1. LẠC VIÊN Đà MẤT RỒI Ư? Lạ thật, trên địa cầu có hàng hà sa số sinh vật mà duy chỉ có loài người là ý thức được bản tính của mình và vũ trụ chung quanh, do đó, biết lựa thái độ đối với thiên nhiên. Nhờ có trí tuệ, loài người tìm hiểu, khám phá vũ trụ và cho nó một ý nghĩa khoa học và một ý nghĩa đạo đức. Nhà khoa học tìm hợp chất hoá học của đất, đo bề dày của lớp không khí bao bọc trái đất, tìm số lượng và tính chất của vũ trụ quang tuyến, khám phá sự tạo thành của núi, và những định luật về sinh mệnh. Sự nghiên cứu đó liên quan với thái độ đạo đức, nhưng tự bản thể, nó chỉ là lòng ham hiểu biết, tìm tòi thế thôi. Còn thái độ đạo đức rất biến đổi, có khi là hoà hợp với thiên nhiên, có khi là chinh phục hoặc kiểm soát và lợi dụng thiên nhiên. Lòng khinh thị này là một sản phẩm kì dị của văn minh và của vài tôn giáo. Nó phát sinh do truyện hoang đường, “Lạc viên đã mất”; truyện đó chỉ là một truyền thuyết tôn giáo từ thời thái cổ mà ngày nay được rất nhiều người tin. Thật lạ lùng, không một người nào nghi ngờ truyện đó cả. Lạc viên quả thật đẹp đẽ đến như vậy ư, và vũ trụ ngày nay xấu xí như vậy ư? Từ khi ông Adam và bà Eve phạm tội thì hoa không nở nữa ư? Thượng Đế đã nguyền rủa cây táo và cấm nó kết trái vì ông Adam mắc tôi ư, hay là Ngài đã bắt hoa nó không được rực rỡ như trước nữa ư? Các loài chim hoàng anh, hoạ mi, sơn ca đã ngừng hót rồi ư? Không còn hoàng hôn, không còn cầu vồng và sương mù trên làng xóm nữa ư? Mà cũng không còn những thác nước ào ào, những dòng suối róc rách, những cây cao bóng rợp nữa ư? Người nào đã đặt ra cái huyền thoại rằng “Lạc viên đã mất” mà chúng ta phải sống trong một vũ trụ xấu xa đó? Chúng ta quả thật là những đứa con hư và bạc bẽo của Thượng Đế. Có thể viết một truyện ngụ ngôn về đứa con được nuông chiều mà hoá hư đó. Hồi xửa hồi xưa, có một người đàn ông mà chúng ta giấu tên. Gã lên chầu Thượng Đế, phàn nàn rằng không ưa trái đất này và muốn một cảnh Thiên Đường có cửa chạm châu ngọc kia. Thượng Đế trỏ cho gã mặt trăng, hỏi gã đồ chơi đó có đẹp không, gã lắc đầu. Thượng Đế lại trỏ cho gã dãy núi xanh ở chân trời hỏi có thấy đẹp không; gã chê là tầm thường. Rồi Thượng Đế trỏ cho gã cánh những bông lan, bông tử la (pensée), bảo gã vuốt nhẹ nhàng những cánh mượt như nhung đó rồi hỏi màu sắc có diễm lệ không, gã đáp “Không”. Thượng Đế vẫn kiên nhẫn vô biên, dắt gã lại một hồ nuôi cá, trỏ cho gã những loại cá kì mĩ nhất, gã nói gã không ưa. Thượng Đế dắt gã tới dưới một gốc cây, bảo gió mát thổi nhè nhẹ xem gã có thấy thích không, gã cũng chẳng thấy gì cả. Thượng Đế tự nhủ có lẽ đứa con cưng này ưa thích những cảnh kích thích hơn chăng, trỏ cho gã dãy Núi Đá[1] chót vót, những hang sâu thăm thẳm ở Huê Kì để gã ngắm những thạch nhũ; cho gã coi những suối phun (geyser), những động cát, cây xương rồng trên sa mạc, tuyết trên Hi Mã Lạp Sơn, hẽm núi trên sông Dương Tử, mỏm đá hoa cương trên núi Hoàng Sơn, thác Niagara, hỏi gã rằng tất cả những cảnh mà Ngài đã tạo ra đó có làm gã vui mắt, vui tai, thoả lòng không, gã vẫn lắc đầu, nằng nặc đòi cho được Thiên Đường với những cánh cửa nạm châu ngọc kia. Gả đáp: “Trái đất này không vừa ý con”. Thượng Đế nổi giận: “Loài súc sinh tự phụ và bạc bẽo kia, trái đất này không vừa ý ngươi ư; ta sẽ cho ngươi xuống Âm Ti và ở đó ngươi sẽ không bao giờ thấy mây trôi, hoa nở, không bao giờ được nghe suối chảy róc rách nữa”. Tên con người rất khó tính đó là Giáo đồ Ki Tô. Thượng Đế có thể làm vừa lòng người đó không; điều ấy tôi còn ngờ lắm; nhưng tôi tin chắc rằng có cái tâm tính một nhà triệu phú như gã thì dù có được lên Thiên Đường, cũng chỉ hai tuần lễ sau là gã sẽ chán những cánh cửa nạm ngọc, rồi Thượng Đế sẽ không biết phải bày ra cái trò gì khác để chiều lòng đứa con hư đó nữa. Mà khoa thiên văn học ngày nay, sau khi thám sát tất cả cái phần vũ trụ có thể nhìn thấy được, đã phải nhận rằng địa cầu này là một lạc viên; còn cõi Thiên Đường mà chúng ta mơ mộng kia, nếu có thật thì cũng chỉ là một trong những vì tinh tú trên không trung, nếu không phải là chính cái không trung đó. Nếu nó ở trên một ngôi sao nào có trăng hay không có trăng, thì tôi cũng không thể tưởng tượng được rằng nó có thể đẹp hơn cảnh địa cầu của chúng ta. Tất nhiên, trên ngôi sao đó có thể thấy tới mười hai mặt trăng, lại có thể rằng cầu vòng xuất hiện thường hơn trên địa cầu chúng ta, nhưng tôi cho rằng một người không vừa lòng vì có một mặt trăng, thì khi có mười hai mặt trăng cũng sẽ mau chán. Trên ngôi sao đó có thể có tới sáu mùa một năm – chứ không phải bốn – và cảnh cũng thay đổi rực rỡ, hết xuân tới hạ, hết đêm đến ngày, nhưng như vậy có hơn gì? Không biết hưởng cảnh xuân và hạ trên trái đất thì làm sao biết hưởng nó trên Thiên Đường? Bạn muốn bảo tôi là nói năng như một thằng ngốc hoặc như một nhà hiền triết, cái đó tuỳ ý bạn; nhưng tôi thì chắc chắn là không đồng ý với các người theo đạo Phật hoặc đạo Ki Tô, không muốn thoát ra khỏi sự chi phối của giác quan và của vật chất, mà mơ mộng một cảnh Thiên Đường hư vô, phiếu diểu, hoàn toàn thuộc về tinh thần. Tôi muốn sống trên địa cầu này hơn là trên một hành tinh khác. Không ai có thể bảo rằng đời sống trên địa cầu này là vô vị và đơn điệu. Này nhé, thời tiết luôn luôn thay đổi, màu sắc trên trời cũng mỗi lúc một khác, lại thêm mùa nào có trái nấy mà trái cây nào cũng ngon cả, tháng nào hoa nấy, mà loài hoa nào cũng đẹp cả, như vậy mà còn có người nào không thoả mãn thì tôi nghĩ người ấy nên tự tử đi còn hơn là đeo đuổi một cảnh Thiên Đường không thể nào có được, mà nếu có thì Thiên Đường đó cũng chỉ có thể thoả mãn được Thượng Đế thôi chứ không thể nào thoả mãn được con người. Cứ xét hiện trạng sự vật, ta thấy có một sự phối trí, hoà hợp hoàn toàn, gần như thần bí giữa các cảnh tượng, các thanh, sắc, hương, vị trong thiên nhiên đối với ngũ quan của ta. Sự hoà hợp đó hoàn toàn đến nỗi các nhà thần học dùng nó làm luận cứ cho học thuyết của họ mà Voltaire đã đem ra chế giễu[2]. Nhưng chúng ta không cần phải là những nhà thần học. Thượng Đế có thể đã mời chúng ta dự tiệc của Ngài, mà cũng có thể không. Thái độ của người Trung Hoa là được mời hay không thì cũng cứ dự. Thức ăn ngon như vậy, còn chúng ta thì thèm ăn như vậy, mà lại không dự thì họ cho là điên khùng, vô lí. Xin các ngài triết gia cứ tiếp tục suy luận