Dịch giả: Nguyễn Hiến Lê
CHƯƠNG VIII
LẠC THÚ TRONG GIA ĐÌNH

1. TRONG VÒNG ĐÀO CHÚ[1]
 
Tôi vẫn nghĩ rằng tiêu chuẩn của một nền văn minh là cái mẫu vợ chồng, cha mẹ mà văn minh đó đào tạo. Bên cạnh vấn đề giản di mà nghiêm túc đó, mọi thành công khác – như nghệ thuật, triết học, văn học, tiện nghi vật chất – đều hoá ra mờ nhạt, cơ hồ như vô nghĩa lí.
 
Tiêu chuẩn tôi mới đề nghị đó có khả năng lạ lùng này là đặt tất cả nhân loại ngang hàng với nhau, gạt bỏ tất cả những cái gì không cần thiết trong văn minh và văn hóa, để chúng ta có thể xét văn minh và văn hóa một cách giản dị, sáng suốt hơn. Như vậy tất cả những sản phẩm khác của văn minh chỉ còn là những phương tiện để đào tạo nên những người vợ, người chồng, người cha, người mẹ lương hảo hơn. Khi mà chín chục phần trăm loài người là chồng hay vợ, và trăm phần trăm đều có cha mẹ, thì nhất định là nền văn minh cao nhất phải tạo được mỗi người vợ, người chồng, người cha, người mẹ lương hảo nhất, làm cho đời sống sung sướng nhất. Bản chất của những người – đàn ông hay đàn bà – sống chung với ta quan trọng hơn công việc họ làm và các thiếu nữ nên mang ơn nền văn minh nào tạo cho họ được người chồng lương hảo nhất. Tất nhiên sự lương hảo chỉ là tương đối; và lí tưởng về người vợ, người chồng, người cha, người mẹ thay đổi tuỳ thời và tuỳ xứ. Có thể rằng phương pháp tốt nhất để tạo những người chồng người vợ tốt là áp dụng môn ưu sinh học[2] (eugénisme), như vậy đỡ tốn công dạy dỗ trai gái. Vả lại, một nền văn minh không biết tới gia đình hoặc đặt nó xuống hàng thấp nhất thì chỉ sản sinh được những trai gái bất lương.
 
Tôi nhận thấy rằng tôi gần như theo chủ nghĩa sinh vật rồi đấy. Tôi đã theo nó rồi chứ. Đàn ông, đàn bà, ai cũng theo nó cả. Vì dù muốn hay không, chúng ta cũng đều là sinh vật, đều bị những luật tự nhiên về sinh vật chi phối. Chúng ta do sinh vật tính mà sung sướng, do sinh vật tính mà giận dữ, do sinh vật tính mà tham lam, chúng ta có tinh thần tôn giáo hoặc tinh thần hoà bình cũng là do sinh vật tính cả. Chúng ta đều là những sinh vật do cha mẹ sinh ra, hồi nhỏ bú sữa mẹ, lớn lên lập gia đình, sinh con đẻ cái. Có những người không muốn làm cha mẹ, cũng như có những cây không chịu sinh hạt giống, nhưng ai cũng phải có cha mẹ cũng như cây nào cũng phải do một hạt sống mà sinh. Vậy có sự kiện căn bản này: những tương quan đầu tiên trong đời sống là những tương quan giữa nam nữ, và thiếu nhi, và triết học nào không xét về những tương quan cốt yếu đó thì không thể coi là một triết học thích đáng được, không đáng gọi là một triết học.
 
Sự tương quan giữa nam và nữ tự nó không đủ, nó phải tạo ra con cái rồi mới hoá ra hoàn bị. Không một nền văn minh nào truất được cái quyền sinh sản của nam nữ. Tôi biết ngày nay có nhiều người đàn ông đàn bà ở độc thân hoặc kết hôn với nhau mà vì lẽ này hay vì lẽ khác không chịu có con. Tôi cho rằng dù họ viện lí lẽ nào cũng mặc, hễ không sinh con là họ phạm một tội lớn nhất đối với bản thân rồi. Nếu họ không sinh sản được vì cơ thể thì cơ thể họ hư hỏng, có bệnh; nếu vì đời sống đắt đỏ, thì đời sống đó xấu xa; nếu vì mức sống cao quá thì mức sống đó bất hảo; nếu vì một chủ nghĩa cá nhân thì chủ nghĩa đó lầm lẫn; nếu vì cả một tổ chức xã hội thì tổ chức đó tệ hại. Có thể rằng con người thế kỉ hai mươi mốt sẽ thấy chân lí đó, khi khoa sinh vật học tiến bộ hơn. Tôi hoàn toàn tin rằng thế kỉ hai mươi mốt sẽ là thế kỉ của sinh vật học, cũng như thế kỉ mười chín là thế kỉ của tự nhiên học. Khi loài người hiểu mình hơn, nhận rằng chống đối với bản năng của mình chỉ là vô ích, thì sẽ trọng chân lí đó hơn. Đã có vài dấu hiệu đáng mừng rồi đấy vì tâm lí gia Thuỵ Sĩ Jung đã khuyên các nữ bệnh nhân giàu có nên trở về nhà quê nuôi gà, nuôi con và trồng rau. Họ đau vì không hoạt động đúng với luật thiên nhiên của các sinh vật.
 
Không người đàn ông nào thoát li đàn bà mà sống được. Nếu người ta nhận rằng ai cũng có mẹ thì không một người nào có thể miệt thị đàn bà được. Từ lúc oe oe chào đời tới lúc nhắm mắt, đàn ông luôn luôn sống giữa đàn bà: mẹ, vợ, con gái…; nếu không có vợ thì cũng được một người đàn bà săn sóc, hoặc là chị như William Wordsworth, hoặc thím quản gia như Herbert Spencer. Không một triết học nào có thể cứu vớt một kẻ không lập được những tương quan bình thường, thích hợp với mẹ hoặc với chị; và nếu đối với thím quản gia mà cũng không biết cư xử nữa thì chỉ có Trời mới cứu được.
 
