai giờ lớp Bảy hả? Mời thầy lên lầu, phòng cuối cùng, hành lang phía bên trái.
Hữu bước vào lớp. Lũ học trò nhỏ đứng dậy. Một hai, ba… mười lăm… mười sáu, mười bảy. Mười bảy đứa con trai và một đứa con gái nhỏ mặc áo đầm trắng.
Hữu thẫn thờ ra hiệu cho học trò ngồi xuống. Anh hỏi:
-Năm ngoái lớp này được bao nhiêu em?
-Thưa thầy, bốn mươi mấy người.
-Sao năm nay còn có bao nhiêu đây?
-Tụi nó đi trường khác hết rồi thầy.
Hữu đi xuống cuối lớp. Ánh mặt trời chiếu qua những khung cửa sổ mất cánh thành những vệt dài trên nền gạch ca-rô. Bàn ghế hai bên thì quá cũ và loang đầy vết mực, vết cào, vết xây xát hay nứt nẻ. Anh dừng lại nơi bàn em bé gái mặc áo đầm và hỏi:
-Sao em không mặc áo dài?
Cô bé đứng lên, khoanh tay trước ngực và lần đầu tiên anh mới biết thế nào là đôi mắt nai tơ, đôi mắt ấy hơi ngước lên nhìn anh rồi cái miệng xinh xinh mấp máy:
-Dạ thưa thầy con học lớp năm mới lên.
-Sao em không học lớp sáu?
-Dạ thưa thầy, năm ngoái con học lớp năm, năm nay con lên lớp sáu và thầy hiệu trưởng bảo con ngồi đây.
Hữu cười, xoa đầu nó và bảo nó ngồi xuống. Anh nói:
-Ở đây không phải lớp sáu. Đây là lớp bảy. Sao em không theo mấy em lớp sáu mà ngồi?
Cô bé lại đứng lên khoanh tay trước ngực:
-Thưa thầy không có ai học lớp sáu nữa hết. Có một mình con hà.
Hữu kêu trời. Anh bảo cô học trò nhỏ bé của mình ngồi xuống và trở về bàn giáo sư ở trên bục cao.
Hữu hỏi học trò xem em nào đứng nhất Anh văn năm ngoái thì chúng chỉ một em học sinh trắng trẻo, sạch sẽ, ăn mặc tươm tất:
-Thưa thầy, trò Vinh, con ông hiệu trưởng đó thầy.
Hữu gọi nó lên bảng và nói:
-Các em đã học một năm Anh văn và học tới bài 20. Rồi, bây giờ em dịch cho thầy câu “Tôi là một học sinh”.
Thằng bé con ông hiệu trưởng, thằng bé đứng nhất Anh văn của lớp sáu năm ngoái, đứng một đống như ông phỗng đá. Nó cầm viên phấn trên tay, mắt nó nhìn cái bảng đen rồi một lúc sau nó dùng viên phấn vạch vạch trên bảng mấy chục cái vạch ngắn cho đỡ buồn.
-Thôi, em về chỗ.
Hữu bắt đầu giảng lại cho chúng động từ To Be, cho nhiều thí dụ và cuối cùng cho làm một bài tập ngắn ứng dụng.
Anh đi xuống cuối lớp, nhìn lên những cái lưng nhỏ đang cúi trên trang giấy mới.
Anh thò đầu ra ngoài khung cửa, ngước lên nhìn đàn chim bay lượn quanh hàng trăm cái tổ nhỏ của chúng. Những cái tổ không biết được làm bằng gì nhưng có màu vàng vàng và gắn rải rác đầy cả khoảng tường vôi thụt sâu trong chái nhà. Én nằm trong tổ, én đậu trên những cây đòn tay bằng gỗ, én bay lượn chung quanh. Cả một góc trời được che kín bằng hàng trăm đôi cánh én đen tuyền và những cái bụng trắng phau, thon thon linh động và gợi cảm, trên lưng chúng lấp lánh những sợi lông xanh như kim tuyến mỗi khi chúng nghiêng cánh đảo trước mắt anh giữa luồng sáng rực rỡ của mặt trời.
Đàn chim én sẽ an ủi anh, sẽ đem lại nguồn vui cho cõi lòng ê-chề về một gia đình tan nát và phẫn nộ về một xã hội suy tàn.
Một đám mây lớn bay qua và che khuất mặt trời. Cảnh vật dịu mát. Tiếng chim én dường như rộn rã hơn.
Hữu cúi xuống khung cửa sổ và anh nhận ra những đống phân chim nhỏ xíu bám đầy trên đó. Phân chim đã khô đi và có màu đen, trắng, xám lẫn lộn. Hữu dùng viên phấn hất mấy hạt phân chim và nhìn chúng rơi xuống tận dưới sâu trên một nền đất ẩm ướt vì dường như lúc nãy nơi đó có một người con gái đã giặt đồ.
Anh trở lại bàn giáo sư và ngồi im nhìn lũ học trò đang cắm cúi viết.
Cô bé mặc áo đầm ngồi một mình, hai tay đặt trên bàn, ngay ngắn, tóc mềm và mượt, đôi mắt thơ ngây lơ đãng nhìn ra ngoài hành lang, nơi đó những tàn cây nhãn vừa ra mấy cụm hoa rải rác trong đám lá. Hình như cô bé cũng đang lắng nghe tiếng chim én kêu ríu rít nhưng vẫn im lặng ngoan ngoãn và hiền từ.
Học trò làm bài xong, Hữu thu bài và đến bên đứa con ông hiệu trưởng, anh hỏi:
-Em có thường lấy trứng chim én không?
-Dạ, ít khi lắm, vì nó làm tổ cao quá.
-Cao thì mình bắc thang.
-Thang ở nhà thấp lắm thầy, em với chị em thường lấy lưới, đợi tối nó ngủ thì giăng lưới phía ngoài tổ rồi lấy cây đập đập vào tường cho nó bay ra, mắc vào lưới, ập lại, bắt một lần cả chục con.
-Bắt chim mẹ không à?
-Dạ.
-Nó ăn gì?
-Nó ăn ruồi. Ăn cơm cũng được nhưng nó không chịu ăn đâu thầy. Tụi em bắt chơi một lát rồi đến sáng thì thả ra.
Nghe nói tới chuyện chim chóc lũ học trò chăm chú ngồi im, rồi khi có một con én bay lọt vào trong lớp, chúng đều nhỏm dậy và la lên:
-Nó kìa thầy! Nó kìa!
Hữu nhìn theo con chim bé nhỏ.
Và chuông cũng điểm giờ.