về siêu hình học đi để rán tìm ra xem chúng ta có được mời dự tiệc của Thượng Đế hay không; còn chúng ta thì cứ lo ăn đi, kẻo thức ăn nguội hết. Hễ đói thì có lương tri. Vậy địa cầu của chúng ta là một địa cầu tuyệt hảo. Thực đơn nó dâng cho ta quả là bất tận, đủ để thoả mãn mọi sở thích, và chúng ta chỉ có mỗi thái độ hợp lí là ngồi vào bàn tiệc đi, đừng oè oẹ nữa. 2. BỆNH TỰ ĐẠI CỦA CON NGƯỜI Thiên nhiên lúc nào cũng là một liệu dưỡng viện (sanatorium). Nếu nó không trị được những bệnh khác thì cũng có thể trị được cho ta chứng tự đại. Con người phải được “đặt vào đúng vị trí” trong thiên nhiên. Vì vậy các hoạ sĩ Trung Hoa vẽ những hình người nhỏ xíu trên các bức hoạ phong cảnh. Bức “Tuyết hậu quan san” (Ngắm núi sau cơn tuyết), vẽ cảnh một người ngắm núi, nhưng phải kiếm rất lâu mới thấy được một gốc thông có hình người ngồi xổm, cao ba bốn phân, mà bức hoạ thì cao năm sáu tấc. Lại còn một bức hoạ nữa đời Tống vẽ bốn cao sĩ mùa thu dạo bước trong một rừng cổ thụ ngửng lên ngó tàn lá ở trên đầu. Thỉnh thoảng chúng ta nên tự cảm thấy cái bé nhỏ thảm hại của bản thân; cảm giác đó rất hữu ích. Một mùa hè, ở trên núi Cổ Lĩnh, tôi nhìn xuống thành Nam Kinh cách khoảng trăm dặm, nghĩ tới hai người nhỏ như kiến đương thù ghét nhau, lập mưu giết hại nhau vì người nào cũng cho rằng chỉ có mình mới là thực tâm phụng sự Tổ quốc; phải đứng trên cao như vậy ngó xuống mới thấy cái đó có vẻ khôi hài. Cho nên người Trung Hoa cho rằng đi chơi núi rất có lợi: lòng ta hoá ra trong sạch, bớt lo lắng và trừ được nhiều vọng tưởng. Chúng ta thường quên mình nhỏ bé, vô năng. Ngắm một toà nhà trăm từng, ta dễ hoá ra tự phụ, sao không tưởng tượng toà nhà chọc trời đó nếu đặt ở bên một ngọn núi rất nhỏ thôi thì còn cái vẻ “vĩ đại” nữa không? Ta thích bể vì bể mênh mông, ta thích núi vì núi hùng vĩ. Ở dãy núi Hoàng Sơn có những tảng đá hoa cương cao ba bốn trăm thước và dài non một cây số. Chính cái vẻ u tĩnh, vẻ trường tồn bất di bất dịch của nó làm cho người Trung Hoa ưa vẻ núi. Nếu không tới Hoàng Sơn thì khó mà tin được rằng có những tảng đá vĩ đại như vậy; thế kỉ mười bảy có một hoạ phái tìm hứng trong những tảng đá đó. Một mặt khác, nếu ta tự hoà mình trong vũ trụ, tự coi ta và vạn vật là nhất thể thì lòng ta có thể hoá ra mênh mông như vũ trụ. Ta sẽ thành một kẻ “đại trượng phu” như Nguyễn Tịch[3] đã tả, ta sẽ “coi trời đất là cái nhà của ta” (dĩ thiên địa vi lư). Núi còn có vẻ tu tĩnh và trị bệnh được: từ ngọn núi đến tảng đá, cây cối, cái gì cũng u tĩnh, vĩ đại. Sống trong núi ta có cảm tưởng rằng núi là mẹ, ta là con. Tôi không tin Ki Tô giáo khoa học (Christian Science), nhưng tôi tin rằng núi cao cây lớn có sức trị bệnh tinh thần, không trị được những bệnh gẫy xương, bệnh ngoài da nhưng trị được những tham vọng của xác thịt và những bệnh của linh hồn như thói ăn cắp, tự phụ, thói chỉ biết có mình thôi, không biết có người, thói xu phụ người trên thống trị kẻ dưới, thói hiếu chiến ham lợi, thói tự “triển lãm” mình ra trước công chúng, thói tư tưởng lộn xộn và tất cả những bệnh đạo đức khác. 3. HAI NGƯỜI ĐÀN BÀ TRUNG HOA Hưởng thụ thiên nhiên là một nghệ thuật phần lớn tuỳ vào tính tình, cá tính mỗi người, và cũng như mọi nghệ thuật, khó giảng được kĩ thuật của nó ra sao. Phải hồn nhiên, để tự nó phát ra trong tâm hồn nghệ sĩ của ta. Vậy không thể đưa ra những qui tắc để hưởng thụ cây này hay cây kia, tảng đá này hay tảng đá nọ, phong cảnh này hay phong cảnh khác vì không cảnh nào giống cảnh nào. Hễ tự hiểu thì chẳng ai cần dạy cũng biết hưởng thụ. Havelock Ellis và Van der Velde[4] đã sáng suốt khi bảo rằng trong khuê phòng, không có việc nào nên hay không nên, nhã hay không nhã, không thể qui định được những cái đó. Nghệ thuật hưởng thiên nhiên cũng vậy. Có lẽ cách để hiểu được nghệ thuật đó là nghiên cứu đời của những người có tâm hồn nghệ sĩ. Lòng yêu thiên nhiên, bỗng nhiên nhớ lại một thắng cảnh đã thưởng ngoạn năm trước hoặc bỗng nhiên muốn đi coi một nơi nào, những cái đó bột phát đúng vào lúc ta không ngờ nhất. Có tâm hồn nghệ sĩ thì thế nào nó cũng hiện ra và những văn sĩ biết hưởng thụ thiên nhiên thường quên bẵng tình tiết trong tiểu thuyết để thao thao tả một cảnh tuyết đẹp đẽ hoặc một chiều xuân êm ả. Tự truyện của các kí giả hoặc của các chính trị gia chứa đầy những hồi kí về các biến cố, còn tự truyện của các văn nhân thường chép về bản thân mình, nhắc lại một đêm vui vẻ hoặc một cuộc du ngoạn trong sơn cốc với vài người bạn thân. Về điểm đó, tự truyện của Ruyard Kippling và của G.K. Chesterton[5] làm cho tôi thất vọng. Tại sao những việc vô vị thì họ lại coi trọng đến thế? Chép về người, người rồi lại người, tuyệt nhiên không nói đến hoa cỏ, chim chóc, núi non, sông ngòi! Hồi kí cùng thư từ của văn nhân Trung Hoa thường khác hẳn. Việc quan trọng là kể cho bạn nghe một đêm trên mặt hồ hoặc nhớ lại một ngày hoàn toàn sung sướng. Đặc biệt là các văn nhân Trung Hoa, ít nhất cũng là một số lớn trong bọn họ, chép lại cả hồi ức trong khuê phòng nữa, như những bộ rất quí “Ảnh Mai am ức ngữ” của Mặc Tịch Cương, “Phù sinh lục kí” của Thẩm Tam Bạch, “Thu đăng toả ức” của Tưởng Thản. Hai bộ trên viết sau khi vợ mất, bộ cuối viết khi tác giả về già, vợ còn sống. Chúng tôi sẽ bắt đầu giới thiệu vài đoạn trong bộ “Thu đăng toả ức” mà nhân vật chính là nàng Thu Phù, vợ của tác giả, rồi giới thiệu vài đoạn trong “Phù sinh lục kí” mà nhân vật chính là nàng Vân. Hai người đàn bà đó tuy học vấn không cao lấm, thi tài cũng tầm thường, nhưng có tâm hồn thi sĩ. Vả lại họ có muốn lưu lại những thi phẩm bất hủ đâu, chỉ có một người là dùng văn vần để ghi lại tâm trạng cùng ít kỉ niệm quí, hoặc để trợ hứng cho chúng ta hưởng thụ thiên nhiên, thế thôi. A.