Có cái gì bi đát trong đời sống của một người đàn ông không tạo được những quan hệ bình thường với người đàn bà đến nỗi phải than thở như Oscar Wilde: “Đàn ông không thể sống với đàn bà được; mà không có đàn bà cũng không sống được”. Thành thử trong bốn nghìn năm, từ khi có một truyện Ấn Độ về Sáng thế kí cho tới Oscar Wilde ở đầu thế kỉ hai mươi, cái khôn của nhân loại chẳng tiến được chút nào cả, vì ý tưởng của Wilde cũng y như ý tưởng trong truyện Ấn Độ đó[3].
 
2. CHỦ NGHĨA ĐỘC THÂN: SẢN PHẨM LỐ LĂNG CỦA VĂN MINH
 
Sự chấp nhận quan niệm giản dị và tự nhiên về gia đình đó đưa tới hai sự xung đột: Xung đột giữa cá nhân và gia đình; xung đột giữa triết học chủ trí (trọng trí tuệ) và triết học chủ tính (trọng thiên tính, bản năng). Sự xung đột sau khốc liệt hơn vì một người tin ở cái chủ nghĩa cá nhân, có thể rất thông minh, còn một người chỉ tin ở cái trí tuệ lạnh lẽo, chứ không tin ở cái tâm nồng nhiệt, là kẻ điên. Không trọng tính cách tập thể của gia đình, không coi gia đình là một đơn vị xã hội, thì còn có thể tìm một tập thể khác mà thay gia đình; nhưng mất cái thiên tính phối ngẫu, cái thiên tính làm cha mẹ thì vô phương cứu vớt được.
 
Chúng ta phải nhận giả thuyết này là đúng: con người không thể sống cô độc mà sướng được, phải sống chung trong một nhóm mà tôi gọi là cái “đại ngã”. Cái đơn vị “đại ngã” đó có thể là một giáo khu, một trường học, một giáo đường, một thương điếm, một hội kín hoặc một cơ quan từ thiện. Tất cả những tổ chức đó đều có thể thay thế gia đình. Tôn giáo hoặc chính trị có thể thu hút tất cả hoạt động của một người. Nhưng vẫn chỉ có gia đình là một đoàn thể tự nhiên và thực tại về phương diện sinh vật. Nó tự nhiên vì người nào mới sinh ra cũng có gia đình rồi và suốt đời sống trong gia đình; nó thực tại về phương diện sinh vật vì những người trong gia đình đều chung một dòng máu. Người nào không thành công trong đoàn thể tự nhiên đó thì khó thành công trong những đoàn thể khác được. Khổng tử bảo: “Đệ tử trong nhà thì phải hiếu, ra ngoài (xã hội) thì phải đễ, siêng năng và ngay thẳng, yêu mọi người và gần những người nhân. Làm theo những điều đó mà còn dư sức thì hãy học văn” (Đệ tử nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ, cẩn nhi tín, phiếm ái chúng nhi thân nhân. Hành hữu dư lực, tắc dĩ học văn). Ngoài đoàn thể gồm cha mẹ, anh em, chị em đó ra, con người muốn phát biểu và phát triển đến cực độ cá tính của mình còn cần có một người bạn khác giống mà thích hợp với mình để điều hoà, bổ túc cho mình nữa.
 
Phụ nữ nhờ có cảm giác về sinh vật tính sâu sắc hơn đàn ông nên biết rõ điều ấy. Thiếu nữ Trung Hoa nào cũng mơ mộng được bận quần hồng và ngồi kiệu hoa; còn phụ nữ phương Tây thì mơ mộng được bận áo voan và nghe chuông giáo đường khi làm lễ kết hôn. Tôi tin chắc rằng Tạo hoá phú bẩm cho đàn bà tính tình để làm mẹ hơn là làm vợ, nên họ mới có óc thực tế, biết phán đoán, yêu trẻ con và những kẻ yếu, thích săn sóc cho người khác, có nhiều thành kiến, đa cảm… Cho nên triết học mà không kể tới bản năng làm mẹ đó, rán tìm hạnh phúc ở ngoài gia đình cho phụ nữ, là đi lầm đường. Tất cả những người đàn bà vô học hoặc có một học thức lành mạnh đều có mẫu tính, mẫu tính này phát sinh từ hồi nhỏ, càng lớn lên càng mạnh; còn phụ tính của đàn ông ít khi xuất hiện trước ba mươi lăm tuổi, hoặc trước khi con trai hay con gái đầu lòng tròn năm tuổi. Tôi không tin rằng một chàng trai hai mươi lăm tuổi đã muốn có con. Chàng chỉ mê một thiếu nữ nào đó, vô ý mà sinh một đứa con rồi chẳng nghĩ tới nữa, cho tới khi, khoảng ba chục tuổi, chàng mới bỗng nhiên nhận ra rằng mình có một đứa con trai hay gái, có thể dắt nó đi chơi hoặc khoe khoang với bạn bè, và lúc đó chàng mới cảm thấy rằng mình là cha. Đàn bà thì trái lại, cho có con là việc quan trọng nhất trong đời, và khi có con thì từ tính tình đến thói quen đều có thể biến đổi hẳn. Ngay từ khi có mang, họ đã nhìn đời khác trước rồi. Họ đã thấy rõ sứ nạng của mình, mục đích của mình trong đời sống. Tôi đã thấy một thiếu nữ con trong một gia đình Trung Hoa giàu có, được cha mẹ nuông chiều quá đỗi, vậy mà bỗng thành ra can đảm, bỏ ngủ trong mấy tháng để săn sóc con đau. Theo luật tự nhiên, bản năng hi sinh đó không cần thiết cho người cha, vì đàn ông cũng như con vịt hay con ngỗng đực, chỉ lo kiếm ăn nuôi con thôi. Cho nên người đàn bà sẽ đau khổ về tâm lí nếu không sanh con, nuôi con được. Nền văn minh Mĩ làm cho bao nhiêu thiếu nữ diễm lệ như vậy không có cơ hội kết hôn, thì quả thực là không nhân từ với phụ nữ chút nào cả.
 
Tôi xin trở lại vấn đề: “Làm sao sống một đời sung sướng?”. Muốn sống sung sướng thì ngoài những thành công bề ngoài ra, còn cần điều kiện này nữa là bản tính của ta không bị ngăn cản mà được phát ra điều hoà. Tôi vẫn nghi ngờ các ông các bà sống độc thân chỉ lo về những thành công bề ngoài và tưởng rằng có thể hoàn toàn thoả mãn trong những hoạt động về tinh thần, nghệ thuật hay nghề nghiệp mà không cần tới hạnh phúc trong gia đình nữa.
 
Không, tôi không tin như vậy. Những thành công về chính trị, văn chương, nghệ thuật chỉ gây được một chút vui tinh thần nhạt nhẽo, làm sao ví được cái phần thưởng âm thầm nhưng vô cùng chân thực khi thấy con cái mình lớn lên, mạnh lên. Có bao nhiêu văn nhân, nghệ sĩ khi về già còn thoả mãn về những thành công của mình? Và có bao nhiêu người không coi những thành công đó chỉ là sản phẩm của những hoạt động để tiêu khiển, nhất là để mưu sinh? Người ta kể rằng vài ngày trước khi mất, Herbert Spencer ôm trên đùi một chồng mười tám cuốn “Triết học tổng hợp”, thấy nó lạnh và nặng quá, tự hỏi giá lúc đó còn một đứa cháu nội để ôm có phải thú hơn không. Phải dùng đường nhân tạo, bơ nhân tạo, bông gòn nhân tạo cũng là chán ngán rồi, nếu lại phải có những sản phẩm để thay trẻ em thì thực là bi thảm!
 
Về một phương diện khác, nhiều người cho rằng hạnh phúc là vấn đề kiếm được công việc mà mình thích, công việc của đời mình. Tôi tự hỏi chín chục phần trăm đàn ông và đàn bà làm một nghề nào đó có tìm được cái công việc mà họ thích không. Tôi cho rằng câu mà người ta thường đem ra khoe: “Tôi thích công việc của tôi” có chút ý nghĩ chua chát. Có ai mà khoe: “Tôi yêu gia đình tôi” không, vì điều đó tự nhiên quá đi. Một nửa những nhà kinh doanh lại phòng giấy mỗi ngày có cái tâm trạng y như của phụ nữ Trung Hoa đợi lúc sanh đẻ: “Thiên hạ như vậy, thì mình không thể khác được”. Ai cũng nói: “Tôi thích công việc của tôi”. Thốt từ miệng một người coi thang máy, một cô giữ điện thoại, một ông nha y thì câu đó láo khoét; còn thốt từ miệng một nhà xuất bản, một nhân viên địa ốc, một nhân viên chứng khoán thì lời đó quá đáng. Trừ trường hợp những nhà thám hiểm nam, bắc cực, những nhà bác học nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, còn thì chỉ cần cho công việc mình làm được hơi thích thích, tạm vừa ý, cũng là may rồi. Không thể so sánh lòng yêu công việc với lòng mẹ yêu con được. Nhiều người không thấy rõ khuynh hướng của mình và thường đổi nghề; nhưng có người mẹ nào không thấy rõ cái thiên chức của mình là nuôi nấng, dìu dắt con cái khi chúng còn nhỏ không? Nhìn những người chung quanh, chúng ta thấy rằng may mắn có được năm phần trăm là sung sướng vì kiếm được một công việc mà họ thích, còn năm phần trăm cha mẹ đều tìm được lẽ sống trong sự săn sóc con cái đấy ư? Vậy thì đối với một người đàn bà, tìm chân hạnh phúc trong công việc làm mẹ chẳng chắc chắn hơn là tìm nó trong nghề kiến trúc sư ư? Vậy thì hôn nhân chẳng phải là cái nghề thích hợp nhất cho đàn bà ư?
 
Tất nhiên, chúng tôi nói đây là nói về cái lí tưởng trung bình của hạng người trung bình. Đàn bà cũng như đàn ông, có những người tài năng siêu việt mà sức sáng tạo giúp cho thế giới tấn bộ được nhiều. Điểm quan trọng là chúng ta phải đánh đổ cái ý kiến phổ thông coi đời sống gia đình, với nhiệm vụ quan trọng và thiêng liêng của nó, tức nhiệm vụ nuôi nấng dạy dỗ trẻ em, là ti tiện đối với đàn bà; ý kiến đó không hợp tình hợp lí và chỉ có thể phát sinh trong một xã hội mà nền văn hóa không tôn trọng đàn bà, gia đình và bổn phận làm mẹ.
 
3. VẺ GỢI TÌNH CỦA PHỤ NỮ[4] PHƯƠNG TÂY
 
Ngày nay nữ quyền và những đặc quyền xã hội của phụ nữ có tăng lên, nhưng đó chỉ là bề ngoài, bề trong thì tôi cho rằng ngay ở Mĩ cũng vậy, phụ nữ cũng còn bị thiệt thòi. Tôi mong rằng cảm tưởng của tôi sai, rằng trong khi nữ quyền tăng lên thì cái thái độ phong nhã của đàn ông đối với đàn bà không giảm đi. Vì hai cái đó không nhất định phải đi đôi với nhau: Sự tôn trọng phụ nữ một cách chân thực và sự cho phép họ tiêu tiền, được đi đâu tuỳ ý, được tạo xí nghiệp và được bầu cử. Tôi là một công dân của Cựu Thế giới và nhìn đời với nhãn quan cổ hủ, tôi cho rằng có những điều quan trọng và những điều không quan trọng, và phụ nữ Mĩ hơn hẳn các chị em của họ ở Cựu Thế giới về những điểm không quan trọng, còn những điểm quan trọng thì địa vị hai bên rất giống nhau.
 