- THU PHÙ[6] Thu Phù thường bảo tôi: “Đời người được trăm năm, ngủ và mộng mị mất một nửa, những ngày đau ốm buồn rầu mất một nửa, tuổi thơ và tuổi già mất một nửa nữa[7], còn lại chỉ là một phần mười hay một phần mười lăm. Huống hồ thể chất chúng ta như bồ liễu, chắc gì sống được trăm năm”. Một đêm thu, trăng tròn, Thu Phù sai tiểu hoàn ôm cây đàn cầm cùng với nàng dạo thuyền trong đám hoa sen ở Tây Hồ[8]. Lúc đó tôi ở Tây Khê mới về, tới nhà thì hay người đã đi rồi; tôi mua vài quả dưa[9] rồi đi tìm nàng. Chúng tôi gặp nhau ở cầu thứ nhì trên đê Tô Đông Pha[10], đúng lúc Thu Phù đương gảy khúc Hán cung thu oán. Tôi khép vạt áo, dừng lại nghe. Núi bốn bên chìm trong sương khói, trăng sao vằng vằng vặc trên nước; tiếng đàn lanh lảnh rộn lên, tôi không phân biệt được là tiếng gió, hay tiếng vòng ngọc của nàng nữa. Khúc đàn chưa dứt thì mũi thuyền đã sát bờ phía Nam vườn Y viên (Vườn sóng lăn tăn). Chúng tôi gõ cửa Bạch Vân Am vì chúng tôi quen ni cô trong am. Để chúng tôi ngồi một chút rồi các ni cô lấy sen mới hái trong đầm nấu chè đãi chúng tôi; từ màu sắc đến hương thơm hạt sen đều nhẹ nhàng, mát ruột, khác hẳn những vị thịt cá tanh hôi, (như cỏ huân – quân tử - khác với cỏ du – tiểu nhân vậy). Lúc về, chúng tôi ghé cầu họ Đoàn, lên bờ, trải chiếu tre trên đất, ngồi nói chuyện một hồi lâu. Tiếng ồn ào trong thành vẳng lại, chúng tôi thấy khó chịu như ruồi nhặng vo ve bên tai. Lúc đó sao bắt đầu thưa, sương trải trên hồ trắng mờ mờ. Tiếng trống trên lầu của thành trầm trầm điểm canh tư, chúng tôi ôm cầm xuống thuyền chèo về nhà. “Một đêm nghe tiếng gió mưa, nệm, chiếu đã có hơi lạnh mùa thu. Thu Phù thay y phục, tôi ngồi bên án gần nàng, đương vẽ cho xong tập bách hoa đồ kí, nghe có tiếng lá rụng, rớt ở dưới cửa sổ, Thu Phù đương soi gương ngâm: ----”Hôm qua vui hơn hôm nay,----Năm nay già hơn năm ngoái”. Tôi an ủi nàng: “Đời sống không được trăm năm, hơi đâu xót xa vì lá rụng?”. Rồi tôi ném bút xuống. Đêm đã khuya, Thu Phù muốn uống, lò đã tắt mà người ở đã ngủ cả rồi. Tôi lấy cây đèn dầu trên bàn, đặt trong cái lò nhỏ thường nấu trà để hâm lại một chén chè sen cho nàng. Ở suối Bào Hổ có nhiều cây ba đậu mọc trên đá. Tới mùa, hoa vàng phủ cả những bực đá và hương thơm ngào ngạt, tưởng như ở tiên cảnh. Tôi ưa loại hoa đó, thường cùng với Thu Phù pha trà ở dưới gốc. Nàng vói hái vài bông cắm trên mái tóc, tóc móc vào cành lá, rối bù lên, tôi lấy nước suối vuốt lại cho. Khi về chúng tôi bẻ ít cành, cắm ở sau xe, để lúc vô thành, mọi người biết tin mới về thu”. B. VÂN Trong bộ “Phù sinh lục kí”, một hoạ sĩ vô danh chép những chuyện vặt trong khuê phòng. Cả hai vợ chồng tác giả đều là những tam hồn bình dị rán hưởng mỗi phút vui trong đời và lời văn rất bình dị. Đôi khi tôi cho nàng Vân là người đàn bà khả ái nhất mà hành động còn ghi lại trong văn học Trung Quốc. Đời sống của họ thê thảm mà thật phóng lãng, một sự phóng lãng phát xuất tự tâm hồn. Chúng ta nên để ý rằng cái vui của họ phần lớn do hưởng thụ thiên nhiên. Dưới đây tôi xin trích vài đoạn: “Đêm thất tịch[11] năm nay (1780), Vân bày hương nến, hoa quả, để lễ Thiên tôn[12] trong cái hiên của chúng tôi. Tôi đem hai con dấu đã khắc câu “Nguyện đời đời kiếp kiếp làm vợ chồng nhau”, giữ lấy con dấu khắc nổi, đưa nàng con dấu khắc chìm, để dùng trong những lúc thư từ với nhau. Đêm đó trăng đẹp, cúi xuống nhìn vũng sông, sóng lóng lánh như tơ. Bận áo là nhẹ, cầm chiếc quạt nhỏ, chúng tôi ngồi ở cửa sổ bên nước, ngửng đầu ngó mây bay, thiên hình vạn trạng trên trời. Vân nói: “Vũ trụ mênh mông, đâu cũng trăng này. Không biết đêm nay trên thế gian, còn ai có tình dào dạt như đôi ta không?”. Tôi đáp: “Ngắm trăng ngóng gió, đâu mà chẳng có người như chúng ta, (…)”. Không bao lâu, đèn tắt, trăng chìm, dọn hoa quả, về ngủ. “Rằm tháng bảy, là ngày cúng Thập loại Chúng sinh, Vân dọn một tiệc nhỏ, cùng uống rượu dưới trăng; nhưng đến tối, mây mù bỗng xuất hiện. Vân âu sầu bảo: “Nếu Trời muốn em với anh được bạch đầu giai lão thì xin cho trăng hiện ra”. Tôi cũng thất vọng. Nhìn bên kia sông, thấy đom đóm chớp chớp, như có vạn điểm qua lại trong đám liễu và cỏ trên bờ nước. Để tiêu sầu, chúng tôi làm thơ liên cú, cứ mỗi người làm hai câu rồi người kia làm tiếp; làm được ít vần, thấy càng làm thêm càng vô nghĩa, loạn ý (…). “Trong khi chuyện trò, đêm đã sang canh ba, thì gió đâu thổi tới, mây tan hết, trăng tròn sáng rực, chúng tôi rất mừng, tựa cửa uống rượu. Chưa uống được ba chén thì bỗng nghe dưới cầu có tiếng như ai nhảy tõm xuống sông. Cúi nhìn xuống không thấy gì cả, nước phẳng như gương, chỉ nghe tiếng một con vịt bơi trong vũng”. 4. ĐÁ VÀ CÂY Tôi không biết rồi chúng ta sẽ đi tới đâu. Chúng ta cất những ngôi nhà vuông vức, cất từng dãy dài hai bên những con đường thẳng băng trơ trụi không một bóng cây. Không còn những con đường ngòng ngoèo nữa, không còn những ngôi nhà cổ nữa và vườn trong các châu thành, phần nhiều không ra hồn cái vườn. Chúng ta đã gạt bỏ thiên nhiên ra khỏi đời sống, chúng ta sống trong những ngôi nhà không có nóc, y như những cái nhà mà bọn trẻ con quạu quọ bất thường dựng bằng những khúc gỗ vuông để chơi, dựng chưa xong thì bỏ dở. Con người văn minh, đã mất tinh thần yêu thiên nhiên rồi và chúng ta muốn khai hoá cả cây cối nữa. Đôi khi chúng ta nghĩ tới việc trồng cây trong các đại lộ, nhưng lại bắt cây phải đứng chỉnh tề, cách nhau đều đặn như sắp lính cho dễ đếm, rồi lại khử trùng nó, cắt xén nó thành một hình mà chúng ta tưởng là đẹp. Vậy có một vấn đề quan trọng là phải tìm lại thiên nhiên đem nó trở về đời sống của ta. Khi phải sống trong một căn nhà cách xa những khoảng đất có cây cối thì một tâm hồn nghệ sĩ tới mấy cũng đành thúc thủ. Cái gì cũng giả tạo hết, cực kì giả tạo, giả tạo một cách không sao cứu vãn được. Còn có gì đâu để ngắm, trừ những ngôi nhà chọc trời với những hàng cửa sổ chiếu sáng ban đêm? Nhìn những ngôi nhà và những hàng cửa sổ đó, người ta càng hãnh diện về sức mạnh của văn minh, mà quên mất rằng mình là những sinh vật nhỏ bé, yếu ớt. Trước hết phải cho mỗi người một chút đất trống. Muốn biện hộ cách nào thì biện hộ, một nền văn minh không cho con người đủ đất ở là một nền văn minh lầm lẫn. Nếu sau này có một nền văn minh mới, cho mỗi người một mẫu đất thì là một bước đầu đáng mừng rồi đấy. Mỗi người sẽ có được vài gốc cây, gốc cây của mình, sẽ có vài tảng đá, tảng đá của mình. Người ta sẽ lựa chỗ nào có sẵn cây lớn, nếu không có thì sẽ trồng ít gốc cây mau lớn như cây tre, cây liễu. Và lúc đó sẽ khỏi phải nuôi chim trong lồng nữa vì chim sẽ tới, sẽ được nghe tiếng ếch nhái ban đêm và được thấy cả vài con rắn mối, vài con nhện. Trẻ con sẽ không phải học vạn vật trong tủ kính, sẽ thấy gà con trong trứng chui ra cách nào, và sẽ không ngu xuẩn một cách đáng thương về những vấn đề sinh lí như nhiều trẻ trong các “gia đình nền nếp” ngày nay. Chúng sẽ sung sướng được trông thấy rắn mối chiến