Phụ nữ tìm đủ cách làm đẹp lòng đàn ông, họ rất săn sóc cái duyên dáng của thân thể họ, ăn bận một cách rất hấp dẫn. Và nghệ thuật đã làm cho đàn ông thời nay để ý tới nữ tính. Chưa bao giờ người ta “khai thác” thân thể phụ nữ như ngày nay, khai thác về thương mãi, từ những đường cong, những uyển chuyển của các bắp thịt tới những móng chân móng tay sơn màu; và tôi không hiểu tại sao phụ nữ Mĩ ngoan ngoãn, chịu cho người ta khai thác đến thế. Một người phương Đông[5], sẽ cho như vậy là không tôn trọng đàn bà. Các nghệ sĩ gọi cái đó là cái đẹp, khán giả gọi cái đó là nghệ thuật, chỉ những nhà dàn cảnh và các ông bầu hát mới ngay thẳng gọi nó là sex-appeal (sự gợi tình của nữ tính) và đàn ông thường lấy vậy làm thích. Hiện tượng đó quả là hiện tượng đặc biệt của một xã hội tạo ra vì đàn ông, do đàn ông chỉ huy, một xã hội trong đó đàn bà khoả thân bị đem trưng ra trước công chúng vì mục đích thương mãi, còn đàn ông thì gần như không khi nào bị vậy, trừ vài anh mãi võ. Đàn bà ở trên sân khấu thì hở hang, gần như khoả thân, còn đàn ông ngồi dưới ngó lên thì ăn bận đàng hoàng, đeo cả cà vạt nữa. Nếu xã hội do đàn bà chỉ huy thì tình trạng đó có đảo ngược không nhỉ? Các nghệ sĩ nghiên cứu thân thể cả của đàn ông lẫn đàn bà, nhưng họ khó kiếm được những người đàn ông thân thể đẹp đẽ chịu làm kiểu cho họ. Các hí viện dùng sự khoả thể của đàn bà để câu khách. Mà các nhà quảng cáo thương mại cũng vớ lấy cái đó, đặt ra trăm phương ngàn kế để đập vào mắt khách hàng. Kết quả là phụ nữ ngày nay có cái ấn tượng sâu sắc rằng phải hi sinh cho nghệ thuật, phải nhịn ăn, bóp bụng, vận động đúng kỉ luật để cống hiến cho thế giới cái đẹp của mình. Cơ hồ như làm thân phận của đàn bà, trừ cách lợi dụng cái đẹp gợi tình của mình ra thì không có cách nào để câu đàn ông nữa.
 
Tôi cho rằng quá chú trọng vào vẻ đẹp gợi tình như vậy là có một quan niệm non nớt và phiến diện về bản chất của phụ nữ, là hiểu lầm về tính cách của ái tình, của hôn nhân, là coi phụ nữ chỉ như một người bạn chứ không phải là một người chủ trong gia đình. Đàn bà sẽ mất cái địa vị làm mẹ đi, chỉ có cái địa vị làm vợ; và tôi nhấn mạnh về điểm này là địa vị cao cả nhất của đàn bà là địa vị làm mẹ; khi đàn bà từ chối địa vị làm mẹ thì mất phần lớn cái tôn nghiêm đi, có thể thành một đồ chơi thôi. Mà ngày nay có bao nhiêu đàn bà không chịu có con vì sợ thân thể sẽ sồ sề, mất vẻ đẹp.
 
Và có bao nhiêu đàn bà đứng tuổi, cố tranh đấu một cách vô vọng với mớ tóc đương bạc, với quang âm thấm thoát? Đã không thể tranh đấu được thì sao không nhận rằng mớ tóc bạc cũng có cái đẹp của nó, như Chu Đỗ trong bài thơ dưới đây:
 
----“Tóc trắng lại thêm vài trăm cọng,
----Mấy lần nhổ hết, nó lại mọc.
----Chẳng bằng đừng nhổ, cho nó trắng,
----Tranh đấu làm chi cho thêm mệt”.
 
Người ta cho một đàn bà lí tưởng là thiếu nữ diễm lệ, thân thể hoàn toàn cân đối; tôi cho rằng đàn bà không lúc nào đẹp bằng lúc cúi trên cái nôi, không lúc nào tôn nghiêm bằng lúc bồng con, và không lúc nào sung sướng bằng nằm trên giường ôm con mà giỡn với nó. Có thể tôi có mặc cảm về mẫu tính, nhưng không sao, vì mặc cảm tâm lí đối với một người Trung Hoa không khi nào có hại cả. Nhưng tôi nghĩ rằng quan niệm của tôi về phụ nữ là do ảnh hưởng của lý tưởng về gia đình của dân tộc tôi.
 
4. LÍ TƯỞNG VỀ GIA ĐÌNH CỦA TRUNG HOA
 
Theo tôi, chương về Sáng tạo trong Sáng Thế Kí[6] cần phải viết lại. Trong truyện Hồng Lâu Mộng[7], nhân vật chính là Giả Bảo Ngọc, một thanh niên được chiều chuộng, đa cảm, thích gần gũi đàn bà và rất phục các chị em họ diễm lệ của chàng, hận rằng mình trót sinh làm nam nhi, có lần nói rằng đàn bà do nước tạo thành, còn đàn ông do đất sét tạo thành, vì đàn bà đều linh lợi, thông minh, kiều mị, khả ái như các cô chị em họ kia, còn đàn ông như chàng thì xấu xa, ngu độn, thô lỗ, tàn bạo. Nếu tác giả Sáng Thế Kí là Bảo Ngọc thì chuyện Sáng tạo chắc đã khác: Thượng Đế lấy một nắm đất sét, nặn một hình người, hà hơi vào mũi và thành Adam (thuỷ tổ của đàn ông). Nhưng không bao lâu Adam nứt nẻ, rớt thành từng miếng. Thượng Đế bèn lấy một chút nước, nặn lại cục đất sét và cái nước thấm vô thân thể Adam đó, Thượng Đế gọi là Eve (thuỷ tổ của đàn bà), như vậy nhờ có Eve mà sinh mệnh của Adam mới hoàn thành. Theo tôi, đó ít nhất cũng là ý nghĩa của hôn nhân. Đàn bà là nước, đàn ông là đất sét, nước thấm vào đất sét mà thành hình; đất sét giữ nước, mà nước lưu động, sinh hoạt được trong đất sét, nên mới có cụ thể.
 
Đời Nguyên, có một hoạ sư danh tiếng là Triệu Mạnh Phủ; bà vợ họ Quản cũng là một hoạ sĩ danh tiếng cũng đã dùng thí dụ nước và đất sét đó tả tình vợ chồng. Lúc hai ông bà đã đứng tuổi, lòng yêu vợ của ông giảm đi, ông muốn cưới một người thiếp. Bà làm bài từ khúc nhỏ này, ông rất cảm động và thôi không nghĩ đến việc nạp thiếp nữa:
 
---“Anh của em, em của anh,
---Giữa chúng ta tình cực đậm đà,
---Cho nên nhiều khi nồng như lửa.
---Lấy một nắm đất sét,
---Nặn thành hình anh,
---Đắp thanh hình em.
---Rồi đạp phá cả hai hình chúng ta, nhào chung lại,
---Lại nặn thành hình anh,
---Lại đắp thành hình em.
---Trong chất đất của em có anh,
---Trong chất đất của anh có em,
---Anh với em, sống thì đắp chung mền,
---Mà chết thì liệm chung quách”.
 
Ai cũng biết đời sống và xã hội Trung Hoa lấy gia đình làm cơ sở. Lí tưởng về gia đình đó do đâu mà có? Câu hỏi đó ít ai đặt ra, vì người Trung Hoa cho điều đó là cố nhiên rồi; còn người ngoại quốc thì không đủ tư cách để giải đáp. Người ta biết rằng Khổng Tử đã cho chế độ gia đình là căn bản triết học, đã đặc biệt chú trọng tới quan hệ vợ chồng, coi nó là giềng mối của những quan hệ nhân loại, đã đề cao đức hiếu, sự thờ phụng tổ tiên.
 
Lí tưởng về chế độ gia đình hiển nhiên chống với lí tưởng về chủ nghĩa cá nhân. Nó quan niệm rằng mỗi người không phải là một cá nhân mà là một phần tử của gia đình; nó dựa trên cái thuyết mà tôi gọi là “trào lưu sinh hoạt”, trong cái triết lí coi sự thực hành thiên tính là mục đích tối hậu của luân lí và chính trị. Không một người nào có thể sống lẻ loi được. Khi nghĩ tới một người nào, nếu ta không coi người đó là một người con, hoặc một người anh, một người cha, một người bạn, thì coi người đó là cái gì? Là một vật trừu tượng chăng? Người Trung Hoa vốn thiên về tư tưởng sinh vật học, cho nên nghĩ ngay đến những quan hệ về phương diện sinh vật học của con người. Do đó gia đình thành một đơn vị tự nhiên và hôn nhân cũng thành một sự kiện gia đình, chứ không phải của cá nhân; và sự nối dõi thành một bổn phận thiêng liêng. Thế kỉ mười bảy, một nhà Nho tên là Nhan Nguyên[8] về già, đi lang thang khắp trong nước để cố tìm một người anh ruột, mong rằng anh có con trai để nối dõi, vì ông không có thể có con được.
 
Trong cuốn “Nước tôi và dân tộc tôi”[9], tôi đã trỏ cái tệ bệnh của chế độ gia đình quá chấp nhất đó, nó có thể biến thành một thái độ tự tư rất có hại cho quốc gia. Nhưng chế độ nào của loài người mà chẳng có tệ bệnh, chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa quốc gia của phương Tây chẳng vậy ư? Tệ bệnh của chủ nghĩa quốc gia đã hiện rõ ở châu Âu ngày nay: Quốc gia đã dễ dàng biến thành một quái vật, như ở vài nước, và nuốt chửng những tự do cá nhân, cả hạnh phúc cá nhân nữa.
 
Cảm giác về ý thức gia đình và danh dự gia đình có lẽ là hình thức duy nhất của tinh thần đoàn thể trong đời sống Trung Hoa. Mỗi phần tử trong gia đình phải thận trọng mỗi hành vi để nhà mình, họ mình không thua sút nhà khác, họ khác. Mỗi đứa con loang toàng làm xấu hổ cho bản thân mà luôn cả cho họ hàng cũng y như một cầu thủ bắt hụt banh mà làm xấu hổ cho toàn đội. Còn người con nào thi đậu cũng như một cầu thủ ăn được một bàn; vẻ vang cho bản thân mà cũng luôn cả cho họ hàng nữa.
 
Trong khung cảnh gia đình, con người trải qua nhiều giai đoạn từ tuổi thơ tới tuổi thanh niên, tuổi thành nhân và tuổi lão niên: mới đầu được người thân săn sóc, rồi lớn lên, lại săn sóc lại người thân, về già thì được cấp dưỡng; mới đầu thì phải vâng lời và kính trọng người trên rồi càng lớn càng được vâng lời và kính trọng trở lại. Khung cảnh đó thêm màu sắc nhờ có thêm người đàn bà ở ngoài vào làm vợ, làm dâu, chứ không phải làm một vật trang sức hoặc một món đồ chơi; tôi nói làm vợ, làm dâu cũng không đúng hẳn, phải nói là làm một phần tử cần thiết và cốt yếu cho cây đại thụ là gia đình; vì có người đàn bà đó thì dòng dõi mới tiếp tục được. Mà sức mạnh của mỗi chi phái trong họ đều tuỳ người đàn bà đó, tuỳ huyết thống, sức khoẻ, sắc đẹp, sự giáo dục của họ. Cho nên người chủ gia đình rất thận trọng trong sự lựa dâu mà cha mẹ nào cũng có bổn phận dạy dỗ con gái để khi xuất giá, nó khỏi làm nhục mình. Theo thuyết “trào lưu sinh mệnh”[10] của tôi, áp dụng vào chế độ gia đình, thì sự trường tồn gần thành ra thực hiện được, thành một cái gì cụ thể. Ông nội nào nhìn cháu đi học cũng cảm thất rằng mình sống trong đứa cháu đó, và khi nắm tay nó hoặc bẹo má nó, cũng biết rằng da thịt nó là da thịt mình, dòng máu nó là dòng máu mình. Đời của mình chỉ là một phần tử của một cái cây lớn là gia đình, hoặc chỉ là một đợt trong cái trào lưu sinh mệnh bất tận, cho nên vui vẻ mà chết. Nỗi quan tâm nhất của cha mẹ ở Trung Hoa là trước khi nhắm mắt thấy con cái cưới gã đáng hoàng, vì có trông thấy nàng dâu, chàng rễ, họ mới tưởng tượng được đời sống của con cái họ sau này ra sau mà mà an tâm được.
 