đấu với con nhện. Và chúng sẽ được hưởng cái thú vầy đất. Trong một chương trên, tôi đã nói người Trung Hoa yêu đá ra sao, do đó mà trên các bức hoạ họ rất thích vẽ đá. Nhưng điều đó chưa đủ giảng được lòng họ yêu giả sơn. Nguyên do là vì núi đá vĩ đại, kiên cố, có tính cách vĩnh cửu. Nó u tĩnh, không hề lay chuyển được, có cái tinh thần cương cường bất khuất của các vị anh hùng; mà lại độc lập như các vị ẩn sĩ thoát li được trần tục. Nó lại trường thọ, mà người Trung Hoa yêu tất cả những cái gì trường thọ. Thứ nhất là đứng về phương diện nghệ thuật, nó có vẻ khôi vĩ, hùng kì, tranh vanh, cổ nhã. Ngoài ra nó còn cho ta một cảm giác chon von. Một mỏm đá cao cả trăm thước dựng đứng trên mặt đất, nhìn nó ai mà không rùng rợn, như trước cảnh nguy hiểm, cho nên người Trung Hoa gọi cảm giác đó là “nguy”. Nhưng không phải ai ngày nào cũng đi chơi núi được, cho nên phải đem đá về nhà mà chơi, do đó từ lòng yêu cảnh núi non hùng vĩ chuyển qua lòng chơi giả sơn trong vườn. Từ đời Tống, một hoạ gia danh tiếng là Mễ Phí viết một cuốn về phép ngắm đá. Một tác giả khác cũng đời Tống viết một cuốn thạch phổ tả rõ ràng mấy trăm loại đá sản xuất ở mọi nơi, và dùng để đắp giả sơn. Điều đó chứng tỏ rằng từ đời Tống người Trung Hoa đã thích chơi giả sơn. Người chơi đá chú ý tới màu sắc, vân, mặt đá (mịn hay không) và có khi cả tới tiếng kêu khi gõ vào đá nữa. Đá càng nhỏ, càng phải chú ý tới cái vân và cái mặt mịn của nó. Nhiều người thu thập các loại nghiên mực và con dấu bằng đá, thành thử nghệ thuật chơi đá càng phát triển. Muốn hiểu rõ tất cả những công dụng của đá trong sự trang hoàng nhà cửa, sân vườn, thì phải nghiên cứu phép viết chữ (thư pháp) của Trung Hoa. Phép đó chú trọng đến cái thế, cái nhịp nhàng của nét. Một khối đá cần gây được cảm giác hùng vĩ, bất tục, nhưng các đường nét của nó cũng phải có thế, phải nhịp nhàng nữa, phải đường đột, tự nhiên, chứ không phải là hình tròn, hình tam giác. Lão Tử trong cuốn Đạo Đức Kinh thường xưng tán những thứ đá quí không dục đẽo. Tuyệt nhiên không nên tô điểm thiên nhiên, và nghệ thuật hoàn toàn nhất thì không để lộ một chút gắng sức nào của nghệ sĩ, phải tự nhiên như mây bay, nước chảy, không thấy chút đục đẽo nào cả, như các nhà phê bình Trung Hoa thường nói. Qui tắc đó áp dụng vào tất cả các nghệ thuật. Cái đẹp phải linh động, hoạt bát, biến đổi. Cho nên hầu hết các giả sơn đều dùng những phiến đá không đục đẽo. Lòng yêu cây dễ hiểu hơn lòng yêu đá nên phổ biến hơn. Nhà không có cây cối chung quanh thì trơ trẽn cũng như người không bận quần áo. Cây khác với nhà ở chỗ nhà do người xây dựng còn cây thì tự nhiên mọc, mà thiên tạo vẫn đẹp hơn nhân tạo. Vì muốn cho tiện lợi, chúng ta dựng những bức tường thẳng và xây những nền nhà cùng một mực trong mọi phòng. Người ta có xu hướng dùng những đường thẳng và hình vuông, nhưng nếu không trồng cây che bớt thì những đường, những hình đó không sao coi được. Về màu sắc, người ta cũng không dám dùng màu xanh lá cây, mà thiên nhiên thì dám dùng, dùng rất nhiều nữa, cây nào cũng sơn xanh hết. Trong số hàng ngàn hàng vạn loài cây, các danh sĩ và thi nhân Trung Hoa cảm thấy rằng vài loại cây có vẻ đặc biệt vì cái thế và đường nét của nó hợp với phép viết chữ (thư pháp) và gây cho ta cái thú thưởng ngoạn. Cây nào cũng có vẻ dễ coi, nhưng chỉ có một số có tư thế, phong vận đặc biệt, nên đứng riêng ra và gợi cho ta những tình cảm đặc biệt: cây cảm-lãm (olive) chẳng hạn không có cái thế tranh vanh như cây tùng, mà cây liễu thì mềm mại chứ không hùng kì. Vì vậy một số cây thường được hoạ hoặc vịnh trong thi ca; nhất là loại tùng hùng vĩ, loại mai thanh kì, loại trúc thanh nhã, thân mật và loại liễu yểu điệu như thiếu nữ. Tùng có vẻ đẹp nhất và có thi vị nhất. Hơn tất cả các loài khác, nó có vẻ thanh cao, vì ta nên nhớ, trong loài cây cũng có thứ thanh cao, có thứ tầm thường, có thứ nhã, có thứ tục. Cho nên nghệ sĩ Trung Hoa khen một cây tùng là hùng vĩ cũng như Matthew Arnold khen Homère là hùng vĩ. Đẹp cũng có nhiều vẻ: có cái đẹp nhu hoà, có cái đẹp thanh nhã, có cái đẹp hùng vĩ, có cái đẹp trang nghiêm, có cái đẹp kì dị, có cái đẹp thô bạo, có cái đẹp mạnh mẽ, có cái đẹp cổ kính. Chính vì có vẻ đẹp cổ kính mà cây tùng có một địa vị đặc biệt; nó như một cao sĩ ở ẩn, bận áo trắng, chống gậy trúc, đi trong núi. Lí Lạp Ông bảo rằng ngồi trong vườn trồng đầy liễu và đào, mà bên cạnh không có cây tùng thì không khác nào ngồi chung với bọn trai thanh gái lịch mà bên cạch không có một ông già để chỉ giáo mình. Người Trung Hoa chơi tùng, lựa những cây già; càng già càng đẹp vì càng hùng vĩ. Cây bách cũng hùng vĩ, được quí gần như cây tùng, cành nó cong queo mà lại rủ xuống. Những cây mà cành lá đưa lên, tượng trưng cho thiếu niên, còn những cây rủ xuống tượng trưng cho ông già ngó xuống đàn trẻ. Tôi đã nói rằng tùng khả ái ở chỗ nó có ý nghĩa về nghệ thuật, nó đại biểu cho thái độ ẩn dật, u tĩnh, hùng vĩ. Vì vậy mà người ta thường vẽ tùng với đá và một ông già. Lão Tử bảo đại khối trầm tĩnh vô ngôn, mà cây tùng cũng vô ngôn, yên lặng nhìn xuống thế giới, tựa như đã từng trải tang thương ở cõi đời rồi. Nó như một ông già minh trí, cái gì cũng biết, nhưng không muốn nói ra, thành thử nó có vẻ vĩ đại mà thần bí. Loài mai khả ái ở cái vẻ lãng mạn và ở cái hương thơm của nó. Các thi nhân thường gọi tùng, trúc, mai là “tam kiệt” hoặc “tam hữu” của mùa đông; vì trúc và tùng quanh năm xanh mà mai tới cuối đông đầu xuân lại nở hoa, tượng trưng cho sự cao khiết. Hương của mai cũng đặc biệt, trời càng lạnh thì càng thơm, người ta gọi là “lãnh hương” (hương lạnh). Nó với lan tượng trưng cho phong vận u tĩnh. Thi sĩ ẩn dật đời Tống là Lâm Hoà Tĩnh, thường tự cười mình là cưới mai làm vợ, nuôi hạc làm con. Di tích của ông nay còn ở núi Côn Sơn, tại Tây Hồ, bên cạnh mộ ông có một ngôi mộ của hạc, mỗi năm thi nhân văn sĩ tới viếng rất đông. Câu thơ dưới đây: ----”Ám hương phù động ảnh hoành tà”[13]----Chập chờn hương thoảng, bóng cành xiên ngang.