Do đó mà đời sống lí tưởng của người Trung Hoa là chính mình không làm nhục tổ tiên và không có những đứa con làm nhục tổ tiên. Ông quan nào khi từ chức cũng thường đọc hai câu này:
 
----”Có con, vạn sự đủ;
----Không quan, một thân vui”
 
---- (Hữu tử, vạn sự túc,
----Vô quan, nhất thân khinh).
 
Cũng do đó mà Trung Hoa có nhiều đàn bà goá chịu ở vậy gian nan cực khổ suốt đời nuôi con nhỏ, hi vọng sau này nó thành người, làm vẻ vang cho tổ tiên.
 
Một quan niệm về gia đình như vậy đáng gọi là thoả mãn vì nó để ý tới tất cả các trạng thái của con người về phương diện sinh vật học; nên Khổng Tử đặc biệt chú ý tới nó. Chính thể lí tưởng của ông có nhiều sinh vật tính một cách dị thường. Ông bảo: “Người già được sống yên ổn, trẻ em được săn sóc[11], trong không có thiếu nữ ế chồng, ngoài không có con trai không vợ” (Lão giả an chi, thiếu giả hoài chi; nội vô oán nữ, ngoại vô khoáng phu). Đó là mục đích tối hậu của chính trị, chứ không phải chỉ là một chi tiết đâu. Triết lí nhân tính đó được coi là thứ triết lí đạt tình. Khổng Tử muốn rằng tất cả thiên tính của con người đều được thoả mãn, có vậy mới được yên ổn về đạo đức mà sự yên ổn về đạo đức mới thật sự là sự yên ổn. Đó là một thứ chính trị lí tưởng, mục đích là không cần dùng chính trị mà cũng trị được dân, vì khi nào bản tâm của con người được an ổn thì xã hội mới ổn định.
 
5. HƯỞNG LẠC DƯ NIÊN
 
Theo tôi hiểu thì chế độ gia đình Trung Hoa đặc biệt chú trọng tới trẻ em và người già; vì tuổi trẻ và tuổi già chiếm nửa đời sống của ta, cho nên hai tuổi đó đều cần được cuộc sống vừa ý. Trẻ em yếu đuối hơn người già, không thể tự săn sóc lấy được, nhưng chúng lại không cần nhiều tiện nghi vật chất như người già. Một em nhỏ ít cảm thấy những thiếu thốn về vật chất cho nên một đứa bé nhà nghèo thường thấy sung sướng ngang một đứa bé nhà giàu, nếu không phải là hơn. Nó có thể đi chân không mà thích hơn đi giày dép, còn người già mà phải đi chân không thì khó chịu và khổ tâm lắm. Thỉnh thoảng nó cũng có những nỗi buồn thoáng qua, nhưng rồi nó quên liền. Nó không nghĩ tới tiền, không lo ki cóp như người già. Lí do là nó chưa bị đời sống bức bách như người lớn. Thói quen của nó chưa thành hình, nó chưa thành nô lệ một nhãn hiệu cà phê nào đó, và có thứ gì uống thứ đó. Nó chưa có thành kiến về chủng tộc và tuyệt nhiên không có chút thành kiến về tôn giáo. Ý tưởng và khái niệm của nó chưa thành những nếp cố định. Cho nên, các cụ già cần được giúp đỡ, săn sóc hơn trẻ em, các cụ có những lo lắng, những dục vọng rõ ràng hơn.
 
Dân tộc Trung Hoa thời thượng cổ đã có cái ý thức kính mến tuổi già. Tinh thần đó chỉ có thể ví được tinh thần hiệp sĩ và tinh thần hào hoa phong nhã đối với phụ nữ của phương Tây. Nó được phô diễn minh bạch trong lời khuyên này của Mạnh Tử: “Người tóc bạc không phải đội nặng ở ngoài đường” (Ban bạch giả bất phụ đái ư đạo lộ hĩ), đó là mục đích tối hậu của một chính trị tốt. Ông cũng kể bốn hạng người khốn khổ nhất là hạng quan (đàn ông goá vợ), quả (đàn bà goá chồng), (trẻ con mồ côi), độc (người già không có con). Về hai hạng trên, quan và quả, thì chính phủ phải có một chính sách kinh tế để cho trai có vợ mà gái có chồng. Về các trẻ em mồ côi, theo chỗ tôi thấy thì Mạnh Tử không nói phải xử trí ra sao, nhưng thời nào cũng có những viện mồ côi cũng như những viện dưỡng lão, mặc dù những viện này không thể thay thế gia đình được. Trẻ em mà còn cha mẹ thì được cha mẹ nâng niu rồi, điều đó rất tự nhiên, chẳng cần nhắc nhở ai nữa, vì người Trung Hoa đã nói: “Nước bao giờ cũng chảy xuôi”; nhưng còn cái tình con cháu đối với cha mẹ ông bà thì phải được văn hóa bồi dưỡng nó mới nảy nở. Người nào cũng yêu con; nhưng chỉ người có văn hóa mới kính yêu cha mẹ. Kết quả là ở Trung Hoa, đạo hiếu thành một nguyên tắc được mọi người công nhận, và theo nhiều văn nhân, học giả, thì lòng mong được phụng dưỡng cha mẹ trong tuổi già đã thành một khát vọng. Người Trung Hoa không ân hận gì bằng không được săn sóc cha mẹ khi các người sắp mất, không có mặt bên giường cha mẹ khi các người tắt thở. Hồi xưa có người đi làm ăn xa, về tới nhà thì cha mẹ đã khuất núi, đau xót vô cùng, ngâm lên hai câu này:
 
----”Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng,
----Muốn nuôi cha mẹ mà trời không cho”
 
---- (Thụ dục tĩnh nhi phong bất tức,
----Tử dục dưỡng nhi thân bất tại).
Khi so sánh đời sống phương Đông và phương Tây, tôi không thấy hai bên có những chỗ bất đồng tuyệt đối, trừ điểm này: thái độ đối với người già. Những chỗ bất đồng về thái độ hai bên đối với nam nữ, làm việc, sự du hí, sự thành công đều là tương đối cả. Những quan hệ giữa vợ chồng ở phương Tây không khác ở phương Đông là bao, ngay đến quan hệ giữa cha mẹ con cái, những quan niệm về tự do cá nhân, về dân chủ, những quan hệ giữa dân chúng và nhà cầm quyền cũng vậy. Nhưng về thái độ đối với người già thì phương Tây trái hẳn phương Đông. Điều đó hiện rõ trong cách hỏi tuổi nhau hoặc nói tuổi mình cho người ta biết. Ở Trung Hoa, hai người mới quen nhau, sau khi hỏi tên họ nhau rồi, tất hỏi đến “quí canh”[12] (tuổi) của nhau. Nếu đối phương khiêm nhường đáp mới hai mươi ba hoặc hai mươi tám tuổi thì người ta an ủi liền rằng tiền đồ còn dài và vẻ vang, còn được hưởng nhiều phúc. Nhưng nếu đối phương đáp là ba mươi lăm hoặc ba mươi tám tuổi thì người hỏi vội tỏ ngay vẻ tôn kinh, khen là có phước; mà đối phương càng cao thì lòng tôn kinh càng tăng. Ở Trung Hoa, những ông lão hành khất, râu bạc phơ cũng được đối đãi đặc biệt. Những người vào tuổi trung niên mong tới lúc làm lễ thọ ngũ tuần; hạng thương gia giàu có và hạng quan liêu thì bốn chục tuổi đã làm lễ thọ linh đình. Lễ thọ lục tuần quí hơn lễ ngũ tuần, lễ thất tuần lại quí hơn lễ lục tuần, và người nào làm lễ bát tuần thì được khen là Trời riêng hậu đãi.
 
Tuổi già được trọng như vậy, trách chi nhiều người chẳng muốn già. Trước hết người già đặc quyền nói, còn người trẻ phải làm thinh mà nghe; cho nên tục ngữ Trung Hoa có câu: “Thiếu niên dùng tai chứ không dùng miệng” (Thiếu niên dụng nhĩ bất dụng khẩu). Ai mà chẳng muốn được nói và được người khác nghe mình, cho nên về già thì càng có nhiều cơ hội hưởng cái vui đó. Mà người trẻ thì cứ tuần tự đợi lúc lớn tuổi sẽ đến phiên được trọng như vậy.
 
Mặc dầu tôi đã quen với đời sống phương Tây và biết thái độ của người phương Tây đối với người già, mà bây giờ đôi khi tôi còn thấy chướng tai khi họ nói chuyện với nhau. Chẳng hạn một bà lão nọ có nhiều cháu nội rồi, bảo rằng mỗi lần trông thấy thằng cháu lớn, là bà lại khó chịu. Ý bà muốn nói rằng thấy nó lớn quá mà nhớ đến tuổi cao của mình. Một bà lão khác, tóc cũng đã trắng xoá, bên cạnh ai nói về tuổi tác của bà là bà quay mặt đi, không muốn nghe, thái độ đó, thực tôi không hiểu nổi. Một lần khác, thấy một bà lão lên thang máy, tôi nhường chỗ cho bà, sơ ý nhắc đến tuổi già của bà, bà ta bất bình, nói với một bà khác ngồi bên: “Gã đó tưởng còn trẻ hơn tôi nhiều lắm ư?”.
 
Nghe một ông lão còn khang kiện khoe với người khác rằng mình còn “trẻ”, hoặc nghe người khác khen ông lão còn “trẻ”, tôi cứ cho rằng có sự lầm lẫn về ngôn ngữ. Phải còn là “già còn khoẻ mạnh”, chứ sao lại nói là còn “trẻ”? Già mà còn khoẻ mạnh là hạnh phúc lớn nhất của con người; như vậy mà gọi là “trẻ”, chẳng hoá ra giảm giá trị của hạnh phúc đó ư? Không có gì đẹp bằng một ông già minh mẫn, hiền từ, khoẻ mạnh, “mặt hồng hào mà râu bạc phơ”, ôn tồn bàn về thế sự nhân tình một cách rất từng trải. Người Trung Hoa hiểu điều đó nên thường vẽ những hình ông lão da hồng hào, tóc bạc vừa trang nghiêm, vừa vui vẻ vuốt chòm râu dài.
 
Tôi cho rằng sở dĩ người già ở Mĩ vẫn tiếp tục làm lụng hăng hái là vì họ theo chủ nghĩa cá nhân một cách thái quá, tự đắc, muốn độc lập, cho sự nhờ vả con là tủi nhục. Trong số bao nhiêu nhân quyền mà người Mĩ ghi vào Hiến pháp của họ, lạ lùng thay họ không quên kể cái quyền được con cái phụng dưỡng, vì đó là một cái quyền của cha mẹ, một bổn phận của con cái chứ không phải chỉ là một sự cưu mang, giúp đỡ. Ai có thể chối cãi được rằng cha mẹ hồi trẻ làm việc để nuôi con, mất ăn mất ngủ khi chúng đau ốm, săn sóc, dạy bảo chúng suốt một phần tư thế kỉ, rồi khi về già, không được cái quyền chúng nuôi lại, kính mến? Người Trung Hoa không có cái quan niệm cá nhân độc lập, vì sống, theo họ là giúp đỡ lẫn nhau trong gia đình; như vậy thì về già được con cái đền đáp lại, không phải là một điều xấu hổ, trái lại là một sự hân hạnh. Ở Trung Hoa, mục đích sinh tồn chỉ có vậy.
 