--------------------------------------------- (Giản Chi dịch) được các thi nhân khen rằng chỉ có bảy chữ mà tả được hết cái đẹp của mai, không thêm không bớt được một chữ. Người ta yêu trúc vì cành lá nó mãnh mai, mềm mại, cho nên ưa trồng trong vườn để hưởng thú gia đình. Vẻ đẹp của nó là cái vẻ tươi cười, ôn hoà. Trúc càng gầy nhỏ, càng thưa thớt thì càng đẹp, nên người ta chỉ trồng vài ba gốc thôi. Vẽ vài ba cành thôi, cũng như vẽ mai chỉ nên vẽ một cành một. Vẽ trúc, nên vẽ một tảng đá ở bên, vì trúc và đá phối hợp đặc biệt với nhau. Liễu rất mau lớn, nên trồng ở bờ nước. Loài đó tượng trưng cái đẹp của phụ nữ, cho nên Trương Trào bảo là “liễu dễ cảm lòng người”. Người đàn bà đẹp, mảnh mai, người Trung Hoa gọi là mình liễu. Các vũ nữ bận áo rộng để múa cho có cái vẻ cành liễu múa trước gió. Vì liễu dễ trồng nên ở Trung Hoa nhiều nơi trồng những rặng liễu dài mấy dặm, gió nổi lên, thành những đợt “sóng liễu”. Loài hoàng oanh và ve sầu rất ưa đậu ở cành liễu, cho nên vẽ liễu người ta thường vẽ thêm mấy con hoàng oanh hoặc con ve. Vì vậy trong mười cảnh đẹp ở Tây Hồ có một nơi gọi là “Liễu lãng đấu oanh” (Trong sóng liễu oanh tranh nhau hót). Ngoài ra còn nhiều loại cây khả ái nữa, mỗi cây có một vẻ. Đặc biệt là miền Mộc Độc, bên bờ Thái Hồ ở Tô Châu có bốn loài bách già có tên là “thanh”, “kì”, “cổ”, “quái”. Loài “thanh bách” thân cây đâm thẳng lên trời, cành lá xoè ra như cái tán; loài “kì bách” nằm ngang trên đất, thân cành uốn thành hình chữ Z; loại “cổ bách” trụi lá, đưa những cành nửa khô lên trời như những ngón tay; loại “quái bách” từ gốc trở lên, thân vặn vẹo như trôn ốc. Điểm quan trọng nhất là yêu cây chẳng phải chỉ vì cây mà còn vì những vật thiên nhiên khác như mây, đá, điểu, trùng và người. Trương Trào bảo: “Trồng hoa để mời bướm, chất đá để mời mây, trồng tùng để mời gió… trồng chuối để mời mưa, trồng liễu để mời ve”. Người ta yêu cây thì yêu cả tiếng chim hót trên cây, yêu đá thì yêu cả tiếng dế gáy bên đá, vì có cây thì có chim hót, có đá thì có dế gáy. Người Trung Hoa thích nghe tiếng ếch, nhái, tiếng dế, tiếng ve hơn là yêu mèo, chó và các loài gia súc khác. Tất của các loài động vật chỉ có hạc là được quí ngang với tùng và mai, vì nó cũng tượng trưng cho sự ẩn dật. Cao sĩ nào thấy một con hạc hoặc một con cò trắng, thanh khiết, ngạo nhiên độc lập ở trong một cái đầm hay hồ vắng vẻ cũng ước ao được biến thành loài hạc. Trịnh Bản Kiều, trong một bức thư viết cho em, khuyên đừng nhốt chim trong lồng, vì chúng ta nên dung hoà với thiên nhiên mà vui với vạn vật: “Anh bảo em không nên nhốt chim trong lồng không phải là vì anh không yêu chim, mà vì có một cái đạo yêu chim, nuôi chim. Muốn nuôi chim thì không gì bằng trồng vài trăm cây chung quanh nhà để chim tới đó tìm lá xanh bóng mát mà làm tổ. Như vậy, sáng sớm, tỉnh dậy, còn trăn trở trên giường, chúng ta đã được nghe tiếng chim ríu rít như khúc hoà tấu trên thiên cung. Tới khi khoát áo, xuống giường rồi, rửa mặt xúc miệng uống tà, thấy nó vỗ cánh rực rỡ, bay qua bay lại, mắt ta nhìn theo không kịp; cái vui nhìn chim trong lồng sánh đâu được với cái vui đó? Lạc thú ở đời phải do cái quan niệm coi vũ trụ là một khu vườn, sông ngòi là những cái vũng, mà vật nào cũng được vui sống hợp với bản tính của nó; lạc thú đó mới thật lớn, gấp bao lần cái thú vui nhìn chim lồng cá chậu!”. 5. BÀN VỀ HOA VÀ HÁI HOA Tiết này, bản tiếng Pháp bỏ, không dịch. Chúng tôi tóm tắt những đoạn tác giả bàn về các loại hoa trồng ở nước ta hoặc thường được vịnh trong văn thơ Trung Quốc. Hoa có thứ hương nồng như lài, có thứ hương tĩnh như lan, hương càng tĩnh càng quí; có thứ sắc rực rỡ, có thứ sắc đạm nhã, càng đạm nhã càng quí. Hoa nở có mùa, trồng sen ta tưởng tượng cảnh gió mát trên bờ hồ, ngắm mai ta nhớ cảnh tuyết mùa đông… Lan, cúc, mai, sen, mẫu đơn là những danh hoa, tuỳ sở thích mỗi người. Thi nhân Trung Hoa thường cho mai là hoa khôi vì nó nở vào dịp Tết, ngày đầu năm, trước cả các loài hoa khác, nhưng có người cho mẫu đơn là hoa vương. Thứ hoa này tượng trưng cho phú quí, đời Đường rất trọng, còn hoa mai tượng trưng cho ẩn dật. Tương truyền Vũ Tắc Thiên (tức Vũ Hậu đời Đường), khi lâm triều rồi, có lần nẩy ra cuồng hứng, hạ chiếu bắt các hoa trong vườn Thượng Uyển, tới một ngày nào đó trong mùa đông, phải cùng nở một lúc; các loài hoa đều tuân mệnh cả, trừ loài mẫu đơn, nở trể mất vài giờ. Vũ Tắc Thiên nổi giận, hạ chiếu đày mấy trăm chậu mẫu đơn trong vườn Thượng Uyển (ở kinh đô, tức Tây An) xuống Lạc Dương; vì vậy mà về sau loài hoa đó rất thịnh ở Lạc Dương. Trung Hoa hồi xưa có đến chín chục giống mẫu đơn, mỗi giống có một tên nên thơ. Lan trái hẳn với mẫu đơn, có cái đức “cô phương độc thưởng”, không cần người ta biết tới mình, chỉ thích những hang sâu mà ghét nơi náo nhiệt; cho nên có từ ngữ “không cốc u lan” để trỏ các cao sĩ ẩn cư. Thi sĩ Lâm Hoà Tĩnh rất yêu mai, nho gia Chu Liêm Khê rất yêu sen, Đào Uyên Minh rất yêu cúc. Có rất nhiều giống cúc, mỗi giống một màu sắc, một hình dáng, nhưng màu trắng và vàng mới là chính sắc. Tôi yêu sen nhất vì nó có cả sắc lẫn hương mà không bộ phận nào của nó là vô dụng. Hải đường trồng nhiều nhất ở Tứ Xuyên, quê hương Đỗ Phủ, vậy mà trong thơ, Đỗ tuyệt nhiên không nhắc tới; có người bảo tại Đỗ kiêng tên mẹ. Thuỷ tiên sản xuất ở Phúc Kiến, quê hương của tác giả, từ rễ đến lá đều tĩnh khiết, hoa đẹp mà thơm, nhưng người Trung Hoa cho là loài thê lương, vì theo truyền thuyết thì hồi xưa có một người đi khắp thiên hạ tìm người anh bị dì ghẻ đuổi đi, mà không gặp, sau chết, biến thành con đỗ uyên, suốt ngày khóc đến nỗi nước mắt ra thành máu, và biến thành thuỷ tiên. Bẻ hoa, cắm hoa cũng là một nghệ thuật đã phát triển ở Trung Hoa từ thế kỉ mười một. Trong bộ Phù Sinh Lục Kí, chương Nhàn tình kí thú, có một đoạn bàn về cách bẻ hoa cắm hoa. 6. THUẬT CẮM HOA VÔ BÌNH CỦA VIÊN TRUNG LANG Tiết này cũng không có trong bản tiếng Pháp. Viên Trung Lang, một tác giả ở thế kỉ mười sáu, viết bộ Bình sử bàn về nghệ thuật cắm hoa vào bình, được người Nhật rất thích, và ở Nhật có một phái, gọi là Viên phái, cắm hoa theo phép của ông. Đặc điểm của phép đó có thể tóm tắt trong mấy chữ như sau: “Nữ tì đứng chung với cô chủ” (tì chi phối chủ). Nguyên từ xưa, các gia đình giàu có ở Trung Hoa có tục lựa một nữ tì để suốt đời phục vụ một thiếu nữ, thiếu nữ về nhà chồng thì nữ tì cũng đi theo và có khi làm vợ bé cho ông chồng của cô chủ nữa. Vì vậy nữ tì cần đẹp, thông minh, có khi được học chữ, học đàn như chủ. Viên Trung Lang bảo cắm hoa trong bình cũng nên lựa một cành làm “chủ”, một cành làm “tì”. Chẳng hạn hoa mai nên lấy hoa sơn trà là “tì”, hoa cúc