Tại phương Tây, những ông già bà lão lánh mặt đi, thích sống trong một lữ quán, ngủ ở đó, ăn ở đó, xa con cái, không muốn xen vô đời sống của chúng. Nhưng cha mẹ già cả thì có quyền như vậy chứ, mà nếu như vậy là quấy rầy con thì sự quấy rầy đó cũng tự nhiên, vì tất cả cuộc sinh hoạt, nhất là cuộc sinh hoạt trong gia đình mà một bài học tập cho ta chịu đựng sự bó buộc. Nếu không chịu đựng được sự cha mẹ già yếu của mình thì còn chịu đựng được ai trong nhà nữa? Không tập chịu đựng thì hôn nhân sẽ đổ vỡ. Dù những người bồi lữ quán có tận tâm tới mấy, cũng không thể thay thế sự săn sóc, làm yêu mến, kính trọng của con cái được.
 
Cái tục thần hôn định tỉnh[13], một số nhà văn ngày nay cho là di tích của chế độ phong kiến, nhưng nó có cái vẻ đẹp của nó. Điểm quan trọng là ai cũng muốn sống lâu và nếu trời cho sống lâu thì tới một thời phải già. Nếu ta bỏ chủ nghĩa cá nhân vô ý thức, nó giả định rằng con người có thể sinh tồn trong cảnh trừu tượng, có thể trực tiếp độc lập được, thì ta phải tổ chức đời sống của ta ra sao cho thời kì vui vẻ nhất trong đời sẽ thuộc về tuổi già ở trước mặt ta, chứ không phải thuộc về tuổi thơ ở sau lưng ta. Vì nếu ta có thái độ ngược lại thì ta cứ phải vô vọng chiến đấu hoài với thời gian, cố níu lại cái tuổi xuân mà không sao níu được, phải tự dối mình rằng chưa già, nhưng ai có thể tự dối mình hoài được? Đã không chống nổi với luật tự nhiên thì sao chẳng thuận theo tự nhiên mà hưởng lạc trong tuổi già? Đời người là một khúc hoà tấu; chung tiết của khúc đó nên hoà bình, êm đềm, thư sướng, mãn túc chứ không nên ồn ào chói tai vì tiếng trống nứt bể và tiếng chũm choẹ vỡ loảng xoảng.
Chú thích:
[1] Chữ trong Cung Oán Ngâm Khúc: Ý cũng sắp ra ngoài đào chú.
[2] Khoa học cải lương nhân chủng học bằng cách đào thải những giống xấu, mà bảo vệ, cải thiện những giống tốt.
[3] Trong đó như vầy: Thượng Đế tạo ra Đàn ông trước, rồi mới lấy vẻ đẹp của hoa, tiếng hót của chim, màu sắc của cầu vòng, sự mềm mại của gió, sự giảo hoạt của loài hổ, sự vô thường của mưa… tạo nên Đàn bà; rồi cho làm vợ Đàn ông. Đàn ông mừng lắm, dắt Đàn bà đi. Nhưng ít lâu sau, đem trả lại Thượng Đế vì chịu Đàn bà không nổi. Thượng Đế bằng lòng, thu Đàn bà về. Ít lâu sau, Đàn ông lại xin Thượng Đế trả lại, vì vắng Đàn bà sống không nổi. Thượng Đế lại chiều lòng trả lại. Lần thứ ba, lại trả Thượng Đế, Thượng Đế cũng chịu. Lần thứ tư, lại xin lại, Thượng Đế cũng chịu nhưng bảo: Từ nay vui khổ thì chịu lấy, đừng quấy rầy ta nữa. Lần này là lần cuối cùng đấy.
[4] Nguyên văn là Sex appeal, một danh từ Mĩ không thể dịch ra tiếng Pháp hoặc ra tiếng Việt được: nó tựa như tiếng charme của Pháp hoặc tiếng duyên của ta nhưng hàm nghĩa gợi tình hơn, gần như gợi tính dục nữa. Bản Trung Hoa dịch là tính đích hấp dẫn (sự hấp dẫn của nữ tính).
[5] Hồi tác giả viết cuốn này. Nay đã khác.
[6] Chương trong Thánh kinh về sự sáng tạo thế giới.
[7] Tiểu thuyết tả chân danh tiếng nhất đời Thanh, của Tào Tuyết Cần (1719-1764).
[8] Hiệu Tập Trai (1635-1704), một triết gia trong phái kinh học đời Thanh: nghiên cứu thẳng các kinh truyện, chứ không theo Hán học hay Tống học.
[9] My country and my people. Cuốn này rất nổi danh, giới thiệu Trung Hoa với Âu Mĩ.
[10] Nghĩa là sinh mệnh truyền đời nọ đến đời kia liên miên bất đoạn, như những đợt sóng trên một dòng nước. [Nguyên văn tiếng Anh là: “stream-of-life”. (Goldfish)].
[11] Bản tiếng Pháp dịch: người trẻ phải tập yêu và tập trung thành (les jeunes doivent apprendre à aimer et à être fidèles). [Nguyên văn tiếng Anh là: the young shall learn to love and be loyal. (Goldfish)].
 
[12] Sách in là “quí danh”, tôi sửa lại là “quí canh” (貴庚) theo bản Sinh hoạt đích nghệ thuật. Nguyên văn tiếng Anh là: “glorious age”. (Goldfish).
[13] Thần hôn định tỉnh là nói về bổn phận của người con hiếu thảo đối với cha mẹ là: buổi sáng sớm vào hỏi thăm cha mẹ xem có ngủ được yên giấc không, và buổi tối cũng vào hỏi thăm cha mẹ có khỏe không? (theo Cao Đài từ điển). (Goldfish).