nên lấy hải đường mùa thu làm “tì”, hoa lựu nên lấy hoa tử vi làm “tì”, hoa sen nên lấy hoa ngọc trâm làm “tì”...; Lâm Ngữ Đường bảo chỉ cần biết nguyên tắc là “chủ” và “tì” phải hợp nhau, còn như đẹp thế nào được làm “chủ”, thế nào phải làm “tì” thì chính Lâm cũng chịu không giảng được. Vả lại tuy gọi là “tì” mà không có ý khinh miệt; “chủ” với “tì” đều làm tôn vẻ đẹp của nhau lên.Viên Trung Lang cho những người không biết đam mê một thứ gì là những người đáng ghét; mà những người mê hoa là đáng mến nhất.Thưởng hoa mà uống trà là cao nhã hơn cả; rồi tới không uống gì mà chỉ đàm đạo thôi; uống rượu thưởng hoa là thấp nhất.Tưới hoa phải dùng nước suối trong vẩy nhè nhẹ như mưa phùn, tay không nên đụng tới hoa. Tưới mai nên để cho nhà ẩn sĩ, tưới hải đường nên để khách phong nhã hoặc thi sĩ, tưới mẫu đơn nên để thiếu nữ đẹp, tưới cúc nên để khách hiếu cổ và kì đặc... 7. VÀI CÂU CÁCH NGÔN CỦA TRƯƠNG TRÀO Thiên nhiên bao quát cả thanh âm màu sắc, thể thức, tinh thần, không khí, và một người biết nghệ thuật hưởng đời trước hết phải biết lựa tinh thần của thiên nhiên rồi dung hợp tinh thần của mình với tinh thần của thiên nhiên. Các văn nhân Trung Hoa đều có thái độ đó, nhưng không ai bằng Trương Trào (một thi sĩ ở giữa thế kỉ mười bảy). Cuốn “U mộng ảnh” của ông chứa nhiều câu cách ngôn cũng như nhiều tác phẩm khác của Trung Hoa, nhưng không cuốn nào bằng cuốn của ông. Cách ngôn của ông so với ngạn ngữ thì không khác chi truyện của Andersen so với truyện thần tiên của Anh, hoặc những khúc ca của Schubert so với các khúc dân ca. Cuốn đó được các văn nhân Trung Hoa rất thích đọc và nhiều nhà đọc xong, thì ghi thêm ít lời phê bình trang nhã. Tôi chỉ xin lựa ít câu cách ngôn đặc biệt nhất bàn về thuật hưởng thụ thiên nhiên. Có vài câu bàn về vấn đề nhân sinh, vừa hay vừa xác đáng, có thể coi là phần quan trọng nhất của toàn bộ, nên tôi cũng trích thêm ở cuối tiết. Hoa không thể không có bướm, núi không thể không có suối, đá không thể không có rêu, nước không thể không có rong, cây lớn không thể không có dây leo, và người không thể không nghiện[14] một thứ gì. Thưởng hoa nên ngồi với giai nhân, uống rượu ngắm trăng nên ngồi với khách tao nhã, ngắm tuyết nên chung với cao sĩ. Đứng trên lầu mà ngắm núi, đứng trên thành mà ngắm tuyết, đứng trước đèn ngắm trăng, ngồi trong thuyền mà ngắm mây, đứng dưới trăng mà ngắm người đẹp, mỗi cảnh có mỗi tình. Đá ở bên gốc mai nên cổ kính, đá ở dưới gốc thông nên thô, đá ở bên gốc trúc nên gầy, đá ở trong bồn nên đẹp. Có núi xanh thì có nước xanh, nước mượn sắc của núi; có rượu ngon thì có thơ hay, thơ cũng mượn cái thần của rượu. Gương chẳng may mà gặp người đàn bà xấu, nghiên mực chẳng may mà gặp tục tử, kiếm chẳng may mà gặp một viên tướng tầm thường, thì còn biết làm sao được nữa! Hoa không nên thấy rụng, trăng không nên thấy chìm, người đẹp không nên thấy chết yểu. Trồng hoa nên thấy hoa nở, đón trăng nên thấy trăng tròn, viết sách nên viết cho xong, mĩ nhân nên thấy vui vẻ, sung sướng, nếu không thì uổng công. Ngắm đàn bà vào buổi sáng, nên đợi lúc phấn son xong. Có những bộ mặt xấu mà dễ coi, có những bộ mặt không xấu mà khó coi; có những áng văn viết không thông (mẹo) mà khả ái, có những văn viết thông mà đọc rất chán. Điều đó, không dễ gì giảng cho hạng nông cạn hiểu được.Lấy lòng yêu hoa mà yêu mĩ nhân thì tất có cái thú riêng; lấy lòng yêu mĩ nhân mà yêu hoa thì thêm cái thâm tình và thêm lòng nâng niu, thương tiếc.Mĩ nhân hơn hoa ở chỗ biết nói; hoa hơn mĩ nhân ở chỗ toả hương. Nếu không được cả hai thì bỏ hương mà lựa biết nói. Thường hoa đẹp thì không thơm, cánh nhiều tầng thì không thành trái[15]. Gọi là mĩ nhân thì mặt đẹp như hoa, tiếng nói như chim, tinh thần như trăng, vẻ như liễu, xương như ngọc, da như băng tuyết, dáng như nước thu, lòng như thơ, ta không còn chỗ nào chê cả. Trong thiên hạ không có sách thì thôi, có thì phải đọc; không có rượu thì thôi, có thì phải uống; không có núi đẹp thì thôi, có thì phải tới chơi; không có hoa có trăng thì thôi, có thì phải thưởng ngoạn; không có tài tử giai nhân thì thôi, có thì phải mến yêu, thương tiếc. Người đàn bà xấu không cho gương là thù địch vì nó là vật vô tri, nếu gương mà hữu trí thì tất cả đã tan tành rồi. Mua được một chậu hoa đẹp còn nâng niu thương tiếc, huống là đối với một “đoá hoa biết nói”. Không có thơ rượu thì sơn thuỷ cũng vô nghĩa; nếu không có đàn bà đẹp thì trăng hoa cũng vô ích. Tài tử mà lại đẹp, giai nhân mà lại biết làm văn đều là không thọ được. Không phải chỉ vì Tạo vật đố kị, mà còn vì hạng người đó không phải là bảo vật của một thời, mà là bảo vật của cổ kim vạn đại, cho nên tạo hoá không muốn cho lưu lại lâu trên đời mà hoá nhàm. Vật mà dễ cảm lòng người, trên trời không gì bằng trăng, về nhạc không gì bằng đàn cầm, trong loài động vật không gì bằng chim quyên, trong loài thực vật không gì bằng liễu. Vì trăng mà lo có mây, vì sách mà lo có mọt, vì hoa mà lo gió mưa, vì tài tử giai nhân mà lo mệnh bạc; đó đều là tấm lòng Bồ Tát cả. Người xưa nói: “Nếu không có hoa, nguyệt, mĩ nhân thì xin đừng sinh ở thế giới này”. Tôi xin thêm một câu: “Nếu không có bút, mực, cờ, rượu thì không nên làm người”.Nhân tuyết mà nhớ tới cao sĩ, nhân hoa mà nhớ tới mĩ nhân, nhân rượu mà nhớ tới hiệp khách, nhân trăng mà nhớ tới bạn quí, nhân sơn thuỷ mà nhớ tới những thơ văn đắc ý. Có cảnh sơn thuỷ trên đất[16], có cảnh sơn thuỷ trên tranh, có cảnh sơn thuỷ trong mộng và có cảnh sơn thuỷ trong lòng. Cảnh sơn thuỷ trên đất đẹp ở chỗ gò hang u tịch, cảnh sơn thuỷ trên tranh đẹp ở chỗ nét bút thấm thía; cảnh sơn thuỷ trong lòng đẹp ở chỗ mỗi vật đều đúng vị trí. Măng tre là vật quí trong loài rau, quả vải là vật quí trong các loại trái cây, cua là vật quí trong loài thuỷ tộc, rượu là vật quí trong sự ẩm thực, trăng là vật quí trên trời, Tây Hồ là vật quí về sơn thuỷ, từ khúc là vật quí trong văn chương.Phải có duyên mới được du ngoạn thắng cảnh; nếu duyên chưa tới thì dù ở cách thắng cảnh chỉ vài chục dặm cũng không nhàn nhã mà đi được. Hình ảnh trong gương là những bức chân dung có màu; bóng dưới trăng là những nét phác bằng mực; hình ảnh trong gương là những bức hoạ rõ ràng từng nét, bóng dưới trăng là những bức hoạ “một cốt” (không có xương). Cảnh sơn thuỷ trên trăng là địa lí trên trời, bóng trăng sao trên nước là thiên văn trên đất. Xuân là lòng tự nhiên của trời, thu là tính tình thay đổi của trời. Người xưa cho mùa đông là “ba tháng dư” (hoặc ba tháng để nghỉ ngơi). Tôi cho rằng mùa hè mới là ba tháng dư: sáng sớm dậy là cái dư của đêm, đêm ngồi chơi là cái dư của ngày, ngủ trưa là cái dư của sự thù ứng. Cổ thi có câu: “Ta yêu mùa hè ngày dài”, lời đó đúng.Răn mình thì nên như cái khí (nghiêm khắc) mùa thu; xử thế thì nên như cái khí (ôn hoà, vui vẻ) mùa xuân. Thơ và văn được như cái khí mùa thu thì là hay, từ và khúc mà được như cái khí mùa xuân thì là hay. Mùa xuân nghe tiếng chim, mùa hè nghe tiếng ve, mùa thu nghe tiếng trùng, mùa đông nghe tiếng tuyết; ban ngày nghe tiếng đánh cờ, dưới trăng nghe tiếng tiêu, trong núi nghe tiếng tùng, bên nước nghe tiếng sóng vỗ, như vậy sống không uổng.Dưới tùng nghe tiếng cầm, dưới trăng nghe tiếng tiêu, bên suối nghe tiếng thác đổ, trong núi nghe tiếng tụng kinh, mỗi tiếng có một cái thú riêng. Mọi thứ tiếng đều nên nghe xa, duy có tiếng đàn cầm là xa gần đều được. Nước có bốn thứ tiếng: tiếng thác, tiếng suối, tiếng ghềnh, tiếng ngòi rạch; gió có ba thứ tiếng: tiếng “sóng tùng” (gió thổi trong tùng, nghe ào ào như tiếng sóng), tiếng lá thu, tiếng sóng ầm ầm; mưa có hai thứ tiếng: tiếng thưa thớt trên lá ngô đồng, lá sen, tiếng giọt gianh rớt trong thùng tre. Mưa có thể làm cho ngày ngắn và đêm dài.Mưa xuân như chiếu vua ban ân, mưa hè như chiếu vua xá tội, mưa thu như tiếng điếu người chết. Mùa xuân mưa nên đọc sách, mùa hè mưa nên đánh cờ, mùa thu mưa nên lục những đồ cất trong rương, mùa đông mưa nên uống rượu. Tôi muốn viết thư gởi cho Thần Mưa, xin rằng mùa xuân sau tết Thượng Nguyên hãy mưa cho tới mười ngày trước tiết Thanh minh (lúc đó ở Trung Hoa đào bắt đầu nở), rồi sau Thanh Minh mưa cho tới tiết Cốc vũ (lúc đó ở Trung Hoa là mùa trồng lúa); mùa hè thì cứ mỗi tháng mưa trước ngày thượng huyền và sau ngày hạ huyền; mùa thu chỉ mưa trong thượng tuần và hạ tuần tháng bảy và tháng chín; còn ba tháng mùa đông thì xin đừng mưa. Tiếc rằng trăng non mau lặn mà trăng khuyết (hạ tuần) chậm lên.Dưới trăng nghe tiếng tụng kinh (hay chuông chùa) thì cái thú càng sâu xa; dưới trăng mà bàn về kiếm thuật thì can đảm càng tăng; dưới trăng mà bàn về thi thơ thì phong thái càng tĩnh; dưới trăng mà đối diện mĩ nhân thì tình ý càng nồng.Phép ngắm trăng: trăng tỏ nên ngửng nhìn, trăng mờ nên cúi nhìn.Gió xuân như rượu, gió hè như trà, gió thu như khói, gió đông như gừng, cải (cay: ý nói buốt). Trong thiên hạ, được một tri kỉ, có thể không ân hận rồi. Người ta cho là bận rộn thì mình coi là thảnh thơi, có như vậy mới có thể bận rộn cái mà người ta cho là thảnh thơi. Không có gì vui bằng nhàn, nhàn không phải là không làm gì. Có nhàn mới đọc được sách, mới đi coi được những thắng cảnh, mới giao du được với những bạn bè có ích, mới uống rượu được, mới viết sách được. Có cái vui nào lớn hơn vậy nữa? Mây được mặt trời chiếu vào rồi mới thành ráng, suối treo vào đá rồi mới thành thác. Cũng là vật đó mà gởi vào một cái khác thì có tên khác. Cho nên cái đạo bạn bè rất đáng quí. Nói chuyện với bạn uyên bác như đọc sách lạ, nói chuyện với bạn phong nhã như đọc thi văn của danh nhân, nói chuyện với bạn nghiêm cẩn, đạo đức như đọc kinh truyện của thánh hiền, nói chuyện với bạn hoạt kê như đọc tiểu thuyết truyền kì. Kẻ sĩ nên có bạn thân. Bạn thân bất tất phải là bạn thề sống chết có nhau. Thường thì bạn thân là bạn cách xa nhau trăm ngàn dặm vẫn có thể tin nhau, không nghe những lời người ta nói xấu về bạn. Việc nào nên làm, nên ngưng thì thay bạn mà mưu tính quyết đoán; hoặc những lúc lợi hại, giúp bạn mà không cho bạn biết, cứ hết lòng vì bạn mà không lo rằng bạn có hiểu mình không. Tìm tri kỉ trong chỗ bạn bè là việc dễ, tìm tri kỉ trong chỗ thê thiếp là việc khó, tìm tri kỉ trong chỗ vua tôi càng khó nhất. Diễn được những ý người trước chưa diễn mới là sách lạ; nói được những điều khó nói về vợ con, mới là bạn thân. Ở thôn quê, có được bạn tốt thì mới thích. Hạng nông dân và tiều phu chỉ nói chuyện được về lúa má, mưa nắng, làm cho ta mau chán. Trong số bạn bè, người nào làm thơ được là quí nhất, rồi tới người nào nói chuyện được, rồi tới người nào ca hát được, sau cùng mới tới hạng người biết những trò chơi trong xã hội… Tuổi trẻ đọc sách như nhìn trăng qua cái kẽ, lớn tuổi đọc sách như ngắm trăng ở ngoài sân, tuổi già đọc sách như thưởng trăng trên đài. Do từng trải nhiều hay ít mà sở đắc nhiều hay ít. Có thể đọc những cuốn sách không có chữ (chẳng hạn cuốn sách ngoài đời) thì mới nói được những câu kinh nhân; có thể hiểu những điều giảng không được thì mới thấu được cái huyền vi nhất của đạo Phật. Văn chương bất hủ cổ kim đều viết bằng huyết lệ. Văn chương là sơn thuỷ trên án thư, sơn thuỷ là văn chương trên đất. Thú nhất là đọc sách; đọc sử thì vui ít mà giận nhiều, nhưng chỗ giận đó cũng là chỗ vui. Nên đọc kinh thư vào mùa đông, để tinh thần được chuyên nhất; nên đọc sử vào mùa hè vì ngày dài; nên đọc chư tử[17] vào mùa thu vì nhiều ý lạ; nên đọc chư tập[18] vào mùa xuân vì thời tiết đổi mới. Văn nhân mà bàn về binh thư, phần nhiều là bàn luận trên giấy (nghĩa là trên lí thuyết); võ tướng mà bàn về văn chương, một nửa là nghe lỏm. Người biết đọc sách thì cái gì cũng là sách: sơn thuỷ cũng là sách, cờ rượu cũng là sách, hoa nguyệt cũng là sách. Người biết đi coi phong cảnh thì cái gì cũng là sơn thuỷ: thư sử cũng là sơn thuỷ, hoa nguyệt cũng là sơn thuỷ. Người xưa muốn đọc sách mười năm, du ngoạn sơn thuỷ mười năm, rồi mười năm kiểm điểm lại kinh nghiệm. Tôi nghĩ kiểm điểm chẳng cần tới mười năm, chỉ hai ba năm cũng đủ, còn đọc sách và du ngoạn sơn thuỷ thì gấp hai, gấp năm lần mười năm cũng chưa mãn nguyện. Có lẽ “phải sống ba trăm năm” như Hoàng Cửu Yên nói, may mới đủ chăng? Cổ nhân nói: “Thơ, có khổ rồi mới khéo” (thi tất cùng nhi hậu công) vì có khốn khổ rồi giọng mới có nhiều cảm khái mà dễ có sở trường. Còn hạng người phú quí đã không lo buồn về cảnh nghèo hèn, thì chỉ vịnh về phong vân tuyết lộ, thơ có gì mà hay? Muốn thay đổi đi thì chỉ có cách đi du lịch, để được thấy núi sông, phong thổ, sản vật, nhân tình, hoặc thấy cái khổ của dân chúng sau những cuộc binh đao, trong những năm mất mùa vì hạn vì lụt, rồi tả trong thơ. Thế là mượn cái cùng sầu của người để cung cấp cho sự ngâm vịnh của ta. Vậy thơ cũng bất tất phải khổ rồi mới khéo. Một chữ “tình” để duy trì thế giới; một chữ “tài” để tô điểm càn khôn. Thà bị tiểu nhân mắng chứ không muốn bị quân tử khinh; thà bị giám khảo đui đánh hỏng chứ không muốn bị một học giả danh tiếng không biết tới. Người nên giống một bài thơ, vật nên giống một bức hoạ. Có những cảnh như rất u tĩnh mà thực ra thì tiêu điều, tức cảnh sương mù, cảnh mưa; có những tình cảnh như rất nhã mà thực ra rất khó chịu, tức cảnh nghèo khổ, đau ốm; có những tiếng nghe rất phong tao mà thực ra thì thô bỉ, như tiếng rao bán hoa. Cày ruộng, tôi làm không được, thôi thì tưới vườn vậy; đốn củi, tôi làm không được, thôi thì nhổ cỏ vậy. Tôi hận mười điều: một là sách dễ bị mối ăn; hai là mùa hè có nhiều muỗi; ba là sân thượng để ngắm trăng dễ rỉ nước; bốn là lá cúc thường héo; năm là tùng có nhiều kiến lớn; sáu là lá tre rụng trên đất nhiều quá; bảy là hoa quế và hoa sen mau tàn; tám là trong đám cỏ tiết thường có rắn; chín là hoa trên các mắt cáo thường có gai; mười là thịt nhím thường độc. Một người ngồi sau cửa sổ, vẽ lên mảnh giấy cửa sổ, ta đứng ngoài nhìn vào, thấy đẹp lạ. Gặp đời thái bình, sinh ra ở nơi có núi, có hồ mà quan chủ quận liêm khiết, cảnh nhà phong lưu, cưới vợ hiền, đẻ con thông minh, đời được như vậy tôi cho là toàn phúc. Trong lòng mà có cảnh núi hang thì sống ở thành thị cũng như sống ở núi rừng; cảm hứng gởi vào mây khói thì Diêm Phù[19] cũng như Bồng Đảo. Ở thành thị nên lấy tranh làm sơn thuỷ, lấy bồn cảnh làm vườn tược, lấy sách làm bạn. Đón danh sư về dạy con, vào danh sơn mà luyện cử nghiệp, đều là những điều lầm lẫn. Một nhà tu hành bất tất phải giới tửu mà phải giới tục, đàn bà bất tất phải hiểu văn nhưng phải đẹp. Nếu người thu thuế làm cho ta khó chịu thì đóng thuế sớm đi; muốn bàn đạo Phật với nhà sư thì phải thường bố thí. Cái gì cũng dễ quên, chỉ có lòng ham danh là khó quên. Rượu có thể thay trà, trà không thể thay rượu; thơ có thể thay văn, văn không thể thay thơ; khúc có thể thay từ, từ không thể thay khúc[20]; trăng có thể thay đèn, đèn không thể thay trăng; bút có thể thay lời, lời không thể thay bút; người ở gái có thể thay người ở trai, người ở trai không thể thay người ở gái. Điều bất bình nhỏ trong lòng, uống rượu vào có thể tiêu được; điều bất bình lớn trong đời, không dùng gươm không thể dẹp được. Người bận rộn nhiều thì vườn nên ở bên cạnh nhà; người nhàn nhã thì nhà và vườn có xa nhau cũng không hại. Đau, có thể chịu được; ngứa, không thể chịu được; đắng, có thể chịu được; chua, không thể chịu được. Hạc làm cho ta có vẻ nhàn; ngựa làm cho ta có vẻ anh hùng; lan làm cho ta có vẻ ẩn dật; tùng làm cho ta có vẻ cổ kính. Có cái vui sơn lâm ẩn dật mà không biết hưởng là hạng tiều phu, hạng làm vườn và hạng thầy chùa. Có vườn tược, thê thiếp mà không biết vui là bọn phú thương và quan lớn. Nghiên mực của người nhàn phải đẹp mà nghiên của người bận rộn công việc cũng cần phải đẹp. Món ăn ngon mà nuốt cho mau hết, phong cảnh lạ mà đi chơi chỉ lướt qua, tình thâm mà diễn bằng những lời nông nổi, ngày đẹp mà chỉ nghĩ đến chuyện ăn uống; giàu có mà cư xử theo thói kiêu sa; tất cả những hành động đó đều là trái ý trời.Chú thích:[1] Tức “Rocky Mountains ”. (Goldfish).[2] Trong cuốn Candide[3] Một trong Trúc lâm thất hiền đời Tấn, sanh năm 210, mất năm 263; rất ưa rượu và đàn, lưu lại 82 bài thơ Vịnh hoài, đều có giọng lãng mạn chán thế sự.[4] Hai nhà tính dục học Mĩ hiện đại (sexologue). [Sách in là Havelock Hellis và Van de Velde, tôi đã sửa lại theo bản tiếng Anh. Còn từ “tình dục học” (sách in như vậy) trong chú thích này, tôi đã sửa thành “tính dục học” vì trong chương II, tiết I, cụ Nguyễn Hiến Lê dịch chữ sex là tính dục. (Goldfish)].[5] Cả hai đều là văn nhân người Anh. (Goldfish).[6] Đoạn này với đoạn “B.- Vân” ở dưới là những cảnh ngắm trăng, ngâm thơ, đánh cờ…, người phương Tây có thể cho là chứa ít nhiều tình điệu là lạ; chúng ta trái lại, cho là thường, cho nên tôi lược bỏ tới non nửa.[7] Nghĩa là một nửa chỗ còn lại.[8] Bản tiếng Pháp dịch là Lac de l’Ouest (Tây hồ), bản tiếng Hán chép là Lưỡng hồ (hai cái hồ). [Nguyên tác tiếng Anh là West Lake . (Goldfish). [9] Sách in là dừa, tôi tạm sửa lại là dưa. Nguyên tác là melon. (Goldfish).[10] Đê do Tô Đông Pha sai đắp, nên có tên từ đó.[11] Tức đêm mùng bảy tháng bảy âm lịch.[12] Tức: Cháu Trời, trỏ sao Chức nữ.[13] Câu này có lẽ do hai câu dưới đây của Lâm Bô đúc lại:----“Sơ ảnh hoành tà thuỷ thanh thiển----Ám hương phù động nguyệt hoàng hôn”Nghĩa là: Bóng (mai) lưa thưa xiên ngang bên dòng nước trong và nông. Hương thơm thoang thoảng động nhẹ dưới ánh trăng lúc hoàng hôn. Lâm Bô tự Quân Phục, là một thi sĩ đời Tống, đồng thời với Âu Dương Tu. Bài “Sơn viên tiếu mai thi” trong đó trích hai câu thơ trên được Âu Dương Tu rất khen.Chúng tôi còn biết hai câu thơ nữa vịnh mai, cũng rất hay, tiếc rằng không nhớ tên tác giả:----“Nhất chi xung phá song tiền nguyệt,----Bất đáo La Phù mộng diệc hương”.Nghĩa là: Một cành (mai) xung phá mặt trăng ở trước cửa sổ. Chẳng tới núi La Phù mà mộng cũng thơm.La Phù là một danh sơn ở Quảng Đông, tương truyền Cát Hồng, một văn sĩ và triết gia đời Đông Tấn thành tiên ở núi đo.Ta thấy vịnh mai, luôn luôn thi sĩ Trung Hoa khen cái thế đâm ngang của cành cùng cái âm hưởng của hoa; lại tả thêm cảnh trăng hoặc người nữa. [Ngọc Danh trong một bài luận về mai bảo rằng 2 câu “Nhất chi… mộng diệc hương” là của Tô Đông Pha, và dịch thơ như sau: “Song trăng một nhánh mai gầy/ La phù chưa tới hương bay mộng về”. (Goldfish)].[14] Sách in là “nghiền”, có lẽ là do chữ “ghiền” hoặc chữ “nghiện” in lầm mà ra. Tôi tạm sửa lại thành “nghiện”. Nguyên tác tiếng Anh là “hobbies”. (Goldfish).[15] Bản tiếng Pháp dịch là: Sont mal formeés. Nguyên văn tiếng Hán: Bất kết thực… Được hoàn toàn thực là khó thay! Sen kiêm cả chẳng? [16] Sách in là đá, tôi tạm sửa lại thành đất: Có cảnh sơn thuỷ trên đất (Nguyên văn tiếng Anh là: There areLandscapes on earth). (Goldfish).[17] Tức các triết gia thời cổ ngoài Khổng, Lão.[18] Tức các sách của các nhà gần đây.[19] Gốc là tiếng Phạn, trỏ Ấn Độ. Người Trung Hoa dùng tiếng đó để trỏ chung Trung Hoa và các nước Phương Đông. [20] Từ là một thể thơ phổ vào đờn ca, thịnh ở đời Tống; khúc là hí khúc, tức là tuồng, thịnh ở đời Nguyên, Minh.